Trang chủ Chuyên đề Một vài suy nghĩ qua tác phẩm “Xuất gia Sa di Quốc âm thập giới”

Một vài suy nghĩ qua tác phẩm “Xuất gia Sa di Quốc âm thập giới”

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Thụy Am hiệu Tâm Hiệp

1. Về chùa Liên Phái và Như Trừng Lân Giác Thượng sĩ?

Thế kỷ 17 – 18 là giai đoạn đánh dấu mốc quan trọng sau khi Phật giáo đã trải qua một quá trình tồn tại với những thành tựu rực rỡ từ thời đại Lý Trần; Và tiếp đó vào thế kỷ 15 là sự xuất hiện một số nhà tư tưởng lớn như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Mộng Tuân, Lý Tử Tấn, Phan Phu Tiên… Nguyễn Trãi (1380-1442), nhà tư tưởng lớn của Việt Nam thế kỷ XV, đồng thời là bậc khai quốc công thần của triều Lê sơ, đã tuyên bố: 老去狂言休怪我/ 臨岐我亦上乘禪 “Lão khứ cuồng ngôn hưu quái ngã, Lâm kỳ ngã diệc thượng thừa thiền[1]” (già rồi nói cuồng đừng lạ ta, tới ngã rẽ ta cũng là thượng thừa thiền). Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) vào những năm tháng từ quan ở tại quê nhà cũng đã tỏ lẽ sắc không như ông từng viết trong Bạch Vân Am thi tập: “Tùng đầu Sắc thị Không, bản lai vô nhất vật[2]” (Kể từ lúc đầu là không, vốn xưa nay, không có một vật nào hết). Trong đó, vua Lê Thánh Tông đã nổi bật lên với tư cách là nhà văn hóa, tư tưởng lỗi lạc, nhà thơ lớn và trên hết là nhà chính trị – tư tưởng xuất sắc. Tác phẩm Thập giới cô hồn quốc ngữ văn chính là một biểu hiện của tinh thần Phật giáo thấm đẫm từ bi của nhà chính trị lỗi lạc này.

Bối cảnh lịch sử xã hội nước ta từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18 có nhiều tồn tại chính trị phức tạp. Điều này bắt nguồn từ sự thay đổi liên tục giữa các triều đại, mô hình vua – chúa song song. Tuy vậy, theo nhận định của chúng tôi, sự phát triển của Phật giáo vẫn có một sức sống riêng và không bị gián đoạn. Thế kỷ XVIII, Phật giáo Việt Nam sau một chặng đường phát triển đã đạt được những nền tảng và thành tựu nhất định. Đó là sự xuất hiện của thiền sư Thông Giác Thủy Nguyệt (通覺水月, 1636 – 1704) sơ tổ của Tào Động tông Việt Nam. Các ngôi chùa ở Hà Nội hiện nay như Trấn Quốc, Hòe Nhai, Hàm Long.v.v.. được xem là truyền thừa của thiền phái này.

Theo Chuyết Chuyết tổ sư ngữ lục[3], đầu thế kỷ XVII, thiền sư Chuyết Chuyết đã du hóa sang Đại Việt và thành công trong việc truyền bá tông Lâm Tế ra Đàng Ngoài dưới sự ủng hộ của chính quyền vua Lê Thần Tông (1619-1662), chúa Thanh Đô vương Trịnh Tráng. Tông Lâm Tế, tạo lập một nền tảng ban đầu vững vàng cho chúng đệ tử mà nổi bật là thiền sư Minh Hành, đời thứ 2 của Lâm Tế Đàng Ngoài, (tác giả của Chuyết Chuyết tổ sư ngữ lục); thiền sư Minh Lương với người đệ tử nổi danh là Chân Nguyên. Tiếp đó, là chúng đệ tử như chư vị thiền sư: Như Trừng, Như Sơn, Tính Quảng, v.v.. truyền thống Trúc Lâm từ thời Trần và tông phong của dòng Lâm Tế đã được kế tục, phát huy và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tiêu biểu thời kỳ này là những đóng góp cho nền văn học Phật giáo và hiệu đính, khắc bản, lưu hành những tác phẩm của các thiền tổ phái Trúc Lâm[4]. Bên cạnh đó, thiền sư Chân Nguyên cùng những cao đệ của mình cũng đã nỗ lực thực hiện biên soạn các văn bản về giới luật, làm dấy lên một tư trào nghiên cứu giới luật Phật giáo. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi muốn tập trung đề cập tới một vị hòa thượng là học trò của thiền sư Chân Nguyên và sự tiếp nối về tinh thần giới luật dành cho hàng xuất gia và tại gia thời kỳ này. Đó chính là Như Trừng Lân Giác thượng sĩ (tức Cao Thiền hòa thượng). Ngôi chùa Liên Phái do Như Trừng Lân Giác Thượng sĩ (1699 – 1733) thành lập thuộc Phường Bạch Mai, huyện Thọ Xương, kinh đô Thăng Long, nay là ngõ Liên Phái, phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, thủ đô Hà Nội. Ngôi chùa này là chốn tổ của phái Liên Tông, một trong những Thiền phái hình thành cuối thời Hậu Lê (thế kỷ 17 – 18) thuộc dòng thiền Lâm Tế.

Như Trừng Lân Giác thượng sĩ là đệ nhất Tổ sáng lập thiền phái Liên Tông, thuộc dòng dõi quý tộc. Theo Nguyễn Lang[5], “Chùa Liên Tông sau này cũng được gọi là chùa Liên Phái, trung tâm của hệ phái do thiền sư Như Trừng thành lập. Các chùa Hộ Quốc, Hàm Long, Sùng Phúc, Nghiêm Xá, Thiên Quang, Phước Ân, Vân Trai, v.v… đều là những tổ đình thuộc phái này”.

Về dòng dõi và hành trình xuất gia học đạo của ngài, hiện đã có những tư liệu giới thiệu. Do không tập trung khảo cứu chuyên sâu nên chúng tôi xin không dẫn lại chi tiết, dựa vào Cứu Sinh Trịnh thánh tổ sự tích bản hiện lưu ở Viện Hán Nôm, chỉ đưa một số nét tiêu biểu có liên quan như sau:

– Năm Bính Ngọ (1726), ngài xuất gia tại chùa Long Động, núi Yên Tử, trở thành đệ tử của Trúc Lâm Chân Nguyên Tuệ Đăng Chính Giác hòa thượng. Cũng trong năm này, ngài đã cải vi phủ đệ thành chùa và đặt tên là Liên Hoa. Năm 1733 chùa đổi tên là Liên Tông. Năm 1841, vì phải kiêng tên Nguyễn Phúc Miên Tông của vua Thiệu Trị nên chùa đổi tên là Liên Phái.

Dsc 0195

Tam quan chùa Liên Phái. Ảnh: Minh Minh

–  Tổ về tu tập tại chùa Hàm Long (寺龍含). Mùa Hạ năm Mậu Thân (1728), ngài phát tâm viết kinh “Thập nguyện cứu sinh” để tụng trì. Đây là một tư liệu quan trọng làm nổi bật cốt khí của bậc Thượng sĩ xuất trần.

– Ngày 15 tháng 2 năm Nhâm Tý niên hiệu Long Đức nguyên niên (1732), ngài tọa thiền, hướng về phía Tây đoan nhiên mà hóa. Chúa thượng cho rước di hài Trịnh Hòa thượng về kinh sư. Thái phi phát tâm cho dựng tháp để đặt xá lỵ ở chùa Liên Tôn và chùa Hàm Long và cho ghi chép hành trạng Hoà thượng Trịnh Thập vào sử sách.

– Cũng năm 1732, chúa thượng ban sắc phong phong cho Hòa thượng là “Cao Thiền Viên Giác Hòa thượng[6]”.

Như Trừng là một cao đệ đắc pháp chân truyền từ thiền sư Chân Nguyên. Ngài được biết đến với những tên thường gọi như Cứu Sinh thượng sĩ, Lân Giác thượng nhân, Hòa thượng Trịnh Thập hay Như Trừng Lân Giác thượng sĩ. Ngài là một người học rộng hiểu nhiều. Trong số các trước tác còn lại[7], có thể thấy, ngoài thập nguyện cứu sinh với đại bi tâm vô cùng rộng lớn, ngài có mối quan tâm nổi bật đến vấn đề tổ chức tăng chúng với vấn đề nghi, giới và đàn. Về giới luật, phải kể đến “Xuất gia sa di quốc âm thập giới”“ngũ giới quốc âm”. Trong hai tác phẩm này, điều mà chúng tôi lưu tâm là tinh thần mới mẻ trong việc áp dụng giới luật cho hàng tại gia cũng như xuất gia. Như Trừng Lân Giác thượng sĩ đã biểu hiện một sự kế thừa và tiếp nối trọn vẹn tư tưởng thiền sư Chân Nguyên, vị thầy khả kính của mình.

2. Một vài vấn đề xung quanh việc hoằng truyền giới luật

Luật tạng (律藏; vinaya-piṭaka), là những quy định về các vấn đề có liên quan đến cuộc sống cũng như sự sinh hoạt chủ yếu của tăng ni, bên cạnh đó, có một số điều cũng được áp dụng cho hàng cư sĩ. Giới luật thuộc về Luật tạng (vốn là phần thứ hai của Tam Tạng). Giới luật là một thuật ngữ thuộc về một số từ nguyên gốc: Thi la: giới; Sikkhāpada: điều học; Pàỉimokkha (Ba la đề mộc xoa), còn dịch là Biệt giải thoát; Kiền độ (Skandha); Vinaya (tỳ nại da): luật.

Ý nghĩa của từ sikkhāpada tức là các điều học, học giới, điều giới. Như vậy, giới còn có ý nghĩa là điều học, tức là những hướng dẫn thực hiện trong quá trình tu tập. Tại nước ta, cố nhiên hình ảnh của giáo hội Phật giáo hiện tại, với trật tự tăng già, giới luật và những cách thức tổ chức, nghi thức, v.v.. vốn lẽ không phải được truyền thừa liên tục từ đời xa xưa mà không có sự thay đổi cho đến ngày nay. Những biểu hiện của tổ chức Phật giáo hôm nay là kết quả của một quá trình vận động, thay đổi và liên tục được bổ sung, điều chỉnh.

Ta biết, ngay từ thời của Mâu Tử khi viết Lý hoặc luận (198 sdl), trong Hoằng Minh tập 1, ĐTK 2102, tờ 2a23, ông đã biết, “sa môn giữ 250 giới, ngày ngày ăn chay[8]” và sau đó là thiền sư Tăng Hội sống từ khoảng thế kỷ thứ III (220 – 280 sdl), thiền sư đã viết trong lời tựa kinh An Ban thủ ý và nhắc tới “tam sư” gợi ra mối liên hệ về đại giới đàn tỳ kheo với “tam sư thất chứng”. Tiếp theo, cứ vào Thiền uyển tập anh, vấn đề giới luật tuy không được nhắc tới nhiều nhưng cũng cung cấp một số thông tin. Có thể kể tới trong số đó như việc các thiền sư: Pháp Hiền (? – 626), Bản Tịch (? – 1140) Khuông Việt (933 – 1011), Tịnh Không (1091 – 1170), Giới Không, Huyền Quang (? – 1121) đều được ghi chép đã thọ giới cụ túc (tỳ kheo). Trong Nghiên cứu về thiền uyển tập anh, thiền sư Lê Mạnh Thát có nhắc tới sự kiện: Tây hồ chí phần Chùa am, nói: “Chùa Vạn niên ở phía tây hồ Tây thuộc địa phận ấp Quán la, xưa tên Vạn tuế, sau đổi Vạn niên. Năm Giáp dần Thuận Thiên thứ 5 (1014) Hữu nhai tăng thống tâu xin lập giới đàn tại đó cho tăng chúng thọ giới. Vua chuẩn tấu”.“Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Hải Dương, mục Từ miếu nói: “Đền thiền sư Minh Không ở xã Hán Lý huyện Vĩnh Lại. Sư họ Nguyễn, tự Chí Thành, người xã Đàm Xá, huyện Gia Viễn, nhỏ kết bạn với Từ Đạo Hạnh đến chùa Vân Mộng thọ giới, sau làm cao tăng đời Lý”.

Hòa thượng Tuệ Sỹ, trong bài viết của mình cũng từng chia sẻ: “Trong lịch sử truyền thừa tại Trung quốc, tuy truyền thuyết bắt đầu từ Ma-đằng và Trúc Pháp-lan, từ đó nhiều người theo Phật, nhưng chỉ thọ trì tam quy ngũ giới. Cũng có người cạo tóc, khoác mạn y, song không ai trong đó thọ đại giới. Vì theo luật Phật chế, nếu nơi biên địa, cho phép túc số Tăng năm tỳ kheo truyền giới cụ túc. Lúc bấy giờ tại Trung quóc, các sa-môn nước ngoài, từ Tây vực, hay từ Ấn độ trực tiếp đến, không khi nào hội đủ túc số năm tỳ kheo. Cho đến vào thời Tào Ngụy, trong khoảng Gia bình (Tây lịch 249-253), bấy giờ có Đàm-ma-ca-la (Dharrmakāla) từ Thiên trúc đến Lạc dương, dịch luật Tăng kỳ giới tâm, sau đó lại có sa-môn Đàm-đế người An tức đến trụ tại chùa Bạch mã dịch Đàm-vô-đức yết-ma. Từ đó ở Trung quốc mới có sự truyền giới tỳ kheo theo túc số thập sư.[9]” Như vậy, tuy chưa biết được thông tin cụ thể và chi tiết nhưng chúng ta cũng có thể hình dung về diện mạo của tổ chức Phật giáo thời Lý với giới đàn dành cho tỳ kheo được ghi chép qua Thiền uyển tập anh, Tây Hồ chí, Đại Nam nhất thống chí, v.v..

Giai đoạn nhà Trần, với những ghi chép còn lại ở Đại Việt sử ký toàn thư và của chính vị vua khai mở triều đại là Trần Thái Tông, chúng ta có thêm một số thông tin thú vị. Đó là thái độ và hành động cụ thể của vua trong vấn đề giới luật. Cố nhiên, vua Trần Thái Tông tuy được hậu thế xưng tụng là một vị thiền sư liễu ngộ. Thánh đăng ngữ lục tờ 8a2 – 9a4 viết: “Hoàng đế Trần Thái Tông triều Trần được yếu chỉ của thiền sư Thiên Phong” .. và “Sau lại gặp thiền sư Thiên Phong, càng thêm rõ tông chỉ, ở cạnh cung, cho mở chùa Tư Phúc, làm nơi đốt hương tu hành, lại đối với thiền giáo, thỉnh mời các bực cao tọa trú trì để tiện tham thỉnh, hàng ngày trai tăng 500 vị hơn và độ làm đệ tử hơn 30 người”. Sử sách không ghi chép việc nhà vua có tham dự một giới đàn xuất gia nào, cũng như không thọ giới sa di, cụ túc hay bồ tát. Thiền sư Thiên Phong, bản thân ngài cũng là một cư sĩ tự xưng thuộc phái Lâm Tế. Lược dẫn thiền phái đồ chép: “lại có cư sĩ Thiên Phong từ Chương Tuyền đến, cùng với Ứng Thuận đồng thời, tự xưng của tông Lâm Tế, truyền cho quốc sư Đại Đăng, hòa thượng Nan Tư. Đại Đăng truyền cho hoàng đệ Thánh Tông ta…” Như vậy, Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông, hai vị vua khai mở của triều đại nhà Trần đều đắc pháp với dòng thiền Lâm Tế của thiền sư Thiên Phong (người tự xưng mình là một cư sĩ?!) Quả thực, trong các tác phẩm của mình, vua Trần Thái Tông cũng nhắc đến các vấn đề thuộc phạm trù giới luật một cách rất cụ thể, đó là: giới sát sinh văn, giới thâu đạo văn, giới sắc văn, giới vọng ngữ văn và giới tửu văn. Và ngoài năm giới răn này, vua không nhắc thêm đến những giới luật của hàng xuất gia như 10 giới sa di hay các giới của tỳ kheo và bồ tát. Chúng tôi hiện chưa tìm thấy những ghi chép nào viết về việc thọ nhận giới xuất gia của vua Trần Thái Tông. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận, Trần Thái Tông là một vị vua rất lưu tâm tới việc chỉnh đốn các điều còn dễ dẫn tới sai phạm hay tội lỗi nói chung. Ông đã khẳng định trong “Thiền tông chỉ nam tự” sự đào tạo và giảng dạy đó là: “Phương tiện dụ quần mê, đường tắt tỏ bày sanh tử, là đại giáo của đức Phật ta”. Và mục đích những bài răn ấy được viết ra là để: “Làm khuôn mẫu cho hậu thế, làm mực thước cho tương lai”. Đó cũng chính là “trọng trách của bậc tiên thánh”. Những giới văn răn của nhà vua chính là ngũ giới mà sau này ngài Như Trừng Lân Giác thượng sĩ đã viết trong Ngũ giới quốc âm. Giới luật giai đoạn nhà Trần thuần túy được hiểu như những phương tiện, nó chính là các điều học, hướng dẫn để tu tập và đạt tới sự giác ngộ. Một điểm đáng chú ý nữa mà chúng tôi muốn nhắc tới đó là rất nhiều các tháp tổ được dựng vào thời Hậu Lê đều ghi Sa di hòa thượng. Điều này có nghĩa những vị hòa thượng giai đoạn này đều mới chỉ thọ sa di?! Đây là một lưu ý đáng chú ý cần những kiến giải thấu đáo.

a. Về Ngũ giới tam quy và nếp sống đạo của dân tộc ta miền đồng bằng Bắc Bộ

Điểm qua lại những ghi chép từ lịch sử, không khó để nhận thấy tinh thần nhận và thực hành giới qua từng thời kỳ đã có những sự vận động nhất định. Vấn đề hoằng truyền Luật tạng ở nước ta gần như không được ghi chép một cách cụ thể và rõ ràng. Tuy nhiên, có những giai đoạn chúng ta cũng có thể thấy được một vài dấu chỉ của sự thay đổi về việc ứng dụng giới luật Phật giáo vào đời sống của giới tại gia và xuất gia. Trong cuốn sách Yết ma yếu chỉ, hòa thượng Trí Thủ chia sẻ:

“Theo thông lệ phổ biến ở nước ta, cũng như của Trung quốc từ xưa, bất kể tuổi đời lớn nhỏ bao nhiêu, sau khi được thầy cho cạo tóc xuất gia, phải trải qua một thời gian tối thiểu ba tháng, thọ trì tam qui và ngũ giới, làm tịnh nhân để tập sự. Trong thời gian đó, ông thầy phải theo dõi quan sát tư cách và chí hướng, nếu nhận thấy chí hướng đã vững vàng thì mới cho thọ giới sa-di. Mặc dù điều này không được qui định trong Luật tạng, nhưng sự thực hành không phải là vô ích. Vì có như thế mới tránh được nhiều trường hợp xuất gia vì lợi dưỡng, hay vì mục đích nào khác chứ không phải để cầu đạo giải thoát. Vì đây không phải là điều mà Luật tạng bắt buộc, trong khi thực hành cũng cần phải linh động”.

Tuy những ghi chép về vấn đề tiếp nối và truyền luật chưa nhiều nhưng khi tiến hành khảo sát một số tư liệu về quốc sư Nguyễn Minh Không, chúng tôi có phiên chú bản Thánh tổ Thực lục diễn âm. Trong tư liệu này có đoạn chép:

“Khăng khăng quyết chí tu hành

Tìm nơi cảnh vắng am thanh trụ trì

Giữ mình ngũ giới tam quy

Kinh tuyên Bối diệp tán trì Ngư sơn”

Liên quan đến chuyện tam quy ngũ giới, Lý triều quốc sư thánh tổ kệ dẫn, tác phẩm hát kể hạnh về quốc sư triều Lý Nguyễn Minh Không[10] do chính Nguyễn Du duyệt chính chép:

“Canh cánh quyết chí tu hành

Tìm nơi cảnh vắng am thanh trụ trì

Giữ gìn ngũ giới tam quy

Chức là Pháp tự vâng ghi lời thầy”

Như thế, cả hai bản Lý triều quốc sư thánh tổ kệ dẫn và Thánh tổ thực lục diễn âm đều ghi nhận, vị quốc sư triều Lý hay vị được tôn xưng Thánh tổ trong bản diễn âm khi theo xuất gia đã chỉ thọ “ngũ giới tam quy”. Có một số ý kiến cho rằng Nguyễn Du không hiểu gì về luật xuất gia của Phật giáo khi phát biểu “Tam quy ngũ giới cho nàng xuất gia” vì người xuất gia, thấp nhất là thọ mười giới khi mới làm sa-di. Trong tác phẩm “Thả một bè lau”, đoạn thơ:

Hương hoa, ngũ cúng, sắm sanh lễ thường.

Đưa nàng đến trước Phật đường,

Tam qui, ngũ giới, cho nàng xuất gia.

Áo xanh đổi lấy cà sa,

Pháp danh lại đổi tên ra Trạc Tuyền.

Rõ ràng cụ Nguyễn Du đã miêu tả việc Kiều đi tu phía sau vườn của nhà Hoạn Thư, không có thầy truyền giới, Kiều tự xuống tóc xuất gia, ngay cả pháp danh của Kiều có lẽ cũng là do Thúc Sinh đặt. Đây là một sự khác biệt hoàn toàn với thể thức ngày nay.

Hơn 20 năm đi về trên đất Bắc, tôi đã nghe các cụ già thường nói “đi quy” (nghĩa là quy y Tam Bảo: Phật – Pháp – Tăng). Tất nhiên không có thọ năm giới giống như trong miền Trung và Nam. Có lẽ chính bởi lẽ đó, ngoài Bắc khi quy y, các thầy thường dùng Điệp quy y (còn gọi là phái quy y) chứ không phải là “điệp hộ giới”, bởi có thọ giới đâu mà dùng đến hai từ “hộ giới”?! Các làng quê Bắc bộ thường có câu: trẻ vui nhà, già vui chùa và Quy y đơn thuần như các cụ vẫn gọi là đi quy, tức là quy Phật, quy Pháp, quy Tăng chứ không bao gồm có thọ năm giới. Đó có thể chính là tâm thức thấm sâu từ thuở xa xưa của cha ông để lại. Người dân Quy y theo Phật để vui nơi cửa chùa với câu niệm A Di Đà mà nương theo sự gia hộ của chư Phật để cầu sinh về Tây Phương. Quy y đơn thuần là quay về nương tựa ba ngôi báu (Phật – Pháp – Tăng), còn việc thọ năm giới là thuộc về người xuất gia. Ai xuất gia thì mới cần thọ Tam quy ngũ giới như từ Thánh tổ thực lục diễn âm, Lý Triều quốc sư thánh tổ kệ dẫn hay chính từ tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du đã kể lại.

Lời tựa của tác phẩm Xuất gia sa di quốc âm thập giới, Như Trừng Lân Giác thượng sĩ viết: “Như Như thấy trong luật tạng giới pháp cẩn nghiêm, hội thấy chúng tăng thụ trì thất thố. Hoặc có kẻ trường trai thế phát mà thụ năm giới phẩm tại gia, khiến cho kẻ tại thế tục gia thời chẳng có giới phẩm mà thụ”. Như vậy, cho tới thiền sư Chân Nguyên và học trò của mình là Như Như (Như Trừng Lân Giác thượng sĩ), việc thụ năm giới phẩm tại gia đã được sử dụng cho người “trường trai thế phát” và nó khiến cho “kẻ tại gia thế tục thời chẳng có giới phẩm mà thụ”. Nguyễn Du sống sau thời của Như Trừng thượng sĩ gần 100 năm và đại thi hào cũng là người có cốt khí của bậc thiền sư đạt đạo. Khi Nguyễn Du viết Truyện Kiều với câu: “Tam qui, ngũ giới, cho nàng xuất gia”, Nguyễn Du đã miêu tả về một câu chuyện đã qua. Nói cách khác, việc xuất gia này hoàn toàn phù hợp với bối cảnh Phật giáo của nước ta trong suốt một tiến trình lịch sử cho đến thời đại của Nguyễn Du.

Tóm lại, có thể nói, vấn đề ngũ giới tam quy cho tới Như Trừng mới chính thức được ghi xuống văn bản và bằng quốc âm. Ngũ giới quốc âm là tác phẩm sớm nhất hiện biết đã định rõ việc thụ trì năm giới dành cho hàng cư sĩ tại gia hay còn gọi là những thiện nam tín nữ, những Cận sự nam, Cận sự nữ.

b. Về tinh thần giới luật của thiền sư Chân Nguyên và sự tiếp nối của Lân Giác thượng sĩ trong văn bản Xuất gia sa di quốc âm thập giới:

Kế tiếp vị thầy khả kính của mình, tổ Như Trừng đã có những nỗ lực đáng kể để tiếp nối và hoằng truyền tinh thần giới luật mà thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng đã đề xuất. Tiêu biểu phải kể tới đó là việc dịch các tác phẩm luật tạng ra quốc âm với Ngũ giới quốc âm và Xuất gia sa di quốc âm thập giới. Nhưng cụ thể, điều đáng chú ý trong tinh thần giới luật ấy là gì? Thứ nhất, đó là việc kế tiếp thầy mình, Chân Nguyên Tuệ Đăng thiền sư từ tác phẩm Tôn sư phát sách đăng đàn thọ giới, Như Trừng cũng đã liệt giới không tà dâm vào 10 giới sa di trong Xuất gia sa di quốc âm thập giới (không tà dâm, chứ không phải “toàn đoạn dâm dục”). Thiền sư Châu Hoằng (1535 – 1615) trong sa di luật nghi yếu lược đã viết rõ ràng: “năm giới của tại gia chỉ giới hạn việc tà dâm, còn mười giới của người xuất gia thì hoàn toàn chấm dứt việc dâm dục[11]”. Thiền sư Lê Mạnh Thát cũng nhận định trong cuốn sách về thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng: “Sự canh cải của Chân Nguyên với giới này bằng cách không liệt ra nó và thay vào bằng giới không tà dâm, không phải chỉ đơn thuần biểu thị một sự từ chối không dâm dục mà còn thể hiện một nỗ lực lý giải giới luật theo yêu cầu thực tiễn của người Việt Nam. Đây chính là ý nghĩa đáng lưu tâm nhất của Tôn sư Phát sách đăng đàn thọ giới”. Trong tác phẩm này, Chân Nguyên cũng im lặng với giới đàn 250 giới dành cho tỳ kheo. Trong lời tựa Xuất gia sa di quốc âm thập giới, ngay từ đầu Cao Thiền hòa thượng (Như Trừng Lân Giác thượng sĩ) đã khẳng định: “Phật như quốc vương, giới như pháp luật, Tăng như triều thần. Quốc vương định pháp luật cho triều thần. Triều thần vâng pháp luật chưng quốc vương, truyền pháp luật cho dân thứ. Thửa rằng Phật pháp dữ vương pháp đồng. Tượng vi pháp ấy vậy”.

Dsc 0222

Tháp Cứu Sinh tại chùa Liên Phái, Hà Nội. Ảnh: Minh Minh

Nhưng ở bài tựa này, thiền sư cũng nêu rõ: “Như Như thấy trong luật tạng giới pháp cẩn nghiêm, hội thấy chúng tăng thụ trì thất thố. Hoặc có kẻ trường trai thế phát mà thụ năm giới phẩm tại gia, khiến cho kẻ tại thế tục gia thời chẳng có giới phẩm mà thụ. Hằng thấy thau vàng hỗn tạp, nhân chưng ngọc ít đá nhiều, chẳng thuyết kẻ có biết mà chẳng tu, khá thương kẻ có lòng tu, mà thầy hổ thầy chẳng truyền, mình nói mình chẳng biết. Vậy Như Như thể lòng từ mẫn, gác để chẳng đành, nhân cứ trong luật tạng mười giới xuất gia, ngụ tiếng quốc âm, mở đường thuận tiện, tuy chẳng ích tới kẻ cao nhân đại sĩ, song cũng lợi cho người nhập học tiểu tăng. Nhẫn có ai nhân đấy mà nên, thời Như Như bón cội Bồ đề, lau đài minh kính cũng là công vậy.[12]”

Trong 2 câu mở đầu của Xuất gia sa di quốc âm thập giới, Như Trừng khẳng định rõ bản thân mình tiếp nối vâng theo thầy là Chân Nguyên thiền sư, viết ra thập giới này để lưu truyền hậu thế: Như như vâng giáo Chân Nguyên/ Diễn dương luật tạng lưu truyền lâu xa. Và ngay sau hai giới đầu là sát sinh và thâu đạo, giới thứ 3 ngài viết:

“Tà dâm là giới thứ ba.

Cổ kim đã mấy tay già chịu non.

Đã rằng bỏ rẻ vợ con.

Tăng phong sao có khuê môn tảo tần[13]”

Như vậy, Như Trừng thượng sĩ hoàn toàn đồng thuận với sự cải biên mới mẻ trong giới luật của thiền sư Chân Nguyên. Một điểm thú vị đáng lưu ý là đây không phải lần đầu tiên vấn đề này được đề cập. Thiền uyển tập anh trong tiểu truyện của thiền sư Trí Bảo[14] chép: “Thiền sư Trí Bảo, (?-1190) Chùa Thanh Tước, núi Du Hý, làng Cát Lợi Hy, Thường Lạc. Người Ô Diên Vĩnh Khương, họ Nguyễn, nguyên là cậu của Thái úy Tô Hiến Thành, triều vua Anh Tôn nhà Lý”. (…) “Một hôm Sư thăng đường, Tăng tục đông nghẹt, có người hỏi: “Thế nào là tri túc?” Sư đáp: “Người xuất gia tại gia đều dừng lại ở tri túc. Nếu tri túc thì ngoài chẳng lấn người, trong không tổn mình. Vật nhỏ nhặt như lá rau ngọn cỏ, người không cho, mình chẳng nên lấy. Huống gì những vật khác thuộc của người. Hãy dấy lên cái ý tưởng đó là vật của người thì mình rút cuộc không vì chúng mà sinh lòng trộm cắp. Cho đến thê thiếp của người, hãy dấy lên cái ý tưởng đó là thê thiếp của người, thì mình cũng không vì thế mà sinh lòng dâm. Các người nghe ta nói kệ:

“Bồ tát của mình biết đủ thôi,

Của người chẳng muốn chỉ thương yêu.

Lá rau không biếu, ta không lấy,

Không tưởng của người, đức ngọc treo,

Bồ tát vợ mình biết đủ thôi.

Sao còn ham muốn vợ con người,

Thiếp thê ai nấy lo gìn giữ,

Sao nỡ lòng mình nghĩ lả lơi”

Bài kệ của thiền sư dựa trên ý từ bản kinh Hoa Nghiêm, chương Ly cấu của phẩm thập địa[15].

Đạo Phật thời kỳ này theo nhận định của thiền sư Lê Mạnh Thát, là một đạo Phật “thế sự” và, “mọi Phật tử dù tại gia hay xuất gia đã trực tiếp tham gia vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.” Lần đầu tiên xuất hiện những vị thiền sư là cư sĩ tại gia, “họ ngộ đạo ngay trong cuộc sống trần tục của họ với bao gánh nặng gia đình, xã hội phải chu toàn[16]” Tinh thần nhập thế và tư tưởng “Cư trần lạc đạo” không phải đến Trần Nhân Tông mới khởi xướng mà đã được hình thành ngay từ giai đoạn này. Các vị thiền sư hoàn toàn có thể “lạc đạo” khi “cư trần” và hoàn thành hai phẩm chất như lời vua Lý Nhân Tông nói với thiền sư Mãn Giác: “Bậc chí nhân thị hiện, tất lo việc cứu đời, không hạnh nào chẳng đủ, không việc gì chẳng làm, không phải chỉ có sức định huệ, mà cũng phải có công phò tá”. Đây là một tư tưởng có vai trò hết sức quan trọng cho việc tạo lập một nền tảng cho định hướng phát triển và nhận thức về vai trò cũng như nhiệm vụ của nền Phật giáo với dân tộc Việt. Ngoài chuyện tu hành để có được định và tuệ thì người xuất gia phải xác định được trách nhiệm của mình với đời sống của nhân dân và có trách nhiệm với vận mạng của dân tộc.

Như vậy, từ yêu cầu thực tiễn, Phật giáo với sứ mệnh đồng hành cùng dân tộc luôn xác định một cách cụ thể: vai trò của người tu là giác ngộ, sứ mệnh của Phật giáo là ở chỗ cứu đời.

Để làm được điều này, việc hoằng truyền Phật pháp và cùng với nó là sự truyền luật cũng đã có những sự vận động, chuyển dịch từ nội hàm. Cho tới ngày nay cũng là một khoảng cách không nhỏ. Điều chúng tôi muốn đề cập ở đây chính là sự khác biệt trong tinh thần truyền luật khi thiền sư Chân Nguyên và kế cận ngài là Như Trừng Lân Giác thượng sĩ đã đưa ra. Thực ra nó cũng không phải hoàn toàn quá mới mẻ trong lịch sử nếu chúng ta đọc lại tiểu truyện vừa dẫn từ Thiền uyển tập anh về thiền sư Trí Bảo.

c. Một vài suy nghĩ

Chúng ta đều biết, “giới” bao gồm “giới thể” và “giới tướng” hay nói cách khác là: giới tự tánh (tức chân đế) và giới chế định (tục đế). Giữ giới chế định là tuân theo giới luật đã được quy định. Giới tự tánh là giới luật mà mỗi người tự rõ biết qua lương tri hay tánh biết trong sáng tự nhiên. Khi một người xuất gia hay một người tại gia thọ nhận giới luật tức là họ đã nhận lấy “giới thể” (tức: “giới tự tánh”) và giữ giới có nghĩa là giữ cho tâm ý và mọi hành động theo lời răn của “giới” có được một bản chất thanh tịnh, một tự tánh thanh tịnh.

Tu tập vốn dĩ không phải chỉ để trở thành một người thiện lương, một nhà đạo đức. Mục đích rốt ráo của việc tu tập và của giới luật là giữ gìn giới thể, đạt đến bản thể thanh tịnh và cái thấy toàn vẹn. Đó là sự giác ngộ viên mãn. Do đó, “giới thể” mới là bản chất cốt lõi mà mỗi một giới tử cần phải ý thức rốt ráo ngay từ khi được thọ nhận. Giới là các điều học (sikkhapada) để mỗi người khi tham dự vào tứ chúng có cơ hội thận trọng học hỏi, chiêm nghiệm. Quán thân, quán thọ, quán tâm và quán pháp được tức là thấy ra được sự thật đang diễn ra. Giới là những cột neo để giới tử nương náu, giữ gìn đời sống phạm hạnh và thúc đẩy sự hòa hợp thanh tịnh Tăng, chánh pháp cửu trụ. Kể từ khi đức Phật đã đặt ra những chế định, chư tổ luôn cẩn trọng hoằng truyền, gìn giữ. Tuy nhiên, cần nhận diện cụ thể, gìn giữ “giới thể” – tức là bản thể thanh tịnh từ việc quán thân thọ tâm pháp, từ việc thận trọng và nhận thức được điều gì là phù hợp, là đúng và tốt thì mới có thể vượt ra khỏi hình thức chế định hữu hạn của “giới tướng”. Sự giác ngộ sẽ được biểu hiện qua giới bằng những hành vi tinh tế, tỉnh thức và sáng suốt. Thế mới thấy, nếu chỉ giữ thành thói quen về giới tướng thì giới cũng không thể trọn vẹn, giữ giới luật tốt cần phải có trí tuệ.

Điều trọng yếu với cá nhân, tôi cho rằng đôi khi không phải là phạm giới hay không, mà qua giới đó hành giả học ra được điều gì cho sự giác ngộ giải thoát.

Nếu phạm giới mà học ra được bài học giác ngộ thì vẫn giải thoát, nhưng không phạm giới mà kiêu căng ngã mạn, và không học ra được ý nghĩa đích thực của giới thì vẫn không thể giác ngộ giải thoát.

Trong kinh có kể câu chuyện, ngày xưa có vị tỷ-kheo sợ giới luật quá nhiều không nhớ hết để giữ, Phật dạy quên hết đi, chỉ cần một giới là canh giữ tâm của mình thôi là được. Chẳng bao lâu vị ấy chứng ngộ. Và tất nhiên, mọi giới đều tự thành tựu viên mãn. Thầy Tuệ sĩ cũng từng kể lại câu chuyện và chia sẻ trong bài viết của mình[17]: Danh hiệu tỳ kheo, với đầy đủ phẩm chất như được quy định trong luật, cả đến nhiều vị thiền sư nổi tiếng cũng dám không tự nhận. Như luật Trùng trị Tỳ-ni sự nghĩa tập yếu của ngài Trí Húc đời Minh có kể chuyện: Có người hỏi Thiền sư Thọ Xương, “Phật chế tỳ kheo không được quật địa tổn thượng thảo mộc. Nay sao các ngài tự cày bừa, tự gieo trồng, tự gặt hái?” Đáp: “Bọn chúng tôi chỉ cốt ngộ được tâm Phật, kham truyền ý Tổ, chỉ thị đương cơ, khiến cho biết rõ tâm tính, thế thôi. Nếu quy cách theo Chánh pháp, thì chỉ có xưng là ‘Cư sĩ cạo tóc’ mà thôi. Đâu dám xưng danh mình là tỳ kheo!”

Cũng cần phải nói thêm, việc tu tập của một người trong tổ chức không bao giờ là vấn đề của cá nhân. Nó luôn tạo ra những ảnh hưởng và có mối liên đới tới mọi người khác. Trong mười mục đích Phật chế luật có nói: vì mục đích khiến cho người chưa tin Phật thì được tin; người đã tin thì tín tâm càng tăng trưởng. Chính vì vậy, đối với việc truyền luật tuy không nên cứng nhắc và cố chấp nhưng lại cần vô cùng thận trọng để giữ gìn được sự trong sáng và phù hợp của giới.

Nhìn lại những vấn đề về giới luật qua những tác phẩm còn lại của chư vị thiền sư như Chân Nguyên Tuệ Đăng, Như Trừng Lân Giác hay thiền sư Như Thị, v.v.. để chúng ta thấy được một thời, sự truyền luật đã có những vận động, chuyển dịch. Chư tổ đã luôn cẩn trọng áp dụng, đề xuất và điều chỉnh để sao cho tinh thần giới luật trở nên phù hợp với yêu cầu của lịch sử, vừa đáp ứng được nhu yếu của người đã có tín tâm để họ an tâm phát huy sở trường trên con đường “thượng cầu giải thoát, hạ độ tha nhân”, lại vừa thể hiện tinh thần tùy duyên, thuận pháp, vô ngã, vị tha của đạo.

Đây cũng là vấn đề trọng yếu luôn cần thiết lưu tâm.

Thụy Am hiệu Tâm Hiệp

***
[1] Ức Trai thi tập, Nguyễn Trãi, NXB Văn hóa – Văn nghệ, 2009
[2] Trích: Cảm Thời Cố Ý-Bạch Vân Am thi tập, Nguyễn Bỉnh Khiêm
[3] Chuyết Chuyết tổ sư ngữ lục, bản lưu tại chùa Phật Tích huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Biên tập: Minh Hành Tại Tại – Thiền sư Tuệ Tiến, Dịch giả: Nguyễn Quang Khải, Thích Nguyên Đạt
[4] Theo Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang, Nhà xuất bản Văn Học Hà  Nội, 2008.
[5] Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang, Nhà xuất bản Văn Học Hà  Nội, 2008.
[6]
[7] Theo thiền sư Lê Mạnh thát, có ít nhất 5 tác phẩm của ngài Như Trừng: Ngũ giới quốc âm, thập giới quốc âm, Phật Tâm luận, Kiến đàn giải uế nghi, Mãn tán tạ quá nghi. (Ngoài ra có thể còn 1 bản oai nghi quốc ngữ mà sau đó Như Thị đã giải lại (Như Như tổ diễn đã lâu/Như Thị lại giải trước sau để truyền)
[8] Lịch sử PGVN tập 1, Lê Mạnh Thát, NXB TP. HCM, 2001.
[9] Một thời truyền luật, Tuệ sĩ (https://thuvienhoasen.org/a17834/mot-thoi-truyen-luat)
[10] Đây chính là quốc sư Nguyễn Minh Không được thờ ở chùa Hộ Quốc của hòa thượng Cao Thiền – Như Trừng Lân Giác
[11] Theo: Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng, tập 1, Lê Mạnh Thát, NXB Hồng Đức, TP. HCM, 2018
[12] Tựa Xuất gia sa di quốc âm thập giới – Như Như (Cao Thiền hòa thượng)
[13] Xuất gia sa di quốc âm thập giới, Như Trừng Lân Giác, bản dịch của hòa thượng Thích Minh Tâm (Theo: Thông báo HNH 2000)
[14] Nghiên cứu về Thiền uyển Tập Anh, Lê Manh Thát, 1999, NXB Thành Phố Hồ chí Minh.
[15] Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh, Chương Ly cấu của phẩm Thập địa thứ 26 (Hán bộ từ quyền 34 đến quyển 39), Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Tịnh: “Bồ tát ư tự tư tài, thường tri chỉ túc, ư tha từ thứ, bất dục xâm tổn. Nhược vật thuộc tha, khởi tha vật tưởng, chung bất ư thử, nhi sanh đạo tâm. Nãi trí thảo diệp, bất dự bất thủ, hà huống kỳ dư, tư sinh chi cụ. Tính bất tà dâm. Bồ tát ư tự thê tri túc, bất cần tha thê. Ư tha thê thiếp tha sở hộ nữ, thân tộc môi định, cập vi pháp sở hộ, thượng bất sinh ư tham nhim chi tâm, hà huống tùng sự, huống ư phi đạo”. Dịch nghĩa: Với của cải mình Bồ Tát thường biết vừa đủ, với người thời thương yêu tha thứ chẳng hề xâm tổn. Nếu đồ vật thuộc người khác thời tưởng là của người khác, trọn không sanh lòng trộm cắp, nhẫn đến lá cây của người không cho thời không lấy, huống là đồ vật dụng khác. Tánh tự chẳng tà dâm. Với tự thê, Bồ Tát tri túc chẳng mong vợ người. Với thê thiếp của người cùng con gái của người, trọn không móng lòng tham nhiễm, huống là tùng sự dâm dục, huống là nơi phi đạo.
[16] Trích: Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập 3 – Lê Mạnh Thát, NXB Tổng hợp TP. HCM 2000
[17] Một thời truyền luật, Tuệ sĩ (https://thuvienhoasen.org/a17834/mot-thoi-truyen-luat)

TƯ LIỆU THAM KHẢO
1. Tìm hiểu hòa thượng Trịnh Thập qua một số tư liệu ở chùa Hàm Long (TBHNH 2011), tác giả Nguyễn Quang Khải – Hội KH & KT tỉnh Bắc Ninh.
2. Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang, Nhà xuất bản Văn Học Hà Nội, 2008.
3. Lịch sử PGVN tập 1, Lê Mạnh Thát, NXB TP. HCM, 2001.
4. Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập 3 – Lê Mạnh Thát, NXB Tổng hợp TP. HCM. 2001.
5. Một thời truyền luật, Tuệ sĩ (https://thuvienhoasen.org/a17834/mot-thoi-truyen-luat)
6. Yết ma yếu chỉ, hòa thượng Thích Trí Thủ giảng thuật. Tỳ kheo Thích Đổng Minh, Thích Nguyên Chứng biên tập. Quảng hương già lam, PL 2550 – 2006
7. Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng, tập 1, Lê Mạnh Thát, NXB Hồng Đức, TP. HCM, 2018
8. Nghiên cứu về Thiền uyển Tập Anh, Lê Manh Thát, 1999, NXB Thành Phố Hồ chí Minh 1999
9. Xuất gia sa di quốc âm thập giới, Như Trừng Lân Giác, bản dịch của hòa thượng Thích Minh Tâm (Theo: Thông báo HNH 2000)
10. Tựa Xuất gia sa di quốc âm thập giới, tư liệu sưu tầm.
11. Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh, Chương Ly cấu của phẩm Thập địa thứ 26 (Hán bộ từ quyền 34 đến quyển 39), Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường