Trong lịch sử, những ngày Sóc, Vọng luôn có vai trò khá quan trọng, là thời điểm tổ chức nhiều dịp lễ lớn như Tết Nguyên Đán (mùng 1 tháng 1), Tết Nguyên tiêu (15 tháng 1), lễ Vu Lan (15 tháng 7), Tết Trung thu (15 tháng 8)…

Tác giả: Lê Thanh Hải

Hàng tháng, mỗi ngày Rằm, mùng Một Âm lịch, người Việt có thói quen thắp hương nhằm thỉnh cầu các vị thần linh, tổ tiên phù hộ cho bình an, hạnh phúc, may mắn... Lịch âm được xây dựng trên cơ sở quan sát chu kỳ, vị trí của Mặt Trăng so với Trái Đất. Trong quá trình quan sát bầu trời, nhân dân ta nhận thấy rằng chu kỳ trăng tròn, trăng khuyết cứ lặp đi lặp lại. Khi không nhìn thấy mặt trăng, dân gian gọi là trăng non, tính là mồng Một (ngày Sóc). Ngày trăng sáng rõ nhất gọi là Rằm (ngày Vọng). Điều này có mối quan hệ như thế nào với vấn đề tâm linh khiến cho người người, nhà nhà đều cúng lễ? Muốn tìm lời giải đáp, xin mời quý độc giả cùng chuyên mục “Cổ phong” tìm hiểu về cội nguồn lịch sử của dịp lễ này.

Giải nghĩa Sóc, Vọng

Trước tiên, để tìm hiểu về cội nguồn, chúng ta cùng xác định ý nghĩa của từ Sóc, Vọng. Chữ Sóc 朔 gồm bộ Kích/Nghịch 屰, và chữ Nguyệt 月. Kích là bắt đầu, ở đây ta hiểu ấy là khởi sự của một tuần Trăng. Trong thiên Lễ Vận, sách Lễ Ký có viết: “Trị kì ma ti, dĩ vi bố bạch, dĩ dưỡng sanh tống tử, dĩ sự quỷ thần thượng đế, giai tòng kì sóc” 治其麻絲, 以為布帛, 以養生送死, 以事鬼神上帝, 皆從其朔/ Chế dùng gai tơ, lấy làm vải lụa, để nuôi sống tiễn chết, để thờ quỷ thần thượng đế, đều theo từ khi mới bắt đầu”.

Chữ Vọng 朢 gồm những chữ Thần 臣, Nguyệt 月, Vương 王. Ý là ngày mặt trời, mặt trăng ngắm nhau, cũng là ngày quần thần vào chầu thiên tử.

Vì sao có lễ Sóc, Vọng?

Theo quan niệm dân gian, vào những ngày Sóc, Vọng cơ thể con người thường cảm thấy khó chịu hơn bình thường. Thậm chí, những đứa trẻ được sinh ra vào ngày này dường như cũng phải đối diện với sự khó chịu này nên thường có tính cách quật cường, mạnh mẽ hơn. Bởi vậy, ông bà ta quan niệm rằng “trai mùng Một, gái ngày Rằm” thường khó nuôi.

Do chưa hiểu rõ nguyên nhân của những điều này nên mỗi dịp Sóc, Vọng con người rất sợ hãi, nhắc nhau thắp hương, đi chùa cúng lễ mong thần linh, ông bà tổ tiên phù hộ cho tai qua nạn khỏi. Lâu dần, ngày Sóc, Vọng trở thành ngày con cháu tưởng nhớ ông bà tổ tiên và cúng lễ, tịnh tâm.

Tuy nhiên, cũng có quan niệm khác cho rằng Sóc, Vọng là ngày “thiên - địa - nhân” hòa hợp. Nếu thắp hương vào hai ngày này thì tổ tiên sẽ cảm nhận được tấm lòng của con cháu, các vị thần linh thổ địa sẽ lắng nghe rõ nguyện vọng của người trần gian. Còn theo quan điểm Phật giáo, ngày Sóc, Vọng là ngày cát tường, nên thắp hương, tụng kinh, làm các việc thiện lành như ăn chay, phóng sinh, bố thí... Trong ngày này, các Phật tử sẽ tụng kinh để cầu an (mong gia đình bình an, khỏe mạnh, may mắn), cầu siêu (mong các vong linh siêu thoát, không vướng bận trần thế) hay cầu sám hối (tự sám hối về những lỗi lầm của mình).

Khi khoa học phát triển, qua những nghiên cứu về thiên văn học, con người hiểu rằng, vào ngày Sóc, Vọng thì mặt trời, mặt trăng và trái đất nằm trên cùng một đường thẳng sẽ tạo ra lực tác động nhất định lên nhau. Trái Đất vốn là một “quả cầu nước” bởi khoảng 7/10 bề mặt của nó là đại dương. Trong ngày Rằm, mặt Trăng và Trái Đất có khoảng cách ngắn nhất nên lực hút là lớn nhất dẫn đến hiện tượng thủy triều. Theo Giáo trình Thiên văn học đại cương: “Thủy triều là hiện tượng mực nước ở ven biển, cửa sông tại một nơi lên, xuống theo chu kỳ đúng bằng khoảng thời gian giữa hai lần liên tiếp Mặt Trăng qua kinh tuyến trên tại nơi đó. Nguyên nhân của thủy triều là do lực hấp dẫn giữa Mặt Trăng và Trái Đất… Trong những ngày Trăng - Trời - Đất thẳng hàng (giao hội, xung đối) lực hấp dẫn của Mặt Trời, dù ở xa, cũng trở nên đáng kể hơn, làm cho thủy triều lên xuống mạnh hơn gọi là ngày con nước rong”[1]. Như vậy, vào những ngày Trăng - Trời - Đất thẳng hàng, ngoài tác động bởi lực hút của Mặt Trời còn cộng thêm cả lực hút từ Mặt Trăng khiến cho thủy triều ở Trái Đất càng mạnh mẽ hơn. Thường xuyên quan sát tự nhiên nên con người dễ dàng nhận ra sự khác biệt này vào ngày Sóc, Vọng nhưng không hiểu rõ nguyên nhân vì sao. Thông thường, đứng trước sự biến đổi của thiên nhiên, người xưa quan niệm rằng các thần linh đang nổi giận nên việc tổ chức cúng lễ cũng là hợp lý.

Hơn nữa, cơ thể con người với 80% là nước cũng sẽ chịu ảnh hưởng của lực hút bởi Mặt Trăng và Mặt Trời. Thủy triều ở đại dương và “thủy triều sinh học” của con người đều có sự tương đồng. Các số liệu đo não bộ, tim mạch, hô hấp… trong cơ thể người vào những ngày này cho thấy có sự thay đổi không bình thường khiến tâm sinh lý bất ổn. Bởi vậy, càng có lý do để còn người tìm đến việc cúng lễ, cầu mong sự bình an, mạnh khỏe.

Lễ Ban Sóc triều Nguyễn xưa (Ảnh tư liệu Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế)

Sóc Vọng trong lịch sử

Khảo qua sách sử, chúng ta thấy rằng tục cúng lễ trong ngày Sóc, Vọng đã được đề cập từ rất sớm. Cuốn sách cổ nhất nhắc đến từ “Sóc” là Kinh Thư. Thiên Nghiêu Thư trong Kinh Thư viết nguyên văn như sau:

“乃命羲和,欽若昊天,歷象日月星辰,敬授人時。分命羲仲,宅嵎夷,曰暘谷。寅賓出日,平秩東作。日中,星鳥,以殷仲春。厥民析,鳥獸孳尾。申命羲叔,宅南交。平秩南訛,敬致。日永,星火,以正仲夏。厥民因,鳥獸希革。分命和仲,宅西,曰昧谷。寅餞納日,平秩西成。宵中,星虛,以殷仲秋。厥民夷,鳥獸毛毨。申命和叔,宅朔方,曰幽都。平在朔易。日短,星昴,以正仲冬。厥民隩,鳥獸氄毛。帝曰:「咨!汝羲暨和。朞三百有六旬有六日,以閏月定四時,成歲。允釐百工,庶績咸熙”.

Phiên âm: Nãi mệnh hy hoà, khâm nhược hạo thiên, lịch tượng nhật nguyệt tinh thần, kính thụ nhân thì. Phân mệnh hy trọng, trạch ngu di, viết dương cốc. Dần tân xuất nhật, bình trật đông tác. Nhật trung, tinh điểu, dĩ ân trọng xuân. Quyết dân tích, điểu thú tư vĩ. Thân mệnh hy thúc, trạch nam giao. Bình trật nam ngoa, kính trí. Nhật vĩnh, tinh hoả, dĩ chính trọng hạ. Quyết dân nhân, điểu thú hy cách. Phân mệnh hoà trọng, trạch tây, viết muội cốc. Dần tiễn nạp nhật, bình trật tây thành. Tiêu trung, tinh hư, dĩ ân trọng thu. Quyết dân di, điểu thú mao tiển. Thân mệnh hoà thúc, trạch sóc phương, viết u đô. Bình tại sóc dị. Nhật đoản, tinh mão, dĩ chính trọng đông. Quyết dân áo, điểu thú nhũng mao. Đế viết: “tư! Nhữ hy kỵ hoà. Kỳ tam bách hữu lục tuần hữu lục nhật, dĩ nhuận nguyệt định tứ thì, thành tuế. Duẫn ly bách công, thứ tích hàm hy”.

Dịch nghĩa: Bèn sai Hy Hòa (tên người), kính cẩn thuần theo thời trời, suy đoán tuế thời mà trắc nghiệm độ số của mặt trời, trăng, tinh, sao, để cẩn trọng ban lịch cho dân. Lại mệnh cho Hy Trọng, ra ở phương Đông, gọi là Dương cốc, để kính cẩn đón mặt trời lên… Mệnh cho Hòa Thúc ra ở phương Bắc, gọi là U Đô, xắp xếp thứ tự công việc phải làm vào mùa Đông, khi thời gian ngày ngắn hơn đêm, khi hoàng hôn xuất hiện sao Mão để định ra tháng trọng Đông, dân ở trong nhà, chim thú mọc lông. Đế nói: này! các người Hy thúc và Hòa Thúc, một năm có 366 ngày, để định ra tháng nhuận, để thành bốn mùa cho một năm, theo đó để trị lý trăm quan, sắp xếp muôn việc đều thịnh.

Một câu chuyện của Triết gia Khổng tử và học trò Tử Cống cũng nhắc tới lễ Sóc, Vọng. Trong thiên III, Bát Dật của Luận Ngữ, nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê dịch: “Tử Cống dục khứ Cáo (thời xưa đọc là cốc) Sóc chi khái (có người đọc là hí) dương. Tử viết: “Tứ dã, nhĩ ái kì dương, ngã ái kì lễ.” Dịch: Tử Cống muốn bỏ việc dâng cừu trong lễ Cáo Sóc. Khổng tử bảo: “Tứ, anh tiếc con cừu, ta tiếc cuộc lễ.” Chú thích: Đời Chu, vào thu hay đông mỗi năm, thiên tử ban lịch năm sau cho chư hầu, vua chư hầu cất vào trong tổ miếu, năm sau mới mở ra coi; cứ ngày Sóc (mùng một) mỗi tháng giết một con cừu để cúng tổ tiên. Lễ đó là lễ Cáo Sóc. Lễ xong rồi, vua mới họp triều. Vua Lỗ đã bỏ lễ đó từ lâu, không tới tổ miếu làm lễ mà có khi ngày mùng một cũng không họp triều nữa; nhưng người ta vẫn giết một con cừu để dâng ở tổ miếu. Tử Cống muốn bỏ hình thức đó đi, Khổng tử muốn giữ lại để người ta đừng quên lễ”[2]. Như vậy, có thể thấy rằng từ thời nhà Chu (1046-314 trước Tây lịch), triều đình đã tổ chức lễ bái trong ngày Sóc. Tức là, muộn nhất thì tục này đã có từ thời nhà Chu, nếu không còn sớm hơn trước đó nữa.

Hay trong cuốn Tống hội điển tập khảo, ghi chép về cơ cấu Ngự sử đài sau cải cách của Tống Thần Tông: Điện trung thị ngự sử đặt hai người, hàm chánh thất phẩm, nắm quyền can gián và nghị bàn chính sự với nhà vua, giám sát nghi thức đại triều hội và tế lễ ngày Sóc Vọng”[3]. Có thể nói rằng, vào thời Tống, lễ Sóc Vọng đã có một vai trò vô cùng quan trọng khiến vị quan thất phẩm của ngự sử đài (cơ quan giám sát nhà nước tối cao) được giao phụ trách việc giám sát tế lễ.

Theo sử gia Lê Quý Đôn viết trong Vân Đài Loại ngữ: Sách Minh chí chép: Vua Thái tổ xuống lệnh hàng tháng, cứ ngày mồng Một và ngày Rằm, từ quan tế tửu trở xuống đều phải làm lễ thích thái (lễ dâng cúng rau Cần, rau Tảo), từ các quan quận huyện trở xuống phải đến nhà học để làm lễ dâng hương[4]. Phải chăng đây chính nghi lễ trong dịp Sóc, Vọng. Ông còn cho biết thêm về quan điểm của một vị Nho học thời Tống là Trình Tử: Sĩ và đại phu phải lập gia miếu (nhà thờ), gia miếu phải trông về hướng Đông. Mỗi tháng, ngày mồng Một làm lễ Cốc Sóc (Danh từ này do một tập tục xưa. Xưa kia cứ đến tháng Chạp thì Thiên tử ban ngày Sóc tháng Giêng năm sau cho các chư hầu theo đó mà cúng tế) bằng nước trà và rượu[5].

Tục lễ ngày Sóc Vọng ở Việt Nam có lịch sử từ lâu đời. Đọc trong sách sử Việt Nam, ta có thể dễ dàng tìm kiếm những từ khóa liên quan đến ngày Sóc, Vọng. Đại Việt sử ký toàn thư - bộ quốc sử sớm nhất của Việt Nam có ghi nhận: “Trước kia Thái Tổ sai Nguyễn Trãi định ra quy chế mũ áo, chưa kịp thi hành. Đến đây, Lương Đăng dâng sớ thư (lên vua Lê Thái Tông): Về lễ thì có lễ đại triều và lễ thường triều. Tế trời, cáo miếu, ngày thánh tiết, ngày chính đám, thì làm lễ đại triều, hoàng đế mặc áo cổn, đội mũ miện, lên ngồi ngai báu, trăm quan đều mặc triều phục đội mũ chầu. Còn những ngày mồng Một, ngày Rằm hằng tháng thì Hoàng đế mặc áo bào vàng, đội mũ xung thiên, ngồi ngai báu, trăm quan đều mặc công phục, đội mũ”[6]. Vào thời vua Lê Thánh Tông (1470-1497), bộ quốc sử này lại ghi: “Những ngày Sóc, Vọng và đại lễ mà các quan văn võ không mặc triều phục chỉ mặc áo thường trốn tránh ngoài cửa, khi điểm danh không có thì phải sung quân”[7]... Mùa đông, tháng 10, định triều nghi hộ vệ. Các tướng sĩ hằng ngày vào chầu, phải đứng sắp hàng trước ở hai bên đông tây ngoài cửa Đoan Môn; những ngày Sóc, Vọng phải đến đợi ở ngoài cửa Văn Minh Sùng Vũ, sau ba hồi trống thì tiến vào Đan Trì dàn bày nghi trượng, [74a] ban thú chỉnh tề. Người nào dám cố ý vi phạm, làm mất hàng ngũ, sau ba hồi trống vẫn chưa chỉnh tề thì các vệ Cẫm y và Kim ngô bắt giữ xin trị tội[8]. Như vậy, thời Hậu Lê, ngày lễ Sóc Vọng được vô cùng coi trọng, lễ có sự tham gia của vua quan và cần mặc trang phục theo quy định.

Vị trí Trái Đất nằm trên một đường thẳng tương đối với Mặt Trời và Mặt Trăng

Trong cuốn sách Đại Nam thực lục, Đệ nhị kỷ quyển CLXXII - Thực lục về Thánh tổ Nhân hoàng đế của Quốc sử quán triều Nguyễn viết: “Ở các miếu, phàm lễ Sóc Vọng và các tiết Tam nguyên, Thất tịch, Trung thu và Trùng dương: ở Thái miếu do thân công; ở Thế miếu và điện Phụng tiên do hoàng tử tước công và hoàng tử, đều hội đồng với bộ Lễ nghĩ phái, luân ban làm lễ. Ở Triệu miếu và Hưng miếu thì phái ủy các viên Tôn thất ở Từ tế ty đi làm lễ. Nếu chợt có lễ dâng của mới, thì chuyển báo cho các hoàng tử tước công, cứ theo thứ tự làm lễ”[9]. Từ vị trí của người chủ trì lễ mà ta có thể hình dung được tầm quan trọng của ngày lễ này trong đời sống tinh thần của người xưa.

Lễ Ban Sóc

Trong lịch sử, những ngày Sóc, Vọng luôn có vai trò khá quan trọng, là thời điểm tổ chức nhiều dịp lễ lớn như Tết Nguyên Đán (mùng 1 tháng 1), Tết Nguyên tiêu (15 tháng 1), lễ Vu Lan (15 tháng 7), Tết Trung thu (15 tháng 8)… Đặc biệt, ngày Rằm đầu tiên của mỗi năm từng là ngày đại triều của nhà Nguyễn. Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ do Nội các nhà Nguyễn biên soạn, viết: “Lệ định trong năm Gia Long: Hàng năm đến ngày 15 tháng Giêng kính gặp tiết Vạn thọ, vua ngự điện Thái Hòa, bách quan làm lễ khánh hạ… Năm thứ 15, trước kỳ làm lễ tiết Vạn thọ, vua đến Hữu miếu làm lễ yết cáo, tới ngày lễ, đặt nghi lễ đại triều ở điện Thái Hòa, vua lên ngự tọa, bách quan kính dâng biểu mừng, tuyên đọc lên làm lễ khánh hạ xong lại rước vua đến ngự điện Cần Chính…”[10]

Hơn thế nữa, vua Gia Long còn là người định ra Lễ Ban Sóc tiến hành vào ngày mùng 1 (Sóc) tháng 12 Âm lịch hàng năm, như cuốn Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ chép: “Gia Long năm thứ 5, đình nghị tâu lên được chỉ chuẩn: Hàng năm lấy ngày mồng 1 tháng 12 (quý đông) ban lịch năm sau: Trước 1 ngày, tòa Khâm thiên giám đặt một án vàng ở chính giữa điện Thái Hòa, ty Loan nghi đặt 2 long đình ở bên tả hữu thềm điện, tán lọng đủ cả…”[11]. Lễ được tổ chức định kỳ vào cuối năm Âm lịch, và được tổ chức thực sự quy mô vào đầu triều Minh Mạng: Năm 1821, “Tháng 12, ngày mồng 1, vua mặc thường phục ngự ở điện trước cửa hành tại. Khâm Thiên Giám đem lịch năm Nhâm Ngọ dâng lên. Trước là quan Lễ bộ xin thiết triều ở hành tại để làm lễ Ban Sóc, vua không nghe, chỉ sai quan Khâm Thiên Giám đội mũ mặc áo dâng lịch thôi. Lại truyền dụ cho ở Kinh hôm ấy phải thiết triều ở điện Thái Hòa, Hoàng trưởng tử và các quan lưu Kinh làm lễ bái vọng, rồi lấy sách lịch chia cấp cho trong ngoài”[12]. Các vua như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đều có ngự chế thơ về Lễ Ban Sóc.

Thông thường, từ tháng 2 Âm lịch, Khâm Thiên Giám đã bắt đầu tính toán để tiến hành làm lịch cho năm sau. Vào tháng 5, bản thảo sẽ được hoàn thành. Lịch được tiến vào Hoàng cung để hoàng gia dùng, đồng thời được phát cho các quan ở Kinh thành Huế, các địa phương và phân phát lại trong dân chúng sử dụng.

Người Việt xưa lấy kinh tế nông nghiệp làm trọng nên lịch có ý nghĩa rất đặc biệt. Nông dân xem lịch để theo dõi thời gian, thời tiết mà làm nông vụ. Mọi nhà xem lịch để biết được sự thay đổi tiết trời mà kịp thời phòng tránh và ứng phó với thiên tai.

Hiện nay, dù đã hiểu rõ cơ chế hoạt động của thủy triều, hiểu rõ những điều khác lạ trong ngày Sóc Vọng nhưng tập tục thắp hương dịp này đã trở thành thói quen của đông đảo dân chúng, đồng thời việc cúng lễ cũng khiến con người trở nên bình tâm hơn nên nó vẫn được duy trì. Kính mời quý vị đón đọc bài viết về Sóc, Vọng ở kỳ sau nhằm tìm hiểu thêm về những tục lệ trong dịp lễ này.

Tác giả: Lê Thanh Hải ***

Tài liệu tham khảo 1. Đại Việt sử ký toàn thư, bản Kỷ, quyển XI, bản in Nội Các Quan Bản, Mộc bản khắc năm Chính hòa thứ 18 (1697), Ebook. 2. Lê Quý Đôn, Vân Đài loại ngữ - phần Vựng Điển loại, nhà sách Tự Lực, 1973. 3. Trần Quốc Hà, Giáo trình Thiên văn học đại cương, Tài liệu lưu hành nội bộ ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, 2003. 4. Trần Thị Hoa, Chử Đình Phúc, Quá trình ra đời và phát triển của ngự sử đài Trung Quốc thời phong kiến, Tạp chí NC Trung Quốc, số 7 (203), 2018. 5. Nguyễn Hiến Lê, Luận ngữ và Khổng Tử, ebook. 6. Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam Hội điển sử lệ, tập 6, NXB Thuận Hóa, 1993. 7. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Viện Sử học dịch, tập 2, NXB Giáo dục, 2006. 8. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Viện Sử học dịch, tập 4, NXB Giáo dục, 2006.

_________ Chú thích [1] Trần Quốc Hà, Giáo trình Thiên văn học đại cương, Tài liệu lưu hành nội bộ ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, 2003, tr.74-75. [2] Nguyễn Hiến Lê, Luận ngữ và Khổng Tử, ebook, tr. 73. [3] Trần Thị Hoa, Chử Đình Phúc, Quá trình ra đời và phát triển của ngự sử đài Trung Quốc thời phong kiến, Tạp chí NC Trung Quốc, số 7 (203), 2018, tr. 42. [4] Lê Quý Đôn, Vân Đài loại ngữ - phần Vựng Điển loại, nhà sách Tự Lực, 1973, tr. 184. [5] Lê Quý Đôn, Vân Đài loại ngữ - phần Vựng Điển loại, nhà sách Tự Lực, 1973, tr. 184. [6] Đại Việt sử ký toàn thư, bản Kỷ, quyển XI, bản in Nội Các Quan Bản, Mộc bản khắc năm Chính hòa thứ 18 (1697), Ebook, tr. 394. [7] Đại Việt sử ký toàn thư, bản Kỷ, quyển XII, Sđd, tr. 475. [8] Đại Việt sử ký toàn thư, bản Kỷ, quyển XII, Sđd, tr. 476. [9] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Viện Sử học dịch, tập 4, NXB Giáo dục, 2006, tr. 1005. [10] Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam Hội điển sử lệ, tập 6, quyển 69, NXB Thuận Hóa, 1993, tr.29. [11] Nội các triều Nguyễn, Sđd, tập 6, quyển 80, NXB Thuận Hóa, 1993, tr. 238. [12] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Viện Sử học dịch, tập 2, NXB Giáo dục, 2006, tr. 174.