Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Khóa tu mùa hè – Nét đẹp trong hoạt động nhập thế của Phật giáo

Khóa tu mùa hè – Nét đẹp trong hoạt động nhập thế của Phật giáo

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Xuân qua, hè tới, mùa hè chính là dịp học sinh, sinh viên có nhiều thời gian rảnh rỗi, trong khi đó cha mẹ vẫn phải tham gia lao động, sản xuất, dẫn đến tình trạng con cái không được quản lý, hướng dẫn, kiểm soát. Tại khu vực thành thị, các em được tham gia sinh hoạt hè tại cung thiếu nhi, nhà văn hóa,… Còn tại khu vực nông thôn, các em hầu như được tự do vui chơi, sinh hoạt hè. Người xưa đã có câu: “Nhàn cư vi bất thiện”, vì vậy mùa hè chính là thời điểm các em dễ sa ngã đi vào con đường hư hỏng, vướng vào các tệ nạn xã hội hoặc nghiện chơi game và những trò độc hại khác…

Mặt khác, 9 tháng học của các em đã rất căng thẳng với nhiều kiến thức, tuy nhiên, việc giáo dục đạo đức, nhân cách trong nhà trường còn bị xem nhẹ. Nhiều biểu hiện chưa đẹp đã xuất hiện trong học đường như nói tục, chửi bậy, thiếu lễ phép… Do vậy, việc nhà chùa tổ chức các khóa tu, sinh hoạt mùa hè cho thanh thiếu niên phật tử là rất cần thiết, là nhu cầu lớn của xã hội, từ thành thị đến nông thôn.

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 9.2017 Khoa tu mua he net dep trong nhap the cua Phat giao 1

Trong những năm gần đây, trong các dịp nghỉ hè của học sinh, sinh viên trên cả nước, nhiều chùa trên toàn quốc đã mở ra các khóa tu mùa hè dành cho các bạn trẻ tham dự. Rất nhiều các bạn trẻ và các bậc phụ huynh quan tâm đến các khóa tu này với mong muốn có những sinh hoạt ý nghĩa trong giai đoạn tạm rời xa việc học hành tại trường lớp.

Khóa tu mùa hè cho giới trẻ hiện nay được mở ở khắp các vùng miền và tùy điều kiện, mỗi nơi tổ chức các khóa tu với quy mô khác nhau. Thời gian tổ chức có thể là một ngày, ba ngày, bảy ngày hoặc một tháng. Nội dung khóa tu được chia theo từng chuyên đề giúp khóa sinh tìm hiểu về căn bản Phật pháp, các kỹ năng sống, phát huy tình yêu thương, hiếu thảo, sự biết ơn, đền ơn của người con Phật. Trong khóa tu có tụng kinh, ngồi thiền, sinh hoạt ngoại khóa, tham vấn, trao đổi.

Đi tiên phong trong việc tổ chức khóa tu mùa hè là chùa Hoằng Pháp. Năm 2005, lần đầu tiên chùa đứng ra tổ chức khóa tu sinh hoạt hè dành cho thanh thiếu niên, thu hút được sự quan tâm của đông đảo phật tử cũng như người dân. Dần dần, khóa tu mùa hè đã được nhân rộng, tổ chức tại các tỉnh, thành phố trên khắp cả nước. Phải kể đến các chùa có truyền thống tổ chức khóa tu mùa hè duy trì được “phong độ”, chuyên nghiệp, đáp ứng được số lượng lớn thanh thiếu niên về tham dự như chùa Hoa Khai, Pháp Hoa (Đắc Nông), chùa Hoằng Pháp (Tp.HCM), Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc), chùa Phật Quang Kiên Giang), Thiền tôn Phật Quang (Bà Rịa Vũng Tàu), chùa Bằng (Hà Nội), chùa Ba Vàng (Quảng Ninh)…

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 9.2017 Khoa tu mua he net dep trong nhap the cua Phat giao 2

Có thể nói, việc tổ chức các khóa tu sinh hoạt hè tại chùa có ý nghĩa rất lớn. Điều này đã tạo nên một sân chơi lành mạnh, bổ ích, hướng thiện cho các em. Đến tham dự khóa tu, các em không chỉ được nhà chùa giảng dạy giáo lý nhà Phật, được giáo dục đạo đức nhân cách làm người, được giáo dục lòng hiếu thảo, biết yêu thương mọi người mà còn được giáo dục kỹ năng sống, khả năng tự lập, được tham gia các trò chơi bổ ích, giao lưu, học hỏi và có thêm những người bạn tốt.

Tuổi trẻ Phật giáo, bi trí dũng làm đầu
Tuổi trẻ Phật giáo, hạnh nguyện lực thâm sâu
Tuổi trẻ Phật giáo, tay trong tay thân ái
Tuổi trẻ Phật giáo, tim trong tim chan hòa
(Tuổi trẻ Phật giáo, tác giả Mặc Giang)

Dù ngắn ngủi, nhưng chắc chắn đó sẽ là những trải nghiệm đáng nhớ, hữu ích, là hành trang cần thiết cho các em trên bước đường trưởng thành, trở thành một người có nhân cách cao đẹp, sống có ích cho xã hội và cho đạo Pháp. Thông qua các khóa tu hè, nhà chùa đã trở thành nơi tin cậy để các bậc cha mẹ gửi gắm con cái, trở thành một chỗ dựa, một nơi tìm đến, trở về của mọi tầng lớp trong xã hội.

Vun đắp cho tuổi trẻ, tạo sân chơi cho tuổi trẻ, hi sinh vì tuổi trẻ cũng có nghĩa là Phật giáo đã biết đầu tư cho tương lai, thế hệ sẽ tiếp nối, duy trì và phát huy tôn giáo truyền thống gắn bó với dân tộc hơn 2500 năm, thế hệ đang chịu tác động, lôi kéo mạnh mẽ của văn hóa và tôn giáo phương Tây. Khóa tu mùa hè là cơ hội quý giá để các em có cơ hội học hỏi giáo lý nhà Phật, biết kính Phật trọng tăng, rèn giũa tâm hồn thanh cao hướng thượng, là thế hệ kế thừa và giữ gìn mạch nguồn tâm linh của dân tộc. Nỗ lực tổ chức các khóa tu mùa hè của nhà chùa không chỉ có ý nghĩa vun đắp nền tảng đạo đức, tâm linh của giới trẻ, mà còn mang lại rất nhiều giá trị cho công cuộc hoằng dương Phật pháp sau này.

Tổ chức các khóa tu, trại hè, sinh hoạt hè cho giới trẻ còn có ý nghĩa góp phần xóa đi hình ảnh Phật giáo nặng nề về cúng bái, cầu xin, xa cách, mờ ảo, đưa Phật giáo đến gần hơn với mọi người, mọi nhà. Tuy nhiên, dù có nhiều tín hiệu vui, khởi sắc, song nhìn tổng thể, việc tổ chức sinh hoạt, khóa tu mùa hè của Phật giáo vẫn cần sự quản lý, giám sát chặt chẽ hơn từ phía Giáo hội về mô hình cũng như nội dung tổ chức, với nhiều hình thức phong phú, linh hoạt.

Đơn cử như độ tuổi tham gia tại các khóa tu mỗi nơi cũng một khác, nhiều khóa tu không có sự phân chia cụ thể từng độ tuổi, gây không ít khó khăn cho giảng sư, vì Pháp thoại khó mà truyền tải thấu đáo trong một hội chúng với nhiều lứa tuổi khác nhau. Cách thức tổ chức khóa tu tại các chùa cũng chưa được đồng bộ, mỗi chùa đều làm theo những cách khác nhau. Nên chăng cần có hình thức tổ chức đồng bộ theo hệ thống sẽ tốt cho các bạn trẻ, đồng thời cũng tạo nên sự thống nhất và thuận tiện hơn cho người hướng dẫn.

Mùa hè năm 2016, Ban HDPT T.Ư đã ra thông tư hướng dẫn tổ chức Khóa tu mùa hè dành cho sinh viên, học sinh phật tử từ các tỉnh thành toàn quốc. Nhưng nội dung thông tư chỉ mới định hướng cơ bản về nội dung và hình thức, còn về cách thực hiện như thế nào vẫn chưa hướng dẫn cụ thể, ít nhiều gây khó
khăn cho những đơn vị lần đầu tổ chức.

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 9.2017 Khoa tu mua he net dep trong nhap the cua Phat giao 3

Thiết nghĩ, mong muốn mô hình khóa tu dành cho giới trẻ thành công thì không nên hạn hữu chỉ tổ chức vào mùa hè, nếu có điều kiện thì nên tổ chức thường xuyên theo định kỳ 1 tháng, 2 tháng/lần. Vì nếu đã gọi là phong trào thì sẽ có lúc bị bão hòa do thiếu những cái mới để thu hút giới trẻ. Do đó, khi đã tạo dựng được phong trào thì nên duy trì theo một hướng chuyên sâu hơn, Phật pháp nhờ vậy mới được nhân rộng do chính sự tu tập bền bỉ, lâu dài của các bạn trẻ chứ không phải tham dự theo kiểu lâu lâu một lần, khi trở về đời thường lại quay về nếp sống cũ.

Có thể thấy, trong vài năm trở lại đây, các khóa tu dành cho thanh thiếu niên ở các chùa trên cả nước ngày càng được nhân rộng ở nhiều nơi, trở thành điểm nhấn, thể hiện sự quan tâm của toàn xã hội hướng về Phật giáo trong lúc giới trẻ đang có nhiều biến động về tâm sinh lý, cũng như thiếu vắng tình yêu thương đích thực và sự bình an nơi tâm hồn. Vì vậy hơn lúc nào hết, rất cần sự chung tay của Giáo hội và sự chung sức đồng lòng của các chùa tại các tỉnh, thành địa phương, để khóa tu mùa hè ngày một khởi sắc, trở thành một nét đẹp trong hoạt động nhập thế của Phật giáo.

Tuổi trẻ Phật giáo, biết sống dấn thân
Không quản gian nguy, không ngại phong trần
Mỗi khó khăn, rèn hạnh tinh tấn
Mỗi não phiền, rèn đức từ bi
(Tuổi trẻ Phật giáo, tác giả Mặc Giang)

Tác giả: Kim Tâm
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 9/2017

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường