Trang chủ Văn hóa Luận tích “Long hổ tương hội”

Luận tích “Long hổ tương hội”

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Giảng viên Nguyễn Thanh Huy – Đại học Khánh Hòa

Mỗi một tuồng tích ra đời, được ghi lại trên gốm sứ cổ Trung Hoa luôn gắn với một bối cảnh lịch sử nhất định. Và có thể tuồng tích ấy lại tiếp tục được phản ánh lên các tác phẩm khi lịch sử có những biến cố tương đồng diễn ra.

1. Hoàn cảnh xã hội Trung Hoa trong giai đoạn mạt Minh s ơ Thanh

1.1. Đầu thế kỷ XVII, Trung Hoa chịu nhiều thảm hoạ thiên tai khiến mùa màng mất mát, bệnh dịch hoành hành. Đã thế chính quyền trung ương lại tăng thuế, quan lại địa phương ra sức bóc lột, vơ vét khiến bách tính rơi vào cảnh lầm than cùng cực.

Nhận thấy sự yếu kém của chính quyền nhà Minh, Nỗ Nhĩ Cáp Xích thống nhất các bộ lạc lân cận phía bắc. Và sau khi củng cố được quyền lực, đến năm 1610, cắt đứt quan hệ với triều đình nhà Minh.

Năm 1636, con trai Nỗ Nhĩ Cáp Xích là Hoàng Thái Cực xưng đế, lấy hiệu Sùng Đức, đổi quốc hiệu “Hậu Kim” thành “Đại Thanh” và đổi tên dân tộc của mình từ “Nữ Chân” sang “Mãn Châu”.

Năm 1638, người Mãn Châu đánh bại và chinh phục thành công Triều Tiên, từ đó Triều Tiên đã không còn thần phục nhà Minh sau suốt vài thế kỷ.

Trong khi đó những năm 1630, một người lính nông dân tên là Lý Tự Thành, đã cùng các binh sĩ khác làm cuộc binh biến ở Thiểm Tây khi triều đình nhà Minh không gửi tiếp tế thiết yếu tới nơi này. Rồi lập căn cứ địa ở Hồ Bắc, ảnh hưởng rộng khắp Thiểm Tây và Hà Nam.

Cũng khoảng thời gian này, năm 1640, Trương Hiến Trung, một cựu binh và cũng đang là đối thủ của Lý Tự Thành, đã tạo dựng được một căn cứ khởi nghĩa vững chắc ở Thành Đô, Tứ Xuyên.

Cùng năm này, đông đảo nông dân đói khát, không thể nộp thuế và không còn e sợ trước quân triều đình vốn thường xuyên bại trận, bắt đầu tự hình thành nên các nhóm phiến quân quy mô lớn.

Quân đội nhà Minh lúc này rơi vào thế mắc kẹt giữa những nỗ lực không kết quả nhằm đánh bại quân Mãn Châu ở phía bắc và dẹp yên các cuộc khởi nghĩa nông dân trong nước, tinh thần suy sụp nên đã tan rã trước sức mạnh của quân Lý Tự Thành.

Ngày 25 tháng 4 năm 1644, Bắc Kinh thất thủ trước một cánh quân do Lý Tự Thành chỉ huy khi các nội gián mở toang cổng thành. Giữa loạn lạc, hoàng đế cuối cùng của nhà Minh, tức Sùng Trinh đã treo cổ tự vẫn trong vườn ngự uyển, bên ngoài Tử Cấm Thành.

Ngay khi biết tin kinh đô thất thủ và quân của Lý Tự Thành đang tiến đánh tiếp lực lượng quân biên ải của triều đình, Ngô Tam Quế sau khi cân nhắc đã liên minh với quân Mãn Châu và chủ động mở cửa Sơn Hải quan.

Tiêu diệt xong cánh quân được gửi tới Sơn Hải quan của Lý Tự Thành, Đa Nhĩ Cổn và Ngô Tam Quế dẫn Bát kỳ áp sát Bắc Kinh. Ngày 4 tháng 6 năm 1644, nghĩa quân Đại Thuận (Lý Tự Thành) tháo chạy khỏi kinh đô. Ngày 6 tháng 6 năm 1644, Ngô Tam Quế và người Mãn Châu tiến vào Bắc Kinh, tuyên bố Hoàng đế Thuận Trị trẻ tuổi là người cai trị Trung Hoa. Sau khi buộc Lý Tự Thành chạy khỏi Tây An, quân Thanh tiếp tục truy sát ông men theo sông Hán tới Vũ Xương. Mùa hè năm 1645, Lý Tự Thành qua đời ở vùng biên giới phía bắc Giang Tây – đặt dấu chấm hết cho triều Đại Thuận.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Luan tich Long ho tuong hoi 1

Dù vua Minh đã băng hà và Bắc Kinh rơi vào tay người Mãn Châu, nhà Minh vẫn chưa bị tiêu diệt hoàn toàn. Nam Kinh, Phúc Kiến, Quảng Đông, Sơn Tây, Vân Nam đều là những thành trì kháng chiến của quân Minh. Tuy nhiên, quân Minh sớm bị chia rẽ khi có nhiều kẻ tự nhận mình là hoàng đế. Sau năm 1644, nhiều quốc gia tàn dư của nhà Minh vẫn tồn tại rải rác ở miền nam Trung Hoa (sử gọi là Nam Minh). Từng thành lũy kháng chiến lần lượt bị quân Thanh tiêu diệt cho tới năm 1662 khi hoàng đế Nam Minh cuối cùng là Minh Chiêu Tông Chu Do Lang qua đời.

1.2. Quả là một giai đoạn lịch sử rối ren, bi tráng với nhiều những hào kiệt nổi lên hùng cứ, thôn tính, tranh giành quyền lực thống trị, điều đó đã khiến các nghệ nhân gốm sứ phải phản ánh lại trên tác phẩm của mình và tích “Long hổ tương hội” 龍虎相會 – long hổ gặp nhau – (hay còn được gọi là tích “Long hổ tranh hùng” 龍虎爭雄) đã bắt đầu từ đây.

2. Tình hình xã hội Việt Nam trong thế kỷ XVI – XVII

2.1. Tương ứng với bối cảnh xã hội Trung Hoa, cũng khoảng thời gian này ở Việt Nam rơi vào giai đoạn Trịnh – Nguyễn phân tranh (鄭阮紛爭). Một thời kỳ phân chia lãnh thổ giữa thiết chế “vua Lê chúa Trịnh” ở Đàng Ngoài (phía bắc sông Gianh) và chúa Nguyễn cai trị ở Đàng Trong (phía nam). Khởi đầu từ Trịnh Tráng đem quân đánh Nguyễn Phúc Nguyên năm 1627 và kết thúc vào cuối thế kỷ XVIII khi nhà Tây Sơn lật đổ cả chúa Nguyễn lẫn chúa Trịnh.

Nhìn lại bối cảnh lịch sử đương thời:

Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Hậu Lê lập ra nhà Mạc.

Năm 1533, tướng cũ của nhà Lê là Nguyễn Kim lập con của vua Lê Chiêu Tông lên ngôi, tức là Lê Trang Tông.

Năm 1545, Nguyễn Kim bị sát hại, con rể là Trịnh Kiểm lên thay. Để nắm trọn quyền bính, Trịnh Kiểm đầu độc giết con cả của Nguyễn Kim là Nguyễn Uông. Em của Nguyễn Uông là Nguyễn Hoàng lo lắng bị họa như anh, đến gặp Nguyễn Bỉnh Khiêm để nghe lời khuyên, ngay sau đó xin vào trấn thủ đất Thuận Hóa. Trịnh Kiểm nghĩ rằng nơi ấy xa xôi, hoang vu nên đồng ý cho đi, và cũng mong Nguyễn Hoàng sẽ bị giết khi đụng độ với quân nhà Mạc. Tuy nhiên, lành thay, Nguyễn Hoàng không những đánh bại được quân nhà Mạc, mà còn lấy được cả lòng dân Thuận Hóa nữa.

Lo đối phó với nhà Mạc ở phía bắc, Trịnh Kiểm cho Nguyễn Hoàng kiêm trấn thủ luôn Quảng Nam.

Năm 1570, Trịnh Kiểm chết, con cả là Trịnh Cối lên thay. Cối kiêu ngạo lại ham hưởng lạc, không màng chính sự, bị em là Trịnh Tùng đoạt quyền. Khi nắm được đại quyền, Trịnh Tùng sai người ám sát vua Lê Anh Tông, lập vua nhỏ là Lê Thế Tông.

Năm 1592, Trịnh Tùng đánh chiếm được Thăng Long, đuổi họ Mạc chạy lên Cao Bằng. Khi rước được vua Lê về kinh thành, Trịnh Tùng bắt đầu tính tới việc người cậu Nguyễn Hoàng ở phương nam.

Trước sau trong 46 năm ròng rã, Trịnh – Nguyễn đã đánh nhau với quy mô lớn 7 lần và một số lần nhỏ hơn. Chiến trường chủ yếu ở hai bờ sông Gianh, vùng Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình ngày nay.

Hai bên đánh nhau giằng co, khi thắng khi bại và không bên nào có ưu thế tuyệt đối để có thể tiêu diệt hoàn toàn đối phương. Cuối cùng, lưỡng bại câu thương, cả hai đều kiệt quệ về nhân lực và tài vật nên phải chấp nhận đình chiến, chia cắt lãnh thổ lâu dài. Từ đây, Sông Gianh (sử sách gọi là Linh Giang) đã là ranh giới phân chia giang sơn Đại Việt thành hai phần: Đàng Ngoài và Đàng Trong.

Phía bắc, họ Trịnh tập trung tiêu diệt tàn dư nhà Mạc ở Cao Bằng (1677) và họ Vũ ở Tuyên Quang (1699); củng cố địa bàn Bắc Bộ. Phía nam, họ Nguyễn dồn lực đánh Chiêm Thành và Chân Lạp để mở rộng bờ cõi về phương nam. Cả hai Đàng đều có những minh chúa, giỏi cai trị khiến cho lãnh thổ được ổn định suốt hơn 100 năm và chấm dứt khi có sự xuất hiện của ba anh em nhà Tây Sơn.

2.2. Chính sự tương đồng của lịch sử xã hội đương thời mà dòng đồ sứ do người Việt Nam đặt làm tại Trung Hoa (còn gọi là “Đồ sứ Ký Kiểu” hay quốc tế định danh là “Bleu de Hue”) trong giai đoạn này cũng hay yêu cầu các nghệ nhân Trung Hoa vẽ lại tích “Long hổ tranh hùng” trên các đĩa sứ, như là một cách ghi dấu cho một thời kỳ hùng tráng mà bi thương của dân tộc, cũng có thể là dụng ý nhắc nhở cho hậu thế về định mệnh, thân phận của đất nước để từ đó né tránh những tái lập lịch sử đau thương trong tương lai.

2.3. Hiện vật sau là một chiếc đĩa sứ (khay/dầm trà) vẽ tích “Long hổ tương hội”. Với hình ảnh rồng trên ẩn tàng, hổ dưới giương mắt thủ thế đối đầu, kẻ tám lạng người nửa cân không ai chịu ai, người nghệ nhân đã tạo ra một bố cục hài hòa, cân xứng, có chiều sâu khiến cho bức tranh trở nên đẹp đẽ, sống động và đậm chất uy vũ.

Chiếc đĩa có đường kính 18cm, được trang trí bằng cobalt Hồi với sắc chàm đặc trưng xanh ánh tím, nước men trắng phủ thì lơ xanh, ghi hiệu Thành Hoá niên chế 成化年製; cùng với sự lão hoá mạnh trên thân và trôn cốt cho thấy đây là một hiện vật ra đời khoảng giữa thế kỷ XVII – đúng với lịch sử của tuồng tích này bắt đầu trên gốm sứ.

Đối với những đĩa vẽ tích này, tùy vào tay người thợ và cảm hứng sáng tạo mà xuất xưởng ra những tác phẩm với bố cục hay họa pháp không hoàn toàn giống nhau. Đồng thời, hiệu đề thì tuỳ thuộc vào từng giai đoạn cụ thể, hay lò sứ, hoặc mục đích, nhu cầu mà được kí lên khác nhau. Kích thước cũng vậy, có lớn có nhỏ: 14cm, 17cm và 18cm. Nhìn chung đĩa nào có size lớn thì khi ngắm bức hoạ sẽ thích mắt hơn!

Ngày xuân, nắng nhẹ trời se lạnh, học lối người xưa, thưởng cổ luận anh hùng, âu cũng là một cách tưởng nhớ đến tiền nhân và còn, để ôn cố tri tân.

Đôi dòng mua vui cùng hiện vật, chia sẻ với người đam mê cổ ngoạn và những ai yêu nét đẹp văn hóa xưa!

Tác giả: Giảng viên Nguyễn Thanh Huy – Đại học Khánh Hòa

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lý Hồng Bân, Từ sự khởi dậy của tộc Mãn đến việc thành lập Đế quốc Thanh, Thiên Tân Cổ tịch Xuất bản xã, 2003.
2. Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng, Các triều đại Việt Nam, Nxb Thanh niên, 2001.
3. Nguyễn Văn Dâu biên soạn, Biên niên sử thế giới – Từ tiền sử cho đến hiện đại, Nxb Tri Thức, Hà Nội, 2009.
4. Kha Xuân Kiều, Hà Nhân Học, Biên dịch: Phan Quốc Bảo, Hà Kim Sinh, Những nhân vật quân sự nổi tiếng thế giới, Nxb Thanh niên, 2000.
5. Scott Morton và CM. Lewis, biên dịch: Tri thức Việt, Lịch sử và văn hóa Trung Quốc, Nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh, 2008.
6. Vương Hồng Sển, Khảo về đồ sứ cổ Trung Hoa, Nxb Phương Đông, Tp Hồ Chí Minh, 2006.
7. Vương Hồng Sển, Cuốn sổ tay của người chơi cổ ngoạn, Nxb Tổng hợp Đồng Nai, 2004.
8. Quang Thiệu – Quang Ninh, Thuật mưu quyền, Nxb Lao động – Xã hội, 2006.
9. Trương Tự Văn, Vương triều Hoàng đế Trung Quốc, Hồ Nam Sư phạm Đại học Xuất bản xã, 1998.

* Hình ảnh do chính tác giả chụp từ cổ vật trong bộ sưu tập cá nhân của tác giả : Đĩa sứ xanh trắng, vẽ tích Long hổ tương hội, thời Thanh, giữa thế kỷ 17, hiệu đề Thành Hóa niên chế 成化年製.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường