VĂN HÓA PHẬT GIÁO

NHỮNG LỜI GỐC PHẬT DẠY

TẬP I

Sau khi chứng đạo dưới cội Bồ đề, đức Phật Thích Ca Mâu Ni triển khai bốn chân lý của loài người, để trở thành một môn học đạo đức nhân bản - nhân quả, giúp cho con người biến cảnh thế gian thành cảnh Thiên Đàng, Cực Lạc.

MỤC LỤC

Mục lục

Lời nói đầu

Trưởng lão

Hỗ thẹn

Khó! Khó! Khó

Có hai lộ trình

Đừng nên dạy đạo khi mình tu chưa xong

Vượt dòng sinh tử

Biết rõ sự tái sanh trong tương lai

Xác định các pháp tu tập

Kệ lúc thành đạo

Tứ chánh cần

Lòng tin chân chánh

Thiền xả tâm

Pháp hướng tâm

Thiền thứ tư

Không sở hữu

Bậc chiến thắng

Bà la môn

Chọn bạn

Thiền định

Trí ngu

Hạnh và minh

Bậc hiền trí

Tâm bất động

Niết bàn

Khi nào ngồi kiết già tu tập

Bảy diệu pháp

Hạnh đức và trí đức

Kinh Bát Thành

Thứ nhất: Sơ thiền là pháp  độc nhất trong kinh Bát Thành

Thứ hai: Nhị thiền là pháp  độc nhất trong kinh Bát Thành

Thứ ba: Tam thiền là pháp  độc nhất trong kinh Bát Thành

Thứ tư: Tứ thiền là pháp  độc nhất trong kinh Bát Thành

Thứ năm: Từ tâm là pháp  độc nhất trong kinh Bát Thành

Thứ sáu: Bi tâm là pháp  độc nhất trong kinh Bát Thành

Thứ bảy: Hỷ tâm là pháp độc nhất trong kinh Bát Thành

Thứ tám: Xả tâm là pháp  độc nhất trong kinh Bát Thành

Niệm Phật

Điều phục tâm mình

LỜI NÓI ĐẦU

Những Lời Gốc Phật Dạy” là tên bộ sách nhiều tập, gồm những lời Phật dạy ngắn gọn được rút ra từ những bài kệ và những bài kinh trong tạng kinh Nikaya, nói lên rõ ý nghĩa và mục đích giải thoát của Đạo Phật, nhất là những pháp hành thực tế, cụ thể. Từ cách thức tu tập đến cách thức sống hằng ngày đối với tất cả mọi hoàn cảnh, mọi đối tượng đều đem lại cho mình, cho người một tâm hồn thanh thản, an vui và vô sự, lúc nào tâm hồn cũng bất động trước các ác pháp và các cảm thọ, luôn luôn không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh.

Nhận thấy những lời dạy này rất quý báu có giá trị và lợi ích rất lớn cho những ai có ý chí quyết tâm tu hành tìm đường thoát khổ, những lời dạy đạo đức này thiết thực mang đến hạnh phúc an vui cho mọi người, nên chúng tôi xin trích ra và chú giải theo đúng kinh nghiệm tu hành của mình đã có kết quả, để giúp cho những người hữu duyên với Chánh Phật Pháp Nguyên Thủy.

Đứng trước hai ngả đường tu tập: Nguyên Thuỷ và Đại Thừa, nếu một người chưa có kinh nghiệm tu hành thì sẽ ngẩn ngơ trước hai lộ trình này, sẽ không biết chọn con đường nào và có thể bị lừa đảo qua những danh từ rất kêu và rất bài bác Phật giáo: “Đại Thừa và Tiểu Thừa”, “Tối Thượng Thừa Thiền và Phàm Phu Thiền”.

Chúng ta còn là những phàm phu, tâm ham muốn còn nhiều, nghe những danh từ Đại Thừa, Tối Thượng Thừa, ai mà không ham. Chúng ta làm sao không chọn lộ trình Đại Thừa, Tối Thượng Thừa mà bỏ Tiểu Thừa, Phàm Phu Thiền, phải không hỡi các bạn? Theo kinh nghiệm tu hành các pháp môn của Đại Thừa, chúng tôi đã phải trả một giá quá đắt mà chẳng được gì, chỉ toàn là ăn bánh vẽ. Cuối cùng, chúng tôi chọn lấy con đường thích hợp với nguyện vọng tha thiết tìm tu giải thoát cho mình. Đó là con đường Nguyên Thủy, và khi tu tập thì có kết quả thực tế ngay liền, nên bây giờ chúng tôi xin trao lại cho các bạn, vì chúng tôi hiểu các bạn cũng là những người muốn thoát ra khỏi cuộc đời đầy khổ đau phiền não này.

 Thưa các bạn! Những lời dạy ngắn gọn này là những hành động đạo đức tuyệt vời của Đạo Phật để hành giả biết sửa đổi những lỗi lầm thiếu đạo đức của mình và để luôn luôn khắc phục tâm mình sống phải có những hành động đạo đức nhân bản - nhân quả, không làm khổ mình, khổ người. Đó cũng là xây dựng lại cuộc sống chung nhau, đối với những người thân thương trong gia đình cũng như ngoài xã hội, quyết tâm luôn luôn đem đến cho nhau những sự an vui, thanh thản và vô sự.

Chúng tôi trích ra những lời dạy này xin các bạn hãy đọc kỹ, đọc nhiều lần, vì những lời dạy cô đọng này, nếu chỉ đọc lướt qua một lần thì chúng tôi e rằng các bạn sẽ không hiểu hết ý nghĩa vì đây là hành động đạo đức của loài người, không phân biệt người có tôn giáo hay không tôn giáo. Và nhất là các bạn nên xem lại phần chú giải của chúng tôi, vì phần chú giải có những kinh nghiệm sống và tu hành cụ thể, thực tế, có kết quả thật sự theo những lời dạy này. Vì thế, chúng tôi mạnh dạn ghi lại để giúp các bạn thực hành áp dụng vào đời sống của mình sẽ có kết quả ngay liền mà không hề sợ lạc lối vào con đường chịu đựng, ức chế tâm.

Tập sách này với mục đích giúp cho các bạn nhận rõ thiền định của Phật giáo Nguyên Thuỷ và thiền định của Phật giáo Đại Thừa, Tối Thượng Thừa. Về cách thức tu tập và kết quả thì những loại thiền này không giống nhau chút nào cả. Đó là một điều hết sức quan trọng cho cuộc đời tu hành của các bạn. Nếu tu theo các pháp thiền của Đại Thừa thì các bạn sẽ rơi vào thiền ức chế tâm, nhập vào các loại định tưởng. Tu như vậy sẽ uổng phí một đời tu hành chẳng ích lợi gì cho các bạn và cho những người khác, bởi vì tâm các bạn vẫn còn tham, sân, si, mạn, nghi.

Khi các bạn chấp nhận tu hành theo thiền định của Đại Thừa và thiền Đông Độ, nếu có được kết quả cũng chỉ là đạt được định tưởng, tưởng tuệ. Định tưởng là loại thiền định không ly dục ly ác pháp nên các bạn không đoạn diệt được tâm tham, sân, si. Do đó, các bạn không đủ đạo lực làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Vì thế, các bạn nên nghiệm xét lại các bậc Tôn Túc Hòa Thượng, Thượng Tọa v.v.. thường bệnh đau đi bác sĩ, nằm bệnh viện... Trong định tưởng thường hay phát triển Tưởng tuệ. Tưởng tuệ là những trí tuệ hay tranh cãi lý luận hơn thua hay làm thơ văn siêu tưởng về Phật Tánh tuyệt vời. Do chỗ chứng thiền tưởng này mà các Thầy Đại Thừa và Thiền Tông thường hay xem giáo lý Nguyên Thủy là Tiểu Thừa, là ngoại đạo, cho rằng loại thiền Nguyên Thuỷ đó dạy người tu tập ly dục ly ác pháp là loại thiền phàm phu.

Tập sách này sẽ giúp cho các bạn biết cách thức tu thiền xả tâm với những bài pháp ngắn gọn của đức Phật, nhưng rất rõ ràng và dễ hiểu, có như vậy các bạn tu tập mới không lạc vào thiền ức chế tâm của kinh sách phát triển Đại Thừa và Thiền Tông hoặc của Bà La Môn Giáo hay của ngoại đạo.

Tập sách này ra đời chỉ có ước vọng làm sáng tỏ lại đường lối tu hành của Đạo Phật và giúp cho những ai có nhiệt tâm tu tập sẽ thấy kết quả ngay liền, nếu không có kết quả tức là các bạn đã tu sai cần phải thưa hỏi lại thiện hữu tri thức.

Cuối cùng, chúng tôi xin các bạn nên lưu ý những lời dạy ngắn gọn của đức Phật là những lời vàng ngọc, hãy trân trọng và tôn kính thì con đường tu tập của các bạn mới đạt được chân giải thoát.

                                                                                              Kính ghi,

                                                                             Trưởng lão Thích Thông Lạc

                                                                                       Ngày 30-1-2000

TRƯỞNG LÃO

LỜI PHẬT DẠY

Nếu rõ pháp như thật

Vô hại đối quần sanh

Bỏ các hạnh uế ác

Đây gọi là Trưởng lão”

--o0o--

Ta gọi người Trưởng lão

Chưa hẳn đã xuất gia

Tu gốc nghiệp lành này

Phân biệt ở chánh hạnh”

--o0o--

Nếu có người tuổi nhỏ

Các căn không thiếu sót

Phân biệt chánh pháp lành

Đây gọi là Trưởng lão”

CHÚ GIẢI:

TU HÀNH KHÔNG KHÓ, KHÓ LÀ NGƯỜI KHÔNG LY DỤC LY ÁC PHÁP

Đọc bài kệ trên đây chúng ta thấy tu hành theo Phật giáo không khó, khó là tại chúng ta không chịu ly tâm tham, tâm sân, tâm si. Nếu chịu khó và quyết tâm lìa tâm tham, sân, si thì ngay đó được gọi là Trưởng lão. Trưởng lão trong Đạo Phật được xem là một bậc tu chứng đã giải thoát hoàn toàn như bậc A La Hán. Trưởng lão không phân biệt tu sĩ hay cư sĩ, không phân biệt tuổi tác nhỏ hay lớn, dù là người tu sĩ lớn tuổi hay trẻ tuổi, người cư sĩ cũng vậy, một khi đã tu chứng thì đều được gọi là Trưởng lão. Ngược lại, dù một vị Tỳ kheo tám mươi tuổi mà tu không chứng thì không được gọi là Trưởng lão, chứ không phải tu lâu năm rồi thành sư cụ theo kiểu Đại Thừa.

Đọc bài kệ này, chúng ta thấy rất rõ, muốn tu chứng đạo giải thoát của Phật giáo thì phải thấu rõ pháp môn của đức Phật dạy tu như thế nào.

Câu kệ đầu: “Nếu rõ pháp như thật” nhấn mạnh vào ba chữ “rõ như thật”. Vậy rõ như thật là rõ cái gì? Rõ như thật có hai nghĩa, các bạn cần phải hiểu:

1- Biết rõ như thật pháp của Phật dạy, không bị lầm lạc pháp của ngoại đạo.

2- Hiểu rõ nghĩa lý thiện pháp và ác pháp đúng như lời đức Phật đã dạy.

Muốn hiểu rõ nghĩa lời Phật dạy trong câu kệ thứ hai: “Vô hại đối quần sanh” thì cần phải hiểu cái gì vô hại. Đó chính là pháp thiện, pháp không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh.

Vậy, mục đích của Đạo Phật dạy chúng ta tu hành là dạy sống trong thiện pháp không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh, tức là “ly dục ly ác pháp”.

Để xác định, một lần nữa đức Phật dạy: “Bỏ các hạnh uế ác”. Câu này Phật dạy quá rõ ràng không còn nghi ngờ gì nữa, chỉ rõ pháp thiện như thật để ngăn và diệt ác pháp, luôn luôn sống trong thiện pháp không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh thì ngay đó là một bậc tu chứng của Đạo Phật. Có đúng như vậy không các bạn? Pháp tu như vậy có khó không? Nếu các bạn đã sống tâm ly dục ly ác pháp thì các bạn là bậc giải thoát, là người tu đã chứng đạo. Như vậy, ngồi thiền, niệm Phật, tụng kinh, bái sám, v.v.. có giải thoát không? Có chứng đạo không? Xin các bạn trả lời đi!

Các bạn cứ xem từ xưa cho đến ngày nay Đại Thừa và Thiền Tông dạy người ngồi thiền, niệm Phật, tụng kinh, lạy hồng danh chư Phật và sám hối mà có ai ly dục ly ác pháp không? Có ai là người xứng đáng được gọi là bậc Trưởng lão chưa? Hay thấy một vị tu sĩ ở chùa lâu năm, làu thông kinh sách, tán tụng hay thì gọi là Trưởng lão. Trưởng lão này cũng giống như Sư Cụ ở chùa lâu năm mà thôi.

Câu thứ tư trong bài kệ nhấn mạnh một cách xác quyết: “Đây gọi là Trưởng lão”. Nếu một người tu theo Đạo Phật không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh thì đó là bậc Trưởng lão, tức là người đã tu chứng quả giải thoát. Thật ra, muốn không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh, là phải có một quá trình tu tập chứ không phải nói suông mà có được dễ dàng.

Đọc bốn câu kệ này các bạn thấy pháp của đức Phật đâu có dạy ngồi thiền ức chế tâm cho hết vọng tưởng để kiến tánh thành Phật; hay niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc Tây Phương; hay niệm chú để có thần thông pháp thuật biến hóa tàng hình; hay để có Tha Tâm Thông biết chuyện quá khứ vị lai của mọi người; hay tụng kinh, sám hối, lạy hồng danh chư Phật để cho tiêu tai, giải nạn, v.v.. Ở đây, đức Phật chỉ có dạy chúng ta sống ngăn ác, diệt ác pháp, sanh thiện, tăng trưởng thiện pháp, tức là không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh thì chứng đạo, chứ không phải cần thấy tánh mới thành Phật như Thiền Tông đã dạy: “Kiến tánh thành Phật”. Khi tu hành nhận được “tánh thấy, tánh nghe, tánh biết” mà tâm tham, sân, si vẫn còn thì giải thoát ở chỗ nào? Nên có người mới hỏi Thiền sư tại sao vậy? Thiền sư trả lời: “Tại vì tạp khí còn”. Do câu trả lời này mà người ta bảo rằng lưỡi của Thiền sư là lưỡi lừa. Đúng vậy, Thiền Đông Độ và kinh sách Đại Thừa quả thật đã lừa đảo chúng ta.

Bài kệ này trong kinh Nguyên Thủy thuộc hệ A Hàm trong Hán Tạng mà còn giữ gìn được nguyên gốc lời dạy chân chánh của đức Phật thì quả thật chúng sanh còn nhiều duyên lành với Chánh pháp của Phật. Bài kinh này dạy tu hành rất cụ thể và xác thực từ lúc bắt đầu tu cho đến khi giải thoát hoàn toàn một cách rõ ràng cụ thể: “Pháp Ta không có thời gian đến để mà thấy...”. Pháp Phật tu tập không mơ hồ, không trừu tượng như pháp môn của kinh sách Đại Thừa và Thiền Đông Độ.

Như chúng ta đã biết kinh Nguyên Thủy A Hàm thuộc Hán Tạng là do các Tổ Bà La Môn kết tập nên đã bị các Tổ thêm, bớt rất nhiều, khiến cho Tạng kinh này không còn mang tính chất Nguyên Thuỷ rạch ròi của nó. Hòa Thượng Thích Minh Châu khi lập Luận án Tiến sĩ Phật học, Ngài đã đem hai bộ kinh Trung A Hàm thuộc Hán Tạng và Trung Bộ kinh thuộc Tạng kinh Pali ra so sánh thì thấy có rất nhiều điểm sai khác to lớn khiến cho người sau đọc kinh A Hàm không biết lời dạy nào đúng là lời của Phật và lời dạy nào không đúng. Vì thế, trên bước đường tu học của chúng ta ngày nay nếu không có thiện hữu tri thức có kinh nghiệm hướng dẫn thì chắc chắn sẽ dễ dàng tu sai lạc vào pháp môn của ngoại đạo.

Theo bốn câu kệ này, nếu chúng ta nhiệt tâm tinh cần tu tập hằng ngày sống trong thiện pháp không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh thì chúng ta sẽ chứng đạo. Chứng đạo một cách dễ dàng, chứ không phải như mọi người đã nghĩ: Khó quá!!!

Kính thưa quý vị! Tu như bài kệ trên đây dạy thì không khó. Phải không quý vị?

Tu, chúng ta chỉ cần biết sống cho đúng thiện pháp, không làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sanh. Tu như vậy là hạnh phúc là an vui, thanh thản và vô sự cho mình, cho mọi người và cho muôn loài chúng sanh. Đó chính là sự giải thoát chân thật của Đạo Phật, chứ đâu phải tu tập là phải chịu cực khổ vào chùa làm công quả, rồi hằng ngày niệm Phật, tụng kinh, bái sám, cầu nguyện cho tiêu tai, giải tan nghiệp chướng; cho bệnh tật tiêu trừ; cho được vãng sanh về Cực Lạc Tây Phương; hoặc ngồi thiền để kiến tánh thành Phật; hay lạy hồng danh chư Phật để được gia hộ giải thoát. Luật nhân quả không chấp nhận những điều này, nên dù cho suốt tháng ngày niệm Phật, tụng kinh, cầu nguyện cũng không bao giờ bệnh tật tiêu trừ, tai qua nạn khỏi; dù có lạy hồng danh chư Phật đến mòn đầu gối cũng không giải thoát. Giải thoát đâu chẳng thấy mà chỉ thấy phí công vô ích. Còn ngồi thiền thì đau chân như ai bẻ, tê chân như ai đần, nóng chân như ai đốt lửa, đạo đâu chẳng thấy, chỉ thấy mình ngu si tự làm khổ mình. Ngồi thiền cố gắng tập trung tư tưởng không cho niệm thiện, niệm ác xen vào, đến nỗi đầu nặng như đội đá, mặt căng như da trống. Tuy khổ đau như vậy, nhưng vẫn tu tập không dám bỏ một phút, một giây nào, cho đến khi bị nhức óc, đau đầu như ai lấy dây xiết quanh đầu, đau nhức như bưng, thế mà Phật tánh có giúp cho mình hết khổ đau được không? Có hết tham, sân, si, mạn, nghi không? Rõ ràng bỏ của, bỏ công, phí sức tu tập mà không tìm giải thoát được, chỉ toàn sống trong xúc tưởng hỷ lạc ảo giác, do ngu si không hiểu biết thiền định nên cho đó là thiền định. Thật là tội nghiệp cho những người mù muốn biết màu sắc. Ôi! Đáng thương xót vậy.

Tóm lại, bốn câu kệ trên cho thấy sự tu hành của Đạo Phật không khó, tu đến đâu là có giải thoát đến đó ngay liền; có khó chăng là chỉ những người không muốn tìm sự giải thoát nên không chịu bỏ những ác pháp, không chịu từ bỏ xa lìa tâm ham muốn dục lạc thế gian.

Thường những người ưa thích ngồi thiền kéo dài nhiều thời gian không vọng niệm, để kiến tánh thành Phật, hoặc ham mê thần thông nên tu khổ hạnh, chịu đau khổ, không muốn rời sự đau khổ, lấy sự đau khổ làm sự giải thoát để đạt được mục đích thần thông. Đối với Đạo Phật, những sự tu tập đó là đi ngược lại đường lối giải thoát của Phật. Do những sự ham mê như trên đã nói, nên họ thấy tu tập là tu khó.

Đối với những người có quyết tâm vượt thoát ra khỏi bản chất loài cầm thú của mình thì Đạo Phật tu hành không khó, tu hành rất dễ dàng; chỉ khó đối với những người không chịu lìa xa, không muốn từ bỏ bản chất cầm thú của mình nên đành phải chịu khổ đau muôn đời, muôn kiếp.

NGƯỜI TU CHỨNG KHÔNG PHÂN BIỆT NGƯỜI XUẤT GIA HAY TẠI GIA

Người đời thường có quan niệm cho rằng người xuất gia mới tu chứng Thánh quả A La Hán, mới thành Phật, còn người tại gia thì không bao giờ tu chứng được. Đối với Đạo Phật những quan niệm này sai lầm. Đạo Phật không phân biệt người xuất gia hay tại gia mà chỉ dành cho những người có quyết tâm tìm tu giải thoát, để thoát ra khỏi biển khổ sanh tử luân hồi. Nhưng điều quan trọng trong sự tu tập này là phải thấu rõ giáo pháp của đức Phật là “Thiện pháp”, là “Đức hạnh cao quý” của loài người và của Thánh nhân, nên muốn tu tập là phải luôn luôn khắc phục tâm, chế ngự tâm, dẫn tâm và làm chủ tâm mình, để biết sống trọn vẹn trong những hành động đạo đức nhân bản – nhân quả không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Muốn được vậy thì người tu tập phải nhiệt tâm tinh cần sống một đời sống đạo đức toàn thiện. Người sống được một đời sống như vậy là người chứng đạo, chứ không phải chứng đạo ở chiếc áo cà sa và chiếc đầu cạo trọc. Người tu sĩ Phật giáo tu tập giới luật không nghiêm túc, thường phạm giới, phá giới tức là không ly dục ly ác pháp thì được xem là một cư sĩ trọc đầu. Cho nên, đức Phật đã xác định điều này qua hai câu kệ dưới đây rất rõ ràng:

Ta gọi người Trưởng lão.

Chưa hẳn đã xuất gia”

Đây là lời đức Phật dạy, chắc quý vị cư sĩ không còn nghi ngờ gì nữa, cũng không e ngại và cũng không mặc cảm với chiếc áo cư sĩ của mình sẽ không tu chứng. Hãy luôn luôn tin chắc rằng mình sẽ tu chứng quả giải thoát không thua tu sĩ. Bởi tu chứng theo Đạo Phật không có gì khó khăn, chỉ có biết sống đúng đời sống đạo đức nhân bản - nhân quả, không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh như trên đã nói, thì dù là người xuất gia hay tại gia cũng đều chứng đạo như nhau cả. Nếu không ngăn ác, diệt ác pháp thì người xuất gia cũng như người tại gia không thể nào sống đúng đạo đức nhân bản - nhân quả này được. Không sống đúng đạo đức nhân bản – nhân quả này thì chẳng bao giờ chứng đạo, dù có tu pháp môn nào cũng chẳng có giải thoát. Xin quý vị lưu ý lời dạy này.

Một vị tu sĩ của Đạo Phật tu chứng đạo rất dễ nhận xét: Đó là người nào ly dục ly ác pháp, sống đúng giới luật, tức là sống đúng đạo đức nhân bản - nhân quả không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh. Chính những người ấy đã chứng đạo, hay nói cách khác là người ấy sống thường tư duy suy xét lại tâm mình có lỗi thì ngăn chừa, cho nên không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào. Người sống không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào là người chứng đạo. Có phải vậy không quý vị?

Chứng đạo đâu có nghĩa là kiến tánh thành Phật; chứng đạo đâu có nghĩa là phải có thần thông, phép thuật tàng hình, kêu mây gọi gió, biết chuyện quá khứ vị lai của mọi người, v.v..; chứng đạo đâu phải ngồi thiền năm bảy ngày, một tháng, hai tháng, một năm, hai năm, v.v.. Chứng đạo chỉ là tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ, quý vị ạ!

Từ xưa đến nay người ta cứ nghĩ rằng người tu chứng đạo là người phải siêu việt, phải có đầy đủ thần thông, phép thuật, phải có hào quang, ánh sáng chói lọi khắp bầu trời, v.v.. chứ người ta đâu nghĩ rằng người tu chứng đạo chỉ là người sống trọn vẹn đầy đủ đạo đức làm người không làm khổ mình, không làm khổ người và không làm khổ tất cả chúng sanh. Đó là Đạo Phật, đạo giải thoát sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi. Đây mới thật sự là giải thoát, mới thực sự là đạo từ bi, mới thật sự là đạo trí tuệ, mới thực sự là đạo bất động tâm. Còn những loại pháp môn khác chuyên tụng kinh, niệm Phật, sám hối, ngồi thiền, niệm chú, bắt ấn, cầu an, cầu siêu, thần thông phép thuật, biết chuyện quá khứ vị lai, xem sao, đoán vận mạng, xem ngày giờ tốt xấu cất nhà dựng vợ gả chồng, v.v.. toàn là những pháp môn lừa đảo, lường gạt người, mua danh bán lợi, buôn Phật bán pháp. Cho nên, đức Phật gọi đó là những trò ảo thuật lừa bịp, gian xảo của những Ma Vương Ba Tuần, của Quỷ La Sát, v.v..

Để mọi người thấy rõ giáo pháp của đức Phật hơn, bằng hai câu kệ dưới đây Ngài đã xác định cho mọi người biết rõ để khỏi lầm lạc tà pháp của ngoại đạo:

Tu gốc nghiệp lành này

Phân biệt ở chánh hạnh”.

Trong đời sống hằng ngày, chúng ta không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh thì đó không phải là gốc thiện sao?

Câu kệ thứ hai chỉ cho chúng ta thấy rõ hơn, nếu muốn biết người tu chứng đạo thì hãy nhìn vào đạo đức của họ: “Phân biệt ở chánh hạnh”. Phân biệt ở chánh hạnh, quí vị thấy có khó không? Chánh hạnh là gì? Chánh hạnh là những hành động đoan chánh ngay thẳng, thấy sai nói sai, thấy đúng nói đúng, thấy của Phật nói của Phật, thấy của Đại Thừa nói của Đại Thừa, chứ không nịnh bợ, a dua hay thấy sai mà không dám nói sai, thấy của Đại Thừa lại nói là của Phật. Đối với Phật giáo đó là tà hạnh hèn nhát không phải chánh hạnh.

Từ xưa đến nay chúng ta thường bị các pháp môn ngoại đạo lừa đảo nào là có thế giới siêu hình; nào là ông Thánh này bà Chúa kia ban phước giáng họa; nào là Thiên đàng, Cực lạc, Niết bàn; nào là Địa ngục, Diêm vương, Quỷ sứ, Ngưu đầu, Mã diện, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thánh, Thần, Tiên, Phật, tà ma, quỷ quái đủ loại, v.v..; nào là ngồi thiền nhập định; nào là để lại nhục thân; nào là tái sanh luân hồi biết chuyện tiền kiếp của mình; nào là đại ngã tiểu ngã; nào là bản thể vạn hữu; nào là có đấng Tạo hoá, Phật tánh, thần thức, linh hồn, v.v.. đều là những trò ảo thuật lừa đảo mọi người mà thôi.

Những trò ảo thuật này chẳng có gì thiết thực cụ thể, toàn là ảo tưởng, mơ hồ, ảo giác,... và chẳng có gì lợi ích cho loài người, mà còn làm hại cho con người “tiền mất tật mang”.

Tóm lại, những gì Đạo Phật đã dạy cho chúng ta tu tập và sống thiện pháp đều nằm trong cuộc sống rất thực tế, cụ thể, thường đem lại lợi ích thiết thực cho con người. Là con người, chúng ta chỉ cần biết sống có đạo đức không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh, thì ngay đó là hạnh phúc, là giải thoát rồi, còn có gì đâu mà đòi hỏi phải có thần thông, pháp thuật; phải ngồi thiền năm bảy ngày; phải được vãng sanh vào cõi Cực lạc, Thiên đàng, Niết Bàn, v.v.. Tu hành theo Phật giáo thì giải thoát ngay liền không cần chờ đợi không gian và thời gian nào cả.

MỌI NGƯỜI GIÀ TRẺ ĐỀU TU CHỨNG

Đạo Phật là đạo bình đẳng: người già cũng như người tuổi trẻ, người nào cũng có thể tu chứng đạo giải thoát và cũng được đức Phật xem như nhau. Đạo Phật là đạo vô giai cấp, người tu sĩ cũng như người cư sĩ, nếu ai tu chứng cũng đều được gọi là Trưởng lão giống như nhau. Khi tu chứng người nào cũng giống như người nào, người nào cũng vô lậu. Trong Đạo Phật không có người tu chứng cao, người tu chứng thấp, vì thế Đạo Phật là đạo bình đẳng.

Tuổi trẻ mà biết phân biệt được thiện pháp và ác pháp, biết sống ngăn ngừa và diệt ác pháp, luôn luôn sống với mọi người với mọi loài chúng sanh trong thiện pháp, tức là không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh, thì người ấy được gọi là Trưởng lão. Hai câu kệ dưới đây đức Phật đã xác định rõ điều này:

Phân biệt chánh pháp lành

Đây gọi là Trưởng lão”.

Lời đức Phật dạy rõ ràng như vậy, cớ sao quý vị tu tập khó quá! Quý vị có biết tại sao không? Chỉ vì quý vị còn tiếc dục và ác pháp nên chưa muốn từ bỏ, chưa muốn xa lìa. Có phải vậy không?

Hai câu kệ trên đây đã xác quyết con đường giải thoát của Đạo Phật không ngoài thiện pháp. Cho nên, không cần phải tụng kinh, niệm Phật, luyện bùa, đọc thần chú, ngồi thiền nhập định mới là giải thoát. Có những người cho rằng: Những hạng người căn cơ còn thấp kém thì phải tụng kinh niệm Phật, ngồi thiền, v.v.. Niệm Phật, ngồi thiền tưởng, cúng bái, tế lễ, cầu siêu, cầu an, v.v.. là những pháp môn mê tín. Cho nên lời dạy này là lời ngụy biện che đậy những tà pháp. Như chúng tôi đã hiểu không lầm, căn bản của Đạo Phật là giới luật, là đạo đức làm người, làm Thánh. Vì thế, hành giả phải biết khắc phục tâm mình; phải biết sửa lỗi lầm khi mình phạm phải; phải biết xấu hổ khi làm một điều ác, khiến cho mình khổ, người khổ, chúng sanh khổ.

 Người nào còn chấp Thiền, chấp Định, chấp Tịnh, chấp Mật là đã tu sai Đạo Phật. Một bằng chứng cụ thể chứng minh cho chúng ta thấy rằng: Từ xưa đến nay, trong bốn tông phái này không có một vị tu sĩ hay một vị cư sĩ nào sống toàn thiện không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Vì thế, cho đến ngày nay chưa thấy có một vị Sư, Thầy hay một vị cư sĩ nào làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi; thường chết trong bệnh đau và chết trong tưởng định.

Cho nên, kinh Pháp Cú đã xác định rõ rằng: muốn tâm thanh tịnh để nhập các loại định làm chủ sự sống chết, chấm dứt luân hồi thì chỉ có ngăn ác diệt ác pháp và luôn sống trong thiện pháp:

Chư ác mạc tác

Chúng thiện phụng hành.

Tự tịnh kỳ ý

Thị chư Phật giáo”.

Dịch

 “Các pháp ác chớ làm

Các pháp thiện nên làm

Tự tâm ý thanh tịnh

Đây lời chư Phật dạy”.

Tóm lại, ba bài kệ trên đây đã xác định khi tu theo Đạo Phật là phải thực hiện pháp nào đúng của Đạo Phật. Nếu không xác định được pháp môn tu hành chân chính của Đạo Phật thì dù chúng ta có tu ngàn đời, muôn kiếp cũng chẳng tìm thấy được sự giải thoát, chỉ uổng phí một đời tu hành, chẳng ích lợi gì cho mình và cho người khác. Trên đời này, chỉ có Phật giáo mới có pháp duy nhất dạy người tu tập thoát ra bốn sự khổ đau sanh, già, bệnh, chết.

Đạo Phật lấy đạo đức nhân bản – nhân quả, không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh làm tiêu chuẩn sống để tu tập và rèn luyện thân tâm mình cho có những hành động đạo đức, khiến mình và mọi người đều được thanh thản, an vui và hạnh phúc. Đây mới chính là mục đích giải thoát của Phật giáo.

HỔ THẸN

            LỜI PHẬT DẠYCó hai nhân duyên mà người tu sĩ đệ tử của đức Phật phải hết sức quý trọng. Đó là biết hổ và biết thẹn. Nếu con người không biết hai việc này thì cha, mẹ, anh, em, dòng họ thân tộc, tôn ti cao thấp không thể phân biệt. Như các loài gà, chó, heo, dê, lừa, ngựa chúng đều cùng một loại nhưng không có tôn ti, trật tự, vì chúng không biết hai pháp này”. Do có hai pháp đạo đức này ở đời nên ắt biết có tôn ti sai khác, nhưng những người lìa hai pháp này thì cũng giống như bầy gà, chó, heo, dê, lừa, ngựa, v.v.. kia vậy, thật không thể lễ bái họ được’’. (Tăng Nhất A Hàm trang 117)

CHÚ GIẢI:

Đạo Phật lấy thiện pháp làm pháp môn tu tập để đẩy lùi các ác pháp, nên Đạo Phật có một nền đạo đức nhân bản – nhân quả làm Người, làm Thánh được đức Phật chú ý hàng đầu. Vì thế, toàn bộ kinh sách Phật giáo đều lấy giới luật làm gốc để dạy người tu tập từ cơ bản đến Tam Minh. Bởi vì con người cũng chỉ là một loài động vật, nhưng loài động vật cao cấp. Dù cao cấp đến đâu bản chất loài động vật vẫn còn. Muốn trở thành một con người thật là con người, thì phải sống có đạo đức trọn vẹn, sống một đời sống biết thương người, thương vật như thương chính mình. Đạo đức làm người chưa đủ để giúp cho chúng ta thoát kiếp làm người đầy khổ đau. Vì vậy, chúng ta phải tiến bước trên đường đầy đủ trọn vẹn đạo đức cao hơn nữa để trở thành những bậc Thánh vô lậu, làm chủ bốn sự đau khổ: sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi. Đó là ước vọng của những người có cái nhìn thấy thế gian này khổ như thật, và biết pháp Phật là giới luật đạo đức cao quý tuyệt vời, giúp con người mãn nguyện.

Cho nên, những vị Tỳ Kheo Tăng và Tỳ Kheo Ni hoặc những vị cư sĩ xem thường giới luật, luôn luôn sống phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới, để chạy theo dục lạc thế gian, thì dù có tu trăm ngàn kiếp cũng chỉ thành loài sâu bọ trong Phật giáo mà thôi. Những người tu sĩ hoặc cư sĩ sống phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới, thường đắm chìm trong dục lạc thế gian thì không bao giờ tìm thấy sự hỷ lạc, giải thoát trong Đạo Phật, bởi vì đức Phật đã xác định: “Do ly dục sanh hỷ lạc”. Còn các thầy Đại Thừa và Thiền Tông hiện giờ xem thường giới luật thì dù cho các vị có ngồi thiền một ngàn năm cũng chỉ lạc vào ma thiền, chứ không bao giờ chứng được sự giải thoát chân thật.

Giới là một pháp môn vô lậu mà cũng là một pháp môn dạy về đạo đức tuyệt vời. Giới làm Người, giới làm Thánh một cách rõ ràng và cụ thể; giới cũng là một pháp môn để chuẩn bị cho hành giả nhập các loại chánh định. Nếu không tu giới luật thì không bao giờ nhập chánh định được. Không nhập chánh định được mà nói nhập định là nói vọng ngữ lừa đảo người khác, bởi chánh định là loại thiền định không dành cho những người phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới. Đúng như vậy quý vị ạ!

Người muốn giữ gìn giới luật mà không biết xấu hổ thì không bao giờ giữ gìn giới luật được, cũng giống như người muốn tu thiện pháp mà không biết xấu hổ thì không bao giờ tu tập thiện pháp được. Đó là một điều xác quyết chắc chắn như vậy, không ai có thể thay đổi được điều này. Nếu ai dám cả gan thay đổi pháp môn của đức Phật là sẽ tu tập lạc vào pháp tà đạo.

Người muốn giữ gìn đức hạnh làm Người, làm Thánh mà không biết xấu hổ thì chẳng bao giờ giữ gìn đức hạnh được, cũng như thế, người muốn tu hành giải thoát mà không biết xấu hổ thì không bao giờ có giải thoát được. Chỉ có pháp ngoại đạo mới không biết xấu hổ.

Bởi vậy, tàm quý (xấu hổ) là đức hạnh mà người không tôn giáo cũng như người có tôn giáo đều phải quý trọng hơn vàng bạc, châu báu, ngọc ngà vì nó giúp cho con người có đạo đức không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh; nó giúp cho con người giải thoát khỏi tâm phiền não, khổ đau, giận hờn, thương ghét; nó giúp cho con người có một cuộc sống an vui, thanh thản và vô sự; nó giúp chuyển cảnh giới thế gian thành Thiên đàng, Cực lạc.

Nếu người nào không biết tàm quý thì người đó chẳng khác loài cầm thú, chẳng còn biết luân thường đạo lý gì cả.

Nếu người nào sống trong ác pháp thường làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh, mà không biết xấu hổ (tàm quý), thì đó cũng là loài ác thú chứ không còn là con người và còn tệ hơn thế nữa, họ là loài ác quỷ.

Nếu một vị Tỳ Kheo Tăng hay một vị Tỳ Kheo Ni hay một vị Cư sĩ phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới mà không biết xấu hổ (tàm quý) thì họ là loài bọ chét trong lông thú vật, đức Phật thường nhắc nhở chúng Tỳ Kheo trong câu nói này: “Trùng trong lông sư tử ”. Những tu sĩ và cư sĩ này không phải đệ tử của đức Phật. Họ là những người tán tận lương tâm và tệ hơn nữa họ là loài Ma vương cùng với ma chúng đang cố tình diệt Phật giáo.

Tóm lại, tàm quý là đức biết xấu hổ, nó là một pháp môn rất cần thiết cho người đời cũng như người trong đạo. Người có quyết tâm tìm đường cứu mình thoát ra sanh, già, bệnh, chết và luân hồi thì tàm quý là pháp môn hàng đầu.

Nếu làm người mà không biết xấu hổ, như đã nói, thì có khác nào là thú vật, luân thường đạo lý trong thế gian này sẽ đảo lộn, cang thường đạo đức (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) không còn nữa. Người ta sẽ chà đạp lên nhau vì sự sống miếng ăn, manh áo và vật chất; tình người sẽ bị mất đi; trên hành tinh này chiến tranh không bao giờ chấm dứt. Loài người chỉ còn là một loài thú vật thông minh cấu xé, giết hại lẫn nhau mà thôi.

Tóm lại, đoạn kinh trên dạy cho chúng ta tu tập đức xấu hổ. Đức xấu hổ là một hành động cao quý tốt đẹp của loài người, nếu không có đức xấu hổ con người chỉ là con thú vật. Nhờ đức xấu hổ mà con người không làm điều ác, tăng trưởng làm những điều thiện khiến cho sự sống trên hành tinh này được an vui và hạnh phúc.

KHÓ! KHÓ! KHÓ

LỜI PHẬT DẠYNhư Lai ra đời rất khó gặp, thân người khó được, sanh trưởng vào trung tâm của đất nước cũng khó được, gặp thiện tri thức cũng khó, gặp được chánh pháp cũng khó, nghe được pháp cũng khó”. (Tăng Nhất A Hàm tập 3 trang 218)

CHÚ GIẢI:

Đời người sanh ra có sáu cái khó mà mọi người chẳng ai lưu ý, vì thế cuộc đời phải chịu biết bao nhiêu điều thống khổ. Khi tu hành chứng đạo, đức Phật nhìn thấy chúng sanh bạc phước, vô duyên nên cảnh báo cho biết có sáu điều khó để mọi người cảnh giác như đoạn kinh trên đây đã xác định:

□    Khó thứ nhất: “Như Lai ra đời rất khó gặp”. Vậy Như Lai nghĩa là gì? Như Lai là một danh hiệu của đức Phật.

Sanh ra được đồng thời với đức Phật là một điều khó, cũng như chúng ta hiện giờ làm sao sanh ra đồng thời với đức Phật được. Phải không hỡi các bạn?

Chúng ta sinh ra đời đã cách xa đức Phật 2548 năm, đến ngày nay nhìn lại tu sĩ hay cư sĩ của Phật giáo ngoài hình thức đầu tròn áo vuông của một tu sĩ, hay một cư sĩ mà thôi còn bên trong chỉ là Ma Ba Tuần đội lốt để kinh doanh mê tín, trừu tượng, ảo giác thế giới siêu hình. Vì thế, người tu theo Phật giáo rất đông, nhưng chẳng có ai giải thoát thực sự. Nếu tất cả mọi người được sanh ra đồng thời với đức Phật là một điều may mắn nhất trên đời, nhờ đó chúng ta nương tựa vững chắc vào Ngài tu hành, thì đến nay mọi người sẽ tu hành chứng đắc quả A La Hán không biết bao nhiêu kể cho hết.

Bởi vậy gặp Phật là khó, ngày xưa khi đức Phật sinh ra, nhà vua nhờ vị Tiên nhân Asita đến xem tướng số cho đức Phật thì ông quỳ xuống đảnh lễ Phật sơ sinh và khóc to. Nhà vua thấy thế mới hỏi:

- Sao ông lại khóc?

Tiên nhân Asita trả lời:

- Ngày sau này thái tử lớn lên đi tu thành Phật, lúc bây giờ tôi đã chết rồi còn đâu hỏi đạo tu hành, nên tôi khóc vì buồn tủi.

Sinh ra không đồng thời với bậc Giác ngộ là một điều bất hạnh to tát của đời người, bởi vì “Như Lai ra đời rất khó gặp”.

Gặp được Phật ra đời là khó. Sinh ra đồng thời với Phật không phải dễ. Nhưng biết bao nhiêu người sinh ra đồng thời với Phật mà chưa hề biết đến Phật. Người biết đến Phật trong thời đó chỉ là thiểu số trong dân tộc Ấn Độ. Nhưng có những kẻ gặp được Phật lại phỉ báng Phật, lăng nhục Phật, muốn giết Phật, v.v.. Thật là “vô duyên đối diện bất tương phùng”.

□    Khó thứ hai: “Được thân người là khó, khó như con rùa mù tìm bọng cây giữa biển Đông”.

Lời dạy này chúng ta hãy tư duy. Khi mất thân này rồi, trăm muôn ngàn kiếp không biết có đủ duyên để sanh lại làm người nữa hay không? Chắc khó lắm. Nhưng thân người chỉ sống có một thời gian quá ngắn ngủi, thế mà người đời đã tiêu phí năm tháng của thân này một cách nhảm nhí, chẳng có ích lợi gì cả, chỉ loanh quanh để phục vụ cho những điều bất tịnh: ăn, ngủ, dâm dục, đi cầu chứ chẳng có nghĩa lý gì tốt đẹp. Có phải vậy không các bạn?

Người cư sĩ cũng như người tu sĩ, họ đều biết cuộc đời là khổ, thế nhưng họ không dám buông bỏ. Không dám buông bỏ, nhưng rồi cũng phải buông bỏ để đi vào cõi chết với hai bàn tay trắng. Con người chết đi thân ngũ uẩn tan hoại hết, không còn tồn tại một vật gì, nhưng vì cuộc sống hằng ngày luôn tạo thiện hay tạo ác. Do hành động tạo thiện ác đó đã trở thành nghiệp lực tham, sân, si. Nghiệp lực tham, sân, si tiếp tục tương ưng với tâm tham, sân, si của mọi người và mọi loài vật mà tái sanh luân hồi.

Bởi không buông bỏ tâm tham, sân, si tức là chấp nhận nó để tiếp tục sống trong sự đau khổ như tất cả các loài chúng sanh khác. Còn nếu theo lộ trình tu hành của Đạo Phật mà biết buông bỏ sạch thì họ không còn khổ đau nữa và cũng chấm dứt luân hồi.

Tu sĩ và Cư sĩ thời nay chẳng có vị nào buông bỏ cả. Họ tích lũy thêm vật chất, sống rất tiện nghi như một người giàu có và họ cũng còn ham vui như người thế tục. Đi tu như họ chỉ uổng công mà thôi. Họ không tiếc thời gian của thân họ sắp tàn tới nơi rồi, tuổi đời không còn mấy năm nữa, nên Phật dạy: “được thân người là khó” thế mà mấy ai biết !!!

Khi chết rồi không chắc gì chúng ta sẽ sinh làm thân người liền, mà phải sanh làm loài vật như cá, tôm, vịt, gà, heo, dê, trâu bò, chó, ngựa, v.v.. chỉ vì chúng ta đã giết chúng để ăn thịt. Nợ xương máu phải trả chứ không thể nào trốn chạy thoát khỏi. Ăn một mạng chúng sanh phải trả mười mạng. Các bạn có biết không?

Như vậy, được thân người là khó chứ đâu phải dễ. Một đời của bạn biết bao nhiêu tôm, cá, gà, vịt, heo, dê đã chôn vùi trong thân bạn. Một con vật bị bạn ăn thịt thì bạn phải tái sanh làm mười con vật. Và như vậy, từ khi bạn mới biết ăn thì cha mẹ đã cho bạn ăn thịt cá, đến suốt cuộc đời bạn bảy tám mươi tuổi thì số lượng thịt cá bạn ăn không thể tính hết được. Theo luật nhân quả phải nhân lên gấp mười lần thì biết chừng nào bạn trả cho hết thân mạng chúng sanh! Cho nên, được thân người là khó lắm bạn ạ!

Được thân người mà làm người thật người thì còn khó hơn. Phải không hỡi các bạn?

Bởi vì như các bạn đã biết: con người thật người thì phải sống đúng năm tiêu chuẩn này:

1- Hiếu sinh

2- Buông xả và cần lao

3- Chung thủy

4- Thành thật

5- Sáng suốt, minh mẫn

Hiện giờ như chúng ta đã biết: con người chỉ là hình người mà tâm địa là loài động vật. Có phải vậy không các bạn? Cho nên, con người sinh ra nhiều nhưng không phải người thật các bạn ạ. Vì thế, chúng ta xác định những con người mà chúng ta gặp hằng ngày là từ loài thú vật đã trải qua nhiều kiếp làm loài thú vật để trả nợ nhân quả, vì thế họ đã huân nhiều sự ác độc, hung dữ. Đến khi họ được sinh ra làm người thì bản chất loài thú vật vẫn còn nguyên. Cho nên, con người hiện giờ rất hung dữ, tham lam và độc ác. Mọi người vì miếng cơm manh áo mà chà đạp lên cuộc sống của nhau chẳng chút thương tâm. Xét cho cùng, một con người chết đi đến khi được sinh ra làm người trở lại thì phải trải qua làm thân chúng sanh vô lượng vô biên kiếp. Do vậy, đức Phật bảo rằng: quá khó. Nếu xét ra các bạn có thấy đúng như vậy không?

Từ những con người đã có gieo duyên với chánh pháp của Phật bằng cách “Thọ Bát Quan Trai” nên may mắn nhờ duyên này gặp lại được chánh pháp. Từ đó, chúng ta tu sửa lần lần bỏ những ác hạnh bản chất của loài động vật, sống đúng năm thiện hạnh không còn sai trái vi phạm những lỗi lầm. Nhờ sự tu tập theo thiện pháp ngăn và diệt ác pháp, chúng ta đã trở thành con người thật người. Từ con người thật người, khi chết đi chúng ta tiếp tục sinh làm người ngay liền, vì chúng ta không có vay nợ máu xương của loài động vật khác nữa. Do đó nhân quả không có. Cho nên, một con người thật người sinh ra là không ăn thịt chúng sanh, không tham lam, trộm cắp, cướp của, không vọng ngữ, không tà dâm, không ưa thích uống rượu. Những đứa trẻ sinh ra mà mang bản chất như vậy là con người thật người. Những con người ấy được nuôi dưỡng theo đúng chánh pháp của Phật thì những người này sẽ dễ dàng trở thành những bậc Thánh A La Hán sau này.

Ở đây, chúng tôi xin lưu ý các bạn, muốn sinh ra được làm người thì không phải khó, bởi vì đức Phật đã cho chúng ta biết năm tiêu chuẩn để được làm người. Chỉ cần các bạn sống đúng năm tiêu chuẩn ở trên thì lúc nào bỏ thân này các bạn sẽ có thân người mới ngay liền, không có khó khăn, vì năm tiêu chuẩn ở trên là năm tiêu chuẩn làm người chân thật không còn mang bản chất loài cầm thú. Cho nên, hiện giờ các bạn thấy người sinh ra rất nhiều, nhưng người thật người rất ít các bạn ạ!

Các bạn cũng nên nhớ: Được thân người còn mang bản chất loài thú vật đã khó khăn vô cùng, phải trải qua vô lượng kiếp làm chúng sanh, như trên đã nói, huống hồ là được thân người thật người còn khó hơn. Phải không hỡi các bạn?

Bởi vậy, muốn được thân người thật người thì các bạn ngay bây giờ hãy bắt đầu tập sống cho đúng năm điều thiện ở trên đã nói. Nhờ sống đúng năm điều thiện này thì không bao giờ các bạn còn làm thân chúng sanh nữa. Các bạn có nhớ không?

□    Khó thứ ba: “Được sanh vào trung tâm của đất nước là khó”.

Những con người sinh ra ở những nơi biên cương thống khổ vì nơi đó thường hay có giặc giã, trộm cướp, v.v..; những nơi ấy đất cày lên sỏi đá, chai cằn cỗi; những nơi ấy khó được học tập kiến thức sâu rộng; những nơi ấy làm ra thực phẩm rất vất vả và khó khăn. Cho nên “Được sanh vào trung tâm của đất nước là khó”. Chỉ nơi trung tâm của đất nước mới có sự yên ổn, mới có cơm ăn áo mặc đầy đủ, mới có đủ duyên trau dồi kiến thức và nơi đó mới có những bậc Thánh xuất hiện dạy người sống có đạo đức, để tu tập trở thành những bậc Thánh Hiền.

□    Khó thứ tư: “Được gặp thiện hữu tri thức là khó”.

Trong thời đại nào cũng vậy, ác hữu tri thức thì nơi đâu cũng có, còn thiện hữu tri thức thì dù có thắp đuốc đi suốt ngày đêm từ năm này đến năm khác cũng rất khó gặp.

Bởi vì, trong thời đại tu hành theo Phật giáo hiện tại của chúng ta, ác hữu tri thức thì không thiếu gì. Họ chỉ học hỏi kiến giải trong kinh sách, chứ chưa có vị nào tu chứng đắc. Lấy sự học ra làm thầy hoặc tu hành chỉ có hình thức, tu chưa đến đâu mà vội đem ra dạy thiên hạ tu hành, thì các bạn nghĩ sao? Có phải những hạng thầy này chỉ là những hạng giỏi lừa gạt người bằng khoa ngôn ngữ học lỏm của người khác? Cho nên, người tu theo Phật giáo thì đông như kiến, nhưng thành tựu đạo giải thoát thì chẳng có ai. Vì thế, đức Phật dạy: “Được gặp thiện hữu tri thức là khó”.

Thưa các bạn! Thiện hữu tri thức đâu phải dễ tìm. Họ là những bậc tu chứng: thứ nhất là chứng Giới luật; thứ hai là chứng Thiền định; thứ ba là chứng tuệ Tam Minh. Những bậc tu chứng như vậy mới được gọi là thiện hữu tri thức, mới là những bậc Thầy của chúng ta. Khi chúng ta muốn tìm một bậc thiện hữu tri thức nào, thì phải xem xét cho kỹ ba cấp chứng đạo này. Nếu trong ba cấp này xét thấy họ không chứng được cấp nào hết thì họ là những ác tri thức, chúng ta không nên thân cận.

 Bậc thiện hữu tri thức là người không những học thức thông suốt giáo pháp mà còn tu hành chứng đạo, sống một đời sống đạo đức trọn vẹn, giới luật không hề vi phạm, thường làm gương đức hạnh cho mọi người soi. Những bậc này trong đời người rất khó tìm kiếm. Cho nên, đức Phật bảo gặp thiện hữu tri thức khó là như vậy.

□    Khó thứ năm: “Gặp Chánh pháp là khó”.

Gặp chánh pháp là khó, vì hiện giờ quý vị muốn tìm chánh pháp để tu tập được giải thoát thì đâu phải là một việc dễ, bởi vì Phật giáo hiện đang có tám mươi bốn ngàn pháp môn của Đại Thừa. Chính tám mươi bốn ngàn pháp môn này đã đánh lạc hướng quý vị. Quý vị có biết không?

Trong khi ấy Đạo Phật duy chỉ có một pháp môn chân chánh. Đó là Bát Chánh đạo. Bát Chánh Đạo đang bị dìm mất nên hỏi đến tín đồ Phật giáo thì họ đều ngơ ngẩn không biết tu tập Bát Chánh Đạo như thế nào, và họ cũng không hiểu nữa. Do đó, muốn tu theo Phật giáo họ chẳng biết tìm đâu ra pháp chân chánh, vì chùa nào hiện giờ cũng dạy ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật, cầu cúng, lễ bái, sám hối, v.v..

Vì thế, đức Phật dạy: “Gặp Chánh pháp là khó”. Đúng vậy. Hiện giờ muốn tu hành theo Phật giáo mà không có một vị tu chứng quả A La Hán hướng dẫn thì rất khó cho chúng ta biết pháp nào tu tập đến nơi đến chốn giải thoát hoàn toàn. Cho nên, “Gặp Chánh pháp là khó”, lời dạy ấy không bao giờ sai. Phải không quý vị?

□    Khó thứ sáu: “Nghe được Chánh pháp là khó”.

Nghe được Chánh pháp là khó. Tại sao vậy? Vì quý vị đã chịu ảnh hưởng giáo pháp của Đại Thừa và Thiền Tông quá sâu đậm, nên kiến chấp (kiến kiết sử) về tà giáo này quá kiên cố. Nó đã trở thành một thói quen tu hành ức chế thân tâm của quý vị rất khó bỏ, nhất là ngồi thiền giữ tâm hoặc niệm Phật nhất tâm, hoặc sổ tức, tùy tức không cho niệm khởi. Khi tu tập ức chế tâm như vậy đã trở thành một thói quen với 18 loại hỷ tưởng xuất hiện, mà các vị Sư Thầy trong Đại Thừa và Thiền Tông cho đó là nhập định. Từ đó, thói quen này đã trở thành một nếp nhăn trong đầu óc của quý vị Sư Thầy này.

Bị kiến chấp quá kiên cố, nên khi nghe pháp môn tu thiền xả tâm thì quý vị đâu hiểu rõ xả như thế nào, cho nên khi tu tập quý vị đều rơi vào pháp ức chế tâm mà không biết. Khi tu pháp thiền ức chế tâm, quý vị đã quen tập trung tâm cho hết vọng tưởng; khi không vọng tưởng cho là mình tu tập tốt, còn có vọng tưởng cho là mình tu tập thất niệm, tu không chất lượng, tu không tiến bộ. Cũng như do từ kiến chấp pháp môn của Đại Thừa và Thiền Tông cho rằng không niệm khởi là tu đúng. Với kiến chấp và thói quen như vậy quý vị muốn gạt bỏ nó để tu hành trở lại pháp môn xả tâm chân chánh của Đạo Phật thì rất khó, khó muôn vàn. Phải không quý vị?

- Thứ nhất, là vì thói quen tập trung gom tâm vào một đối tượng như ngựa quen đường cũ.

- Thứ hai, tư tưởng chưa thông suốt chân lý Phật giáo, còn bán tin bán nghi Đại Thừa và Nguyên Thủy, chưa biết phân biệt pháp nào đúng, pháp nào sai.

Kính thưa các bạn! Nếu các bạn quyết tâm tu hành để cầu sự giải thoát thì các bạn hãy lắng nghe cho kỹ những lời chúng tôi dạy, khi nào hiểu tường tận, biết rõ pháp môn Đại Thừa là pháp tưởng của ngoại đạo Bà La Môn thì chừng đó các bạn mới nên tu tập thiền định xả tâm ly dục ly ác pháp, mới thấy được kết quả tốt. Còn chưa thông suốt, còn bán tin bán nghi thì các bạn khoan vội tu tập mà hãy nên chịu khó nghiên cứu kỹ lại tạng kinh Nguyên Thủy do HT Minh Châu dịch từ Tạng kinh Pali.

CÓ HAI LỘ TRÌNH

LỜI PHẬT DẠYCó hai đường đi, một là đường ác; hai là đường thiện. Người làm ác từ đường ác đến chỗ khổ, người làm lành dạo chơi đường lành đến chỗ vui”. (Tăng Nhất A Hàm tập 3 trang 498)

CHÚ GIẢI:

Đạo Phật chỉ dạy rất rõ ràng về cuộc sống của con người. Cuộc sống của con người chia làm hai con đường:

1- Con đường sống lối ác

2- Con đường sống lối thiện.

Người tu theo Phật giáo chọn lấy con đường sống thiện để đi, vì thế họ luôn luôn sống thảnh thơi, an lạc và hạnh phúc. Con đường thiện là con đường sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Đó là con đường đạo đức nhân bản – nhân quả, con đường cao quý nhất của đời người. Những người nào chọn Phật giáo làm chỗ nương tựa vững chắc để sống một đời sống có đạo đức, có đầy đủ nhân cách làm người, có đầy đủ trực hạnh, thắng hạnh, diệu hạnh của bậc Thánh nhân, v.v.. Đó là đạo lộ duy nhất của Phật giáo. Thế mà Phật giáo ngày nay có 84 ngàn đạo lộ. Như vậy quý vị có tin được không?

Những người nào chọn lấy con đường ác thì đó là con đường phàm phu đi, con đường tội lỗi, con đường sống vô đạo đức, con đường đầy rẫy tham, sân, si, mạn, nghi, con đường luôn luôn làm khổ mình, làm khổ người và làm khổ tất cả chúng sanh, con đường ích kỷ cá nhân, con đường đầy rẫy những sự khổ đau. Vì thế, đời sống của họ khổ đau vô cùng, vô tận, họ luôn luôn sống trong những ngày mai đen tối, trong những khu rừng âm u, ảm đạm, buồn tẻ không một chút ánh sáng thoát khổ.

Thưa các bạn! Đọc đoạn kinh trên đây các bạn quan sát lại đường lối tu tập của Đạo Phật thì các bạn sẽ nhận ra được nền đạo đức nhân bản – nhân quả một cách cụ thể, rõ ràng như đã nói ở trên. Vì thế, pháp môn hướng dẫn tu tập của Phật giáo rất đơn giản, chỉ cần biết nhận ra: “Thiện pháp và Ác pháp”. Và khi nhận ra thiện pháp và ác pháp thì các bạn phải ngăn và diệt ác pháp, không được để trong tâm dù chỉ là một giây, một sát na cũng phải diệt trừ, từ bỏ ngay liền. Có như vậy mới thấy Phật giáo giải thoát thiết thực, cụ thể trong cuộc sống hằng ngày của đời người, đến để mà thấy, để mà hướng thượng...

Thiện và ác tức là nhân quả. Do nhân quả mà con người có vui, có khổ. Hiểu được điều này nên đức Phật dạy cho chúng ta chọn lấy con đường thiện, dù tu sĩ hay cư sĩ, là tín đồ hay không phải là tín đồ của Phật giáo. Vì lợi ích cho mình cho người, cho gia đình, cho xã hội, cho đất nước quê hương, các bạn đều phải tập luyện và sống trong nền đạo đức này. Nó sẽ giúp các bạn không còn khổ đau. Các bạn có biết không?

Do lợi ích thiết thực cho loài người như vậy, nên đức Phật dạy cho mọi người sống phải siêng năng, cần mẫn hằng ngày tu tập “ngăn ác, diệt ác pháp, sanh thiện, tăng trưởng thiện pháp”. Đó là bốn điều siêng năng chuyên cần quan trọng trong Phật giáo mà người tín đồ nào cũng phải biết, cũng phải tập tu; chứ không phải siêng năng cúng bái, cầu nguyện tụng niệm, ngồi thiền, v.v..

Phương pháp tu tập này có tên gọi là “Tứ Chánh Cần”. Nếu ai không nghe lời dạy này, không thực hiện ngăn ác, diệt ác pháp, thì người ấy đang chọn con đường ác để đi, suốt cuộc đời mình luôn luôn gánh chịu nhiều tai ương, hoạn nạn, khổ đau, v.v.. Đi trên con đường ác ấy không thể có người nào tránh khỏi đau khổ được. Và cứ thế tiếp tục tương ưng luân hồi từ kiếp này, đến kiếp khác, thọ khổ vô lượng vô biên kiếp. Đạo Phật gọi đó là tái sanh luân hồi khổ đau triền miên bất tận.

Những ai nghe và tin theo lời dạy này, thường sống ngăn ác và diệt ác pháp, luôn sống sanh thiện, tăng trưởng thiện pháp thì người ấy đã chọn đi trên con đường thiện. Và vì thế, đời sống của họ sẽ được thảnh thơi, an vui và hạnh phúc, sau khi chết sẽ tương ưng với sự giải thoát của chư Phật nên chấm dứt tái sanh luân hồi.

Thưa các bạn! Nếu các bạn chọn con đường thiện này là các bạn đã xây dựng cho mình một cuộc sống ngay tại thế gian này là cõi Cực lạc hay Thiên đàng. Đó chính là bạn đã tự thắp đuốc lên mà đi và cũng chính bạn đã lấy mình làm hòn đảo nương tựa vững chắc cho mình. Những việc làm này các bạn có tin không?

Bảo đảm với các bạn, con đường tu tập này, nếu các bạn tu tập ít thì có lợi ích ít, còn bạn cố gắng tu tập nhiều thì có lợi ích nhiều. Pháp tu hành này cũng giống như công việc làm hằng ngày của các bạn; pháp tu hành này giống như bạn sống phải ăn, ăn để sống; pháp tu hành này có tu tập thì tâm bạn thanh thản, an lạc và vô sự, còn không tu tập thì các bạn sẽ phải chịu nhiều khổ đau, phiền muộn, v.v..

Chọn lấy con đường thiện để sống thì các bạn đâu cần gì phải cầu an cầu siêu, đâu cần gì phải tụng kinh, lạy hồng danh chư Phật sám hối chi cho mệt, đâu cần gì phải ngồi thiền ức chế tâm cho hết vọng tưởng để chịu đau chân, căng đầu, mệt óc, cuối cùng sanh ra loạn tưởng, bệnh thần kinh điên loạn, mất trí nhớ.

Chính đức Phật đã xác định: “Ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp” là “Định Tư Cụ”, tức là phương pháp tu thiền định. Vậy mà thời nay, người ta tu theo thiền định Phật giáo lại không tu theo pháp này. Không tu theo pháp này mà bảo rằng tu theo Phật giáo thì các bạn nghĩ sao? Có đúng không? Những pháp hành như vậy chúng ta có tin không? Tu theo pháp của Phật mà không giống lời dạy của Phật chút nào cả, thì thật là buồn cười cho những ai còn đam mê Đại Thừa và Thiền Tông, sống trong ảo tưởng, mộng mơ như đang trong một giấc mộng dài của Đại Thừa.

ĐỪNG NÊN DẠY ĐẠO KHI MÌNH TU CHƯA XONG

LỜI PHẬT DẠYNhư có người tự mình chìm đắm mà muốn cứu người thì trọn không có lý, mình tu chưa giải thoát mà dạy người tu giải thoát, việc ấy không thể làm được”.Như có người tự mình không chìm đắm mới có thể cứu người, lý ấy có thể được, nay cũng lại như thế, tự mình tu được giải thoát khiến cho người khác tu được giải thoát, lý ấy có thể được”. (Tăng Nhất A Hàm tập 3 trang 239)

CHÚ GIẢI:

Hiện giờ người dạy đạo tu hành theo Phật giáo, phần đông là học giả chưa có tu hành ngày nào cả và cũng có một số người tu hành chưa tới nơi tới chốn cũng ra giảng đạo dạy người tu hành. Họ nương theo lời dạy trong kinh sách Đại Thừa, tự vỗ ngực xưng mình “Hành Bồ Tát đạo, tu Bồ Tát hạnh”, vừa tu vừa độ người. Do kinh sách Đại Thừa dạy như vậy, nên Tăng, Ni và ngay cả những người cư sĩ cũng ra giảng đạo dạy người tu hành, trong khi tâm mình như bãi sình lầy hôi thối nực mùi danh lợi, giới luật bẻ vụn tan nát. Trong lúc dạy người tu sợ người ta cười chê nên bảo: “Y kinh bất y nhân”. Ngược lại, trong kinh Nguyên Thuỷ của Đạo Phật thì không chấp nhận làm những việc này; dạy đạo theo kiểu này là đưa người vào cõi chết.

Thưa các bạn! Nhìn lại Đạo Phật hiện giờ, người đứng ra thuyết giảng dạy người tu hành phần đông là những học giả tu hành chưa đến nơi đến chốn; họ cũng giống như một người mù dắt một đoàn người mù đi, vì thế biết bao nhiêu người bị rối loạn thần kinh, tẩu hỏa nhập ma, điên khùng. Nhìn thấy cảnh này, chúng tôi không biết làm cách nào để cho mọi người hiểu rõ những giáo pháp của Đại Thừa và Thiền Tông tai hại như vậy, để mọi người tránh khỏi cạm bẫy của chúng.

Do lòng thương tưởng các bạn tu hành, nên chúng tôi nói quá thẳng và nói quá mạnh để mọi người đừng bị những vị giảng sư học giả lừa đảo, vì thế có người ngộ nhận, cho chúng tôi: hằn học, mạ lị, mạt sát. Chúng tôi vui lòng chấp nhận miễn là tiếng nói của chúng tôi là tiếng sét làm cho mọi người thức tỉnh cơn ác mộng Đại Thừa và Thiền Tông.

Tóm lại, những người tu hành chưa chứng quả A La Hán thì đừng có giảng đạo; giảng đạo như vậy là giết Phật giáo và làm khổ đau cho nhiều người khi họ bị trở thành những người bệnh rối loạn thần kinh. Người không bệnh do tu hành thành bệnh, biến họ thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Các bạn có biết không?

VƯỢT DÒNG SINH TỬ

LỜI PHẬT DẠYÝ muốn qua dòng sanh tử mà không tu tập theo pháp cấm giới” thì bị Ma Ba Tuần chiếm phần tiện lợi, đó là theo con đường đi tìm cầu Niết Bàn mong được giải thoát trọn không đạt kết quả, tự tạo tội lỗi và nghiệp báo cho mình, lại còn làm cho người khác đắm chìm trong tội lỗi và nghiệp khổ”. (Tăng Nhất A Hàm tập 4 trang 179)

CHÚ GIẢI:

Hầu hết tu sĩ và cư sĩ hiện giờ không giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh, nên bị Ma Ba Tuần xỏ mũi. Cho nên nhìn trước, nhìn sau chúng ta chưa thấy có một vị tu sĩ nào tu chứng quả A La Hán, chỉ là nói vọng ngữ khéo che đậy theo kinh sách Đại Thừa “Vô sở đắc” hoặc “còn thấy mình tu chứng là chưa chứng” hoặc “tu vô lượng kiếp”. Đó là những lối nói để lừa đảo tín đồ bằng tưởng giải nghĩa lý kinh sách.

Người tu hành nào cũng mong cầu sự giải thoát để ra khỏi bốn sự đau khổ của cuộc đời, nhưng lại gặp giáo pháp Đại Thừa phá giới, bẻ vụn giới, nên tu sĩ và cư sĩ thời nay không có một sư thầy nào giới hạnh nghiêm chỉnh, chỉ toàn chạy theo dục ăn, dục ngủ, dục danh, dục lợi, dục chùa to, vật chất nhiều, v.v.. Muốn giải thoát mà không ly dục ly ác pháp thì làm sao giải thoát được. Phải không hỡi các bạn?

Không giữ giới thì Ma Ba Tuần chiếm phần tiện lợi. Ma Ba Tuần chiếm phần tiện lợi là gì?

Không giữ giới Ma Ba Tuần chiếm phần tiện lợi có nghĩa là không giữ giới thì tâm tham, sân, si lẫy lừng. Người tu hành mà không giữ giới thì đâu khác gì là người thế tục. Đi tu như vậy chỉ phí uổng một cuộc đời, chẳng làm ích lợi gì cho mình cho người, cho gia đình và xã hội

Người đi tu mà không giữ giới luật thì theo lời dạy trên đây: “Tự tạo tội lỗi và nghiệp báo cho mình, lại còn làm cho người khác đắm chìm trong tội lỗi và nghiệp khổ”. Đúng vậy, đi tu mà không giữ gìn giới luật là tự tạo tội lỗi. Tạo tội lỗi là tạo thành nghiệp báo đời này sang đời khác không bao giờ dứt, không những cho riêng mình mà còn cho những người khác nữa.

Người tu hành không giữ gìn giới luật thì oai nghi tế hạnh của vị chân tu Thánh Tăng, Thánh Ni, Thánh Cư sĩ không bao giờ có. Giới luật đức hạnh Thánh Tăng, Thánh Ni, Thánh Cư sĩ không có thì lấy gì làm gương cho tín đồ theo đó mà tu hành. Cho nên, đoạn kinh này dạy: “Lại còn làm cho người khác đắm chìm trong tội lỗi và nghiệp khổ ”.

Lời dạy này rất đúng các bạn ạ! Các bạn có thấy không, các thầy Đại Thừa và Thiền Tông không giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh nên đệ tử của họ (cư sĩ và tu sĩ) cũng xem thường giới luật Phật, phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới (ăn uống, ngủ nghỉ, cất giữ tiền bạc phi thời, sống ưa thích tụ tập nói chuyện phi thời) chẳng có một ngày sống độc cư. Họ sống như người thế gian, chỉ có khác là chiếc áo cà sa với chiếc đầu cạo trọc, chứ cũng danh, cũng lợi, cũng xe hơi, nhà cao cửa rộng, chùa to Phật lớn, v.v.. Đó là do các thầy không giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh nên các đệ tử của họ đắm chìm trong tội lỗi và nghiệp khổ.

Thấy gương hạnh xấu này, nếu chúng ta quyết tu theo Phật giáo thì hãy tránh xa họ. Tránh xa để làm gương tốt cho tín đồ hay nói cách khác là đệ tử của mình, để họ không bị tội lỗi và nghiệp khổ. Có phải như vậy không các bạn?

Xin các bạn vui lòng đọc kỹ đoạn kinh này thì mới rõ lời răn dạy đối với tu sĩ Phật giáo hiện nay rất đúng: “Ý muốn qua dòng sanh tử mà không tu tập theo pháp cấm giới”. Người tu sĩ nào cũng muốn tìm tu để vượt thoát sanh tử, nhưng giới luật lại vi phạm. Vi phạm giới thì tâm không bao giờ ly dục ly ác pháp như trên đã nói. Không ly dục ly ác pháp thì làm sao tìm cầu Niết Bàn được, phải không các bạn? Cho nên, lời Phật dạy rất đúng: “Bị Ma Ba Tuần chiếm phần tiện lợi, đó là theo con đường đi tìm cầu Niết Bàn mong được giải thoát trọn không đạt kết quả”. Tìm cầu giải thoát không được lại tự tạo tội lỗi rất lớn làm cho mình cho người chìm đắm trong biển sanh tử luân hồi, như kinh dạy: “tự tạo tội lỗi và nghiệp báo cho mình, lại còn làm cho người khác đắm chìm trong tội lỗi và nghiệp khổ”. Như vậy, các Thầy tu theo Đại Thừa và Thiền Tông phạm giới, phá giới thật đáng trách vì làm cho Phật giáo suy đồi, diệt mất chánh pháp của Phật: “Giới luật còn là Phật giáo còn, giới luật mất là Phật giáo mất” và cuối cùng đánh mất nền đạo đức nhân bản – nhân quả của loài người.

BIẾT RÕ SỰ TÁI SANH TRONG TƯƠNG LAI

LỜI PHẬT DẠYBị vô minh ngăn che, bị tham ái trói buộc, các loài hữu tình thích thú chỗ này, chỗ kia như vậy, tái sanh trong tương lai sẽ xảy ra”.Vô minh được xả ly, minh khởi tham ái được đoạn diệt (ly dục ly ác pháp). Như vậy tái sanh trong tương lai sẽ không xảy ra”. (Tăng Nhất A Hàm tập 3)

CHÚ GIẢI:

Muốn hiểu rõ đoạn kinh này thì chúng ta phải hiểu rõ những danh từ cần thiết như: Vô minh, Tham ái, Hữu tình, Tái sanh.

1- Vô minh nghĩa là gì? Các bạn đừng hiểu nghĩa là không biết, không hiểu, không thông minh, ngu dốt, v.v.. Vô minh ở đây có nghĩa là hiểu biết rất rõ ràng, thông minh, có trí tuệ, không ngu dốt, v.v.. nhưng nó thường đối mặt với minh, nên nó có một nghĩa khác hơn minh. Phần đông trong xã hội loài người, đều là những người vô minh. Các bạn có nhận xét điều này chưa? Khi nói mọi người đều vô minh thì các bạn rất ngạc nhiên vì không thể ngờ được. Phải vậy không các bạn?

Các bạn có biết không? Những người vô minh không riêng giới bình dân ít học, tay lấm chân bùn, cùng đinh khốn khổ, sống không đủ cơm ăn áo mặc, mà cho đến những giới trí thức có đầy đủ học thức, như những nhà Bác học, những ông Giáo sư, các Bác sĩ, Thạc sĩ, Tiến sĩ và những nhà khoa học danh tiếng, v.v.. tuy họ có trình độ học thức về đời cao như vậy, nhưng đối với Phật giáo họ vẫn là những người vô minh. Các bạn có tin lời nói của chúng tôi không? Xin các bạn bình tĩnh đọc tiếp những dòng dưới đây thì các bạn sẽ rõ vô minh của giới có học thức là một sự thật, chứ không phải chúng tôi có ý chỉ trích hay nói không đúng, mà từ lâu chưa có ai nghĩ đến.

Vô minh đức Phật xác định nghĩa ở đây là sự hiểu biết thông minh theo tâm ái dục, tưởng ái dục, nên sự hiểu biết ấy bị hạn cuộc trong không gian và thời gian. Đức Phật dạy: “Bị vô minh ngăn che” tức là bị sự hiểu biết ái dục, tưởng dục ngăn che làm cho mọi người không thấy, không hiểu rõ mọi sự việc như thật. Do không thấy, không hiểu biết mọi sự vật như thật nên sinh ra tham ái dính mắc, chấp chặt không dám buông bỏ. Vô minh là một sự hiểu biết trong góc độ ái dục, tưởng dục. Khi vượt ra ngoài ái dục, tưởng dục thì sự thấy và hiểu biết đó là “minh”. Khi nói đến vô minh thì phải nói đến minh. Vậy minh nghĩa là gì?

Như trên đã nói: “Vượt ra ngoài ái dục, thì sự thấy và hiểu biết là minh”. Minh là trí tuệ hiểu biết không bị ái dục, tưởng dục chi phối, nên thấy và hiểu biết mọi sự vật như thật, không bị dục ngăn che. Cho nên, khi nào tâm hết dục thì ta mới có “minh”.

Tóm lại, vô minh gọi là sự hiểu biết của dục tri, tưởng tri; còn minh gọi là sự hiểu biết của Liễu tri, Thắng tri, Trực tri, Chánh tri.

Bát Chánh Đạo là con đường tu tập của Phật giáo dạy cho chúng ta có cái nhìn thấy đúng đắn, cái suy tư đúng đắn không mang theo dục tri, tưởng tri. Vì thế, Bát Chánh Đạo dạy cho chúng ta “minh”.

Ngày xưa cho đến ngày nay, Tổ tiên, ông bà, cha mẹ, Thầy Tổ (các thầy Đại Thừa) và tất cả mọi người chung quanh ta đều dạy cho chúng ta sự hiểu biết thường tục, gọi là kiến thức; nhưng kiến thức ấy luôn luôn mang đầy ắp những ái dục tri, ái dục tưởng tri. Từ khi Đạo Phật ra đời dạy cho chúng ta cái hiểu biết khác, cái hiểu biết ly dục tri, ly dục tưởng tri và ly ác pháp. Do đó, chúng ta mới nhận thấy mình thoát khổ, tâm không còn tham, sân, si phiền não, khổ đau như trước nữa. Cho nên, kinh Pháp Cú dạy: “Vui thay Phật ra đời!”. Phật ra đời luôn luôn đem lại hạnh phúc, an vui cho mọi người và mọi loài trên hành tinh sống này. Nhưng có mấy ai đã hiểu biết đúng như vậy, tất cả mọi người đang sống trong mộng mơ, ảo tưởng, mơ hồ của thế tục, của các tôn giáo, của các triết học, v.v..

Ở đâu có vô minh, thì ở đó không có minh; ở đâu có minh thì ở đó không có vô minh. Minh là bờ bên kia và vô minh là bờ bên này, bờ bên này là đau khổ và bờ bên kia là giải thoát.

Như vậy, luận về minh và vô minh thì chúng ta đã nhận ra pháp tu hành của Phật giáo rất rõ ràng, chỉ có điều chúng ta muốn ở bờ bên này hay ở bờ bên kia mà thôi. Muốn khổ đau thì ở bờ bên này; ở bờ bên này thì đừng than trời trách đất. Muốn hết khổ đau thì ở bờ bên kia; bờ bên kia là giải thoát, tâm luôn luôn thanh thản, an lạc và vô sự.

2- Tham ái nghĩa là gì? Tham là lòng ham muốn; ái là lòng yêu thích. Đã là con người thì ai cũng có lòng ham muốn và ưa thích hoặc nhiều hoặc ít. Lòng ham muốn và ưa thích là một sợi dây vô hình thường trói buộc rất chặt chúng ta vào vạn vật. Khi chúng ta khởi tâm ưa thích hay ham muốn một vật gì thì chúng ta bị trói chặt vào vật ấy, khó cho chúng ta buông bỏ được nó. Ví dụ: khi chúng ta khởi ý ham thích ưa muốn có một ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, thì lúc bây giờ muốn bỏ ý niệm ấy rất khó. Nó thôi thúc chúng ta phải cố gắng làm lụng hoặc phải bán đến cả đất đai của cha mẹ cho để xây cất cho bằng được ngôi nhà. Đó là bị tham ái trói buộc. Cho nên, đức Phật đã xác định cho chúng ta thấy tham ái rất là nguy hiểm, nó như sợi dây trói buộc rất chặt “bị tham ái trói buộc”. Đó là lời cảnh báo để chúng ta thoát ra sợi dây vô hình này. Nếu mọi người không biết Phật pháp thì chắc chắn không người nào tự ý thức để thoát khỏi sợi dây tham ái này. Có đúng không các bạn?

Đời người thường bị khổ đau đều do sợi dây tham ái này. Bát Chánh Đạo giúp chúng ta cắt đứt những sợi dây tham ái đó.

Thưa các bạn! Chúng tôi đã nhờ pháp môn Bát Chánh Đạo mà đoạn lìa được sợi dây tham ái này môt cách dễ dàng không mấy khó khăn và mệt nhọc, chỉ có bền chí ngày ngày siêng năng mài dũa tâm mình đúng pháp. “Có công mài sắt có ngày nên kim” các bạn ạ!

3- Hữu tình là gì? Hữu là có; tình là tình cảm, cảm mến. Các loài hữu tình là chỉ chung cho loài người và loài vật (loài có tình cảm).

4- Tái sanh là gì? Tái sanh có nghĩa là sanh trở lại làm người làm loài vật. Đọc hết đoạn kinh này ta biết rõ: “Các loài hữu tình thích thú chỗ này, chỗ kia như vậy, tái sanh trong tương lai sẽ xảy ra”. Lời dạy này rất đúng. Mọi người đang sống trên hành tinh này luôn luôn ưa thích cái này cái kia, lúc nào cũng ưa thích. Do tâm ưa thích mà loài người cũng như loài vật đều phải chịu tiếp tục tái sanh luân hồi.

Chúng tôi xin các bạn vui lòng đọc lại trọn vẹn đoạn kinh trên đây để chúng ta rút ra được một bài pháp tu tập thực tế và cụ thể có pháp hành hẳn hoi: “Bị vô minh ngăn che, bị tham ái trói buộc, các loài hữu tình thích thú chỗ này, chỗ kia như vậy, tái sanh trong tương lai sẽ xảy ra”. Như vậy, muốn chấm dứt tái sanh luân hồi thì phải diệt trừ vô minh. Do vô minh mà có tham ái; do tham ái mà thích cái này cái kia; do ưa thích cái này cái kia mà phải chịu tái sanh luân hồi, khổ đau muôn kiếp. Như vậy, vô minh là vấn đề quan trọng hàng đầu trong sự tu tập thiền định của Phật giáo, là đề tài tối hậu cần phải tiêu diệt, cần phải từ bỏ, cần phải xa lìa, v.v.. Với đề tài vô minh này người tu sĩ hay cư sĩ Phật giáo phải lưu ý bằng mọi cách để thiện xảo vén sạch màn vô minh.

Muốn vén sạch màn vô minh thì chúng ta phải có minh, tức là trí tuệ Tam Minh. Nhưng làm sao có Tam Minh được? Muốn có trí tuệ Tam Minh thì chúng ta phải tu tập bằng những con đường Bát Chánh Đạo: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định.

Chánh niệm tức là Tứ Niệm Xứ thuộc Định Vô Lậu. Vậy muốn tu tập Định Vô Lậu thì phải dùng pháp gì? Muốn tu tập Định Vô Lậu thì phải dùng ý thức, pháp tác ý và pháp như lý tác ý. Xin các bạn lưu ý: con đường tu tập theo Phật giáo ý thức là vũ khí hàng đầu trong việc đánh giặc sanh tử “Ý dẫn đầu, ý làm chủ, ý tạo tác”. Dùng ý thức tu tập đúng cách chúng ta mới ly dục ly ác pháp; nhờ ly dục ly ác pháp mà tâm mới nhập định; nhờ định mà ta có Tam Minh; nhờ Tam Minh mà vô minh mới diệt trừ tận gốc hay nói cách khác nhờ Tam Minh mà tham ái được diệt trừ tận gốc. Như vậy, đến đây các bạn đều đã biết phương pháp và cách thức tu tập rất rõ ràng. Phải không hỡi các bạn?

Còn Chánh Định tức là bốn thiền: Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền, ngoài bốn thiền này không có thiền nào được gọi là Chánh Định. Vì thế, nói về thiền định các bạn cần nên lưu ý để tránh khỏi những tà thiền của ngoại đạo.

Cho nên, kết luận đoạn kinh, đức Phật dạy như dưới đây: “Vô minh được xả ly, minh khởi tham ái được đoạn diệt (diệt dục diệt ác pháp). Như vậy, tái sanh trong tương lai sẽ không xảy ra”. Nếu chúng ta xét cho kỹ đoạn kinh này thì chúng ta thấy đức Phật đã trao cho chúng ta một bí quyết cốt tủy giải thoát của đạo. Chỉ cần siêng năng tu tập là đạt được kết quả ngay liền.

Như lời dạy trên trong cuộc đời tu hành theo Phật giáo, chúng ta thấy rất rõ, kẻ nào vô minh thường bị tham ái trói buộc thích thú vui chơi chỗ này, chỗ kia thì sự đau khổ và tái sanh luân hồi không thể tránh khỏi; còn kẻ nào ly dục, ly ác pháp thì được giải thoát, an vui, tâm hồn lúc nào cũng thanh thản, an lạc và vô sự. Do tâm hồn được như vậy thì sẽ chấm dứt tái sanh luân hồi chắc chắn.

XÁC ĐỊNH CÁC PHÁP TU TẬP

LỜI PHẬT DẠY

1- Nhất tâm là định.

2- Bốn niệm xứ là định tưởng.

3- Bốn tinh cần là định tư cụ.

4- Sự luyện tập, sự tu tập, sự tái tu tập của những pháp ấy là tu tập định ở đây vậy.

5- Thở vô và thở ra là thân hành.

6- Tầm tứ là khẩu hành.

7- Tưởng thọ là tâm hành.

(Tăng Nhất A Hàm tập 3)

CHÚ GIẢI:

Trên đây là sự xác định rất rõ ràng của đức Phật trong các pháp môn tu hành về thiền định phải tu pháp nào và tu tập như thế nào, nhất là đức Phật chỉ cho chúng ta thấy phải dùng thân hành nào trong thân để nhập các loại định và nhập định nào làm chủ được sanh tử luân hồi.

 Vậy, muốn thấu hiểu rõ thì chúng ta phải thông hiểu từng câu, từng lời dạy của đức Phật như dưới đây:

1- Nhất tâm là gì? Nhất tâm là “tâm ly dục ly ác pháp”, chứ không phải nhất tâm là tâm “không vọng tưởng, tâm không niệm thiện niệm ác”. Tâm ly dục ly ác pháp là tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ, cho nên đức Phật gọi là “Bất Động Tâm Định”. Do vậy nên câu này đức Phật dạy: “Nhất tâm là định”. Ở đây các bạn phải khéo hiểu, nếu hiểu không đúng nghĩa thì các bạn sẽ hiểu theo kiểu kinh sách Đại Thừa và Thiền Tông. Hiểu theo kinh sách Đại Thừa và Thiền Tông thì dù các bạn có tu muôn ngàn kiếp cũng chẳng bao giờ có giải thoát.

2- Bốn Niệm Xứ là gì? Bốn Niệm Xứ là một phương pháp tu tập trên bốn chỗ của thân ngũ uẩn là: thân, thọ, tâm và pháp để đạt được ý thức ly dục ly bất thiện pháp, tức là ý thức không phóng dật (không khởi niệm).

Sao lại gọi: “Bốn Niệm Xứ là định tưởng”? Khi mới bước chân vào tu tập Bốn Niệm Xứ thì phải tu tập 16 loại tưởngNhờ tu tập 16 loại tưởng này nên tâm mới sinh ra nhàm chán các pháp thế gian vì thấu suốt lý các pháp là vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh, uế trược, do qui luật nhân quả duyên hợp tạo thành chẳng có gì là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Do ý nghĩa này mà Bốn Niệm Xứ là Định Tưởng. Các bạn nên hiểu: “Định Tưởng chứ không phải Tưởng Định”.

3- Bốn Tinh Cần là gì? Bốn Tinh Cần là một tên khác của Tứ Chánh Cần. Tứ Chánh Cần là một phương pháp tu tập dùng ý thức ngăn ác và diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp. Một pháp môn dùng cho mọi người tu tập lúc mới bắt đầu theo Đạo Phật. Do tu tập Tứ Chánh Cần mà mọi người mới giữ gìn giới luật trọn vẹn. Do tu tập Tứ Chánh Cần mà giới luật không bao giờ vi phạm. Do tu tập Tứ Chánh Cần mà tâm hồn mới được thanh thản, an lạc và vô sự. Do tu tập Tứ Chánh Cần mà cuộc sống gia đình mới được an vui và hạnh phúc. Do tu tập Tứ Chánh Cần mà không còn nạn trộm cắp cướp giựt giết người, làm mất trật tự, an ninh. Do tu tập Tứ Chánh Cần mà các tệ nạn xã hội không còn nữa, tạo nên một xã hội có trật tự, một đất nước phồn vinh, thịnh trị, v.v..

Sao lại gọi Bốn Tinh Cần là Định Tư Cụ? Bốn tinh cần là pháp môn tu tập làm cho giới luật thanh tịnh như trên chúng tôi đã nói. Vì giới luật thanh tịnh là tâm thanh tịnh; tâm thanh tịnh là tâm định, nên đức Phật dạy: “Giới sinh định”. Muốn có thiền định thì chỉ cần tu tập giới luật cho thanh tịnh. Giới luật thanh tịnh tức là tâm thanh tịnh; tâm thanh tịnh là tâm ly dục ly ác pháp; tâm ly dục ly ác pháp thì ngay đó là thiền định, nên đức Phật dạy: “ly dục ly ác pháp nhập Sơ Thiền”.

Đọc đến đây các bạn thấy rất rõ thiền định của Đạo Phật là thiền định từ giới luật sinh ra. Nó không giống bất cứ một loại thiền định nào của Đại Thừa và Thiền Tông. Phải không các bạn?

Nếu các bạn tu tập thiền định mà loại thiền định đó không lấy giới luật làm tiêu chuẩn, sống không đúng Phạm hạnh, thường phạm giới, phá giới mà cứ bảo đó là thiền định của Phật giáo thì các bạn đừng có tin.

Khi biết rõ pháp môn thiền định của Phật do từ giới luật sinh ra thì không ai còn đưa ra một pháp môn nào khác để lừa đảo chúng ta được nữa. Vì lý do này nên lời dạy trong bài kinh nói: “Bốn Tinh Cần Là Định Tư Cụ”. Đúng vậy. Pháp môn tu tập thiền định của Phật giáo Nguyên Thủy chỉ có Định Tư Cụ (Tứ Chánh Cần), ngoài Tứ Chánh Cần ra thì không còn pháp môn nào khác nữa để tu tập thiền định đúng chánh pháp. Nếu có pháp môn nào khác nữa để tu tập thiền định thì chúng ta phải biết đó không phải là pháp môn của Phật giáo, mà chính là pháp môn của ngoại đạo Bà La Môn.

4- Sự luyện tập, sự tu tập, sự tái tu tập của những pháp ấy là tu tập định ở đây vậy.

Chúng ta hãy lắng nghe lời đức Phật xác định những pháp môn đức Phật đã dạy ở trên đây là những pháp môn tu tập thiền định của Đạo Phật. Vì vậy, quán niệm hơi thở có đúng là pháp môn tu tập thiền định của Đạo Phật không? Không đúng đâu các bạn ạ, nó chỉ là một phương pháp tu tập tỉnh thức mà thôi, chứ nó không phải thiền định. Tu hơi thở không thể nhập định được, tu hơi thở là để an trú thân tâm. An trú thân tâm trong hơi thở là để đẩy lùi các chướng ngại pháp.

Quý Sư, Thầy hiện giờ dạy người tu tập thiền định bằng quán niệm hơi thở, quán phình xệp cơ bụng (Minh Sát Tuệ), quán niệm Phật nhất tâm (Tịnh Độ), quán tri vọng (biết vọng liền buông), niệm chú bắt ấn (Mật Tông), tham công án, tham thoại đầu (Thiền Tông), v.v.. Các bạn hãy xem các pháp trên đây có phải từ giới luật mà thành định không? Nếu không phải từ giới luật sinh ra định thì những pháp thiền định này là thiền tưởng, thiền của Bà La Môn, thiền của các nhà học giả nặn ra.

Tóm lại, muốn tu tập thiền định của Phật giáo là phải tu tập giới luật. Tu tập giới luật là có giải thoát ngay liền; tu tập giới luật là tu tập đạo đức làm Người, làm Thánh; tu tập giới luật là xây dựng cho mình một cảnh giới Cực lạc, Thiên đàng ngay tại thế gian; tu tập giới luật là tu tập giúp cho thân tâm luôn luôn thanh thản, an lạc và vô sự; tu tập giới luật là tu tập tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ, một trạng thái Niết bàn thật sự hiện tiền mà mọi người không ai ngờ được.

 5- Thở vô và thở ra là thân hành. Tại sao hơi thở ra, vô gọi là thân hành?

Hơi thở ra, vô là sự hoạt động tự động của thân để tạo thành sức sống của cơ thể để tiếp nhận dưỡng khí (gió) bên ngoài. Có thở mới có sống, hết thở là chết. Hơi thở là sự hoạt động của thân cũng giống như sự hoạt động đưa tay, đưa chân hay là chúng ta bước đi kinh hành. Về thân chúng ta có thể chia ra làm hai phần hoạt động:

  1. a) Hoạt động bên trong thân gồm có: hơi thở, đó là sự hoạt động về hô hấp (phổi). Mạch máu khắp châu thân đang chuyển tải máu đi, máu về. Đó là sự hoạt động về tuần hoàn (tim) gan, bao tử, ruột bộ óc và các tế bào đều đang hoạt động trong thân. Tất cả những sự hoạt động đó gọi là thân hành nội.
  2. b) Thân hành ngoại gồm có: đi, đứng, nằm, ngồi, co tay, duỗi chân, nói nín, cúi, gật, v.v..

Cho nên, sử dụng thân hành nội cũng như thân hành ngoại chỉ tu tập cho tâm được tỉnh thức mà thôi, chứ nó không phải thiền định gì cả. Nếu lấy hơi thở nhập định được thì đi kinh hành cũng nhập định được, hay làm tất cả các công việc cũng đều nhập định được sao? Điều này không thể xảy ra được. Do hiểu rõ điều này nên chúng tôi khẳng định: Đại Thừa, Thiền Tông, Mật Tông, Tịnh Độ Tông và tất cả các loại thiền định ức chế tâm đều không nhập chánh định được, chỉ nhập vào định tưởng, định điên khùng rối loạn thần kinh.

Tóm lại, hơi thở ra, vô chỉ là một thân hành trong nhiều thân hành. Vì trong thân có rất nhiều hành động mà Đạo Phật lấy đó làm niệm để tu tập tỉnh thức gọi là Thân Hành Niệm. Người tu nương vào thân hành niệm là mục đích để tu tập tỉnh giác mà thôi. Đừng nghĩ rằng: quán niệm hơi thở theo Sổ Tức Quán của Đại Thừa hay Lục Diệu Pháp môn của Ngài Trí Khải Đại Sư (sổ, tùy, chỉ, quán, hoàn, tịnh), tu tập như vậy là để nhập định. Đó là quan niệm sai lầm, không đúng pháp môn của Phật dạy.

Sao các Tổ tự đặt ra nhiều pháp môn quá vậy để làm gì trong khi mọi người tu tập chỉ tìm cầu sự thoát khổ: sinh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi, chứ không cầu thần thông, không cầu vãng sanh Cực lạc, không cầu Phật tánh, bản thể chân như vô phân biệt? Chính vì các Tổ sản sinh thần quyền và thêu dệt thần thông huyễn hoặc quá nhiều. Các Tổ dựa vào hơi thở Yoga sinh ra lắm thiền định, khiến người tu hành điên đảo chẳng biết tu pháp nào, họ như lọt vào rừng hơi thở.

6- Tầm, tứ là khẩu hành. Có nghĩa là gì? Câu này đức Phật xác định để chúng ta nhận xét khi nhập Nhị Thiền để thấy và hiểu biết cho rõ ràng.

Khi nhập Nhị Thiền tầm tứ diệt. Tầm tứ là ý thức, thuộc trong nhóm sáu thức: mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý. Khi tầm tứ diệt thì mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý đều diệt. Sao ở đây đức Phật dạy: “Tầm tứ là khẩu hành”? Khẩu hành là sự hoạt động của miệng. Sự hoạt động của miệng có hai phần:

  1. a) Ăn
  2. b) Nói

Khi nhập Nhị Thiền thì miệng không còn ăn và nói chuyện. Nếu còn ăn và nói chuyện là không nhập Nhị Thiền. Hiển nhiên đúng như vậy các bạn ạ!

Cho nên câu nói: “Tầm, tứ là khẩu hành” là để chúng ta biết rõ khi nhập Nhị Thiền là không nói chuyện, không ăn uống được, có nghĩa là miệng không còn hoạt động. Do từ chỗ Tầm tứ diệt là khẩu hành diệt ta suy ra và biết ngay tầm tứ diệt là sáu thức diệt, có nghĩa là khi nhập Nhị Thiền thì người nhập định không phải giống như cây đá vô tri, vô giác, không phải giống như thây ma người chết. Khi nhập Nhị Thiền đức Phật còn xác định rõ ràng: “Định sinh hỷ lạc”. Vậy, cái gì còn biết hỷ lạc khi sáu thức bị ngưng hoạt động. Cái biết trong Nhị Thiền là cái biết của tưởng thức. Tưởng thức biết là nhờ thức uẩn hoạt động.

Thưa các bạn! Khi các bạn ngủ thì sáu thức không hoạt động nên bạn mới có chiêm bao. Trong chiêm bao cái gì biết, nghe, thấy và cảm nhận, các bạn có biết không? Đó là tưởng thức các bạn ạ!

Nhập Nhị Thiền, nói cho dễ hiểu là nhập vào thế giới chiêm bao. Thế giới chiêm bao là thế giới tưởng. Cho nên, nhập Nhị Thiền là nhập vào trạng thái của tưởng căn (nhóm tế bào tưởng) do tưởng uẩn hoạt động.

Tóm lại “Tầm, tứ là khẩu hành”, là chỉ cho trạng thái Nhị Thiền cần phải diệt.

7- Tưởng, thọ là tâm hành. Vậy tưởng, thọ là tâm hành, là gì? Tưởng là tưởng uẩn; thọ là thọ uẩn. Khi tưởng uẩn và thọ uẩn còn hoạt động thì không bao giờ nhập diệt thọ tưởng định được. Ở đây đức Phật nêu: “Tưởng, thọ là tâm hành” để nhắc khéo cho chúng ta biết khi nhập Tam Thiền thì phải ly tưởng dục (ly hỷ trú xả nhập Tam Thiền), nếu còn một chút xíu tưởng hỷ dục thì không bao giờ nhập Tam Thiền được. Khi nhập Tứ Thiền thì phải xả hết cảm thọ, còn một chút cảm thọ nơi thân tâm thì không nhập được Tứ Thiền.

Ở đây, chúng tôi xin nhắc lại các bạn cần lưu ý: Khi muốn nhập Sơ Thiền thì các bạn cần ly dục, ly ác pháp. Muốn ly dục ly ác pháp thì các bạn cần phải tịnh chỉ ngôn ngữ (lời nói) tức là sống độc cư trầm lặng một mình mà tâm không phóng dật thì mới có thể nhập được Sơ Thiền. Khi tâm không phóng dật là tâm bất động. Tâm bất động là tâm có đầy đủ bảy năng lực Giác Chi, do đó mới nhập được Sơ Thiền.

Khi muốn nhập Nhị Thiền thì các bạn phải diệt tầm tứ. Muốn diệt tầm tứ thì các bạn phải tịnh chỉ khẩu hành. Muốn tịnh chỉ khẩu hành thì phải có đủ bảy năng lực Giác Chi, nếu không có đủ bảy năng lực Giác Chi thì không bao giờ tịnh chỉ khẩu hành được. Và như vậy, các bạn cũng không bao giờ nhập Nhị Thiền được.

Khi muốn nhập Tam Thiền thì các bạn phải ly các trạng thái hỷ tưởng. Ly các trạng thái hỷ tưởng tức là tịnh chỉ mộng tưởng, có nghĩa là người nhập Tam Thiền thì thoát ra khỏi thế giới mộng tưởng. Muốn thoát ra khỏi thế giới mộng tưởng thì phải dùng bảy năng lực của Giác Chi, nếu không có bảy năng lực Giác Chi thì không bao giờ ly hỷ được.

Khi muốn nhập Tứ Thiền thì phải xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh tức là xả thọ. Muốn xả thọ thì phải tịnh chỉ hơi thở ra, hơi thở vô. Muốn tịnh chỉ hơi thở ra, hơi thở vô thì phải có đủ bảy năng lực của Giác Chi, nếu không có đủ bảy năng lực Giác Chi thì khó mà nhập được Tứ Thiền.

Khi muốn nhập Diệt Thọ Tưởng Định thì phải có đủ bảy năng lực Giác Chi mới nhập Diệt Thọ Tưởng, nếu không có bảy năng lực Giác Chi thì không bao giờ nhập Diệt Thọ Tưởng được.

Tóm lại, bảy lời dạy trên đây của đức Phật là chỉ thẳng mục đích tu tập từ con người phàm phu để trở thành những bậc Thánh nhân A La Hán vô lậu, làm chủ sự sống chết hoàn toàn và chấm dứt luân hồi, không còn trở lui trạng thái này nữa.

KỆ LÚC THÀNH ĐẠO

LỜI PHẬT DẠY

Thiên thượng, thiên hạ

Duy ngã độc tôn

Nhất thiết thế gian

Sanh, lão, bệnh, tử”

CHÚ GIẢI:

Bốn câu kệ trên để chứng minh và xác định Đạo Phật ra đời vốn giải quyết bốn sự đau khổ lớn nhất của loài người: “sanh, già, bệnh, chết”. Vì thế, mục đích tu hành của Đạo Phật là “tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ”, chứ không phải vì Thiên đàng, Cực lạc, Niết bàn, Phật tánh, v.v..

Trong tất cả các pháp môn của đức Phật đều dạy chúng ta tu tập để thực hiện đạo đức làm Người, làm Thánh. Muốn làm người có đạo đức không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh thì duy chỉ có thiện pháp mới giải quyết mọi sự đau khổ của chúng ta, tức là không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh nữa.

Muốn được thân tâm thanh thản, an lạc và vô sự đều phải sống đúng thiện pháp, hằng ngày thường ngăn và diệt ác pháp; muốn làm chủ sanh tử luân hồi và chấm dứt tái sanh đều phải sống đúng thiện pháp. Nếu không do thiện pháp mà tu tập thì không bao giờ làm chủ và chấm dứt được nó, vì thế, đời đời phải chịu trôi lăn trong sáu đường luân hồi khổ đau.

Thiền định có nhập được cũng phải do thiện pháp, ngoài thiện pháp đi tìm thiền định thì không bao giờ có, chỉ có tà thiền của ngoại đạo mà thôi. Do đó, chúng ta thấy ai tu thiền định mà không giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh thì biết ngay họ tu tà thiền, tà định, dù họ có tu muôn đời, muôn kiếp cũng chẳng có kết quả giải thoát gì, chỉ uổng phí một đời tu hành mà thôi.

Đối với Đạo Phật, thiện pháp có một tầm rất là quan trọng trên bước đường tu hành giải thoát, nếu không tu thiện pháp mà dù có tu tất cả các pháp môn nào khác cũng đều tu hành không đúng pháp môn của Đạo Phật. Vì thế, tu theo Phật giáo mà không tu tập thiện pháp tức là không giữ gìn giới luật nghiêm túc thì đừng mong làm chủ sanh, già, bệnh, chết, như trong bài kệ đức Phật đã tự tán thán mình:

Thiên thượng, thiên hạ

Duy ngã độc tôn

Nhất thiết thế gian

Sanh, lão, bệnh, tử”.

Sau khi tu chứng đạo, đức Phật dùng trí tuệ Tam Minh quan sát thấy rằng khắp trên thế gian này từ vô thủy cho đến ngày nay (ngày đức Phật tu chứng) không thấy có một người nào làm chủ sanh, già, bệnh, chết như Ngài, nên Ngài nói lên bài kệ này là để xác định vị trí và thế đứng độc lập của Đạo Phật. Cho nên, Đạo Phật không vay mượn giáo lý của bất cứ một tôn giáo khác. Một bằng chứng hiển nhiên là tất cả các tôn giáo khác trên hành tinh này đều tin tưởng có thế giới siêu hình, còn Phật giáo thì không chấp nhận thế giới siêu hình. Cũng như tất cả các tôn giáo nào khác không có nền tảng đạo đức vững chắc như Đạo Phật. Đạo đức tự lực không dựa vào thần quyền. Vì thế, đạo đức của Phật giáo là đạo đức nhân bản – nhân quả, một đạo đức cao thượng sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh; một đạo đức cao quý tuyệt vời làm chủ được sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt tái sanh luân hồi; một đạo đức biến cuộc sống loài người trên thế gian này thành cõi Thiên đàng, Cực lạc.

Nói đến đạo đức nhân bản – nhân quả là phải dẹp bỏ tha lực, nếu còn cầu cúng, tế lễ, cầu phước, cầu tự, cầu an, cầu siêu, v.v.. là đi ngược lại đạo đức nhân bản – nhân quả của Đạo Phật và con người sẽ sống trong ảo tưởng, mê tín và lạc hậu. Đạo Phật là đạo tự lực, nên đức Phật khuyên các đệ tử của mình: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, Ta chỉ là người hướng đạo, không thể đi thay cho các con được”.

Vì tự mình phải thắp đuốc lên mà đi, nên Phật giáo phải xây dựng một nền tảng đạo đức nhân bản – nhân quả vững chắc cho ngôi nhà thiền định. Cho nên, thiền định của Phật giáo mới được gọi là chánh định, bởi chánh định có một nội lực giúp cho chúng ta làm chủ thân tâm, tự tại trong sự sống chết như bài kệ trên đã nói.

(còn tiếp) Trích từ sách: Những Lời Gốc Phật Dạy - Tác giả: Trưởng lão Thích Thông Lạc