Trang chủ Chuyên đề Một số tư liệu về Tổ Như Trừng Lân Giác ở Bắc Ninh

Một số tư liệu về Tổ Như Trừng Lân Giác ở Bắc Ninh

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

NNC.Nguyễn Quang Khải

Tổ Như Trừng Lân Giác là là một tăng sĩ rất nổi tiếng ở Hà Nội và Bắc Ninh. Cách đây hơn 10 năm, khi sưu tầm tư liệu để biên soạn cuốn Chùa Hàm Long, chúng tôi được tiếp cận với một số tư liệu có nội dung đề cập đến hành trạng của ngài. Chúng tôi cũng ý thức được rằng, với số tư liệu này rất có thể còn chưa đầy đủ, nhưng những tư liệu đó cũng giúp cho chúng tôi hiểu được một chút về hành trạng của Tổ Như Trừng Lân Giác. Trong bài này, chúng tôi xin giới thiệu một số tư liệu được lưu giữ ở Bắc Ninh có nội dung liên quan đến Tổ Như Trừng nhằm giúp quý vị có thêm chút ít tư liệu có liên quan đến vị tăng sĩ trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

1. Thiền uyển kế đăng lục

Sách do Hòa thượng Phúc Điền trụ trì chùa Bồ Sơn, nay thuộc phường Võ Cường TP. Bắc Ninh tỉnh Bắc Ninh soạn, Giám tự Phương Viên khắc ván, Chưởng Lãnh binh tỉnh Sơn Tây Lê Huấn Chiêu, pháp danh Đại Tuệ hưng công, Văn Đường viết chữ, in ngày 15 tháng Giêng năm Kỷ Mùi, niên hiệu Tự Đức thứ 12 (1859), chép về Thượng sĩ Như Trừng Lân Giác như sau: “Như Trừng Lân Giác Thượng sĩ là đệ nhất thủy tổ khai sơn, người núi Vĩnh Sóc, tỉnh Thanh Hóa, họ Trịnh tên Thập, là con trai của Tấn Quang vương, mẹ họ Vũ, mang thai và sinh ra ngài vào giờ Dậu ngày mùng 5 tháng 5 năm Bính Tý niên hiệu Chính Hòa thứ 17 (1696). Tuy ở chốn vinh hoa nơi phủ tía, nhưng lòng vẫn tưởng đến cõi ba la. Thời đó ở phường Bạch Mai huyện Thọ Xương có một tư doanh, trên khu đất có một vườn, có ao hồ rộng 6 mẫu, sau vườn có một gò đất cao 7, 8 thước.

Một ngày, sư sai quân gia sửa sang nơi đó để làm bể thả cá vàng. Bỗng thấy một ngó sen lớn. Quân gia trình với sư. Sư cho đó là điềm mình xuất gia. Nhân có điềm lành ngó sen, ngài hóa gia vi tự, gọi là Liên Tôn, viện gọi là Ly Trần, không nhập thôn phường. Từ đó dốc chí tu thiền.

Một ngày, Thượng sĩ đến Lãm Sơn huyện Quế Dương tỉnh Bắc Ninh tu tạo đại già lam, gọi là chùa Hàm Long. Đệ tử của ngài, một người là Bảo Sơn Tính Dược trụ trì chùa Liên Tôn; một đệ tử là Tịnh Minh Tính Ngạn là tổ thứ hai trụ trì chùa Hàm Long. Truyền xuống đời thứ ba là Vũ Hoa tổ sư, đời thứ tư là Chính Trí Tịch Dự tổ sư, đời thứ năm là Chính Tâm đại sư, đời thứ sáu là Chân Không Phổ Toán đại sư, đời thứ 7 là Tỷ khưu Thông Vinh đại sư.

Buổi đầu xả tục xuất gia. Được chỉ, ngày đó đến thẳng chùa Long Động núi Yên Tử vùng Đông Triều, đảnh lễ Chính Giác Chân Nguyên Hòa thượng. Khi đó tổ Chân Nguyên đã 80 tuổi, nói rằng: “ túc duyên cao hội, sao đến muộn vậy?”. Sư đáp: “Thầy trò hội hợp, thời đến thì ra”. Tổ nói: “Người trùng hưng Phật tổ chính là con vậy”.

Từ đó, Thượng sĩ ngày đêm nghiên cứu tam tạng, không có điều gì là không thông suốt. Một ngày rất uy nghi, ngài được thụ cụ túc giới. Vị cơ, tổ nói: “Đã đến lúc ta về Tây rồi. Ta đắc pháp với Chân Nguyên hòa thượng”. Khi đó sư mới 37 tuổi. Một ngày, ngài nói với mọi người rằng: “Cái thân tứ đại này sao có thể nói là trường cửu”, bèn hướng về phía Tây an tọa, phó chúc cho Tính Tuyền Chạm Công hòa thượng, rằng:

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Thien Uyen Ke Dang Luc 1

Bản tòng vô bản,

Tòng vô vi lai,

Hoàn tòng vô vi khứ.

Ngã bản vô lai khứ

Tử sinh hà hội lụy.

Tạm dịch:

Vốn theo cái không có gốc,

Theo cái vô vi mà đến.

Lại theo cái vô vi mà đi,

Ta vốn không đến không đi,

Nên không hội lụy việc sống chết).

Nói xong, hướng về hướng Tây niệm Phật mà hóa. Đó là năm Long Đức thứ 2 (1733).

Đại chúng xây tháp tạo tượng. Ba chùa thờ phụng. Bình nhật, sư khai hóa chùa Hộ Quốc tại phường An Xá huyện Thọ Xương (nay ở đường Nguyễn Khoái phường Thanh Lương quận Hai bà Trưng, TP. Hà Nội).

Vị đệ tử của Trịnh hòa thượng ở chùa Liên Tôn là Đỗ Đa Lưỡng quốc hòa thượng, người Đa Cốc, huyện Vũ Tiên, tỉnh Nam Định, họ Hoàng, 12 tuổi xuất gia, vào chùa Liên Tôn đầu Phật, đảnh lễ Thượng sĩ, xin xuống tóc thụ thập pháp (Sa di), suốt ngày đêm lễ tụng học tập, chấp lao phục dịch. Sáu năm sau, vân du tham vấn các bậc trí thức.

Một ngày, Thượng sĩ than rằng: “Nay đang lúc mạt phúc, thế đạo đang suy, nói giới luật đã không có ai nghe rồi”. Và nói với sư rằng: “Con có thể đi xa cầu thầy giỏi, khắc phục tệ đoan, có được không”. Sư lễ tạ, vâng mệnh.

Tổ tiễn và có bài kệ rằng:

Thiền lâm cổ kính cựu mai trần,

Vị pháp vong thân kỷ cá nhân.

Ngũ thập tam tham kim cổ tại,

Bát tuần hành cước dã tân cần.

Tạm dịch:

Gương cổ rừng thiền bị che rồi

Vì pháp quên thân có mấy người.

Tham thiền năm chục nay còn đó,

Tám chục tuổi rồi chẳng nghỉ ngơi.

2. Thiền phả

Lưu giữ ở chùa Hàm Long viết về Hòa thượng Trịnh Thập có nội dung như sau: “Đức tổ Cứu Sinh (Trịnh Thập) quê ở xã Sóc Sơn, huyện An Định tỉnh Thanh Hóa, họ Trịnh (ngày nay hậu duệ còn ở Bồng Thượng, Bồng Trung, Bồng Hạ). Ông thân sinh ngài chiêm bao thấy một cụ già mặc áo thụng xanh, dắt một đồng tử đến cho. Từ đấy, bà thân mẫu mang thai. Đến giờ Dậu ngày mùng 5 tháng 5 năm Bính Tý, niên hiệu Chính Hòa thứ 17 (1696), sinh ra ngài. Khi mới sinh ra, ngài có dung mạo khác thường, trên trán có hình chữ “Giốc”.

Đến khi lên 7 tuổi, thân phụ ngài từ trần, bà thân mẫu đã ngoài 50 tuổi. Ngài được vua Lê Dụ Tông nuôi dưỡng 9 năm trời. Ngài học hành sáng suốt, Nho, Thích đều tinh thông. Vua Lê Dụ Tông rất quí mến, đem công chúa thứ tư gả cho. Nhưng ngài chỉ muốn xuất gia để cứu thoát chúng sinh ra khỏi luân hồi, không tưởng gì đến sự gia đình. Ngài tâu với Thánh vương: đã thương con thì bao tù ngục tha hết, con mới kết nhân duyên. Vua Lê Dụ tông cũng bằng lòng tha hết tù ngục. Song ngài đã hóa gia vi tự (nay là chùa Liên Phái, phố Bạch Mai, Hà Nội) và xuất gia vào núi Yên Tử học đạo, tham thiền Chân Nguyên hòa thượng.

Sau, ngài khai tràng thuyết pháp ở chùa Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Sau đó, ngài đến chùa Hàm Long khai sơn phá thạch, kiến thiết trùng tu thật tố hảo. Từ đó, tăng chúng từ Bắc đến Nam đâu đâu cũng đến tham thiền học đạo. Ngài đắc pháp truyền tâm bản kinh Thập nguyện. Ngày nay, ai cũng gọi ngài là “Hòa thượng Cứu Sinh”.

Về Hòa thượng Cứu Sinh, Lời tựa sách Cúng tổ khoa do Thiền sư Thích Ngột Ngột- một đại đệ tử của Hòa thượng Trịnh Thập, biên soạn vào ngày 15 tháng 2 năm Nhâm Tuất niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 3 (1742) hiện được lưu giữ tại chùa Hàm Long cho chúng ta biết Hòa thượng Cứu Sinh nhập Niết bàn vào giờ Ất Mão ngày 15 tháng 2 năm Nhâm Tý, niên hiệu Vĩnh Khánh (1732).

3. Văn bia “Cứu sinh Trịnh tổ lục bi”

Hiện còn được lưu giữ trong khuôn viên chùa Hàm Long có nội dung như sau: “Trịnh Hòa thượng húy là Như Như, pháp danh Thích Trung Trung, hiệu là Lân Giác, người xã Lạc Sơn, tỉnh Vĩnh Phúc (có lẽ tác giả văn bia đã nhầm; đúng ra, Trịnh Hòa thượng là người Thanh Hóa), họ Trịnh tên Thập. Hòa thượng là con thứ 11 của quan Tham tể Tiến Quang vương triều Lê. Mẹ ông có một đêm mộng thấy một ông lão mặc áo thụng xanh, dắt một đồng tử vui vẻ giao cho bà mẹ ông là Vũ Thị. Từ đó, phu nhân của Tiến Quang vương có thai. Đến giờ Dần ngày mùng 5 tháng 5 năm Nhâm Tý niên hiệu Chính Hòa thứ 17 (1696), bà sinh ra một bé trai kháu khỉnh và đặt tên là Thập. Ngay từ khi mới sinh ra, trên trán Trịnh Thập có một cái nốt trông như sừng, rất lạ. Năm Trịnh Thập lên 7 tuổi được Trịnh vương (Trịnh Căn) nuôi dưỡng cho đến khi trưởng thành. Ông có dung nhan tươi đẹp, sức vóc khỏe mạnh, lại có khí độ đường hoàng. Các môn: độc giảng kinh sách, thi thư,… ông đều thông thạo.

Vua Lê Hy Tông nghe tiếng ông, bèn gả công chúa thứ tư cho Trịnh Thập. Nhưng Trịnh Thập mặc dù ở nơi vinh hoa phú quí mà lòng đã đã chôn vùi cõi tục. Chuyện công danh đối với ông tựa hồ như đám phù vân. Các đồ châu ngọc gấm vóc lụa là cũng chỉ coi như gạch ngói mà thôi. Ngài chỉ một lòng nghĩ đến cuộc sống bố y áo vải, nên quyết chí tìm nơi xa vắng để tu hành.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Chua Ham Long Bac Ninh 1

Chùa Hàm Long, Bắc Ninh. Ảnh: St

Khi đó, Trịnh Thập tuy chưa xuất gia mà vẫn ở trong phường Yên Xá và sáng lập chùa Hộ Quốc và đúc tượng Nguyễn Minh Không.

Năm Bính Ngọ (1726), ngài định xuất gia và lên núi Yên Tử, vào chùa Long Động dâng lễ thiền phái Trúc Lâm nơi Hòa thượng Chân Nguyên để được độ. Hòa thượng đã giảng giải cho ngài những điều sâu sắc trong Phật pháp để làm bảo khí. Giờ Canh Tý ngày 10 tháng 3 năm ấy ngài Trịnh Thập được độ làm tiểu và được đặt pháp danh là Như Như. Như Như bái biệt các sư phụ và trở về kinh thành, định rằng sẽ bắt đầu xuống tóc đi tu. Chúa thượng không bằng lòng. Ngài cố từ tạ, từ bỏ mũ áo, quyết cắt tóc tu hành. Chúa thượng rất bực, nhưng ngài vẫn không đổi ý. Ngài nói: kẻ nam nhi sinh ra và lớn lên có chí lớn phải quyết thực hiện bằng được, đâu dám không quên thân. Cho nên việc sinh tử cũng chỉ dừng lại trong bốn điều mà thôi.

Hòa thượng về bản cung. Ngài bắt đầu qui y và làm lễ cúng dàng. Ngài lại dựng chùa ở bản cung. Lúc ấy có một đóa hoa sen hóa sinh ứng vào lòng Phật như trong điềm báo trước đây. Vì vậy, chùa có tên là chùa Liên Tôn. Ngài lại xây một tòa đặt tên là Ly Trần viện.

Lúc đầu mới xuất gia, ngài thực hành thập giới, thường làm những điều từ bi, không làm điều ác, lại giảng giải về ngũ giới cho những người tại gia để làm sáng tỏ những điều nhân, lễ, nghĩa, trí, tín.

Mùa Hạ năm Mậu Thân, tổ phát tâm viết kinh Thập nguyện cứu sinh để tụng trì. Đến khi xét thấy đã đến kỳ hóa độ, công quả đã viên mãn, ngài bèn đến chùa Vạn Phúc (tức chùa Phật Tích huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh). Ngài được vị sư tổ ở đó là Gia Sa Pháp Tính kết cỏ làm am trụ ở đó.

Ngày 15 tháng 2 năm Nhâm Tý niên hiệu Long Đức nguyên niên (1732), ngài ngồi tọa thiền, mặt hướng về phía Tây, đoan nghiêm mà hóa.

Người trong môn phái tâu lên chúa thượng. Chúa thượng cho rước di hài Trịnh Hòa thượng về kinh sư. Thái phi phát tâm cho từ mẫu Hòa thượng và người trong môn phái được dựng tháp để đặt xá lỵ ở chùa Liên Tôn và chùa Hàm Long và cho ghi chép hành trạng Hòa thượng vào sử sách. Cũng năm đó, chúa thượng ban sắc phong phong cho Hòa thượng là Cao Thiền Viên Giác Hòa thượng. Hiện nay, tại nhà tổ chùa Hàm Long vẫn còn lưu giữ được biến gỗ có chữ “Sắc tứ Hòa thượng” và “Cao Thiền Viên Giác”.

4. Khoa cúng tổ Trịnh Hòa thượng

Khoa cúng này do Thiền sư Thích Ngột Ngột soạn năm Nhâm Tuất, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 3 (1742), có nội dung:

Hương tán! Tâm hương ngào ngạt, bảo triện cung phần, ba nghìn sát hải kết tường vân, Thiền tòa cung kính hiểu nghe, vì chúng ân cần, linh giác hiện toàn thân.

Nam mô Hương vân cái Bồ tát Ma ha tát (tụng 3 lần).

Phù dĩ! Hương hoa tuần lai, như pháp trang nghiêm, diệu tướng viên dung, gọi là tán lễ.

Chí tâm tán lễ! Liên Tôn đại giáo chủ, chịu làm thầy thế gian từ bi, đắc chỉ tuệ đăng truyền, rộng khai Bồ đề lộ, đạo hiển dương, tôn giáo trường, theo pháp vũ; ngọc diệp chấn sơn môn, chân kinh giảng lời đẹp, hoằng pháp lợi sinh vì gia vụ, bản nguyện rất thâm sâu, vô vi thời chứng được. Nguyện chúng đẳng chính giác thực tướng tròn đầy, thời nay được gặp Di đà vô lượng thọ.

Mưa móc tôn sư thân lắng yên,

Núi sông tĩnh lặng khắp trăm miền.

Tính tướng nơi mình như như tại,

Nên ta cung kính lễ dưới thềm.

Cử tán:

Ngân, Hoàng sông lớn chảy tự nhiên,

Bỏ lại quyền cao, nối đạo thiền.

Trong đục tâm không tròn thực tướng,

Sa bà nguyện độ khắp từ ban.

Rộng mở cõi Thiền triều âm động,

Nô nức cửa chùa Phật pháp hưng.

Kế tổ truyền đăng mãi bất diệt,

Trời, người khen ngợi ngài rất nhiều.

Nam mô Vô sinh diệt Bồ tát Ma ha tát (tụng 3 lần).

Thiết dĩ! Mưa móc thật đầy, đến nay trần chẳng nhiễm trần, tám đức tính không, biết nước hết không tẩy rửa, nước lắng trong tỏ nhiều điều, thanh tịnh sẽ thấm nhuần, đúng sự lý thì dung thông, dùng quyền hành mà tác pháp.

Nay thì, khói thơm bốc lên, thức ngon đặt bày, chí thành muốn thỉnh tôn sư, khiết tịnh phải dựa vào nước phép, chính là nước vậy. Nguồn tâm chảy ra, chín rồng tắm cho Thích Ca mát mẻ; dưới ao nước lặng, đại sĩ nhờ mắt Di Lặc mở xem. Không một chút Bồ đề mùi vị; hương cam lộ chuyển đến khắp nơi. Dùng thời hành giả quán đầu truyền, dọn ô uế thành nơi tịnh độ. Giáo hữu mật ngôn, ngày ngày trì tụng.

Ma ha diễn thủy, quán tẩy đại tràng, nhất trần bất nhiễm hóa thanh lương, phiền não tận tiêu vong, công đức khó đo lường, dưỡng tốt khắp mười phương.

Nam mô Thanh lượng địa Bồ tát Ma ha tát (tụng 3 lần).

Cung kính nghe! Chiếu pháp trang nghiêm, tất mượn hương truyền mà đạt tín; tôn sư ứng hiện, chưa cất tiếng đã hiểu trước rồi; tuy là ngũ phận phân vân, thực đã nhất tâm quán triệt.

Hương tốt vậy, tiêu tư không tục, thể chất vô trần; chỉ ít người thấu, nguyên trăng chếch ba sao trưởng dưỡng; vốn từ gốc rễ mà ra, uẩn linh đài tấc đỏ anh hoa; khác lạ hạ phẩm hương phàm, đúng là thượng phương mùi khác. Hồi đầu tầm thức, quang minh xứ ấy tự nhiên sinh; thân đến thấy thơm, tịch diệt do tự thân chứng đắc. Vậy, khen có lới nói phải, cẩn thận tụng trì:

Năm phân hương quí thơm ngào ngạt,

Tài bồi vốn có tự trong lòng.

Chân thành mang đến trong lò đốt,

Kết lại lâu đài thân cúng dàng.

Hương nhiễu nhiệt:

Lợi trần tâm niệm tổng viên thông,

Hiểu giới, định, tuệ giải thoát cùng.

Cái ấy nguyên lai đều chân tính,

Hun thành tam muội của liên tôn.

Tôn sư đến thụ nạp, sau cùng đều cúng.

Nam mô hương cúng dàng Bồ tát (tụng 3 lần).

Cung kính nghe! Trần tiêu cảnh tịch, Bồ đề hương tán ở nhân thiên; thể hết tính không, Bát nhã quang minh trong thế giới. Tọa hết thập phương bất động, măng đá đều không; động trời một đường nào khác, trâu đất ra khơi. Tuy diệt độ mà vốn không diệt độ, biến hóa pháp thân; theo chúng sinh thường để cứu sinh, mãn kỳ chí nguyện.

Thị dĩ! Muôn dặm trời quang đều như ngọc rót, vẫn trời muôn dặm; nghìn sông đầy nước sáng vô cùng, sông trăng ở mãi nghìn xa. Giáo hữu phụng thỉnh chân ngôn, trang nghiêm trì tụng:

Lấy lời chân thành thân phụng thỉnh,

Tôn sư pháp tính nguyện lắng nghe.

Vất vả trước đây chân đến được,

Khảnh khắc hữu tình tùy ứng hiện.

Nam mô Bố bộ, Đế Lỵ già Lỵ đa Lỵ hằng Đa nga Đa da.

Thượng lai, phụng thỉnh chân ngôn, tuyên dương đã trọn, các chúng thành tâm, đốt hương bái thỉnh.

Dâng hương mật tưởng cử tán:

Nhất niệm tâm hương, giới định ngưng thành mùi vị, đệ tử tinh thành, nhiệt tại trong lò vàng, trải khắp hư không, mây kéo ngùn ngụt ấy điềm lành cúng dàng tôn sư, biểu thị lòng ta thực vậy.

Nam mô hương cúng dàng Bồ tát Ma ha tát (tụng 3 lần).

Cẩn vận chân hương, chí tâm bái thỉnh:

Nhập thần thông tạng, sinh Trịnh vương gia,

Quyền nối dài Phật tổ tâm tông,

Pháp hiển dạy người thiên nhãn mục,

Khoác áo cà sa, không dùng gấm vóc,

Chúng suy tôn chấn khởi gia ông,

Xả ân ái quyết tu hành, trong kim cổ ít có người như thế.

Nam mô bản tổ sư Lân Giác thượng sĩ hằng nguyện độ sinh Như Như Trừng Trừng Viên Giác Cao Thiền hòa thượng Đại Tuệ thiền sư nhục thân Bồ tát thiền tòa hạ.

Duy nguyện!

Mây vốn vô tâm tùy xứ tụ,

Trăng như hữu ý đến thời tròn.

Ánh sáng bao trùm pháp Phật rộng khắp, nhận đó cúng dàng, hương hoa cung thỉnh, lại thắp hương thơm chí tâm bái thỉnh.

Phúc tròn tướng tốt, giới tịnh tuệ minh, văn vật kế thừa từ kiếp trước, đạo hóa mở ra đến đời sau. Nhẹ lấy lông rùa quét bụi, tảo trừ từng hạt bụi trần; xếp lại sừng nghé xe nghê, hiện ra như như thực tướng.

Nam mô bản tổ sư Lân Giác thượng sĩ hoằng nguyện độ sinh Như Như Trừng Trừng Viên Giác Cao Thiền hòa thượng Đại Tuệ thiền sư nhục thân Bồ tát, thiền tòa hạ.

Duy nguyện:

Chén gỗ nổi mà dừng lại,

Cưỡi sư tử để đến nơi.

Ánh sáng bao trùm pháp Phật rộng khắp, nhận đây cúng dàng, hương hoa cung thỉnh, lại thắp hương thơm chí tâm bái thỉnh. Vì tâm tu tuệ, duyên tính ngộ Thiền, vượt bốn quả mà Lân Giác được tôn xưng, cứu chúng sinh mà nguyện pháp luân thường chuyển; phúc làm tăng là kiếp, chuyển đến được pháp y tổ truyền; làm Phật thế gian, giỏi hóa độ mọi phương mà dạy bảo muôn nơi.

Nam mô bản tổ sư Lân Giác thượng sĩ hoằng nguyện độ sinh Như Như Trừng Trừng Viên Giác Cao Thiền hòa thượng Đại Tuệ thiền sư nhục thân Bồ tát, Thiền tòa hạ.

Duy nguyện! Hiển pháp tướng của liên hoa, đợi âm lớn của hang trống, ánh sáng bao trùm pháp Phật rộng khắp, nhận đó cúng dàng, hương hoa cung thỉnh, lại thắp hương thơm chí tâm bái thỉnh.

Thiện căn thành tựu, tâm địa tài bồi; cành vàng kết hoa ưu bát, cây ngọc hiện quả Bồ đề.

Cung thỉnh! Nam mô bản tổ sư Lân Giác thượng sĩ hoằng nguyện độ sinh Như Như Trừng Trừng Viên Giác Cao Thiền hòa thượng Đại tuệ thiền sư nhục thân Bồ tát.

Thánh phụ Tham tể Thượng tướng công truy phong Phổ Quang vương, thụy Minh Độ phủ quân, Thị nội cung tần, thượng văn phong tặng Thượng hòa, Nguyễn quí thị hiệu Diệu Bính cùng các linh hồn tổ tông nội ngoại.

Duy nguyện! Xe loan một cỗ, cánh phượng hoằng khai, mây ám Phật pháp rộng xa, nhận lấy cúng dàng, hương hoa cung thỉnh.

Châm nén hương thơm, chí tâm cung thỉnh:

Tượng vương giáo thụ, Tây lai Đạt Ma phó nghê tôn, Long Động tổ truyền, Nam Việt Liên Tôn trưởng pháp phái.

Cung thỉnh! Nam mô bản tổ sư Lân Giác thượng sĩ hoằng nguyện độ sinh Như Như Trừng Trừng Viên Giác Cao Thiền hòa thượng Đại tuệ thiền sư nhục thân Bồ tát,. pháp tử tông đồ, truy lưu bạch bối, truyền đăng ngũ chúng, vãng tiêu dao, tất cả giác linh, nơi này nơi kia, nơi xa nơi gần, lớp lớp quyến thuộc.

Duy nguyện! Đồng thừa phúc hải, ơn biển tưới nhuần, truyền đăng Phật pháp lâu dài, nhận lấy cúng dàng.

Hương hoa thỉnh! Thượng thừa phụng thỉnh, đã quang lâm đến đài sen, có dạy trên tòa lời nói nói tốt, cung kính trì tụng:

Thanh tịnh chân thân diệu giác linh,

Cao cao tọa tại Niết bàn thành.

Xưa nay không vướng sa bà giới,

Tùy niệm tâm kia tác chứng minh.

Nam mô Vân lai tập Bồ tát Ma ha tát.

Phục vọng! Từ bi quảng đại, uy đức thâm nghiêm, theo bản tâm mà vô trụ, ứng pháp tịch của hữu duyên.

Nay thì: Các ban cúng đủ, tuy chưa ra đến Thiên trù; thảy đều chay tịnh, thực là gốc ở lòng thành. Vâng có chân ngôn cúng dàng, kính cẩn trì tụng.

Nam mô Tát phọc hằng tha, Nga đa phọc lỗ chỉ đế, Tan bạt la tam bạt la ngưu.

Nam mô Tô lô bà da, Hằng tha nga đa da, Hằng điệt tha, Úm tô lô, tô lô, Bát la tô lô, Bà bà kha (tụng 3 lần).

Nguyện có đồ chay thơm,

Cúng dàng tổ sư ta.

Rộng khắp trong pháp giới,

Tùy duyên đều đủ đầy.

Úm nga nga thần Ta bà phọc miết nhật la hộc.

Nam mô Phổ cúng dàng Bồ tát Ma ha tát (tụng 3 lần).

Nay xin hiến cúng, tịnh đã hòa hợp, riêng được y bát, xin được pháp thân ứng hiện, có đủ sơ văn, kính cẩn tuyên đọc:

Trước nay văn sớ, tuyên bạch trời xanh, người người giữ phép trong tâm, hồi hướng Bồ đề thành tựu quả. Nay có Duy na, phó chúc thiêu hóa.
(Hóa sớ xong, sau đó tán Tâm kinh hoặc tụng Thập nguyện).

Từng được nghe: Bồ tát xuất thế, hoằng khai lợi ích ở quần sinh; Thượng sĩ nhiều ơn, rộng làm vô biên ở Phật sự.

Trời cho xuống đời làm thế tôn,

Đến Đức sơn mở Lâm Tế tông.

Sâu sắc không kém ngài Thạch Đầu,

Trí rộng ngang bằng đức Long Thụ.

Hơn 30 năm, mở trường làm vui, thời đã 1.700 ngày luyện sắt thành gan, tránh chốn ca vui, xả ngọc diệp thường quán nơi hoa lá. Từ quan bỏ tước, vui đạo, bỏ vinh, người người tôn quí không thể nêu danh, đời gọi tôn sư mà vô thượng.

Lưu tâm bất nhị, rất uyên thâm nhập thánh siêu phàm; coi tính Đại thiên, tính chỉ mong tồn thần cải hóa người lầm lỗi. Ngồi yên bất động, coi Niết bàn sinh tử đều không; hang sâu biển lớn giống nhau, ắt phiền não Bồ đề không có. Chính là vết tích chim bay, bóng cá trong dòng thu thủy; tuy mây hình hóa tâm tồn, thực trải đức lưu rộng khắp. Các thần, công lao khó thuật, tán tụng không cùng, thấy xe pháp để ngưỡng nhìn, nhớ đạo mà trong lòng cảm kích.

Mặc cảm tôn sư cao nghị, nhiều kiếp không quên, Phật pháp mênh mông, thân này khó báo. Riêng đến gặp ngày đàm hoa khai truyền áo cỏ, bèn được thân đệ tử hiếu tư; từ trước vốn lắm lỗi lầm, thuốc thang rửa sạch. Cuối cùng nêu lại một câu, về gốc xa nguồn, đại chúng đồng âm xưng tán.

Cử tán:

Nam thiên hữu Phật,

Bất động Như Như.

Vui nghe đạo pháp xả vương gia,

Làm thầy biết bao người.

Quả tu chứng được chân từ bi,

Viên Giác khéo lo toan.

Nam mô đăng Vân lộ Bồ tát Ma ha tát (tụng 3 lần).

Trước nay hiến cúng, công đức vô hạn tốt lành, dập đầu lạy tạ tam tôn thánh chúng”.

Ngoài ra, hiện nay, chùa Hàm Long còn lưu được bản Xuất gia Sa di quốc âm thập giới bằng chữ Nôm, do Tổ Như Trừng soạn theo thể thơ lục bát gồm 220 câu; hai biển gỗ do triều đình ban cho Hoà thượng Như Trừng Lân Giác: “Sắc tứ hoà thượng” và “Cao thiền viên giác”.

Từ những tư liệu có liên quan đến Tổ Như Trừng Lân Giác được tìm thấy ở tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi có mấy suy nghĩ sau:

1. Các tư liệu đã cho chúng ta biết nhiều tình tiết rất cụ thể, tường tận về Tổ Như Trừng Lân Giác: từ nguồn gốc xuất thân, gia thế, ý nguyện xuất gia, quá trình tu tập, hành đạo; vị thế, tầm ảnh hưởng của Hoà thượng trong Phật giáo Việt Nam, các thế hệ đệ tử được truyền đăng ở chùa Hàm Long,… Từ đó, chúng ta thấy được Tổ Như Trừng Lân Giác có vị trí quan trọng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam

2. Thông qua những tư liệu trên đây, đặc biệt là Xuất gia Sa di quốc âm thập giới, chúng ta thấy được nền nếp Thiền gia rất đáng trân trọng. Nền nếp sống đó một mặt được xây dựng từ giáo lý nhà Phật, mặt khác, là có nguồn gốc từ nếp sống đạo đức của người Việt được nâng lên tầm cao hơn, Và vì vậy, có ảnh hưởng lớn đến nhiều thế hệ tăng ni trong sơn môn và tín đồ Phật tử. Điều đó còn có giá trị giáo dục sâu sắc đến nhiều thế hệ Phật tử ngày nay.

3. Từ những tư liệu có liên quan đến Tổ Như Trừng Lân Giác ở Bắc Ninh, chúng tôi thấy, tôn giáo nào cũng chú ý đề cao và giáo dục nếp sống đạo đức, hướng thiện,… cho con người, nhưng có lẽ rõ nhất là ở Phật giáo. Nếu kinh sách của đạo Công giáo chỉ có một câu “Thảo kính cha mẹ” trong kinh “10 điều răn của chúa” thì kinh sách Phật giáo và trong cuộc đời hành đạo của hầu hết tăng sĩ, đạo hiếu được quan tâm nhiều hơn. Điều đó góp phần cắt nghĩa vì sao, Phật giáo dễ dàng được người dân của nước ta tin theo, học theo và làm theo.

NNC.Nguyễn Quang Khải

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường