Người lãnh đạo Phật giáo lý tưởng không dễ dàng lung lay cương vị của mình khi đối mặt với thử thách và áp lực xã hội. Điều quan trọng là phải giữ được con người thật và các giá trị của bản thân. Điều này không có nghĩa là phong cách lãnh đạo là cố định, trong thực tế nó hoàn toàn ngược lại.
Tác giả: Tiến sỹ Deepak Prasad Acharya Việt dịch: Thích Vân Phong Nguồn: Lumbini Buddhist University
Phần tóm lược (Abstract)
Mục đích của bài khảo luận này, mô tả cách Phật giáo lãnh đạo một tổ chức, nhằm giải quyết các vấn đề của thế giới kinh doanh đương đại. Mục tiêu cụ thể là xác định các vấn đề chính trong việc lãnh đạo và đưa ra các khuyến nghị, nhằm tạo ra văn hoá lãnh đạo tốt hơn và an toàn hơn. Đức Phật thuyết giảng từ bi tâm, bất bạo động và hoà bình như một thông điệp phổ quát.
Maitri (tình yêu), karuna (từ bi tâm), mudita (vui mừng trước hạnh phúc của người khác mà không thấy ghen tỵ hay thèm muốn) và tư tưởng vì lợi ích chung của xã hội, được tìm thấy trong triết học Phật giáo, là nền tảng của sự lãnh đạo hiệu quả và thành công. Sự lãnh đạo sáng suốt là chấp nhận sự thay đổi, tạo ra sự hòa hợp giữa những người làm việc cùng bạn, đối xử với tất cả mọi người bằng phẩm giá và sự tôn trọng.
Vấn đề bắt nguồn từ tam độc ‘tham lam, giận dữ và si mê’ mang đau khổ đến cho con người, phá hoại mọi hạnh phúc an vui của con người và thiếu sự quan tâm lẫn nhau.
Bài viết khuyến nghị tái cơ cấu các tổ chức doanh nghiệp quy mô, ứng dụng thực tiễn Tứ Diệu Đế hay Tứ Thánh Đế (cattāra-ariya-sacca) tức là bốn sự thật rốt ráo về khổ, sự thật về nguyên nhân khổ, sự thật về diệt khổ, sự thật về con đường diệt khổ và cơ sở xây dựng đạo đức (giới luật), để tạo ra xã hội hoàn hảo hơn.
Thông qua các nguyên tắc Phật giáo, Chính mạng: (Right livelihood) là từ bi tâm vô hạn nên người phật tử phải quý sinh mạng chúng sinh như sinh mạng của mình;
Chính Ngữ (Right Speech) là lời nói có tác dụng chuyển hóa, tháo gỡ, đem lại hạnh phúc và đánh tan mê lầm; và Chính niệm (Right Mindfulness) là sự biết rõ những thứ đang có mặt trong giây phút hiện tại, những thứ đang diễn ra trong và xung quanh bạn, không gây tổn hại cho người khác và môi trường. Tổ chức kinh doanh cần xem xét trách nhiệm xã hội và thúc đẩy văn hoá lành mạnh.
Phần mở đề (Introduction)
Lãnh đạo chiếm vị trí trọng tâm trong nghiên cứu quản lý. Người có tố chất lãnh đạo sẽ thuyết phục được cấp dưới và bạn bè trung thành với người lãnh đạo và tổ chức. Nó được coi là quá trình chỉ đạo và gây ảnh hưởng đến những người theo dõi đến các hoạt động tác nghiệp(1).
Nó được sử dụng ở mọi nơi trong bối cảnh chỉ đạo và gây ảnh hưởng đến người khác. Đây là vai trò cá nhân của người lãnh đạo, trong khi đó người lãnh đạo chuẩn bị tầm nhìn và truyền đạt nó cho những nhân viên cấp dưới mình. Tất cả nhà quản lý không cần phải có chiến thuật lãnh đạo. Sự lãnh đạo có thể là công khai hoặc riêng tư. Trọng tâm của lãnh đạo công cộng, chủ yếu là cơ quan nhà nước cũng như các hoạt động xã hội. Tương tự, lãnh đạo tư nhân chuyên chú vào việc kinh doanh.
Lãnh đạo là một chức năng quan trọng của quản lý. Đây là chìa khoá để thực hiện quản lý hiệu quả. Sự thành công của tổ chức phụ thuộc vào năng lực lãnh đạo quản lý. Con người là mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo. Sự lãnh đạo gây ảnh hưởng và hướng dẫn mọi người đạt được mục tiêu một cách tự nguyện và nhiệt tình trong một tình huống nhất định. Đây là định hướng hành động.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn và thất bại, đức Phật không bao giờ chệch hướng mà vẫn kiên trì cho đến khi đạt được mục tiêu của mình, đó là từ phàm phu chuyển thành bậc bậc giác ngộ hoàn toàn, Vô thượng Chính đẳng Chính giác. Được hướng dẫn bởi tầm nhìn vĩ mô, Ngài đã thực hiện một sứ mệnh toàn diện là giúp mọi người trong vũ trụ có một cuộc sống hạnh phúc hơn.
Đức Phật tuyên thuyết rằng, Ngài hy vọng tạo ra một Tăng đoàn Phật giáo thanh tịnh hòa hợp, hoạt động đúng nghĩa phải gồm đủ bốn chúng: Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, nữ cư sĩ và nam cư sĩ hay thất chúng đệ tử Phật, Tỳ kheo ( bhikkhu); Tỳ kheo ni (Nibhikkhunī); Sa di (sāmaṇera); Sa di ni (sāmaṇerī); Thức xoa ma na (sikkhamānā); Ưu bà tắc (upāsaka); Ưu bà di (upāsikā).
Tất cả đều cần thiết như nhau để duy trì và hỗ trợ truyền thống và thực hành giáo pháp của đức Phật, tứ chúng, thất chúng tăng đoàn Phật giáo thanh tịnh hòa hợp, đã học Tam tạng Thánh điển Phật giáo gồm có: Luật Tạng (Vinaya Pitaka), Kinh Tạng (Sutta Pitaka), và Thắng Pháp Tạng (Abhidhamma Pitaka, còn gọi là Vi Diệu Pháp, hay Luận Tạng), hãy thực hành, giảng dạy và phản ứng tích cực đối với bất kỳ sự xuyên tạc nào của thông điệp. Đây là một sứ mệnh dựa trên từ bi và trí tuệ phổ quát.
Giáo lý đạo Phật không chỉ bao gồm những sự thật liên quan đến lãnh đạo mà còn bao gồm những quan điểm quan trọng về kinh tế, luật pháp, chính trị, y tế, xã hội học, tâm lý học, văn hóa và thẩm mỹ. Hầu hết chúng có sẵn sàng ở dạng khái niệm và cần được làm sáng tỏ. Chắc chắn chúng ta có thể đóng góp tích cực cho những lĩnh vực nghiên cứu này.
Mục tiêu của Nghiên cứu (Objectives of the study)
Mục tiêu chính của nghiên cứu này là mô tả cách Phật giáo lãnh đạo một tổ chức, nhằm giải quyết các vấn đề của thế giới kinh doanh đương đại.
Phương pháp luận (Methodology)
Nghiên cứu này có tính chất định tính và mô tả. Đó là nghiên cứu thư viện chủ yếu dựa trên các nguồn thứ cấp như sách, tạp chí, luận văn và tài liệu hội thảo. Bản gốc Tam tạng Pali cũng đã được sử dụng trong nghiên cứu.
Kết quả cuộc Thảo luận (Results and Discussions)
Chất lượng cuộc sống không chỉ được quyết định bởi việc tối đa hoá tiện ích của một người, mà còn bao gồm cả các yếu tố phi vật chất. Sống hoà bình và sự hoà hợp với những người khác cần được cân nhắc khi đưa ra các quyết định kinh tế. Để thực sự nâng cao sự thịnh vượng của xã hội, người ta phải xem xét các yếu tố khác ngoài của cải vật chất.
Trong khi đức Phật không trực tiếp đề cập đến các vấn đề lãnh đạo hay kinh tế, nhưng nhưng những vấn đề liên quan đến lãnh đạo có thể được tìm thấy khắp nơi trong Tam tạng Thánh điển. Đức Phật cũng có thể đưa ra lời khuyên vượt thời gian cho các nhà lãnh đạo thời hiện đại bất kể khuynh hướng tôn giáo nào.
Lãnh đạo Phật giáo (Buddhist Leadership)
Đức Phật không bao giờ coi mình là người lãnh đạo; đúng hơn là Ngài yêu cầu nhận Ngài làm thành viên của Tăng đoàn Phật giáo hòa hợp thanh tịnh. Ngài chưa bao giờ tự nhận mình là vị cứu tinh; đúng hơn là Ngài chỉ tự giới thiệu mình là vị Đạo sư hoặc vị Đại sư chân thành cầm đuốc trí tuệ soi đường dẫn bước cho mọi người vượt qua bể khổ, sông mê, đạt đến bên kia đến bến bờ giác ngộ và giải thoát.
Những nỗ lực kết hợp giáo dục và thực hành Phật giáo với khả năng lãnh đạo hiếm khi được tìm thấy. Maitri (tình bạn), karuna (từ bi tâm), mudita (phẩm chất vui mừng trước những niềm vui của người khác), tư tưởng vì lợi ích chung của xã hội được tìm thấy trong triết học Phật giáo, là nền tảng của một hệ thống giáo dục hiệu quả, và thành công trong lãnh đạo.
Nền giáo dục Phật giáo tin rằng, tình bạn và từ bi tâm là nền tảng của mọi mối quan hệ và hành vi. Sự lãnh đạo hiệu quả được rút ra từ việc thực hành từ bi tâm không mệt mõi. Khi những người cấp dưới hài lòng với công việc và hành vi của người lãnh đạo, thì họ sẽ trở nên hài lòng với người lãnh đạo. Thiền Sư Thích Nhất Hạnh (1926-2022) khuyên chúng ta nên đánh giá phẩm chất lãnh đạo trên cơ sở từ bi tâm, lòng bác ái vốn có trong đó. (2)
Ngài cũng nhấn mạnh rằng, quyền lãnh đạo phải được tiếp nhận nhờ trí tuệ bên trong của chúng ta chứ không phải vì sự giàu có và địa vị của chúng ta. Không chỉ những gì chúng ta làm là quan trọng để lãnh đạo hiệu quả, mà những gì chúng ta tư duy cũng quan trọng nhất. Tác dụng của sự lãnh đạo lý tưởng là hướng dẫn xã hội và tạo ra phúc lợi xã hội. Theo triết học Phật giáo, ý nghĩa của sự lãnh đạo là bằng cách tư duy hiệu quả và sử dụng quyền lực một cách hợp lý.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh chỉ ra việc lạm dụng quyền lực là nguyên nhân gây ra đau khổ. Người lãnh đạo đúng đắn quyết định tạo ra phúc lợi cho người khác và mang đến sự an lạc hạnh phúc trong xã hội. Bằng cách sử dụng sức mạnh khai sáng và từ bi tâm, tạo nên sự khen ngợi và kính trọng, trong khi việc lạm dụng quyền lực mang lại kết quả bất lợi.
Triết lý đạo Phật mang đến nền giáo dục tôn vinh và tôn trọng người khác. Tôn trọng người khác không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối, mà nó là một đặc điểm quan trọng và khả năng lãnh đạo lý tưởng vĩ đại. Kinh Pháp Cú (Dharmapada) tuyên thuyết rằng, lời chào lịch sự và gieo nhân phục vụ đến người cao tuổi, được hưởng phúc sống lâu, nhan sắc tươi nhuận, kiện khang và hạnh phúc(3).
Nói chung, lãnh đạo hiểu theo nghĩa là có quyền lực và cai trị người khác. Trong triết học Phật giáo, nó được hiểu theo nghĩa lòng trắc ẩn, sự khôn ngoan, vượt qua sự thèm muốn và tiêu cực.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nêu ra ba đặc điểm của sự lãnh đạo của Phật giáo là(4):
a) Đức hạnh (tính tốt hoặc sự xuất sắc về mặt đạo đức) là phẩm chất chuyển hoá tam độc tham lam, hận thù và si mê.
b) Từ bi là giá trị cơ bản và nền tảng trong đạo Phật. Từ có nghĩa là hiền hoà ban cho sự vui, thể hiện lòng khoan dung độ lượng; bi là thông cảm, thương xót cứu giúp cho hết khổ.
c) Vận dụng trí tuệ là phẩm chất để soi đường dẫn bước con người đến an lạc hạnh phúc. Nó khiến cho các nhà lãnh đạo thời nay phải thức tỉnh, cởi mở và linh hoạt để đối mặt với sự phức tạp và tình huống năng động, cảm thấy mình là một phần nhỏ bé của một thế giới phức tạp và đầy biến động(5).
Giả sử rằng mọi thứ trên thế giới đều là vô thường và biến đổi không ngừng, sẽ làm tăng thêm sự hoà hợp và tình bạn ở nơi làm việc bằng cách trân quý và tôn trọng lẫn nhau.
Đức Phật luôn chọn hoà bình thay vì chiến tranh. Theo đức Phật. “Mặc dù người ta có thể chinh phục hàng nghìn lần, hàng nghìn người trong trận chiến, nhưng kẻ Chiến thắng bản thân mới thực sự là chiến thắng hiển hách nhất”(6). Việc hai bộ tộc Sākya và Koliyā tranh giành nước con sông Rohini dẫn đến đánh nhau, đức Phật đã đến hòa giải một cách hài hoà (7).
Tương tự như thế, đức Phật cảm hóa tướng cướp Angulimāla vô cùng tàn bạo, giết người dã man, nhưng khi đã chuyển tâm ý, ray rứt với việc làm của mình và đã trở thành đệ tử xuất gia của đức Phật. Ngài đã từng xông pha ra chiến trận quy mô bằng vũ khí hoà bình, từ bi tâm và bất bạo động.
Đức Phật nói: “Này người Kalama, các con chớ có tin điều gì chỉ vì được nghe điều đó nhiều lần; chớ có tin chỉ vì đó là truyền thống; chớ có tin bởi vì đó là lời đồn; chớ có tin bởi vì điều đó đúng với sách vở và kinh điển truyền tụng; chớ có tin bởi vì nó nghe có vẻ hợp lý; chớ có tin bởi vì điều đó phù hợp với một hệ thống triết lý, tư tưởng; chớ có tin bởi vì lý luận logic và suy diễn; chớ có tin bởi vì điều đó phù hợp với quan điểm của mình; chớ có tin bởi vì người nói điều đó có vẻ là người đáng tin; chớ có tin bởi vì người đó là thầy của mình”(8).
Ngài cũng bảo họ chỉ chấp nhận sau khi thử nghiệm đúng trên thực tế.
Kinh Phạm Võng (Brahmajàla Sutta) đề cập rằng vui mừng khi được khen và buồn khi bị chỉ trích là không ổn. Không nên tức giận khi phỉ báng Tam bảo, ba ngôi quý báu; gồm Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo (9). Nếu có sai sót cần sửa đổi và nếu cần làm rõ thì phải làm sáng tỏ vấn đề. Không nên tức giận trong việc giải thích sai lầm về người lãnh đạo và chính sách của mình. Đúng hơn là cần phải làm sáng tỏ rằng nó có thật và có sai sót.
Đức Phật dạy: “Như tảng đá kiên cố, hùng dũng hiên ngang trước phong ba bão táp mưa sa, người trí vẫn bình thản trước khen chê thị phi của cuộc đời.”(10) Người lãnh đạo Phật giáo lý tưởng không dễ dàng lung lay cương vị của mình khi đối mặt với thử thách và áp lực xã hội. Điều quan trọng là phải giữ được con người thật và các giá trị của bản thân. Điều này không có nghĩa là phong cách lãnh đạo là cố định, trong thực tế nó hoàn toàn ngược lại.
Phong cách lãnh đạo có thể mềm mại, linh hoạt, uyển chuyển và trong hầu hết các trường hợp nên thay đổi để phù hợp với những tình huống thay đổi, nhưng giá trị của người lãnh đạo vẫn như tảng đá kiên cố, hùng dũng hiên ngang trước phong ba bão táp mưa sa.
Bài học về sự Lãnh đạo từ Tam tạng Thánh điển (Lesson on Leadership in the Tripitaka)
Trước khi từ bỏ cuộc sống trần tục, rời cung vàng điện ngọc, Siddhārtha Gautama là Đông cung Thái tử tại Kapilavastu (đặt tên theo vương thành Ca-tỳ-la-vệ cổ). Ngài thuộc dòng họ cao quý và tinh khiết. Dòng tộc Thích Ca (Sakyamuni) là một gia tộc chính trị, đứng đầu một cộng đồng gia tộc cao quý, trong một gia đình hoàng gia cao quý với nhiều tiện nghi vật chất ưu đãi.
Bất chấp nguồn gốc và mối quan hệ của mình, Ngài không bao giờ dùng đến quyền lực chính trị để giới thiệu những lời giảng dạy của Ngài, cũng như không cho phép những lời dạy của Ngài bị lạm dụng để đạt được quyền lực chính trị.
Nhưng thời đại ngày nay, nhiều thế lực chính trị gia cố gắng mang danh tính của đức Phật vào chính trị, bằng cách giới thiệu Ngài là một người theo Chủ nghĩa cộng sản (Communism), Chủ nghĩa tư bản (Capitalism), hoặc thậm chí là Chủ nghĩa đế quốc (Imperialism). Họ đã quên rằng triết lý chính trị mới mà chúng ta biết, đã thực sự phát triển ở phương Tây rất lâu sau thời đức Phật.
Những người cố gắng sử dụng danh tiếng tốt đẹp của đức Phật vì lợi ích cá nhân của mình, phải nhớ rằng đức Phật là bậc đại giác ngộ siêu việt, Ngài đã đạt đến cảnh giới Tính Không, vì tính không nên cùng khắp không gian thời gian. Cùng khắp không gian thì chẳng có khứ lai nên gọi là Như Lai, nghĩa là đúng như bản lai; cùng khắp thời gian thì không có gián đoạn sinh diệt nên gọi là Niết Bàn, tâm như hư không vô sở hữu thì làm gì Ngài còn bận tâm việc thế tục trần gian.
Có một vấn đề cố hữu là cố gắng trộn lẫn tôn giáo với chính trị. Nền tảng của tôn giáo là đạo đức, sự liêm khiết và đức tin, trong khi đó đối với chính trị là quyền lực. Trong quá trình lịch sử, tôn giáo thường được sử dụng để mang lại tính hợp pháp cho những người cầm quyền và việc họ thực thi quyền lực đó. Tôn giáo được sử dụng để biện minh cho chiến tranh và những cuộc xâm chiếm, sự khủng bố, sự tàn bạo, cuộc nổi loạn, sự phá hoại các tác phẩm nghệ thuật và văn hóa.
Khi tôn giáo được sử dụng để thoả mãn những mưu đồ chính trị, chiêu trò lập lờ đánh lận con đen, nó phải từ bỏ những lý tưởng đạo đức cao đẹp của mình và trở nên hèn hạ trước những đòi hỏi chính trị của thế gian. Sự thúc đẩy phật pháp không nhằm mục đích hướng tới việc tạo ra thể chế chính trị mới và thiết lập các thỏa thuận chính trị.
Về cơ bản, họ tìm cách tiếp cận các vấn đề của xã hội, bằng cách cải cách các cá nhân cấu thành nên xã hội đó, và bằng cách đề xuất một số nguyên tắc chung, qua đó xã hội có thể được hướng đến chủ nghĩa nhân văn rộng lớn hơn, cải thiện phúc lợi cho các thành viên và chia sẻ tài nguyên một cách công bằng hơn.
Có một giới hạn trong phạm vi mà một hệ thống chính trị có thể bảo vệ sự an cư lạc nghiệp, hạnh phúc và thịnh vượng của người dân. Không có một hệ thống chính trị nào, cho dù có vẻ lý tưởng đến đâu, có thể mang lại hòa bình và hạnh phúc, miễn là con người trong hệ thống đó còn bị thống trị bởi tam độc, tham lam, hận thù và si mê.
Ngoài ra, bất kể hệ thống chính trị nào được áp dụng, đều có những yếu tố phổ quát nhất định mà các thành viên trong xã hội sẽ phải trải qua: hậu quả của nghiệp tốt và xấu, thiếu thốn sự thỏa mãn, hoặc hạnh phúc vĩnh cửu trong thế giới được đặc trưng bởi dukkha (sự bất toại nguyện), Aniccā (vô thường) và anattā (vô ngã). Đối với người phật tử, không nơi nào trong luân hồi thực sự có tự do, ngay cả trên các tầng trời hay thế giới của Bhrahmas (đấng tạo hóa, Vishnu là đấng bảo hộ, còn Siva là đấng hủy diệt).
Mặc dù một hệ thống chính trị tốt đẹp và công bằng đảm bảo các quyền cơ bản của con người và có sự kiểm tra và công bằng trong việc sử dụng quyền lực, là điều kiện quan trọng để có được cuộc sống an lạc hạnh phúc trong xã hội. Mọi người không nên lãng phí thời gian của mình, bằng cách không ngừng tìm kiếm hệ thống chính trị tối thượng nơi con người có thể hoàn toàn tự do, bởi vì sự tự do hoàn toàn không thể được tìm kiếm trong bất kỳ hệ thống nào mà chỉ có trong những tâm trí tự do.
Để được tự do, con người sẽ phải soi chiếu nội tâm mình và nỗ lực giải thoát bản thân khỏi xiềng xích vô minh (không nhìn thấy bản chất của mọi vật thể, tức phương thức hiện hữu đích thật của con người và mọi hiện tượng) và tham ái (sự khao khát, ham muốn, vui thích, muốn nắm lấy bất cứ điều gì mình thích bằng bất cứ giá nào).
Tự do theo nghĩa đích thực nhất chỉ có thể có được khi một người sử dụng Phật pháp để phát triển tính cách của mình, thông qua sự tốt đẹp của ý nghĩ, lời nói và hành động, để mở rộng tiềm năng tinh thần và đạt được mục đích cuối cùng là giác ngộ.
Cách tiếp cận của Phật giáo đối với quyền lực chính trị, là đạo đức hoá và sử dụng quyền lực công một cách có trách nhiệm.
Đức Phật tuyên thuyết từ bi, bất bạo động và hoà bình như một thông điệp phổ quát. Ngài không tán thành bạo lực hay huỷ diệt sự sống, và tuyên bố rằng không có gì gọi là chiến tranh ‘chính nghĩa’. Ngài nhận xét: “Kẻ chiến thắng gay hận thù, kẻ bạn trận sống trong đau khổ. Người từ bỏ cả chiến thắng và bại trận là người an lạc, hạnh phúc và bình yên”.
Có lẽ đức Phật là bậc Đạo sư đầu tiên nêu cao tính chất hoà bình và duy nhất ngăn chặn sự bùng nổ của chiến tranh. Đức Phật đã đến hòa giải việc hai bộ tộc Sākya và Koliyā tranh giành nước con sông Rohini dẫn đến đánh nhau. Đức Phật cũng khuyên can Vua Ajatasattu không tấn công vương quốc của Vajjis (11).
Đức Phật đã thảo luận về tầm quan trọng và những điều kiện tiên quyết của một chính quyền thật sự trong sạch, liêm chính. Ngài đã cho thấy làm thế nào có thể để cho quốc nạn tiêu cực, tham nhũng, suy thoái đạo đức, và bất hạnh khi vị nguyên thủ quốc gia trở nên tham nhũng và bất công. Ngài lên tiếng bài trừ quốc nạn tiêu cực, tham nhũng và hướng dẫn chính phủ nên hành động thế nào dựa trên các nguyên tắc nhân đạo.
Đức Phật đã từng tuyên thuyết rằng: “Khi người cai trị của một quốc gia là công bằng và hoàn hảo, thì các vị Bộ trưởng trở nên công bằng và liêm chính; khi các vị Bộ trưởng là liêm chính, chí công vô tư, các vị quan chức cấp cao trở nên công bằng và hoàn hảo, các thuộc cấp trở nên đúng đắn và tốt đẹp; khi xếp hạng và thuộc cấp trở nên đúng đắn và tốt đẹp, thì có nhiều công dân tốt, thông qua hành động cụ thể là những người dân có ích cho cộng đồng, xã hội”. (Anguttara Nikaya)
Trong bài kinh Sihananda, đức Phật nói rằng sự vô đạo đức và tội phạm, như trộm cắp, dối trá, bạo lực, hận thù, tàn ác, có thể phát sinh từ đói nghèo. Các vị nguyên thủ quốc gia và chính phủ có thể cố gắng ngăn chặn tội phạm thông qua hình phạt, nhưng nó là vô ích để diệt trừ tội phạm thông qua vũ lực(12).
Trong kinh Kutadanta Sutta, đức Phật đề nghị phát triển kinh tế thay vì vũ lực để giảm tội phạm. Chính phủ nên khai thác tối đa các nguồn lực phát triển kinh tế, sử dụng các nguồn lực của một quốc gia để cải thiện các điều kiện kinh tế của đất nước. Nó có thể bắt tay vào phát triển nông nghiệp và nông thôn, cung cấp hỗ trợ tài chính cho các doanh nhân và doanh nghiệp, đồng thời cung cấp đầy đủ tiền lương cho người lao động để duy trì một cuộc sống tươm tất với phẩm giá con người.
Tập trung vào khả năng lãnh đạo, đức Phật nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì giá trị của con người, thúc đẩy kỹ năng lãnh đạo bản thân - ý thức mạnh mẽ về sự tự nhận thức và điều khiển hành vi của bản thân. Phát triển kỹ năng tự lãnh đạo mang lại nhiều lợi ích trong cả cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp của mỗi người.
Người Phật tử tin rằng không có gì là vĩnh viễn, nhận ra rằng sự thay đổi là thường xuyên và không thể tránh khỏ trong môi trường chúng ta đang sống. Sự lãnh đạo hiệu quả đòi hỏi phải chấp nhận sự thay đổi này. Đức Phật được coi là là nhà lãnh có tầm nhìn vĩ đại nhất của mọi thời đại, có khả năng truyền đạt ý tưởng của mình một cách rõ ràng, luôn giải thích về những hành động của họ và những lý do cho hành động đó một cách hợp lý, không thể nghi ngờ gì về khả năng lãnh đạo của Ngài.
Vương pháp (Dasa Raja Dharma)
Trong kinh Jataka (kinh Bản Sinh), đức Phật đã đưa ra các quy tắc cho Chỉ số chính phủ tốt, được gọi là ‘'Dasa Raja Dharma’. Những quy định này có thể được ứng dụng thực tiễn, thông qua mười điều bởi bất kỳ chính phủ nào ngày nay mong muốn quản trị quốc gia một cách hoà bình. Các Quy tắc như sau(14):
1) được tự do và tránh tính ích kỷ (Be liberal and avoid selfishness),
2) duy trì một nền đạo đức cao (Maintain a high moral character),
3) được chuẩn bị để hy sinh niềm vui của chính mình cho hạnh phúc của các đối tượng (Be prepared to sacrifice one’s own pleasure for the well being of subjects),
4) trung thực và duy trì tính toàn vẹn tuyệt đối (Be honest and maintain absolute integrit),
5) tử tế và nhẹ nhàng (Be kind and gentle),
6) Thi đua sống một cuộc sống đơn giản cùng các đối tượng (Be kind and simple life for the subjects to emulate),
7) Buông bỏ, thoát khỏi bất cứ sân hận nào (Be free from hatred of any kind),
8) Thực hiện phi bạo lực (Exercise non-violence),
9) thực hành kiên nhẫn (Practice patience), và
10) tôn trọng ý kiến công chúng để thúc đẩy hòa bình và hòa hợp (Regarding the behavior of rulers, Cakkavati Sihananda Sutta further advised).
Về hành vi của nhà cầm quyền, Ngài khuyên thêm(15):
* Một nhà lãnh đạo đạo đức, tài giỏi nên hành động một cách vô tư và không nên thiên vị và phân biệt đối xử giữa một nhóm cụ thể của các đối tượng các đối tượng đối kháng nhau.
* Một nhà lãnh đạo tuyệt hảo không nên nuôi dưỡng bất kỳ hình thức hận thù chống lại bất kỳ đối tượng nào của mình.
* Một nhà lãnh đạo tuyệt vời nên hùng dũng, kiên cường trong việc thi hành pháp luật, nếu nó là chính đáng.
* Một nhà lãnh đạo đạo đức, tài ba lỗi lạc, phải có một sự hiểu biết rõ ràng về pháp luật phải được thi hành. Nó không nên được thực hiện chỉ vì người cai trị có thẩm quyền để thực thi pháp luật. Nó phải được thực hiện một cách hợp lý và với ý thức chung. (Cakkavatti Sihananda Sutta)
Đức Phật nhấn mạnh vào trách nhiệm và đạo đức của nhà quản trị quốc gia, trong việc sử dụng quyền lực công cộng để cải thiện phúc lợi của người dân, đã truyền cảm hứng cho Hoàng đế Ashoka (hay còn gọi là vua A Dục) là vị vua thứ ba của vương triều Maurya thời Ấn Độ xưa, trị vì từ năm 273 - 232 Tây Lịch để thực thi tương tự, một trong những hoàng đế Ấn Độ kiệt xuất, Hoàng đế Ashoka toàn thắng trong một loạt các cuộc chinh phạt và đã cai trị phần lớn vùng Nam Á, từ Afghanistan cho đến Bengal hiện nay và đi sâu đến miền Nam tận Mysore.
Là một quân vương ủng hộ Phật giáo, ông đã lập nhiều bia đá ghi lại những thánh tích trong cuộc đời Phật Thích Ca Mâu Ni, và theo truyền thống Phật giáo, tên ông gắn liền với việc lưu truyền Phật giáo. Hoàng đế Ashoka, một tấm gương sáng ngời trong nguyên tắc này, ông đã quyết tâm sống theo khuôn vàng thước ngọc của Đức Phật, tuyên dương Diệu pháp Như Lai cũng như phục vụ nhân dân của mình và toàn thể nhân loại.
Hoàng đế Ashoka tuyên bố giữ hoà bình với các nước láng giềng, đảm bảo với họ về thiện chí của mình và cử sứ giả đến các vị Quốc vương xa xôi, mang theo thông điệp hoà bình và không bạo lực, xâm lược. Ông thúc đẩy việc thực hành tích cực các đức tính đạo đức nhân văn xã hội của sự trung thực, sự chân thực, từ bi tâm, lòng bái ái, bất bạo động, cư xử ân cần với mọi người, không tiêu xài phung phí, không thu lợi bất chính, và không làm tổn hại động vật. Ông khuyến khích tự do tôn giáo và tôn trọng tín ngưỡng của nhau.
Ông thường xuyên hay cải trang, mặc quần áo thường dân, vi hành khắp chốn để tìm hiểu cuộc sống của dân chúng và thị sát về đạo đức, năng lực của quan lại dưới quyền và chia sẻ phật pháp với người dân vùng nông thôn, miền núi, hải đảo.
Ông đảm nhận các công việc mang tính công ích, chẳng hạn như thành lập các bệnh viện và các trạm xá y tế, và các phòng khám và bệnh viện thú y, cung cấp dược liệu, trang thiết bị y tế, trồng cây xanh trồng ven đường, đào giếng, xây dựng xây dựng các công trình thủy lợi, tuyến kênh mương nội đồng phục vụ cho việc tưới tiêu, phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khỏe.
Thể hiện đạo đức hiếu sinh, lòng thương yêu tất cả những sự vật đang sống trong môi trường sống, ông nghiêm cấm thái độ tàn ác đối với loài động vật.
Đôi khi Đức Phật được cho là một nhà cải cách xã hội. Ngài đã phá bỏ ý niệm phân biệt giai cấp, công nhận sự bình đẳng của mọi tầng lớp trong khả năng tìm lại chân giá trị hạnh phúc cho mình.
Trong số những thứ khác, Hoàng đế Ashoka cực lực lên án hệ thống đẳng cấp, công nhận sự tự do, bình đẳng của con người, nói về sự cần thiết phải cải thiện điều kiện kinh tế xã hội, công nhận tầm quan trọng của việc phân phối của cải bằng hơn giữa người giàu và người nghèo, nâng cao vị thế của nữ giới, khuyến nghị sự kết hợp chủ nghĩa nhân văn trong quản lý nhà nước, hành chính văn phòng, đồng thời dạy rằng một xã hội không nên điều hành bởi tâm tham lam ích kỷ, phải quan tâm và từ bi tâm, lòng bác ái đổi với nhân dân.
Mặc dù tất cả những điều này, sự cống hiến của đức Phật cho nhân loại còn vĩ đại hơn nhiều bởi vì Ngài đã đạt được thành tựu ở thời điểm mà chưa từng có một nhà cách mạng xã hội nào trước đây hoặc kể từ đó đã thực hiện được, đó là đi đến tận gốc rễ sâu xa nhất của bệnh tật cong người, vốn được tìm thấy trong tâm trí của con người. Chỉ trong tâm trí của con người, sự cải hoá thực sự mới có thể bị ảnh hưởng.
Những cải cách do vũ lực áp đặt lên thế giới bên ngoài, thời gian tồn tại ngắn ngủi vì chúng không có căn nguyên. Nhưng những cải cách nảy sinh từ sự biến đổi ý thực bên trong con người vẫn còn bám rễ. Trong khi các nhánh của chúng lan rộng ra bên ngoài, họ lấy chất dinh dưỡng từ nguồn vô tận - những mật mã được lưu trữ trong tiềm thức của chính dòng đời.
Vì thế, việc cải cách diễn ra khi tâm trí con người đã chuẩn bị sẵn lộ trình cho họ, và họ sống khi nào con người còn hồi sinh họ bằng tình yêu chân lý của chính họ, công lý và cùng đồng nhân loại của họ.
Diệu pháp Như Lai tuyên thuyết không phải là giáo lý dựa trên “Triết học Chính trị - Political Philosophy”. Nó cũng không phải là một học thuyết khuyến khích con người tìm đến những lạc thú trần gian. Nó vạch ra con đường đạt đến Niết bàn (Nirvana - Bản thể của tự tính đầy khắp thời gian, bất sinh bất diệt, chẳng quá khứ, hiện tại, vị lai, vô thủy vô chung).
Nói cách khác, mục đích cuối cùng của nó là chấm dứt tính tham ái (Tanha - sự khao khát, ham muốn, vui thích, muốn nắm lấy bất cứ điều gì mình thích bằng bất cứ giá nào) khiến con người phải lệ thuộc vào thế giới này. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Phật tử không thể hoặc không nên tham gia vào tiến trình chính trị, đây là hiện thực xã hội.
Cuộc sống của các thành viên trong một xã hội, được định hình bởi Luật pháp, các Quy định và sự sắp xếp kinh tế của xã hội đó. Tuy nhiên, nếu một phật tử mong muốn tham gia vào chính trị, người ấy không nên lạm dụng tôn giáo để đạt được mưu đồ quyền lực chính trị, những người đã từ bỏ cuộc sống trần tục cũng không nên sống một cuộc sống thuần tuý tôn giáo, đời sống tâm linh tích cực tham gia vào chính trị.
Phần kết luận (Conclusion)
Từ những thảo luận trên, có thể kết luận rằng, đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni Buddha truyền giảng ở miền đông Ấn Độ vào thế kỷ 6 TCN) là một triết gia và nhà tư tưởng vĩ đại.
Những lời vàng ngọc quý báu của đức Phật dành cho các nhà lãnh đạo hiện đại có thể được tóm tắt như sau:
Hãy tinh tấn tu tập Chính niệm (mindfulness - khả năng nhận thức đầy đủ khoảnh khắc hiện tại, thay vì sống trong quá khứ hoặc dự đoán về tương lai), Từ bi tâm (Compassionate), hãy xem xét thực tế rằng các bạn là một phần của phức tạp và năng động, hãy linh hoạt và cởi mở, và thấu hiểu nguyên lý vô thường, không có gì tồn tại mãi mãi - kể cả tổ chức, không phải những chiến lược có thể hiệu quả ngay bây giờ, không phải các bạn hay phong các lãnh đao của các bạn.
Sự lãnh đạo của Phật giáo là thấu rõ nguyên lý vô thường, chấp nhận những biến đổi không ngừng, tạo ra sự hoà hợp giữa những người và các bạn cùng làm việc chung cơ quan, tổ chức và đối xử với tất cả mọi người bằng phẩm giá và sự tôn trọng.
Tổ chức của đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni Buddha - một nhà tu hành, nhà truyền giáo, nhà thuyết giảng và đạo sư sống ở Ấn Độ vào thời cổ đại, người sáng lập Phật giáo, vẫn tồn tại gần 26 thế kỷ từ khi Ngài xả báo thân, nhập Vô dư Niết bàn (chỉ trạng thái tận diệt của tham - sân - hận, những dục vọng, gánh nặng, lo âu đều bị tiêu biến hết sạch).
Điều này cho thấy những bí quyết vô giá của những thành công rực rỡ của triết lý của Ngài. Sĩ số tổng thống kê nhân loại, gần một phần ba thế giới là phật tử. Điều này cho thấy năng lực phi thường của đức Phật như một triết gia quản lý vĩ đại. Giáo lý của Ngài vì lợi ích và sự giác ngộ giải thoát của tất cả chúng sinh. Đạo Phật truyền bá khắp thế giới, đã mang đến ánh sáng từ bi, trí tuệ, hùng lực, tự do, bình đẳng đến với mọi người, không phân biệt đẳng cấp, màu da hay chủng tộc.
Những kim ngôn khẩu ngọc của đức Phật qua giáo lý căn bản của đạo Phật, Tứ Thánh Đế (cattāra-ariya-sacca - bốn sự thật rốt ráo về khổ, sự thật về nguyên nhân khổ, sự thật về diệt khổ, sự thật về con đường diệt khổ) và Ngũ giới, Giới Thứ Nhất: Bảo Vệ Sự Sống; Giới Thứ Hai; Hạnh Phúc Chân Thật; Giới Thứ Ba: Tình Thương Đích Thực; Giới Thứ Tư: Ái Ngữ và Lắng Nghe; Giới Thứ Năm: Nuôi Dưỡng và Trị Liệu của Ngài là giải pháp tốt nhất cho việc quản lý tổ chức.
Tóm lại, có thể kết luận rằng trong thời đại tình trạng suy thoái đạo đức lối sống, bất ổn, xung đột, nạn tiêu cực tham nhũng, nghèo đói, ích kỷ, suy thoái môi trường,... ngày càng gia tăng, cách lãnh đạo của Phật giáo có thể là giải pháp tuyệt hảo cho thế kỷ 21.
Tác giả: Tiến sỹ Deepak Prasad Acharya Việt dịch: Thích Vân Phong Nguồn: Lumbini Buddhist University ***
Trích dẫn bởi các tác phẩm (Works Cited)
Bajracharya, Dunda Bahadur, Digh Nikaya. Lalitpur: Bir Purna Pustaka Sangrahalaya, 2000.
Bhaddamika, “Conveying the Buddha’s Message of Peace and Harmony from Lumbini”, Lumbini Darpan
Journal, issue2, vol. 2, Lumbini: Lumbini Development Trust, 2068 V.S.
Charles A. Rarick, Enlightened Management: an Analysis of Buddhist Percept Applied to the Managerial Activity. (Retrieved from: http://ssrn.com/abstract=1021546.)
Dhammapada, Igatpuri: Vippassana Visodha Kendra, 2002.
Hanh, Thich Nath, Jahn Jahn Charan Pare Gautam Ke (Hindi trans. by Ramchandra Tiwari). Delhi: Hind Pocket Books, 2010. The Art of Power, New York: Harper One, 2007.
Robbins, Stephen P. Robbins, Organizational Behavior, New Delhi: Prentice Hall of India, 1999.
Shakya, Chatra Raj, “Buddha ra Rajniti (Buddha and Politics)”, Anandabhumi, issue 19 vol. 4, Kathmandu: Anandakuti Vihar Guthi, 2048 V.S.
Suttapitake Anguttarnikaye, Igatpuri: Vippassana Visodha Kendra, 2002.
Suttapitake Dighnikaye, Igatpuri: Vippassana Visodha Kendra, 2002.
Chú thích:
(1) Stephen P. Robbins, Organizational Behavior, New Delhi: Prentice Hall of India, 1999, P. 347.
(2) Thich Nhất Hanh, The Art of Power, New York: Harper One, 2007, p. 34.
(3) Dhammapada-109, Sahasavagga
(4) Thich Nhat Hanh, F.n. 2, pp. 32-35.
(5) Charles A. Rarick, Enlightened Management: an Analysis of Buddhist Percept Applied to the Managerial Activity. (Retrieved from: http://ssrn.com/abstract=1021546.)
(6) Dhammapada- 103, 104 and 105, sahasavagga
(7) Bhaddamika, “Conveying the Buddha’s Message of Peace and Harmony from Lumbini”, Lumbini Darpan Journal, issue2, vol. 2, Lumbini: Lumbini Development Trust, 2068 V.S., pp. 30-34.
(8) Suttapitake Anguttara Nikaya, Igatpuri: Vippassana Visodha Kendra, 2002, pp. 194-200.
(9) (a) Dighnikaya 1:1, Brahmajal Sutta . (b) Dunda Bahadur Bajracharya (Trans.), Dighnikaya, Lalitpur: Birpurna Pustakalaya, PP. 1-2 .
(10) Dhammapada-81, Panditavaggo.
(11) Chatra Raj Shakya, ‘Buddha ra Rajniti (Buddha and Politics)’, Anandabhumi, issue 19 vol. 4, Kathmandu: Anandakuti Vihar Guthi, 2048 V.S., pp. 3-4.
(12) Dighnikaya, Cakkvati Sihananda Sutta,
(13) Dighnikaya, Kutdantta Sutra.
(14) Shakya, f.n. 11, pp. 3-4.
(15) Dighnikaya, Cakkavati Sihananda Sutta.
Bình luận (0)