Nhân tính được tác giả trình bày như là “thuốc lành” cho những cuộc khủng hoảng, là đường hướng mở ra nền văn hóa giáo dục mới của nhân loại. Với năm phần của luận án, lý duyên khởi của đức Phật được diễn giải, một hệ thống khái niệm Nhân tính được đưa ra với sự phân tích cụ thể trên hệ quy chiếu là giáo lý Phật Đà, năm thủ uẩn cũng được phân tích chuyên sâu mà ở đó giáo dục cá nhân được nhấn mạnh, những cái nhìn khách quan hợp lý về sự hiện hữu con người được thể hiện một cách rõ nét.

Tác giả: Thích nữ Hiển Liên - Học viện Cao học khoá V Học viện Phật giáo Việt Nam Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số Tháng 3/2024

Tóm tắt: Cùng với sự tiến bộ của nền khoa học thực nghiệm và những bước chuyển mình của nhân loại, “Nhân tính” dần được quan tâm và các lý thuyết nhằm khám phá con người ra đời và phát triển.

Không chỉ đơn giản là xây dựng nền khoa học nhân bản tìm kiếm lý thuyết Nhân tính, mà còn cao cả hơn là giới thiệu cái nhìn mới mẻ về mọi sự hiện hữu trong đó có con người, nhằm mở ra một hướng giáo dục mới, hướng tới giải quyết những khủng hoảng ám ảnh nhân loại hiện nay, HT.Thích Chơn Thiện thực hiện thành công luận án Tiến sĩ Phật học “ lý thuyết Nhân tính qua kinh tạng Pali”.

1. SƠ LƯỢC VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM

Hòa thượng Thích Chơn Thiện (1942-2016)

1.1. Tác giả

HT.Thích Chơn Thiện là một bậc cao tăng trí tuệ, cuộc đời của Ngài là những hạnh nghiệp vĩ đại, mà tất cả những công hạnh đó đều là những dấu ấn mang tính khai sáng và đột phá.

Lời phát biểu: “Điểm khác biệt rất đặc biệt giữa Phật giáo và các tôn giáo triết thuyết khác, chính là điểm đặc biệt của nếp sống đạo đức Phật giáo tự giác tự nguyện vắng bóng tất cả mọi mệnh lệnh, mọi tín điều, ...”(1) như khẳng định cho một sự nghiệp hoằng hóa chói lọi với mục đích làm sáng lên giá trị cao tột của Phật Đà, vì tất cả chúng sinh.

Trong những đóng góp vĩ đại cho sự ổn định và phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam của Ngài, nổi bật hạnh nguyện giáo dục toàn diện cho tang, ni, phật tử, nhằm giải quyết các vấn đề bức thiết của nhân sinh, vốn là tư tưởng tiếp nối và truyền thừa từ HT.Thích Minh Châu.

Trong đó mang tầm ảnh hưởng sâu rộng, không giới hạn trong khung thời gian, chính là kho tàng những tác phẩm nghiên cứu biên soạn, biên dịch trở thành nguồn tài liệu cơ bản cho việc nghiên cứu học tập, giảng dạy trong hoạt động giáo dục Phật giáo nhằm xây dựng nền tảng quan trọng để Phật giáo có thể đáp ứng mọi bức thiết của thời đại.

1.2. Tác phẩm

Hoàn cảnh sáng tác

Sau khi tốt nghiệp cử nhân Văn khoa, cử nhân Phật học và cao học Tâm lý giáo dục tại Đại học Ohio (Hoa Kỳ), HT.Thích Chơn Thiện được cử sang du học tại Đại học Delhi (Ấn Độ).

Với luận án xuất sắc “lý thuyết Nhân tính qua kinh tạng Pāli” (The Concept of Personality Revealed through Panca Nikayas) Ngài đã được phê chuẩn học vị Tiến sĩ Triết học, Ủy ban phát triển nguồn nhân lực Ấn Độ, Ngài được Tổng thống Ấn Độ mời tiếp kiến và vô cùng biểu dương.

Về sau, luận án được Ngài đích thân phiên dịch vào năm 1999, trở thành một trong những tài liệu tham cứu quan trọng trong học tập và giảng dạy.

Sơ lược nội dung

Lý thuyết Nhân tính qua kinh tạng Pāli” là một bước đột phá góp phần đặt dấu ấn và định hình Phật giáo dưới bản chất là một nền giáo dục thực thụ, thay vì dừng chân ở một tôn giáo hay một lối sống đạo đức.

Bắt đầu từ những khủng hoảng của nhân loại, lấy những lời đức Phật dạy qua kinh tạng Pāli làm cơ sở, lý thuyết Nhân tính được tác giả trình bày như là “thuốc lành” cho những cuộc khủng hoảng, là đường hướng mở ra nền văn hóa giáo dục mới của nhân loại.

Với năm phần của luận án, lý duyên khởi của Đức Phật được diễn giải, một hệ thống khái niệm Nhân tính được đưa ra với sự phân tích cụ thể trên hệ quy chiếu là giáo lý Phật Đà, năm thủ uẩn cũng được phân tích chuyên sâu mà ở đó giáo dục cá nhân được nhấn mạnh, những cái nhìn khách quan hợp lý về sự hiện hữu con người được thể hiện một cách rõ nét.

Những hướng nhìn mới về giáo dục, văn hóa, những đề xuất nhằm giải quyết khủng hoảng của nhân loại được tác giả đưa ra, cũng là điểm nhấn đánh dấu là giá trị sâu sắc của luận án. Luận án đã trở thành hệ quy chiếu cơ bản cho quá trình giáo dục Phật giáo ngày nay.

2. NỘI DUNG CỐT LÕI CỦA TÁC PHẨM

2.1. Lý thuyết Nhân tính qua lý duyên khởi và năm thủ uẩn

Với mục đích giới thiệu cái nhìn mới mẻ về con người trên nền tảng kinh tạng Pāli, khác hẳn với các lý thuyết Nhân tính đương thời, nhằm mở ra một hướng giáo dục mới, HT.Thích Chơn Thiện đã nhấn mạnh và phân tích sâu lý duyên khởi và năm thủ uẩn như là giá trị cốt lõi của đối tượng cần làm rõ trong tác phẩm này.

Với duyên khởi, thái độ thực nghiệm của Thế Tôn thể hiện qua kinh tạng Pāli được tác giả kế thừa hoàn toàn. Xuyên suốt tác phẩm, duyên khởi với tính chất là sự thật của các pháp và ý nghĩa của “thấy duyên khởi” đại biểu cho sự tu tập, chuyển hóa cũng được thể hiện rõ.

Giáo lý duyên khởi với các vấn đề liên quan từ giá trị đến mối liên hệ cá nhân, khổ đau và hạnh phúc, môi sinh và giá trị con người, được tác giả trình bày khéo léo và sắc sảo, trở thành nền tảng vững chắc cho một “lý thuyết Nhân tính” đúng đắn và đầy ý nghĩa.

Một cái nhìn khái quát về các lý thuyết Nhân tính đương thời(2) từ lý thuyết đến nét đặc trưng, sự nhìn nhận và đánh giá chúng, nhằm mở ra cái nhìn đúng đắn và chuẩn xác nhất về lý thuyết Nhân tính, nhưng không vì mục đích định nghĩa hay tìm kiếm một định nghĩa mà là nhằm khảo sát các hoạt động của thân, lời và ý, để tìm ra một con đường sống đưa đến hạnh phúc.

HT.Thích Chơn Thiện gọi đó là sự vận hành của danh sắc hay còn gọi là năm thủ uẩn.

Xoáy sâu vào “danh sắc” cũng chính là năm thủ uẩn, bản chất thật của con người vốn từ các duyên thuộc thế giới vật lý và tâm lý được thể hiện cụ thể chính là câu trả lời cho một lý thuyết Nhân tính với những giá trị trọn vẹn.

Năm thủ uẩn xuất hiện xuyên suốt, trở thành sợi chỉ đỏ sâu nối tác phẩm trở nên thống nhất với những chân lý trọn vẹn, từ đó mở ra đường hướng về một lối giáo dục mới – giáo dục vô ngã, có thể giải quyết các khủng hoảng to lớn của nhân sinh ngày nay.

2.2. Định hướng giáo dục vô ngã - giải pháp giải quyết khủng hoảng đương thời

Điểm xuyên suốt của tác phẩm mang nét đặc trưng vô cùng hữu ích đóng góp lớn trên cả sự nghiên cứu lý thuyết Nhân tính và nền giáo dục về văn hóa và hòa bình là phát triển con đường tư duy vô ngã với cái nhìn tuệ giác. “Dưới ánh sáng duyên khởi”(3) các vấn đề quan trọng của một nền văn hóa, cụ thể là nhân sinh và vũ trụ quan, vấn đề cá nhân, môi sinh, giá trị con người được xem xét và luận bàn tường tận.

Với nhận định “Nhân tính hay bất cứ sự tìm kiếm nào về bản chất của sự vật cũng chỉ là một hư tưởng”(4) đã mở ra góc nhìn mới nhằm kiểm nghiệm về lý Nhân tính đương thời với khuynh hướng đi sâu vào sự vận hành Năm thủ uẩn, không hề phủ nhận đi giá trị giáo dục của các lý thuyết ấy.

HT.Thích Chơn Thiện đi sâu vào năm thủ uẩn với suy nghĩ tìm hiểu sự thật lòng ham muốn của con người về các hiện hữu, như một sự mở đầu chắc chắn cho hướng giáo dục vô ngã đúng với chân lý của Như Lai. Dục lạc, dục tình, hữu ái, vô hữu ái, lần lượt được phân tích và đặt dưới cái nhìn về trí tuệ thể hiện rõ nét giáo dục cá nhân của Phật giáo.

Hướng giáo dục vô ngã hướng đến mỗi cá nhân với trách nhiệm, tinh thần tự tín, tự tri, tự chấp nhận chính mình, tinh thần thực tế, trung đạo, phân tích, phê phán, sáng tạo, thiền định, các vấn đề về nghiệp cũ và nghiệp mới, cũng như giáo dục cho việc tu tập năm uẩn được mở ra một cách trọn vẹn. Đây là giá trị xây dựng hạnh phúc và nền văn hóa tiên tiến của tác phẩm.

Một điểm nhấn ấn tưởng là các yếu tố về giáo dục vô ngã trải dài xuyên suốt từ phần mở đầu, sự phân tích kỹ các qua các phần, và được đúc kết ở cuối tác phẩm.

Giá trị của giáo dục vô ngã còn được khẳng định qua sự định hướng cho lối giáo dục và văn hóa mới cũng như trong các giải pháp để giải quyết các khủng hoảng đương thời. Giá trị giáo dục vô ngã được nhấn mạnh trong tác phẩm và trong phần làm rõ của luận án đã cho thấy giá trị ứng dụng trong giáo dục rất cao.

Bìa cuốn sách Lý thuyết Nhân tính qua kinh tạng Pali (tác giả: HT.Thích Chơn Thiện)

3. BÌNH LUẬN VỀ TÁC PHẨM

3.1. Nét đặc sắc của tác phẩm

Tác phẩm thành công bứt phá về mặt nội dung, khi năm thủ uẩn không đơn thuần chỉ là định nghĩa, lý thuyết Nhân tính không chỉ dừng lại ở nghiên cứu về con người và vấn đề về văn hóa giáo dục không còn là lý thuyết. Tác phẩm là giá trị cao của sự nghiên cứu nhằm chỉ ra những giá trị của giáo lý Phật Đà đối với con người, điều đó thể hiện sự dày công của HT.Thích Chơn Thiện trong công tác nghiên cứu, học thuật.

Xét về giá trị thực tiễn, nếu giáo lý Như Lai chỉ với mục đích chỉ ra sự khổ và chấm dứt khổ đau, thì với tác phẩm này, HT. Thích Chơn Thiện chỉ tập trung làm sáng lý Nhân tính qua kinh Pāli và định hướng giáo dục vô ngã. Sự vận dụng khéo léo của lý luận giảng giải khiến cho các lý duyên khởi, năm thủ uẩn toát lên được phần hồn của giáo lý nhà Phật là tính thực nghiệm, mà trên cả là giải quyết khủng hoảng hướng đến an định nhân sinh, xây dựng hạnh phúc.

Về nghệ thuật nghiên cứu, tuy là luận án nhưng lại có được sức hút đặc biệt riêng. Những phương pháp nghiên cứu được sử dụng nhuần nhuyễn, khoa học và logic đã tạo nên sự so sánh tương quan sống động. Kèm theo đó là những câu hỏi tu từ được lồng ghép thích hợp khiến tăng tính hấp dẫn cho tác phẩm vốn mang hơi hướng học thuật. Nội dung chất lượng vốn không phải bàn cãi khi kết hợp cách xử lý nhuần nhuyễn đã tạo nên sự thành công của tác phẩm.

3.2. Cái nhìn mới về tác phẩm

Ta phải ngả mũ thán phục trước chất lượng nội dung, giá trị truyền tải và phương pháp nghiên cứu của luận án. Tuy vậy, nếu được viết lại, người viết mong muốn mở rộng hơn nữa đối tượng độc giả, để bất cứ ai đều có thể dễ dàng tiếp cận, bằng cách cải thiện những thuật ngữ, mang tính học thuật của tác phẩm:

1) Thêm vào phần giải thích từ ngữ, trình bày các định nghĩa một cách dễ hiểu trước khi vào nội dung chính để người đọc dễ dàng tiếp cận hơn.

2) Phổ thông hóa các thuật ngữ của Phật giáo, nhẹ nhàng hơn và trau chuốt hơn trong phần từ ngữ, câu cú và cách trình bày.

Ảnh: St

Kết luận

Lý thuyết Nhân tính qua kinh tạng Pāli” là tác phẩm xuất sắc viết về Nhân tính nhưng không vì tìm kiếm định nghĩa hay truy tìm bản chất sự vật mà hướng tới giá trị giáo dục, văn hóa vốn là nền tảng hạnh phúc nhân sinh.

Với tác phẩm, tay bạn có thể lật đi lật lại trang sách với sự tò mò, ánh mắt bạn có thể dừng lại nhiều lần với sự chuyên chú bởi giá trị truyền tải của tác phẩm là không giới hạn.

Đây không chỉ là luận án khoa học, với hành giả, đây là cánh cửa dẫn đến hạnh phúc với đường lối thực hành chân chính; đối với học giả, đây là kho báu của những giá trị giản dị nhưng uyên thâm đậm chất Phật giáo; đối với nhà giáo dục, đây là định hướng mới về một con đường Nhân tính đúng đắn, có thể giải quyết khủng hoảng nhân loại, đưa đến anh định xã hội, hạnh phúc nhân sinh.

Tác giả: Thích nữ Hiển Liên - Học viện Cao học khoá V Học viện Phật giáo Việt Nam Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số Tháng 3/2024

***

CHÚ THÍCH: (1) Thích Pháp Hỷ (Sưu tầm), 17 lời đáng suy gẫm của Hòa thượng Thích Chơn Thiện (1942-2016), ngày đăng: 12/11/2021, ngày truy cập: 07/10/2022, đường link: https://giacngo.vn/17-loi-dang-suy-gam-cua-hoa-thuong-thich-chon-thien-1942-2016-post37237.html (2) được hình từ hậu bán thế kỷ XIX đến thế kỷ XX (3) Tên chương 2 của phần 2 của tác phẩm: HT. Thích Chơn Thiện, Lý thuyết Nhân tính qua kinh tạng Pāli, Nxb. Phương Đông. (4) HT. Thích Chơn Thiện, Lý thuyết Nhân tính qua kinh tạng Pāli, Nxb. Phương Đông, tr.110.