Trang chủ Hệ phái Những lời gốc Phật dạy – Tập 3 – Phần 4

Những lời gốc Phật dạy – Tập 3 – Phần 4

Lòng còn tham muốn là cái nhân của tội ác. Người tu theo Đạo Phật phải thấy rõ cái nhân này: “Tâm tôi có tham tôi biết tâm tôi có tham”, tức là tôi biết tâm tham là nhân của tội lỗi. Do đó, tôi phải ngăn và diệt nó, ngăn và diệt cái nhân tội lỗi là diệt lòng tham muốn của mình.

Đăng bởi: Phí Thanh Hoa
ISSN: 2734-9195

Lòng còn tham muốn là cái nhân của tội ác. Người tu theo Đạo Phật phải thấy rõ cái nhân này: “Tâm tôi có tham tôi biết tâm tôi có tham”, tức là tôi biết tâm tham là nhân của tội lỗi. Do đó, tôi phải ngăn và diệt nó, ngăn và diệt cái nhân tội lỗi là diệt lòng tham muốn của mình.

Tiếp theo: Những lời gốc Phật dạy – Tập 3 – Phần 3

GIỚI HẠNH I

LỜI PHẬT DẠY

Giới hạnh là trí tuệ, trí tuệ là giới hạnh. Có giới hạnh, có trí tuệ, thì lời nói mới thành thật không hư dối, hành động và ý nghĩa không ác độc”.

CHÚ GIẢI:

Muốn hiểu lời dạy này thì chúng ta phải hiểu cho rõ ràng những từ ngữ. Vậy giới hạnh là gì?

Giới là giới luật, là những điều ngăn cấm, là những pháp thiện. Hạnh là hành động, là đức hạnh.

Giới hạnh là những hành động thiện, những hành động mang lại sự an vui cho mình, cho người, cho tất cả chúng sanh.

Trí tuệ là sự hiểu biết của ý thức, chứ không phải trí tuệ Tam Minh. Xin quý bạn hãy phân biệt cho rõ ràng. Có thể câu này dịch sửa lại “Giới hạnh là tri kiến giải thoát”. Từ ngữ trí tuệ dễ khiến cho mọi người hiểu lầm mình có trí tuệ. Con người chỉ có tri kiến chứ chưa có trí tuệ, ngoại trừ những bậc tu chứng Tam Minh. Nhưng tại sao ở đây nói giới hạnh là tri kiến giải thoát?

Đúng vậy, ở đâu có tri kiến giải thoát là ở đó có đức hạnh. Lời dạy trên đây xác định đạo đức làm người rất rõ ràng. Người có đức hạnh không làm khổ mình, khổ người là người phải có tri kiến giải thoát.

Phần đông, trong cuộc đời của chúng ta người nào cũng có tri kiến, nhưng tri kiến không có giới hạnh. Tri kiến không có giới hạnh là tri kiến khổ đau, tri kiến ác, tri kiến dục làm khổ mình, khổ người.

Lời dạy bảo trên đây của đức Phật rất thực tế trên đường tu hành theo đạo giải thoát “Ai có giới hạnh là có tri kiến giải thoát, ai có tri kiến giải thoát là có giới hạnh”.

GIỚI HẠNH II

LỜI PHẬT DẠY

Giới hạnh” có thể làm thanh tịnh “trí tuệ”, “trí tuệ” có thể làm thanh tịnh “giới hạnh”.

CHÚ GIẢI:

Khi một hành giả sống một đời sống đạo đức thì đạo đức là giới hạnh. Giới hạnh làm cho tri kiến không có khởi ác niệm, không có những hành động ác, không có những lời nói ác. Nhờ thế được xem là tri kiến thanh tịnh tức là tri kiến giải thoát hay nói cách khác là tri kiến không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh, tức là sự hiểu biết thanh tịnh.

Cho nên, lời dạy này có một giá trị rất lớn về đời sống đạo đức nhân bản – nhân quả, sống không làm khổ mình, khổ người. Vì thế kinh dạy: “Giới hạnh có thể làm thanh tịnh tri kiến, tri kiến có thể làm thanh tịnh giới hạnh”. Đó là cách thức sử dụng tri kiến giải thoát của chúng ta để vượt ra khỏi qui luật của nhân quả, để làm chủ sự sống chết và chấm dứt luân hồi của  kiếp làm người.

Chúng ta ai cũng biết đời sống con người là khổ đau là nhiều tai ương hoạn nạn. Thế mà chỉ biết cách sử dụng tri kiến và giới luật thì mang lại cho chúng ta một đời sống Thiên Đàng Cực Lạc tại thế gian này chứ không phải tìm nơi vô hy vọng.

THẦN THÔNG

LỜI PHẬT DẠY

Ta quyết không bao giờ chỉ dạy Tỳ kheo tu tập niệm ra thần túc thông.

Ta chỉ dạy cho các đệ tử nên ở chỗ thanh vắng, yên lặng tư duy về đạo lý. Nếu có công đức nào thì tự che giấu, nhưng có lỗi lầm nào thì phải tự mình bày tỏ sám hối”.

CHÚ GIẢI:

Lời dạy trên đây của đức Phật đã xác định Đạo Phật là một tôn giáo dạy đạo đức, chứ không phải là một tôn giáo dạy thần thông, mang đầy tính chất huyền bí, ảo giác, trừu tượng, mê tín, thần thông, pháp thuật, như Đại Thừa, Mật Tông, v.v.. mà từ lâu người ta đã nghĩ. Do nghĩ sai về Phật giáo quá nhiều nên người ta các nhà Đại Thừa xây dựng Phật giáo thành một tôn giáo kỳ quái. Theo kinh sách phát triển Đại Thừa, mỗi khi đức Phật đăng đàn thuyết pháp thì nhập vào tam muội phóng hào quang rực rỡ đủ màu sắc, rồi hiện Phật hoá thân từ trên trời bay xuống.

Những lời dạy giàu tưởng tượng như vậy không đúng là lời Phật dạy. Vì bài kinh trên đây đã xác định điều đó. Phải không các bạn? Thế mà các Tổ dám bịa đặt chẳng có cơ sở.

Chúng tôi xin lập lại lời dạy trên đây của Phật, để xác định cho các bạn thấy rằng: Phật giáo thiết thực, cụ thể, không có dạy những điều mê tín, mơ hồ, trừu tượng v.v.. mà lời nói của Ngài rất quả quyết và nhất định không có dạy thần thông. Cho nên, các bạn đến với Đạo Phật là đến với nền đạo đức nhân bản – nhân quả: “Ta quyết không bao giờ chỉ dạy Tỳ kheo tu tập niệm ra thần túc thông. Ta chỉ dạy cho các đệ tử nên ở chỗ thanh vắng, yên lặng tư duy về đạo lý. Nếu có công đức nào thì tự che giấu, nhưng có lỗi lầm nào thì phải tự mình bày tỏ sám hối”.

Thưa các bạn! Các bạn có nghe chăng lời khuyên dạy này: “Nên ở chỗ thanh vắng tư duy về đạo lý” Nên ở chỗ thanh vắng tư duy về đạo lý là ý đức Phật muốn dạy chúng ta tu tập pháp môn nào?

Câu trên đây đức Phật dạy chúng ta tu tập Định Vô Lậu. Định Vô Lậu tức là sự tư duy về đạo lý. Do người nào biết tu tập Định Vô Lậu thì cuộc sống ở thế gian chính là đang ở Thiên đàng, Cực Lạc, v.v..

Câu kế đức Phật dạy: “Nếu có công đức nào thì tự che giấu, nhưng có lỗi lầm nào thì phải tự mình bày tỏ sám hối”Lời dạy này quá tuyệt vời. Khi tu tập có kết quả thì không được nói ra, vì nói ra là do tâm ngã mạn. Tâm ngã mạn khiến cho sự tu hành càng thêm dục. Thay vì ly dục ly ác pháp, diệt ngã xả tâm thì lại nuôi lớn bản ngã và dục. Tu hành khi có công đức nào thì chỉ có trình cho vị Thầy hướng dẫn mình để Người xác định những công đức đó đúng hay sai, ngõ hầu tránh sự tu sai cho mình.

Còn thấy mình tu tập có lỗi lầm nào, thì phải tự mình bày tỏ sám hối với vị Thầy để Người khuyến cáo và sách tấn giúp mình có nghị lực khắc phục những ác pháp ấy cho bằng được. Nhờ đó, con đường tu tập mỗi ngày mỗi tiến về phía trước hơn.

NGƯỜI XUẤT GIA CÓ HAI VIỆC CẦN PHẢI LÀM

LỜI PHẬT DẠY

1-Im  lặng như Thánh

2- Thưa hỏi pháp ngữ”

CHÚ GIẢI:

Trong cuộc đời tu hành, muốn đạt kết quả giải thoát, thì có hai điều kiện các bạn cần nên nhớ và còn phải chấp hành nghiêm túc.

+ Điều thứ nhất: “Phải im lặng như Thánh”. Có nghĩa là các bạn khi khép mình vào khuôn khổ tu hành thì các bạn không nên hội họp nói chuyện. Không nên hội họp nói chuyện để làm gì các bạn biết không? Để tâm không phóng dật các bạn ạ! Đó chính là việc quan trọng nhất cho đời tu của các bạn. Nếu các bạn xem thường sự im lặng như Thánh là các bạn đã phản bội lại đường tu tập của mình (phản lại Phật giáo).

+ Điều thứ hai: “Phải thưa hỏi pháp ngữ”. Có nghĩa khi tu tập phải thưa hỏi cho kỹ lưỡng rồi mới tu tập. Trong khi tu tập có điều chi bất ổn thì phải thưa hỏi để chỉnh sửa cho đúng cách, cho đúng pháp. Nếu không hỏi pháp ngữ thì sự tu tập sẽ tu tập sai pháp, có thể đi đến bệnh tật, điên khùng, rối loạn thần kinh.

Trên đây là hai điều kiện mà hành giả cần phải ghi nhớ, nếu không làm đúng hai điều kiện trên đây, thì cuộc đời tu hành của các bạn chỉ hoài công, vô ích mà thôi.

Các bạn nên nhớ hột cơm của đàn na thí chủ rất nặng, công ơn người nấu cho các bạn ăn cũng khó báo đáp, vì các bạn ngồi không mà ăn, thì các bạn liệu sức tu tập của mình đừng để mang nợ vào thân không biết đời nào các bạn trả xong. Nhưng các bạn đừng sợ, khi các bạn giữ gìn giới luật nghiêm túc thì công đức của các bạn rất lớn, nó như là thành trì bảo vệ, nó như phước điền để chúng sanh gieo trồng hạt giống giải thoát trên đó.

Trên đường tu tập có hai điều kiện quan trọng mà Phật đã dạy:

1- Im lặng như Thánh.

2- Thưa hỏi pháp ngữ.

Nếu các bạn giữ gìn chẳng hề vi phạm hai điều kiện trên đây thì cuộc sống của bạn là sự giải thoát thì còn đâu là nợ đàn na thí chủ nữa. Phải không các bạn?

NGHĨA CỦA CÁC PHÁP

LỜI PHẬT DẠY

1- Nói trì giới là chỉ cho tâm ly dục, ly ác pháp.

2- Nói dục là chỉ cho bất tịnh.

3- Nói lậu hoặc là chỉ cho đau khổ.

4- Nói tịnh chỉ các hành trong thân là chỉ cho làm chủ sự sống chết.

5- Nói Tam Minh là chỉ cho tâm vô lậu, chấm dứt luân hồi tái sinh.

6- Nói Niết Bàn là chỉ cho tâm vô dục, bất động giải thoát”.

CHÚ GIẢI:

Trên đây là sáu điều mà người tu sĩ Phật giáo cần phải ghi nhớ canh cánh bên lòng:

+ Điều thứ nhất: “Nói trì giới” thì chúng ta phải hiểu nghĩa là giữ gìn giới luật cho nghiêm chỉnh, không được vi phạm một lỗi lầm nhỏ nhặt nào. Thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt. Đó là vì mục đích ly dục ly ác pháp để tâm bất động hoàn toàn không bị các ác pháp tác động. Có như vậy mới gọi là tâm thanh tịnh giải thoát. Và chúng ta còn phải hiểu khi tâm ly dục ly ác pháp, thì chúng ta mới nhập được Sơ Thiền. Một loại thiền trong Tứ Thánh Định của Phật giáo mà trên hành tinh này không có một tôn giáo nào có pháp môn thiền định như vậy được.

+ Điều thứ hai: “Nói dục” thì chúng ta phải hiểu nghĩa là lòng ham muốn. Nếu không xa lìa, từ bỏ lòng ham muốn thì cuộc đời tu hành của chúng ta chỉ hoài công vô ích mà thôi. Nếu không ly dục thì không bao giờ tâm thanh tịnh. Tâm không thanh tịnh thì khó cho chúng ta có đủ bảy năng lực Giác Chi để nhập các định chứng Tam Minh. Cho nên, tâm còn ham muốn dù sự ham muốn ấy nhỏ như hạt cát thì chúng ta cũng khó mà tìm thấy sự giải thoát thân tâm mình.

Lời Phật dạy ngắn gọn, cô đọng: “Nói dục là chỉ cho tâm bất tịnh”. Còn dục là tâm không thanh tịnh. Tâm không thanh tịnh dù có ngồi thiền năm, bảy ngày, một tháng, hai tháng, một năm… thì thiền định ấy vẫn là tà thiền, tà định. Còn tâm ly dục ly ác pháp dù không ngồi thiền nhập định năm, bảy ngày thì tâm ấy cũng vẫn là tâm nhập định. Xin các bạn lưu ý ở điểm sai khác thiền định của Phật và thiền định của ngoại đạo là ở điểm này. Cho nên, Phật giáo lấy giới luật tu tập mà thành thiền định. Còn những ai tu pháp môn nào mà Đại Thừa và Thiền Tông phá giới, phạm giới, bẻ vụn giới nên dù ngồi thiền năm bảy ngày, một tháng hai tháng… vẫn là thiền tưởng mà thôi.

+ Điều thứ ba: “Nói lậu hoặc” thì chúng ta phải hiểu nghĩa là sự đau khổ, chứ đừng hiểu theo nghĩa của Đại Thừa là rò rỉ. Theo tự điển Phật Học Việt Nam thì lậu hoặc có nghĩa là phiền não. Nghĩa phiền não là chỉ cho tâm đau khổ thì chưa đủ nghĩa, còn thiếu phần thân. Cho nên, ý của đoạn kinh này, lậu hoặc là chỉ cho sự đau khổ của thân và tâm. Mục đích tu hành theo Phật giáo là làm cho hết sự đau khổ của thân tâm. Hết sự đau khổ của thân tâm mới được gọi là vô lậu.

Ví dụ: Thân bị bệnh tật, đau nhức khổ sở cũng gọi là lậu hoặc, chứ không phải chỉ riêng có tâm phiền não. Cho nên, nói lậu hoặc là chỉ chung cho sự đau khổ của thân và tâm. Vì thế, khi một vị chứng quả A La Hán gọi là bậc vô lậu, là bậc không còn đau khổ thân tâm, bậc bất động trước các pháp ác (phiền não) và các cảm thọ (sự đau nhức).

Người còn phiền não giận hờn thương ghét…, người còn bệnh tật khổ đau, rên rỉ thì không thể gọi là vô lậu. Cho nên, đức Phật xác định một câu ngắn gọn: “Nói lậu hoặc là chỉ đau khổ”. Hết lậu hoặc là hết đau khổ. Con đường tu theo Phật giáo là phải hết lậu hoặc. Bậc vô lậu là bậc giải thoát của Phật giáo. Xin các bạn lưu ý lời dạy này để thấy rõ mục đích của Phật giáo.

+ Điều thứ tư: “Nói tịnh chỉ các hành” thì chúng ta phải hiểu nghĩa là các sự hoạt động trong thân đều ngơi nghỉ, ngưng hoạt động. Tịnh chỉ các hành tức là đình chỉ hơi thở ra, vô.

Người có đủ năng lực làm ngừng hơi thở là người làm chủ sự sống chết. Người làm chủ được sự sống chết là người nhập Tứ Thiền.

Lời dạy này rất rõ ràng, đây là nhập Tứ thiền làm chủ sự sống chết. Tại sao chúng tôi biết đây là lời dạy nhập Tứ Thiền? Vì trong kinh đức Phật có dạy: “Tịnh chỉ hơi thở nhập Tứ Thiền”. Và ở đây câu này Phật dạy: “Nói tịnh chỉ các hành trong thân”. Các hành trong thân, tức là hơi thở vô và hơi thở ra. Do kinh dạy tịnh chỉ các hành trong thân, nên chúng tôi biết là tịnh chỉ hơi thở. Tịnh chỉ hơi thở là nhập Tứ Thiền. Qua lời dạy này chúng tôi biết chắc chắn đây là nhập Tứ Thiền làm chủ sự sống chết. Các bạn cứ suy nghĩ xem lập luận như vậy có đúng không?

Theo nghĩa lời dạy trên của đức Phật, khi muốn làm chủ sự sống chết thì phải nhập Tứ thiền. Tứ Thiền là một loại thiền định với mục đích của nó là giúp chúng ta tịnh chỉ hơi thở. Ngoài thiền định này ra thì không còn có một thứ thiền định nào làm chủ sống chết được. Đó là một sự xác quyết chắc chắn không thay đổi của Phật giáo. Thiền mà làm chủ được sự sống chết như vậy, nên được gọi là Tứ Thánh Định. Tứ Thánh Định không hổ danh là loại thiền định của các bậc Thánh.

Một người tu hành muốn làm chủ sanh tử luân hồi thì phải tu tập Tứ Thánh Định. Tứ Thánh Định gồm có bốn Thiền:

1- Sơ Thiền.

2- Nhị Thiền.

3- Tam Thiền.

4- Tứ Thiền.

Muốn tu tập bốn thiền này thì phải tu tập ly dục ly ác pháp. Và chúng ta ai cũng biết ly dục ly ác pháp là giới luật, là thiện pháp.

Tóm lại, muốn tu tập làm chủ sự sống chết thì phải sống nghiêm chỉnh Giới luật và tu tập Tứ Niệm Xứ để tịnh chỉ hơi thở nhập Tứ Thánh Định.

+ Điều thứ năm: “Nói Tam Minh là chỉ cho tâm vô lậu”.

Tam Minh nghĩa là gì? Tam Minh nghĩa là trí tuệ hiểu biết vượt ra khỏi không gian và thời gian, tức là sự hiểu biết vũ trụ như thật, chứ không phải sự hiểu biết hạn hẹp của ý thức. Sự hiểu biết như vậy còn được gọi một cái tên khác là liễu tri. Trí thức bị hạn chế trong không gian và thời gian nên thấy và hiểu biết mọi sự vật bằng tưởng, không như thật. Ví dụ: Thấy thế giới hữu hình này là thật. Thấy thế giới siêu hình là thật, linh hồn người chết, Thần Thánh, quỷ, ma… là có thật. Đó là cái hiểu biết của tưởng tri.

Người tu hành mà có được trí tuệ Tam Minh thì thấy thế giới hữu hình và vô hình là không có thật, chỉ là những thế giới ảo tưởng. Do thấy 2 thế giới không thật có nên không thấy có ta, của ta, bản ngã của ta. Do thật thấy không phải của ta như vậy, nên không thể tương ưng trong hai thế giới này. Không tương ưng tức là vô lậu, vô lậu nên chấm dứt tái sanh luân hồi. Cho nên Phật dạy: “Nói Tam Minh là chỉ tâm vô lậu”. Tâm vô lậu tức là tâm chấm dứt luân hồi tái sinh.

Như vậy, chúng ta đã hiểu rõ: nhập được Tứ Thiền là làm chủ sự sống chết. Còn đạt được trí tuệ Tam Minh thì chấm dứt luân hồi tái sanh. Những lời dạy này các bạn cứ suy ngẫm rồi mới tin. Và khi tin thì các bạn hãy nên sống và tập luyện đúng pháp. Khi sống và tu tập đúng pháp thì chừng đó các bạn mới chứng minh lời Phật dạy là như thật.

Điều thứ sáu: “Nói Niết bàn là chỉ cho tâm vô dục, bất động giải thoát”. Lời dạy này chúng ta phải hiểu nghĩa những từ vô dục, bất động. Vậy vô dục và bất động nghĩa là gì?

Vô dục nghĩa là không còn ham muốn, còn bất động nghĩa là không bị lay động. Niết Bàn của Phật là ở chỗ trạng thái tâm không còn ham muốn và không bị lay động.

Với mục đích muốn được tâm vô dục và bất động thì phải tu tập tâm ly dục ly ác pháp. Vậy tu tập như thế nào để tâm ly dục ly ác pháp?

Ly dục tức là không làm theo lòng ham muốn của mình; ly ác pháp là lìa xa, không làm theo các pháp ác, ngăn chặn các pháp ác không cho xâm chiếm vào tâm. Khi tâm không còn ham muốn (vô dục) và tâm bất động trước các ác pháp, đó là mục đích Niết Bàn của Đạo Phật.

Niết Bàn của Đạo Phật là một sự thật, chứ không phải là một cảnh giới siêu hình. Bởi vậy Đạo Phật là đạo như thật, nên trong Đạo Phật không có một điều gì trừu tượng, ảo giác khiến cho mọi người khó hiểu. Khi Phật giáo bị dìm mất thì Bà La Môn phát triển biến giáo pháp của mình thành giáo pháp của Đạo Phật. Vì thế, Đạo Phật trở thành một tôn giáo mê tín, lạc hậu, đạo đức thì mất hết chỉ còn những việc làm mê tín như cúng bái cầu siêu, cầu an, cúng sao giải hạn, xem ngày giờ tốt xấu, xin xăm bói quẻ, v.v.. Những việc làm này, hôm nay đã trở thành một nghề nghiệp cúng bái tụng niệm trong các chùa. Một nghề nghiệp lừa đảo mọi người, làm mọi người mất trí tuệ, mất sức tự lực, chỉ còn lại với tinh thần yếu đuối cầu cúng van xin thật là đau lòng. Phải không các bạn?

GIỚI CỤ TÚC

LỜI PHẬT DẠY

Người tu sĩ còn tự nuôi bằng những tà mạng, các loại nghề nghiệp, thì không thành giới cụ túc, còn ngược lại chỉ đi xin ăn ngày một bữa thì mới thành cụ túc giới”.

CHÚ GIẢI:

Nghề nghiệp duy nhất của người tu sĩ theo Phật giáo, là chỉ có nghề đi ăn xin và ăn ngày một bữa, còn tất cả các nghề khác không phải là nghề của người tu sĩ Phật giáo. Như lời Phật dạy trên đây, ngoài nghề đi khất thực xin ăn, người tu sĩ Phật giáo hành các nghề khác thì giới luật cụ túc không thành.

Chúng tôi xin kể một số các nghề khác trong Phật giáo hiện giờ để các bạn tư duy thấy rằng tu sĩ Phật giáo hiện giờ có phải là tu sĩ Phật giáo thật hay là tu sĩ của Bà La Môn?

1/ Nghề cúng bái cầu siêu, cầu an.

2/ Nghề coi ngày giờ tốt xấu.

3/ Nghề cúng sao giải hạn.

4/ Nghề tụng kinh trị bệnh tà, ma.

5/ Nghề thầy thuốc trị bệnh (thuốc đông y, thuốc nam).

6/ Nghề xem xăm bói quẻ.

7/ Nghề trồng tỉa cây trái.

8/ Nghề đan thêu may.

9/ Nghề bán cơm chay.

10/ Nghề làm và bán nhang.

11/ Nghề bán kinh sách.

12/ Nghề bán tứ khí của Bà La Môn.

13/ Nghề thuyết giảng (giảng sư).

14/ Nghề làm ruộng rẫy.

15/ Nghề làm ma chay, v.v..

Còn rất nhiều nghề khác nữa, nhưng chúng tôi không thể kể ra đây hết được, vì tu sĩ Phật giáo hiện giờ đã làm đủ thứ mọi nghề. Nhất là nghề mê tín (Cúng bái, cầu siêu, cầu an) và thứ hai là nghề nói dối (thuyết giảng), còn nghề khất thực thì đã bỏ mất.

Qua lời Phật dạy trên đây chúng tôi thấy tu sĩ Phật giáo hiện giờ là tu sĩ của Bà La Môn. Như vậy các bậc tôn túc Hoà Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng, Ni chưa thành giới cụ túc. Ngay cả với Mười Giới Đức Thánh Sa Di, các Ngài còn vi phạm, thì chưa xứng đáng là tu sĩ đệ tử xuất gia của Phật, có đâu thành giới cụ túc được. Nếu Phật giáo hiện giờ mà được lấy giới chấn chỉnh thì giới tu sĩ còn lại chắc không đầy trong 10 đầu ngón tay. Nếu chấn chỉnh Phật giáo được như vậy, thì xã hội này bớt đi một gánh quá nặng cho mọi người. Đó là một điều vô cùng quan trọng và nhức nhối trong tâm tư của mỗi người.

KHÉO TÍCH TẬP

LỜI PHẬT DẠY

Này các Tỳ Kheo, thế nào là tâm Tỳ Kheo được khéo tích tập?

1/ “Ly tham là tâm của ta”, như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với trí tuệ.

2/ “Ly sân là tâm của ta”, như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với trí tuệ.

3/ “Ly si là tâm của ta”, như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với trí tuệ.

–o0o–

1/ “Tánh không có tham là tâm của ta”, như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với trí tuệ.

2/ “Tánh không có sân là tâm của ta”, như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với trí tuệ.

3/ “Tánh không có si là tâm của ta”, như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với trí tuệ.

–o0o–

1/ “Tánh không chuyển hướng về dục hữu là tâm của ta”, như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với trí tuệ.

2/ “Tánh không chuyển hướng về sắc hữu là tâm của ta”, như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với trí tuệ.

3/ “Tánh không chuyển hướng về vô sắc hữu là tâm của ta”, như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với trí tuệ.

Này các Tỳ Kheo, Khi nào tâm Tỳ Kheo được khéo tích tập với trí tuệ, thời thật hợp lý cho Tỳ Kheo ấy nói như sau: “Ta rõ biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.

CHÚ GIẢI:

Trong đoạn kinh này đức Phật dạy các bạn phải huân tập tâm ly tham, ly sân, ly si. Vậy muốn tích tập sự ly tham, ly sân, ly si thì các bạn phải làm sao? Các bạn hãy nghe đức Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo, thế nào là tâm Tỳ Kheo được khéo tích tập?

1/ Ly tham là tâm của ta”, như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với trí tuệ.

2/ Ly sân là tâm của ta”, như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với trí tuệ.

3/Ly si là tâm của ta”, như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với trí tuệ”. Những lời đơn giản này, nhưng cả một vấn đề bền chí tu tập, nếu không bền chí huân tập thì không tích tụ được tâm ly tham, ly sân, ly si. Không tích tụ được tâm ly tham, ly sân, ly si thì làm sao hết tham sân si được. Phải không các bạn? Pháp đơn giản nhưng phải thực hành bền chí gắng sức thì kết quả mới thấy Phật pháp không dối người.

Theo như lời Phật dạy trên đây thì hằng ngày các bạn phải thường tinh tấn, siêng năng như lý tác ý: “Ly tham là tâm của ta”, “Ly sân là tâm của ta”, “Ly si là tâm của ta”. Ngày ngày tác ý như vậy, tâm các bạn sẽ huân tập vào không tham, không sân, không si. Tâm không tham, không sân, không si là tâm giải thoát các bạn ạ!

Thiền của Phật giáo tu tập như vậy các bạn có thấy chăng? Tu không phải ngồi kiết già, không phải niệm Phật, tụng kinh niệm chú, bắt ấn, lạy sám hối, v.v.. Tu trong tất cả mọi hành động đi, đứng, nằm, ngồi chỉ có như lý tác ý câu ly tham, ly sân, ly si là tâm của ta là tâm sẽ hết tham, sân, si. Tu như vậy thật là nhẹ nhàng và dễ dàng quá. Phải không các bạn?

Những đề mục tu tập trên đây nếu các bạn tu tập không thấy có hiệu quả thì các bạn hãy lắng nghe đức Phật dạy:

1/ “Tánh không có tham là tâm của ta”, như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với trí tuệ.

2/ “Tánh không có sân là tâm của ta”, như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với trí tuệ.

3/ “Tánh không có si là tâm của ta”, như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với trí tuệ.

4/ “Tánh không chuyển hướng về dục hữu là tâm của ta”, như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với trí tuệ.

5/ “Tánh không chuyển hướng về sắc hữu là tâm của ta”, như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với trí tuệ.

6/ “Tánh không chuyển hướng về vô sắc hữu là tâm của ta”như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với trí tuệ.

Cứ theo lời dạy trên đây mà như lý này tác ý: “Tánh không có tham là tâm của ta”; Tánh không có sân là tâm của ta”; Tánh không có si là tâm của ta”.

Nếu 3 câu này các bạn tu tập không hiệu quả thì các bạn có thể thay thế bằng những câu khác như: “Tánh không chuyển hướng về dục hữu là tâm của ta”; “Tánh không chuyển hướng về sắc hữu là tâm của ta”; “Tánh không chuyển hướng về vô sắc hữu là tâm của ta”. Hoặc các bạn tu tập cả ba nhóm những pháp hành này, nhưng tốt nhất là tu theo đặc tướng của mình hợp với nhóm nào thì nên tu theo nhóm ấy.

Đức Phật kết luận đoạn kinh này một kết quả tuyệt vời. Một sự giải thoát thật sự mà trong sáu tháng chúng tôi tu tập đã thành tựu viên mãn rõ ràng, cụ thể. Đây các bạn hãy lắng nghe đoạn kết: “Này các Tỳ Kheo, khi nào tâm Tỳ Kheo được khéo tích tập với trí tuệ, thời thật hợp lý cho Tỳ Kheo ấy nói như sau: “Ta rõ biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.

Tóm lại, trong lời Phật dạy này chúng ta chú ý những điểm chính để biết pháp hành cụ thể như trên đã nói. Trước tiên chúng ta chú ý về những từ ngữ.

Khéo tích tập nghĩa là gì? Khéo tích tập có nghĩa là khéo tích tụ, gom lại, tập họp lại, làm cho nhiều.

Ly tham là tâm của ta”, câu này là pháp như lý tác ý. Trong câu: “Ly tham là tâm của ta”, như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với trí tuệ”. Toàn bộ lời dạy này như thế nào?

Chúng ta hãy lắng nghe cho kỹ lời dạy này: “được khéo tích tập với trí tuệ”. Câu này có nghĩa là luôn luôn phải nhớ tác ý: “Ly tham là tâm của ta”. Càng tác ý nhiều là tích tập nhiều. Các bạn có hiểu câu này chưa?

Muốn tích tập tâm ly tham thì cứ nhắc tâm nhiều lần câu này. Đó là cách thức kết tụ tâm ly tham, ly sân, ly si… thành một khối không tham, sân, si…

Và khi tu tập như vậy kết quả sẽ ra sao?

Hằng ngày tu tập như vậy, đến khi tâm ly tham, sân, si thật sự thì chúng ta biết rất rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.

Rõ ràng, Phật dạy chỉ có hằng ngày tu tập tác ý như vậy, lần lượt tâm tham, sân, si bị đoạn diệt, cho nên chúng ta biết rất rõ tâm có thanh tịnh hay không thanh tịnh. Nên đức Phật đã xác định một cách quả quyết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”. Đó là lời nói không dối mình dối người. Vậy chúng ta hãy nỗ lực hằng ngày khéo nhắc tâm ly, xả, đoạn diệt, từ bỏ tâm tham, sân, si… thì kết quả tâm sẽ vô lậu.

Nhưng chúng ta phải biết cách vừa nương vào thân hành niệm nội hay ngoại vừa tác ý ly tham, sân, si. Với sự chuyên cần tinh tấn hằng ngày tu tập rèn luyện như vậy cho đến khi tâm tham sân si bị diệt sạch thì chúng ta đã thành công trên đường tu tập giải phóng được giặc sanh tử luân hồi, không còn bị qui luật nhân quả chi phối vượt thoát ra ngoài không gian và thời gian.

GÂY GỔ

LỜI PHẬT DẠY

Thế nào này các Thầy Tỳ Kheo! Có phải các Thầy vì muốn làm vua, làm giàu, làm quan hay vì đời sống thiếu hụt đói khát mà đi tu chăng?

Các Thầy há chẳng phải muốn xa lìa sanh tử luân hồi mà cầu đạo giải thoát sao?

Tại sao quý Thầy không chịu học đạo tu hành, mà lại tranh đấu, đấm đá với nhau, đối mặt gây phải trái nói ác với nhau. Các Thầy đồng một Thầy, đồng tu một pháp, các Thầy phải sống lục hòa thân hành, khẩu hành, ý hành phải hòa hợp như nước với sữa”.

CHÚ GIẢI:

Vì mục đích cao đẹp làm chủ sanh, tử, luân hồi, chúng ta bỏ hết cuộc đời để đi tu, chứ đâu phải còn ham muốn làm quan, làm vua, làm giàu; chứ đâu phải vì nghèo đói mà đi tu. Phải không các bạn.

Đời sống ăn ngày một bữa, không tiền, không của cải, không nhà cửa, không gia đình, đi xin ăn… Vậy còn thú vị gì mà các bạn tập họp nhau, nói chuyện tào lao, tranh cãi hơn thua, nói chuyện phù phiếm, nói xấu người này, nói xấu người kia… Tu như vậy chỉ uổng phí một đời chẳng có ích lợi gì cho sự tu tập của quý bạn.

Tiếc thay! Tiếc thay! Chỉ mang tiếng tu theo Phật, chứ nào Phật giáo có những hạng người đệ tử như vậy. Những hạng người ăn no, dụm ba, dụm bảy nói chuyện tào lao, tranh cãi hơn thua, là những loại Ma Ba Tuần trong Phật giáo. Những hạng người còn ham dục lạc thế gian mà đi tu theo Phật là làm một gánh nặng cho xã hội. Các bạn có biết không?

Lời giáo giới trên đây, là một lời phiền trách rất nặng nề của đức Phật ngày xưa đối với chúng Tỳ Kheo. Đối với những hạng người tu hành dối trá, là những người tu hành chẳng chấp hành nghiêm trì giới luật, chẳng giữ gìn Thánh hạnh Độc Cư, họ là những loại Ma Ba Tuần trong Phật giáo đang phá hoại Đạo Phật.

CÔNG ƠN RẤT LỚN

LỜI PHẬT DẠY

Nếu ai nương vào một người nào, mà biết được Phật, Pháp, Tăng. Ơn này rất khó báo đền, không thể đem cơm áo, giường nằm, nệm ngồi, thuốc men mà báo đáp ơn kia được”.

CHÚ GIẢI:

Trong Phật giáo, có một ơn rất lớn nhất. Đó là người nào đã đem cho mình biết được Phật, Pháp, Tăng. Tức là đem cho mình một nền đạo đức nhân bản – nhân quả, không làm khổ mình khổ người. Đó là một sự giải thoát thật sự. Một điều làm chủ bốn sự khổ đau của kiếp người. Vì thế, ơn nghĩa ấy rất sâu nặng, không thể lấy gì trong thế gian này đem so sánh được.

Trên đây là lời dạy của đức Phật để chúng ta biết rằng Phật Pháp là một pháp bảo vô giá, một ơn nghĩa sâu nặng như trời biển. Người đời thường không hiểu nên đã xem thường Phật Pháp. Phật Pháp là một cứu cánh cho loài người, giúp con người ra khỏi mọi sự khổ đau của kiếp người. Cho nên, không thể lấy một vật gì trong thế gian này mà báo đáp được ơn đức này.

Người nào nhận được pháp môn này, bèn từ bỏ hết những pháp thế gian, nỗ lực tu tập theo đúng chánh pháp của Phật, thì người ấy là người có đầy đủ đệ nhất phước báu. Ngược lại, người gặp được chánh pháp của Phật mà xem thường, tu tập lấy có là người thiếu phước, tuy gặp Phật, Pháp nhưng chẳng ích lợi gì cho họ.

ĐỆ NHẤT PHÁP CỦA PHẬT LÀ PHÁP KHÔNG PHÓNG DẬT

LỜI PHẬT DẠY

Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, pháp không phóng dật là đệ nhất. “Muốn tu pháp không phóng dật thì phải tu Tứ Ý Đoạn”.

CHÚ GIẢI:

Tứ Ý Đoạn tức là Tứ Chánh Cần. Tứ Chánh Cần là pháp ngăn ác diệt ác, sinh thiện tăng trưởng thiện.

Trong cuộc đời tu hành theo Phật thì lúc nào, giờ nào phải thường cảnh giác ngăn và diệt các ác pháp, không cho chúng tác động vào thân, tâm. Khiến cho thân tâm lúc nào cũng thanh thản, an lạc và vô sự. Nhờ thế mà tâm không bị phóng dật, nên đức Phật dạy: “Đệ nhất pháp tâm không phóng dật là Tứ Ý Đoạn”. Nhưng tâm không phóng dật là thành tựu đạo giải thoát, tức là viên mãn con đường tu tập. Trước khi vào Niết Bàn Ngài di chúc lại: “Ta thành Chánh Giác là nhờ tâm không phóng dật”.

Trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo mà pháp môn Tứ Chánh Cần là pháp môn đệ nhất ngăn ác diệt ác pháp khiến cho thân tâm bất động. Nhờ đó mà tiến tới các pháp cao hơn sâu hơn.

Tứ Chánh Cần là nền tảng đạo đức vững chắc nhất của Phật giáo. Cho nên, muốn tu tập Tứ Chánh Cần thì đức Phật đã trang bị cho chúng ta bốn loại định:

1- Định Sáng Suốt.

2- Định Vô Lậu.

3- Định Chánh Niệm Tỉnh Giác.

4- Định Niệm Hơi Thở.

Trong Định Niệm Hơi Thở có 18 đề mục tu tập (xin đọc lại Định Niệm Hơi Thở). Định Niệm Hơi Thở là một pháp môn rất quan trọng. Nó được xem như là một chiếc “chổi thần” dùng để quét tất cả các chướng ngại pháp trên thân, thọ, tâm, pháp của Tứ Niệm Xứ. Tứ Niệm Xứ mà được viên mãn đều phải nhờ đến cây chổi thần này.

Định Niệm Hơi Thở được ví như những loại vũ khí tối tân và hiện đại nhất để chiến đấu trong chiến trận sanh tử. Người tu sĩ Phật giáo tu tập Định Niệm Hơi Thở cũng giống như một binh sĩ được huấn luyện trong trường võ bị.

Sự quan trọng của Định Niệm Hơi Thở như vậy, nên khi tu tập theo Phật giáo phải tu tập rất kỹ lưỡng về Định Niệm Hơi Thở để cho nó có đủ năng lực đẩy lùi các chướng ngại pháp trên thân và tâm.

Ông Châu Lợi Bàn Đặc suốt ngày đêm trong thất chuyên quét tâm, cuối cùng chứng quả A La Hán.

Ông A Nan đi kinh hành quét tâm suốt đêm chứng quả A La Hán.

Tóm lại, quét tâm có phương pháp để tâm bất động. Tâm bất động là tâm không phóng dật. Tâm không phóng dật là đạt được giải thoát.

LẠC LÀ NIẾT BÀN

LỜI PHẬT DẠY

Này các Hiền giả, lạc là Niết Bàn; này các Hiền giả, lạc là Niết Bàn.

Khi nghe nói vậy, Tôn giả Udàyi nói với Tôn giả Sàriputta, sao đây là lạc, khi ở đây không có cái gì được cảm thọ?

Này Hiền giả, cái này ở đây là lạc, dù rằng lạc ấy ở đây không được cảm thọ.

Này Hiền giả, có năm dục trưởng dưỡng này. Thế nào là năm?

Các sắc do mắt nhận thức, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái liên hệ đến dục, hấp dẫn.

Các tiếng do tai nhận thức… Các hương do mũi nhận thức… Các vị… Các xúc… hấp dẫn.

Này Hiền giả có năm dục trưởng dưỡng này khởi lên lạc hỷ, này Hiền giả, đây gọi là dục lạc.

Ở đây, này Hiền giả, Tỳ Kheo ly dục ly ác, bất thiện pháp… chứng đạt an trú Sơ Thiền. Này Hiền giả, nếu trong khi Tỳ Kheo ấy trú với an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với dục vẫn hiện hành; như vậy đối với vị Tỳ Kheo ấy là một chứng bệnh… Ví như này chư Hiền, với một người sung sướng, khổ đau có thể khởi lên như một chứng bệnh.

Cũng vậy với Tỳ Kheo ấy, các tưởng tác ý, câu hữu với dục vẫn hiện hành; như vậy, đối với Tỳ Kheo ấy là một chứng bệnh. Này chư Hiền, chứng bệnh được Thế Tôn gọi là khổ. Với pháp môn này, này chư Hiền, cần phải hiểu Niết Bàn là lạc.

(Tăng Chi Bộ Kinh Tập IV trang 163)

CHÚ GIẢI:

Đọc đoạn kinh trên đây chúng ta cần phải hiểu cho rõ ràng, trong khi tu tập gặp những trạng thái hỷ lạc thì chúng ta cứ ôm chặt pháp mà tu, chứ đang tu tập mà lại khởi niệm: “Ta tu tập có hỷ lạc” thì đó là một chứng bệnh mà Ngài Xá Lợi Phất (Sàriputta) đã xác định cho chúng ta thấy: “Ở đây, này Hiền giả, Tỳ Kheo ly dục ly ác, bất thiện pháp… chứng đạt an trú Sơ Thiền. Này Hiền giả, nếu trong khi Tỳ Kheo ấy trú với an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với dục vẫn hiện hành; như vậy đối với vị Tỳ Kheo ấy là một chứng bệnh…”.

Ở đây chúng tôi khuyên các bạn, cứ ôm pháp mà tu tập cho chính xác, đừng tu tập sai theo kiến giải, đừng để tâm chạy theo lạc thọ, khổ thọ, bất lạc bất khổ thọ. Vì chạy theo các trạng thái cảm thọ ấy là các bạn đã rơi vào các chứng bệnh thiền tưởng.

Niết Bàn là một trạng thái lạc nhưng Tôn giả Udàyi không hiểu nên hỏi: “Sao đây là lạc, khi ở đây không có cái gì được cảm thọ?”. Nếu còn có cảm thọ thì sự cảm thọ đó là dục lạc chứ không phải lạc của Niết Bàn.

Ngài Sàriputta xác định rất rõ ràng: “Dục lạc có năm: Sắc, thinh, hương, vị, xúc”. Còn lạc của Niết Bàn Ngài nói: “– Này Hiền giả, cái này ở đây là lạc, dù rằng lạc ấy ở đây không được cảm thọ”.

Bởi thế khi tu hành có các cảm thọ, thọ lạc hay thọ khổ, chúng ta đừng nên lưu ý đến nó. Biết thì biết, nhưng phải ôm cho chặt pháp đừng vì thọ khổ mà bỏ pháp mà cũng đừng vì thọ lạc mà cho là mình chứng đạo. Tất cả những trạng thái này là bệnh.

Các bạn nên lưu ý: trạng thái Niết Bàn có “lạc” nhưng không có “cảm thọ”. Còn có cảm thọ bất cứ một trạng thái nào đều là bệnh thiền.

BÍ QUYẾT GIẢI THOÁT

LỜI PHẬT DẠY

Bí quyết thành tựu của Đạo Phật chỉ có hai điều kiện quan trọng nhất:

1- Giữ tâm không phóng dật.

2- Thích sống nhàn tịch, độc cư, trầm lặng một mình”.

CHÚ GIẢI:

Con đường tu tập giải thoát của Phật giáo, không phải cần nhiều pháp môn, chỉ có hai pháp quan trọng nhất cho con đường tu tập này. Đó là “Giữ tâm không phóng dật và thích sống nhàn tịch, độc cư, trầm lặng một mình”Vậy giữ tâm không phóng dật và thích sống nhàn tịch, độc cư, trầm lặng một mình như thế nào?

1/ Giữ tâm không phóng dật”Các bạn đều biết những pháp môn tu tập này chứ? Đó là Tứ Chánh Cần, Tứ Niệm Xứ, Thân Hành Niệm. Nhờ các pháp này tu tập tâm lần lượt sẽ không phóng dật. Vậy các bạn hãy cố gắng tu tập đừng biếng trễ.

2/ Thích sống nhàn tịch, độc cư, trầm lặng một mình”Chắc các bạn đều biết những pháp môn tu tập này chứ? Đó là pháp môn phòng hộ sáu căn, pháp môn như lý tác ý.

Khi tu tập, các bạn phải thiện xảo khéo léo áp dụng đúng thời, đúng lúc thì rất hữu hiệu, đạt kết quả rất cao.

Người nào tu tập thích sống nhàn tịch, độc cư, trầm lặng một mình là con đường tu tập sắp đến đích, còn ngược lại không thích sống nhàn tịch, độc cư, trầm lặng một mình, thích nói chuyện, thích tập họp thì con đường tu tập sẽ còn xa lắm, biệt mù. Biết rõ những điều này các bạn cần lưu ý hai pháp trên đây. Vì thương xót chúng ta mà đức Phật mới nhắc nhở. Vậy chúng tôi mong các bạn cố gắng tu tập nhiều hơn nữa, để chứng minh cho các nhà Đại Thừa biết rằng chúng ta tu theo pháp thiền định của Nguyên Thủy mà kết quả rõ ràng và cụ thể.

PHÁP MÔN NHƯ LÝ TÁC Ý

LỜI PHẬT DẠY

Này các Thầy Tỳ Kheo, do không như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng”.

Này các Thầy Tỳ Kheo, do như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi, các lậu hoặc đã sanh được đoạn trừ”.

CHÚ GIẢI:

Đệ nhất pháp diệt lậu hoặc là pháp môn như lý tác ý. Người ở đời do không biết pháp môn như lý tác ý này, nên khổ đau, phiền não dẫy đầy. Người tu hành theo Phật giáo nhờ pháp như lý tác ý mà tâm được an vui, thanh thản và vô sự, sống một đời sống tràn đầy hạnh phúc, không một pháp ác nào tác động được vào tâm.

Lời dạy thứ nhất đức Phật nói: “Này các Tỳ Kheo, do không như lý tác ý, các sự đau khổ chưa sanh được sanh khởi và các đau khổ đã sanh được tăng trưởng”. Đúng vậy, nếu các bạn hằng ngày không theo pháp như lý tác ý ly tham, đoạn ác pháp, thì chắc chắn các bạn sẽ không tránh khỏi sự khổ đau.

Ngược lại, nếu các bạn hằng ngày theo pháp như lý tác ý ly tham, đoạn ác pháp, thì chắc chắn các bạn sẽ vượt ra khỏi mọi sự khổ đau. Đó là sự giải thoát của Phật giáo. Từ nơi đó các bạn chứng quả A La Hán. Các bạn có tin điều này không? Các bạn cứ thực hiện ngay liền sẽ thấy kết quả một cách cụ thể thực tế. Phật pháp không dối người.

Pháp môn như lý tác ý lợi ích như vậy, xin các bạn hãy siêng năng tập luyện. Sự an vui, hạnh phúc trong tầm tay các bạn, quả A La Hán không xa đâu các bạn ạ! Nếu các bạn xem thường nó thì cuộc sống của các bạn chắc chắn khổ nhiều, vui ít.

Những lời dạy ngắn gọn nhưng kết quả giải thoát không lường được, một giá trị pháp môn tu hành cao nhất trong Phật giáo là diệt lậu hoặc hoàn toàn.

Cách đây 25 năm chúng tôi tu theo pháp môn tri vọng của Thiền Đông Độ, lạc vào định tưởng, tưởng chừng như mình muốn điên. Nhờ pháp môn như lý tác ý này mà chúng tôi xả được 18 loại hỷ tưởng, ổn định được thần kinh. Cuối cùng nhờ nó mà chúng tôi làm chủ được bốn sự khổ đau của kiếp người: sanh, già, bệnh, chết.

XẢ NHÂN, DUYÊN, NGHIỆP

LỜI PHẬT DẠY

1- Xả của cải tức là xả cái duyên lìa tội ác.

2- Xả tham đọa tức là xả cái nhân lìa tội ác.

3- Xả tội tức là dứt các nghiệp sanh tử”.

–o0o–

1- Không xả bỏ của cải thì pháp sám hối không thành.

2- Không xả tâm tham thì nhân luân hồi không dứt.

3- Không xả tội thì hạnh ô nhiễm không quên”.

CHÚ GIẢI:

Đúng như lời Phật dạy: “Xả của cải tức là xả cái duyên lìa tội ác”Người còn tích lũy của cải là người còn tạo duyên tội ác. Thưa các bạn! Người xả của cải là ai? Và xả của cải như thế nào?

Noi gương đức Phật đấy các bạn ạ! Phật là hàng vua chúa, Người đã xả bỏ ngai vàng, điện ngọc, vợ đẹp, con thơ. Người đã xả hết chỉ còn ba y một bát, đi xin ăn, sống rày đây, mai đó, không nhà, không gia đình, thiểu dục, tri túc, tâm hồn trắng bạch như vỏ ốc, phóng khoáng như hư không. Ngài là hiện thân gương hạnh buông xả và đã nhờ buông xả mà Ngài đã tìm thấy được chân lý. Con đường giải thoát cho chính mình và cho mọi người mai sau. Gương hạnh sống buông xả của Phật thật là tuyệt vời. Cuộc đời Ngài nói được làm được, đó là lời nói đi đôi với hành động: “Xả của cải tức là xả cái duyên lìa tội ác”. Ngài đã sống đúng nhất quán, lìa tội ác.

Hỡi các bạn đồng tu! Đức Phật thì xả cái duyên lìa tội ác, còn các bạn thì sao? Sao các bạn lại tích lũy của cải nhiều thế? Chùa to Phật lớn, tiền bạc nhiều, xe cộ, đồ đạc, phòng ốc sang đẹp như ông Chúa, bà Hoàng, … của cải không thấy bớt, ngày càng thêm nhiều… Như vậy các bạn có biết không? Các bạn có xả cái duyên tội ác không? Tích lũy của cải là tích lũy tội ác đấy các bạn ạ! Hãy tránh xa của cải thì tội ác mới tiêu trừ. Như vậy con đường tu hành của các bạn mới tìm thấy sự giải thoát.

Qua lời dạy trên đây chúng ta thấy rất rõ cái duyên tội ác là do của cải, tài sản. Cho nên ai tích lũy của cải tài sản nhiều là người tạo duyên tội ác nhiều, ai tích lũy của cải tài sản ít thì tạo duyên tội ác ít.

Một người tu theo Đạo Phật khi đã hiểu biết duyên nào gây ra tội ác, thì chúng ta nên từ bỏ và tránh xa duyên đó. Phải không các bạn? Nếu không tránh xa duyên tội ác đó thì chúng ta đừng nên tu theo Đạo Phật, vì có tu chẳng có ích lợi gì cả. Duyên tội ác là gì các bạn. Là của cải, tài sản, ruộng vườn, đất đai, nhà cửa, chùa to, Phật lớn, v.v…

Xả của cải tài sản, v.v… là xả cái quả của tội ác như trên, còn xả cái nhân tội ác. Thì đến câu hai đức Phật dạy: “Xả tham đọa tức là xả cái nhân lìa tội ác”. Vậy tham đọa là nghĩa gì?

Tham đọa tức là tham độc, một trong ba độc: Tham, sân, si.

Tham đọa có nghĩa là lòng tham muốn đưa chúng ta vào sự khổ đau; tham đọa còn có nghĩa là do lòng tham muốn đưa chúng ta vào cảnh khổ hay địa ngục.

Lòng còn tham muốn là cái nhân của tội ác. Người tu theo Đạo Phật phải thấy rõ cái nhân này: “Tâm tôi có tham tôi biết tâm tôi có tham”, tức là tôi biết tâm tham là nhân của tội lỗi. Do đó, tôi phải ngăn và diệt nó, ngăn và diệt cái nhân tội lỗi là diệt lòng tham muốn của mình.

Qua lời dạy này tôi biết rất rõ nhân của tội ác là tâm tham muốn của tôi. Vậy từ đây tôi quyết tâm diệt trừ cái nhân gây ra tội ác. Nhờ có quyết tâm ấy, tâm tham của tôi chấm dứt.

Lời dạy này tuy ngắn ngủi nhưng nó mang đầy đủ tính chất đạo giải thoát của Phật giáo.

Theo như lời Phật dạyXả tội ác tức là dứt các nghiệp sanh tử. Ở đây đức Phật dạy: “xả tội ác”. Vậy xả tội ác như thế nào?

Như hai lời dạy ở trên:

1- Duyên của tội ác là của cải.

2- Nhân của tội ác là lòng tham muốn.

Theo như lời dạy trên đây chúng ta đã biết duyên và nhân của tội ác. Vậy xả tội ác thì chỉ có xả nhân và duyên của nó, thì tội ác sẽ không còn nữa.

Xả tội ác tức xả của cải và tâm tham muốn của chúng ta”. Tu theo Phật giáo quá đơn giản phải không các bạn? Chỉ cần xả của cải và tâm tham muốn của mình thì không còn tội lỗi và dứt nghiệp sanh tử. Nói thì dễ nhưng làm được việc này không phải dễ. Phải không các bạn?

Hiểu biết thì dễ và rất đúng nhưng làm sao xả của cải và tâm tham muốn của mình cho được. Không đơn giản đâu các bạn. Cả một công trình vĩ đại của một đời người tu tập.

Xả của cải thì dễ, nhưng xả lòng ham muốn thì khó. Khó lắm các bạn ạ! Chỉ có những bậc thấy biết đời này khổ như thật thì mới làm được và làm rất dễ dàng. Còn chúng ta là những hạng cóc, nhái, đời cũng muốn mà đạo cũng muốn. Cả hai đều muốn hết nên cóc, nhái cũng chỉ là cóc, nhái mà thôi. Phải không các bạn?

Đức Phật đã xác định: “Không xả bỏ của cải thì pháp sám hối không thành”Người đời thường hay đến chùa lạy hồng danh Phật để sám hối hoặc phát lồ sám hối trước một vị thầy để mong cho tiêu tội, nhưng sám hối phát lồ hay lạy hồng danh chư Phật mà không xả bỏ của cải của mình thì pháp sám hối không thành có nghĩa là tội lỗi không dứt, không bao giờ hết.

Trên đây là lời kết thúc của đức Phật cho chúng ta thấy lạy lễ hồng danh chư Phật và phát lồ sám hối không thể tiêu tội nghiệp chướng được. Người nào dạy chúng ta lạy Phật nhiều và phát lồ sám hối cho tiêu tai nghiệp chướng là dạy mê tín, là đi ngược lại lời dạy của đức Phật; người ấy là đạo sĩ Bà La Môn đang lừa đảo tín đồ.

Không xả bỏ của cải thì pháp sám hối không thành”. Các bạn có nghe lời dạy này không?

Tánh tội vốn không do tâm tạo

Tâm đã diệt rồi tội sạch không

Tội trong tâm ấy cả hai không

Thế mới là chân sám hối”.

Đây là sự sám hối của Thiền Tông và Đại Thừa, nhưng sự sám hối này không giống như lời đức Phật dạy: “Không xả bỏ của cải thì pháp sám hối không thành”. Chúng ta hãy nhìn sự thật về Thiền Tông và Đại Thừa. Thiền Tông và Đại Thừa thì của cải tài sản càng lúc càng đồ sộ. Chùa to Phật lớn hằng tỷ bạc, vật chất xe cộ đầy đủ không thiếu vật gì, giống như người thế gian. Có đúng như vậy không các bạn? Vậy sám hối của Thiền Tông và Đại Thừa có tiêu tội không các bạn hay chỉ là lời nói suông mà thôi.

Đức Phật đã xác định: “Không xả tâm tham thì nhân luân hồi không dứt”. Nhờ lời dạy này chúng ta biết rõ nguyên nhân luân hồi là tâm tham. Cho nên, người nào tâm còn tham là còn luân hồi; người nào dứt tâm tham là dứt luân hồi. Do lời dạy xác định này mà trên đường tu tập chúng ta biết rất rõ mình còn luân hồi hay đã hết luân hồi. Tâm tham còn là còn luân hồi, tâm tham hết là hết luân hồi.

Như vậy, Đạo Phật không có dạy điều gì là mơ hồ trừu tượng mê tín, mà là một sự luân hồi rất cụ thể rõ ràng. Vì tâm tôi hết tham thì sẽ tương ưng nơi đâu tâm không có tham, còn tâm tôi có tham thì tôi phải tương ưng với tâm tham của mọi người trên thế gian này, vì mọi người trên thế gian này tâm đều có tham. Luân hồi là như vậy, là một điều thực tế như vậy, không thể có ai chối bỏ được thuyết luân hồi này là không có. Anh còn tham thì anh tránh đâu khỏi chỗ luân hồi; anh hết tham thì luân hồi chẳng làm gì anh được. Ví như: tâm tham của anh là một tảng đá, dù anh không muốn nó chìm xuống đáy hồ, nhưng khi ném nó xuống hồ thì nó vẫn chìm xuống tận đáy. Còn tâm anh không tham ví như giọt dầu, dù anh muốn nó chìm xuống đáy hồ, nhưng khi ném nó xuống hồ nó vẫn nổi.

Qua ý nghĩa này chúng ta mới hiểu rõ nghĩa lời Phật dạy: “Ta chỉ còn có một kiếp này nữa mà thôi”Như vậy, một người đã tu chứng đạo thì không còn luân hồi trở lại thế gian này nữa, dù người ấy có muốn cũng không được, vì họ đã trở thành giọt dầu rồi, trong thế gian này còn chỗ nào đâu mà tương ưng họ tái sanh luân hồi. Cho nên, thuyết Bồ Tát tu thành chánh quả còn trở lại độ chúng sanh là học thuyết của Bà La Môn. Khi tu tập hết tham rồi, bây giờ vì độ chúng sanh nên phải tu tập tham trở lại để luân hồi. Cũng như học thuyết Phật tánh. Đã là Phật tánh là tánh giác, mà lại còn mê muội chui vào cái đãy da hôi thối (thân tứ đại), lại còn tham chùa to Phật lớn, tham xe hơi nhà lầu, v.v.. Phật tánh là tánh giác thì làm sao có điều vô lý này được. Phải không các bạn?

Đúng là cái lý thuyết Phật tánh lừa đảo mọi người. Tỏ ra lòng đại bi, Bồ Tát thương xót chúng sanh như con một. Thật ra mình tu chưa xong mà muốn làm cỗ xe lớn độ chúng sanh. Thật là một người mù dẫn đường cho một đám người mù.

Luân hồi không phải là linh hồn đi luân hồi, như mọi người tưởng, mà là nghiệp tham đi luân hồi. Cho nên, người tu hành là cố tâm tu tập tạo thành nghiệp không tham nơi tâm mình. Tâm không còn nghiệp tham thì chấm dứt luân hồi. Do những lời dạy này, chúng ta biết mình tu tập đến đâu. Có làm chủ sanh tử và chấm dứt luân hồi được chưa? Tu tập có giải thoát hay chưa giải thoát đều biết rất rõ ràng. Vì tu tập đến đâu có kết quả đến đó. Cho nên đức Phật nói: “Pháp Ta không có thời gian, đến để mà thấy…”.

Tu theo Phật giáo chúng ta không sợ lầm đường lạc lối, vì giới luật là một nền tảng vững chắc. Ai không sống đúng giới luật thì biết người đó tu không đúng pháp. Dù họ có nói nhập Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền mà giới luật không nghiêm chỉnh thì biết họ chưa ly dục ly bất thiện pháp. Chưa ly dục, ly bất thiện pháp thì Sơ Thiền còn chưa nhập được, huống là Tam thiền, Tứ Thiền và làm chủ sanh, tử, chấm dứt luân hồi, chỉ là vọng ngữ mà thôi. Nhờ những lời dạy này, chúng ta xét về Thiền Tông và Đại Thừa mới biết rõ giáo pháp của họ là giáo pháp lừa đảo. Xin các bạn cảnh giác đừng để khỏi sa ngã vào đường tội lỗi (diệt Phật giáo).

Đức Phật dạy: “Không xả tội thì hạnh ô nhiễm không quên”. Như chúng ta đã biết không xả bỏ của cải và diệt tâm tham thì tội không bao giờ hết, mà tội lỗi không bao giờ hết thì hạnh ô nhiễm không bao giờ quên.

Ví dụ: ăn uống phi thời, ngủ nghỉ phi thời… đó là những hạnh ô nhiễm khó quên. Hút thuốc lá, uống rượu… đó là những hạnh ô nhiễm khó quên. Tham, sân, si, mạn, nghi… đó là những hạnh ô nhiễm khó quên. Muốn để cho hạnh ô nhiễm không còn nữa thì phải ngay từ lúc này từ bỏ không chạy theo vật chất của cải tài sản, không tham lam, ngăn chặn lòng ham muốn thì hạnh ô nhiễm mới giữ gìn trọn vẹn.

NHẤT TÂM VÀ TÁN LOẠN

LỜI PHẬT DẠY

Thế nào tâm không tán loạn?

– Quán thân trên thân tinh cần không giải đãi, ghi nhớ không quên để trừ bỏ tham ưu ở đời.

Thế nào gọi là nhất tâm?

– Thân hành niệm trong tất cả thời không mất oai nghi”.

CHÚ GIẢI:

Tâm tán loạn là gì? Tâm tán loạn là tâm còn nhiều tham ưu, nên niệm này kế tiếp niệm khác, suy tư lo nghĩ ưu phiền, lúc nào tâm cũng bất an. Muốn đối trị tâm tán loạn thì đức Phật đã dạy: “Quán thân trên thân tinh cần không giải đãi, ghi nhớ không quên để trừ bỏ tham ưu ở đời”. Vậy quán thân trên thân tinh cần không giải đãi, ghi nhớ không quên, để trừ bỏ tham ưu ở đời là như thế nào?

Câu dạy này trong kinh Tứ Niệm Xứ dạy về tu tập bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp, tức là phương pháp truy quét tâm hay còn gọi là pháp môn đẩy lui các chướng ngại pháp trên thân và tâm để thân tâm được thanh thản, an lạc và vô sự, tức là tâm không tán loạn.

Nhất tâm là gì? Nhất tâm là tâm định trên thân. Tâm định trên thân như thế nào? Tâm định trên thân như Phật đã dạy: “Thân hành niệm trong tất cả thời không mất oai nghi”. Thân hành niệm trong tất cả thời không mất oai nghi là như thế nào? Là đi tôi biết tôi đi, đứng, nằm, ngồi hay hít thở đều biết không quên. Đó là thân hành niệm.

Thân hành niệm là một pháp môn tuyệt vời trong Tứ Niệm Xứ, không những nó là một pháp môn tu tập nhất tâm mà còn là pháp môn tu tập có đủ mười công đức (thần lực siêu việt không thể nghĩ lường).

Qua lời dạy trên đây đức Phật đã trang bị cho chúng ta những pháp tu tập xả tâm rất tuyệt vời, chứ không như kinh sách Đại Thừa thường dạy chúng ta tu ức chế tâm bằng những pháp môn kiến giải, khiến cho chúng ta không thể ly tham, sân, si được. Do chỗ ức chế tâm mà người tu theo các nhà Đại Thừa rơi vào danh, lợi, sắc, thực, thùy. Một bằng chứng cho ta thấy tu sĩ Đại Thừa càng tu tập tâm danh lợi càng nhiều, cho nên chùa to, Phật lớn bắt đầu mọc khắp nơi.

(còn tiếp)

Trích từ sách: Những Lời Gốc Phật Dạy – Tác giả: Trưởng lão Thích Thông Lạc

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường