Đã hơn hai ngàn năm từ khi Phật giáo được truyền bá vào các nước Đông phương từ đầu kỷ nguyên Tây lịch, cho đến nay Phật giáo đã trải qua bao thăng trầm cùng với sự hưng vong của mỗi nước. Phật giáo truyền vào Trung Quốc khoảng năm 67 Tây lịch, lần hồi cắm rễ sâu và phát triển chiếm vị trí ưu thế hơn cả các tôn giáo bản địa như Nho giáo, Lão giáo... Kể từ khi du nhập, Phật giáo Trung Quốc phát triển đạt đến cực thịnh ở hai thời nhà Tùy, nhà Đường với nhiều bậc danh tăng lỗi lạc xuất hiện, nhiều công trình phiên dịch Kinh điển đồ sộ, trước tác vô số tác phẩm nổi tiếng. Các tông phái Phật giáo như Thiên Thai Tông, Hoa Nghiêm Tông, Thiền Tông, Luật Tông, Tịnh Độ Tông... đều được hình thành ngay trong giai đoạn này. Phật giáo Trung Quốc phát triển và có ảnh hưởng đến Phật giáo của những nước như Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên, Mông Cổ... về triết lý, tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc... Nghiên cứu về “Những đặc điểm Phật giáo Trung Quốc giai đoạn phát triển” thời Tùy, Đường là một đề tài hấp dẫn, giúp chúng ta có cái nhìn rõ hơn về đời sống tâm linh Phật giáo trong thời kỳ hoàng kim nhất của lịch sử Trung Quốc.

1. Điều kiện thuận lợi về chính trị - xã hội và các vị Vua bảo trợ trong thời kỳ Phật giáo phát triển thời Tùy - Đường

1.1 Phật giáo thời nhà Tùy

Năm 581, Dương Kiên buộc vua Bắc Chu nhường ngôi lập nên nhà Tùy. Tuy rằng vận mệnh nhà Tùy rất ngắn, chỉ kéo dài được qua hai đời vua (581-618), nhưng những cuộc cải cách về văn hóa xã hội - chính trị của các vị vua đương thời đã củng cố được nền thống trị mới, xúc tiến nền kinh tế phát triển. Năm 589, sau khi thâu tóm được triều Trần, nhà Tùy đã thống nhất được Trung Quốc.

Tùy Văn Đế ủng hộ Phật giáo bằng những việc làm như: Phát Xá Lợi đến các Châu huyện để xây tháp thờ, số lượng tháp thờ Xá Lợi lên đến 111 ngôi. Không những một mình vua ủng hộ Phật pháp mà ông còn khuyên người dân cùng ông hộ trì Phật pháp.

Nhờ những điều kiện hết sức thuận lợi nên các cơ sở thờ tự được xây dựng khắp nơi đến hơn 3.900 ngôi, đúc được 110.000 tượng Phật và Bồ Tát, số lượng tăng chúng xuất gia ngày một nhiều, hơn 236.000 vị. Các vị danh tăng lỗi lạc có học đức thời bấy giờ phải kể đến như: Tăng Kiệt, Tăng Côn, Huệ Viễn, Huệ Tạng, Đàm Diên, Tăng Hưu, Pháp Ngạn, Bảo Tập, Trí Ẩn, Huệ Thiên... biên chép và tu bổ kinh cũ được 658 tạng.[1] Các tông phái lần lượt ra đời và phát triển thịnh hành như Thiên Thai Tông, Tam Giai Giáo (Phả Pháp Tông), và Tân Tam Luận Tông đã đặt nền móng cho Phật giáo đời Đường ngày càng phát triển.

1.2 Phật giáo thời nhà Đường

Nghiên cứu lịch sử Trung Quốc không thể không nghiên cứu đến giai đoạn lịch sử thời đại nhà Đường. Đây là giai đoạn hoàng kim nhất của lịch sử Trung Hoa (618-907).

Vì xã hội chính trị phát triển ổn định nên tôn giáo theo đà đó cũng phát triển không kém. Nhiều tôn giáo mới như Hồi giáo, Ma Ni giáo... được du nhập qua con đường tơ lụa.

Phật giáo nhà Đường mang một màu sắc đặc thù riêng biệt khác hẳn Phật giáo các triều đại trước đó. Vua Đường Thái Tông trong những năm mới lên ngôi tự nhận mình là tín đồ của Lão giáo nhưng vẫn bình đẳng không chèn ép Phật giáo, không bắt buộc thần dân phải tín ngưỡng theo tôn giáo của mình mà để mọi người tự do tín ngưỡng. Nhà vua vẫn cho xây dựng các ngôi tháp và chùa tại những nơi chiến trận đã diễn ra để tưởng niệm các vị chiến sĩ tử trận, những buổi lễ cầu nguyện cho mùa màng được bội thu vẫn mời các tăng sĩ Phật giáo tham dự. Đến khi được gặp gỡ và đàm đạo với Ngài Huyền Trang, vua mới bắt đầu thay đổi cách nhìn về Phật giáo. Ông cho rằng “Khổng và Lão không thể so sánh với đạo Phật”[2], và phát nguyện sẽ đem hết sức mình hộ trì Phật pháp.

Hết đời vua Thái Tông, vua Cao Tông và triều đình tiếp tục kế thừa ủng hộ Phật giáo, bảo trợ cho Ngài Đạo Thế biên soạn hoàn tất bộ Bách Khoa Phật Giáo “Pháp Uyển Châu Lâm” gồm 100 chương, cho đến ngày nay bộ bách khoa này vẫn luôn được các nhà nghiên cứu đánh giá cao và là nguồn tài liệu quan trọng hàng đầu cho việc nghiên cứu Phật giáo.

Trong lịch sử Trung Hoa từ thời sơ khai cho đến hiện đại chỉ duy nhất một người phụ nữ nhiếp chính rồi tự phong đế đó chính là Võ Hậu, bà lấy hiệu là Võ Tắc Thiên.

Võ Tắc Thiên là vị đế vương hết lòng hộ trì Phật giáo, luôn đề cao Phật giáo hơn các đạo khác, đã làm nhiều việc tác động đến sự phát triển của Phật giáo Trung Hoa. Bà tự xưng mình là “Từ Thị Việt cổ Kim Luân Thánh Hoàng đế”, ban chiếu lệnh các châu trong cả nước phải kiến lập chùa Đại Vân Kinh, là người duy nhất vô tiền khoáng hậu đưa khái niệm Thất bảo[3] của một vị Chuyển Luân Thánh Vương trong nhà Phật làm nghi trượng bày trước điện triều. Xây dựng nhiều cơ sở thờ tự, tạc tượng Phật... đặc biệt là tượng Phật Đại Nhật tại chùa Phụng Tiên được điêu khắc theo khuôn mặt của Võ Tắc Thiên đến nay vẫn tồn tại và trở thành một trong những vùng thánh tích của Phật giáo Trung Hoa thời hiện đại.

Năm 680, Võ Hậu đã xuống chiếu cho vị tăng sĩ Ấn Độ là Divakara cùng với sự phụ tá của hơn mười vị tăng sĩ Trung Hoa dịch kinh điển Phật giáo. Cho đến khi viên tịch Divakara và những vị phụ tá đã dịch được 18 tác phẩm bao gồm cả bộ Đại Phương Quảng Đại Trang Nghiêm Kinh, một bản văn Đại thừa ghi lại cuộc đời đức Phật.

Năm 691, Bà giải quyết cuộc tranh luận kéo dài cả thế kỷ bằng cách nâng vị thế của Tăng sĩ Phật giáo lên trên các Đạo sĩ. Từ năm 692 đến năm 700, bà cấm giết mổ động vật và đánh bắt cá, thời điểm đó bà là người chuyển đất nước Trung Hoa thành một vương quốc ăn chay. Năm 695, bà chào đón ngài Nghĩa Tịnh trở về từ đất nước Ấn Độ. Cung thỉnh vị cao tăng Ấn Độ Thật Xoa Nan Đà dịch bộ kinh Hoa Nghiêm, bà cũng đã cung thỉnh các vị thiền sư như Huệ An, Thần Tú, Trí Can, Hằng Tịnh... vào cung thuyết pháp rất nhiều hội mà không phân biệt các tông phái khác nhau của Phật giáo bấy giờ.

Là một nữ Đế vương luôn đặt việc chăm lo triều chính, trọng dụng nhân tài, an sinh xã hội… lên hàng đầu. Là một người phụ nữ can đảm đầy dũng khí khi dám đòi bình quyền cho nữ giới giữa một xã hội phong kiến hà khắc. Là một phật tử tin sùng Phật giáo, am tường giáo nghĩa, bảo trợ cho Phật giáo phát triển... vậy mà lịch sử ghép tội bà là một người ác độc, tàn bạo, chuyên quyền, độc đoán, hoang dâm vô độ? Điều này phải xem xét đánh giá lại lịch sử thật sự có ghi chép đúng hay có sự xen tạp của quan điểm chủ quan tiêu cực cá nhân trong công việc biên chép từng dữ liệu lịch sử?

2. Một số cao tăng nổi bật của Phật giáo Trung Quốc thời kỳ phát triển

Nhờ những điều kiện thuận lợi về xã hội nên các vị tăng sĩ Phật giáo Trung Hoa thời kỳ này xuất hiện khá nhiều.

2.1 Cát Tạng

Vị Tổ khai sáng Tam Luận Tông chính là Ngài Cưu Ma La Thập. Tông này lấy ba bộ luận là Trung quán luận, Thập nhị môn luận và Bách Luận làm tông chỉ. Khi truyền vào Trung Hoa, đến đời ngài Cát Tạng thì được chấn hưng mạnh mẽ.

Cát Tạng vốn là người gốc An Tức nhưng tổ tiên Ngài vì lánh nạn nên đã di cư đến sống tại đất Giao Quảng, sau lại dời đến Kim Lăng rồi sinh Ngài vào năm 549. Thuở nhỏ thường theo phụ thân đến diện kiến ngài Chân Đế. Đến năm 7 tuổi thì xuất gia. Với bẩm tính thông minh, thông tuệ hơn người, sở học uyên bác được sự tôn kính của vua quan và đông đảo người dân, số lượng người theo Ngài học đạo lên đến hàng vạn. Đầu năm Đại Nghiệp của Tùy Dạng Đế, Ngài hoàn thành bộ chú sớ Tam Luận và sáng lập Tam Luận Tông. Sự nghiệp trước tác của Ngài có hơn hai mươi bộ gồm: Tam Luận Huyền Nghĩa, Trung Luận sớ, Bách Luận sớ, Thập Nhị Luận sớ... Vì sự đóng góp của Ngài cho sự phát triển của Phật giáo Trung Quốc quá lớn nên hậu thế xếp Ngài vào một trong mười vị Đại sư đời Hậu Tùy (618-626).

2.2 Huyền Trang (596-664)

Đường Huyền Trang cũng thường được gọi là Đường Tam Tạng hay Đường Tăng, là một cao tăng Trung Quốc xuất hiện giữa thời Tùy và Đường, một trong bốn dịch giả lớn nhất, chuyên dịch kinh sách Phạn ngữ ra tiếng Hán. Ngài cũng là người sáng lập Pháp tướng tông (zh. fǎxiàngzōng 法相宗), một dạng của Duy thức tông (zh. 唯識宗, sa. yogācāra, vijñānavāda) tại Trung Quốc. Vì tinh thông Kinh điển Phật giáo nên Ngài còn mang danh hiệu là Tam Tạng (pháp sư), là người tinh thông cả Tam tạng. Ngài là người nổi bật nhất trong phong trào nhập Trúc cầu Pháp của lịch sử Phật giáo Trung Hoa.

Huyền Trang thế phát xuất gia vào năm 13 tuổi. Vào cuối triều Tùy, thiên hạ loạn lạc, Ngài theo anh của mình là Trường Tiệp, cũng là một nhà sư khá nổi tiếng đi lánh nạn tại Thạnh Đồ và ở đến năm 22 tuổi Ngài thọ Cụ túc. Sau đó Huyền Trang đi vân du các tỉnh thành trong nước để cầu học với các vị đại sư nổi tiếng đương thời, rồi sau đó đến Trường An.

Vì sở học uyên thâm, Huyền Trang nhận thấy nền giáo lý của Phật giáo Trung Hoa thời bấy giờ quá rối ren hỗn loạn do có nhiều tông phái liên tục xuất hiện xiển dương giáo nghĩa của tông phái mình, nền Phật học không theo một hệ thống nào cả. Đây là một nhu cầu cấp bách của Phật giáo Trung Hoa bấy giờ. Khi Huyền Trang được chỉ điểm bởi Chân đế qua tác phẩm Du Già. Tuy nhiên theo “Kinh Lục” cho rằng tác phẩm “Thập Thất Địa Luận” của Chân Đế dịch chỉ có 5 quyển, tương đương với phần “Ngũ thức thân tương ưng địa và ý địa” trong Du Già Sư Địa Luận, không phải bản dịch đầy đủ, nên không thể tìm thấy điểm trọng yếu của “Du Già Luận”.[4] Đây là động cơ chính để Huyền Trang nghĩ đến việc nối tiếp theo ngài Pháp Hiển đã làm cách Ngài khoảng 2 thế kỷ trước: “nhập Trúc cầu Pháp”, trực tiếp học Du Già để làm rõ những học thuyết khác nhau đang lưu truyền. Ngài khởi hành với ba mục đính chính: Chiêm bái Phật địa, Nghiên cứu Phật lý và Sưu tầm kinh điển.

Cuộc Tây du của Huyền Trang kéo dài đến 17 năm, Huyền Trang hoàn thành cuộc Tây du học tập và nghiên cứu của mình rồi trở về Trung Hoa ngày 24 tháng Giêng năm Trinh Quán thứ 19 (645). Người dân đổ ra đón rước Ngài đông nghẹt kín đường. Ngài đem về Trung Hoa gồm 150 viên Xá Lợi Phật và rất nhiều tượng Phật bằng các chất liệu quý giá.

Về Kinh điển, Ngài mang về 224 bộ kinh Đại thừa, 192 bộ luận Đại thừa, 15 bản của phái Thượng tọa, 15 bản của phái Đại chúng, 15 bản của phái Chánh lượng, 22 bản của phái Di Sa Tắc, 17 bản của hái Ca Diếp Tỉ La, 42 bản của phái Pháp mật, 67 bản của phái Nhất thiết hữu, 36 bộ Nhân Minh luận, 13 bộ Thanh Minh luận, tổng cộng 520 hòm có 675 cuốn.[5]

Từ đây, Ngài dốc toàn bộ tâm tư và sức lực cho sự nghiệp phiên dịch kinh điển và truyền bá tư tưởng[6] trong suốt quãng đời còn lại của mình.

Trong 19 năm tâm huyết với công trình phiên dịch kinh điển, hội đồng phiên dịch dưới sự chủ tọa của Ngài Huyền Trang là một tổ chức hoàn bị đã dịch được tổng cộng 75 bộ, hơn 1.300 quyển. Số lượng này vượt trội hơn 600 quyển đối với cả ba nhà dịch Kinh nổi tiếng La Thập, Chân Đế và Bất Không.

Từ năm Trinh Quán 19 đến năm thứ nhất niên hiệu Vĩnh Huy Ngài dịch các bộ kinh quan trọng: Đại Bát Nhã Ba La Mật kinh (gồm 600 quyển); Năng đoạn Kinh Cang Bát Nhã Ba La Mật kinh; Bát Nhã Ba la Mật Đa Tâm Kinh; Đại Bồ tát tạng kinh; Đại thừa đại tập Địa tạng thập luận kinh; Phân biệt duyên khởi sơ thắng pháp môn kinh; Thuyết Vô Cấu Xưng kinh; Dược sư Lưu Ly Quang Như Lai bản nguyện công đức kinh; Giải thâm mật kinh; Xưng tán đại thừa công đức kinh; Duyên khởi thánh đạo kinh, ...

Về luận thì tiêu biểu là các bộ: Du Già sư địa luận (100 quyển); Nhiếp đại thừa luận thích; Quán sở duyên duyên luận; Đại thừa ngũ uẩn luận; Hiển dương thánh giáo luận; Đại thừa A tỳ đạt ma tạp tập luận; Thành duy thức luận; Du Già sư địa luận thích; Hiển dương thánh giáo luận tụng; Đại thừa bách pháp minh môn luận; Duy thức thành nghiệp luận; Duy thức tam thập luận; Nhân minh nhập chánh lý luận; Đại thừa chưởng trân luận; Duy thức nhị thập luận; Biện trung biên luận; Biện trung biên luận tụng; Nhiếp đại thừa luận bổn; ...

Về luật thì có: Bồ tát giới yết ma; Bồ tát giới bổn

Ngoài ra còn có một số bộ kinh thuộc Tịnh độ, Mật tông.

Năm 664, Ngài được thỉnh dịch bộ Đại Bảo Tích nhưng vì tuổi già sức yếu, bộ kinh này lại khá đồ sộ nên Ngài không kham nổi. Từ đây Ngài dừng lại công việc dịch thuật và chỉ chuyên tâm và thiền định tu tập.

Công trình phiên dịch của Ngài được tiến triển thuận lợi trong đó có nhờ sự hỗ trợ đắc lực của triều đình, nhà vua đặc biệt quan tâm. Ngài xin triều đình cung cấp nhân lực phụ tá và đã được vua ban chiếu chấp thuận:“Việc phiên dịch kinh luận của pháp sư Huyền Trang là một công trình mới mẻ, bản dịch cần được trau chuốt thật hoàn hảo về từ lẫn ý. Nay Trẫm chỉ định cho các quan sau đây phải giúp đỡ việc phiên dịch ấy và nhuận sắc nếu cần: Quan tả bộc Yên quốc công Vu Chí Ninh, quan trung thư lệnh kiêm kiểm giáo lại bộ thượng thư Nam Dương huyện Khai quốc nam Hứa Kính Tông, quan thứ lang Khai quốc nam Tiết Nguyên Siêu, quan Thị Lang khai quốc nam Lý Nghĩa Phủ và trung thư thị lang Đỗ Chính Luân. Nếu cần thêm học giả, có thể phái thêm vài người nữa”.[7]

Cả cuộc đời dành cho đạo pháp, Ngài đã để lại cho Phật giáo Trung Hoa nói riêng và Phật giáo trên toàn thế giới nói chung một kho tàng pháp bảo quý giá, thành lập Pháp tướng tôn và Câu xá tôn để xiển dương Phật giáo Đại thừa. Cuộc đời Ngài là hiện thân của chí nguyện cao tột, cả cuộc đời Ngài luôn chí nguyện vươn lên mà không hề lui sụt. Từ con đường nhập trúc cầu pháp đầy khó khăn gian khổ hiểm trở chông gai, tai họa rình rập từng phút giây, có những lúc cận kề cái chết nhưng với tinh thần bất thối chuyển kiên cường thách thức với thần chết của Ngài: “Ta thà đi sang phương Tây mà chết còn hơn là quay về hướng Đông mà sống”, cho đến khi hoàn thành cuộc hành trình học đạo trở về, Ngài không dừng lại ở đó mà vẫn tiếp tục nỗ lực tinh tấn không bỏ phí một thời khắc nào, chuyên tâm nhất ý cho sự nghiệp phiên dịch kinh điển.

2.3 Nghĩa Tịnh (635-713)

Nếu trước đây Pháp Hiển và Huyền Trang nhập trúc cầu pháp bằng đường bộ vượt qua bao sa mạc nghìn trùng, đồi núi cheo leo thì ngài Nghĩa Tịnh là người đầu tiên theo phong trào nhập trúc cầu pháp bằng đường thủy đối mặt với từng cơn bão tố, sóng gió hãi hùng.

Năm 671, Ngài đi bằng đường thủy từ Quảng Ðông, cho đến năm 673, Ngài đến vùng Calcutta, sau đó lưu trú tại Ðại học Na Lan Ðà 10 năm. Năm 685, Ngài trên đường trở lại Trung Hoa cũng bằng đường biển, cho đến năm 695 mới về đến cố quốc mang theo 400 Kinh sách các loại. Trên đường về Ngài có ghé lại đảo Sumatra và trước tác 2 quyển Kiến Văn Kục. Sự nghiệp phiên dịch của Ngài Nghĩa Tịnh được 60 bộ cộng tất cả là 230 quyển.

KẾT LUẬN

Qua hơn 2500 phát triển Phật giáo chảy dài khắp các quốc gia châu lục, Phật giáo ngày nay đã trở thành đồn ải của văn hóa phương Đông. Nhắc đến nền văn minh, văn hóa phương Đông không thể bỏ qua Trung Quốc. Nói đến cái gì tinh tế của văn hóa Trung Quốc không thể không nghiên cứu đến Phật giáo. Nền văn hóa tâm linh đó đã bén rễ, ăn sâu vào tận xương tủy người dân Trung Hoa.

Nghiên cứu giai đoạn cực thịnh nhất của Phật giáo Trung Quốc, cho chúng ta hãnh diện về một thời hoàng kim của Phật giáo. Ở đó có những vị đế vương thuần thành ủng hộ hết mình cho Phật giáo, có các bậc cao tăng là tấm gương sáng suốt một đời sống vì lý tưởng phụng sự đạo pháp, đem lợi ích cho chúng sinh mà không hề vì lợi ích riêng mình, xem danh vọng như cát bụi phù du, chỉ giác ngộ chân lý mới là mục đích tối thượng. Nghiên cứu Phật giáo Trung Hoa giai đoạn phát triển, tìm hiểu những việc làm của các Ngài Huyền Trang, Nghĩa Tịnh... đã không màng thân mạng, vượt hàng ngàn cây số mặc cho phong ba bão táp, gió cát, mưa sa để tìm và trao cho hậu thế kho tàng pháp bảo. Chúng ta phải biết trân quý và phát huy, đừng để công lao vĩ đại của các Ngài trở thành tro bụi, mà hãy tự nỗ lực trui rèn và phụng sự để tốt đời đẹp đạo, sống ý nghĩa trong từng khoảnh khắc cho lý tưởng đạo pháp.

Tác giả: Thích nữ Thanh Nghiêm

Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 11/2019

----------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Andrew Skilton (Thiện Minh dịch) (2004), Đại cương lịch sử Phật giáo thế giới, Nxb. Tổng hợp TP.HCM

Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê (1992), Đại cương triết học Trung Quốc, Q1, Q2, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh.

Ngọc Thuận (2007), Lịch sử văn hóa Trung Quốc, 2 tập, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội

Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Huy Quý (2001), Lịch sử Trung Quốc, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

Nguyễn Hiến Lê (1996), Lịch sử Trung Quốc, T1, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội

Pháp sư Thánh Nghiêm (1995), Lịch sử Phật giáo thế giới, T1, Nxb. Hà Nội, Hà Nội.

Thích Mật Thế (1960), Việt Nam Phật giáo sử lược, Minh Đức XB, Sài Gòn.

Thích Nguyên Tạng (2006), Phật giáo khắp thế giới, Nxb. Phương Đông, Hà Nội.

Thích Thanh Kiểm (2001), Lịch sử Phật giáo Trung Quốc, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

Triều Tâm Ảnh, Minh Đức (2008), Sử Phật giáo thế giới - Ấn Độ - Trung Quốc, T1, Nxb. Thuận Hoá, Huế.

Trương Tự Văn (2001), Vương triều và hoàng đế Trung Quốc, Nxb. Văn hoá thông tin.

Viên Trí (2004), Lược sử Phật giáo Trung Quốc, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.

Will Durant (Nguyễn Hiến Lê dịch) (2004), Lịch sử văn minh Trung Hoa, Nxb. Văn hoá thông tin, Hà Nội.

………………………………….

[1] Pháp Uyển Châu Lâm, Quyển 100.

[2] Thích Viên Trí, Lược sử Phật giáo Trung Quốc”, NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2006, Tr227.

[3] 1- Kim Luân bảo, 2- Chú Tạng bảo , 3- Tượng bảo, 4- Mã bảo, 5- Châu bảo, 6- Nữ bảo, 7- Binh bảo.

[4] Lữ Trừng, Lịch Sử Tư Tưởng Phật Học Trung Quốc, Việt dịch: Thích Hạnh Bình, NXB Phương Đông, 2013.

[5] Thích Minh Châu, Huyền Trang Nhà Chiêm Bái Và Học Giả, Thích Nữ Trí Hải dịch, NXB Hồng Đức, 2016.

[6] Ngài là người sáng lập tông Từ Ân, tông này chiếm ưu thế nhất thời bấy giờ.

[7] Thích Minh Châu, Huyền Trang Nhà Chiêm Bái Và Học Giả, Thích Nữ Trí Hải dịch, NXB Hồng Đức, 2016, tr 71.