Tác giả: Thích Nữ Bảo Giác Học viên Thạc sĩ Khoá 4, Học viện PGVN tại Tp.HCM
Dẫn nhập
Song song với những chiến công oanh liệt gợi nhớ đến năm tháng huy hoàng của triều đại nhà Trần thì cũng không thể bỏ qua thành tựu của những áng thơ văn bất hủ thời đó. Hương sắc thiền học tinh hoa tràn đầy trí tuệ của những con người yêu nước yêu dân tộc, đứng ở ngôi quân chủ đã đóng góp không nhỏ cho nền văn học nghệ thuật nước nhà.
Trong số những tác phẩm còn lưu giữ âm hưởng giác ngộ, thì Khóa Hư Lục có thể được coi là nổi bật, nguyên sơ. Khảo cứu lịch sử văn học thiền tông Việt Nam, tinh thần nhân bản, bình đẳng, trí tuệ và từ bi của Trần Thái Tông đối với con dân, đất nước là đi vào thế giới mà từng lời văn uyên áo đậm tính chân thực, trọn đủ hàm nghĩa Phật giáo, đưa người đọc sớm nhận ra lối về.
Trong số những bài viết của ông Vua nhân từ, đức độ, người viết xin đơn cử chọn đề tài rất nhỏ: “Phân tích bài kệ thứ hai trong kệ bốn núi, tác phẩm Khóa Hư Lục”, để có cơ hội thông qua nghệ thuật văn học chủ đạo của bài kệ có thể nhìn ra được tư tưởng nhân bản, cũng như tinh thần nhập thế xuyên suốt cả dòng văn học thời đó. Đồng thời toát lên được hàm nghĩa sâu xa về đạo - đời, giải thoát - khổ đau của kiếp người, chưa từng chia hai, khái niệm nhị nguyên dường như không có chỗ tồn tại trong con người Thiền sư.
Chỉ với bài kệ tám câu, người viết thực hiện phương pháp tổng hợp, phân tích, biện chứng với mong muốn sáng tỏ lời thơ, ý Thiền, thêm minh chứng cho một nền văn học phát triển đáng tự hào.
NỘI DUNG
1. Khái lược về tác giả, tác phẩm
1.1. Tiểu sử tác giả Trần Thái Tông
Thái Tông (chữ Hán: 陳太宗; 10 tháng 7, 1218 - 5 tháng 5, 1277), họ Trần, tên húy là Cảnh, là vị hoàng đế đầu tiên của nhà Trần, khai sáng lên một triều đại huy hoàng trong lịch sử Việt Nam. Ông ở ngôi hơn 33 năm (1225 - 1258), làm Thái thượng hoàng trong 19 năm.
Không những là một vị vua anh minh, một nhà lãnh đạo chính trị và quân sự thiên tài của đất nước còn là một nhà văn, nhà thơ, có những đóng góp to lớn cho lịch sử tư tưởng cùng văn học Việt Nam nói chung, cho Phật giáo nói riêng.Trần Thái Tông là một trong những tác giả đầu tiên của văn học Việt Nam trong triều đại nhà Trần đã để lại nhiều tác phẩm được bảo tồn cho đến ngày hôm nay. như một tài sản vô giá.
Được kế thừa tư tưởng Phật giáo nơi ý chỉ của Quốc sư Viên Chứng, ứng dụng trong phương thức lãnh đạo chính trị, là phải biết lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình. Đây cũng là lần đầu tiên tư tưởng của Phật Giáo đã được vận dụng vào chính trị để hình thành một học thuyết lãnh đạo, mang tính nhập thế cao.
Năm 1257 dưới sự lãnh đạo tài ba của vua Trần Thái Tông, cùng tinh thần quật cường của quan, dân đã đánh đuổi quân Nguyên Mông ra khỏi đất nước về bên kia thế giới đem lại sự bình yên cho nhân dân và xã tắc. Nền độc lập của tổ quốc đã được giữ vững, hoà bình đã được tái lập trên đất nước, kéo dài gần 30 năm tạo điều kiện cho Đại Việt phát triển và tăng cường tiềm lực chiến đấu của mình. Đến tháng ba năm Mậu Ngọ(1258), Vua Trần Thái Tông đã truyền ngôi lại cho con mình là Trần Thánh Tông lên làm Thái thượng hoàng.
Nói tóm lại, Trần Thái Tông là một vị vua nhân hậu độ lượng, là thiên tài trong lĩnh vực chính trị, là người mở đầu cho triều đại hùng cường nhà Trần. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt, một vị vua anh minh, tâm để nơi đạo, đưa Phật giáo gần với nhân sinh, theo đúng nghĩa. Trong gia đình, Ngài là người con chí hiếu, người anh em rộng lượng, bao dung. Đối với đạo, một lòng cầu giải thoát, dù sống giữa bộn bề của quốc gia, gánh trên vai trọng trách đại sự. Qua tác phẩm Khóa Hư Lục, có thể nói cũng gợi lên hình ảnh về Người, từ sự thấu hiểu, cảm quan về thế sự vô thường, đến tâm cảnh tỉnh nhân gian ảo hóa. Những sáng tác của Ngài để lại đã đóng góp cho kho tàng văn hoá dân tộc và văn hoá Phật giáo những tác phẩm có giá trị lớn, chuyên chở nghĩa lý sâu xa. Vua Trần Thái Tông là người đã mở đầu một giai đoạn văn học mới của lịch sử văn học đời Trần mang giá trị không nhỏ, đóng góp vô cùng trong lĩnh vực khảo cứu, cũng như làm thời khóa, sách tấn, tu tập ngay bây giờ và tại đây.
1.2. Tác phẩm Khóa Hư Lục
Tác phẩm đã được giới nghiên cứu, sưu tầm gần 800 năm qua, được nâng lên cùng kinh điển, thể hiện sự trân quý đối với tác phẩm này.
Căn cứ vào bản truyền của chùa An Ninh, sau này được tổng hội Phật giáo Bắc kỳ cùng trường Viễn Đông bác cổ in lại trong Việt Nam Phật điển trùng san thì được sắp xếp thứ tự như sau:
Tứ Sơn
Phổ Thuyết Sắc Thân
Khuyến Phát Tâm Văn
Giới Sát Sinh Văn
Giới Thâu Ðạo Văn
Giới Sắc Văn
Giới Vọng Ngữ Văn
Giới Tửu Văn
Giới Ðịnh Tuệ Luận
Thọ Giới Luận
Niệm Phật Luận
Tọa Thiền Luận
Tuệ Giáo Giám Luận
Thiền Tông Chỉ Nam Tự
Kim Cương Tam Muội Kinh Tự
Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi
Bình Ðẳng Lễ Sám Văn Tự
Phổ Thuyết Hướng Thượng Nhất Lộ
Ngữ Lục Vấn Ðáp Môn Hạ
Niệm Tụng Kệ.
Chữ khóa (trong Khóa Hư) có nghĩa là sự hành trì học tập, khóa lễ, được thực hành đều đặn, như nếp sống. Chữ hư có nghĩa là với thái độ không cố chấp vào hình thức giáo điều. Nhu yếu của “khóa” là sự siêng năng thực tập, tu tập không để cho thời gian luống qua vô ích, mỗi thời khắc trong ngày đều có ý nghĩa riêng từ sáng đến tối không nên bỏ lỡ cơ hội được giác tỉnh. Hàm ý của “hư” tinh thần phá chấp tự do không kẹt vào khái niệm, hình thức. Chỉ với hai chữ đầu cũng đủ tổng hợp được tư tưởng thực tế của Phật giáo và sự vô ngã với mọi pháp môn, dù là ứng cơ. Nếu có thể, buông xả được pháp mình chứng đắc, như qua sông nhờ thuyền bè, nhưng lên được bờ không vì thế mà vác theo. Đây chính là tinh thần phương tiện được nói tới trong kinh Pháp Hoa, Kim Cương. Phá chấp là điều cần yếu cho mỗi lộ trình tu chứng, cứ khăng khăng giữ trạng thái đó, mọi sự tiến tu đều mắc kẹt, bởi chính tư duy hữu ngã, hữu pháp.
Trong bản dịch của Thiền Chửu, lời mở đầu của Khóa Hư diễn nghĩa: “Cứ theo nghĩa đen, Khóa là bài học, Hư là rỗng không, những cái ý nghĩa sâu xa thì tức là bài học dạy cho ta phải để tâm khiêm nhường thiếu thốn, tự biết mình còn mang tội lỗi xấu xa, còn ngu si, mê muội, phải ép mình mà tu tỉnh sám hối, nhẫn nhục tinh tấn, mới thâu thái được cái hay của Thánh hiền vào mình, hòng tẩy sạch lòng trần, tới bậc giác ngộ. Nếu ta cứ tự cho mình là thông minh, tài giỏi, là thánh thần khôn khéo thì đọc sách này cũng vẫn ở đầu lưỡi mà thôi. Ấy đại khái ý nghĩa hai chữ Khóa hư là thế”[1]. Nội dung bàn về những chủ đề Phật giáo, như vấn đề cốt lõi, tinh hoa, dành cho người tu tập, giữa chốn lợi danh có thể ứng dụng, như hoa sen vẫn nở trong chốn bùn lầy. Tất thảy đều là phương pháp bản thân Ông vua – thiền sư của dân tộc đã từng tu, từng chứng nhằm đưa chúng sinh có duyên hội ngộ bản kinh nhờ đó mà trở về thanh tịnh.
Trong đoạn văn sau đây trích từ bài Phổ Thuyết Sắc Thân: “Nếu chưa đạt được tâm Phật và ý Tổ thì trước hết hãy trì giới, niệm kinh. Ðến khi đạt tới trình độ Phật cũng không mà Tổ cũng không thì còn giới nào cần trì, kinh nào cần niệm? Lúc đó thì dù cư trú trong thế giới ảo sắc mà thật ra đã là cư trú trong thế giới chân sắc, ở trong phàm thân mà kỳ thực đã ở trong pháp thân”. Có lẽ, đây cũng là điều mà Trần Thái Tông muốn gửi gắm tới hậu nhân trong hành trình tu tập, qua văn học nghệ thuật. Bức thông điệp đẹp nhất, tinh tế nhất được vị Thiền sư từ bi trao gửi nhân sinh hậu thế, bởi lộ trình tu dài lâu, khó khăn, những lời sách tấn, cảnh tỉnh trong tác phẩm đều có thể nhân nơi trí tuệ sáng soi mà có nhân duyên giúp người ngộ đạo.
Hai bài Tứ sơn và phổ thuyết sắc thân, đều chung gợi ý cảnh tỉnh về vô thường, khổ, vô ngã trước thực tại ảo hóa. Tứ Sơn: Bốn bài thơ nói về bốn ngọn núi tượng trưng cho sinh, lão, bệnh, tử, viết theo thể văn biền ngẫu, rất nhiều hình ảnh thi ca.
Khuyến phát tâm văn thì khuyên răn hậu bối trong ý chí tu tập, không để thoái thất bồ đề, trước những cạm bẫy ngũ dục. Năm bài văn giải về ngũ giới, căn bản làm tiền đề cho thân người. Thực tế, lý thuyết trên căn bản cũng có thể là khuôn mẫu mà những người lợi khẩu cũng có thể bàn luận, nhưng sự giác ngộ, không thể dối trá. Tiếp đến là những bài về phương pháp tu thiền:
Giới Ðịnh Tuệ Luận: Trình tự thực hiện tuệ giác.
Thọ Giới Luận: Sự cần thiết của sự nhận giữ giới luật.
Niệm Phật Luận: Phương pháp giản dị nhất để khởi chính niệm và diệt trừ tam nghiệp tham sân si.
Tọa Thiền Luận: Nguyên tắc ngồi thiền.
Tuệ Giới Giám Luận: Về liên hệ giữa định và tuệ.
Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi: Sáu nghi thức sám hối áp dụng sáu lần trong ngày nhằm mục đích thanh lọc tâm lý.
Phổ Thuyết Hướng Thượng Nhất Lộ: Lời gợi ý về một đề tài thiền định trong sách Bàn Sơn Thùy Ngữ: “Một con đường hướng thượng, ngàn thánh không truyền”.
Ngữ Lục Vấn Ðáp Môn Hạ: Những lời Thái Tông trao đổi với các môn đệ, do môn đệ ghi chép lại.
Niêm Tụng Kệ: 43 công án thiền, do Thái Tông nêu cử, gợi ý và làm lời kệ tụng. Chính trong ba mục cuối vừa kể mà ta thấy được trình độ đạt thiền của Trần Thái Tông.
1.3. Khái quát nội dung bài kệ bốn núi
Trong Hán tạng, kinh Tạp A-hàm bài 1147 có nói về bốn núi. Tạng Pali kinh Tương Ưng Bộ bài 136 (Hòa thượng Minh Châu dịch) cũng nói về bốn núi. Với ý nghĩa, dù tài giỏi, kiêu căng bao nhiêu cũng nhụt khí thế trước sinh già bệnh chết. Sống trong nhân thế, ai cũng không khỏi bị bốn núi nghiền nát. Đến như thuốc Biển Thước cũng đâu cứu chữa, dù thầy hay, thuốc tốt cũng chỉ có thể níu giữ thanh xuân thêm vài ngày. Cuối cùng, núi tử cũng lăn dần đến cạnh ta, mấy ai thoát được. Thủy nguyên vốn không, vì vọng sinh các sắc, mải bắt dục trần nên cam chịu chìm đắm bến mê. Không cầu tỏ ngộ, lo đuổi bắt sáu trần, chấp nơi tự ngã nên trôi lăn mờ mịt. Cứ sáu đường lên xuống không thôi, cứ móc xích luân hồi không cởi gỡ. Đang không sinh không hóa lại làm cho có hóa có sinh. Như người dậm mắt, càng dụi càng chỉ thêm thấy hoa đốm. Những rồi lại tin hoa đốm là thật mà mải miết vần xoay (Kinh Lăng Nghiêm).
Cũng như Diễn Nhã Đạt Đa, thấy mất đầu lại đi tìm đầu. Mọi sự chấp thủ của tư duy đều sai sử ta đi ngược với giải thoát. Đến ngày nay, khi khoa học phát triển thì những câu kinh Bát Nhã giữa không - sắc càng được minh tỏ, bởi tất cả đều được soi kính thấy ra nguyên tử, nhỏ nhiệm tạm cấu thành, không tồn tại thực thể. Nên trong bài kệ của Tổ Huệ Năng nói “bản lai vô nhất vật”, đã không có gì thì sao có vướng chấp, khổ đau, sinh hóa từ đâu, để chịu lên xuống trong sáu nẻo.
Tổng quát kệ bốn núi:
Bốn núi cheo leo vạn khóm tùng,
Ngộ xong chẳng có, muôn vật không.
Mừng được ba chân lừa có sẵn
Cỡi lên thúc mạnh vượt cao phong.
Ban đầu, khi đọc qua sẽ thấy sự khó hiểu nơi bài kệ, sự cheo leo trên khóm tùng là thể hiện cho bốn núi sinh già bệnh chết, bấp bênh như thế, cũng chẳng thể đổi thay, vượt ngoài tầm với. Điều Phật giáo chỉ ra sự khổ cho chúng sinh cũng có thể cởi gỡ cho chúng sinh vượt qua mau chóng. Đây là điểm khác biệt của giáo nghĩa giải thoát, chứ không chỉ nói ra để dọa nạt, khiến lòng người hoang mang. Như bốn vị thần thông lên núi, xuống biển ẩn nấp cũng khó tránh vô thường hai chữ. Chỉ có tu hành, ngộ được muôn vật giả tạm theo duyên hợp, tan thì đâu còn bị ràng buộc nơi tứ đại. Đến Lão tử còn than “sở dĩ ta có hoạn lớn vì có thân”. Từ thân khổ lụy cũng ra trầm luân khổ kiếp, cũng thân đó lại thấy tính viên dung vô ngại, nhận ra tính sáng đầy đủ, rộng khắp. Vậy chọn theo lối nào là tự mỗi người suy xét, như mệnh vẫn có thể cải vận. Mừng được lừa ba chân, ở mỗi người đều có sẵn? Vậy là gì? Con lừa ba chân xuất xứ từ câu chuyện của ngài Dương Kỳ Phương Hội, đệ tử ngài Từ Minh. Sử Trung Hoa ghi rõ, có người tới hỏi ngài Dương Kỳ “thế nào là Phật”? Ngài đáp “Con lừa ba chân chạy tứ tung”. Ngài Trần Thái Tông mượn câu chuyện đó, nói có sẵn lừa ba chân cỡi chạy thẳng lên ngọn núi cao phong. Trong nhà Thiền, nói đến chỗ cứu kính, đó là chỗ vô lý hay phi lý. Tại sao? Vì tất cả lý lẽ chúng ta bàn luận ở thế gian đều tương đối, có phải có quấy. Nếu ai nói phải thì cho là hợp lý, nói quấy là phi lý. Nhưng cứu kính tuyệt đối là cái phi lý, tức là cái không suy lường được. Thường người ta nói tu là làm lành, là giúp kẻ khổ, nhưng đối với chỗ cứu kính, tu lại là buông, là bỏ, buông những niệm tưởng lành dữ, bỏ những tâm thiện ác. Lành dữ thiện ác đều buông sạch thì có lý hay phi lý? Từ cái phi lý mới đi đến chỗ cứu kính được, còn nằm trong đối đãi thì chưa đến cứu kính. Con lừa ba chân là chỉ cái phi lý. Đạt được cái phi lý mới lên tận ngọn núi cao phong. Trái lại nếu chưa đạt thì chưa lên được. Đó là ý nghĩa thâm sâu trong nhà Thiền. Theo ý nghĩ của người viết, căn cứ vào bản dịch mừng vui khi được tức là tìm thấy vì vốn có sẵn. Đã sẵn nơi chúng ta theo giáo lý Phật không gì chính là thân người khó được, Phật pháp khó nghe, tín căn đầy đủ. Bởi theo hàm ý của câu chuyện trên có thể thấy Phật có ở nơi thân, có nơi Pháp, có nơi lòng tin. Giờ đã hội tụ cả ba, nên chúng ta mới có cơ hội nói về điều này, nên hẳn phải vui mừng là đúng, không phải vay tạm của ai. Để đến câu cuối, có thể cưỡi lên vượt cao phong, tức có thể từ đó mà làm được điều phi thường, vượt gió lên ngàn, thoát khỏi cảnh Ta bà đầy uế trược. Thúc mạnh cũng là điều cần bàn, thể hiện tính quyết tâm cao, để vượt. Chữ vượt tương đồng với chữ việt trong hán tự chỉ sự qua bờ bên kia, với nghĩa ngay dưới thân bốn đại cũng có thể thành tựu. Sự thay đổi là ở tâm, chứ không chỉ dừng ở hình thức. Như Kim Cương kinh dạy “nếu dùng sắc thấy ta, lấy âm thanh cầu ta, người ấy hành đạo tà, không thể thấy Như Lai”, chính là như vậy.
Núi thứ nhất, tức là tướng sinh. Vì sai một niệm tức là từ thể chân không dấy động, có niệm phát ra thì thêu dệt nên bao phiền lụy. Hành giả tu đến chỗ vô niệm mới là dứt mầm sinh tử. Vì thế trong thiền lâm có câu “chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện”.
Thần thức vì khởi niệm ham thích chuyện dâm dục, mà gá nơi tinh cha huyết mẹ, nương âm dương thành hình. Con người, trong tam tài đứng vị trí trung tâm, là vật chí linh giữa muôn loài. Tất thảy, trí ngu, đủ căn, thiếu ý đều sinh ra từ bào thai. Lò bễ, bức ngạt, khó chịu, hôi thối đè nén, đâu có đáng vui. Từ vua quan, nhân dân, đến kẻ văn chương sáng giá, võ lược trăm bề cũng không tránh khỏi sống chết nơi nhân gian. Trai đẹp, gái xinh một đời, khi cạn khí, mất thần cũng giòi bọ lúc nhúc, tứ chi rã rời, còn chi mê đắm. Bao cái đẹp trên đời đều dành lời hoa mỹ để tả về cái hình dung sắc tướng con người, nhưng lại không biết sự biến đổi âm thầm mỗi ngày trên từng tế bào. Mùa xuân đầy sức sống, tam dương tràn nhựa khí, trăng rằm, lá liễu...đều nhường chỗ cho sắc đẹp của nam thanh, nữ tú. Nhưng ngờ đâu, vô minh chính thế càng dấn sâu, chấp mê bất ngộ, tham sân huân tập, khó dừng, khôn dứt, để chịu số phong trần lang bạt, không biết vốn sẵn viên ngọc minh châu trong chéo áo.
Kệ rằng:
Trời đất nấu nung vạn tượng thành,
Xưa nay không mống cũng không manh.
Chỉ sai hữu niệm quên vô niệm,
Liền trái không sinh nhận có sinh.
Mũi vướng các hương, lưỡi tham vị,
Mắt mờ chúng sắc, tai đắm thanh.
Lang thang làm khách phong trần mãi,
Ngày cách quê hương muôn dặm trình.
Bài kệ này rất hay, vừa nói giáo lý vừa nhắc nhở chúng ta kiếp luân hồi. Con người từ vô niệm dấy lên thành hữu niệm, đó là sai lầm, vừa có niệm liền quên mất vô niệm. Vô niệm là không sinh, dấy thành hữu niệm nên nhận có sinh. Vì thế khi chúng ta nhắm mắt vừa có niệm giận liền đi trên đường đau khổ của sân, có niệm tham thì đi đường khổ của tham, nếu niệm tịnh được sinh về cõi tịnh. Trái lại vô niệm thì hết sinh, tức vô sinh, thật là rõ ràng.
Mũi, lưỡi, mắt, tai, bị các trần lôi kéo, nói đủ là sáu trần lôi kéo sáu căn làm chúng ta say mê suốt cả cuộc đời. Vì say mê chịu làm khách phong trần lang bạt như đứa con cùng tử bỏ cha xa xứ (kinh Pháp Hoa).
Kẻ lang thang làm khách cho đến chủ nhân ông cũng đều là những kẻ ăn mày, khác nhau chăng có lẽ ở xin gì? Kẻ tìm cầu cơm áo qua ngày, người tìm kiếm chính mình, người càng đi càng ly hương, kẻ lại đi về hướng quê nhà, nhìn giống mà khác, lại vừa khác vừa giống, có thể lấy hình tướng mà nhận xét hay không?
Núi thứ hai diễn tả tướng già, hình dung thay đổi, tóc bạc, mặt nhăn, da đồi mồi, mấy ai còn lưu giữ sắc đẹp. Mẫu số chúng của con người đều như vậy, sao tránh được đau lòng, cảm xúc. Sinh mệnh leo lắt, chẳng thường, như ngọn đèn trước gió, lửa chớp, chiêm bao chợt về cõi âm ty tới khi tắt hơi thoi thóp. Ví như thủa sức dài vai rộng, má phấn môi son, sao tránh khỏi tuổi già mệnh yếu, mắt lòa, tai điếc, lưng gù, sườn vạy, gân chuyển xương đau, bước bước gập ghềnh, tinh thần mờ mịt. xưa ông Ly Lâu mắt sáng, nhìn xa thấy nhỏ, rồi đến già còn dám rao tài. Tai thính như Sư Khoáng, nghe thanh đoán họa, điềm cũng không giữ đến về già. Cây cối đến mùa thu còn rụng lá, màu đông thì trơ gốc, thì ai dám tự giương oai diễu võ, nói dài khoe hay.
Kệ rằng:
Con người kiếp sống tợ phù âu,
Thọ yểu người trời chớ vọng cầu.
Bóng ngả nương dâu, chiều sắp đến,
Thân như bồ liễu tạm qua thu.
Phan lang thuở nọ còn xanh tóc,
Lữ Vọng ngày nay đã bạc đầu.
Cuồn cuộn việc đời thôi chẳng đoái,
Vầng ô gác núi, nước trôi xuôi.
Tướng bệnh chính núi thứ ba, già thì đến bệnh, tranh nhau giành chỗ cao hơn. Có khi đâu đợi tuổi già đuổi tới, bệnh đã xâm lăng, lãnh giữ địa bàn. Đều do bốn đại không hòa, bốn rắn ở chung một tráp, xung khắc với nhau. Đất và nước tính chìm xuống, gió và lửa tính bốc lên, tâm thức tháo động không ngừng, tùy nghiệp chịu báo. Nên có nóng lạnh thất thường, kinh mạch không thông, khí huyết cạn khô, trăm thứ bệnh sinh, đại tiểu tiện, không sao kiềm giữ. Đứng đi khó khăn, cần người dìu đỡ, đâu có được tụ mình lo liệu, tự trọng, tự tôn lấy gì nhiếp phục. Thân bệnh khổ đau, còn khó vượt mà tâm bệnh còn độc hại nguy khốn không cùng. Ngũ quan, ngũ trần đuổi rượt nhau, vòng quay không dứt, mắt ham sắc, tai thích thanh, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân tham xúc, ý phân biệt, gieo giống hàm tàng trong tạng thức, rồi ươm mầm cho thân kế tiếp. Nhân loại càng tìm kiếm bên ngoài càng cách xa chính mình chìm đắm để ý thức vây bủa, không lối thoát. tâm ma bóng quỷ đưa đường lối lạc, rồi cùng quẫn không ra, như cô công chúa nhất mực đòi nhặt bong bóng dưới thềm để xâu hạt chuỗi. Tự mình úp chụp chính mình lại đem lo lắng đổ đầu cha mẹ, người thân, vậy mà lỡ. Gánh nặng một đời bản thân còn khó đỡ, sao có thể giúp người khỏi nguy nan. Nếu không sớm ngộ lối ra, sẽ mãi chìm trong biển khổ, luống phí một đời, mê lầm nhiều kiếp.
Kệ rằng:
Âm dương trái vận vốn xoay vần,
Gieo rắc tai ương đến thế nhân.
Đại để có thân thì có bệnh,
Ví bằng không bệnh cũng không thân.
Linh đơn chớ cậy trường sinh thuật,
Lương dược khó mong được sống bền.
Sớm nguyện xa lìa ma cảnh giới,
Xoay tâm về đạo, dưỡng thiên chân.
Bởi âm dương mà có tứ tượng, bát quái, có phong thủy tử vi về đời người. Nho gia nói con người không ngoài âm dương xoay vần, bất thường, không hợp thì bệnh được chiêu mời tác quái. Đâu thể bằng tìm thấy linh đơn huyền diệu nơi đạo Pháp, xả thân tứ đại, sống với Pháp thân, mới là vĩnh lạc, an vui.
Núi thứ tư là tướng chết. Ai trong nhân thế không cầu tăng long phúc thọ, nhưng mọi lời cầu nguyện sao tránh được bốn núi nguy nan. Công danh, cái thế, chung quy, giấc mộng vô thường, tranh ngã, tranh nhân sao trốn được hạn đến tang môn. Đầu non khe suối chôn bao kẻ anh hùng, tóc xanh mới đây nay đà bạc trắng. Mới mừng sinh nhật hôm nào nay tiếp tới kỳ phúng điếu, một bao máu thịt, trăm năm khổ luyến ân tình, mấy thước xương khô, buông lung tham sẻn bạc tiền. Hơi thở ra thật khó trở lại, bóng chiều đã xế, đâu chắc ngày mai. Kinh Địa Tạng còn ghi “cha con cũng không thể chịu thay cho nhau được”, thọ mạng, kiếp số, nghiệp nhân, sao có thể muốn mang sang ai thì mang, muốn gánh cho ai thì gánh, mọi tình thân máu mủ cũng không có quyền đổi chác.
Kệ rằng:
Cào đất đùng đùng trận gió hanh,
Lão ngư say tít, chiếc thuyền chành.
Bốn bề mù mịt mây sầm bóng,
Một dãy lô xô sóng cuộn ghềnh.
Theo lớp hạt mưa bay phấp phới,
Dồn nhau tiếng sét nổ đì đoành.
Giây lâu tan bụi, bên trời tạnh,
Trăng lặn lòng sông, đêm mấy canh?
Qua bài kệ bốn núi, có thể thấy được sự dung hợp bình dị của ông Vua, đứng đầu đất nước nhưng cũng chỉ như mọi người, cũng được sinh ra, đều có nước mắt cùng mặn và dòng máu đỏ, cũng là đứa con của cha mẹ, là chồng, là cha, là chú, không khác mọi người. Bằng con mắt đó, Ngài đã thấu tỏ vô thường cũng không chừa ai, bốn núi không vì dòng tộc mà bỏ qua, không đoái. Mọi cảnh sắc vui tươi nơi trần thế, cũng đưa về khổ đau. Riêng có pháp diệu nhiệm màu, dắt qua bể khổ. Vì lòng từ mẫn đối với chúng sinh, vị Thiền sư vĩ đại đó đã viết lên những áng văn thơ chân thật, vẫn đầy thi vị, đưa người về nẻo giác với phương tiện thiện xảo, vậy thôi.
2. Giới thiệu bài kệ thứ hai
2.1. Chữ Hán
二山 (老)
人生在世若浮漚
壽夭因天莫妄求
景逼桑榆將向晚
身如蒲柳暫經秋
青雕昔日潘郎鬢
白遍當年呂望頭
世事滔滔渾不顧
夕陽西去水東流
Phiên âm: NHỊ SƠN (Lão)
Nhân sinh tại thế nhược phù âu
Thọ yểu nhân thiên mạc vọng cầu
Cảnh bức tang du tương hướng vãn
Thân như bồ liễu tạm kinh thu
Thanh điêu tích nhật Phan Lang mấn
Bạch biến đương niên Lã Vọng đầu
Thế sự thao thao hồn bất cố
Tịch dương Tây khứ thủy Đông lưu
Dịch thơ: BÀI NÚI THỨ HAI (Già)
Kiếp người như bọt nước phù du
Thọ yểu đừng mong ở vọng cầu
Cành dâu im bóng chiều phai nhạt
Nhánh liễu đìu hiu thu úa màu
Phan Lang thuở ấy còn trai trẻ
Lã Vọng giờ đây đã bạc đầu
Chuyện đời thôi nhắc, trời Tây đã
Ác lặn, triều Đông nước chảy mau.
2.2. Ý nghĩa bài kệ
Mở đầu bài kệ thứ hai nói về tướng già suy, yếu, báo hiệu những lo ngại tới gần. Bọt nước là hình ảnh được ví cho đời người, bởi sự có không, lên xuống ai biết trước, thịnh suy đắp đổi. Trong thai, thì hấp thụ máu huyết của mẹ mà lớn dần, lớn lên đều nhờ vào cơm gạo, tiếp nối xác thân, bồi bổ bằng thịt chúng sinh. Dù là gì cũng từ nơi đất nước bên ngoài ngoài nuôi cấy lên thóc gạo. Như vậy bốn đại trong người với bên ngoài đâu có khác nhau, hỗ trợ tương dung nhau, mà tăng trưởng. Một mai, vận đổi sao rời, sống chết thay nhau thì khác chi bọt nổi, bóng chớp. Không chỉ mang nghĩa thực mà sự so sánh bọt nước với thân người cũng hàm ý sâu xa. Nhìn ngắm về biển sẽ hiểu những đợt sóng xô nhau vào bờ cũng do duyên đập giữa gió và nước tạo thành bọt, nhưng bản chất vẫn là nước. Mọi hình dạng như băng, sóng, bọt, mây, thường được ví trong Phật pháp như điều giả tạm. Tìm về tính chân thật không gì khác là nước, bản chất tĩnh lặng. Chính như thân xác này, tưởng chừng như của Ta, hàng ngày ta chăm sóc, lo lắng, vuốt ve, chiều chuộng, mà nó còn trở mặt ra đi không thèm ngoảnh lại. Thì những thứ phù du như tình tiền, thân sơ còn chi trông đợi. Bài quy y thường nhắc tới bốn người bạn của chúng ta, thứ nhất chính là bản thân, thường được chiều chuộng nhất mực không chống trái, hai là người vợ/chồng, tay ấp má kề, cạnh bên không rời, buồn vui, chia sẻ, ba là người không đằm thắm như hai người trước, nhưng cũng có chút ân cần, san sẻ, bốn là người thường ít được hỏi han, thăm viếng, lại không được quan tâm, chẳng thèm đếm xỉa, thậm chí còn bị xua đuổi. Đức Phật đưa ra hình ảnh về bốn người bạn nhằm chỉ đến bốn thứ quan trọng trong đời người. Một ngày bị bệnh sắp phải chầu Diêm La, chúng ta nghĩ đến bốn người bạn lần lượt là sắc thân, tiền bạc, cha mẹ - họ hàng và nghiệp. Theo ta như bóng hình, không rời nửa bước không gì ngoài nghiệp, tự mình huân ướp hàng ngày.
Hai câu kệ thứ ba và tư với hình ảnh cành dâu, nhánh liễu đìu hiu, buồn bã đến thê lương như cũng cảm tác về thân người, một khi già yếu, dù trước mộng cảnh xanh tươi cũng không thể hòa nhịp. Sự mệt mỏi thân xác, sự gắng gượng từng ngày, được đếm theo hơi thở, sao còn dám thăm thú, nghĩ tưởng vui thích. Hình tướng thay đổi mỗi ngày, khí huyết hư suy, tiều tụy, như một lời báo hiệu của vô thường gửi tới. Cảnh vật còn điêu linh, ảo não thì con người thọ yểu chỉ là trước sau. Nhĩ căn thính lực hơn người như Sư Khoáng[2], mắt sáng tựa Ly Lâu[3] cũng sao tránh khỏi về già mà thoái thất. Cảnh trời xếp bóng non đoài tức tả mặt trời sắp lặn, buồn hiu hắt, vốn như định luật, nước chảy về biển Đông là tất yếu. Núi già ấy được ví như mùa hạ, khô khan, cạn kiệt, sức cùng, lực kém, đến muôn vật héo úa, nắng gắt thô nứt, mà trăm sông như hạn. Vậy làm sao, tươi tốt xum xuê, hoa lá sao tung mình hứng gió, chỉ có thể hoa tàn liễu rạc, rũ rượi, thiếu khí, chờ ngày rời cành, không xa. Phan Nhạc thời Tấn, Tử Nha nhà Chu, cũng một thời sức xuân đương thủa, cũng một thời vang danh dội trí, đến thời gọi phải dang tay vô thường, đâu mang giữ được gì. Đời người ta hay chính mình đều sinh sinh hóa hóa, không khác gì như đóa phù vân, cuộc bể dâu thay đổi muôn lần, ông tạo hóa xoay vần đến ngao ngán. Đường sinh tử nối dài được mấy đỗi, còn hồng trần tụ tán họp tan, trăng tròn lại khuyết, bèo trôi mặt nước ngược xuôi. Cứ thế mới hay, mọi thứ đều có chỗ trả về, lấy gì hối tiếc. Đức Nhân chủ, chỉ ra lời dạy về sự nổi trôi thân xác, qua được bốn núi, coi như ngậm nhấm nhân gian, nếu không cảm thấy vội vàng tìm đường phất chí, chỉ e luân lạc bao đường, đợi khi nào mới ngoi khỏi mặt biển mà tìm thấy mảnh gỗ để chui đầu. Sự dẫn dắt quá đỗi từ bi của Thiền sư đã gợi nhớ cho hậu bối mỗi khi đọc kệ lại tỉnh ra cần gìn giới năm lòng, mong huân ướp định tuệ nghiêm thân. Cầu qua khỏi lưới mê phiền não, trong tinh tấn giữ mình không lãng, ngoài từ bi phổ hiện lợi tha. Thấy được thể bất động, không duyên trần cảnh, đối lục trần bào ảnh khác chi. Vọng tình thấu tỏ đến khi Niết Bàn chính là ý mà Người gửi gắm. Thân là minh chủ một nước, bao việc bộn bề, nhưng tấm lòng của Ngài không khác chi vị Phật, nhìn con dân trong nước, ngụp lặn mà thương cảm viết vài lời dặn dẽ.
3. Bài kệ thứ hai từ nghệ thuật văn học chủ đạo đến tư tưởng nhân sinh
3.1. Nghệ thuật văn học
Dựa trên tôn chỉ phá chấp, phân biệt, Thiền học thời Trần được ứng dụng vào đời sống, nhìn nhận thiên nhiên con người dưới lăng kính đạo Phật. từ đó, có thể tu dưỡng những nhân cách lớn, hoàn thiện con người theo đường lối an nhiên tự tại. Đưa đời sống con người vững chãi, mạnh mẽ hơn trước mọi biến cố, lại phù hợp phát triển đất nước. Chính tính đại chúng đó, lại một lần nữa trong lịch sử Phật giáo, là sự linh hoạt, mềm dẻo của Phật giáo, nguyện chuyển mình để đồng hành cùng dân tộc đi lên.
Những thể loại văn học thời Lý Trần có thể nói cũng khá đa dạng như kệ, thơ, ngữ lục, tụng cổ, tiểu thuyết, luận thuyết....
Kệ là loại văn vần, giảng giải những điều uyên áo, bàn luận những công án thiền, như một chân lý tối hậu của người Thầy. Sử dụng những hình ảnh thiên nhiên, cuộc sống đầy màu sắc sinh động đều có tác dụng khơi gợi khiến bừng tỉnh, ngộ nhập đến đạo mà không hề khô khan.
Thơ của hai thời Lý và Trần cũng có đôi điều khác nhau, nhưng chung quy cũng đều bày tỏ những ý vị Thiền qua cuộc sống, thiên nhiên hết sức đời thực, không cần quá khuôn mẫu, vượt qua sự phân biệt trong ngoài, con người và thiên nhiên hòa cùng nhau, như trở về bản thể, cảm nhận giây phút nhẹ nhàng an lạc.
Ngữ lục là những tác phẩm ghi lại sự truyền dạy của Thiền sư với môn đồ đệ tử, qua hình thức vấn đáp. Nhưng không phải cách trả lời trực tiếp như thông thường mà ẩn dụ, trực ngộ không để ý thức đan xen. Lối hỏi đáp đầy ẩn ý, đến khó hiểu hay vượt ngoài tưởng tượng của kẻ trí thức, đánh đổ mọi lầm mê, mang tính giáo điều áp đặt.
Tụng cổ hay niêm tụng kệ là những tác phẩm luận bàn về những công án thiền nổi tiếng liên quan đến các vấn đề xung yếu của đạo pháp. Phần đầu thường là nêu ra một công án hay thiền thoại cùng những lời bình ngắn gọn của người đi trước và cuối cùng là một bài thi - kệ của tác giả nhằm luận bàn hay ghi lại cảm nghĩ về câu chuyện Thiền ấy.
Một dạng văn nghị luận tôn giáo, thuyết giảng về triết học Phật giáo, xuất hiện thời nhà Trần như Khóa Hư Lục. những dẫn chứng cụ thể, đầy chặt chẽ, khéo léo, văn phong mượt mà, tạo nên tác phẩm độc đáo, giàu giá trị nghệ thuật.
Tiểu truyện là thể loại viết về cuộc đời danh tăng Việt Nam, vừa giống sử vừa là truyền đầy hấp dẫn, lôi cuốn. Những nhân vật được miêu tả về quê quán, tên tuổi, tác phẩm, hành trạng đắc đạo.
Đúng như cái tên bài kệ, nằm thứ hai trong kệ Tứ Sơn, đầy ngắn gọn, súc tích, theo thể thất ngôn bát cú, được viết bằng chữ Hán, nhưng chứa đựng nghệ thuật vô cùng. Nói đến văn học Trần, đã đóng góp không nhỏ trong nền văn chương, học thuật, để lại kho tàng cho hậu lai. Kết cấu hai câu một trong cùng ý nghĩa, theo tính tỷ lệ thuận như một cách lặp, luận logic, bổ sung hỗ trợ nhau đến độ mang đến cho người đọc sự rõ ràng, không quá khó hiểu.
Đồng như cách triết ý của thể văn đồng loại, hàm ý trong bài toát lên con người tác giả, bộc lộ tâm tình của vị Nhân vương vì nước vì dân. Tinh thần Phật giáo vốn xuất phát từ sự lợi tha, thì đến Vua, người đã bắt trọn được tư tưởng đó, linh hoạt ứng hợp trong đời sống hiện thực qua lời dạy ẩn ý sâu xa của vị Quốc sư lúc ban đầu. Xét về phương diện nghệ thuật văn học ngoài kết cấu bảy chữ tám câu thì không có gì khác lạ. Lời văn dung dị, nhẹ nhàng mang nét đặc trưng riêng của dòng Thiền thời Lý Trần. Không lẫn màu sắc thơ thiền của một khuôn mẫu nhất định, mang hình ảnh thi vị, ngẫu nhiên như chính cuộc sống hàng ngày được tận mắt chứng kiến. Từ những lời thơ đó, cảnh vật trước mắt được in dấu trong tâm tưởng tác giả, kết thành vần thơ tuyệt diệu về tính chân thât và diệu dụng giác ngộ. Thật khó có thể nhìn bằng mắt thịt sự tu chứng của một con người, nếu không phải qua những tác phẩm mà Ngài để lại, cùng một hình ảnh, cảnh sắc thiên nhiên úa màu tàn tạ đìu hiu, trước gió, những cành liễu, u buồn rủ xuống trước sân, bắt gặp bao nhiêu hình ảnh là bấy nhiêu những ưu tư của hành giả tu tập, trực nhận ra lời dạy tứ đế của Phật. Chuỗi sinh diệt của sự quán tưởng đã đưa đến kết quả chứng ngộ trong tâm của tác giả, qua mỗi vần thơ. Giống như, khúc nhạc không lời của gió cũng khiến người nghệ sĩ nghe ra âm điệu bài hát, như tâm hồn người trí chỉ để nơi đạo giải thoát mà thôi. Vượt qua những khái niệm của ý thức, không chịu chi phối của tri thức sách vở, không dập theo khuôn của chư Tổ, khoảnh khắc thực tại như bừng tỉnh giữa cơn mơ quá lâu, tất cả như giao hòa làm một, không còn nghĩ thiện ác.
Ngôn ngữ Thiền Việt Nam, đặc biệt thời Lý Trần mang đậm nét đặc trưng của phương Đông bởi tính hàm súc. Cũng những biện pháp nghệ thuật tương hợp, tượng trưng ẩn dụ, điển cố, điển tích, bài kệ lão đã đưa người đọc có cái nhìn sâu xa hơn, vượt ngoài tư duy hàng ngày, sai lệch. Nguyên lý duyên sinh Phật giáo, khi nhìn về những thể loại văn học có thể nói là đều ẩn tàng trong nhau, tách rời chỉ là cách phân biệt tạm thời, nhưng thể chất vốn khó biền biệt.
Sự phong phú của khách trần, thiên nhiên hữu hạn, cùng với tâm hồn phảng phất sự kỳ ngộ, giữ gìn trạng thái tinh cần mỗi ngày, đưa đến một hệ quả tất yếu trong sự chứng ngộ. Những vần thơ trong bài kệ, như tấm gương soi sáng tâm hồn thi sĩ của tác giả. Nhờ Thiền sư, cảnh vật được mô tả, kết nối tạo nên vần thơ ý vị, ngược lại, nhờ thiên nhiên, con người trần thế, gợi mở, cho sự ra đời của thi nhân, một thiền sư ngộ đạo. Điều này, càng minh chứng cho ý nghĩa duyên sinh trong giáo lý vi diệu, càng làm sáng rỡ nên lời dạy của Phật. cái cốt yếu trong kệ thơ này đã đạt tới tinh hòa, không còn cầu kỳ, dài dòng, không cần quá lạm dụng ngôn ngữ, hợp với căn cơ người trí. Kinh Pháp Hoa dạy: “người trí nhờ thí dụ mà tỏ ngộ” có lẽ chính là ý này. Hai câu cuối bài kệ, như kết lại về Lão (già) của đời người, nhưng lại gợi mở ra một con đường mới, con đường hướng tới sự tìm cầu, giác ngộ. Không bị hạn cuộc trong giới hạn của cõi Ta bà khổ đau, tâm ý như vượt ngoài tất cả, giải phóng tiềm lực rộng lớn, sâu thẳm mới được khám phá. Trong bài, mặc dù không sử dụng phạm trù mỹ học Thiền, nhưng ý nghĩa thực và ẩn dụ vẫn bàng bạc. Qua đó, có thể nhận thấy, chủ trương trong văn thơ Trần là ở tâm ý con người. Một khi thấy được bản thể, nhận thấy được sóng và nước, sẽ dễ dàng tìm về được an nhiên, cởi bỏ những tiêu cực áp lực.
Bằng thủ pháp ẩn dụ, bài kệ lột tả được tâm tư tác giả trước định luật thiên thu, nhưng tâm thái đầy tự tại, không vội vàng, không sợ hãi, càng xây dựng nên một hình tượng Thiền sư vĩ đại của dân tộc, như niềm tự hào chung. Điểm chung của những lời thơ, ý văn đều là gửi gắm của tác giả về xu hướng trực ngộ, khai thị, tri kiến, trở về cội nguồn.
Những điển cố được đưa vào thơ kệ, có thể nói là trích lục trong lịch sử, thể hiện rõ cái nhìn xuyên suốt, thông hiểu của tác giả. Nhờ thế, mới thấy được đạo không hề tách rời khỏi đời và ngược lại.
3.2. Tính nhân bản của bài kệ
Với ngôn ngữ hàm súc, mang ý gợi mở cao, bài kệ thứ hai cũng như tổng số chung đều được đan kết những yếu tố là con người, thiên nhiên, thời gian và không gian. Con người luôn là thành tố chính trong văn thơ Trần, cũng như chính Phật giáo lấy con người là trung tâm. Đây chính là nội dung nhân bản được đề cập tới qua bài kệ Già.
Thiên nhiên đứng vị trí thứ hai, làm bước đệm nổi bật như tô vẽ cho thơ kệ được nhẹ nhàng xinh tươi. Vừa có ý nghĩa trực tiếp lại mang được tính biểu tượng, văn học Trần hướng tới tính thực và cái thường hằng giữa vạn vật bị chi phối bởi thành trụ hoại không.
Không cần hai khái niệm đối lập, mà mang thuần ý tương ứng, bài kệ mô tả về cái già đuổi bắt con người đến hụt hơi, sợ hãi, như thiên nhiên ủ ê buồn bã giữa mùa hạ khô khan, gần như suy kiệt, vẫn mang ý nhấn mạnh được điều nhà thơ muốn đưa tới độc giả. Cái vần xoay của sinh diệt, cái trống không tất yếu của vạn vật, như cùng hòa nhập, dưới lăng kính Phật giáo lại quá đỗi diệu kỳ. Xuyên suốt bài kệ là không gian đầy màu ảm đạm từ thiên nhiên đến sắc xám của con người bị tuổi già chi phối nhưng đâu đó lại ánh lên hay le lói tia hi vọng về bầu trời xanh trong, chân thực, của tâm hồn giải thoát.
Thời gian, của đời người cùng mùa hạ oi ả, bức bối đưa người đọc đến cảm giác dài xa, nhưng thực tế lại chỉ như chớp mắt. Cứ như vậy, bốn yếu tố này hòa quyện tạo nên một bức tranh được vẽ chi tiết từ vi đến vĩ mô. Đưa người đọc, có cơ hội thử quay người nhìn lại, mà cảm tác số phận chính mình cũng suy biến theo quy luật để có thể theo dấu chân xưa tìm về quê nhà thân quen yêu dấu.
Toàn bộ bài kệ đầy ẩn ngôn ngụ ý, không ràng buộc ai, mà đưa con người ta đến tự nguyện, tự ngộ. Lối văn vô cùng nhẹ nhàng, lịch thiệp, nho nhã cứ thế cuốn lôi độc giả về với chính mình đã bỏ quên không biết bao lâu. Sự khơi gợi lĩnh ý này của thiền sư cũng chính là tinh thần Phật giáo đối với thế giới. Giọng thơ trong bài bình đạm, khách quan không cuồng nhiệt, làm đắm say con người theo lối trần tục, cũng không thờ ơ, cảm khái sự xa lạ. Một chút đơn sơ, nhưng ẩn chứa nhiều một tâm hồn cao cả, một tâm thái của người đứng đầu, đưa rước hậu lai từng bước, không để lạc lối mề lầm.
Thể thất ngôn bát cú được làm dựa trên quy chuẩn văn thơ Nho học, nhưng ý nghĩa hàm tàng ở đây hoàn toàn mang tính độc lập sâu sắc. Tinh thần tự tôn dân tộc được vạch định rõ trong từng lời thơ, đem đến sự đặc sắc khác biệt của cả một triều đại huy hoàng trong lịch sử.
Qua vài khái lược về nội dung ngôn từ bài kệ đã nổi bật nên tính nhân bản của văn học Trần nói riêng và văn học Việt Nam nói chung. Con người luôn là đề tài muôn thủa của những nhà thi sĩ, nghệ thuật, nhưng có mấy bài vút lên chí hướng ra khỏi khổ đau nhân thế. Điều này làm nên một bộ phận văn học Phật giáo không hề thoát ly xã hội, đầy tính nhập thế.
KẾT LUẬN
Qua bài kệ thứ hai trong bốn núi, có thể thấy được nét đặc trưng bao trùm toàn bộ văn học Việt Nam trong giai đoạn Lý Trần. Ngoài những thủ pháp nghệ thuật của bài kệ mang lại, còn hàm nghĩa sâu sắc ý độ sinh, lợi tha của chư vị đệ tử Phật. Có thể không cùng địa lý, lịch sử, xa gần, nhưng tinh thần đó được truyền nối từ thời đức Phật. Giống như đức Thế Tôn, chỉ một lòng vì chúng sinh chỉ ra sự khổ cùng sự diệt khổ, chưa từng nghĩ sẽ là nhà triết gia vĩ đại, nhà khoa học tầm cao hay nhà tôn giáo gì đó. Những danh xưng thế gian tôn kính Ngài mà vinh danh như thế, thể hiện niềm tin quý vô biên trước một hệ thống giáo dục vĩ đại cho nhân loại. Gọi bằng bất cứ cái tên nào cũng chỉ có thể gợi lên một khía cạnh, không phải là tất cả. Cũng như thế, đối với lịch sử dân tộc nước nhà thì Trần Thái Tông là ông vua anh minh, vì nhân sinh. Với nền văn chương nghệ thuật, Ông đã góp phần làm phong phú cho kho tàng lời hay ý đẹp của dân tộc. Chỉ vỏn vẹn tám câu kệ theo thể thất ngôn, cũng lột tả được sự hữu hạn, bất lực của thiên nhiên, con người trước định luật vô thường, lại mở ra con đường tu tập, đưa người qua biển khổ. Thân là vị Vua gánh trách nhiệm cao cả, lại mang danh đệ tử Phật, há lại có thể thờ ơ, lãnh đạm, chính bởi vậy đã thôi thúc hình thành nên sự dân chủ cho đất nước, sự giải thoát an sinh nơi nhân thế khổ đau, thực sự lưu dấu trang sử hào hùng với tinh thần nhập thế cao cả.
Tác giả: Thích Nữ Bảo Giác Học viên Thạc sĩ Khoá 4, Học viện PGVN tại Tp.HCM *** CHÚ THÍCH [1] Trần Thái Tông, Trần Thái Tông hoàng đế ngự chế Khóa hư kinh, Thiền Chửu dịch và diễn nghĩa, Nxb Hưng Long, Sài Gòn, 1961, tái bản, tr12. [2] Sư Khoáng: tên một nhạc sư đời Tấn, thời Xuân Thu, tên chữ là Tử Dã, có thể nghe tiếng nhạc mà biết cát hung. [3] Ly Lâu: tên gọi là Ly Chu, người thời Hoàng Đế, có con mắt sáng, nhìn xa ngoài trăm bước, mà thấy từng mảy lông. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đào Duy Anh dịch, Khóa Hư Lục, Nxb Tôn Giáo, 2013. 2. TT. Thích Phước Đạt, Trần Thái Tông và Khóa Hư Lục nhìn từ góc nhìn văn học, Nxb Hồng Đức, 2019. 3. Thích Phước Đạt, Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb Hồng Đức, 2016. 4. Thích Tuệ Hải dịch, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Thành hội Pg Hồ Chí Minh ấn hành, 1993. 5. HT. Thích Thanh Kiểm dịch, Khóa Hư Lục, Nxb Dân Trí, 2020.
Bình luận (0)