Lễ Vu lan hay còn gọi là lễ báo hiếu, là một trong các ngày lễ lớn của đạo Phật nhằm tưởng nhớ, báo ân, báo hiếu công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, tổ tiên.
Tác giả: Thiện Minh
Lễ Vu lan là gì?
Theo quan niệm của Phật giáo Rằm tháng 7 gắn với lễ Vu lan, xuất phát từ sự tích về Đại đức Mục Kiền Liên cứu mẹ thoát khỏi kiếp ngạ quỷ.
Kinh Vu lan chép rằng Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông đến mức có thể dùng mắt thần nhìn khắp trời đất, ngài thấy mẹ mình đã mất đang ở cõi địa ngục, bị đọa đày và đói khát khổ sở. Với lòng hiếu thảo của mình Mục Kiền Liên đã đem cơm xuống tận địa ngục để dâng mẹ, tuy nhiên do đói lâu ngày nên khi ăn mẹ ông đã dùng một tay che bát cơm của mình, không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ.
Thấy vậy Mục Kiền Liên liền quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu được mẹ, chỉ có cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày Rằm tháng 7 là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó. Làm theo lời Phật, Mục Kiền Liên đã giải thoát cho mẹ. Phật cũng dạy là: Chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng nên làm theo cách này. Từ đó, ngày lễ Vu lan ra đời.
Lễ Vu lan tụng đọc kinh gì?
Chúng ta đang sống trong tháng 7 Âm lịch và bước vào mùa Vu lan báo hiếu hằng năm. Trong dịp này, ngoài ngày lễ Vu lan báo hiếu diễn ra vào ngày Rằm tháng 7 Âm lịch thì từ đầu tháng 7, các tăng, ni, phật tử và những người con trong gia đình cũng thường tụng kinh để hồi hướng công đức, mong cầu bình an cho cha mẹ. Vậy, Lễ vu lan báo hiếu tụng kinh gì?
Tụng kinh được biết đến là việc ghi nhớ và đọc lại lời dạy của Phật. Việc tụng kinh không chỉ giúp người tụng có được khoảng thời gian gác lại phiền não mà còn giúp bạn đè xuống những ý niệm xấu từ đó giúp giảm bớt tội chướng, nghiệp chướng và tăng thêm công đức, phước lộc cho bản thân, gia đình.
Đối với việc tụng kinh trong dịp lễ Vu lan, chúng ta thực hành không chỉ với mục địch cầu an cho cha mẹ, mà còn là để cầu siêu, nhờ sức chú nguyện thanh tính, hoán đổi tâm niệm xấu của người đã khuất để giúp họ sớm ngày được sinh về thế giới an lạc.
Đây cũng là cách để báo hiếu, báo ơn đối với những bậc sinh thành đã khuất, khi chúng ta đã không còn có thể làm gì nhiều để bày tỏ tấm lòng kính hiếu.
Phật tử có thể thực hành tụng kinh vào tất cả các ngày trong tháng lễ Vu lan hoặc có thể tranh thủ vào các khoảng thời gian rảnh rỗi trong ngày hoặc trong tuần tùy theo thời gian cho phép của bản thân. Phật tử tùy duyên tụng đọc các bài kinh sau:
Kinh A Di Đà
Trong Phật giáo thì Kinh A Di Đà chính là một bản kinh rất phổ biến được truyền tụng hàng ngày trong đời sống đạo của các Phật tử ở các nước Châu Á, đặc biệt là ở Việt Nam.
Kinh A Di Đà là kinh khen ngợi công đức và được tất cả chư Phật hộ niệm. Kinh này chuyển tải nội dung rất sâu xa do đức Phật Thích Ca Mâu Ni tự giảng nói. Nhận ra ý này nên Hòa Thượng Thích Trí Quảng nói: “Niệm Phật không phải là kêu Phật. Đa số người lầm tưởng kêu tên Phật là niệm Phật. Niệm Phật hoàn toàn khác với kêu tên Phật. Suốt ngày chúng ta đọc Nam mô A Di Đà Phật là kêu tên Phật để vãng sinh thì không thể nào vãng sinh được.”
Kinh Địa Tạng
Kinh Địa Tạng là một bản kinh rất phổ biến được truyền tụng hàng ngày của các phật tử, đặc biệt vào dịp lễ Vu lan Rằm tháng Bảy Âm lịch. Địa Tạng hay Địa Tạng Bồ Tát là một vị Phật trong Phật giáo. Theo Kinh điển Phật giáo lưu lại, Địa Tạng Bồ Tát là một Tỳ kheo đã phát lời nguyện cứu độ tất cả chúng sinh trong lục đạo luân hồi vào thời gian sau khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Niết bàn cho đến khi Bồ tát Di Lặc hạ sinh, và nguyện không chứng đăc Phật quả nếu không làm cho địa ngục trống không. Ngài Địa Tạng Bồ Tát chính là vị Phật của tất cả chúng sinh nơi địa ngục hay được gọi là Giáo chủ cõi U Minh, phổ độ chúng sinh ở cõi U Minh tối tăm.
Kinh Vu Lan báo hiếu
Kinh Vu Lan báo Hiếu là tên gọi tắt của Kinh Vu Lan, dạy về đạo hiếu thảo của Phật giáo. Tinh thần trong Kinh Vu Lan dạy chúng ta ý thức độ lượng, bao dung, hướng đến và giúp đỡ người khác trong tinh thần vô vị lợi. Phẩm Kinh Vu Lan gồm ba phần: Phần dẫn nhập, phần Chánh kinh và phần hồi hướng. Đây là nghi thức thuần Việt có nhiều bài sám nguyện, thường đọc tụng suốt mùa Vu Lan tháng bảy như là tháng báo hiếu của người con Phật.
Kinh Vu Lan có thể được đọc tụng hàng ngày để hồi hướng công đức cho cha mẹ hiện tiền, đồng thời thắp sáng truyền thống hiếu đạo cho con cháu. Ngoài ra, nghi thức này có thể được sử dụng trong những dịp chúc mừng sinh nhật mẹ cha, chúc thọ cho ông bà và ngay cả các khóa lễ kỳ siêu cho cha mẹ quá cố và cửu huyền thất tổ. Thuật ngữ Vu Lan viết đủ là Vu Lan Bồn là từ dịch âm của người Trung Quốc về chữ Phạn “Ullambana”. Một dịch âm khác nữa là Ô Lam Ba Na, tuy tương đối gần âm với chữ Phạn hơn nhưng chữ này lại không thông dụng trong giới Phật giáo.
Tác giả: Thiện Minh
>> Kinh A Di Đà có phải Phật thuyết không?
Bình luận (0)