Trang chủ Lịch sử - Triết học Người nữ là “bẫy mồi” của ma vương

Người nữ là “bẫy mồi” của ma vương

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Thích Nữ Huệ Hiếu
Chùa Dược Sư, số 464 Lê Quang Định, phường 11, quận Bình Thạnh, Tp.HCM
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2022

Đặt vấn đề: Khi nói đến người nữ, người ta thường nghĩ ngay đến những phong trào đòi bình quyền, bình đẳng hay những quan niệm kỳ thị nam nữ. Những vấn đề này được đặt ra không chỉ trong xã hội, mà con cả trong các tôn giáo, trong đó có Phật giáo.
Trong Tăng Chi Bộ II, chương V, phẩm Triền Cái, đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, nếu có ai nói rằng: là bẫy mồi toàn diện của Mara, thời người ấy đã nói chân chính về người nữ, thật là một bẫy mồi hoàn toàn của Mara”.
Tại sao người nữ được xem là bẫy mồi? Đức Phật có kỳ thị với người nữ hay phân biệt giới tính không? Để làm sáng tỏ vấn đề, tác giả tập trung phân tích các dẫn chứng trong kinh tạng Nikaya.
Từ khóa: Ma vương, nữ nhân, Nikaya, đức Phật, kỳ thị, tôn giáo, bẫy mồi,…..

Vào thế kỷ XIII trước Tây lịch, bộ lạc Aryan tràn từ cánh đồng Urals xuống Ấn Độ, lập nên nền văn minh Vệ Đà, Bà La Môn giáo lấy Vedas làm căn bản, đã thiết lập chặt chẽ bốn đẳng cấp: Bà La Môn (Brahmama), Sát Đế Lợi (Khaltiya), Phệ Xá (Vessa), Thủ Đà La (Sudda). Chế độ đẳng cấp này đã ảnh hưởng trên tất cả các bề mặt xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ. Người phụ nữ thời kỳ này không có bất kỳ một vị thế nào từ trong gia đình đến ngoài xã hội, họ chỉ là “một cái bóng mờ nhạt” tồn tại bên cạnh người đàn ông. Người phụ nữ không được quyền định đoạt hạnh phúc của mình mà theo sự sắp đặt người nhà. Thường là cha, mẹ hoặc anh, sẽ thay mặt quyết định, lựa chọn(1). Đặc biệt việc kết hôn ngoài đẳng cấp của mình hoàn toàn bị cấm đoán. Sau khi kết hôn, người phụ nữ lại phải chịu sự ràng buộc, lệ thuộc của người chồng “người cha làm chúa tể trong gia đình, có đủ quyền độc đoán với vợ, con và nô lệ. Đàn bà chỉ như một bông hoa, phải lệ thuộc hoàn toàn vào đàn ông”(2).

Một người vợ hiền phải thờ chồng như thờ một vị thần, không baogiờ làm phậtýchồng, dù tính tình cùng tư cách của chồng tồi tệ ra sao. Người vợ nào trái lời chồng thì kiếp sau phải đầu thai làm chó rừng chuyên ăn xác thú chết(3).Từ vật chất tới tinh thần, người nữ bị áp bức bóc lột, bị đối xử tàn tệ. Cả một hệ tư tưởng và ý thức xã hội đã được xây dựng trên sự phân biệt giới tính sâu sắc này và mọi người đều tin vào “chân lý” đó là sự đúng đắn. Giáo điều ấy càng bền chặt thêm nhờ tín ngưỡng và hệ thống tôn giáo độc đoán, duy nhất nên đã ăn sâu vào tư tưởng, sinh hoạt, quan điểm của mọi người. Điều đó đồng thời cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư duy của đức Phật, bởi vì Ngài được sinh ra và lớn lên, hình thành ý thức trong môi trường văn hóa đó.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 7.2022 Nguoi nu la bay moi cua ma vuong 1

Vấn đề được nêu trên, chúng ta có thể thấy rõ khi bà Mahāpajāpati Gotamī cùng 500 tỳ nữ xin xuất gia, gia nhập tăng đoàn, bà đã ba lần thỉnh cầu đức Phật, nhưng Ngài đều từ chối “Thế Tôn không chấp nhận cho nữ nhân được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng”(4). Sau đó, đức Phật đã chấp nhận cho người nữ xuất gia nhưng lại thiết lập Bát kỉnh pháp, Ngài dạy rằng: “những gia đình có nhiều phụ nữ ít đàn ông, thời những gia đình ấy rất dễ bị các đạo tặc, trộm cắp não hại… khi nào một chứng bệnh được tên là “trắng như xương” rơi vào một ruộng lúa đã chín… ruộng lúa không có an trú lâu dài… bệnh có tên là “đỏ sét” rơi vào một ruộng mía đã chín… không có an trú lâu dài… một người vì nghĩ đến tương lai xây dựng bờ đê cho một hồ nước lớn để nước không thể chảy qua,… vì nghĩ đến tương lai, Ta mới ban hành kính pháp này cho các Tỳ kheo ni cho đến trọn đời không được vượt qua”(5). Chúng ta không khỏi xúc động và thương cảm cho Mahāpajāpati Gotamī và những người nữ theo bà xin Phật xuất gia. Đức Phật chần chừ không cho người nữ xuất gia, trong khi với nam giới Ngài rất dễ dàng chấp thuận tiếp độ. Đây cũng là lý do nhiều người đưa ra quan điểm cho rằng đức Phật kỳ thị người nữ.

Nhan sắc của nữ nhân có thể làm cho trái tim bao người điên đảo, từ kẻ bần dân cho đến các hàng vua chúa đều phải lụy với sắc đẹp của giai nhân tuyệt sắc. “Ta không thấy một sắc nào khác, này các Tỳ kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông như sắc người đàn bà. Này các Tỳ kheo, sắc người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông”(6). Chính tâm ham muốn về sắc dục mà con người chịu muôn ngàn thứ khổ đau, vì nó xâm chiếm và ngự trị làm cho thân lẫn tâm lúc nào cũng đau khổ, hệ lụy, trôi lăn trong sinh tử.

Câu chuyện trong Tiểu bộ kinh, một Tỳ kheo nghe lời tường thuật mọi vẻ diễm lệ của nàng kỹ nữ Sirima, mặc dù chưa thấy nàng, chỉ mới nghe kể về nàng, vị ấy đã đâm ra si tình và nghĩ thầm: “Ta muốn đi nhìn nàng”. Sau khi đến nhà kỹ nữ Sirima, nhìn thấy nàng, mặc dù nàng đang bệnh nhưng “Vị ấy trở nên thẫn thờ, không thể ăn cơm được nữa, bèn cầm bát trở về tinh xá, đậy bình bát lại, để sang một bên, và trải một góc chiếc y rồi nằm xuống”(7). Nàng Sirima không có ý dùng nhan sắc của mình để mê hoặc hay dụ dỗ vị tỳ kheo ấy mà chính vị ấy đã bị động tâm, luyến ái. Như vậy, bản thân sắc đẹp không gây ra tội lỗi, do tự thân chúng ta không chiến thắng chính mình.

Cho dù “nữ nhân trói buộc nam nhân với nhan sắc,…. với tiếng cười;…lời nói;….lời ca;… nước mắt ;….áo quần;….. vật tặng;… xúc chạm…Với tám hình tướng…nữ nhân trói buộc nam nhân. Các loài hữu tình bị khéo trói buộc bởi các hình tướng ấy, giống như trói buộc bởi bẫy sập”(8) nhưng Công chúa Yasodhara vẫn không trói buộc được Thái tử Siddhattha. Đêm ấy, khi Ngài nhìn Yasodhara trước lúc ra đi, không phải vì nàng níu kéo hay nàng là chướng ngại mà Ngài sợ rằng không thể chiến thắng bản thân.

Không những thế, trong đêm trước khi thành Phật, dưới cội Bồ đề, Ma vương quấy nhiễu đức Phật, ba cô con gái dùng nhan sắc của mình để quyến rũ, phá hoại sự chứng ngộ của Ngài. Thế Tôn vẫn điềm nhiên, không để ý đến chúng, an trú trong chính niệm, không bị chúng nhiễu loạn. Do đó, nhiều người nghĩ lầm rằng, đức Phật vì Ma nữ phá hoại sự thành tựu đạo quả mà thù ghét, kỳ thị người nữ, cho người nữ là bẫy mồi của ma, muốn đệ tử mình lánh xa nữ giới. “Này các Tỳ kheo, nếu có ai nói rằng: là bẫy mồi toàn diện của Mara, thời người ấy đã nói chân chính về người nữ, thật là một bẫy mồi hoàn toàn của Mara”(9). Tại sao người nữ được xem là bẫy mồi?

Tiểu bộ kinh có ghi lại “nữ nhân không thỏa mãn với ba việc ân ái, nữ trang và sinh con”(10), đức Phật dạy chính tâm luyến ái là nguyên nhân đưa người nữ xoay chuyển trong sinh tử, luân hồi. Ngài Ananda cũng là một nạn nhân của những phụ nữ giàu cảm xúc ấy. Chuyện nàng Ma Đăng Già làm cho ngài quá sợ hãi và luôn ở thế phòng ngự. Lúc Phật sắp nhập diệt, Ananda đã đề cập đến vấn đề này xin Thế Tôn chỉ dạy khi phải tiếp xúc với người nữ. “Bạch Thế Tôn, chúng con phải cư xử với phái nữ như thế nào? Này Ananda, chớ có thấy chúng…..nếu phải thấy chúng…..chớ có nói chuyện với chúng…phải an trú chính niệm”(11). Không giao tiếp với nữ sắc, không nên tiếp thêm duyên, đây là dụng ý của đức Phật muốn dạy chúng Tỳ kheo, chứ không phải Ngài kỳ thị người nữ. Lửa và rơm xa nhau khó có thể cháy vì duyên chưa đủ. Nếu như phải giao tiếp, phải nói chuyện, phải thân cận với nữ nhân, thì không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng(12), không khởi lên phân biệt mắt đen, da trắng, má hồng… khi đối diện với nữ sắc. Vì một khi khởi tâm so sánh, nghĩ ngợi… thì bước đầu sẽ tạo ra một sự dính mắc trong tâm.

Trong Tăng Chi Bộ kinh, đức Phật dạy “hai điều… người phụ nữ… chưa được thỏa mãn, chưa được vừa đủ. Thế nào là hai? Sự giao cấu và sinh con”(13). Khi nói vậy, đức Phật cũng gián tiếp bảo rằng, trong mối quan hệ này, không thể đơn phương một chiều, nam giới cũng có nhu cầu và khát vọng như thế. “Các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, do vậy nguy hiểm càng nhiều hơn”(14). Thế nên, Ngài dạy rằng tình cảm nam nữ là một cạm bẫy đáng sợ nhất trong ngũ dục nên phải phòng cháy hơn đợi chữa cháy. Nếu cho rằng người nữ là bẫy mồi tại sao người nam lại ham miếng mồi ngon trong bẫy và nếu họ quen đường cũ, theo vết mòn của bánh xe đổ là cơ hội bị sa bẫy một cách nhanh chóng.

Đồng thời, đức Phật còn nêu lên những đặc thù của người nữ. “Người đàn bà lúc trẻ tuổi đi đến nhà chồng, không có bà con. Đây là đau khổ riêng biệt thứ nhất… người đàn bà có kinh nguyệt. ..người đàn bà phải mang thai… một người đàn bà phải sinh con… người đàn bà hầu hạ đàn ông. Đây là năm đau khổ riêng biệt”(15). Như vậy, dù sống trong bất cứ môi trường hay hoàn cảnh xã hội nào, người phụ nữ vẫn chịu những điều chướng ngại trên, mà năm nỗi khổ đau này không phải do người nữ gây ra mà do đặc điểm xã hội và vấn đề tâm sinh lý tạo thành. Thiết nghĩ, người nữ yếu mềm và thất thế như vậy sao bẫy được đàn ông. “Nữ tính chướng ngại gì, Khi tâm khéo Thiền định, Khi trí tuệ triển khai, Chính quán pháp vi diệu?”(16). Cho nên, dù nam hay nữ bản thân mỗi người tự làm mình thanh cao hay thấp hèn, đó là sự thật hiển nhiên, không ai trói buộc hay dụ dỗ ai cả. “Tự mình, điều ác làm,Tự mình làm nhiễm ô,… Tịnh, không tịnh, tự mình, Không ai thanh tịnh ai”(17).

Không nghi ngờ gì nữa, chúng ta nên hiểu rằng, để ngăn ngừa ngọn lửa tình dục thiêu đốt, đức Phật đã thẳng thắn nói người nữ là bẫy mồi, thân người nữ không trong sạch “sắc thân là như vậy, đầy mầm thối nát hủy hoại, chỉ được tô điểm ngọc vàng để làm cho hấp dẫn, thật ra đó là một đống thịt đầy thương tích vì có chín lỗ chảy chất ô uế, được kết hợp lại nhờ ba trăm cái xương, luôn luôn đau nhức”(18), lấy thân nữ làm đối tượng tu lối quán bất tịnh, quán vô thường. Đó là phương pháp để áp dụng và cách thức đề phòng trong quá trình tu trì chứ không phải Ngài phân biệt đối xử với người nữ. “Chính pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày”(19), cho nên kinh điển Phật giáo phải được tìm hiểu ngang qua các phương diện tâm lý, chúng ta mới có thể nắm bắt và hiểu được những giá trị đích thực của nó. “Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người có trí chứng hiểu”(20).

Như vậy, không phải do đức Phật không chấp nhận cho người nữ xuất gia, chính xã hội và con người Ấn Độ không chấp nhận điều này. Muốn cho họ gia nhập Tăng đoàn, đức Phật phải khéo léo chờ đợi phản ứng từ xã hội, để xã hội chấp nhận trước. Đó chính là dụng tâm đức Phật muốn người nữ chính thức được xã hội công nhận, đáng được gia nhập giáo đoàn. Đức Phật đưa ra những nhược điểm và những khuynh hướng tự nhiên của người nữ không phải chế nhạo, chê cười mà Ngài nhắm đến mục tiêu cao quý, nhằm giúp họ nhận định những khó khăn gây trở ngại cho sự tu tập của mình, chấp nhận chân lý thực tại, cố gắng khắc phục những thiên tính đó và hoàn thiện bản thân.

Chính đức hạnh của người nữ sẽ giúp cho họ dễ dàng chinh phục mọi người, là tâm điểm của mọi hoạt động “đầy đủ năm đức tính này,…. có nhan sắc, có tài sản, có giới hạnh, lanh lợi, không biếng nhác, có sinh con… một nữ nhân hoàn toàn khả ý đối với người đàn ông”(21). Ngoài việc trao dồi phẩm hạnh, đạo đức, người nữ phải có niềm tin chân chính, giới đức, sự xả tài và trí tuệ. Nếu khéo tu tập thiền định, trau dồi trí tuệ, có nghị lực và sức mạnh, người nữ sẽ đạt đến sự thành công, có sức mạnh về vẻ đẹp bên ngoài lẫn nội tâm và quả vị giải thoát được tăng trưởng. Tất cả những sức mạnh đó là thứ vũ khí lợi hại nhất mà người nữ có được.

KẾT LUẬN

Dưới Phật nhãn thanh tịnh, người nữ được hiểu đúng bản chất, được thoát khỏi cảnh giam cầm của gia đình nhỏ bé để hòa nhập cùng với người nam trong xã hội. Vượt lên trên thành kiến mà thế gian cho rằng người nữ là tác nhân, nguồn gốc gây ra mọi tội lỗi, là bẫy mồi của Ma Vương.

Cái đẹp là một thực tại không thể chối cãi. Một người bình thường thì có thể nhận ra khi cái đẹp hiện hữu trước mắt. Tuy nhiên, giữa việc thấy cái đẹp và chấp thủ cái đẹp là hai việc hoàn toàn khác nhau. Chỉ cần mất đi chính niệm, xa lìa đời sống phạm hạnh, không chỉ người nữ mà cả người nam cũng dễ dàng bị đọa lạc. Chúng ta phải thực hành đời sống thiểu dục, nỗ lực tu tập thiền định, quán bất tịnh và quán xét sự vô thường của thân ngũ uẩn để đoạn trừ si mê của ái dục, thoát khỏi sinh tử luân hồi.

Thích Nữ Huệ Hiếu
Chùa Dược Sư, số 464 Lê Quang Định, phường 11, quận Bình Thạnh, Tp.HCM
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2022

***

Ghi chú: Bài viết là những trích dẫn, lập luận và cách hành văn thể hiện góc nhìn riêng của tác giả.

CHÚ THÍCH:
(1) Will Durant (2013), Lịch sử văn minh Ấn Độ, Nxb Tổng hợp, TPHCM, tr.190.
(2) Sđd, tr.191.
(3) Sđd, tr.193.
(4) HT.Thích Minh Châu dịch (2005), Kinh Tăng Chi Bộ 3, Chương VIII Tám Pháp VI. Phẩm Gotamì, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, trang 650.
(5) Sđd, tr.657-658.
(6) HT. Thích Minh Châu dịch (1996), Kinh Tăng Chi Bộ 1, Chương I Một Pháp I. Phẩm Sắc,VNCPHVN, TP. Hồ Chí Minh, trang 9.
(7) HT. Thích Minh Châu dịch (1999), Kinh Tiểu Bộ 2, Phẩm I. Lâu Đài Nữ Giới – Chuyện thứ mười sáu: Lâu Đài Của Sirimà, VNCPHVN, TP. Hồ Chí Minh, trang 85-87.
(8) HT. Thích Minh Châu dịch (2005), Kinh Tăng Chi Bộ 3, Chương VIII Tám Pháp II. Phẩm Lớn, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, trang 555- 556.
(9) HT. Thích Minh Châu dịch (1996), Kinh Tăng Chi Bộ 2, Chương V Năm Pháp VI. Phẩm Triền Cái, VNCPHVN, TP. Hồ Chí Minh, trang 416.
(10 HT.Thích Minh Châu dịch (2002),Kinh Tiểu Bộ 7, Chương VII. Phẩm Bảy Bài Kệ 402. Chuyện Túi Da Đựng Bánh, VNCPHVN, TP. Hồ Chí Minh, trang 51.
(11) HT.Thích Minh Châu dịch (1991), Kinh Trường Bộ 1, 6. Kinh Đại Bát Niết Bàn, VNCPHVN, TP. Hồ Chí Minh, 1991, trang 644.
(12) HT. Thích Minh Châu dịch (2012),Kinh Trung Bộ 2, 112. Kinh Sáu Thanh Tịnh, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, trang 362.
(13) HT. Thích Minh Châu dịch (1996), Kinh Tăng Chi Bộ 1, Chương II Hai Pháp VI. Phẩm Người, VNCPHVN, TP. Hồ Chí Minh, trang 146.
(14) HT. Thích Minh Châu dịch (2012), Kinh Trung Bộ 1, 22. Kinh Ví Dụ Con Rắn, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, trang 173.
(15) HT. Thích Minh Châu dịch (1991), Kinh Tương Ưng 4 Thiên Sáu Xứ, Chương III Tương Ưng Nữ Nhân Phần I. Phẩm Trung Lược, VNCPGVN, Tp. Hồ Chí Minh, trang 385.
(16) HT. Thích Minh Châu dịch (1991), Kinh Tương Ưng 1 Thiên Có Kệ, Chương V Tương Ưng Tỳ kheo ni, VNCPHVN, TP. Hồ Chí Minh, trang 286.
(17) HT. Thích Minh Châu dịch (2012), Kinh Pháp Cú số 165, Nxb Tôn Giáo, tr.78.
(18) HT Thích Minh Châu dịch (1999),Kinh Tiểu Bộ 2, Phẩm I. Lâu Đài Nữ Giới – Chuyện thứ mười sáu: Lâu Đài Của Sirimà, VNCPHVN, TP. Hồ Chí Minh, trang 91.
(19) HT. Thích Minh Châu dịch (1999), Kinh Tiểu Bộ 1, Kinh Phật Tự Thuyết Hay “Lời Cảm Hứng” – Chương Năm: Phẩm Trưởng Lão Sona, VNCPHVN,TP. Hồ Chí Minh, trang 205.
(20) Hòa thượng Thích Minh Châu dịch (2012), Kinh Trung Bộ 1, 7. Kinh Ví Dụ Tấm Vải, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, trang 62.
(21) HT. Thích Minh Châu dịch (1991), Kinh Tương Ưng 4 Thiên Sáu Xứ, Chương III Tương Ưng Nữ Nhân Phần I. Phẩm Trung Lược, VNCPHVN, Tp. Hồ Chí Minh, trang 384.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường