Triết lý đạo đức nhân sinh của ông, góp phần đóng một vai trò to lớn trong xã hội Đại Việt lúc bấy. Xây dựng nên một nền Phật giáo Việt Nam thống nhất, mà còn là nền tảng của đạo đức xã hội, là ngọn cờ tư tưởng đoàn kết toàn dân tộc.
TT.TS.Thích Lệ Quang Trưởng Ban Giáo dục Phật giáo quận Tân Bình, TP.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2024
Tóm tắt: Trần Nhân Tông một nhân vật nổi tiếng của lịch sử dân tộc Việt Nam. Ông vừa là một vị vua anh minh, tài giỏi, lãnh đạo thành công hai cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên – Mông, vừa là vị sơ tổ của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Cùng với những quan điểm về bản thể luận, nhận thức luận trong tư tưởng triết học của ông, là tư tưởng về triết lý nhân sinh, đạo đức hết sức đặc sắc.
Nó đã góp phần tạo nên nền tảng tinh thần và đạo đức của xã hội Đại Việt thế kỷ XIII – XIV. Bài viết tập trung trình bày triết lý thiền của Trần Nhân Tông; vấn đề nhân sinh, đạo đức của Trần Nhân Tông, được thể hiện qua những giá trị, mục đích, thái độ, hành động sống của con người, sự tu luyện đạo đức, cũng như về sự sống và cái chết của con người mang đậm dấu ấn thiền của ông.
Từ khoá: Vấn đề nhân sinh, đạo đức, triết lý thiền, Trần Nhân Tông.
Trong dòng chảy của tư tưởng triết học Việt Nam, một trong những tư tưởng nổi bật, ghi đậm dấu ấn sâu sắc của thế kỷ XIII - XIV, đó là tư tưởng triết học Phật giáo thời Trần. Cùng với sự phát triển rực rỡ của nền kinh tế, chính trị - xã hội, văn hoá… nhà Trần, thì Phật giáo lúc này cũng đã phát huy hết mọi nguồn lực của mình, đạt đến đỉnh cao của tư tưởng triết học thiền so với các thời đại trước đó.
Đặc biệt, là sự xuất hiện của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một dòng thiền mang yếu tố nội sinh, thể hiện tinh thần nhập thế tích cực, tính nhân văn sâu sắc.
Trong đó, Trần Nhân Tông được xem là một nhân vật nổi tiếng của lịch sử dân tộc Việt Nam. Ông vừa là một vị vua anh minh, tài giỏi, lãnh đạo thành công hai cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên – Mông, vừa là vị sơ tổ của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Cùng với những quan điểm về bản thể luận, nhận thức luận trong tư tưởng triết học của ông, là tư tưởng về triết lý nhân sinh, đạo đức hết sức đặc sắc, được thể hiện qua những giá trị, mục đích, thái độ, hành động sống của con người, sự tu luyện đạo đức, cũng như về sự sống và cái chết của con người mang đậm dấu ấn triết lý thiền, góp phần tạo nên nền tảng tinh thần và đạo đức của xã hội Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.
1. Triết lý thiền của Trần Nhân Tông
Trên cơ sở tiếp thu, kế thừa quan điểm từ các dòng thiền trước đó như thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, thiền phái Vô Ngôn Thông, thiền phái Thảo Đường và đặc biệt là chịu ảnh hưởng của tư tưởng thiền Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng sĩ, Trần Nhân Tông đã hình thành nên triết lý thiền của ông hết sức sâu sắc, mang đậm dấu ấn của thiền học Việt Nam thế kỷ XIII - XIV.
Từ điểm xuất phát của “tâm” con người, Trần Thái Tông đã đưa ra khái niệm mới về “tâm hư”. Tâm hư hay còn gọi là tâm hư không, hàm chỉ cho cái tâm của chúng ta, nó tròn đầy như là hư không, trùm khắp vũ trụ, là cái gốc ban đầu của tất cả vạn pháp; không những thế nó vốn thanh tịnh, trong sáng không chứa đựng những cấu uế…
Vì vậy, trong quá trình tu luyện, con người cần phải từ bỏ vọng niệm, loại trừ cấu uế, những phiền não chứa trong tâm, từ đó hành giả mới đạt được trạng thái giác ngộ, mà ông gọi là thể nhập “tâm hư” của chính mình. Trần Thái Tông chỉ chuyên chú vào việc nhận thức cái tâm “chỉ yếu biện tâm”(1), mục đích nhận thức là để kiến tính.
Trong bài Luận về tọa thiền, Trần Thái Tông có viết: “Phàm người học đạo, chỉ cần thấy tính”(2), ông còn viết: “Phàm tâm là gốc của thiện ác”(3). Do đó, Trần Thái Tông chủ trương tu tập “tam học”, để đạt tới giác ngộ và giải thoát. Cùng với đó, là tư tưởng của Tuệ Trung Thượng sĩ, mà ông coi như bậc thầy của mình, giúp ông đạt đến đỉnh cao của sự chứng ngộ chân lý thiền.
Trong Thượng sĩ hành trạng, Trần Nhân Tông viết: “Ta biết môn phong của Thượng sĩ thật là siêu việt. Một ngày ta hỏi về cái gốc của tôn chỉ thiền, Thượng sĩ ứng đáp: Hãy quay lại nhìn cái gốc của mình, chứ không tìm đâu khác được. Ta bỗng bừng tỉnh con đường phải đi, bèn xốc áo thờ người làm thầy”(4). Cũng xuất phát từ tâm, Tuệ Trung Thượng sĩ cho rằng “tâm thể” là cội nguồn của vạn pháp, chỉ có điều do nhị kiến và vọng niệm làm lu mờ. Trong Phật tâm ca, ông viết:
“... Khi tâm sinh thì Phật sinh Khi Phật diệt thì tâm diệt”(5)
Tuệ Trung Thượng sĩ cho rằng con đường đạt đến chân lý, đạt được cõi Phật tại tâm là thiền với tinh thần phá chấp, vượt lên trên mọi giáo điều, giới luật thông thường. Tuệ Trung Thượng sĩ đưa ra khái niệm tâm thể. Tâm thể là chỉ cho tâm ban đầu, là bản tính của con người, nó cũng chính là cái đầu tiên xuất phát ra tất cả các pháp trên thế gian. Tính chất của tâm thể là tĩnh lặng, trong sáng, không tì vết.
Thiền theo Tuệ Trung Thượng sĩ ở đây không quan tâm đến việc ăn chay hay ăn mặn, niệm Phật, tọa thiền, trì giới, nhẫn nhục mà là hòa vào thế tục nhưng vẫn không bị bụi trần khuấy động, là hãy sống thật bình dị, làm bạn với thiên nhiên. Chính trong cuộc đời là nơi thử thách, tôi luyện tinh thần và ý chí, nghị lực của con người “nên biết trong đời sinh có Phật, lạ chi giữa lửa nở sen vàng”. Ông đưa thiền vào trong đời sống thường nhật, ăn cơm, mặc áo, tham vấn Phật học, nhất nhất đều trong trạng thái “sống thiền”.
Trên cơ sở dung hợp, kế thừa “tâm” của các bậc thầy, Trần Nhân Tông đã đưa ra triết lý thiền nhập thế tích cực bằng thiền “hành động”, “sống thiền” hết sức sâu sắc. Trần Nhân Tông cho rằng bản thể là cái tâm tĩnh lặng. Một khi con người đạt tới trạng thái tâm tĩnh lặng thì con người sẽ diệt trừ được những tác nhân đem lại nỗi khổ cho con người đó là: Tham, sân, si và chứng được tam thân sẽ đạt tới trạng thái Niết bàn.
Ông cho rằng khi tâm được thông suốt thì mới hiểu hết Phật pháp, trừ được tam nghiệp thì tâm mới được thanh tịnh, để đạt tới giải thoát bằng sự kết hợp tu luyện, giới, định, tuệ của Phật giáo với rèn luyện đạo đức, nhân, nghĩa của Nho giáo và vô vi, thanh tịnh của Lão giáo, lấy tu thiền làm nòng cốt. Trong phú Cư trần lạc đạo, ông viết:
“Gìn tính sáng tính mới hầu an; Nén niềm vọng, niềm dừng chẳng thác. Dứt trừ nhân ngã thì ra tướng thực kim cương; Dừng hết tham sân mới lảu lòng màu viên giác” (7).
Quan niệm tu thiền của ông là để đạt đến sự chứng ngộ, giải thoát, đạt đến trạng thái mà nhà thiền thường gọi là “vô tâm” (無心), tức không còn vọng niệm, đối đãi phân biệt, nhị kiến, kén chọn thì theo ông, đó chính là thiền, không cần hỏi thiền làm gì? Nếu hỏi “thiền” đó là hư vọng, vọng tưởng, không thể trả lời bằng ngôn ngữ về “thiền”. Trong Cư trần lạc đạo phú, ông viết:
"Cõi trần vui đạo, hãy tuỳ duyên. Đói cứ ăn no, mệt ngủ yên. Báu sẵn trong nhà, thôi khỏi kiếm, Vô tâm trước cảnh, hỏi gì thiền”(8).
Triết lý thiền của ông rất đơn giản, nhưng sâu sắc, khó đạt, “vô tâm trước cảnh vật” thì đó chính là tu thiền. Thiền không tìm kiếm ở đâu xa ngoài tâm, tâm tức là Phật, Phật cũng tức là tâm. Tâm cũng là chúng sinh, chúng sinh cũng từ tâm này mà xuất hiện; “ngộ” cũng chẳng phải bên ngoài đem đến, hoặc sự truyền dạy của người thầy mà đệ tử “ngộ được tâm”.
Do đó, vấn đề mấu chốt là con người thường hay muốn trở thành người “đa sự”, chớ không muốn thành người “vô sự” trước cảnh vật xung quanh; con người thường hay “xúc cảnh sinh tình” nên con người không thể “vô tâm trước cảnh”. Vì vậy, làm sao thấu triệt được triết lý nhà thiền một cách sâu sắc.
Mặt khác, triết lý thiền của ông còn thể hiện tinh thần nhập thế tích cực trong cuộc sống. Thiền không phải là ngồi trầm ngâm, tư lự, mà thiền cần phải biểu hiện ở hành động thiết thực trong cuộc sống đời thường với tinh thần “sống thiền” hay “hoạt Phật” vượt ngoài giới hạn của việc tu hành ăn chay, niệm Phật, tọa thiền..., Trần Nhân Tông viết: “Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tấc. Sơn lâm chẳng cốc, họa kia thực cả đồ công”(9).
Theo ông, thiền “hành động” là một lối thiền mới, đặc sắc của dòng thiền Trúc Lâm, khác biệt so với các lối tu thiền khác. Nó vừa là phép “thử” để kiểm nghiệm “nội lực” của hành giả tu thiền trước “bụi trần” trong cuộc sống, vừa thể hiện tính nhân văn đối với cuộc sống con người, lòng Từ bi của Phật giáo, cứu giúp nhân sinh đang gặp nhiều khó khăn về mọi mặt từ tinh thần đến vật chất. Song, nhiều người tự cảm nhận mình đã đạt được “thiền”, nhưng lại không thể vượt qua được bài kiểm tra trắc nghiệm trong “lò lửa bụi trần”.
Nhiều người tự tin rằng mình “hoà nhập” chớ không “hoà tan”; tuy nhiên khi bước vào xã hội đầy phiền não, tham, sân, si thì lại bị “tan biến”, “biến dạng” một cách không cưỡng lại được. Do vậy, triết lý thiền của ông, mang dấu ấn riêng hết sức đặc sắc, đã góp phần chi phối đến thế giới quan và nhân sinh quan của tư tưởng triết học thời Trần. Đặc biệt, là vấn đề nhân sinh của ông.
2. Vấn đề nhân sinh, đạo đức của Trần Nhân Tông
Phật giáo du nhập nước ta đã dung hòa với nền văn hóa bản địa Đại Việt, phù hợp với quan niệm, phong tục, tập quán, tín ngưỡng của người dân bản xứ, bằng những phạm trù như “Vô thường”, “Vô ngã”, “Nhân quả”, “Nghiệp báo” và triết lý nhân sinh “Từ, Bi, Hỉ, Xả”, các học thuyết “Tứ diệu đế”, “Thập nhị nhân duyên”, “Bát chính đạo” khá gần gũi và phù hợp với triết lý đạo đức nhân sinh của người Việt; như quan niệm về phúc đức, nhân ái, vị tha, hòa hiếu, nên Phật giáo đã được đông đảo người Việt tiếp nhận.
Sự tiếp thu, kế thừa và phát triển tư tưởng của Phật giáo Việt Nam nói chung, ở thời Trần nói riêng, đặc biệt ở phạm trù tâm hết sức đặc sắc và mang dấu ấn riêng, đã góp phần chi phối đến thế giới quan và nhân sinh quan của tư tưởng triết học thời Trần. Đặc biệt là vấn đề nhân sinh, đạo đức trong triết lý thiền của Trần Nhân Tông hết sức sâu sắc.
Ông luôn gắn vấn đề nhân sinh, đạo đức với vấn đề lợi ích của dân tộc, ông cho rằng người quân tử là người có đạo đức, sống theo lý tưởng nhân nghĩa, yêu thương con người, sống có trách nhiệm và nghĩa vụ với dân tộc, có lòng trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, rằng sống mà không giúp ích cho đời là điều đáng hổ thẹn của kẻ trượng phu. Trong bài Họa thơ Kiều Nguyên Lãng, ông viết:
“Thương yêu mọi người như nhau là ân đức của Thiên tử, Sống mà không giúp ích gì cho đời là điều đáng thẹn của kẻ trượng phu”(10).
Đối với bản thân thì phải vóc lòng rèn luyện, tu dưỡng, làm thiện tích đức, kính trọng cha mẹ, ông bà…Trần Nhân Tông đã viết trong bài Cư trần lạc đạo: “Sạch giới lòng, chùi giới tướng, nội ngoại nên bồ tát trang nghiêm; ngay thờ chúa, thảo thờ cha, đi đỗ mới trượng phu trung hiếu. Tham thiền kén bạn, nát thân mình mới khá hồi ân; học đạo thờ thầy, dọt xương óc chưa thông của báo”(11).
Trong cuộc đời của mình, dù làm vua hay là một vị thiền sư, ông cũng cống hiến hết sức lực, tài năng, trí tuệ của mình lo cho đời, cho đạo, trong lòng lúc nào cũng canh cánh nỗi lo cho dân cho nước. Lòng “ưu quốc” của ông được thổ lộ trong bài Tiễn sứ Bắc Ma Hạp, Kiều Nguyên Lãng rằng: “Trung thống, chiếu xưa, lời hãy nhớ, nỗi lo đất nước, dịu lòng tôi”(12).
Với tấm lòng yêu dân, yêu nước, khi đất nước sạch bóng quân thù, ông khuyến khích phát triển nông nghiệp, chia lại ruộng đất cho dân, mở rộng các công trình thuỷ lợi, học hành, thi cử, tuyển chọn nhân tài cho quốc gia, đặc biệt là mở mang bờ cõi Đại Việt về phương Nam, đó là hai quận Châu Ô, Châu Rí.
Đối với người có công lao với xã tắc, Trần Nhân Tông rất kính trọng và đề cao tinh thần hộ quốc của các tướng sĩ, quân dân Đại Việt, ông ra lệnh ban thưởng, đồng thời ghi chép tên, tuổi, khắc họa hình tượng những người có công lao lớn trong cuộc kháng chiến vào sách “Trung Hưng thực lục” lưu truyền về sau.
Trần Nhân Tông còn đi khắp nơi để giảng thuyết cho dân chúng thực hành mười điều thiện, giữ gìn năm giới cấm của nhà Phật, bỏ mê tín, tà đạo, tu theo chính tín, cố kết lòng dân phục vụ cho xã tắc, phát triển đất nước ổn định.
Lấy mười điều thiện, đó là: 1. Bất sát sinh (不殺 生); 2. Bất thâu đạo (不偷盜); 3. Bất tà dâm (不邪 婬); 4. Bất vọng ngữ (不妄語); 5. Bất lưỡng thiệt (不兩舌); 6. Bất ác khẩu (不惡口); 7. Bất ỷ ngữ (不 綺語); 8. Bất tham dục (不貪欲); 9. Bất thận khuể (不慎恚); 10. Bất tà kiến (不邪見), làm căn bản để khuyên răn mọi người tu dưỡng đạo đức. Trần Nhân Tông khuyên con người đừng lọt vào vòng tà đạo, bỏ quên chính đạo, cần phải tu tập sửa mình, trở về với chính đạo tổ tông “giữ tính sáng, mựa lạc tà đạo; sửa mình học, cho phải chính tông”(13).
Tà kiến, si mê, vô minh, phiền não bị tiêu diệt thì thân tâm trong sạch, đạo đức càng sáng “vô minh hết bồ đề thêm sáng; phiền não rồi đạo đức càng say”(14). Không những ông khuyên tất cả mọi người sống giản dị, tu hành chân chính, mà chính bản thân ông sống rất đạo hạnh, giản dị, sống cuộc đời đạo đức trong sạch, giữ gìn thân tâm, luôn luôn thực hành “Mười điều thiện”, làm mô phạm cho thế hệ sau noi gương:
“Ăn rau ăn trái, nghiệp miệng chẳng hiềm thửa đắng cay; Vận giấy vận sồi, thân căn có ngại chi đen bạc. Nhược chỉn vui bề đạo đức, nửa gian liều quý nửa thiên cung; Dầu hay mến thửa nhân nghì, ba phiến ngói yêu hơn lầu gác” (15).
Tu hành theo quan niệm Trần Nhân Tông là sống không màng vinh hoa, phú quý, cho nên ông thường khuyên mọi người trong cuộc sống không nên xem trọng công danh, không màng phú quý, sống giản dị, thanh bần, chân chất, thanh đạm để xây dựng nếp sống đạo đức. Trong bài Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, ông viết:
“Công danh chẳng trọng, phú quý chẳng màng, Tần Hán xưa kia, xem đà nhèn hạ, yên bề phận khó, kiếm chốn dưỡng thân”(16).
Tuy nhiên, một trong những vấn đề lớn của cuộc sống đó là vấn đề sống chết của con người; một vấn đề mà các nhà tư tưởng từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây, trong đó có triết lý của Phật giáo đều rất quan tâm nhằm giải đáp một câu hỏi lớn của mọi thời đại về sự sống và cái chết của con người.
Do đó, Trần Nhân Tông cho rằng làm người thì phải có thân, mà có thân tức có họa và chịu quy luật của sự hợp tan của tạo hóa, ai cũng sẽ phải chết và không biết chết lúc nào, cho nên họa phúc, sống chết là lẽ bình thường không có gì phải lo nghĩ.
Trong bài Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, Trần Nhân Tông viết: “Sinh có nhân thân, ấy là họa cả. Ai hay cốc được, mới ốc là đủ”(17). Theo Trần Nhân Tông con người nên hiểu rằng sinh ra và mất đi là một quy luật chung của tạo hóa và nó theo một vòng quay khép kín trong cuộc sống chúng ta.
Vì vậy hãy tìm bên trong để tìm ra bản chất thật của cái vốn không sinh ra và không mất đi, cũng như hiểu rõ nó là lẽ thường tình trong cuộc sống con người hiện thực, nhưng vấn đề là ở cái tâm con người. Nếu chúng ta lấy “tâm tĩnh lặng” soi chiếu thì mọi vấn đề đã khác, không còn phân biệt thấy hai thứ khác nhau, mà tất cả đều là một thể “sinh tử là Niết bàn”.
Do đó, Trần Nhân Tông khuyên con người sống cho hết mình, sống cho trọn vẹn kiếp người, đừng để thời gian luống qua vô ích, phải thấy thân này rất ngắn ngủi trong cuộc sống vô thường tạm bợ, nhận thức rõ bản chất của cuộc sống thì không có gì phải lo sợ. Con người sống cần phải thấy và chấp nhận sinh tử như là một quy luật tự nhiên, là lẽ sống bình thường mà bất kỳ ai cũng phải chấp nhận nó.
Cho nên thái độ sống của con người đối với việc sinh tử rất quan trọng. Sống bi quan hay sống lạc quan là một vấn đề chúng ta cần xem xét cho kỹ, không lầm chấp vào huyền ảo của sinh tử, không chạy trốn sinh tử. Thiền sư Từ Minh cho rằng “sinh như đắp chăn đông, tử như cõi áo hạ”.
Sinh tử là lẽ thường nhiên của cuộc sống con người, mọi người ai cũng phải sinh ra và rồi ai cũng phải chết đi theo một định luật vô thường của tạo hóa, điều quan trọng là thái độ con người sống giữa đời, giải quyết những thách thức của cuộc sống đời thường như thế nào.
Vấn đề sinh và tử theo quan điểm Phật giáo thật sự chỉ là bóng mây thoảng qua trên bầu trời và đợt sóng nhấp nhô trên biển cả, chết không phải là sự yên nghỉ cuối cùng mà là sự chuẩn bị một cuộc sống mới. Chết không phải là mất tất cả hay hết tất cả, mà chết là tiến trình thiết lập một đời sống mới, trong một cõi sống mới, một thân phận mới.
Chính trong tinh thần xem sự sống và cái chết là tiến trình chuyển hóa thân phận, chuyển hóa các sắc thân ngũ uẩn của con người, cho nên Tuệ Trung Thượng sĩ, đã viết: “Cựu hải hà phương nhất điểm âu”, nghĩa là biển lớn thì can gì một bọt sóng nhỏ. Do đó, sự sống là biển cả không bờ, sống chết là bọt sóng nhấp nhô lên xuống. Sống phải ung dung tự tại, không vướng bận thị - phi của cuộc sống trần gian.
Trong bài Tự tại, Tuệ Trung viết: “Cửa liếp nhà tranh, ăn ở thảnh thơi. Không “thị” không “phi” lòng ung dung tự tại”(18). Trong ý niệm đó, hằng ngày chúng ta nghĩ gì, nói gì và làm gì để chúng ta cảm thấy lòng mình như trong sáng hơn, thanh thản và bình lặng hơn. Với một cái tâm như vậy, mọi lo âu và bức xúc về sống chết sẽ được giải tỏa.
Con người cần phải chấp nhận và vượt lên trên chính mình để thấu rõ triết lý “Vô thường”, “Vô ngã”; bởi vì mọi pháp đều không sinh, mọi pháp đều không diệt, cho nên không cần quan tâm đến hình hài, thân xác, mà phải thấy rõ giá trị cuộc sống, đề cao ý nghĩa giá trị đạo đức, giá trị cuộc sống và thái độ sống của chính con người.
Tuy nhiên, sống hành động với cái tâm hướng thượng ở trong cõi trần tục là một điều rất khó thực hành, cần phải có sự giác ngộ, giải thoát ngay trong cuộc sống đời thường và người học thiền phải đạt được chân lý thiền ngay khi còn sống. Vì vậy, mọi hoạt động xã hội chính là môi trường tốt để thiền gia thể hiện chân lý giác ngộ của mình.
Trần Thái Tông coi sinh tử không còn là vấn đề mang tính thuần lý, trừu tượng, cao siêu, khó đạt, mà chính là bản thân cuộc sống của mỗi con người, đó cũng là triết lý “hành thiền”, “sống thiền”, với tâm hồn ung dung, tự tại, hòa hợp giữa tâm vật và tâm ta, sống không lầm sinh tử, vui với cái vui của sự hiểu biết chân thực, hòa nhập vào cuộc sống đời và đạo, lấy nó làm nền tảng cơ bản, là môi trường hành đạo để quán chiếu, tu luyện đạo đức, thực hành điều thiện giúp ích cho đời.
Đó là thái độ sống an nhiên tự tại, dành toàn bộ thời gian để hoàn thiện bản thân, tích cực đóng góp cho mọi người, xã hội và dân tộc.
Tóm lại, Trần Nhân Tông là một nhân vật lịch sử của dân tộc Việt Nam thế kỷ XIII – XIV, ông đã để lại cho thế hệ sau nhiều dấu ấn hết sức sâu sắc. Là một vị vua, ông đã thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình một cách xuất sắc, lãnh đạo thành công hai cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên – Mông, giành thắng lợi vô cùng oanh liệt, viết nên trang sử huy hoàng cho dân tộc.
Là một vị thiền sư, ông tu hành đắc đạo và thành lập nên một thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, dòng thiền mang tư tưởng nhập thế tích cực và tính nhân văn hết sức sâu sắc, mang đậm bản sắc thiền học Việt Nam. Trong đó, triết lý đạo đức nhân sinh của ông, góp phần đóng một vai trò to lớn trong xã hội Đại Việt lúc bấy. Xây dựng nên một nền Phật giáo Việt Nam thống nhất, mà còn là nền tảng của đạo đức xã hội, là ngọn cờ tư tưởng đoàn kết toàn dân tộc.
Trần Nhân Tông thấy được ở Phật giáo có những yếu tố tích cực đóng góp cho giai cấp thống trị mà ông là người đại diện và phát huy được sự đoàn kết toàn dân và nền “đạo đức xã hội”, là những nhân tố quan trọng không thể thiếu được đối với một xã hội Đại Việt thống nhất, độc lập, hùng mạnh, phát triển phồn vinh, một nền văn hoá Đại Việt rực rỡ; từng bước thoát dần tư tưởng văn hoá ngoại lai.
Đồng thời tư tưởng triết lý thiền của ông góp phần thúc đẩy phát triển nền triết học thiền Phật giáo Việt Nam lên tầm cao mới, mang tính chất mới, phong phú, sâu sắc, sinh động.
TT.TS.Thích Lệ Quang Trưởng Ban Giáo dục Phật giáo quận Tân Bình, TP.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2024 ***CHÚ THÍCH:
(1) Sđd, tr 87.
(2) Sđd, tr 87.
(3) đd, tr 100.
(4) Viện Văn học, Nguyễn Huệ Chi (chủ biên) (1988), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, Nxb KHXH, HN, Tr 546.
(5) Viện Văn học, Nguyễn Huệ Chi (chủ biên) (1988), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, Nxb. KHXH, HN, Tr.273.
(6) Sđd, tr 259.
(7) Viện Văn học, Nguyễn Huệ Chi (chủ biên) (1988), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, Nxb. KHXH, HN, Tr.505.
(8) Viện Văn học, Nguyễn Huệ Chi (chủ biên) (1988), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, Nxb. KHXH, HN, Tr.510.
(9) Sđd, tr 506.
(10) Viện Văn học, Nguyễn Huệ Chi (chủ biên) (1988), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, Nxb. KHXH, HN, tr. 477.
(11) Viện Văn học, Nguyễn Huệ Chi (chủ biên) (1988), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, Nxb. KHXH, HN, tr. 507.
(12) Viện Văn học, Nguyễn Huệ Chi (chủ biên) (1988), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, Nxb. KHXH, HN, tr. 479.
(13) Viện Văn học, Nguyễn Huệ Chi (chủ biên) (1988), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, Nxb. KHXH, HN, tr. 506.
(14) Viện Văn học, Nguyễn Huệ Chi (chủ biên) (1988), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, Nxb. KHXH, HN, tr. 508.
(15) Viện Văn học, Nguyễn Huệ Chi (chủ biên) (1988), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, Nxb. KHXH, HN, tr. 505.
(16) Viện Văn học, Nguyễn Huệ Chi (chủ biên) (1988), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, Nxb. KHXH, HN, tr. 533.
(17) Viện Văn học, Nguyễn Huệ Chi (chủ biên) (1988), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, Nxb. KHXH, HN, tr. 532.
(18) Viện Văn học, Nguyễn Huệ Chi (chủ biên) (1988), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, Nxb. KHXH, HN, tr. 241.
THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nguyễn Huệ Chi (chủ biên), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988.
2. PGS.TS. Doãn Chính, PGS.TS. Trương Văn Chung, Tư tưởng Việt Nam thời Lý - Trần, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008.
3. PGS.TS. Trương Văn Chung, Tư tưởng triết học của thiền phái Trúc Lâm đời Trần, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998.
4. Thích Phước Sơn, Tam tổ thực lục, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, ấn hành, 1995.
5. Thích Thanh Từ, Hai quãng đời của sơ tổ Trúc Lâm, NXB. Tôn giáo, 2002.
Bình luận (0)