Để khẳng định Lục tổ Huệ Năng là người Việt Nam, tác giả Thích Mãn Giác cũng cho rằng: “Điều sai lầm lớn nhất là mỗi khi ta nhắc tới ngài Huệ Năng thì lập tức chúng ta hình dung ngài có hình dáng một cụ Hòa thượng già nua, mường tượng như những hình ảnh ta nhìn thấy trong sách vở Tàu...
Tác giả: Cư sĩ: Nguyễn Đức Sinh Phường Quang Trung, Tp.Uông Bí, Quảng Ninh
Theo dòng thiền Như Lai thanh tịnh và sau này gọi là Thiền tông. Lục tổ Huệ Năng được biết đến là người Trung Quốc, bởi Ngũ tổ Hoằng Nhẫn là người truyền pháp cho Huệ Năng nối đời tổ thứ 33 của dòng thiền này.
Căn cứ lịch sử của dòng này ghi rõ: Thiền tông hay còn có tên khác là Như Lai Thanh tịnh thiền - khởi phát từ Ấn Độ, với 28 đời tổ, sau đó dòng thiền này đến Trung Quốc trụ pháp với 5 đời tổ, đó là (Tổ Huệ Khả, Tăng Xán, Đạo Tín, Hoằng Nhẫn và tổ Huệ Năng là đời thứ 33).
Qua các đời tổ truyền pháp nối nhau, chính vì Ngũ tổ Hoằng Nhẫn là người Trung Hoa truyền pháp cho Lục tổ Huệ Năng nên theo lịch sử Tàu hầu hết ai cũng nghĩ Lục tổ Huệ Năng là người Trung Quốc. Song thực tế, theo tài liệu gần đây được khai quật ở Đôn Hoàng thì Lục tổ Huệ Năng là người Việt Nam.
Để minh định sáng tỏ điều này, trong bài viết “Lục Tổ Huệ Năng là người Việt Nam” của tác giả Thích Mãn Giác trên trang (https://phatgiao.org.vn/luc-to-hue-nang-la-nguoi-viet-nam-d23313.html) ngày 10 tháng 7 năm 2016 đã cung cấp thông tin tổ Huệ Năng là người Việt Nam.
Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin nêu một vài cứ liệu điển hình mà tác giả Thích Mãn Giác đã nêu ra trong bài viết nói trên về Lục tổ Huệ Năng (nếu bạn đọc và đạo hữu muốn tìm hiểu sâu và kỹ lưỡng hơn ở bài viết quan trọng này xin tìm đọc theo địa chỉ đã nêu).
Vậy, những cứ liệu và chi tiết quan trọng để khẳng định Lục tổ Huệ Năng là người Việt Nam mà tác giả Mãn Giác đã nêu trong bài viết trên căn cứ từ đâu?
Theo tác giả Mãn Giác: (xin được trích) “Nguyên bản Pháp Bảo Đàn Kinh mà tôi (tức TMG) là người dịch bản kinh này mới nhất tìm được từ động Đôn Hoàng, vùng sa mạc Tân Cương, miền Trung Á. Bản này đã được viết ra vào khoảng năm 830 và trễ nhất là năm 860 (theo sự giảo nghiệm lối viết chữ thảo ở thời đó, do một chuyên viên danh tiếng là Giáo sư Akira Fujieda của Đại học Tokyo). Đây là bản Pháp Bảo Đàn Kinh xưa nhất của thế giới hiện nay”
Cũng theo tác giả Mãn Giác, trước đây ở Việt Nam tôi được biết ít nhất có ba bản kinh này được dịch Việt của ba dịch giả (Hòa thượng Thích Mãn Trực, Đoàn Trung Còn và Tô Quế) nhưng cả ba bản dịch này đều dựa theo bản chữ Hán Pháp Bảo Đàn Kinh được viết vào thế kỷ thứ XIII gọi là bản Tông Bảo; bản này không khác lắm với bản Đức Dị được in vào năm 1290 tại Nam Hải (Bản Đức Dị đã được du nhập vào Triều Tiên năm 1316 và tất cả bản Pháp Bảo Đàn Kinh bằng tiếng Triều Tiên đều xuất phát từ bản Đức Dị). Bản Pháp Bảo Đàn Kinh thông dụng nhất hiện nay ở Trung Hoa, Nhật Bản, và Việt Nam chính là bản Tông Bảo được viết vào năm 1291 và được in trong Đại tạng kinh ở đời Minh.
Ngoài những bản vừa kể, ít nhất chúng ta được biết có gần mười bản Pháp Bảo Đàn Kinh khác nhau, ngoài bản xưa nhất tìm được ở động Đôn Hoàng, viết vào khoảng những năm 830-860 (chính là bản tôi dịch - tức tác giả TMG) và ông cho rằng: bản Đôn Hoàng là bản ngắn gọn nhất và chỉ gồm có mười hai ngàn chữ; bản Hưng Thánh Tự gồm mười bốn ngàn chữ; còn những bản khác (bản đời Nguyên và đời Minh) gồm khoảng hai mươi mốt ngàn chữ. Bản chữ Hàn tôi dịch ở đây được dựa theo bản chữ Hán đã được san định kỹ lưỡng do công phu uyên bác của Giáo sư Philip B.Yampolsky của Đại học Columbia”.
Đứng về phương diện khảo cứu ngôn ngữ học, trong mọi trường hợp thảo luận và quyết định về những điểm dị đồng trong những văn bản khác nhau của kinh điển Phật giáo, tiêu chuẩn quyết định vẫn là nội dung giáo lý căn bản; chứ không chỉ thuần túy đứng về mặt khảo sát ngôn ngữ học mà có thể quyết định việc san nhuận kinh điển. Có nắm được căn bản giáo lý của ngài Huệ Năng thì tất cả những vấn đề nan giải về sử học và ngôn ngữ sẽ được giải quyết một cách nghiêm chỉnh.
Nói một cách khác, phải nhìn con người và hành trạng của ngài Huệ Năng, và phải nhìn bản Pháp Bảo Đàn Kinh với cái nhìn của một thiền sư, một người đã được nuôi dưỡng trong truyền thống của Thiền tông, thì mới thấy được những gì mà những người khác, dù là học giả uyên thâm nhất, cũng không có đủ điều kiện tâm linh để nhìn thấy được. Đó là lý do tại sao tôi (tức TMG) cảm thấy cần thiết phải dịch lại nguyên bản xưa nhất của Pháp Bảo Đàn Kinh và nhất là giới thiệu cho dân tộc Việt Nam ta một nền đạo lý chính thống đã nuôi dưỡng dân tộc suốt từ mười mấy thế kỷ nay. Không có ngài Huệ Năng thì chẳng bao giờ có đời Lý và đời Trần hai triều đại quyết định tất cả tinh túy hồn tính Việt Nam”.
Để khẳng định Lục tổ Huệ Năng là người Việt Nam, tác giả Thích Mãn Giác cũng cho rằng: “Điều sai lầm lớn nhất là mỗi khi ta nhắc tới ngài Huệ Năng thì lập tức chúng ta hình dung ngài có hình dáng một cụ Hòa thượng già nua, mường tượng như những hình ảnh ta nhìn thấy trong sách vở Tàu, tất cả những hình ảnh của ngài và ngay cả hình ảnh chụp nhục thân của ngài đều là những hình ảnh do đời sau ngụy tạo.
Tuy nhiên chúng ta cần phải thành kính thờ lạy tất cả những hình ảnh về ngài do những thế hệ đã qua để lại, vì tất cả những di ảnh ấy đều là những biểu tượng cần thiết hữu hình về ngài; vì cơ cấu tâm thức của chúng ta cần phải nương tựa thành kính vào một hình tượng cụ thể, để từ đó giúp ta có khả năng vượt qua hình tượng, chứ không thì dễ rơi vào chủ nghĩa hư vô. Vậy, nhu yếu vô hình và siêu hình của tâm hồn phải cần nương tựa vào một hình tượng nhất định để rồi siêu hóa và chuyển hóa tất cả những hình tượng. Chính ngay đương thời với ngài Huệ Năng, theo truyền thuyết, có đệ tử tạc tượng ngài, nhưng chính ngài Huệ Năng ngó tượng và mỉm cười: “Ngươi chỉ có tài nặn tượng mà chẳng hiểu được Phật tính”.
Dù đây chỉ là đoạn văn do người sau thêm vào bản Tông Bảo của Pháp Bảo Đàn Kinh, nhưng vẫn nói lên được cụ thể cái tinh thần Vô Tướng của nguyên ngữ khí Huệ Năng (Bản Tông Bảo có điều vô lý ghi rằng Phương Biện, tức người tạc tượng đã gặp Bồ Đề Đạt Ma, trước Huệ Năng đến cả năm đời tổ). Một thực tế, chúng ta thường hình dung nét mặt của ngài Huệ Năng là nét mặt hiền hậu của một cụ già, nhưng chúng ta đã quên rằng Huệ Năng đã từng rất trẻ và chính tuổi trẻ của Huệ Năng đã quyết định hết tất cả sự nghiệp tâm linh vĩ đại của ngài. Vì tất cả những bản khác nhau của Pháp Bảo Đàn Kinh đều giống nhau ở chỗ nói lên tuổi trẻ của Huệ Năng, khi ngài đến gặp Ngũ tổ Hoằng Nhẫn. Ba điều cần nhấn mạnh về tuổi trẻ của ngài Huệ Năng mà chúng ta cần tìm hiểu dưới đây:
Thứ nhất: Huệ Năng đã đắc đạo ngay từ lúc mới nghe người lạ tụng kinh Kim Cang trước khi ngài đến gặp Ngũ tổ Hoằng Nhẫn.
Thứ hai: Huệ Năng là một thanh niên đầy tự tin, hãnh diện về sự chứng ngộ tâm linh của mình và không hề có một mặc cảm tự ty khi gặp Ngũ tổ Hoằng Nhẫn. Để chứng minh điều này, ta thử hình dung bối cảnh thời quân chủ tập quyền: Ngũ tổ Hoằng Nhẫn với cương vị là Hòa thượng thời Trung Hoa thịnh Đường; còn Huệ Năng là một thanh niên ngoại quốc ở vùng “nhược tiểu man rợ” mà dám đối đáp với Đại lão Hòa thượng đại cường quốc như thế này:
“Hoằng Nhẫn giả vờ hỏi một câu có tính chê trách về nguồn gốc Việt Nam của Huệ Năng thì Huệ Năng trả đũa ngay lập tức như một kẻ đã chứng ngộ rồi và dám khẳng định rằng: “Con người tuy có Bắc có Nam, nhưng Phật tính chẳng có Nam có Bắc, tuy thân mọi rợ này không giống với thân Hòa thượng, nhưng Phật tính trong Hòa thượng và trong tôi không có gì sai biệt”. (theo tác giả TMG, câu này chúng ta phải hiểu chữ “Bắc” trong kinh có nghĩa là Trung Quốc và “Nam” có nghĩa là Việt Nam; ngày xưa người Tàu coi nước Việt Nam là thuộc địa miền Nam của họ)
Thứ ba: Huệ Năng không được Hoằng Nhẫn dạy đạo gì cả mà chỉ ở chùa với Ngũ tổ có tám tháng mà thôi, và được Ngũ tổ trao truyền y pháp và ngôi Lục tổ, lúc đó Huệ Năng mới khoảng 22-23 tuổi. Ngũ tổ chỉ giữ vai trò danh dự là ấn chứng cho Huệ Năng, vì thế Ngũ tổ mới lén lút kêu gọi Huệ Năng đêm khuya vào gặp riêng Ngũ tổ để ngài truyền y pháp và giảng cho một thời kinh Kim Cang gọi là lấy lệ, rồi sau Ngũ tổ âm thầm lén lút đưa tiễn Huệ Năng đến trạm Cửu Giang, và đuổi khéo Huệ Năng trở về rừng rú Việt Nam, không dám giữ lại đất Tàu, vì Ngũ tổ đã làm một việc can đảm phi thường đó là trao ngôi vị lớn nhất của Thiền tông (lúc đó chưa có tên là “Thiền tông” mà chỉ có tên là Đông Sơn Pháp Môn) cho một thanh niên “mọi rợ” mới chưa đầy 23 tuổi. Ở đây có một điều không nên quên, đó là lần đầu tiên và có thể là lần cuối cùng trong lịch sử Phật giáo Trung Hoa mà ngôi vị Tổ Sư của một tông pháp lớn nhất của Phật giáo lại được trao truyền cho một người ngoại quốc còn rất trẻ tuổi và chưa thọ giới xuất gia như Huệ Năng - thuộc giống người “mọi rợ”. Và Hòa thượng Ngũ tổ đã khéo léo khuyên Huệ Năng lui trở về Việt Nam và trốn tránh ở đó chứ đừng ra mắt xuất hiện ở đất Tàu nữa; Huệ Năng đã nghe lời dạy của Ngũ tổ và biến mất dạng ở đất Tàu trong vòng mười sáu năm; Ngài trở về ẩn náu ở vùng rừng níu Việt Nam để đến mười sáu năm sau mới xuất hiện giữa vùng biên địa Tàu Việt thuyết pháp.
Từ ba điều nói trên, chúng ta thử hình dung cách đây 13 thế kỷ, lúc đó tại vùng miền Bắc nước Việt Nam, quang quẩn đâu đó thuộc vùng thượng du bắc Việt có một thanh niên Việt Nam ra đời khoảng năm 638, tại vùng đất gọi là Lĩnh Nam, tức Việt Nam khi đó nước ta đã mất chủ quyền độc lập, gọi là thời Bắc thuộc lần thứ ba, vào thời nhà Đường (cuộc Bắc thuộc dã man này kéo dài từ năm 603 đến năm 939). Tất cả những gì huy hoàng nhất của Việt Nam trong giai đoạn ấy đều bị Tàu đồng hóa sát nhập vào sở hữu của họ. Nương vào lịch sử như thế, và hình dung như thế để thấy rõ hơn vai trò của Lục tổ Huệ Năng với dòng Thiền tông gian nan và huyền nhiệm như thế nào.
Tất cả những điều nêu ở phần trên, người viết đều trích dẫn từ bài viết quan trọng đáng ghi nhận của tác giả Thích Mãn Giác trên trang (phatgiao.org.vn).
Để rộng đường tìm hiểu, suy cứu về Lục tổ Huệ Năng, tiếp theo phần dưới đây xin tóm lược bối cảnh (duyên khởi) khi Huệ Năng gặp Pháp Thiền tông qua câu kinh Kim Cang để rồi Huệ Năng tìm gặp Ngũ tổ Hoằng Nhẫn và được trao truyền y pháp nối dòng Thiền tông đời tổ thứ 33 với cương vị là Lục Tổ Huệ Năng mà dòng thiền này đã Huyền nhiệm cho ngài. (Hy vọng từ những chi tiết và cứ liệu (duyên khởi) này sẽ giúp chúng ta có thêm nhiều bằng chứng sát thực về lịch sử, nhằm làm sáng tỏ và đi đến khẳng định Lục tổ Huệ Năng là người Việt nam).
Dưới đây là nội dung chính văn của cuộc gặp gỡ truyền pháp này:
Huệ Năng từ ngộ câu kinh Kim Cang đến ngôi vị Lục Tổ Thiền tông
Tổ Huệ Năng, sinh năm 638 dương lịch, mất năm 713, thọ 75 tuổi, người nước Đường (đây là theo tài liệu cũ), cha tên Lư Hành Thao, mẹ tên Lý Yến Thị. Cha ngài làm quan ở tỉnh Nam Hải, trông coi quốc khố. Bị người tham lam hãm hại, nên triều đình cách chức và đầy đi Lãnh Nam gần biên giới Việt Nam. Vì không chịu nổi cảnh rừng thiêng nước độc nên cha ngài mất ở độ tuổi 49. Do vậy, ngài thất học vào rừng đốn củi đem ra chợ bán để nuôi thân và nuôi mẹ.
Một hôm, ngài gánh củi ra chợ bán, có người nhà phố kế bên tụng kinh Kim Cang, ngài nghe được câu:
-Bất ưng trụ sắc sinh tâm.
-Bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp, sinh tâm.
-Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm.
Tự nhiên thân ngài như “chết mất”. Một hồi lâu ngài tỉnh lại, thấy lạ quá, tự nhiên mình nghe câu kinh như vậy mà mình bị “chết mất”, như vậy bài kinh này là như thế nào mà “đưa” mình vào chỗ mênh mông như vậy. Ngài liền qua nhà kế bên hỏi:
-Kinh này là kinh gì mà vi diệu quá đặc biệt, tôi vừa nghe ông tụng mấy câu mà tôi “bị chết mất người” như bị rơi vào khoảng không mênh mông vô tận vậy? Người tụng kinh đã từng nghe đức Ngũ Tổ dạy:
-Ai đọc tụng kinh này mà cảm nhận “mất mình” hay bị rơi vào khoảng không mênh mông vô tận là người đó “Bị sức hút của Thanh tịnh thiền” và về được quê xưa của mình; người này sẽ làn thầy của người và làm thầy của cả Trời nữa”.
Người tụng kinh biết ngài đã đạt được “Bí mật thiền tông” nên có nói:
-Cậu là người hiếm có trên đời, kinh này tôi đọc tụng trên 10 năm mà không cảm nhận được gì, còn cậu mới nghe tôi tụng có một lần với mấy câu mà đã cảm nhận được sự kỳ diệu của pháp môn Thiền tông này. Và tôi có nguyện hứa, người nào giác ngộ được “Bí mật kinh Kim Cang” này, nếu người đó có cần tôi giúp đỡ trong việc tu hành tôi sẽ tận tình giúp đỡ.
Ngài nói với người tụng kinh:
-Tôi tên là Lư Huệ Năng, là tiều phu đốn củi bán nuôi mẹ và nuôi thân, không biết nơi phát hành kinh này là ở đâu xin ông chỉ cho tôi.
Người tụng kinh trả lời:
-Kinh này ở chùa Thiền tông Đông Thiền, huyện Huỳnh Mai, cách 30 ngày đường bộ!
Ngài nghe vậy cũng quyết chí đi và than với người tụng kinh:
-Tôi cũng muốn đi đến đó để tu hành, nhưng vì còn một người mẹ già 70 tuổi không ai phụng dưỡng.
Người tụng kinh nói:
-Tôi sẽ tặng cho cậu 10 lượng bạc để nhờ người thân nuôi mẹ, và cậu nói với người thân, trong lúc cậu không ở gần mẹ, mẹ cậu có cần gì nói người thân đến đây tôi sẽ giúp đỡ tận tình cho.
Câu nói và lời hứa trên của người tụng kinh làm Lư Huệ Năng rơi lệ, nhận bạc của người tụng kinh rồi, Huệ Năng chạy nhanh về nhà báo với mẹ. Mẹ ngài thấy con mình hiểu đạo như vậy nên nói với ngài:
-Thân mẹ tuy nay đã già, nhưng Phật pháp khó tìm, con nay không tìm mà đã gặp, đây thật là phúc lới cho nhà ta, vậy để mẹ chuẩn bị thức ăn khô cho con, con hãy nhanh chân đến chùa Đông Thiền ra mắt Ngũ Tổ.
Ngài vâng lời mẹ lên đường suốt 30 ngày đến được chùa Đông Thiền, huyện Huỳnh Mai gặp được Ngũ Tổ, Tổ hỏi ngài:
-Cậu từ đâu đến và cầu việc gì?
Ngài thưa: “Con tên là Lư Huệ Năng, từ đất Lãnh Nam đến đây, xin cầu làm Phật!”
Tổ thấy gã này thân hình xấu xí, nhỏ bé, tiều tụy mà có lời khí khái như vậy, nên hỏi:
-Cậu là người sống ở biên địa, người bần cùng hèn hạ mới sống ở đó, làm sao cầu làm Phật được?
Huệ Năng trình thưa với Tổ:
-Tuy con là người sống ở biên địa, Tổ có Phật tính con cũng có Phật tính vậy.
Một câu nói khẳng định của Huệ Năng làm Tổ ngạc nhiên, Tổ hỏi tiếp:
-Làm sao cậu biết mình có Phật tính, và Phật tính của cậu ra làm sao?
Huệ Năng không nói Phật tính của mình ra sao mà trình Tổ bằng 20 câu kệ như sau:
Kim Cang Phật dạy rõ ràng: Không dính không mắc rõ ràng tính xưa Kim Cang Phật dạy sớm trưa Lúc nào cũng Biết là xưa của mình. Kim Cang Phật dạy lặng thinh Cứ thấy thanh tịnh là mình hết luân Con nghe người tụng con “Dừng” Rơi vào Bể tính, không mừng không vui. Trình Thầy Phật tính của “Tui” Không thể tả được, không vui không buồn Con nghe người tụng con luôn Sống trong thanh tịnh, con luôn giữ lòng. Qua đèo vượt suối lội sông Hôm nay đến được, lòng con rất mừng Thầy hỏi, lệ con lại rưng Trước kia Phật tính, con từng nhận ra. Hôm nay Thầy bảo nói ra Phật tính thanh tịnh, không ra chữ lời Con trình với Thầy vậy thôi Xin Thầy thông cảm, hết rồi biết chi.
Ngũ Tổ nghe Huệ Năng trình 20 câu kệ, biết ngài đã đạt được “Bí mật Thiền tông”. Cuộc hỏi đáp của ngài với Tổ có quá nhiều người đứng nghe, Tổ sợ người đứng nghe biết ngài đạt được “Bí mật Thiền tông” nên làm khó dễ ngài nên Tổ bảo:
-Cậu là người “dốt” mà hay nói chữ, vậy theo thượng tọa này xuống nhà trù làm việc đi. Tổ vừa nói với ngài vừa nháy mắt ra hiệu. Ngài hiểu nên xuống nhà trù làm việc. Tổ cũng thường xuyên xuống nhà trù gặp ngài và nói những lời bâng quơ, nhưng người đứng bên nghe không ai hiểu gì. Một hôm, Tổ thấy việc truyền “Bí mật Thiền tông” đã đến, nên có thông báo cho đại chúng biết:
-Nay ta đã già, muốn truyền Tổ vị Thiền tông đời thứ 33 lại cho người kế tiếp, vậy mỗi người làm bài kệ trình ta xem; nếu ai đạt được “Bí mật Thiền tông” ta sẽ truyền Tổ vị Thiền tông đời thứ 33 cho.
Ai ai cũng thấy ngài Thần Tú là người có khả năng nhất, vì ngài hiện là giáo thọ sư dạy hơn 700 tăng và đại chúng, nên tất cả đề nghị ngài làm kệ trình cho Tổ. Thượng tọa Thần Tú ở vào thế chẳng đặng đừng, nên phải làm kệ trình Tổ. Bóp trán suy nghĩ nát óc làm được bài kệ 4 câu như sau:
Thân thị Bồ đề thọ Tâm như minh cảnh đài Thời thời cần phất thức Vật sử nhạ trần ai.
Ý ngài Thần Tú diễn tả người tu theo Thiền tông: Thân người như cây Bồ đề/Tâm người như đài gương sáng/Ngày ngày phải lau chùi/Chớ để dính bụi bặm.
Bốn câu kệ nói trên, ngài không biết có đạt được ý sâu mầu của pháp môn Thiền tông không, nên ngài không dám trình cho Tổ xem, đợi nửa đêm cầm đèn ra vách Nam lang của chùa, ngài viết 4 câu kệ ấy. Sáng ra nhiều người thấy và ầm cả lên, Tổ biết bài kệ này của Thượng Tọa Thần Tú làm, nên có dạy:
- Ai nghiêm chỉnh tụng bài kệ này sẽ có phước rất lớn. Thượng tọa Thần Tú nghe Tổ dạy như vậy rất mừng, và thầm nghĩ mình sẽ nhận được Tổ vị Thiền tông đời thứ 33. Chiều cùng ngày, Tổ gọi ngài Thần Tú vào thiền tông thất của Tổ có nói như sau:
- Bài kệ ngoài vách Nam lang có phải của ông làm không?
Thượng tọa Thần Tú thưa với Tổ:
Bạch, là của con làm, xin Hòa thượng xem coi con có đạt được Thiền tông không, chứ thực sự con không mong cầu Tổ vị.
Tổ dạy ngài Thần Tú:
-Bài kệ của ông làm chưa nhận ra Phật tính của mình, người nhận ra được Phật tính của chính mình rồi, dù người đó có ở giữa chiến trường, Phật tính ấy cũng không dao động. Vậy, ông về tịnh thất làm bài kệ khác trình ta xem, nếu vào được cửa “Bí mật Thiền tông” ta sẽ truyền tổ vị lại cho.
Ngài nghe Tổ “phán” một câu, tự nhiên ngài toát mồ hôi, từ giã Tổ về thất của mình. Bước ra ngoài thất của Tổ mà chân ngài đi lảo đảo không vững, khi về đến tịnh thất tâm trí như muốn cuồng, suy nghĩ miêm man, mình đã nặn óc vét tâm mấy ngày trời tổn không biết bao nhiêu giấy mực chỉ viết ra được có 4 câu kệ, thế mà nay Tổ bảo không phải, thật là…khổ!
Mấy ngày sau, có chú tiểu đi ngang chỗ giã gạo của ngài Huệ Năng đọc bài kệ của Thượng tọa Thần Tú, ngài Huệ Năng hỏi:
-Thượng nhân tụng kinh gì đó?
Chú tiểu nói với Huệ Năng:
-Ông nhà quê này, bài kệ tôi đọc là của Thượng tọa Thần Tú viết bên vách Nam lang để trình Ngũ Tổ, Ngũ Tổ bảo ai tụng kệ này có rất nhiều phước.
Thấy vậy Huệ Năng nói:
Vậy thượng nhân dẫn tôi đến chỗ bài kệ để lễ cho có phước?
Chú tiểu dẫn Huệ Năng đến chỗ bài kệ, ngài nói với chú tiểu:
-Tôi không biết chữ, xin thượng nhân đọc tôi nghe, xin cảm ơn.
Chú tiểu liền đọc lớn tiếng, nghe xong Huệ Năng nói với chú tiểu:
-Tôi cũng có kệ nữa, Vậy xin thượng nhân giúp viết giùm tôi để giao duyên cùng bài kệ này.
Đứng sau Huệ Năng là ông quan Biệt giá nói với ngài:
-Ông mà cũng có kệ nữa sao?
Huệ Năng nói với ông quan Biệt giá:
-Ngài đừng có nhìn người bên ngoài, người thấy thông minh, xinh đẹp chưa chắc có trí cao, còn người coi như bần cùng hèn hạ mà có trí siêu xuất thì sao?
Ông quan biệt giá nói:
-Thôi, ông đọc đi, tôi viết cho, nếu ông được đạo hãy độ tôi trước đó nghe.
Ngài Huệ Năng liền cất tiếng đọc:
Bồ đề bổn vô thọ Minh cảnh diệt phi đài Bản lai vô nhất vật Vật sử nhạ trần ai.
Ông quan Biệt giá cùng những người có mặt đều kinh ngạc, không ngờ một người bên ngoài có thân hình xấu kém, không biết chữ mà lại có những bài kệ tuyệt hay như vậy. Ai ai cũng náo động lên, Ngũ Tổ biết được, Ngài liền đến trước bài kệ của Huệ Năng và nói:
-Bài kệ này cũng chưa thấy được Phật tính và nói với mọi người, ai có việc gì thì đi làm việc ấy.
Tổ liền cởi giầy ra, lấy giầy chà mất bài kệ. Mọi người chứng kiến cho là phải, chắc ông này (tức chỉ Huệ Năng) học kệ của ai đó, chứ một ông nhà quê mà làm gì có kệ.
Hai ngày sau, Tổ xuống chỗ Huệ Năng giã gạo hỏi:
-Ông đi học đạo mà nhọc nhằn đến thế ư?
Tổ lại nói tiếp:
-Gạo ông giã đã trắng chưa?
Huệ Năng thưa với Tổ:
-Dạ, gạo của con giã trắng đã lâu rồi mà chưa có dần sàng.
Ngũ Tổ không nói gì thêm, Ngài cầm gậy gõ vào tay cối 3 cái rồi chắp tay sau lưng đi về Thiền thất của Ngài. Huệ Năng nhận được ý Tổ, nên trống điểm canh ba, ngài đến Thiền tông thất của Tổ gõ cửa, Ngũ Tổ liền dẫn Huệ Năng vào trong Thiền tông thất, kéo màn che hết các cửa và dậy ngài:
-Trong Huyền ký của Như Lai, có nói ông là vị Tổ sư Thiền tông đời thứ Ba Mươi Ba, cũng từ đời ông việc truyền “Bí mật Thiền tông” không được truyền nữa.
Vì sao vậy?
Vì có 4 nguyên do như sau:
1-Ông là người không biết chữ nên không đọc kệ truyền Bí mật Thiền tông được.
2-Ông là người quá đặc biệt, không học với bất cứ ai mà đã vượt qua 3 cửa:
-Yếu chỉ Thiền tông; Bí mật Thiền tông; Được rơi vào Bể tính Thanh tịnh Phật tính.
Trong suốt Ba Mươi Ba vị Tổ Thiền tông, ông là người kỳ đặc nhất, người dẫn dắt chúng sinh giác ngộ Thiền tông nhiều nhất. Vì có quá nhiều người đạt được “Bí mật Thiền tông” thì truyền thiền cho ai bây giờ. Do đó, đến đời ông việc truyền Bí mật thiền tông không được phép truyền nữa mà phải chuyển hướng truyền thiền khác như:
-Người nào hiểu pháp môn Thiền tông là không sử dụng bất cứ thứ gì trong vòng cuốn hút vật lý để tu, người đó được cấp giấy chứng nhận giác ngộ Yếu chỉ Thiền tông.
-Người nào giải mã được tất cả các pháp môn tu của Như Lai, có dụng công hay không dụng công, kể cả các pháp môn của các tôn giáo khác, vị đó phải được cấp giấy chứng nhận đạt được Bí mật Thiền tông, được truyền thiền trước tôn tượng Thiền tông của Như Lai.
-Còn người “Được rơi vào bể tính thanh tịnh Phật tính” thì không ai được phép chứng nhận cho vị này cả.
Ta dạy ông các căn bản nói trên, sau cùng ta dạy thêm ông 4 câu then chốt trong pháp môn Thiền tông này như sau:
Hữu tình lai hạ chủng. Nhân đất quả liền sinh. Vô tình vô chủng tính. Vô tính nên vô sinh.
Bốn câu trên Ngũ Tổ dạy có nghĩa là: Người tu muốn giác ngộ giải thoát thì cố gắng dạy họ; Cũng nhờ lòng ham muốn giác ngộ giải thoát ấy, nên họ dễ dàng nhận ra Phật tính của chính mình; Còn người không tinh tấn tìm cầu giải thoát, mục đích tu để lợi dưỡng, thì ông không được nói pháp môn Thiền tông này với họ. Người chỉ muốn tìm kiếm những thành tựu trong tam giới để muốn chứng đắc cái này hay cái kia thì cũng không thể dạy pháp môn này.
Bốn việc căn bản ta đã dạy ông, vậy ông hãy quỳ gối xuống ta đọc nhanh bài kệ truyền “Bí mật Thiền tông” mà Như Lai đã truyền cho Ngài Ma Ha Ca Diếp làm Tổ sư Thiền tông đời thứ nhất, các Tổ cũng lấy bài kệ này truyền cho nhau, Tổ Đạo Tín cũng truyền cho ta bài kệ này, nay ta cũng truyền cho ông:
Kệ rằng: Ngày xưa, sen nở Linh Sơn/Như Lai dạy thiền, quý hơn bạc vàng/Truyền đi khắp chốn gian nan/Nay ta truyền lại rõ ràng cho ông/Ông phải giữ lấy trong lòng/Tìm nhiều phương cách thiền đây lưu truyền/Hôm nay họ Lư có duyên/Ta nay truyền thiền chứng nhận cho ông/Năng kia nhận được không mong/Sống với Phật tính là xong luân hồi/Thiền tông đơn giản vậy thôi/Sống với Phật tính luân hồi màng chi/ Thiền tông đặc biệt diệu kỳ/Ông đã ngộ được, nhận thì Tổ tông/Tổ tông ông nhận trong lòng/Để tìm người kế là xong phận mình/Hôm nay, trước Đấng tối linh/Chính thức truyền thiền Tổ vị cho ông/Ông phải cố gắng hết lòng/Tìm người kế tiếp là xong phận mình/Thiền tông ông phải lặng thinh/Người có duyên lớn mới trình thiền ra/Vì đây lời dạy Thích Ca/Ai có duyên lớn, nói ra pháp này/Hôm nay, thiền thất tại đây/Tổ vị ba ba tại đây được truyền/Ông người có đủ phúc duyên/Chính thức truyền thiền Tổ vị cho ông/Tổ vị, ông để trong lòng/Không nói ai biết là ông được truyền/Đức Phật Huyền ký dạy riêng/Các Tổ chỉ truyền theo dòng Thiền tông/Truyền đi khắp chốn núi sông/Giúp người ngộ được là xong luân hồi/Thiền tông đặc biệt vậy thôi/Luân hồi nhiều kiếp là thôi với mình/Lời dạy đức Phật tuyệt linh/Truyền ông Tổ vị một mình biết thôi/Khi nhận Tổ vị được rồi/Phải nhớ những lời đức Phật dạy ra/Theo như lời dạy Thầy ta/Hễ ai nhận được Thích Ca dạy thiền/Vị đó là người đủ duyên/Phải được truyền thiền để làm lòng tin/Hôm nay thay mặt Tối linh/Chính thức truyền thiền cấp giấy cho ông/Ông nên giữ lấy trong lòng/Vượt qua bể khổ để về nhà xưa/Từ nay dù sớm hay trưa/Chỉ cần thanh tịnh, không ưa Niết bàn/Ông nên cố gắng bình an/Rơi vào Bể tính chính đây quê mình/Ngày xưa đức Phật dạy “Dừng”/Vì ông không biết, không theo lời Ngài/Vì vậy đi khắp trần ai!/Rơi vào Bể tính, ông nay mới “Dừng”/Tất cả chúng tôi rất mừng/Vì đã chứng nhận, ông đây ngộ thiền/Ông nay hết đảo hết điên/Chính thức truyền thiền cấp giấy cho ông.
Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn đọc bài kệ truyền thiền “Bí mật Thiền tông” xong, Ngũ Tổ giao tất cả các tín vật mà Như Lai đã truyền đến ngài. Cũng đêm đó, Ngũ Tổ đưa ngài Huệ Năng ra bến Cửu Giang để về phương Nam. Trên đường đi Tổ dạy thêm:
-Khi gặp ấp Hoài thì ẩn nơi đó một thời gian, còn khi gặp ấp Hội thì trụ ở đó; đợi khi nào duyên lành đến ông mới được phép nói pháp môn Thiền tông này ra, nhưng ông phải nhớ hai điều như sau:
1-Ban đầu ông trình tín vật cho người xem, ông chỉ được phép thuyết pháp môn Trung thừa, tức hệ Bát nhã, còn pháp môn chính là Thiền tông, ông phải nói hạn chế trong phạm vi ít thôi; khi nào có ai muốn tu giác ngộ giải thoát hãy tận tình giúp đỡ họ. Vì trong huyền ký Như Lai có dạy, phải đợi đến đời Mạt thượng pháp, pháp môn này mới đươc công khai nói ra. Vì đến thời kỳ đó, loài người đã văn minh cao, nên họ dễ dàng tiếp nhận pháp môn Thiền tông học này. Khi Ngũ Tổ dẫn Huệ Năng xuống thuyền để qua sông, Ngũ Tổ cầm chèo để chèo qua sông, Huệ Năng nói với Ngũ Tổ một câu hết sức cảm động:
-Khi mê, Thầy độ con, hôm nay con đã ngộ rồi, con xin tự độ lấy con.
Đôi lời lạm bàn
Tìm hiểu và nghiên cứu về pháp môn Thiền tông hay còn có tên là (Như Lai thanh tịnh thiền) theo các tổ thầy đều cho rằng, dòng thiền này lúc ẩn lúc hiện chúng ta không thể lấy cái duy lý để đo lường tìm sự (logic) như các pháp môn mà ta đã gặp trong giáo lý đạo Phật.
Từ thức tế Ngộ đạo của Lục tổ Huệ Năng đời thứ 33 của dòng thiền này đã cho thấy những vấn đề huyền nhiệm sâu mầu của Phật pháp khiến chúng ta không thể lấy cái phàm tình để đo lường được. Để chứng minh về sự huyền nhiêm và thâm hậu này, chúng ta cùng ngược dòng thời gian điểm qua một số đời Tổ truyền pháp cho nhau của dòng thiền này mới thấy được những điều khác biệt và kỳ đặc của dòng Thiền tông (thanh tịnh) mà chúng ta đang tìm hiểu.
Dưới đây xin minh chứng một vài trường hợp mang tính đại diện tiêu biểu: Đó là Long Thọ Bồ tát, với Trung Quán luận nổi tiếng. Khi chưa gặp tổ Ca Tỳ Ma La, thủa nhỏ Long Thọ đã thích nghe kinh Phật và có biệt tài khi nghe ông Phạm Chí tụng hết bộ kinh Phệ Đà, ngài Long Thọ đã thuộc nằm lòng. Với các môn học như: Thiên văn, Địa lý, Toán số, Văn học, Thần học, Sấm truyền, Ảo thuật, Tôn giáo; tất cả các môn này ngài học đều xuất sắc. Trong Phật giáo có pháp môn “Vô thường học” Long Thọ nhận biết rất rõ ràng và tường tận, nên vào núi tìm một hang đá đặt tên là hang “Vô thường”. Nghe tin này dân chúng kéo đến rất đông. Thấy vậy, tổ Ca Tỳ Ma La (vị tổ Thiền tông đời thứ 13) cũng tìm đến hỏi:
-Ở đây, ông giảng dạy “Vô thường” vậy ông có biết gì là “Chân thường” không? Long Thọ trả lời là “Vũ trụ”. Tổ Ca Tỳ Ma La bèn đọc 4 câu kệ: “Ông biết một mà chẳng biết hai/Biết được như vậy, theo hoài trầm luân/Dù ông cố gắng để “dừng”/Luân hồi sinh tử không dừng được đâu!”.
Vừa nghe 4 câu kệ của Tổ, Long Thọ thưa: - Như vậy, tôi làm sao biết được cái “Chân thường” để không bị luân hồi trầm luân? Tổ Ca Tỳ Ma La lại hỏi dồn: - Ông biết cái chân thường để là gì? Nếu biết cái chân thường con sẽ sống với cái ấy.
Tổ Ca Tỳ Ma La đọc 52 câu kệ, chỉ chỗ “Chân thường”. Bỗng Long Thọ thốt lên 44 câu kệ. Nghe xong bài kệ, Tổ Ca Tỳ Ma La nói với Long Thọ: “Theo Huyền ký của đức Phật Thích Ca Văn dạy: Vị nào nói lên được chỗ sâu mầu của dòng Thiền tông, vị đó được xem là đã đạt được “Bí mật Thiền tông”. Vậy ta nhận ông làm đệ tử, ông hãy theo ta xuất gia, khi được 52 tuổi ta sẽ truyền dòng thiền này cho ông nối mạch nguồn Thiền tông đời thứ 14. Sáu năm sau khi Long Thọ 52 tuổi, ngài chính thức được truyền thiền và giữ ngôi Tổ vị nối dòng.
Còn với Tổ Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) ngài sinh sau đức Phật nhập Niết bàn 1.002 năm là tổ thứ 28, và cũng là đời tổ cuối cùng của dòng Thiền tông Ấn Độ). Theo huyền ký của đức Phật, Bồ Đề Đạt Ma là người có nhiệm vụ nối Mạch dòng thiền này đến phương Đông. Tiếp theo ta hãy nghe đoạn (duyên khởi) giữa Bồ Đề Đạt Ma với Tổ Bát Nhã Đa La tổ thứ 27) của dòng thiền này dưới đây:
“Nhân ngày giỗ ông nội của (Bồ Đề Đạt Ma), phụ vương ngài là Bồ Đề Anh Đa làm vua nước Nam Ấn có thỉnh tổ Bát Nhã Đa La đến cúng dường; do vậy mà Bồ Đề Đạt Ma gặp tổ Bát Nhã Đa La. Được biết Bồ Đề Đạt Ma từ nhỏ vốn thông minh và có tài hùng biện ít ai qua được, nên Tổ thử tài hỏi nhiều câu nhưng tất cả ngài đều giải thông suốt. Sau đó Tổ hỏi tiếp Bồ Đề Đạt Ma:
-Những việc sinh tử luân hồi Ngươi có thích không? Ngài trả lời Tổ bằng 4 câu kệ: “Luân hồi là của thế gian/Những thứ hèn ấy, không ràng được tôi/Mong Thầy tiếp nhận thân tôi/Tìm đường giải thoát không còn trầm luân”.
Tổ Bát Nhã đa La nghe Bồ Đề Đạt Ma trình 4 câu kệ, Tổ bằng lòng nhận ngài làm đệ tử, và nói:
-Nếu Ngươi muốn theo ta tu đạo thiền, hãy xin vua cha và Hoàng hậu, hai vị đồng ý ta sẽ nhận; và sau đó, ngài trình phụ vương - Hoàng hậu cho ngài theo Tổ học đạo Thiền tông từ ấy.
Sau 7 năm theo học với Tổ, một hôm Bồ Đề Đạt Ma đốn cây để làm nhà trù, cây vừa ngả vào vách đá phát ra tiếng kêu lớn, bỗng thân tâm ngài như “mất” rất lâu, ngài hỏi Tổ:
-Khi con nghe tiếng cây đổ đập vào vách đá sao nghe rất xa xăm và thân tâm con dường như “mất” đó là gì, xin Tổ giải thích cho con rõ? Tổ Bát Nhã Đa La nói với ngài: “Con nghe vật lý chát tai/Tiếng nghe vật lý theo hoài trầm luân/Tính nghe thanh tịnh lại bừng/Bừng vì vật lý (tức tam giới) đã dừng với con”.
Nghe Tổ dạy 4 câu kệ, Bồ Đề Đạt Ma biết mình đã giác ngộ Thiền tông nên cố gắng giữa tâm thanh tịnh. Cách một tháng sau, nhà trù làm xong, Tổ gọi Bồ Đề Đạt Ma đến hỏi:
-Cánh của nhà trù này làm bằng gì? Bồ Đề Đạt Ma chưa kịp trả lời, Tổ liền đóng thật mạnh cánh của nhà trù; tiếng ầm vang của cánh của cũng làm chát tai Bồ Đề Đạt Ma, và chính ngài lại bị “chết đứng” lần thứ 2. Tổ Bát Nhã Đa La biết Bồ Đề Đạt Ma đã được “Rơi vào Bể tính thanh tịnh Phật tính”, nên cứ để Bồ Đề Đạt Ma tự nhiên trong ấy. Khi tỉnh trở lại bình thường Tổ lại hỏi:
-Sao ta hỏi ông không trả lời?
Bồ Đề Đạt Ma liền trình bài kệ 52 câu. Tổ Bát Nhã Đa La nghe Bồ Đề Đạt Ma đọc vừa dứt 52 câu kệ, Tổ nói:
-“Huyền ký mà Như Lai truyền đến đây, ông là vị Tổ sư Thiền tông đời thứ 28. Và trong huyền ký Như Lai có dạy rõ như sau:
-Đến đời ông (tức Bồ Đề Đạt Ma) lãnh tổ vị - mạch nguồn thiền tông phải chảy về phương Đông; ở nước lớn phương Đông (Trung Hoa) có thêm 5 đời Tổ nữa, rồi mạch nguồn Thiền tông phải ẩn nơi đây một thời gian. Sau đó sẽ chảy về phương Nam đất Rồng. Ở đất rồng này có một vị vua nhận được mạch nguồn Thiền tông, chính vị này là “Phật Hoàng” tức “vua Phật” làm Tổ tiếp theo; sau đó tiếp 2 đời Tổ nữa, mạch nguồn thiền này lại ẩn, và sau lại bùng lên”.
Nhận lãnh đời tổ 28 của dòng Thiền tông, Bồ Đề Đạt Ma vâng theo lời Tổ, và Đức vua phụ vương (Bồ Đề Anh Đa nước Nam Ấn) cấp giấy tờ cùng người tùy tùng và phương tiện để Bồ Đề Đạt Ma tiếp tục dẫn mạch nguồn Thiền tông tới phương Đông:
-Khởi đầu đoàn đi là bến Nhật Quý sông Hằng, xuôi ra biển Đông Nam nước Ấn, cập vào cực Bắc nước Tích Lan, trực chỉ qua eo biển Malacca, vào Côn Sơn Việt Nam; trực chỉ vào huyện Duyên Hải, Trà Vinh, ghé Vũng Tàu, Nha Trang, Quy Nhơn…rồi trực chỉ vào cực Nam đảo Hải Nam, Trung Hoa, ngược dòng Trường Giang vào Hoàng thành nước Lương của (vua Lương Võ Đế), sau rời nước Lương đến chùa Thiếu Lâm - Bắc Ngụy rồi ở đây suốt 9 năm, sau cùng truyền “Bí mật Thiền tông” lại cho ông Chu Thần Quang, pháp danh Huệ Khả làm Tổ Thiền tông đời thứ 29, và đến đời tổ Huệ Năng cả thảy Trung Hoa có 5 đời tổ. Và Việt Nam thêm 3 đời tổ nữa rồi dòng thiền này lại ẩn…
Đến đây, chắc không ít người đặt câu hỏi? Vậy ai là người truyền dòng pháp này cho đời Tổ kế tiếp là “vua Phật” nước ta. Theo huyền ký của dòng thiền này, đến đời Lục tổ Huệ Năng, dòng thiền này không truyền pháp “Bí mật Thiền tông” theo nghi thức cũ, hay nói khác đi là theo nghi lễ truyền thiền như trước nữa, mà chỉ ấn chứng pháp truyền bằng “Trí Huệ” hay gọi là kiến tính “Biện tâm”. Đọc “Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục” của Trần Nhân Tông, chúng ta sẽ thấy rất rõ chính ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ là bậc (thiện tri thức) với Trí tuệ Thiền siêu việt đã trao Tâm ấn Phật hoàng Trần Nhân Tông. Đây phải chăng cũng là sự nối tiếp huyền nhiệm và sâu mầu của dòng thiền này.
Tác giả: Cư sĩ: Nguyễn Đức Sinh Phường Quang Trung, Tp.Uông Bí, Quảng Ninh ***Tài liệu tham khảo: -Bài: Lục Tổ Huệ Năng là người Việt Nam của tác giả Thích Mãn Giác (phatgiao.org.vn ngày 10/7/2016) -Thiền học đời Trần - nhiều tác giả (Nxb.Tôn giáo 2006) -Thiền học Việt Nam - Nguyễn Đăng Thục (Nxb.Thuận Hóa 1997) -Thiền tông Bản hạnh và một số tài liệu liên quan. -Bài: Tuệ Trung thượng Sĩ : Trao tâm ấn Phật Hoàng của Từ Khôi (phatgiao.org.vn ngày 8/9/2021)
Bình luận (0)