Trang chủ Hệ phái Những lời gốc Phật dạy – Tập 3 – Phần 3

Những lời gốc Phật dạy – Tập 3 – Phần 3

Khi Giới luật nghiêm chỉnh các bạn sẽ là một bậc Thánh giới của Phật giáo, tức là các bạn đã ly dục ly ác pháp tương ưng với Sơ Thiền. Khi tu tập đạt được kết quả này các bạn lại tiến bước thêm trên đường thiền định bằng phương pháp như lý tác ý năm thủ uẩn

Đăng bởi: Phí Thanh Hoa
ISSN: 2734-9195

Khi Giới luật nghiêm chỉnh các bạn sẽ là một bậc Thánh giới của Phật giáo, tức là các bạn đã ly dục ly ác pháp tương ưng với Sơ Thiền. Khi tu tập đạt được kết quả này các bạn lại tiến bước thêm trên đường thiền định bằng phương pháp như lý tác ý năm thủ uẩn

Tiếp theo: Những lời gốc Phật dạy – Tập 3 – Phần 2

NÊN NHỚ

LỜI PHẬT DẠY

Nên nhớ khi thức diệt mọi thứ đều diệt tận”.

CHÚ GIẢI:

Trong thân chúng ta có năm uẩn; sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Đây là một khối có năm duyên hợp lại mà thành con người. Khi một uẩn diệt, thì năm uẩn kia đều diệt theo, không còn có một vật gì là linh hồn hay Phật tánh trong thân ngũ uẩn này còn lại, chỉ còn lại những từ trường thiện ác để tiếp tục tái sinh luân hồi.

Ở đây đức Phật dạy: “Khi thức diệt mọi thứ đều diệt tận”. Có nghĩa là các bạn đừng tin theo tà thuyết ngoại đạo, có thế giới siêu hình, có linh hồn người chết, có Thần, Thánh, quỉ, ma, có Ngọc Hoàng Thượng Đế, có Đấng Tạo Hóa, v.v..

Thưa các bạn, tin như vậy là mê tín, lạc hậu. Các bạn tin như vậy mà không dùng trí tuệ quan sát để xem có đúng như thật không. Nếu đúng như thật thì các bạn tin, bằng không như thật thì xin các bạn đừng tin. Vì tin như vậy nó sẽ đem đến những tai hại cho các bạn và các bạn sẽ tiêu phí tiền bạc công sức của mình một cách nhảm nhí mà không ích lợi gì cả. Không quan sát kỹ mà tin như vậy các bạn sẽ bị những người khác lừa đảo dễ dàng.

Đức Phật dạy: “Khi thức diệt mọi thứ đều diệt tận”. Có nghĩa là khi người chết thì không còn một vật gì cả, chỉ còn một đống đất hôi thối mà thôi. Do lời dạy này các bạn đừng tin có linh hồn hay Phật tánh gì cả. Linh hồn hay Phật tánh chỉ là một thứ ảo tưởng của những người lạc hậu trong những thế kỷ xa xưa.

THỦ GỒM CÓ BỐN

LỜI PHẬT DẠY

1- Dục thủ

2- Kiến thủ

3- Giới cấm thủ

4- Ngã chấp thủ”.

CHÚ GIẢI:

Muốn hiểu được lời dạy của đức Phật thì chúng ta phải hiểu từng chữ nghĩa cho rõ ràng. Vậy thủ nghĩa là gì?

Thủ là chữ Hán, có nghĩa là giữ gìn, cố chấp, ngoan cố, bảo thủ. Theo Phật giáo con người có bốn điều kiện cố chấp, bảo thủ đi đến ngoan cố, không chịu cởi mở, xả bỏ, buông xuống, v.v..

Sự cố chấp, bảo thủ thứ nhất là “Dục thủ”Vậy dục thủ nghĩa như thế nào? Dục thủ là chữ Hán. Dục nghĩa là lòng ham muốn; thủ là giữ gìn, bảo thủ. Hai chữ dục thủ có nghĩa là bảo thủ, cố chấp vào lòng ham muốn của mình, hay còn có nghĩa là không buông bỏ lòng ham muốn. Biết lòng ham muốn là nơi tập hợp sinh ra muôn ngàn thứ khổ đau cho kiếp sống con người. Thế mà không ai bỏ được lòng ham muốn của mình. Đó là dục thủ.

Sự cố chấp, bảo thủ thứ hai là “Kiến thủ”. Vậy kiến thủ nghĩa là gì? Kiến thủ là chữ Hán. Kiến nghĩa là ý kiến của mình, sự hiểu biết của mình, sự vay mượn tích lũy những tư tưởng tà kiến của người khác, của kinh sách ngoại đạo, của triết học, của khoa học, y học, v.v.. Thủ là giữ gìn, bảo thủ. Hai chữ “kiến thủ” có nghĩa là bảo thủ cố chấp vào ý kiến hiểu biết của mình hoặc vay mượn của người khác. Nhưng dù những ý kiến đó sai, mọi người ai nói gì, khuyên gì cũng không chịu buông bỏ những kiến chấp tà tư tưởng, tà pháp ấy, v.v..

Ví dụ: Kinh sách Đại Thừa và Thiền Đông Độ không phải Phật thuyết, tu tập chẳng ra gì, nhưng họ vẫn vô minh chấp cứng giáo pháp đó. Ai nói kinh này sai là họ lộn gan lên đầu.

Biết rằng kiến thủ là những điều sinh ra ngu muội, khiến cho ta phải chịu muôn ngàn thứ khổ đau. Thế mà ít người bỏ được những kiến thủ đó.

Sự cố chấp, bảo thủ thứ ba là “Giới cấm thủ”. Vậy Giới cấm thủ nghĩa là gì? Giới cấm thủ là chữ Hán, nghĩa là những giới luật bắt buộc một cách vô lý như: tu hạnh con bò, tu hạnh con chó, đứng một chân, ngâm mình trong nước, ăn phân bò con, ăn rất ít, ngủ ngồi, ngủ đứng, ngủ trên rác bẩn, giết 1.000 người thì chứng đạo, v.v.. thì mới được cộng trú với Phạm Thiên.

Ba chữ “Giới Cấm Thủ” có nghĩa là bảo thủ, cố chấp vào tà giới luật làm khổ mình, khổ người, phí công sức tu tập mà chẳng tìm thấy sự giải thoát chân thật.

Những giới luật của Phật giáo là những hành động đạo đức không làm khổ mình, khổ người. Nên giới luật đã giúp cho những người biết giữ gìn thì có một đời sống an lạc với tâm hồn thanh thản và vô sự, tràn đầy hạnh phúc trong cuộc sống. Cho nên, giới luật của Phật giáo là pháp môn thiện giúp cho con người sống trong thiện pháp. Nó là nền tảng đạo đức nhân bản – nhân quả của loài người.

Còn giới cấm thủ là các ác pháp. Ví dụ: Khi ngồi kiết già hai chân bị đau mà cố ngồi chịu đau cho hết giờ. Đó là giới cấm thủ, là giới luật làm khổ mình mà cứ cố giữ gìn. Người tu khổ hạnh là người bị giới cấm thủ ràng buộc. Cho nên, Đạo Phật không chấp nhận khổ hạnh, vì khổ hạnh đi ngược lại đường lối giải thoát của Đạo Phật. Vì thế đức Phật nói: “Đạo Ta không có thời gian đến để mà thấy…”. Chính lời dạy này mà chúng ta mới biết Phật giáo là đạo giải thoát thật sự, không dối người.

Sự cố chấp, bảo thủ thứ tư là “Ngã chấp thủ”. Vậy Ngã chấp thủ nghĩa là gì? Ngã chấp thủ chữ Hán, nghĩa là bảo thủ, cố chấp sắc, thọ, tưởng, hành, thức là ngã của mình, cho là ta, là của ta, bản ngã của ta. Nếu ai động đến thì sân hận, giận dữ, sinh ra phiền não khổ đau, v.v..

Con người sinh ra ở đời vì lầm chấp ngã là thật có, nên phải chịu nhiều thứ khổ đau. Bởi vì chấp ngã nên xem ngã bằng trời, nếu ai đụng đến ngã của họ là họ sẽ ăn thua đủ… Cướp của, giết người, gian tham trộm cắp cũng vì ngã, cờ gian bạc lận cũng vì ngã, làm việc mê tín, bói khoa, cúng sao giải hạn, xin xăm bói quẻ, cầu siêu cầu an lường gạt người cũng vì ngã…

Ngã chấp thủ là những từ chỉ cho sự lầm lạc, ngu si lầm chấp cái không thật có mà cho là có thật. Ai cũng biết năm duyên ngũ uẩn hợp lại thành một con người, khi năm duyên này rã ra thì chẳng có cái chi là con người, là ngã cả. Bởi chúng ta không chịu tư duy suy xét cho kỹ lại xem cái gì là ngã ở đâu. Nếu thật có ngã thì sau khi chết cái ngã ở đâu hay chỉ còn là một đống đất hôi thối?

Tóm lại: Dục thủ, Kiến thủ, Giới cấm thủ, Ngã chấp thủ là bốn điều bảo thủ cố chấp một cách lầm lạc, sai lệch để mang lấy những hậu quả khổ đau bất tận từ kiếp này sang kiếp khác.

Người tu theo Phật giáo thấy bốn điều chấp thủ này thì rất sợ hãi, luôn luôn tìm mọi cách từ bỏ, tránh xa. Xem nó như loài rắn độc, khi bị nó cắn thì nọc độc lan khắp người, mà không có thuốc gì cứu chữa được. Vì thế, mà loài người đành phải chịu chết trong bốn loại nọc độc này. Xin các bạn lưu ý ngay từ phút này cẩn thận dè dặt từng tâm niệm của mình nếu thấy có bóng dáng của: Dục thủ, Kiến thủ, Giới cấm thủ, Ngã chấp thủ thì phải mau mau diệt trừ tận gốc.

LÀM THẾ NÀO ĐOẠN TẬN LẬU HOẶC NHANH CHÓNG

LỜI PHẬT DẠY

Lúc bấy giờ có một Tỳ Kheo sanh khởi suy nghĩ như sau: “Biết như thế nào, thấy như thế nào, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức?”

Biết rõ tâm niệm này đức Phật liền trả lời với các Tỳ Kheo: “Này các Tỳ Kheo! Pháp đã được giải thích, thuyết giảng; Bốn Niệm Xứ đã được giải thích, thuyết giảng; Bốn Chánh cần đã được giải thích, thuyết giảng; Bốn Như Ý Túc đã được giải thích, thuyết giảng; Năm Căn đã được giải thích thuyết giảng; Năm lực đã được giải thích thuyết giảng; Bảy Bồ Đề Phần đã được giải thích thuyết giảng; Thánh Đạo Tám ngành đã được giải thích thuyết giảng.

Như vậy, này các Tỳ kheo, pháp được Ta giải thích thuyết giảng. Vậy mà ở đây còn có Tỳ Kheo khởi lên suy nghĩ như sau: “Biết thế nào, thấy thế nào, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức?”.

CHÚ GIẢI:

Tất cả các pháp đã được đức Phật giải thích và thuyết giảng ở trên, nếu là một người biết đời khổ như thật, không có một vật gì là của mình, thì ngay đó buông bỏ tức khắc, không còn tiếc rẻ một thứ gì nữa, ngay cả đến thân mạng cũng bỏ sạch. Chính buông bỏ như vậy, lậu hoặc đã được đoạn dứt tức thời. Nhưng tại sao các vị Tỳ Kheo này đã nghe Phật thuyết giảng và giải thích mà lậu hoặc vẫn còn, không đoạn tận được nên mới có những câu hỏi như vậy.

Thưa các bạn! Chính vì các bạn nghe thuyết giảng hiểu biết, nhưng sự hiểu biết của các bạn chưa như thật. Do sự hiểu biết chưa như thật nên các bạn buông bỏ chưa sạch, hoặc vì nghiệp của các bạn quá sâu dày, tuy có tâm huyết buông bỏ, nhưng nhân quả còn đeo mang chưa chịu ly hay nói cách khác là chưa chuyển hóa.

Những pháp trên đây đã được Phật thuyết giảng để cho chúng ta tu tập chuyển hóa nhân quả. Nhờ tu tập theo các pháp này đúng cách thì mới chuyển hóa nhân quả sạch được. Chuyển hóa nhân quả sạch được tức là tâm vô lậu.

Bài pháp trên đây để xác định cho chúng ta thấy rằng Phật giáo chỉ có những pháp này mà thôi, không còn pháp nào khác nữa. Như thế chúng ta không bị kẻ khác lừa đảo, vì nó được xác định quả quyết của Phật, khi các vị Tỳ Kheo hỏi Phật còn có pháp nào vô lậu nữa không?

Xin các bạn đọc lại đoạn kinh trên để thấy Phật giáo chỉ có những bài kinh vô lậu thiết thực, cụ thể, thực tế và rất đơn giản: “Lúc bấy giờ có một Tỳ Kheo sanh khởi suy nghĩ như sau: “Biết như thế nào, thấy như thế nào, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức?”.

Biết rõ tâm niệm này đức Phật liền trả lời với các Tỳ Kheo: “Này các Tỳ Kheo! Pháp đã được giải thích, thuyết giảng; Bốn Niệm Xứ đã được giải thích, thuyết giảng; Bốn Chánh Cần đã được giải thích, thuyết giảng; Bốn Như Ý Túc đã được giải thích, thuyết giảng; Năm Căn đã được giải thích thuyết giảng; Năm Lực đã được giải thích thuyết giảng; Bảy Bồ Đề Phần đã được giải thích thuyết giảng; Thánh Đạo Tám Ngành đã được giải thích thuyết giảng. Như vậy, này các Tỳ Kheo, pháp được Ta giải thích thuyết giảng. Vậy mà ở đây còn có Tỳ Kheo khởi lên suy nghĩ như sau: “Biết thế nào, thấy thế nào, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức?”.

Đọc qua đoạn kinh này, các bạn đã biết rõ, Đạo Phật chỉ có 37 phẩm trợ đạo, không còn pháp nào khác hơn nữa. Vì đó là lời của đức Phật đã xác định. Còn có pháp nào khác nữa là của ngoại đạo.

HỮU GỒM CÓ BA

LỜI PHẬT DẠY

1- Dục hữu

2- Sắc hữu

3- Vô sắc hữu

CHÚ GIẢI:

CÕI NGƯỜI

Dục hữu là gì? Dục là lòng ham muốn; hữu là có. Dục hữu danh từ Hán có nghĩa là loài người và muôn loài động vật trong cõi thế gian này. Vì loài người và các loài động vật đều có sự ham muốn (thích dục) giống như nhau, nên thường sống trong dục (ham muốn). Nói dục hữu là nói tâm trạng của tất cả chúng sanh trong vũ trụ nhất là trên hành tinh này.

Tóm lại, dục hữu tức là dục giới có nghĩa là thế giới của loài người và loài thú vật.

ĐỊNH HỮU SẮC

Sắc hữu nghĩa là gì? Sắc hữu là chỉ cho cảnh giới bốn thiền. Cảnh giới bốn thiền tức là trạng thái Tứ Thánh Định. Bốn trạng thái này trong kinh sách Đại Thừa thường gọi là bốn cảnh Trời hữu sắc:

1/ Sơ Thiền Thiên

2/ Nhị Thiền Thiên

3/ Tam Thiền Thiên

4/ Tứ Thiền Thiên

Bốn trạng thái thiền này do ý thức tu tập tạo ra, nên gọi là bốn sắc cứu cánh thiên. Cho nên nói sắc hữu là chúng ta biết ngay là bốn trạng thái Tứ Thánh Định.

ĐỊNH VÔ SẮC

Vô sắc hữu nghĩa là gì? Vô sắc hữu nghĩa là chỉ cho cảnh giới bốn thiền vô sắc. Cảnh giới bốn thiền vô sắc tức là trạng thái Tứ Không Tưởng Định. Bốn trạng thái này mà trong kinh sách Đại Thừa thường gọi là bốn cảnh Trời vô sắc:

1/ Không Vô Biên Xứ Tưởng Thiên.

2/ Thức Vô Biên Xứ Tưởng Thiên.

3/ Vô Sở Hữu Xứ Tưởng Thiên.

4/ Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Tưởng Thiên.

Bốn trạng thái thiền này do tưởng thức tu tập tạo ra, nên gọi là bốn vô sắc cứu cánh thiên. Cho nên, nói đến Vô sắc hữu là nói đến bốn định tưởng này.

THẾ GIỚI SIÊU HÌNH KHÔNG CÓ

LỜI PHẬT DẠY

Này Hiền giả Channa, tôi tận mắt nghe Thế Tôn, tận mắt nhận lãnh từ Thế Tôn giáo giới này cho tôn giả Kaccànaghotta: “Thế giới này dựa trên hai quan điểm, này Kaccàna, hiện hữu và không hiện hữu. Ai thấy như thật với chánh trí tuệ sự tập khởi của thế giới, thì không chấp nhận là thế giới không hiện hữu! Nhưng này Kaccàna, ai thấy như thật với chánh trí tuệ sự đoạn diệt của thế giới, thì không chấp nhận là thế giới có hiện hữu. Thế giới này phần lớn, này Kaccàna là chấp thủ các phương tiện và bị trói buộc bởi những thành kiến. Với ai không đi đến không chấp thủ, không an trú vào chấp thủ các phương tiện, tâm không an trú và thiên kiến tùy miên, vị ấy không nói: “Đây là tự ngã của tôi”. Với ai nghĩ rằng: “Cái gì khởi lên là đau khổ, cái gì diệt là đau

khổ”, vị ấy không có phân vân nghi hoặc. Trí ở đây không mượn nhờ người khác. Cho đến như vậy, này Kaccàna là Chánh trí”.

CHÚ GIẢI:

Đọc đoạn kinh này chúng ta thấy rất rõ ràng đức Phật đã xác định thế giới hữu hình và thế giới siêu hình không có thật.

Con người trên hành tinh này đều dựa trên hai quan điểm cực đoan “có” và “không” mà cho rằng: “Có hai thế giới hữu hình và vô hình”. Cho nên có người chấp nhận “có hiện hữu” thì không chấp nhận “không hiện hữu”. Nhưng sự hiện hữu do duyên hợp mà có nên thành không có. Con người không có chánh trí tuệ, nên điên đảo lầm chấp là thật có hai thế giới hữu hình và siêu hình.

Con người đau khổ vì thế giới không có thật mà cứ nghĩ tưởng là có thật, do đó chấp chặt không dám buông xuống.

Cho nên có hiểu biết sắc là vô thường, là khổ, là vô ngã, nhưng biết là để biết, từ bỏ thì không từ bỏ, vẫn thấy sắc là mình, là của mình, là bản ngã của mình.

Đức Phật đã xác định thế giới siêu hình không có thật là tuyệt vời: “Ai thấy như thật với chánh trí tuệ sự tập khởi của thế giới, thì không chấp nhận là thế giới không hiện hữu! Nhưng này Kaccàna, ai thấy như thật với chánh trí tuệ sự đoạn diệt của thế giới, thì không chấp nhận thế giới có hiện hữu”.

Khi đọc đoạn kinh này chúng ta cần phải hiểu rõ nghĩa những từ. Vậy thế giới không hiện hữu là gì? Và thế giới có hiện hữu là gì?

Thế giới không hiện hữu là thế giới không có hình sắc, thế giới không hình sắc tức là thế giới vô hình.

Thế giới có hiện hữu là thế giới có hình sắc, tức là thế giới mà chúng ta đang sống đang có mặt. Hai thế giới này đều do tưởng tri dựng lên, nó đều không như thật. Nếu người nào chấp nó thì phải thọ chịu lấy những sự khổ đau.

PHÁP MÔN NHƯ LÝ TÁC Ý

LỜI PHẬT DẠY

Thưa Hiền giả Sàriputta (Xá Lợi Phất) những pháp gì Tỳ kheo giữ giới cần phải như lý tác ý?

Này Hiền giả Kotthika, Tỳ Kheo giữ giới cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn là vô thường, khổ, bệnh hoạn, ung nhọt, mũi tên, bất hạnh, người lạ, ốm đau, người lạ hủy hoại, rỗng không, vô ngã.

Thế nào là năm? Tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn.

 Này Hiền giả Kotthika, vị Tỳ Kheo giữ giới cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn là vô thường, khổ, bệnh hoạn, ung nhọt, mũi tên, bất hạnh, ốm đau, người lạ, hủy hoại, rỗng không, vô ngã.

Này Hiền giả, sự kiện này xảy ra: Tỳ Kheo giữ giới do như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường… vô ngã, có thể chứng được quả “Dự lưu”.

Với Tỳ Kheo đã chứng quả Dự lưu, này Hiền giả Sàriputta, những pháp gì cần phải như lý tác ý nữa?

 Với Tỳ Kheo đã chứng quả Dự lưu, này Hiền giả Kotthika cần phải tác ý năm thủ uẩn này là vô thường… vô ngã. Sự kiện này có thể xảy ra, này Hiền giả, Tỳ Kheo Dự lưu, do như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường… vô ngã, có thể chứng được quả “Nhất lai”.

Nhưng Tỳ Kheo Nhất Lai, này Hiền giả Sàriputta, phải như lý tác ý các pháp gì?

Tỳ Kheo Nhất Lai, này Hiền giả Kotthika, phải như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường… vô ngã. Sự kiện này có thể xảy ra.

Này Hiền giả, Tỳ Kheo Nhất Lai do như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường… vô ngã, có thể chứng được quả “Bất Lai”.

Nhưng Tỳ Kheo Bất Lai, này Hiền giả Sàriputta, cần phải như lý tác ý những pháp gì?

Tỳ Kheo Bất Lai, này Hiền giả Kotthika, cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường… vô ngã. Sự kiện này có thể xảy ra, này Hiền giả, Tỳ Kheo Bất Lai, do như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường… vô ngã, có thể chứng được quả “A La Hán”.

Nhưng Tỳ Kheo A La Hán, này Hiền giả Sàriputta, cần phải như lý tác ý những pháp gì?

Với vị A La Hán, này Hiền giả Kotthika, không có gì phải làm nữa hay không có phải thêm gì nữa trong công việc làm.

Những sự tu tập, làm cho sung mãn những pháp này sẽ đưa đến hiện tại lạc trú và chánh niệm tỉnh giác.

(Tương Ưng kinh tập 3 trang 298)

CHÚ GIẢI:

QUẢ TU ĐÀ HOÀN

Theo như trong bài kinh này dạy thì pháp tu hành phải có kết quả từ thấp đến cao đều duy nhất có một pháp tu tập, đó là pháp NHƯ LÝ TÁC Ý NĂM THỦ UẨN. Khởi sự bắt đầu tu tập là phải tu tập giới luật. Vậy tu tập giới luật phải tu tập như thế nào?

Chúng ta hãy lắng nghe pháp thoại giữa ông Sàriputta và ông Kotthika: “– Thưa Hiền giả Sàriputta, (Xá Lợi Phất) những pháp gì Tỳ kheo giữ giới cần phải như lý tác ý?

– Này Hiền giả Kotthika, Tỳ Kheo giữ giới cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn là vô thường, khổ, bệnh hoạn, ung nhọt, mũi tên, bất hạnh, người lạ, ốm đau, người lạ hủy hoại, rỗng không, vô ngã.

Thế nào là năm? Tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn”.

Như các bạn đã biết năm thủ uẩn là thân ngũ uẩn của các bạn. Mục đích của bài pháp này dạy là các bạn tu tập năm thủ uẩn bằng pháp như lý tác ý với câu này: “Năm thủ uẩn là vô thường, khổ, bệnh hoạn, ung nhọt, mũi tên, bất hạnh, người lạ, ốm đau, người lạ hủy hoại, rỗng không, vô ngã”. Muốn giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào, thì luôn luôn phải tác ý câu trên đây. Tác ý câu trên đây cho đến khi nào giới luật nghiêm chỉnh, tức là giới luật thanh tịnh. Giới luật thanh tịnh là các bạn đã được dự vào dòng Thánh. Được dự vào dòng Thánh. Dòng Thánh có tên gọi là TU ĐÀ HOÀN. Cho nên, bài kinh này đã xác định rõ ràng: “Này Hiền giả, sự kiện này xảy ra: Tỳ Kheo giữ giới do như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường… vô ngã, có thể chứng được quả “Dự lưu” (Tu Đà Hoàn)”.

QUẢ TƯ ĐÀ HÀM

Khi Giới luật nghiêm chỉnh các bạn sẽ là một bậc Thánh giới của Phật giáo, tức là các bạn đã ly dục ly ác pháp tương ưng với Sơ Thiền. Khi tu tập đạt được kết quả này các bạn lại tiến bước thêm trên đường thiền định bằng phương pháp như lý tác ý năm thủ uẩn như trong kinh dạy: “ Với Tỳ Kheo đã chứng quả Dự lưu, này Hiền giả Sàriputta, những pháp gì cần phải như lý tác ý nữa?

– Với Tỳ Kheo đã chứng quả Dự lưu, này Hiền giả Kotthika cần phải tác ý năm thủ uẩn này là vô thường… vô ngã. Sự kiện này có thể xảy ra, này Hiền giả, Tỳ Kheo Dự lưu, do như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường… vô ngã, có thể chứng được quả “Nhất lai”.

Chỉ có một pháp duy nhất NHƯ LÝ TÁC Ý NĂM THỦ UẨN mà các bạn đã chứng quả Nhất Lai. Quả Nhất Lai là quả TƯ ĐÀ HÀM, quả này tương ưng với quả Nhị Nhiền. Như vậy, các bạn muốn nhập Nhị Thiền thì các bạn chỉ cần dùng pháp NHƯ LÝ TÁC Ý NĂM THỦ UẨN là diệt tầm tứ nhập Nhị Thiền.

Bây giờ các bạn biết rõ pháp tu tập để nhập Nhị Thiền chưa? Từ lâu các bạn chỉ ở trên lý thuyết của các học giả. Bây giờ không còn lý thuyết nữa là pháp hành cụ thể rõ ràng, không còn mơ hồ trừu tượng nữa.

QUẢ A NA HÀM

Hiện giờ các bạn nhập được Nhị Thiền, chứng được quả Nhất Lai thì các bạn lại tiếp tục tu tập pháp NHƯ LÝ TÁC Ý NĂM THỦ UẨN như trong kinh đã dạy: “Nhưng Tỳ Kheo Nhất Lai, này Hiền giả Sàriputta, phải như lý tác ý các pháp gì?

Tỳ Kheo Nhất Lai, này Hiền giả Kotthika, phải như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường… vô ngã. Sự kiện này có thể xảy ra.

Này Hiền giả, Tỳ Kheo Nhất Lai, do như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường… vô ngã, có thể chứng được quả “Bất Lai”. Do tu tập pháp NHƯ LÝ TÁC Ý NĂM THỦ UẨN mà chứng được quả bất lai. Quả bất lai tức là Quả A Na Hàm. Quả A Na Hàm tương ưng quả của Tam Thiền là ly hỷ trú xả. Như vậy các bạn muốn nhập Tam Thiền thì chỉ cần thực hành pháp NHƯ LÝ TÁC Ý NĂM THỦ UẨN.

QUẢ A LA HÁN

Sau khi tu tập chứng quả A Na Hàm xong thì các bạn tiếp tục tập để chứng quả A La Hán, muốn tu chứng quả A La Hán thì các bạn nên tu tập Thiền Thứ Tư. Thiền Thứ Tư là phải tịnh chỉ hơi thở, là phải xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh. Như vậy, muốn tịnh chỉ hơi thở xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh thì phải làm sao? Tu tập như thế nào để đạt được quả A La Hán? Vậy các bạn hãy lắng nghe ông Xá Lợi Phất dạy: “Nhưng Tỳ Kheo Bất Lai, này Hiền giả Sàriputta, cần phải như lý tác ý những pháp gì?

Tỳ Kheo Bất Lai, này Hiền giả Kotthika, cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường… vô ngã. Sự kiện này có thể xảy ra, này Hiền giả, Tỳ Kheo Bất Lai, do như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường… vô ngã, có thể chứng được quả “A La Hán””.

Như lời dạy trên đây chúng ta thấy rất đơn giản pháp NHƯ LÝ TÁC Ý NĂM THỦ UẨN. chỉ có bấy nhiêu thôi mà tu tập chứng quả A La Hán thật không có khó khăn, không có mệt nhọc. Phải không các bạn? Cho nên Phật dạy: “Với tâm định tỉnh nhu nhuyễn, dễ sử dụng, nhập bốn thiền, thực hiện Tam Minh không có khó khăn, không có mệt nhọc”, nhưng làm sao đạt được tâm định tỉnh, nhu nhuyễn, dễ sử dụng? Thì ra là pháp môn NHƯ LÝ TÁC Ý NĂM THỦ UẨN.

Vậy, bây giờ các bạn đã biết pháp tu rồi chứ! Nếu không có bài kinh này chắc các bạn không bao giờ biết cách thức nào và làm sao nhập Tứ Thánh Định và thực hiện Tam Minh.

Pháp môn NHƯ LÝ TÁC Ý NĂM THỦ UẨN là pháp môn gì, các bạn có biết không? Đó là pháp môn Tứ Niệm Xứ các bạn ạ! Sau khi soạn thảo giáo trình tu học cho tám lớp và ba cấp của Phật giáo thì chúng tôi sẽ đưa những bài học và tu tập này giảng dạy đúng chương trình giáo dục đào tạo bậc A La Hán thì các bạn sẽ hiểu rõ bài kinh này nhiều hơn.

CHỨNG QUẢ A LA HÁN CÒN TU PHÁP NÀO NỮA KHÔNG?

Sau khi tu chứng quả A La Hán xong thì còn tu tập pháp môn nào nữa không?

Thưa các bạn! Khi tu chứng quả A La Hán xong thì còn tu tập pháp môn nào nữa, vì tu tập đến đó là tu tập đã xong, chứng quả A La Hán là kết quả cuối cùng của con đường tu theo Phật giáo, đó là mục đích mà bốn chân lý của Phật giáo đã xác định “DIỆT ĐẾ”, cho nên nó không còn phải tu tập pháp gì nữa khác. Xin các bạn hãy lắng nghe ông Xá Lợi Phất dạy: “Nhưng Tỳ Kheo A La Hán, này Hiền giả Sàriputta, cần phải như lý tác ý những pháp gì?

Với vị A La Hán, này Hiền giả Kotthika, không có pháp gì phải làm nữa hay không có phải thêm gì nữa trong công việc làm.

Những sự tu tập, làm cho sung mãn những pháp này sẽ đưa đến hiện tại lạc trú và chánh niệm tỉnh giác”. (Tương Ưng kinh tập 3 trang 298).

Đoạn kinh này đã xác định rõ ràng, người tu chứng quả A La Hán là không còn tu nữa, vậy mà Đại Thừa dám bịa đặt ra tu chứng quả A La Hán xong còn phải tiếp tục tu tập để chứng quả Phật. Đại Thừa xây dựng quả Phật cao hơn quả A La Hán. Khi tu chứng quả A La Hán là quả tâm vô lậu. Tâm vô lậu là tâm không còn khổ đau, tâm giải thoát, tâm làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt tái sanh luân hồi. Thế mà Đại Thừa còn bảo tu nữa, đó là ý đồ của Đại Thừa là muốn quét sạch Phật giáo ra khỏi thế gian này, cho nên đặt ra quả Phật để diệt quả A La Hán. Diệt quả A La Hán tức là diệt chân lý thứ ba của Phật giáo (Diệt đế). Quả Phật không phải Diệt đế, vì Diệt đế là tâm vô lậu.

Đọc đến bài kinh này các bạn mới thấy rõ âm mưu của Đại Thừa và Thiền Tông rất muốn diệt Phật giáo một cách sâu sắc khiến cho tín đồ Phật giáo không thể nào ngờ được.

Trên đây là một bài pháp mà Phật đã dạy cho chúng Tỳ Kheo về pháp môn NHƯ LÝ TÁC Ý NĂM THỦ UẨN vô thường… vô ngã. Duy nhất chỉ có một pháp như lý tác ý năm thủ uẩn vô thường… vô ngã. Bắt đầu tu tập như vậy, sẽ chứng từ quả Dự Lưu đến quả A La Hán.

Xem bài kinh trên đây chúng ta mới thấy pháp như lý tác ý rất quan trọng trong sự tu tập theo Phật giáo. Nếu tu theo Phật giáo mà không có pháp như lý tác ý thì chúng tôi tin rằng không có ai tu giải thoát được. Và không có pháp như lý tác ý thì chúng ta sẽ tu thiền định tưởng của ngoại đạo, chứ không phải thiền định của Phật giáo (Chánh Định).

Bài kinh này xác định rằng: người nào dùng ý thức tu tập pháp như lý tác ý để ly tham, đoạn diệt ác pháp, là không tu sai Phật Pháp, còn ngược lại là tu sai. Và như vậy chúng ta mới có đủ niềm tin vững chắc đối với pháp môn này. Có niềm tin vững chắc với Phật pháp, thì mới có đủ ý chí sắt, đá và kiên gan, bền chí chiến đấu với giặc sanh tử. Nhờ đó thì sự tu hành mới có tiến bộ và mới đạt đến mục đích cuối cùng.

Trên đây là một pháp môn tu tập rất đơn giản của Phật giáo, không bị ức chế tâm một chút nào cả, mà bất cứ người nào từ già đến trẻ đều tu tập có kết quả giải thoát như nhau, đó là “PHÁP MÔN NHƯ LÝ TÁC Ý NĂM THỦ UẨN”. Xin các bạn hãy vững lòng tin mà áp dụng vào đời sống của mình thì các bạn sẽ thấy kết quả giải thoát ngay liền.

NHẬP BỐN THIỀN NÊN LƯU Ý

LỜI PHẬT DẠY

1/ “Tịnh chỉ ngôn ngữ nhập Sơ Thiền.

2/ Tịnh chỉ khẩu hành nhập Nhị Thiền.

3/ Tịnh chỉ mộng tưởng nhập Tam Thiền (ly hỷ).

4/ Tịnh chỉ hơi thở nhập Tứ Thiền”.

CHÚ GIẢI:

TỊNH CHỈ NGÔN NGỮ

Những lời dạy cô đọng này của đức Phật, là để chỉ cho chúng ta biết lối vào nhập Tứ Thánh Định, nếu chúng ta không hiểu nghĩa rõ ràng thì chẳng biết đường nào nhập vào Bốn Thánh Định này được.

Ở đây Phật dạy muốn nhập Sơ Thiền thì phải tịnh chỉ ngôn ngữ. Vậy tịnh chỉ ngôn ngữ như thế nào? Tịnh chỉ là gì? Và ngôn ngữ là gì?

Có trả lời được những câu hỏi này, mới làm sáng tỏ nghĩa của nó. Ngôn là lời nói; ngữ là chữ viết; tịnh là thanh tịnh; chỉ là ngưng, là dừng lại. Vậy nghĩa đen chung của bốn chữ này là “dùng tâm thanh tịnh dừng lời nói và đừng viết chữ mới nhập được Sơ Thiền”.

Tâm thanh tịnh là gì? Tâm thanh tịnh là tâm ly dục, ly ác pháp. Muốn tâm ly dục ly ác pháp thì pháp môn Tứ Chánh Cần, Tứ Niệm Xứ và Thân Hành Niệm phải siêng năng tu tập. Vậy Tứ Chánh Cần, Tứ Niệm Xứ và Thân Hành Niệm phải tu tập như thế nào? Muốn tu tập Tứ Chánh Cần thì phải tu tập bốn loại định:

1/ Định Niệm Hơi Thở

2/ Định Vô Lậu

3/ Định Sáng Suốt

4/ Định Chánh Niệm Tỉnh Giác

Nên nhớ luôn luôn tu các định này phải kết hợp với pháp như lý tác ý.

Muốn tu tập Tứ Niệm Xứ, thì phải dùng pháp như lý tác ý quét chướng ngại pháp trên bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp bằng 18 đề mục của Định Niệm Hơi Thở, phải thiện xảo áp dụng đúng cách.

Muốn tu tập pháp môn Thân Hành Niệm, thì phải tu tập tác ý theo thân hành niệm nội hay ngoại.

Nhờ tu tập những pháp môn trên đây mà tâm được thanh tịnh. Khi tâm thanh tịnh thì lúc bấy giờ mới có thể tịnh chỉ ngôn ngữ. Tâm chưa ly dục ly ác pháp thì không thể nào tịnh chỉ ngôn ngữ được.

Nếu chúng ta hiểu nghĩa tịnh chỉ ngôn ngữ bằng cách không nói chuyện (tịnh khẩu), thì ngàn đời tu hành cũng chẳng nhập được Sơ Thiền chút nào.

Nhưng chúng ta cũng nên nhớ, khi tu tập pháp môn Tứ Chánh Cần, Tứ Niệm Xứ và Thân Hành Niệm, thì phải thực hiện phòng hộ sáu căn, do đó chúng ta tránh hội họp, tránh nói chuyện, sống trọn vẹn trầm lặng độc cư, mà còn phải giữ tâm độc trú nữa. Có như vậy sự tu hành mới có thể đi đến nơi, đến chốn.

Từ lâu tại tu viện Chơn Như này, có biết bao người về tu tập, nhưng đều tu sai pháp, sống không đúng hạnh phòng hộ sáu căn. Và vì thế đến nay họ đã mang nợ áo cơm của đàn na thí chủ quá nhiều, uổng phí một đời tu hành của họ mà thôi, cũng chỉ vì không tin Thầy, hành không đúng lời dạy. Bây giờ họ tin ai trong đời này. Ai là người đã tu tập nhập được Tứ Thánh Định và thực hiện được Tam Minh? Không tin Thầy thì chỗ nương tựa đã mất. Mất chỗ nương tựa, rồi đây các bạn sẽ về đâu? Tu tập như các bạn đời chẳng ra đời, đạo chẳng ra đạo. Sống dở, chết dở. Phải không các bạn?

Khi nghe hỏi vậy, chắc các bạn sẽ trả lời: “Thiếu gì chỗ tựa nương, đâu phải chỉ có Thầy sao”. Đúng vậy, nhưng để xem các bạn tu hành được những gì? Hay chỉ nói xấu Thầy mình mà thôi.

Vì lòng yêu thương, nên Thầy nói thế để rồi trên đường tu tập của các bạn sẽ trôi về đâu… thì đó là đáp số của các bạn. Dù sao một giây, một phút, một giờ, một ngày cùng sống bên nhau, thì cũng còn mang trong lòng một chút tình nghĩa Thầy trò. Phải không các bạn? Thầy chỉ có một kiếp này, một lần này ở thế gian mà thôi.

Những buổi chiều tà mưa phủ trắng

Thầy cười tha thứ kẻ vong ân”.

TỊNH CHỈ KHẨU HÀNH

Muốn nhập Nhị Thiền thì phải tịnh chỉ khẩu hành. Vậy tịnh chỉ khẩu hành như thế nào? Tịnh chỉ thì các bạn đã hiểu nghĩa rồi. Vậy khẩu hành là gì?

Có trả lời được những câu hỏi này mới làm sáng tỏ nghĩa của nó. Khẩu hành là sự hoạt động của miệng. Miệng có hai phần hoạt động:

1- Miệng dùng để ăn.

2- Miệng dùng để nói chuyện.

Khẩu hành là sự hoạt động của miệng. Vậy nghĩa đen chung của cả bốn chữ tịnh chỉ khẩu hành này là “dùng tâm thanh tịnh dừng sự hoạt động của miệng nhập Nhị Thiền, tức là dừng lại sự nói chuyện và không ăn uống”.

Làm cách nào để miệng ngưng hoạt động nhập Nhị Thiền? Câu ở trên đức Phật đã dạy: “Tịnh chỉ khẩu hành nhập Nhị Thiền”. Vậy tịnh chỉ như thế nào? Như chúng tôi đã nói ở trên. Tịnh chỉ là ly dục ly ác pháp, nghĩa là khi tâm ly dục ly ác pháp thì tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh là tâm bất động, tâm không còn tham, sân, si, mạn, nghi nữa. Tâm không còn tham, sân, si nữa là tâm có đủ bảy năng lực, nhờ bảy năng lực ấy mới làm cho khẩu hành ngưng hoạt động. Nếu tâm chưa có đủ bảy năng lực thì khó mà nhập định được.

Tịnh chỉ khẩu hành, nói thì dễ mà tu tập thì không phải dễ. Tịnh chỉ là cả một quá trình tu tập của Phật giáo, đòi hỏi người tu sĩ phải sống đúng giới luật không được vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào cả.

Cho nên, khi nghe Phật nói: Ly dục ly bất thiện pháp nhập Sơ Thiền do ly dục sinh hỷ lạc, thì chúng ta tưởng ngồi thiền nhiếp tâm cho hết vọng tưởng là sẽ nhập Sơ Thiền. Điều này không thể được các bạn ạ! Như chúng ta ai cũng nói ly dục được, nhưng không phải nói ly dục là tâm ta ly dục được liền. Muốn ly dục, ly ác pháp thì chúng ta cũng phải bỏ hết cả cuộc đời để tu tập, vừa sống đúng phạm hạnh, vừa tu tập cho đúng pháp môn. Nếu sống đúng Phạm hạnh, mà tu tập không đúng pháp môn thì được lợi ích phân nửa, còn Phạm hạnh sống không đúng mà chỉ tu đúng pháp thì chẳng ích lợi gì, trái lại còn có tai hại, nghĩa là sống phạm giới, phá giới mà tu tập thiền định, thì sẽ rơi vào tà thiền, một loại thiền rất nguy hiểm, làm mất đường giải thoát.

TỊNH CHỈ MỘNG TƯỞNG

Như lời Phật đã dạy: “Muốn nhập Tam Thiền thì phải tịnh chỉ mộng tưởng”. Vậy tịnh chỉ mộng tưởng như thế nào? Tịnh chỉ thì các bạn đã hiểu nghĩa rồi. Vậy mộng tưởng là gì? Có trả lời được câu hỏi này mới làm sáng tỏ nghĩa của nó. Mộng tưởng là tưởng tri những điều không có thật, là những trạng thái do tưởng uẩn tạo ra giống như những người lên đồng, nhập cốt, giống như các nhà ngoại cảm, giống như giấc chiêm bao. Đó là những sự hoạt động của tưởng uẩn.

Mộng tưởng là sự hoạt động của tưởng. Vậy nghĩa đen chung cho cả bốn chữ tịnh chỉ mộng tưởng này là “dùng năng lực tâm thanh tịnh tức là Thất Giác Chi dừng sự hoạt động của tưởng uẩn nhập Tam Thiền”.

Làm cách nào để tưởng uẩn ngưng hoạt động nhập Tam Thiền? Câu nói ở trên đức Phật đã dạy: “Tịnh chỉ mộng tưởng nhập Tam Thiền”. Vậy tịnh chỉ như thế nào? Như chúng tôi đã giải thích nghĩa tịnh chỉ ở trên. Tịnh chỉ là ly dục ly ác pháp, nghĩa là khi tâm ly dục ly ác pháp thì tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh là tâm bất động. Tâm không còn tham, sân, si, mạn nghi. Tâm không còn tham, sân, si… nữa, là tâm có đủ bảy năng lực, nhờ bảy năng lực ấy mới làm cho tưởng uẩn ngưng hoạt động. Nếu tâm chưa có đủ bảy năng lực Giác Chi thì không Tịnh chỉ mộng tưởng nhập Tam Thiền (ly hỷ) được.

TỊNH CHỈ HƠI THỞ

Muốn nhập Tứ Thiền thì phải tịnh chỉ hơi thở. Vậy tịnh chỉ hơi thở như thế nào?

Tịnh chỉ thì các bạn đã hiểu nghĩa rồi. Vậy hơi thở là gì? Hơi thở là sự hoạt động tự nhiên của thân bạn, để tiếp thu thể khí bên ngoài mà nuôi dưỡng thể khí bên trong.

Hơi thở là sự hoạt động nội của thân, thân còn sống thì còn thở, thân không còn sống là thân hết thở. Vậy hơi thở là mạng sống của con người. Nghĩa đen chung của bốn chữ tịnh chỉ hơi thở này là: “dùng năng lực tâm thanh tịnh tức là Thất Giác Chi dừng sự hoạt động nội thân để hoàn toàn thân bất động nhập Tứ Thiền”.

Muốn nhập Tứ Thánh Định thì các bạn nên lưu ý: “Khi nào mình có đủ 7 năng lực Giác Chi thì mới nhập được, còn chưa đủ 7 Giác Chi thì đừng mong sờ mó đến Bốn Thánh Định này”.

BẬC A LA HÁN

LỜI PHẬT DẠY

Này Ràdha, có năm thủ uẩn này, Thế nào là năm? Sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn.

Này Ràdha! Khi nào Tỳ Kheo sau khi như thật biết rõ, sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của năm thủ uẩn này, vị ấy được giải thoát, không có chấp thủ; như vậy, gọi vị Tỳ Kheo là bậc A La Hán, đã đoạn tận các lậu hoặc, đã thành tựu Phạm hạnh, đã làm những việc phải làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, đã đoạn tận hữu kiết sử, đã giải thoát nhờ chánh trí”.

(Tương Ưng Kinh tập 3 trang 337)

CHÚ GIẢI:

Đọc qua đoạn kinh này, chúng ta thấy chứng quả A La Hán không phải khó khăn, chỉ có thật quán thân ngũ uẩn như thật, để thấu suốt năm uẩn này không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta, nó vô thường, khổ, vô ngã, nó là người xa lạ, nó là nguy hại, là ổ bệnh tật khổ đau, v.v…

Chỉ cần chính quán như lý tác ý năm thủ uẩn này như vậy, thì chứng quả A La Hán không có khó khăn, không có mệt nhọc. Đọc hai bài kinh trong tập 3 Những Lời Phật Dạy này, thì quý vị Thấy Phật giáo không phải là pháp môn tu tập không được. Nhưng chúng ta phải thấy rằng: Người tu theo Phật giáo phải có nghị lực, phải gan dạ và bền chí thì mới thực sự thấy thân ngũ uẩn không phải là ta, là của ta. Còn nếu không có nghị lực, không gan dạ và bền chí thì xin các bạn đừng tu theo Phật giáo. Dù bạn có tu cũng chẳng có lợi ích gì cho bạn.

Đoạn kinh trên đã xác định rõ ràng đường lối và cách thức tu tập của Đạo Phật như thật quán thân ngũ uẩn thì sẽ chứng quả A La Hán rõ ràng và cụ thể.

LY DỤC THAM

LỜI PHẬT DẠY

Này Ràdha, phàm có dục nào, tham nào, hỷ nào, khát ái nào đối với sắc, hãy từ bỏ chúng. Như vậy sắc sẽ được đoạn tận, cắt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta la, làm cho không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai.

Đối với thọ, tưởng, hành thức cũng vậy”.

CHÚ GIẢI:

Đọc đoạn kinh này chúng ta mới nhận ra pháp hành thiền định cụ thể của Phật giáo là có dục nào, tham nào, hỷ nào, khát ái nào đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức thì hãy từ bỏ chúng, có nghĩa là không làm theo chúng, thì sắc, thọ, tưởng, hành, thức sẽ được đoạn tận, cắt tận gốc rễ không còn sanh khởi nữa.

Phương pháp tu này rất đơn giản chỉ cần không làm theo dục tham, dục sân, dục si… thì cuối cùng thân ngũ uẩn này mới như thật không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta.

 Có đoạn dứt được như vậy thì trước các cảm thọ ta mới có thể bất động tâm được. Nếu không từ bỏ được, không ngăn chặn được lòng tham dục thì chúng ta khó mà thành tựu pháp quán thân, thọ, tâm, pháp vô thường, khổ, vô ngã.

Và không thành tựu được pháp môn này thì khó cho ta thấy được quả giải thoát vô lậu A La Hán.

Từ bỏ lòng tham dục thì chúng ta phải nhận thấy rõ ràng từng tâm niệm dục, dù dục rất vi tế rất nhỏ nhặt. Ví dụ: tham dục ăn, tham dục ngủ, tham dục làm việc, tham dục nói chuyện, tham dục đọc kinh sách, tham dục nghe băng giảng, tham dục tu nhiều, tham dục hỷ lạc, tham dục khinh an v.v..

Chúng ta chỉ có ly được dục là đoạn dứt được thân ngũ uẩn, đó là ý chính của bài kinh này và cũng là pháp hành độc đáo thiền định của Phật giáo mà mọi người không thể ngờ được.

TRANH LUẬN

LỜI PHẬT DẠY

Này các Tỳ Kheo, Ta không tranh luận với đời, chỉ có đời tranh luận với Ta. Này các Tỳ Kheo, người nói Pháp không tranh luận bất cứ một ai ở đời”.

(Tương Ưng Kinh tập 3 trang 249)

CHÚ GIẢI:

Ngày xưa, lúc đức Phật còn tại thế, Ngài thuyết pháp là dựng lại những pháp nào đúng với chân lý giải thoát của loài người. Ngài còn mạnh dạn chỉ thẳng và dẹp bỏ những pháp nào sai, để cho người đời sau biết rõ tránh không lầm lạc. Vì thế, ngoại đạo tức giận thường tìm Phật tranh luận hơn thua cao thấp. Cho nên đoạn kinh trên đây là đức Phật đã xác định Ngài không tranh luận hơn thua bất cứ một ai. Nhưng những pháp nào lừa đảo làm cho con người hao tài tốn của một cách nhảm nhí và tốn hao công sức tu hành không được những gì ích lợi thiết thực, thì Ngài nói thẳng, chỉ thẳng để dẹp bỏ. Cho nên, trong cuộc đời thuyết pháp độ sanh Ngài bị ngoại đạo lăn đá, cho voi say đến giết Ngài, và cho phụ nữ giả mang thai, vu khống Ngài, làm cho mất uy tín… Nhưng tà pháp sao thắng được chánh pháp. Cuối cùng, đức Phật đã giảng dạy cho loài người đầy đủ các pháp hành về đạo đức làm người không làm khổ mình, khổ người. Đến 80 tuổi Ngài ra đi với tâm nguyện viên mãn, để lại cho chúng sanh một nền đạo đức nhân bản tuyệt vời tức là bốn chân lý.

Chúng tôi là đệ tử của Phật, noi gương Ngài, những gì của Phật đã bị ngoại đạo ném bỏ xuống, thì chúng tôi dựng lại, còn những gì không phải của Phật, gây ảnh hưởng xấu tai tiếng cho Phật giáo, gây ảo tưởng, trừu tượng, mê tín, lạc hậu v.v.. khiến cho Phật giáo suy đồi, thì chúng tôi ném bỏ xuống hết. Bởi vì khi tu xong chúng tôi như những người đứng trên núi cao nhìn xuống, thấy kinh sách Đại Thừa và các Tổ tu hành không đúng với chánh pháp của Phật, chúng tôi đều biết rõ. Do đó, Tổ nào có ý đồ ném bỏ và kiến giải sai về Phật giáo thì chúng tôi có bổn phận phải chỉnh đốn lại và làm cho con đường Phật giáo sáng chói huy hoàng, chứ không thể để cho Phật giáo biến thành một đống rác giáo lý tổng hợp (84 ngàn pháp môn). Nhờ đống rác giáo lý ấy, mới có một số người lợi dụng làm nghề sinh sống mê tín, lừa đảo và làm cây chùm gửi, ăn bám vào người khác, biến họ trở thành gánh nặng cho xã hội.

Lời nói này, tin hay không tin là quyền ở các bạn. Nhưng chúng tôi tin chắc rằng: các bạn đều là những người có trí, thấy rộng hiểu xa, thì lời nói của chúng tôi không phải là vô ích. Còn riêng chúng tôi là tu sĩ Phật giáo, có bổn phận phải dựng lại những gì của đức Phật đã bị ném bỏ, và dẹp bỏ những gì không phải của Phật giáo.

Theo lời Phật dạy trên đây, chúng tôi xin gửi đến các bạn một bức tâm thư để các bạn tránh những lỗi lầm dẫm lại lối mòn của Bà La Môn ngày xưa, luôn luôn tìm cách tranh luận hơn thua với Phật, nói xấu Phật, diệt Đạo Phật, nhưng Đạo Phật chân chánh ngày nay vẫn còn. Phải không các bạn?

THƯ NGỎ

Chơn Như ngày 24 tháng 8 năm 2003

Kính gửi: Các bậc Tôn Túc, Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng, Ni và quý vị Phật tử nam nữ cư sĩ bốn phương.

Kính thưa quý vị! Bộ sách Văn Hóa Phật giáo Đường Về Xứ Phật và bộ sách Văn Hóa Phật giáo Giới Đức Làm Người đến nay đã được Nhà Nước cho phép in ấn và phát hành. Hai bộ sách trên đây là trong những bộ sách Văn Hóa Phật giáo Mười Giới Đức Thánh Sa Di, Giới Đức Thánh Tăng và Thánh Ni, Đạo Đức Nhân Bản – Nhân Quả. Đó là những bộ sách chấn chỉnh lại Phật giáo, vì giáo lý chân chánh của Phật giáo gần như bị chôn vùi dưới lớp giáo lý tập hợp của các tôn giáo khác và những kiến giải của các hệ phái khác nhau trong Phật giáo phát triển Đại Thừa và Phật giáo Nguyên Thủy Nam Tông.

Những bộ sách Văn Hóa Phật giáo nguyên gốc mà tác giả ghi lại bằng những kinh nghiệm công sức tu tập của mình theo đường lối giáo lý Nguyên Thủy “GIỚI, ĐỊNH, TUỆ” của đức Phật. Nó mang lại một kết quả rất thực tế và cụ thể cho một đời sống an lạc, thảnh thơi và hạnh phúc của kiếp làm người. “Sống không làm khổ mình, khổ người” và “làm chủ sanh, già, bệnh, chết”.

Nếu ai muốn đem những bộ sách này ra bình luận đúng sai thì hãy tu tập như tác giả, có nghĩa là phải tu tập làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Nếu chưa làm chủ được bốn sự đau khổ này, mà bình luận bộ sách này thì quý vị tự biết khả năng của mình chưa đủ sức bình luận nó.

Nếu vì một lý do gì về sự sống của quý vị mà bình luận nó thì quý vị quá nông cạn, đã tự dối mình dối người để che đậy những điều không phải của Phật giáo. Đó là quý vị quên đi bổn phận và trách nhiệm của người đệ tử Phật là phải dẹp bỏ những tà kiến ngoại đạo đang ẩn núp trong ngôi nhà chánh pháp.

Trong sách này dạy rằng “không có thế giới siêu hình”, nếu quý vị bảo rằng: “có thế giới siêu hình thì quý vị hãy tu tập có trí tuệ Tam Minh, rồi quan sát vũ trụ tìm xem linh hồn người chết, Thần, Thánh, quỷ ma ở đâu, có hay không có? Chừng đó mới bình luận sách này đúng sai.

Còn bảo rằng sách này dạy không đúng lời của Phật, thì quý vị hãy lấy tạng kinh Nikaya ra so sánh và phải sống cho đúng đời sống Phạm hạnh của bậc Thánh Tăng, Thánh Ni, thiền định phải nhập cho được bốn Thánh Định, làm chủ đời sống , tâm không còn tham sân si, mạn, nghi; làm chủ bệnh tật, không còn đi bệnh viện bác sĩ mà phải tự khắc phục các bệnh khổ, nó không còn tác động đến thân tâm và phải làm chủ sự sống chết. Khi làm chủ được như vậy thì quý vị mới bình luận bộ sách này đúng sai với giáo lý Phật giáo. Còn quý vị chưa thực hiện được thì xin quý vị đừng bàn đến mà hãy lo tu tập để cứu mình. Vì quý vị chưa làm chủ được sự sống chết mà dựa vào những kiến giải của những nhà học giả xưa và nay thì cũng giống như những người mù sờ voi thì quý vị sẽ làm trò cười cho những người hiểu biết. Tại sao vậy?

Vì lời nói của quý vị không minh chứng được với việc tu hành. Lời nói không đi đôi với hành động sống và làm chủ thân tâm, thành ra quý vị chỉ lý luận suông mà thôi.

Kính thưa quý vị! Phật giáo là một tôn giáo có nền đạo đức nhân bản – nhân quả của loài người, nền đạo đức ấy sẽ giúp cho con người xây dựng cho mình một cuộc sống Thiên Đàng, Cực Lạc tại thế gian này. Vì thế chúng ta không có quyền dìm mất nó đi một lần nữa, nó mất đi loài người trên hành tinh này chịu một sự thiệt thòi rất lớn và nhất là Phật giáo chỉ còn là một tôn giáo mê tín mà thôi. Xin quý vị lưu ý.

Sau cùng, chúng tôi xin thành tâm kính chúc quý vị thân tâm dồi dào sức khỏe.

                                                                                                                                                                Kính ghi,

                                                                                                                                                   Trưởng lão Thích Thông Lạc

TRONG KHI TU TẬP THIỀN ĐỊNH NÊN LƯU Ý NHỮNG LỜI DẠY NÀY

LỜI PHẬT DẠY

1/ Tịnh chỉ âm thanh ly “động”.

2/ Tịnh chỉ mộng tưởng ly “hỷ”.

3/ Tịnh chỉ thọ ly “xúc”.

Trạng thái vắng lặng trong tỉnh thức là xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh”.

CHÚ GIẢI:

+ Tịnh chỉ âm thanh ly “động”, tức là diệt tầm tứ nhập Nhị Thiền. Bởi vì khi nhập Nhị Thiền thì sáu căn ngưng hoạt động. Sáu căn là gì?

Sáu căn là mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý. Ở đây chúng ta hiểu tầm tứ thuộc về ý căn, diệt tầm tứ tức là diệt ý căn. Ý căn là một căn trong nhóm sáu căn. Nên ý căn diệt thì bắt buộc các căn kia cũng bị diệt. Cho nên câu trên đây dạy: “Tịnh chỉ âm thanh ly “động’’, tức là âm thanh ngưng thì không còn nghe tiếng động. Giống như người đang ngủ say, ý căn không hoạt động nên tầm tứ không có, thì tất cả sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp cũng không có. Cả một không gian vắng lặng. Toàn bộ ý thức bị ngưng bặt, chỉ còn cái biết của tưởng thức mà thôi. Giống như người trong giấc chiêm bao.

+ Tịnh chỉ mộng tưởng ly “hỷ’’Tức là ly hỷ trú xả nhập Tam Thiền. Bởi vì khi nhập Tam Thiền thì không còn chiêm bao. Cho nên, nói tịnh chỉ mộng tưởng tức là chiêm bao không còn. Chiêm bao không còn thì mới nhập được Tam Thiền. Nói cho dễ hiểu hơn: muốn nhập Tam Thiền thì phải tịnh chỉ sự hoạt động của tưởng uẩn.

Tóm lại, muốn nhập Tam Thiền thì phải vượt qua thế giới tưởng, tức là lìa xa 18 loại hỷ tưởng. Mười tám loại hỷ tưởng như thế nào?

Sáu loại tưởng trần gồm có:

1/ Sắc tưởng

2/ Thinh tưởng

3/ Hương tưởng

4/ Vị tưởng

5/ Xúc tưởng

6/ Pháp tưởng

Sáu loại tưởng thức gồm có:

1/ Nhãn tưởng thức

2/ Nhĩ tưởng thức

3/ Tỷ tưởng thức

4/ Thiệt tưởng thức

5/ Thân tưởng thức

6/ Ý tưởng thức

Sáu tưởng thông gồm có:

1/ Thiên nhãn tưởng thông

2/ Thiên nhĩ tưởng thông

3/ Tỷ tưởng thông

4/ Thiệt tưởng thông

5/ Thần túc tưởng thông

6/ Tha tâm tưởng thông

Lìa hết 18 loại hỷ tưởng này thì nhập Tam Thiền. Cho nên, lời dạy tịnh chỉ mộng tưởng ly hỷ thì biết ngay đó là trạng thái Tam Thiền hay nói cách khác mà trong kinh thường dùng ly hỉ trú xả nhập Tam Thiền.

+ Tịnh chỉ thọ ly “xúc”Tức là lìa các cảm thọ nhập Tứ Thiền. Bởi vì khi nhập Tứ Thiền thì các cảm thọ ngưng hoạt động. Thọ là gì?

Thọ là các cảm thọ nơi thân và tâm, vì thế khi nhập Tứ Thiền đức Phật dạy: “Xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh”. Xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh tức là xả thọ. Vì các cảm thọ có ba:

1- Thọ lạc.

2- Thọ khổ.

3- Thọ bất lạc bất khổ.

Muốn xả được như vậy thì phải có đủ năng lực của bảy Giác Chi. Nhờ bảy năng lực của Giác Chi, các bạn mới đủ điều kiện tu tập Tứ Như Ý Túc, trong Tứ Như Ý Túc có Định Như Ý Túc.

Khi các bạn muốn tu tập Định Như Ý Túc thì các bạn dùng Trạch Pháp Giác Chi hướng tâm nhập Sơ Thiền. Hướng tâm nhập Sơ Thiền như thế nào?

Hướng tâm nhập Sơ Thiền như trong kinh Phật đã dạy: “Tâm ly dục ly bất thiện pháp nhập Sơ Thiền”Đó là câu trạch pháp hướng tâm của Thất Giác Chi. Và Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền cũng đều dùng Trạch Pháp hướng tâm tùy theo câu hướng tâm của loại định đó. Hướng tâm đúng pháp và đầy đủ lực Giác Chi thì nhập định được ngay liền, như đức Phật đã dạy: “Nhập bốn thiền không có khó khăn, không có mệt nhọc”. Cho nên, “Tịnh chỉ thọ ly “xúc” là nghĩa này. Ở đây đức Phật sợ chúng ta không hiểu và không nhận ra trạng thái của Tứ Thiền, nên đức Phật xác định để chúng ta dễ nhận hơn nên Ngài bảo: “Trạng thái vắng lặng trong tỉnh thức (của Thức uẩn) là xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh”.

TỪ BỎ

LỜI PHẬT DẠY

Cái gì không phải của các ông các ông hãy từ bỏ, từ bỏ sẽ được hạnh phúc, an lạc lâu dài cho các ông”.

Sắc, thọ, tưởng, hành, thức, không phải của các ông, hãy từ bỏ thân ngũ uẩn này, sẽ đem lại hạnh phúc, an lạc cho các ông”.

CHÚ GIẢI:

Thân ngũ uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Theo như lời đức Phật dạy: “Hãy từ bỏ thân ngũ uẩn này, sẽ đem lại hạnh phúc, an lạc”Đúng vậy, do thân ngũ uẩn này mà chúng ta thường chịu nhiều sự khổ đau.

Vậy muốn từ bỏ thân ngũ uẩn này phải từ bỏ bằng cách nào? Rất nhiều pháp môn tu tập để từ bỏ thân ngũ uẩn này, nhưng có một pháp môn hay nhất. Đó là pháp Như lý tác ý. Tác ý cái gì?

Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy tác ý: “Sắc, này các Tỳ Kheo, là vô thường, cái gì vô thường là khổ. Cái gì khổ là vô ngã. Cái gì vô ngã cần phải như thật thấy với chánh trí tuệ là: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.

Thọ… Tưởng… Các hành… Thức là vô thường…

Này các Tỳ Kheo, do thấy vậy, bậc Đa văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với sắc… đối với thọ… đối với tưởng… đối với các hành… đối với thức.

Do nhàm chán nên ly tham. Do ly tham nên được giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: “Ta đã được giải thoát”. Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc làm nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.

Này các Tỳ Kheo, cho đến hữu tình, cho đến tột đảnh của hữu, những bậc ấy là tối thượng, những bậc ấy là tối thắng ở trong đời, tức là các bậc A La Hán”.

Theo như những lời dạy trên, chứng quả A La Hán rất đơn giản. Phải không các bạn?

Qua lời dạy này, chúng ta chỉ cần biết như thật sắc, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, là khổ, không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta, thì ngay đó là chứng quả A La Hán. Nói thì dễ, nhưng tác ý để biết như thật thì phải có thời gian tu tập không phải là ít.

(còn tiếp)

Trích từ sách: Những Lời Gốc Phật Dạy – Tác giả: Trưởng lão Thích Thông Lạc

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường