Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Nam Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính bạch Chư Tôn đức Ban chứng minh! Kính bạch Chư Tôn đức Đoàn Chủ tọa! Kính thưa quý Đại biểu quan khách! Kính thưa Đại hội!

Trước hết và trên hết xin cho phép con thay mặt Đoàn Đại biểu Phật giáo tỉnh Quảng Nam và Tăng Ni, Phật tử tỉnh Quảng Nam, thành tâm kính lễ Chư tôn giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội Trung ương, các tỉnh thành bạn, Chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni; chào mừng quý quan khách, Quý đại biểu. Kính chúc Chư tôn đức và quý vị vô lượng an lạc. Kính chúc Đại hội thành công viên mãn.

Hôm nay, một lần nữa giữa lòng thủ đô Hà Nội - vùng đất ngàn năm văn vật, trái tim của đất nước qua bao thời đại, cũng là nơi khơi nguồn ý chí thống nhất Phật giáo Việt Nam thời đại Phật Hoàng Trần Nhân Tông với sự kiện hiệp nhất các dòng thiền: Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường thành một dòng thiền là Trúc Lâm Yên Tử, đã đặt nền móng căn bản cho sự tiến triển thống nhất Phật giáo Việt Nam sau này. Sự kiện thống nhất Phật giáo Việt Nam qua nhiều thời kỳ, mỗi thời kỳ tùy thuộc bối cảnh lịch sử mà sự thống nhất ở mỗi giai đoạn có giá trị lịch sử khác nhau. Nhưng có thể nói một cách không ngại cường điệu rằng, sự thống nhất Phật giáo Việt Nam năm 1981 là một sự kiện thống nhất toàn diện, hoàn hảo. Sự thống nhất ấy đã khai sinh một tổ chức Phật giáo với danh hiệu là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã đáp ứng được nguyện vọng của Tăng Ni, tín đồ Phật giáo cả nước, đáp ứng được nhu cầu phát triển của thời đại, thể hiện tính đặc trưng của Phật giáo Việt Nam là tinh thần nhập thế theo tư tưởng “Hòa quang đồng trần” của Tuệ Trung Thượng Sĩ, “Cư trần lạc đạo” của Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ 9 lần này không chỉ là sự đánh giá Phật sự 5 năm của nhiệm kỳ qua mà còn là điểm lại 40 năm hình thành và phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Từ khi mới hình thành Giáo hội chỉ có 2 cấp là cấp Trung ương và cấp Tỉnh. Cấp Trung ương Hội đồng chứng minh chỉ có 50 thành viên, Hội đồng Trị sự 50 thành viên. Các Ban ngành chuyên môn chỉ có 6 ban ngành, mỗi ban ngành của Trung ương là 9 thành viên. Cấp Tỉnh không có các ban ngành mà chỉ có ủy viên ban thường trực phụ trách. Đến nay, trải qua dòng chảy thời gian không ngừng nâng cấp và phát triển, đến nhiệm kỳ 7 cấp hành chính thứ 3 của Giáo hội được thành lập là Ban Trị Sự cấp huyện, thị, thành phố trực thuộc tỉnh được thành lập. Các ban, ngành, viện chuyên môn của Trung ương gần 100 thành viên, cấp tỉnh 25 thành viên, cấp huyện 9 thành viên, với nhiều chương trình hoạt động phong phú, đóng góp tích cực trong sự nghiệp phụng sự Đạo Pháp, Dân tộc, tốt đạo đẹp đời. Hai nhiệm kỳ gần đây đặc biệt Ban thông tin truyền thông Phật giáo đã có những kênh truyền hình An Viên, Phật sự Online, truyền hình QCB và các trang mạng khác đã chuyển tải được những hoạt động của Giáo hội, chương trình thuyết giảng trực tuyến, online những Giáo pháp của Đức Thế Tôn đến mọi người Phật tử, đến quần chúng nhân dân trong nước cũng như ở nước ngoài. Các tổ chức của Giáo hội cũng đã hóa thân vào các lĩnh vực xã hội từ thiện cứu tế, các Tăng Ni trẻ dấn thân góp phần chống dịch Covid tạo được tiếng vang và ảnh hưởng của Phật giáo vào xã hội. Tinh thần nhập thế “Tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên” của chư Tôn đức lãnh đạo trung ương đã viết lên được trang sử huy hoàng cho đạo pháp thời đại thế kỷ 21 - một thời đại đầy những biến động chính trị, quân sự, ngoại giao trên khắp thế giới, Giáo hội đã góp phần tích cực vào sự ổn định đời sống nhân dân, an ninh xã hội, chia sẻ cùng Nhà nước những vấn nạn đang đè nặng tâm trí các nhà lãnh đạo và những ai quan tâm đến vận mệnh của đất nước.

Kính thưa Đại hội!

Có thể nói, trên phương diện tổ chức và hoạt động, trải qua 8 nhiệm kỳ, hơn 40 năm Giáo hội đã không ngừng phát triển, không chệch hướng với phương châm Đạo Pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội, khẳng định được vị trí của GHPG VN trong lòng dân tộc, đất nước, cũng như hội nhập trên trường quốc tế. Giáo hội đã tham gia nhiều hoạt động quốc tế Phật giáo, như tham gia tổ chức Châu Á vì hòa bình (ABCP), thành viên sáng lập thượng đỉnh Phật giáo thế giới, thành viên Vesak của Liên hợp quốc, 3 lần đăng cai tổ chức thành công Phật Đản Liên hợp quốc… Tuy nhiên, các cấp Giáo hội cũng còn những bất cập, khập khiễng, về mặt nội lực chưa mạnh và sự quản lý chưa chặt chẽ. Ở đây chúng tôi xin phép được nêu ra mấy vấn đề:

Đông đảo tăng ni, phật tử của thành phố tham dự Đại lễ Phật đản Phật lịch 2562. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)

1. Vấn đề Tăng sự.

a. Theo kinh điển mà nói thì “Tăng già là sứ giả của Như Lai, là phước điền của chúng sanh. Người thay Phật giáo hóa thế gian.” Hay có thể nói khác Tăng là sức sống của Đạo pháp, của Giáo hội. Nhưng Tăng làm được sứ mạng ấy cần phải được nuôi dưỡng bằng thực phẩm giáo pháp và thiền định. Giáo pháp cần phải thâm nhập chứ không phải chỉ ghi nhớ. Tăng già đầy đủ những yếu tố ấy mới thành tựu được Phật sự to lớn, mới giúp Giáo hội được phồn vinh, Chư Phật mới tin tưởng, Đạo pháp mới xương minh. Nhưng từ khi bước vào thế kỷ 21, thời đại công nghệ 4.0, giá trị Tăng già hình như giảm sút, đạo lực suy vi, tâm ngã ái, ngã chấp phát triển mạnh hơn từ bi, trí tuệ, hỷ, xả. Chứng minh cụ thể qua nhiệm kỳ này còn có tỉnh, thành vì bảo thủ, cố chấp, tranh chấp. Thậm chí có nơi (kể cả cấp Tỉnh và Huyên), có người xem việc hành chánh là bình đẵng nên có những người trẻ lấn lướt, tranh chấp với các vị cao niên không kể tôn ti, hạ lạp, đã gây ra những khó khăn cho công việc tổ chức Đại hội, đặc biệt là khâu nhân sự. Hiện tại, có những tỉnh, thành mặc dù đã tổ chức Đại hội xong nhưng nội tại vẫn tiềm ẩn những bất ổn, không thực sự hòa hợp, bằng mặt nhưng không bằng lòng.

b. Tổ chức quản lý lỏng lẻo không nghiêm minh. Chúng điệu ở chùa này khai trừ thì chùa khác thâu nhận, thậm chí chưa phải khai trừ nhưng thầy Bổn sư chỉ la rầy là đã bỏ thầy ra đi đến chùa khác, chùa khác thâu nhận, nuông chiều, không cần biết chúng điệu này gốc gác ở đâu, lai lịch như thế nào, tạo phức tạp cho tăng đoàn, cho sự quản lý của Giáo hội.

c. Một số Tăng Ni lợi dụng thông tin mạng để kích bác lẫn nhau khi có những quan điểm bất đồng hoặc kích bác pháp môn tu tập gây hoang mang cho quần chúng Phật tử.

d. Giới đàn là “Tuyển Phật trường” như hiện nay có tình trạng sức tạo ra thành tích Phật sự, nhưng thường cái gì quá nhiều thì bị lạm phát. Giới đàn có quá nhiều nơi, nhiều lúc, đẻ ra tình trạng giới đàn cần giới tử hơn là giới tử cần giới đàn nên tạo ra Tăng sĩ không đủ đạo hạnh. Nội quy Ban Tăng sự Trung ương quy định người quá 60 tuổi không cho thọ Tỳ kheo giới (Chỉ được thọ Sa di, Sa di Ni hoặc Bồ tát giới). Cũng như theo giới luật, người các căn không đủ (Chư căn bất cụ) không được thọ Tỳ kheo giới nhưng có những giới đàn đều cho hết. Có những địa phương vị tình, vị nể giới thiệu giới tử đi thọ giới tỉnh khác không quan tâm đến đạo hạnh, tư cách vẫn giới thiệu. Như vậy là không nghiêm minh.

Với những vấn đề Tăng sự này, chúng tôi xin mạo muội đề nghị:

- Giáo hội cần có một quy chế cho các tự viện không thâu nhận những chúng điệu mà không rõ xuất xứ, Tăng Ni bị các tự viện khác khai trừ. Như chúng con ngày xưa, ở Phật học viện nếu Tăng sinh đã bị Phật Học viện khai trừ thì các tự viện khác trong cả nước đều không được thâu nhận.

- Giáo hội chúng ta là một tổ chức có lãnh đạo, có các ban ngành phụ trách chuyên môn, vậy mỗi khi có Tăng Ni làm những việc không đúng chính pháp hoặc vi phạm Hiến chương, Nội quy của Giáo hội thì Giáo hội triệu tập kiểm điểm, khiển trách, chỉnh đốn, “Đạo bảo đạo tự trọng”, mỗi Tăng Ni không nên tùy tiện dùng mạng thông tin đả kích nhau, tạo nhân duyên cho thế gian phỉ báng Phật pháp, phỉ báng Tăng đoàn, chê bai Giáo hội.

- Vấn đề Giới đàn, không nhất thiết mỗi tỉnh mỗi mở Giới đàn mà nên tổ chức theo khu vực và khung thời gian nhất định, tránh tình trạng lạm phát Giới đàn, Tăng giới không trang nghiêm, không chất lượng, tránh tình trạng thọ giấy hơn là thọ giới.

2. Vấn đề giáo dục.

- Thời đại ngày nay việc tham gia Giáo hội cần phải có học vị, nhưng đó mới chỉ là điều cần chứ chưa phải là đủ. Bởi vì hành chánh của chúng ta là hành chánh Phật giáo, công tác của chúng ta là Phật sự, cần có người có trí và đức. Tiếng nói của người làm Phật sự không phải là tiếng nói của chức danh mà là tiếng nói của đạo hạnh.

Ngành Giáo dục là đào tạo nhân sự cho Giáo hội, ngành Tăng sự là quản lý nhân sự cho Giáo hội, có một liên quan rất mật thiết cần phải gắn bó với nhau. Vấn đề này, chúng tôi xin đề nghị, song song với các trường Trung cấp Phật học và Học viện Phật giáo, Giáo hội cần có thêm Viện Chuyên tu do Giáo hội quản lý điều hành. Các Tăng Ni có bản nguyện tham gia Phật sự của Giáo hội thì sau khi tốt nghiệp các bậc học ấy phải vào Viện Chuyên tu thời gian tối thiểu 2 năm để cho kiến thức về giáo pháp và thiền định thâm sâu (như tổ chức Phật học viện ngày xưa, người tốt nghiệp Trung đẳng Phật học xong phải có 2 năm Dự bị, tốt nghiệp Cao đẳng rồi thì có 1 năm Dự bị mới cho ra trường). Đào tạo như thế Giáo hội mới có con người có nội lực ly dục, ly tham, ly thủ… nhân sự có nhân cách tốt cho Giáo hội.

3. Vấn đề văn hóa.

- Giáo hội càng ngày càng phát triển, nhu cầu tổ chức các sự kiện, các lễ hội cũng cần phát triển. Do đó, đề nghị Giáo hội nên xem xét kiến tạo một Trung tâm Văn hóa Phật giáo có tính quy mô, có tầm quốc tế, đủ sức dung chứa vài ngàn khán, thính giả, độc lập ngoài các cơ sở tự viện. Ngoài ra, con xin bổ sung thêm một vài đề nghị nữa:

- Nhà nước có ngày Thương binh liệt sĩ, nên chăng Giáo hội lấy ngày 20 tháng 4 âm lịch (ngày Bồ tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân) làm ngày Thánh tử đạo Phật giáo Việt Nam.

- “Phật giáo là tôn giáo của dân tộc”. Sự gắn bó, thăng trầm, vinh nhục của Phật giáo Việt Nam với dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam, không phải chỉ một vài giai đoạn lịch sử mà là suốt chiều dài lịch sử dân tộc kể từ khi du nhập đến nay. Hơn thế nữa, Phật giáo ngày nay đã được Liên hợp quốc tôn vinh là tôn giáo tiêu biểu của thế giới, ngày Đức Phật đản sinh là ngày lễ hội văn hóa tôn giáo thế giới, là ngày hòa bình thế giới. Vậy Giáo hội nên có kiến nghị với Nhà nước đưa ngày Phật đản vào ngày quốc lễ để tạo thuận lợi cho Phật tử hưởng ứng ngày lễ hội Phật đản và cũng là tạo nhân tố đẩy mạnh cho sự xã hội hóa ngày Phật đản.

Kính bạch chư Tôn Đức! Kính thưa quý Đại biểu quan khách! Kính thưa Đại hội!

Trong khuôn khổ và thời gian cho phép cùng với một tâm tư tha thiết, nhiệt tình với tổ chức Giáo hội, chúng tôi xin được góp một vài ý kiến thô thiển, mộc mạc. Nếu có điều gì sai sót, kính mong chư Tôn Thiền Đức và quý Đại biểu cảm thông hoan hỷ. Thành kính tri ân chư Tôn Thiền đức và trân trọng cảm ơn quý liệt vị.

Trước khi dứt lời một lần nữa thành tâm kính chúc chư tôn Thiền đức lãnh đạo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố cùng chư Tăng Ni thân tâm thường lạc, Phật sự viên thành. Kính chúc quý vị Đại biểu sức khỏe và hạnh phúc.

Kính chúc Đại hội thành công viên mãn./.

Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Nam Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX