Trang chủ Đời sống Những điều tôi nhận được từ Phật pháp

Những điều tôi nhận được từ Phật pháp

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Cư sĩ Nguyễn Đức Sinh

Dẫn nhập

Phật pháp không hề cản trở việc học tập ở thế gian; kiến thức Phật pháp cũng không đối lập với kiến thức thế gian. Duy chỉ có khác biệt là Phật dạy chúng ta nên nhìn thẳng vào nỗi khổ đau của con người, để chuyển hóa nó trở thành hạnh phúc đích thực. “Duy tuệ thị nghiệp”, đó là lời Phật dạy chúng ta trên con đường tìm về chân lý giác ngộ – giải thoát khổ đau.

Trong bất kỳ một tôn giáo nào, tôn chỉ mục đích giáo lý đều nhằm vào vấn đề đem đến sự bình an và giải thoát khổ đau cho con người. Nhưng không phải tôn giáo nào cũng đạt được mục đích đó. Có giáo phái giải quyết việc chấm dứt khổ đau bằng khải thị Thượng đế qua cầu xin; có giáo phái lại đề cao sự cúng kiến “tốt lễ dễ cầu” để kêu gọi thần linh giúp đỡ khổ đau cho mình bằng nghi lễ vật chất giết heo, mổ gà và dùng máu huyết động vật để cúng thần linh; có giáo phái lại lấy việc thú hướng coi đất xem ngày giờ, tuổi tác tốt xấu để cầu làm ăn giầu sang và giải hạn xấu…

Với tín ngưỡng dân gian tồn tại ken dầy hàng ngàn năm, bởi những tập quán, tập tục giải thích về vấn đề tâm thức, tâm linh vốn phức tạp lại thêm phức tạp rối rắm, khiến con người sống trong vui buồn chờ đợi, để rồi thất vọng trước cái chết. Tất cả luẩn quẩn trong vòng sinh tử luân hồi bế tắc không có lối thoát. Qua tìm hiếu cho thấy, chỉ có giáo lý đạo Phật và duy nhất chỉ có giáo lý này, với kiến giải thâm hậu của Duy thức học mới có thể kiến giải thỏa đáng được những vấn đề lớn thuộc các lĩnh vực của thế giới quan tự nhiên, xã hội, sự vật, con người và tâm linh huyền nhiệm.

1. Duy thức học xua tan bóng ma thần quyền

Như chúng ta đã biết, thế giới ngày nay, khoa học phát triển vượt bậc từng bước khẳng định con người chết là không hết và linh hồn hằng còn. Điều này (đối với Phật giáo là không mới), bởi trong Duy thức luận từ lâu giáo lý đạo Phật đã khẳng định: con người chết là chỉ hết cái Sắc thân ngũ uẩn (vật lý) này, nhưng thức linh do nghiệp dẫn tái sinh ở kiếp sau (tức chuyển kiếp) thì hằng còn trong vòng tương tục. Chính vì điều này mà đạo Phật có câu: “sắc sắc không không”. Thực tế để hiểu được cụm từ này không phải dễ dàng (nếu không tìm hiểu và học giáo lý của đạo Phật) thì không dễ gì nắm được nguyên lý căn bản của sự hình thành vũ trụ, con người và sự vật nói chung. Đặc biệt là vấn đề tâm linh, đây là một phạm trù “mềm” không có khả năng chuyên chở thực tế theo duy lý. Chính vì vấn đề này, mà nhiều nghìn năm nay đã không ít những bậc Thánh triết ra đời tạo lập tông phái nhằm kiến giải vấn đề tâm linh.

Song, trên thực tế sự kiến giải vẫn mang nặng tư tưởng tín ngưỡng thần quyền chấp chước chủ quan . Do vậy mà tư tưởng này, vẫn có đất tồn tại dai dẳng và đẩy con người vào vòng bế tắc trong vòng sinh tử luân hồi khổ đau của kiếp nhân sinh. Về vấn đề này xin nhắc lại, chỉ có giáo lý đạo Phật với Duy thức luận sâu sắc mới kiến giải giúp con người hiểu và nhận ra con đường tu giải thoát vượt khỏi vòng xoáy luân hồi sinh tử. Với sự khẳng định trên, chắc không ít người đặt câu hỏi?

Đạo Phật ra đời cách đây trên 2500 năm sao giáo lý này vẫn chưa đến được với đông đảo mọi người? Xin thưa, giáo lý đạo Phật ra đời thực chất là như vậy, nhưng không phải ai cũng có duyên để kiến lập tư duy và hiểu được giáo lý thâm hậu của đạo Phật. Ngoài ra còn chưa kể đến các yếu tố lịch sử khác. Và phải đến ngày nay, khi Phật giáo phát triển, cùng với tư duy logic khoa học hiện đại đồng hành soi chiếu, thì vấn đề tâm linh và nhiều phạm trù khác liên quan đến con người mà Phật giáo đề cập mới được làm sáng tỏ và đem lại lợi ích đích thực cho đông đảo mọi người khi đến với giáo lý này.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc duy thuc hoc 1

Thực tế, giáo lý đạo Phật ra đời không phải để chờ khoa học giải thích như một số người hiểu lầm cho rằng, Phật giáo mạo danh khoa học, mà thực tế trên diễn đàn khoa học ngày nay, đã không ít các học giả và các nhà khoa học hàng đầu thế giới thông qua việc nghiên cứu về vũ trụ quan và nhiều phạm trù khác của đạo Phật đã phát biểu và cho rằng: Nếu khoa học bỏ ra ngoài lề, có nghĩa là không tìm hiểu giáo lý của tôn giáo nói chung, trong đó có Phật giáo, thì tương lai các ý tưởng khoa học sẽ bế tắc, nếu không muốn nói là khoa học tự chặn con đường đi của mình lại. Phật giáo nếu không có khoa học cùng đồng hành giải thích những vấn đề thâm hậu của giáo lý, thì giáo lý đạo Phật sẽ không đến được vói đông đảo mọi người. Một thực tế chứng minh cho thấy sự tương đồng giữa Phật giáo và khoa học trong cấu trúc của vật chất với Thuyết Thập Nhị Nhân Duyên của đạo Phật mà đức Phật nói tới cách đây trên 2500 về các cõi giới vô hình trong vũ trụ và cõi giới tâm linh.

Đây là những vấn đề khó kiến giải, thì nay đã được các nhà khoa học hàng đầu thế giới chứng minh, giúp cho con người tin sâu hơn vào giáo lý vi diệu của đạo Phật, mà bấy nay không ít người vẫn cho là mơ hồ.

2. Khoa học và Phật giáo cùng đồng hành soi chiếu

Khoa học ngày nay đã biết khá nhiều về thế giới vật chất mà đa số tuyệt đối các nhà khoa học cho là vật chất tồn tại khách quan ở ngoài ý thức (theo duy vật). Người ta biết rằng vật chất không phải là một thể thống nhất, mà nó được cấu trúc từ những phân tử rất nhỏ gọi là nguyên tử.

Theo tác giả Truyền Bình với nhiều bài viết nghiên cứu chuyên sâu về (khoa học và Phật giáo) đã đối chiếu và so sánh giữa Phật giáo và khoa học cho rằng: Khoa học ngày nay còn thâm nhập vào bên trong của nguyên tử tìm hiểu những hạt cơ bản tạo ra vật chất, vì những hạt này ở mức độ nhỏ hơn, thấp hơn nguyên tử nên người ta gọi chúng là những hạt hạ nguyên tử. Và đến cuối thế kỷ 20, người ta còn thâm nhập sâu hơn nữa vào cấu trúc của hạt proton và hạt neutron và thấy rằng chúng được cấu tạo bởi hai hạt: “quark up và quark down”.

Như vậy chỉ với 3 hạt trên đã tạo ra tuyệt đại đa số vật chất trên quả địa cầu của chúng ta. Các sinh vật cũng hình thành từ những hạt này mà thôi, tiến hóa chất vô cơ đến chất hữu cơ… và cuối cùng là con người diễn tiến vô cùng phức tạp và kỳ diệu cũng đã được khoa học kiến giải cho thấy Phật giáo và Khoa học có nhiều mặt tương đồng thật bất ngờ. Tronng giáo lý Thập Nhị Nhân Duyên của Phật giáo cũng mô tả thế giới vật chất và thế giới sinh vật bằng cấu trúc trùng trùng duyên khởi của nhân duyên mà yếu tố căn bản là vô minh và yếu tố cuối cùng trong chuỗi 12 nhân duyên này là lão tử, xoay vòng như mắt xích. (vô minh, hành, tưởng, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử)

Khoa học và Phật giáo giống nhau ở chỗ mô tả thế giới là cấu trúc. Cấu trúc chính là bản chất của thế giới, đó là sự tương tác lẫn nhau của đủ loại cấu trúc, tuy khác nhau về hình tướng nhưng đồng nhau về bản chất.

Về sự biến đổi, cũng như tuổi thọ của vạn hữu và tính chất vô thường của vạn vật, khoa học đã chứng minh là tất cả mọi vật từ một hạt cơ bản hạ nguyên tử cho đến vũ trụ bao la đều có tuổi thọ hữu hạn, mọi sự vật đều luôn biến đổi, luôn luôn chuyển động từ trạng thái này sang trạng thái khác, nhanh hay chậm tùy sự vật, nhưng biến đổi là bản chất của sự vật. Điều này Phật Giáo cũng nêu tính chất vô thường của vạn vật, mọi vật đều luôn biến đổi qua 4 trạng thái: Thành, trụ, hoại, diệt và với con người cũng không thoát khỏi quy luật này. Tính chất vô thường hay bản chất sinh diệt là điểm đặc trưng của thế giới chúng ta đang sống. Đó là giáo lý căn bản của đạo Phật đã nêu rõ trong kinh điển.

Về nhìn nhận vũ trụ, khoa học với những phương tiện quan sát thám hiểm không gian hiện đại, biết rằng vũ trụ rất rộng lớn, bán kính có thể tính được bằng tỷ quang niên. Trong vũ trụ có vô số thiên hà và các hệ hành tinh. Những năm gần đây, khoa học đã khám phá ra nhiều hành tinh cũng tương tự như trái đất của chúng ta, tuy nhiên khoa học chưa tìm thấy tín hiệu của một nền văn minh khác ngoài trái đất. Trong khi đó, Kinh điển Phật giáo trên 2500 năm trước, đức Phật đã đề cập đến Tam giới bao gồm, Dục giới, Sắc giới. và vô sắc giới. Chỉ riêng cõi Dục giới thôi đã rộng lớn hơn vũ trụ mà chúng ta quan niệm vì ngoài cõi vật chất. Trong cõi Dục giới còn bao gồm cõi trời Lục Dục thiên, mà các giác quan của chúng ta (mắt phàm) không thể tiếp xúc được.

Như vậy, ta thấy Phật Giáo đã đưa ra quan niệm đa vũ trụ, các vũ trụ chồng chất lên nhau mà phần lớn đều hoàn toàn vô hình đối với giác quan của chúng ta, nên tuyệt đại đa số con người không thấy được các cõi giới đó. Vì không thấy, không cảm nhận được, con người bèn cho rằng không có và không tin. Cũng giống như chung quanh ta có rất nhiều sóng vô tuyến, sóng điện tử, sóng cực vi… mà ta không thể cảm thấy trực tiếp được. Chỉ khi có các thiết bị như Radio, tivi, smartphone, hoặc những nhà ngoại cảm mới thấy được âm thanh, hình ảnh, tín hiệu và thế giới vong linh ở cõi âm. Đa vũ trụ cũng được các nhà khoa học hàng đầu thế giới hiện nay mô tả điển hình là nhà vật lý người Anh Stephen Hawking.

Cái mà chúng ta thấy được và cảm nhận được trong “hiện tiền” chỉ là một phần rất nhỏ của đa vũ trụ vô lượng vô biên mà Phật giáo từ lâu đã diễn tả trong thuật ngữ “Tam thiên Đại thiên thế giới”.

Nếu Tam Thiên Đại Thiên thế giới mà đức Phật qua Chính Đẳng Chính giác thấy được, đến nay khoa học đã chứng minh. Thì trong kinh có câu “Tam giới duy tâm vạn pháp duy thức” của Phật giáo, so với thuyết tương đối của Einstein đối chiếu cũng cho là tương đồng. Bởi Thuyết tương đối của Einstein tập trung ở ba điểm quan trọng: Không gian, thời gian và khối lượng vật chất là tương đối, Tương đối nghĩa là không tồn tại độc lập, không tồn tại độc lập là phụ thuộc vào một cái khác, hay phụ thuộc lẫn nhau. Tương đối có nghĩa là có thể co dãn, có thể thay đổi. Thuyết tương đối ngày nay đã được các nhà khoa học kiểm chứng. Bởi giữa khối lượng và năng lượng có sự tương đương và liên hệ chặt chẽ được thể hiện qua công thức nổi tiếng của Einstein. E (năng lương) = M (khối lượng vật chất) x C2 (vận tốc ánh sáng).

Cho nên, nếu khối lượng là tương đối, có thể thay đổi, thì năng lượng cũng thế, có thể thay đổi, năng lượng có thể biến thành khối lượng vật chất. Về điều này, chúng ta thấy Phật giáo nói rằng Tâm cũng là một dạng năng lượng, chẳng những vậy, tâm còn là một năng lượng vô hạn. Nếu làm chủ được Tâm thì cả vũ trụ này sẽ được thâu nhiếp thu nhỏ trong lòng bàn tay. Đó chính là ý nghĩa của câu “Tam giới duy Tâm”.

Căn cứ những nghiên cứu thực nghiệm và đối chiếu sự tương đồng giữa Khoa học và Phật giáo. Khoa học hiện đại ngày nay cho rằng vũ trụ của khoa học và vũ trụ quan của Phật giáo đã tiếp cận. Các khoa học gia hàng đầu thế giới ngày nay không còn coi thế giới là duy vật khách quan nữa mà đã bắt đầu hiểu tâm ý con người có ảnh hưởng quyết định đến vật chất. Như vậy, từ xa xưa Phật giáo đã cho rằng tất cả các Pháp không có tự tính. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tâm như họa công sư, họa chủng chủng ngũ ấm – Nhất thiết thế giới trung, vô pháp nhi bất tạo – Nhất thiết pháp vô tự tính (nghĩa là Tâm như họa công sư khéo tay, vẽ đủ thứ ngũ ấm, trong tất cả thế giới, không pháp gì mà không tạo ra được… tất cả các pháp đều không có tự tính)

Chính vì các pháp không có tự tính, mọi tính chất, mọi đặc trưng của các pháp đều do tâm của con người gán ghép cho các sự vật, theo đúng như cơ chế của việc gán ghép ý nghĩa vào tiếng nói và chữ viết. Điều này Phật giáo nói rằng “Nhất thiết duy tâm tạo”.

Và kinh Hoa Nghiêm có kệ diễn tả:

“Nhược nhân dục liễu tri
Tam giới nhất thiết Phật
Ưng quán Pháp giới tính
Nhất thiết Duy tâm tạo.”

Dịch:

“Nếu mọi người muốn biết rõ
Tất cả Phật trong tam giới
Hãy xem xét bản chất của Pháp giới
Tất cả đều do tâm tạo.”

Tất cả đều do tâm tạo, đó là Phật giáo từ xa xưa đã khẳng định. Và bây giờ qua nghiên cứu thực nghiệm các nhà Khoa học hiện đại cũng chứng minh và cho rằng: Vật chất chỉ là một cấu trúc ảo không thật, tâm gán ghép các tính chất đặc trưng cho vật. Các hạt cơ bản tự nó không có tính chất đặc trưng gì cả: Tâm gán cho chúng các đặc trưng như vị trí, khối lượng, điện tích, số spin. Sau khi gán ghép, chúng mới hiển thị thành hạt. Về điều này các nhà khoa học đã thí nghiệm. Một trong các thí nghiệm nổi tiếng nhất, đó là thí nghiệm về Hai khe hở. Khi bị quan sát thì vật chất thay đổi. Chứng tỏ sự quan sát của con người ảnh hưởng tới vật chất.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Duy tue thi nghiep 1

3. Pháp giới duyên sinh – Duy tuệ thị nghiệp

Giáo lý đạo Phật đề cập đến nhiều lĩnh vực, nhưng về vấn đề Đa vũ trụ và siêu hình đức Phật khuyên các đệ tử không đi sâu vào vấn đề này, bởi nhiều vấn đề vượt quá tầm mức hiểu biết của con người. Và không cần thiết cho việc tu giải thoát. Trong giáo lý của đạo Phật chúng ta thấy hầu hết các bộ kinh Nguyên thủy và Đại thừa, đức Phật chỉ tập trung chỉ dạy phương pháp tu hành để đoạn trừ Tam độc, Ngũ trược. Đây là những yếu tố căn bản làm che mờ tính giác, kìm hãm sự tu hành giải thoát. Đề cập về vấn đề tâm linh, một lĩnh vực khó kiến giải trong vòng tương tục của lục đạo luân hồi.

Giáo lý đạo Phật căn cứ vào căn cơ của từng chúng sinh mà chỉ bày phương pháp tu trì. Với sự chết, đây là vấn đề quan trọng không chỉ đối với cõi người chúng ta, mà với cả cõi thiên. Tìm hiểu kinh điển chúng ta thấy: ngay cả cõi thiên tuổi thọ có đến cả vài trăm, thậm chí có khi hàng ngàn năm, nhưng khi nói đến sự chết và đọa lạc, với cõi thiên trước cái chết cũng phải bàng hoàng lo lắng về sự sinh tử luân hồi, chứ nói chi đến cõi Ta- bà của chúng ta.

Khi kiến giải về sự chết, giáo lý đạo Phật nói về Nghiệp dẫn trong quá trình chuyển thế ta thấy yếu tố Thiện, Ác được đặt lên hàng đầu, bởi chính con người tạo tác và chịu nhân quả, chứ không phải ai khác. Đây là một giáo lý hợp với logic hay nói đúng hơn là một chân lý siêu tuyệt tối thượng, vượt khỏi tôn giáo Thần quyền. Về nội dung này, đức Phật dạy: “Duy tuệ thị nghiệp”. Tất cả đều phải buông bỏ, chỉ có nghiệp theo ta vào lúc chuyển thế tái sinh

Là người bước đầu đến với đạo Phật, nhưng với giáo lý về Ngũ uẩn, Vô thường, Nhân quả và Nghiệp dẫn của đạo Phật, người viết bài này trộm nghĩ không chỉ riêng mình mà tất cả những ai đã có duyên lành đến với đạo Phật, đều cảm thấy như cất được gánh nặng và nhẹ lòng khi gặp được giáo lý đạo Phật soi sáng, xua tan bóng ma của mê tín Thần quyền, mà bấy lâu bị ám ảnh lo sợ đeo bám về nỗi sinh tử của kiếp con người.

Trong quy luật sinh tử, lẽ thông thường ở thế gian đều cho rằng, chết là hết, là trắng tay. Với sự sai lầm này, khiến con người luyến ái, sa vào tham lam thụ hưởng sống chỉ chú trọng tâp trung (khai thác) trong một kiếp, mà không có trách nhiệm gì đối với nhân quả luân hồi ở kiếp sau. Từ bản chất cố hữu bám víu không chịu buông xả này, nên khi nói về sự chết con người thường né tránh. Khổng Tử có đến 3000 đệ tử đều là bậc hiền triết, nhưng khi bàn đến chuyện sinh tử, ông nói với học trò: “Việc sống còn chưa hiểu, sao nói đến việc chết”.

Lão Tử, Trang Tử đều là chủ thuyết và là người kế thừa thuyết vô vi. Sinh thời Lão Tử chu du khắp thiên hạ, đọc hết kho sách nhà Chu và cuối đời về ở ẩn bế quan: rào đường, lấp ngõ, không tiếp xúc với ai rồi chết (hóa thân) không ai biết! Trang Tử là môn đệ của Lão Tử cũng theo thuyết này, ông cũng đã “chạm” đến tư tưởng giải thoát như Phật giáo, nhưng còn kẹt sâu vào ngũ uẩn hữu lậu, bởi vậy mà đã than rằng: “Nếu không có cái thân này…” tức còn dính mắc vật chất chưa thấy được cửa giải thoát nên vẫn kẹt bởi vòng xoáy luân hồi của vật lý (âm dương) trong Tam giới.

Như vậy, chúng ta thấy Trang Tử với thuyết (vô vi) xét về mặt tư tưởng cũng cố gắng để siêu thoát khỏi tam giới, nhưng vẫn nằm trong vòng bế tắc bởi còn rính mắc cái thân ngũ uẩn thô trược này qua lời than của ông lúc về già. Nhưng với giáo lý đạo Phật, khi đức Thế Tôn thực chứng Tam minh-Lục thông: Ngài thấy rõ sự tan rã và cấu hợp trở lại của kiếp người trong nhân quả luân hồi, nên đức Thế Tôn nghĩ khác, và dạy: “Thân người khó được, Phật pháp khó gặp”. Nghĩa là thân người có được là quý, nhưng chỉ mượn cái thân này (khéo tu) đề giải thoát lục đạo luân hồi ở thế giới này, để trở thành Chân nhân, Thánh hiền, để có được Pháp thân vô ngại. Vậy từ phàm đến Thánh là cả một lộ trình tu hành đầy gian nan và trí tuệ trải qua (lũy kiếp) mới đạt được mục đích trên, chứ đâu phải do một đấng thần quyền nào ban phát cho mà được.

Qua đây, cho thấy: Nho giáo, Lão giáo còn bị hạn cuộc bởi (học để ra làm quan – nối dõi tông đường với tư tưởng bản ngã theo Đại Hán. Còn thuyết vô vi của Lão giáo “làm mà chẳng phải làm” cũng khác xa với quan điển vô vi Phật giáo, bởi vấn đề (lý khí-phong thủy) soi xét cầu tìm của thuyết này cũng hạn cuộc theo chữ thời (đất có thời người có vận) tất cả đều là mục đích ngắn hạn nằm trong thuyết (âm dương) thành-trụ-hoại-diệt trong Tam giới không đưa đến vấn đề giải thoát rốt rái. Còn chuyện sinh tử, theo tín ngưỡng thần quyền (sinh vui, tử buồn). Cái chết được trộn lẫn với sợ hãi và xui xẻo, nên thường dẫn đến đọa lạc tam đồ (nga quỷ, súc sinh, địa ngục). Trong khi đó, Phật giáo dạy pháp tu “niệm chết” để chống loạn tưởng và thuyết Duyên sinh khẳng định rằng, chết không phải là chấm dứt mọi chuyện mà là sự chuyển sinh đời sống khác, ở một không gian khác, và cảnh giới khác luôn sống động; có điều vui hay buồn, hạnh phúc hoặc khổ đau là do nghiệp chuyển vãng sinh thọ cảnh giới kiếp sau của đối tượng.

Như chúng ta đã biết, Ấn Độ là một trong những nước văn minh thời cổ đại, từng có nhiều triết gia xuất chúng thế nhưng, không phải là không có những chủ thuyết sai lầm và lạc hậu; mà chủ trương tệ hại nhất chính là sự phân biệt chủng tộc và tự tôn giai cấp một cách mù quáng của tu sĩ Bà-la- môm lúc bất giờ. Do đó, sau khi chứng đạt Vô Thượng Chính Giác, đức Phật đã vận dụng trí tuệ siêu tuyệt, vạch trần chủ trương phi lý của họ. Đặc biệt là giai cấp Bà- la- môn độc tôn Thần quyền cho rằng: “Chỉ có Bà La Môn là chủng tộc tối thượng, các chủng tộc khác là thấp hèn; chỉ có Bà La Môn là thanh tịnh, các chủng tộc khác là không thanh tịnh. Các Bà La Môn là con chính thống của Phạm Thiên, do Phạm Thiên sinh ra, được quyền thừa tự Phạm Thiên.” (Trung bộ kinh II,84)

Để phản bác quan điểm sai lầm này, đức Phật tuyên bố: “Này Bà La Môn, nếu tự thể được sinh ra trong chủng tộc Bà La Môn thì người ấy được công nhận là Bà La Môn. Nếu tự thể được sinh ra trong chủng tộc Sát Đế Lợi thì người ấy được công nhận là Sát Đế Lợi. Nếu tựj thể được sinh ra trong chủng tộc Phệ Xá, Thủ Đà, thì người ấy được công nhận là Phệ Xá, Thủ Đà. Này Bà La Môn, cũng như ngọn lửa từ vật gì được đốt lên thì nó được gọi tên tùy theo vật ấy. Ví dụ ngọn lửa được đốt lên từ củi, thì gọi là lửa củi; từ dăm bào thì gọi là lửa dăm bào; từ cỏ thì gọi là lửa cỏ; từ phân bò thì gọi là lửa phân bò. Cũng vậy, này Bà La Môn. Ta nhớ lại những gia tộc xa xưa của mình, chỗ nào tự thể được sinh ra, thì tự thể ấy được công nhận tùy theo gia tộc ấy. Riêng Ta, Ta chủ trương Thánh pháp là sở hữu tối thượng của mỗi người.” (Trung bộ kinh II,181).

Đề cập về phẩm hạnh, trong kinh điển đức Phật cũng nói rõ, sự giác ngộ của con người không lệ thuộc vào giai cấp cao sang hay thấp hèn:

“Này Bà La Môn, ông phải hiểu rằng: Nếu một người Bà La Môn có những hành vi phi pháp, như ăn trộm hoặc giết người, thì nó được gọi là tên trộm cướp, là kẻ sát nhân, và danh xưng Bà La Môn của nó trước kia đã biến mất. Trái lại, nếu một người Thủ Đà học rộng có phẩm chất cao quý, thì thiên hạ gọi người ấy là nhà bác học, là bậc Hiền triết, và danh xưng Thủ Đà của người ấy trước kia nay không còn nữa.” (Trung bộ kinh II, 88).

Trả lại quyền cho con người, và khai phóng tự do giải thoát cho chúng ta đức Phật khẳng định: “Có những người sinh ra trong ánh sáng và đi về phía ánh sáng. Có người sinh ra trong ánh sáng để đi vào bóng tối. Cố người sinh ra trong bóng tối, nhưng đi về phía ánh sáng… Và cuối cùng là có những người sinh ra trong bóng tối, để tiếp tục đi trong bóng tối. Điều đó có nghĩa là dầu ta được sinh ra trong bất cứ hoàn cảnh nào, ta vẫn có nhiều cơ hội để lựa chọn.”

Thực tế cuộc sống mách bảo, dẫu con người giỏi dang nhiều thứ, nhưng trước cái chết con người thường yếu đuối và bàng hoàng. Thầy Trí Quảng trong bài viết: “Suy nghĩ về kiếp người.” cho rằng: Người ta thường nghĩ, kiếp của một con người, từ khi sinh ra cho đến già và chết. Tức là sinh ra để rồi kết thúc bằng cái chết. Nếu kiếp người chỉ đơn giản như vậy, thì thật ra không đáng sống.

Nhưng với đức Phật, thì có suy nghĩ xa hơn và Ngài thấy được phía bên trong của con người có cái gì khác nữa. Sự khác biệt này, được Kinh Hoa Nghiêm diễn tả: Đó là Pháp giới Duyên sinh.

Trong kinh Pháp hoa đức Phật nói rằng: “Ta vì những người nhàm chán sinh, già, bệnh chết, nên nói pháp Niết bàn (giải thoát). Đây là pháp đầu tiên Ta chuyển bánh xe pháp. Đó là Tứ thánh đế. tức bốn chân lý không thay đổi.” (xin tìm hiểu thêm về pháp này).

Từ bốn chân lý này đức Phật mở ra cho chúng ta cuộc sống có ý nghĩa hơn. Đó là hai con đường sống: một là khổ đau (nếu theo ngũ dục); hai là cuộc sống an lạc (theo đạo Phật giữ giới hạnh).

Nếu chọn con đường đi lên, là thiên đường hay Niết sbàn; hoặc chọn con đường đi xuống địa ngục, ngã quỷ là do ta lựa chọn. Đời sống khổ đau hay vui buồn cũng do chính bản thân mình tạo nên. Đây là tư tưởng mới cần cho con người ở mọi thời đại. Tư tưởng này nảy sinh từ đức Phật. Trái ngược với tư tưởng Thần quyền cho rằng, con người khổ đau hay vui sướng đều do thần linh, Thượng đế quyết định (tức Thượng đế toàn năng).

Phủ nhận điều này của Bà la môn giáo, đức Phật dạy rằng: “Con người quyết định chính vận mạng của mình” và chúng ta không giao vận mạng của mình cho người mà mình không quen biết.

Để minh họa điều này, chúng ta hãy nghe một đối thoại nhỏ, nói về tư tưởng độc tôn Thần quyền thiếu chính kiến và tư duy của Bà La Môn giáo với Đức Phật được ghi trong kinh điển dưới đây:

“Đức Phật hỏi Bà La Môn:

Ông có biết hay thấy Thượng đế hay không. Ông ta trả lời không thấy, cũng không biết Thượng đế.

Và đức Phật lại hỏi:

– Sao ông tin Thượng đế. Ông nói: tại vì cha của con, ông của con, Tổ tiên của con nói có Thượng đế
.
Bấy giờ Phật dạy rằng:

“Đừng tin những gì được nhiều người trước ta tin. Muốn tin phải kiểm chứng, coi điều ta tin có hợp lý không. Nếu không hợp lý ta không tin. Và thấy hợp lý rồi cũng phải kiểm chứng.” Để có chính tín, ngay cả những lời đức Phật dạy, Ngài cũng khuyên chúng ta cần phải kiểm chứng, rồi hãy làm theo. Như vậy, con người cần phải trau giồi trí tuệ mới giác ngộ được giáo lý đạo Phật.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Giac ngo giai thoat 1

4. Giác ngộ – giải thoát

Đức Phật ra đời để giúp con người duy nhất một điều, đó là Giác ngộ và Giải thoát.

Giác ngộ, tức hiểu biết sự thật nơi thế giới này,

Giải thoát, tức vượt khỏi sức cuốn hút vật lý của tam giới, theo khoa học ngày nay (tam giới là một Thái dương hệ) để con người không còn chịu quy luật luân hồi: sinh, lão, bệnh, tử.

Với Chính biến tri đức Phật luôn sống trong trí tuệ thấy biết mọi sự vật hiện tượng đúng như thật. Do Ngài đã trải qua quá trình tu tập chuyển hóa trong tâm, loại bỏ phiền não tham, sân, si chiến thắng được những dục vọng của tự thân, đưa đến phát minh trí tuệ và chứng ngộ chân lý.

Ngài có nói “Chiến thắng vạn quân binh không bằng tự mình thắng mình, tự thắng mình mới là chiến công oanh liệt”.

Từ kinh nghiệm của mình, đức Phật thấy con người có khả năng thành tựu trí tuệ, chứng ngộ chân lý và là chủ nhân của chính mình, hoàn toàn không phụ thuộc vào ân huệ của một quyền năng siêu nhiên nào bên ngoài. Chính nơi con người tiềm ẩn một năng lực phát triển vô hạn, đó là nguồn sống bao la của vũ trụ, sở dĩ chúng ta chưa trực nhận và triển khai được trí tuệ như Ngài chỉ vì chúng ta còn bị vô minh che khuất.

Với thời đức Phât Thích Ca Mâu Ni xuất hiện tại Ấn Độ. Các đạo sĩ thường bàn luận về câu hỏi: Thế nào là một vị Phật? Ai là người giác ngộ? Một hôm, có một vị đạo sĩ già, tên là Brahmayu, nghe tin có Ngài ẩn sĩ Cồ Đàm là một vị Phật, vừa du hành đến thị trấn của ông ta, nên ông quyết định đến thăm ngài (tức Phật Thích Ca).

Vị đạo sĩ Brahmayu nói: “Tôi có vài thắc mắc hỏi Ngài”.

Đức Phật mời ông nêu ra những thắc mắc trong lòng.

Vị đạo sĩ nêu ra những câu hỏi qua một bài kệ bốn câu đại ý chính là:

Làm thế nào để được gọi là Phật, một bậc Giác ngộ?

Đức Phật trả lời qua bốn câu kệ sau:

“Những gì cần biết rõ, Ta đã biết rõ.
Những gì cần từ bỏ, Ta đã từ bỏ.
Những gì cần tu tập, Ta đã tu tập.
Do vậy, này vị đạo sĩ, Ta là Phật.”
(Trích Trung Bộ kinh 91)

Nếu ngày nào đó có người nào hỏi : Bạn quy y Tam bảo chính yếu là để làm gì ? Bạn giữ giới để làm gì ? Bạn hành thiền để là gì ? “Thì câu trả lời của Phật nêu trên sẽ giúp chúng ta trả lời: “Để biết rõ những gì cần biết rõ. Để loại bỏ những gì cần loại bỏ. Để tu tập những gì cần tu tập”.

Như vậy, thuật ngữ Phật giáo chữ Giác ngộ chỉ sự uẩn áo uyên sâu hơn rất nhiều so với giác ngộ theo ngôn ngữ thế trí. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta cực đoan, mà thực chất là để hiểu thực trạng cấp độ ngôn ngữ nội hàm cần chuyển tải trước một vấn đề nào đó được phản ánh. Đơn cử như, theo từ điển tiếng Việt phổ thông (Nxb-Khoa học xã hội-1963.tr 383). Hai từ Giác ngộ có nghĩa là “Hiểu biết được sai lầm của mình về mặt chính trị và thuận theo con đường cách mạng”. Còn theo từ điển Hán Việt, Giác ngộ chỉ sự hiểu biết của con người nói chung. Nhưng với Phật học từ điển của Đoàn Trung Còn (Nxb.Tp HCM.2006- tr585QI) thì giải rõ : Giác : nghĩa là có sự cảm xúc phân biệt được nên gọi là giác, đó là cảm giác, giác tri ; tự mình biết trước, rồi nói cho người ta biết sau, dạy bảo cho kẻ hậu sinh tiến bộ như : tiên tri giác hậu tri. Bậc hiền trí cũng xưng là giác, sự giác ngộ một cách sáng suốt không lầm lẫn. Chữ Phạn kêu là Bồ đề (Bodhi) Phật, Phật đà. Chữ Hán cũng kêu là Đạo. Trái với mê. Bậc đắc đạo trở nên sáng suốt – gọi là giác. Hạng tăm tối kêu là lầm lạc. Giác có hai mối: 1/Giác sát, tỉnh ngộ thấy ra những điều quấy ác mà dứt. 2/ Giác ngộ, khai ngộ chân lý mà theo. Vậy Giác ngộ theo Phật học từ điển nội hàm là, Hội được chân lý, mở mang chân trí. Về giác ngộ có nhiều trình độ. Như kẻ phàm phu tỉnh ra nhận rằng bản thân này là cội khổ, đời mình là khổ, bèn tinh tấn tu hành phép tại gia hoặc xuất gia, đó là giác ngộ. Và đức Phật, thành đạo nơi cội Bồ-đề, lên bậc Chính đẳng Chính giác cũng là Giác ngộ, tức Đại-giác đại ngộ”.
Vậy hai từ Giác ngộ trong Phật giáo được hiểu như một quá trình tu hành gian khổ và thâm áo mới đạt được, chứ không phải nhìn nhận và hiểu cạn cợt như thế trí.

Điều này, trong kinh Thủ Lăng Nghiêm có nói về “Tính Nghe” được xác tín về sự giác ngộ như dưới đây:

“-Khi có tiếng, “tính nghe”, nghe có tiếng.

-Khi tiếng nghe qua rồi, “tính nghe” nghe không tiếng

(có nghĩa là nghe không chồng nghe, thấy không chồng thấy; tâm không đuổi theo vật, cảnh (thanh tịnh hằng tri).

Thấy được điều này, tức Giác ngộ!

Còn nói về Phật tính chân thật:

“Cái Thanh tịnh hằng tri mà hằng sinh muôn pháp, ai cảm nhận ra được Thanh tịnh của chính mình là phải. Còn nghe nói thanh tịnh mà chưa cảm nhận được là không phải.

Nếu bất ngờ, tự nhiên nghe thân mình dường như đã mất, còn tâm tự nhiên rỗng rang, hằng tri. Đây là “chạm” đến sự giác ngộ Phật tính”.

Có người lại hỏi: Tâm thanh tịnh của chính mình làm sao nhận ra?

Điều này, trong giác ngộ “Yếu chỉ thiền tông”, Các thiền gia tu theo pháp môn Như lai thanh tịnh thiền thì cho rằng: Chúng ta cứ để tâm thanh tịnh, đừng dụng công hay làm bất cứ thứ gì, để “nó” tự thanh tịnh, rỗng lặng, nhưng phải hằng tri, nếu chúng ta tập được như vậy thuần thục, tự nhiên tâm chân thật sẽ hiện ra. Nhớ đừng dụng công tìm, tự nó hiện ra là phải. (tức là đúng)

Vậy trong nhà Phật có câu: “Tâm mình tịnh, tức Tịnh độ”

Nói về tính Thấy, trong giác ngộ “Yếu chỉ thiền tông” các thiền gia cũng cho rằng:

“Tính thấy tự nhiên, sáng suốt, thanh tịnh, rỗng lặng, hằng tri là tính Thấy của Phật tính. Còn tính thấy chồng thêm cái hiểu biết lặt vặt, phân tích của trần gian là tính thấy của Nghiệp, nên bị luân hồi”.

Như vậy, Tính Thấy chân thật của Phật Tính, không ai biết được, chỉ có tự mình cảm nhận được, đó là phải.

Đề cập về cách tu thiền quán của những vị thánh tu trong kinh Thủ Lăng Nghiêm. Các thiền gia tu theo dòng thanh tịnh thiền tông cũng cho rằng: không “Tưởng”, không “Quán”, không “Kiếm”, không “Tìm”; “Thôi, dứt, cầu, tìm”. Ta chỉ sống với người nhất tâm hằng tu. Chính người này là người thật mà trong kinh Tứ Thập Nhị Chương đức Phật đã dạy. Người đó, chính là đạo nhân vô tu vô chứng. Nếu hằng tri với Tính chân thật ấy, Bất giác nghe thân, tâm mình dường như không có, liền khi đó tính thanh tịnh Phật tính hiển lộ. Đó là Giác ngộ.

Nói về Thiền nhập thế, hay còn gọi là Như Lai thanh tịnh thiền, chúng ta cũng thấy Sơ Tổ Trúc lâm Trần Nhân Tông, Ngài sáng lập dòng thiền này có 2 câu kệ nổi tiếng:

“Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.”

Sơ Tổ dạy như vậy, qua hai câu kệ trên ta nhận ra ngay đó là dòng thiền Thanh tịnh nhập thế hay còn gọi là (thiền tối thượng thưa) mà Như Lai dạy vào 4 năm cuối. Song, để hiểu được dòng thiền này không phải chỉ nghĩ một cách đơn giản mà có thể nắm được yếu chỉ của nó. Theo các nhà nghiên cứu đạo Phật, thì đây chính là dòng thiền “Biện tâm”.

Vậy biện tâm là như thế nào ? (phạm vi nội hàm của nó rất sâu rộng) Ở đây chúng ta chỉ cần hiểu khái lược: đạo Phật là đạo trí tuệ, mà “biện tâm” có nghĩa là người tu phải có kiến thức trí tuệ (nội ngoại điển) tức kiến thức thế gian và Phật học căn bản. Có kiến thức và hiểu như vậy, mới khái quát nắm được sự thật nơi trái đất này, cũng như trong một tam giới như thế nào, và hơn nữa là phân biệt được tính người và tính Phật ; hiểu thế nào là công đức, phước đức và dùng để làm gì. Giác ngộ có nghĩa là biết tu thế nào để giải thoát, tu sao còn luân hội. Nếu không có kiến thức tối thiểu để hiểu và nắm rõ dòng thiền nhập thế như đã nêu trên; mà cứ đè nén tâm tu theo kiều thiền dụng công, thì theo đức Phật dạy người tu cứ ngồi đấy cả trăm năm cũng không giác ngộ, chứ chưa nói gì đến giải thoát.

Vậy quá trình tu hành đức Phật và các Tổ thầy thường dạy, trong con người ta có hai tính cần phải hiểu cho rõ, đó là tính người và tính Phật:

1. Tính Người: Là luôn tưởng tượng, suy nghĩ mênh mông, vì là suy nghĩ nên phải đi theo chiều: (thành, trụ, hoại, diệt); sở dĩ loài người không sống được với Phật tính của chính mình là bởi 16 thứ của tính người bao phủ (vô minh) từ lũy kiếp che lấp, đó là: thọ, tưởng, hành, thức, tài, sắc, danh, thực, thùy, tham, sân, si, mạn, nghi, ác, kiến; trong đó, có 5 món triền phược chi phối được coi là cản trở nhất đó là (vọng tưởng, ác, tham, sân, si) nên đã thúc đẩy tính người tạo ra hai loại nghiệp:

Một: Nghiệp thiện.
Hai: Nghiệp ác.

Hai loại này dẫn loài người đi trong lục đạo luân hồi.

2. Tính Phật: Là bao trùm tự nhiên thanh tịnh rỗng lặng và hằng tri, luôn ở trong thanh tịnh, vì là thanh tịnh nên không bị luôn hồi.

Theo pháp môn Thanh tịnh thiền: “Khi tâm vật lý tự nhiên thanh tịnh thì những thứ vọng tưởng nó không phát ra làn sóng điện từ âm dương trong thân người, vì không rung động làn sóng âm dương này, nên thân người không bị kéo cái Tưởng suy nghĩ đi được. Vì vậy, ai tập thuần thục được rồi, tự nhiên cái ý trong tính Phật hiện ra, ai sống được với tính Phật của chính mình thì tính người nó sẽ ẩn, nghĩa là người vẫn hiện hữu (nhưng chúng ta không sử dụng nó) nên tính Phật thường hằng. Đó là thiền chính niệm dung hợp với mọi hoàn cảnh: đi, đứng, nằm, ngồi…”

Vậy muốn giải thoát:

Nghĩa là đừng dính mắc bất cứ thứ gì nơi trái đất này, đức Phật gọi là vô trụ với vật chất. Vô trụ ở đây không phải là từ bỏ, mà con người sống nơi trái đất này phải tuân theo quy luật vật lý của trái đất. Nhưng trong tâm luôn thường trực với “bất giác vô minh” với những điều xấu ác đem lại. Như vậy, Tính Phật: NÓI – NGHE – THẤY – BIẾT (trong thanh tịnh) luôn hằng hữu. Nhờ vậy, mà giác ngộ-gải thoát.

Cốt tủy của đạo Phật là dạy con người Giác ngộ và giải thoát!

1. Giác ngộ: Hiểu biết rõ ràng từ con người, vạn vật, trái đất, tam giới, Phật giới và quy luật luân hồi nhân quả.

2. Giải thoát: Biết con đường thoát ra ngoài quy luật nhân quả luân hồi của trái đất này để trở về Phật giới.

Giáo lý, kinh điển đức Phật dạy giác ngộ giải thoát với nhiều pháp môn, trải dài qua từng thời kỳ (Tiểu thừa, Trung thừa, Đại thừa). Có giác ngộ giải thoát Phật dạy thành tựu trong tam giới, có giác ngộ giải thoát rốt ráo toàn triệt để về Phật giới. Dẫu là giác ngộ giải thoát hoàn cảnh (ngắn hạn) hay giải thoát thành tựu trong tam giới, nhưng giáo lý Ngài dạy mục đích đều đưa đến Hạnh phúc an lành. Đó là bản hoài từ bi của chư Phật, Bồ tát cứu độ chúng sinh và muôn loài thoát khỏi khổ đau. Mục đích của giáo dục Phật giáo là đạt đến trí huệ cứu cánh hay trí tuệ chân thật, giúp con người thoát khỏi phiền não khổ đau, mục đích tối hậu của đời sống. Trí tuệ của Phật giáo là dạy cái biết về bản chất, về ý nghĩa chân thật của đời sống con người và vũ trụ. Nội dung của cái biết đó là nhận rõ tính chất vô thường và duyên khởi của tất cả hiện tượng… Với Phật giáo, khổ là vì không hiểu biết. Muốn thoát khổ thì phải có trí huệ. Khổ bớt dần với hiểu biết tăng lên. Và khi cái biết đạt đến chỗ toàn triệt thì khổ đau cũng hoàn toàn chấm dứt. Cũng như thế, khi chúng ta khám phá được tiến trình nhân quả- luân hồi thì sẽ thấy mình thênh thang trước chuyện sinh tử và sống thênh thang cùng hiện tại.

Như vậy, học Phật pháp không hề cản trở việc học tập ở thế gian; kiến thức Phật pháp cũng không đối lập với kiến thức thế gian. Duy chỉ có khác biệt là Phật dạy chúng ta nên nhìn thẳng vào nỗi khổ đau của con người, để chuyển hóa nó trở thành hạnh phúc đích thực. “Duy tuệ thị nghiệp”. Đó là lời Phật dạy chúng ta trên con đường tìm về chân lý giải thoát khổ đau.

Cư sĩ Nguyễn Đức Sinh
Hội Văn học Nghệ thuật Tp.Uông Bí – Quảng Ninh
Đản sinh PL.2566 – DL.2022

***
Tài liệu tham khảo:

– Kinh Trung bộ, kinh Tứ thập nhị chương, kinh Thủ lăng nghiêm.
– Hành trình về Phương Đông. Nguyên tác: SPALDING. Nguyên Phong dịch.
– Bài: Khoa học hiện đại hướng đến Phật giáo. Cư sĩ Truyền Bình báo Điện tử (PGVN)
Bài: Đối chiếu Khoa học và Phật giáo. Tác giả Truyền Bình (báo biện tử Đạo Phật ngày nay).
– Tâm và Pháp- Cư sĩ Truyền Bình (tạp chí Nghiên cứu Phật học-số 1-2017.
– Sự bất tử của tâm thức và cơ học lượng tử. Kỷ Tiểu Minh-Dịch giả Việt Nguyên (PGVN)
– Trang Tử. Thu Giang- Vũ Duy Cần. Nxb-Tp- HCM- 1992.
– Từ điển Nho Phật Đạo. Lao Tử -Thịnh Lê biên soạn- Nxb- Văn học-2001) và một số tài liệu liên quan khác.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường