Tóm tắt: Ngót hai thiên niên kỷ du nhập và phát triển, Phật giáo Việt Nam đã định hình nhiều loại hình nghệ thuật Phật giáo độc đáo mang đặc trưng riêng gắn với triết lý và tập quán tu tập của tôn giáo này, góp phần quan trọng vào tiến trình kiến tạo nền văn hóa Việt Nam phong phú, đậm bản sắc dân tộc. Vấn đề đặt ra là: nghệ thuật Phật giáo nước nhà được xác định gồm những loại hình nào, cơ sở tư tưởng chính và vị trí, ý nghĩa lịch sử của mỗi loại hình trong nền văn hóa Phật giáo và nền văn hóa truyền thống Việt Nam? Bài viết này sẽ nghiên cứu vấn đề liên quan và đề xuất hướng nghiên cứu nhằm bảo tồn và phát huy di sản nghệ thuật Phật giáo trong dòng chảy văn hóa nước nhà hôm nay và mai sau.

Từ khóa: Phật giáo Việt Nam; Nghệ thuật; Kiến trúc, mỹ thuật, điêu khắc; Nghệ thuật diễn xướng; Nghệ thuật văn chương; Nguồn gốc; Định hướng nghiên cứu, bảo tồn.

1. Nhận diện loại hình

Căn cứ vào nguồn chính sử, các tư liệu khảo cổ, mỹ thuật, kiến trúc và các nguồn tài liệu gốc hiện liên quan tới lịch sử văn hóa và Phật giáo thì nghệ thuật Phật giáo truyền thống có thể phân thành 3 loại hình cơ bản, gồm: i) Nghệ thuật Kiến trúc - Điêu khắc - Mỹ thuật; ii) Nghệ thuật văn học; và iii) Nghệ thuật Diễn xướng. Việc phân định này chỉ có tính chất tương đối vì trên thực tế, chúng ta có những loại hình nghệ thuật liên quan tồn tại trong mỗi nhóm. Cụ thể, nhóm loại hình thứ nhất, mặc dù có thể phân tách nhỏ hơn song giữa mỹ thuật và điêu khắc có mối liên hệ mật thiết với nhau, phổ biến và biểu hiện rõ nét nhất trong kiến trúc chùa tháp và tạo tác tượng phật. Loại hình nghệ thuật thứ hai, tương tự, chúng ta có thể xác định, ở đây, chủ yếu là nghệ thuật thơ ca, chữ viết (trong đó có Thư pháp) nhưng vai trò của một số thể văn trong nó (một số thể trong kinh Phật) cũng rất đáng chú ý, cần định danh để khái quát đủ ngoại diên của khái niệm. Đối với nghệ thuật diễn xướng, mặc dù âm nhạc là nòng cốt, chi phối các diễn xướng còn lại (các trò diễn và nghệ thuật múa), song việc xác định khái niệm cần thể hiện tính khái quát, logic để thuận lợi trong quá trình phân tích.

Như vậy, khái niệm “Nghệ thuật Phật giáo Việt Nam” có thể định nghĩa là các loại hình nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ văn học, hình tượng mỹ thuật, kiến trúc, điêu khắc và âm nhạc làm phương tiện diễn tả trí tuệ, sự giác ngộ và thuần phong mỹ tục của Phật giáo Việt Nam do chính phật tử Việt Nam sáng tạo, thực hành, duy trì - trao truyền từ đời này qua đời khác.

Là nghệ thuật Phật giáo, các phương tiện ngôn ngữ diễn tả đều dựa vào nền tảng tư tưởng Phật giáo và truyền thống văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Những người thực hiện tạo tác các tác phẩm, công trình nghệ thuật trong không gian Phật giáo đều xuất phát từ những nguyên tắc này. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua nhận diện yếu tố nữ được chú trọng, nhiều vị thần bản địa được phối thờ trong Phật giáo Việt Nam; các loại hình nghệ thuật Phật giáo đều thể hiện được mối quan hệ hữu cơ này.

Sơ đồ: Quan hệ giữa tư tưởng Phật giáo, văn hóa bản địa và nghệ thuật Phật giáo Việt Nam

Đi vào loại hình cụ thể có thể khẳng định kiến trúc, điêu khắc và mỹ thuật gắn với Phật giáo là một trong hai loại hình nghệ thuật (cùng với nghệ thuật văn học) xuất hiện sớm và phổ biến trong lịch sử văn hóa Phật giáo nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung. Ngay từ đầu Công nguyên, việc xây dựng chùa Dâu, và đặc biệt sau này là các ngôi chùa xây dựng vào thời Lý - Trần như chùa Phật Tích (Bắc Ninh), Chùa Một Cột (Hà Nội), chùa Thái Lạc (Hưng Yên), …[1], đã cho thấy một lối đi riêng trong phong cách kiến trúc, mỹ thuật và điêu khắc Phật giáo Việt Nam. Trong không gian chùa Dâu, nhìn vào nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc có thể xác định rằng, tính độc đáo của nó không chỉ thể hiện ở kết cấu, các cấu kiện và nghệ thuật chạm khắc trong chùa mà nó còn đặc biệt khẳng định rõ một lối nghệ thuật Phật giáo dân gian qua nghệ thuật tạo tác tượng Phật - Pháp; hiện tượng hỗn dung triết lý, tư tưởng Phật giáo và văn hóa bản địa trong thờ Tứ pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Điện, và Pháp Lôi) là một trong nét độc đáo trong nghệ thuật vật thể truyền thống của Phật giáo Việt Nam. Mặc dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử với những biến đổi, nhiều hiện vật quý bị mất hoặc biến dạng nhưng những gì còn duy trì lại đến hôm nay đều khẳng định hệ giá trị, vị trí, ý nghĩa cũng như sức ảnh hưởng của nó đối với nền văn hóa Phật giáo Việt Nam. Chính vì thế, Phật giáo Luy Lâu và sức ảnh hưởng của nghệ thuật Phật giáo vùng này đã lần lượt được ghi nhận, lưu truyền trong dân gian và được ghi chép trong chính sử, các nguồn tài liệu cổ như chuyện Man Nương trong Lĩnh Nam chích quái; các bản ván khắc Cổ châu Phật bản hạnh ngữ lục; văn bia chữ Nôm và chữ Hán trong Pháp Vân cổ tự bi ký, đặc biệt là được ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư. Ngoài ra, những nguồn tài liệu trên các chất liệu đá, đồng, gỗ khác như các hoành phi, câu đối; trên nghệ thuật chạm trổ vì, kèo, ván khắc và đặc biệt là ở các tác phẩm tượng Phật trong nhiều ngôi chùa khu vực Bắc Ninh, Hà Nội như chùa Dâu, chùa Đậu, chùa Tướng, chùa Dàn và chùa Keo.

Bảng 1: Nghệ thuật kiến trúc, Điêu khắc - Mỹ thuật

Tên bộ phận Nhận diện một số tiểu bộ phận chính
Kiến trúc Kiến trúc tổng thế khuôn viên ngôi chùa Kiến trúc chi tiết ngôi chùa Kiến trúc hệ thống tháp và biểu tượng Phật giáo
Điêu khắc - mỹ thuật -Hệ thống tượng Phật; - Chạm trổ vì kèo trong chùa; - Kỹ thuật chạm khắc hoa văn trên ván khắc, văn bia. - Hình tượng, họa tiết trên các chất liệu đồng, đá, gỗ; - Hoa văn, họa tiết trên các ván khắc, hoa văn chuông chùa. Hình khối, đường nét trên tượng Phật và các biểu tượng Phật giáo

Nếu như nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và mỹ thuật chùa Dâu và vùng phụ cận thời kỳ đầu Phật giáo du nhập mang đậu dấu ấn dân gian thì đến thời kỳ Lý - Trần, loại hình nghệ thuật này lại in đậm dấu ấn của nghệ thuật cung đình, bác học. Chân bệ đá chùa Phật Tích và pho tượng Phật A Di Đà ở đây được coi là một đỉnh cao trong tạo tác nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc mang yếu tố bác học cung đình. Các nhạc cụ được ghi trên bệ đá cho thấy trình độ kỹ thuật về mỹ thuật điêu khắc, đồng thời cho yếu tố cung đình ở tổ chức dàn nhạc thời Lý; sự cân xứng, tinh tế đến đặc biệt trong pho tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích cùng với nhiều tượng các con vật chầu Phật ở khu vực chùa này đã vượt xa tính chất dân gian. Những điều đó phần nào nói lên những câu chuyện về vai trò, vị trí và mối quan hệ tư tưởng Phật giáo với nền nghệ thuật Phật giáo nước nhà thời kỳ này cũng như khẳng định nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và mỹ thuật thời kỳ này và bước tiến triểu của nó ảnh hưởng như thế nào tới văn hóa Việt Nam.

Tương tự, chùa Thái Lạc ở xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, trong đó, các bức chạm khắc trên chất liệu gỗ, phong cách chạm trổ trên vì, kèo thời Trần còn nguyên cho đến hôm nay cũng là nguồn tư liệu quý để đánh giá tầm quan trọng của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và mỹ thuật Phật giáo thời kỳ này bên cạnh chùa Một Cột ở Hà Nội và hàng trăm ngôi chùa cổ khác rải rác khắp vùng châu thổ Bắc bộ. Nó là những minh chứng sống động về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và mỹ thuật Phật giáo Việt Nam và giá trị, những đóng góp của nó với văn hóa nước nhà. Và có thể khẳng định, với đặc điểm lịch sử du nhập và phát triển, kiến trúc, điêu khắc và mỹ thuật Phật giáo có ảnh hưởng trực tiếp tới kiến trúc điêu khắc xây dựng đình làng và các công trình kiến trúc truyền thống Việt Nam thời kỳ trung đại.

Sang tới loại hình nghệ thuật văn học, bắt đầu từ giai đoạn đầu của nền văn học dân gian truyền miệng đến văn học chữ viết thời kỳ trung đại Việt Nam đã cho thấy một tiến trình phát triển mạnh mẽ không chỉ ở thể loại mà còn cả trình độ nghệ thuật mà tất cả quá trình đó đều cho thấy sự ảnh hưởng trực tiếp từ tư tưởng Phật giáo ở từng cấp độ khác nhau. Trong văn học dân gian, những sự tích dân gian như chuyện Man Nương, chuyện Ông Bụt, chuyện Chử Đồng Tử - Tiên Dung và hàng nghìn chuyện kể dân gian với những nội dung khác nhau - là những câu chuyện trực tiếp đi ra từ tư tưởng Phật giáo với mô típ điển hình “ở hiền gặp lành” trong Phật giáo đã có tác động rất lớn đến đời sống đạo đức của người dân trong diễn trình phát triển tư tưởng văn hóa dân tộc. Đến khi văn học viết phát triển mạnh mẽ, không chỉ trí thức Nho học mà cả trí thức Phật giáo đã có những đóng góp lớn đối với việc định hình nền văn học Phật giáo Việt Nam. Các tác phẩm thơ, văn của tác Thiền sư thời Lý - Trần[2], đặc biệt là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đã trở thành di sản nghệ thuật văn học độc đáo của Phật giáo nói riêng, văn học Việt Nam nói chung. Sự ra đời của các thể loại văn học viết, thơ Nôm và nhiều thể kệ, thơ thiền ra đời sau này đều có đóng góp nền tảng từ các chủ thể sáng tạo là các sư, tăng trong các ngôi chùa - đã giúp định hình, lan tỏa nền văn học Phật giáo ở cả phương diện văn học truyền khẩu, truyền miệng và văn học chữ viết, trên cả thể loại ca dao tục ngữ, thơ, văn xuôi kéo dài nhiều thế kỷ ở nước ta, trở thành đối tượng nghiên cứu của lĩnh vực triết, văn, sử và các nghiên cứu liên ngành khác khi nhận diện nghệ thuật văn học Phật giáo và văn học Việt Nam cổ trung đại.

Bảng 2: Nghệ thuật văn học Phật giáo

Tên bộ phận Nhận diện bộ tiểu bộ phận chính
Văn học truyền khẩu Hệ thống chuyện kể dân gian về Phật giáo Hệ thống ca dao, tục ngữ về Phật giáo Hệ thống lối kể, ngâm, than trong dân gian
Văn học chữ viết Hệ thống kệ, thơ thiền truyền đạo và ngộ đạo của đệ tử tu theo Phật Hệ thống văn xuôi, văn trường hàng phát triển từ kinh Phật Hệ thống thư pháp, câu đối trong các chùa, tự viện.

Ở loại hình nghệ thuật diễn xướng, trước hết, chúng ta sở hữu một kho tàng nghệ thuật âm nhạc Phật giáo độc đáo, mang đặc trưng riêng so với nghệ thuật âm nhạc truyền thông nói chung. Điều này đã được Giáo sư Lê Mạnh Thát[3]nghiên cứu, công bố dưới góc nhìn văn bản học, sử học và sau này tác giả có dịp nghiên cứu luận án tiến sĩ, tiếp cận chuyên sâu dưới góc nhìn âm nhạc học. Trong đó, một đóng góp nổi bật của nghệ thuật âm nhạc Phật giáo cho âm nhạc truyền thống nước nhà là nghệ thuật Tán canh. Chúng ta có thể coi Tán canh trong âm nhạc Phật giáo (đặc biệt là Phật giáo Bắc bộ) như đỉnh cao trong sáng tạo nghệ thuật âm nhạc bởi tính bác học và độc đáo của nó. Hiện nay, âm nhạc Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam, với ba vùng Canh tương đối rõ ràng, gồm: Vùng Canh Đông, Canh Nam và Canh Hà Nội là một di sản vô giá mà Phật giáo đã đóng góp vào nền văn hóa Việt Nam. Trên phương diện hiện tượng học so sánh, thì nghệ thuật Tán Canh trong âm nhạc Phật giáo có thể xếp vào âm nhạc chuyên nghiệp bác học như nghệ thuật Hát Ca trù, nghệ thuật hát Chèo,…trong nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Bên cạnh đó, nghệ thuật diễn xướng dưới dạng các trò diễn dân gian, các điệu múa Phật giáo cũng là những di sản vô giá hiện còn được bảo tồn, lưu truyền trong dân gian, trong các ngôi chùa ở khu vực miền Bắc Việt Nam.

Bảng 3: Nghệ thuật diễn xướng Phật giáo

Tên bộ phận Nhận diện tiểu bộ phận
Âm nhạc trong nghi lễ Hệ thống nhạc hát - thanh nhạc Tổ chức dàn nhạc Hệ thống nhịp trống
Các trò diễn dân gian Trò diễn từ kinh Phật trong tang lễ Trò diễn dân gian trong các lễ hội làng Trò diễn dân gian trong các lễ hội Phật giáo
Nghệ thuật Múa Múa dẫn lục cúng trong nghi lễ Phật giáo Múa Bát bộ Kim cương nghi lễ Phật giáo Các hình thức múa Phật giáo trong nghệ thuật truyền thống

Cần nói thêm, âm nhạc nghi lễ Phật giáo Việt Nam có sự khác biệt tương đối giữa miền Bắc, Trung, Nam, thậm chí có sự khác nhau ngay trong từng tiểu vùng. Tính địa phương, vùng miền trong âm nhạc nghi lễ Phật giáo Việt Nam chính là một đặc sản.

Như vậy có thể thấy, ba loại hình nghệ thuật trong nghệ thuật Phật giáo Việt Nam đã xuất hiện từ khá sớm, ngay khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam. So với Nho giáo và Đạo giáo, có thể Phật giáo có ảnh hưởng cũng như có những đóng góp quan trọng hơn đối với văn hóa Việt Nam nói chung, nghệ thuật truyền thống Việt Nam nói riêng. Nhiều trí thức Nho học đồng thời là Thiền sư, Cư sĩ Phật giáo vì thế đã góp phần quan trọng vào quá trình bác học hóa nghệ thuật Phật giáo, đưa nghệ thuật Phật giáo lan tỏa sâu rộng trong đời sống văn hóa của nhân dân suốt nhiều thế kỷ. Vì thế, nghệ thuật Phật giáo Việt Nam cần tiếp tục được nghiên cứu chuyên sâu dưới nhiều góc tiếp cận khác nhau, mà tiếp cận chuyên ngành Phật học là một hướng đi sẽ giải quyết nhiều khoảng trống trong nghiên cứu nghệ thuật Phật giáo thời gian qua.

2. Đề xuất định hướng nghiên cứu, bảo tồn

Nghệ thuật Phật giáo đã được học giới trong và ngoài Phật giáo nghiên cứu hàng thế kỷ qua. Trong Giáo hội Phật giáo đã có Viện Nghiên cứu Phật học trải qua 30 năm xây dựng và trưởng thành. Với những thuận lợi đó, theo tôi, xác định chủ thể sáng tạo nghệ thuật Phật giáo là đệ tử Phật giáo cũng như người tu theo Phật là người Việt Nam, cho nên để bảo tồn và phát huy di sản nghệ thuật Phật giáo trong dòng chảy tiếp theo của Phật giáo và văn hóa Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Viện Nghiên cứu Phật học cần có định hướng nghiên cứu cụ thể để đảm bảo tính chuyên sâu theo tinh thần của truyền thống Phật giáo Việt Nam.

Trước hết, chúng ta cần xác định phương pháp luận, phương pháp tiếp cận và phương pháp nghiên cứu cụ thể đối với nghệ thuật Phật giáo hiện nay. Về nguyên tắc phương pháp luận, để tránh lai căng, thất truyền khi nghiên cứu mỗi loại hình nghệ thuật Phật giáo Việt Nam cụ thể, chúng ta cần phải đặt đối tượng nghiên cứu cụ thể trong tổng thể của ba yếu tố: không gian, thời gian và con người. Bởi mỗi loại hình nghệ thuật đều thể hiện tính vùng miền, tính tộc người và tính thời gian cụ thể nên trước khi đặt nghiên cứu một hiện tượng cụ thể thì chúng ta cần xác định nguyên tắc trên.

Bên cạnh đó, về phương pháp tiếp cận, chúng ta sẽ tiếp cận theo 3 hướng: 1) tiếp cận chuyên ngành, 2) tiếp cận liên ngành và 3) tiếp cận lý thuyết. Ở góc độ chuyên ngành, vì Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, như tên gọi và là cơ quan trực thuộc Giáo hội đã thể hiện hướng đi riêng như một Mã số chuyên ngành khoa học độc lập - chuyên ngành Phật học - nên các nghiên cứu về nghệ thuật Phật giáo phải chọn hướng tiếp cận chuyên ngành - tức là nghiên cứu để phát hiện những vấn đề tư tưởng Phật giáo, trí tuệ, sự giác ngộ và ý nghĩa của từng tác phẩm trong nghệ ở mỗi loại hình. Các công trình nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu Phật học cần phải đảm bảo đúng hướng nghiên cứu chuyên ngành hẹp là chủ yếu, nghĩa là trong mỗi công trình/ đối tượng nghiên cứu, dung lượng luận giải vấn đề phải đặt đúng hướng tiếp cận chuyên sâu với trên 60% hàm lượng khoa học so với các cách tiếp cận khác.

Cùng với tiếp cận chuyên ngành là tiếp cận liên ngành. Để luận giải một hiện tượng nghệ thuật Phật giáo cụ thể, người nghiên cứu cần sử dụng liên ngành giữa Phật học với các chuyên ngành liên quan như tôn giáo học, sử học, văn hóa học, triết học,…Cụ thể, nếu đối tượng nghiên cứu là một hiện tượng mỹ thuật - điêu khắc Phật giáo cụ thể thì chúng ta cần liên ngành giữa Phật học với mỹ thuật - điêu khắc và các chuyên ngành liên quan như sử học, triết học,…; sử dụng tiếp cận liên ngành Phật học, tôn giáo học, sử học, âm nhạc học khi nghiên cứu diễn xướng âm nhạc và diễn xướng truyền thống Phật giáo…

Chúng ta có thể một góc tiếp cận khác nữa là tiếp cận lý thuyết. Mỗi một hiện tượng nghệ thuật Phật giáo sinh ra đều thực hiện chức năng tôn giáo, nghệ thuật hay chức năng xã hội cụ thể. Vì thế, chúng ta có thể sử dụng lý thuyết chức năng để tiếp cận, làm rõ chức năng của hiện tượng nghệ thuật đó trong tổng thể nguyên hợp mà nó (một hiện tượng nghệ thuật) là một bộ phận cấu thành. Chúng ta cũng có thể sử dụng lý thuyết biểu tưởng trong nghiên cứu nhân học để giải mã một hiện tượng nghệ thuật Phật giáo có ý nghĩa như thế nào đối với một cộng đồng tín đồ trong một tộc người hay một vùng lãnh thổ nhất định. Tương tự, các lý thuyết khác trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn như lý thuyết vùng văn hóa, lý thuyết làn sóng văn hóa, lý thuyết sinh thái văn hóa…

Để thực hiện hướng đi theo đúng chuyên sâu - tiếp cận chủ yếu dưới góc nhìn Phật học - Viện Nghiên cứu Phật học cần có các ban nghiên cứu chuyên sâu: Ban Nghiên cứu Nghệ thuật Phật giáo, mà trong đó cần tiếp tục có sự phân chia các phân ban nhỏ hơn bao quát hết ngoại diên của khái niệm nghệ thuật Phật giáo.

Cần nhấn mạnh rằng, trong môi trường nghiên cứu học thuật về Phật giáo, Tạp chí Nghiên cứu Phật học là đặc biệt quan trọng, không chỉ là cơ quan ngôn luận của Giáo hội mà còn là diễn đàn học thuật, công bố cũng như phổ biến kết quả nghiên cứu của Viện. Vì thế, Tạp chí cần tăng cường đầu tư để hướng đến chất lượng chuẩn về học thuật theo thông lệ quốc tế. Các số xuất bản của Tạp chí, ngoài các bài nghiên cứu mang tính chất phổ biến kiến thức Phật học cơ bản, giới thiệu hoạt động của Giáo hội thì cần có một số “bài đinh” thuần túy học thuật của các học giả có chuyên môn sâu quốc tế và trong nước. Cùng với Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Phật học của Giáo hội sẽ là diễn đàn học thuật quan trọng trong nghiên cứu di sản Phật giáo nói chung, nghệ thuật Phật giáo Việt Nam nói riêng.

3. Thay lời kết

Giáo hội đang sở hữu một di sản nghệ thuật Phật giáo đặc biệt có giá trị, độc đáo, phong phú. Nhiều loại hình nghệ thuật Phật giáo còn bảo tồn và phát huy được những yếu tố truyền thống mà các thế hệ phật tử Việt Nam tạo tác và duy trì. Vì giới tu sĩ, cư sĩ Phật giáo hiện nay vẫn đang tiếp tục thực hiện vai trò chủ nhân sáng tạo hoặc duy trì nghệ thuật Phật giáo nên việc chuẩn hóa cơ sở nghiên cứu - là Viện Nghiên cứu Phật học - hiện nay là vấn đề quan trọng lắm. Việc chuyên sâu hóa bằng các ban chuyên ngành và từng bước thực hiện công tác kiểm kê vốn di sản nghệ thuật Phật giáo, từng bước nghiên cứu những di sản này sẽ có ý nghĩa lý luận và thực tiễn trong bối cảnh hiện nay./.

TS. Nguyễn Đình Lâm Ủy viên Phân ban Kiến trúc, Mỹ Thuật và Nghệ thuật Phật giáo Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam HỘI THẢO KHOA HỌC: “30 năm Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội & Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Thành tựu và Định hướng”

--------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Đình Lâm (2019), “Cần lập hồ sơ trình UNESCO đưa nhạc lễ Phật giáo Việt Nam vào danh mục văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, Tạp chí nghiên cứu Phật học, số 5, Hà Nội.

2. Hà Văn Tấn (Chủ biên - 2013), Chùa Việt Nam, Nxb. Thế giới, Hà Nội.

3. Lê Mạnh Thát (2005), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Tập I, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.

4. Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Văn học (1977), Văn thơ Lý Trần, Tập 1, 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội

5. Tài liệu điền dã thực địa trong quá trình thực hiện luận án Tiến sĩ về Âm nhạc trong nghi lễ Phật giáo tại vùng châu thổ Bắc bộ từ năm 2006 đến năm 2013.

[1]Hà Văn Tấn (Chủ biên - 2013), Chùa Việt Nam, Nxb. Thế giới, Hà Nội.

[2]Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Văn học (1977), Văn thơ Lý Trần, Tập 1, 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội

[3]Lê Mạnh Thát (2005), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Tập I, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh