Đạo Phật xuất hiện trên cuộc đời, mang thông điệp hòa bình và tình thương yêu đến với nhân loại, đem ánh sáng Phật pháp hòa vào cuộc đời. Phật giáo và chính trị, tuy như hai cung đường song song, mỗi bên tự có lối đi riêng
Tác giả: Thích nữ Hạnh Hiển Học viên Ths Khóa V - Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM
DẪN NHẬP
Đạo Phật vốn không có chủ trương làm chính trị, chính trị và đạo Phật như hai lối đi song song. Đạo Phật ra đời chủ trương giải quyết các vấn đề khổ đau, hướng chúng sinh đến sự giải thoát sinh tử luân hồi của kiếp nhân sinh, còn chính trị là những thể chế hoạt động của xã hội, sử dụng quyền lực của một đảng phái hay một đất nước.
Mặc dù chính trị không phải là mối quan tâm của đức Phật, nhưng vào thời Phật còn tại thế, mỗi khi các bậc đế vương đến thăm hỏi Ngài về cách trị nước, thì đức Phật đã tận tình đưa ra các phương pháp quản lý cho một chính quyền lý tưởng. Ngoài tài năng lãnh đạo, những điều luật đặt ra để quản lý đất nước, vua còn phải là một người có đạo đức, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, một nhà lãnh đạo tốt thì không ôm lòng thù hận với bất cứ ai, sống liêm khiết chính trực, hay nói cách khác là tấm lòng thương yêu rộng lớn đối với con dân của mình. Bên cạnh đó nhà cầm quyền phải thực thi pháp luật một cách chí công vô tư. Từ xưa đến nay quốc độ nào mà bậc quân chủ biết chăm lo đến đời sống kinh tế, đạo đức giáo dục cho nhân dân, không gây ra chiến tranh, không hình phạt thảm sát, thì quốc độ đó hòa bình thịnh vượng.
1. Đức Phật dạy phương pháp lãnh đạo của một vị vua
Để giữ gìn cho quốc gia được trường tồn an ổn, là cả một vấn đề không hề dễ dàng chút nào đối với những người mang trọng trách điều hành đất nước. Mọi gánh nặng luôn đè trên đôi vai của họ, họ vừa phải chăm lo đời sống cho nhân dân, lo phát triển đất nước, vừa phải lo đối đầu với sự dòm ngó xâm lược của các nước láng giềng. Nhưng nếu họ không có tầm nhìn xa, không có chính sách rõ ràng, hay không có ai hướng dẫn phương pháp để có thể giữ cho đất nước được cường thịnh thì họ không và khó có thể tránh khỏi những sai lầm đáng tiếc có thể khiến cho đất nước suy yếu và dần dần bại vong.
Vào thời đức Phật, mỗi khi các vị quốc vương gặp khúc mắc trong vấn đề chính trị, thường đến tham vấn đức Phật, nhân cơ hội này đức Phật đã hướng dẫn cho họ rất nhiều phương pháp trị nước rất tuyệt vời, mà những nhà chính trị ngày nay cũng phải cúi đầu thán phục. Những phẩm chất cao quý cần có của một vị vua, cũng như phương pháp lãnh đạo đất nước thể hiện qua mười tiêu chuẩn, trong Tiểu bộ kinh còn gọi là Thập vương pháp.
1. Bố thí, bậc quân chủ có tấm lòng hỷ xả thường hay cứu tế những người nghèo khó, đây chính là việc phúc lợi, là an sinh xã hội.
2. Trì giới, đức hạnh, giữ gìn giới luật nói cách khác là hoàn thiện căn bản năm giới, các điều thiện.
3. Bao dung rộng lượng, quân vương đứng đầu cai trị muôn dân, tấm lòng phải như cha mẹ rộng lớn bao la che chở con dân của mình.
4. Liêm khiết nghiêm minh chính trực, vua liêm minh chính trực thì sẽ có bề tôi một lòng trung nghĩa, sự liêm khiết ấy của nhà vua khiến cho dân chúng nể phục tôn sùng.
5. Nhu hòa, là một tích cách cao quý chỉ cho sự điềm đạm khiêm cung, là thiên tử vua một nước mà không cao ngạo khiến cho dân chúng càng cảm mến và yêu quý thêm.
6. Giản dị, sống thanh cao giản dị không xa hoa, không hưởng thụ dục lạc vô độ, không đắm chìm tửu sắt, không hoang phí của cải tài sản.
7. Không sân hận ghanh ghét, quân vương không kết thù gây oán với các nước lân bang, tâm sân hận sẽ làm lu mờ trí sáng suốt của chính mình.
8. Từ bi, đấng quân chủ phải có tâm từ đem tâm từ nay thương yêu hết thảy con dân của mình có thương yêu sẽ có được sự thấu hiểu, cảm thông cho nỗi khổ cua dân chúng
9. Kham nhẫn chịu đựng, biết kham nhẫn sẽ tạo nên sức mạnh từ nội tâm, khi đối đầu với những trắc trở khó khăn trong cuộc sống người có sự chịu đựng tốt luôn điềm tĩnh ôn hòa không lo sợ hoang mang.
10. Thuận lòng dân, thuận theo lòng dân thì thịnh người đi ngước ý dân thì sẽ tiêu vong, bậc quân vương xưa nay muốn cai trị đất nước phải lấy dân làm gốc, lấy sự hạnh phúc ấm no của dân làm hạnh phúc của chính mình, xem nỗi lo của dân như nỗi lo của mình, dân chúng cũng sẽ xem nỗi lo của vua chính là nỗi lo của mình, bậc quân vương làm được như vậy lo gì mà không có được thiên hạ trong tay.
Mười bổn phận trên chính là những phẩm chất cao quý mà người lãnh đạo đất nước cần phải có được. Đức Phật tuy không phải là một nhà xã hội học, kinh tế học chuyên nghiệp, nhưng ngài lại am hiểu một cách tường tận về việc cai trị quốc gia hưng thịnh, lời khuyên của đức Phật cho các vị quốc vương luôn có giá trị và không bao giờ là lỗi thời, trong Trường Bộ kinh, Kinh Cứu la đàn đầu, đức Phật đã hướng dẫn cho vua Mahavijita. “Những vị nào trong quốc độ nhà vua nỗ lực về nông nghiệp và mục súc, Tôn vương hãy cấp cho những vị ấy hạt giống và thực vật; những vị nào trong quốc độ nhà vua nỗ lực về thương nghiệp, Tôn vương hãy cấp cho những vị ấy vốn đầu tư; những vị nào trong quốc độ nhà vua nỗ lực về quan chức, Tôn vương hãy cấp cho những vị ấy vật thực và lương bổng. Những người này chuyên tâm vào nghề riêng của mình sẽ không nhiễu hại quốc độ nhà vua, và ngân quỹ nhà vua sẽ được dồi dào, quốc độ sẽ được an cư lạc nghiệp, không có tai ương, ách nạn và dân chúng hoan hỷ vui vẻ, cho con nhảy trên ngực, sống với nhà cửa luôn mở rộng” [1]. Quả thật dân giàu nước mạnh, bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới mà tỷ lệ người dân thất nghiệp cao, sẽ dẫn đến nhiều tệ nạn, xã hội bất an, đất nước không phát triển. Nhận thấy được vấn đề trên nên đức Phật đã khuyên bảo các đấng vương quyền phải quan tâm tùy theo khả năng sở trường của mỗi người mà giúp đỡ họ có đầy đủ phương tiện để phát triển sự nghiệp của mình ổn đình tài chính xóa nghèo đói, khiến đời sống của dân chúng được ổn định đất nước càng hưng thịnh giàu mạnh.
Trong Tăng chi bộ 3, chương bảy pháp, phẩm Bạt kỳ, đức Phật còn nêu ra 7 điều kiện thịnh suy của một quốc gia. 1.Thường gặp gỡ và hội họp. 2. Hội họp, giải tán trong tinh thần đoàn kết. 3. Không ban hành những đạo luật chưa từng được ban hành, không tự hủy bỏ những đạo luật đã có sẵn, tôn trọng và tiếp nối những truyền thống quý báu. 4. Kính trọng các bậc trưởng thượng. 5. Không hành hạ đánh đập hay cưỡng ép phụ nữ, thiếu nữ, tôn trọng yêu thương và bảo vệ phụ nữ. 6. Thờ phụng, đảnh lễ cúng dâng phẩm vật cúng dương lên các tự miếu, ghi nhớ công đức tổ tiên, những bậc có công. 7. Cung kính, bảo hộ, noi gương các bậc Thánh. Đó là những yếu tố làm nên sự hưng thịnh của một quốc gia. Ngoài ra trong Tiểu bộ kinh, chuyện hiếu tử Sàma đức Phật còn dạy về mười bổn phận hay trách nhiệm mà một vị vua hiền đức nên thực hiện chu toàn, nếu làm tốt không những hiện đời làm gương cho mọi người noi theo mà sau khi mạng chung còn được sinh lên cõi trời.
2. Tư đức và pháp trị của người đứng đầu quốc gia
Tư đức là đạo đức của cá nhân, người lãnh đạo quốc gia là người đứng đầu một nước, là đầu não của đất nước, có thể xem là trái tim, là linh hồn tổ quốc là người có quyền lực cao nhất nắm giữ vận mạng của quốc gia. Vì là người giữ một vai trò quan trọng như thế, nên tư đức của người lãnh đạo rất ảnh hưởng đến sự đi lên hay đi xuống của quốc gia. Nếu người lãnh đạo là người biết đặt quyền lợi của nhân dân và đất nước lên trên lợi ích của bản thân mình, đem hết sức lực và trí tuệ, tài năng ra lo cho dân cho nước thì quốc gia đó sẽ đoàn kết, thịnh vượng, còn ngược lại nếu người đứng đầu quốc gia là người chỉ biết lợi dụng quền lực và địa vị của mình để hưởng thụ dục lạc, vơ vét tài sản của dân, đàn áp dân chúng, đem dân đi đánh nhau các nước khác để mở mang bờ cõi, thì đó là một ông vua bạo tàn làm cho dân chúng oán than, đất nước loạn lạc, quyền lực của vua sẽ sớm rơi vào tay kẻ khác. “Trong sự vận hành của bộ máy nhà nước uy quyền được vận dụng đúng chỗ và đúng lúc thì tạo nên ình an và vững chãi cho xã hội” [2].
Một ông vua hay người đứng đầu một nước nếu không có tư đức thì dù có xảo quyệt khôn ngoan và thủ đoạn đến đâu cũng sẽ không thu phục được lòng dân, sẽ thất bại trong quá trình điều hành đất nước. “Đạo đức và lẽ phải suy đồi, kéo theo sự suy đồi của con người và xã hội! Vậy thì, trách nhiệm của một vị vua lớn lắm, cao cả lắm mà cũng nặng nề lắm! Vận mệnh của đất nước, sự vui khổ của muôn dân tùy thuộc đạo đức, giới hạnh bản thân của vị vua ấy cùng cán cân nghiêm minh của công lý. Thiếu một trong hai, không được, nghiêng lệch bên này, bên kia, không được! Toàn thể triều đình, các quan hãy ghi nhớ lời trẫm hôm nay” [3]. Đoạn kinh này cho thấy nhà vua đã sáng suốt nhận ra rằng trong việc lãnh đạo đất nước phải cân bằng giữa đức trị và pháp trị, nếu thiếu một trong hai phương pháp trên thì đều có thể khiến cho đất nước lâm nguy rơi vào tình trạng mất cân bằng. Trong lịch sử Ấn Độ vua A Dục cũng đã từng áp dụng lời dạy của đức Phật vào chính sách trị nước của mình, làm cho vương triều dười sự cai trị của ông cực kỳ hưng thịnh. Ông lấy lòng nhân từ làm tư tưởng chính, để trị nước, luôn kêu gọi, khuyến khích dân chúng sống theo năm giới của nhà Phật, bản thân ông cũng thực hành trai giới làm gương cho dân chúng. Qua đây ta thấy được tư đức của những vị vua đứng đầu đất nước là vô cùng quan trọng, nếu như lấy pháp luật để cai trị, con người ta vì sợ mà nghe theo, nhưng lấy đức để trị sẽ khiến cho dân chúng nể phục, còn nếu biết kết hợp cả hai thì trên hợp lẽ trời dưới thuận lòng dân có vậy đất nước giang sơn mới trường tồn lớn mạnh.
3. Phật giáo thiết lập xã hội trên tinh thần bình đẳng
Mỗi con người hiện hữu trên cuộc đời này đều có quyền sống, quyền tự do mưu cầu hạnh phúc, và tự thân mỗi người sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm, về những gì họ đã làm. Một vườn hoa sẽ có nhiều chủng loại, mỗi loài sẽ có những nét đẹp riêng, nhưng chúng đều có quyền nở hoa, và tỏa hương theo cách của riêng mình. Cũng vậy, con người từ xa xưa vẫn luôn khao khát mong muốn hướng đến một thế giới công bằng bình đẳng trên mọi lĩnh vực.
Trong xã hội Ấn Độ lúc bây giờ có quá nhiều điều phức tạp, và đầy dẫy sự bất công. Bình đẳng tuy không phải là mục tiêu cuối cùng của Phật giáo nhưng nó sẽ đem đến sự công bằng, an ổn trong một kiếp người của chúng sinh. Đức Phật thấy rõ sự bất công phi lý của Bà la môn giáo khi họ cho rằng họ vốn dĩ sinh ra từ miệng của Phạm thiên, thanh tịnh cao quý, còn giai cấp khác là thấp hèn để rồi suốt đời họ phải làm nô lệ. Với chủ trương đập tan sự phân tầng xã hội, phá vỡ bức tường thành phân chia giai cấp. Đức Phật đã khơi dậy ngọn cờ tự do bình đẳng “không có giai cấp giữa những con người có dòng máu cùng đỏ và nước mắt mặn” [4].
Bốn giai cấp đều có thể chứng ngộ, cho nên đối với quan hệ giữa người với người là một quan hệ tuyệt đối bình đẳng, không có người cao thượng hay hèn hạ. Mà cao quý hay hèn hạ là do hành động của họ mà ra. Đức Phật đã phá vỡ mọi định kiến về giai cấp ấy bằng cách tiếp nhận mọi giai tầng trong xã hội vào trong tăng đoàn, vì quả vị tu chứng không phân biệt màu da chủng tộc. Phật và chúng sinh trình độ có khác nhau nhưng khả năng đi đến chỗ tột cùng thì ai cũng có thể đạt được.
Nếu xã hội thực hiện chủ trương bình đẳng thì xã hội sẽ ổn định, nếu tính bình đẳng không được tôn trọng thì xã hội sẽ bất ổn. Vì vậy, trong suốt thời gian dài trụ thế giáo hóa, kinh điển ghi lại lời Phật dạy đã lưu giữ rất nhiều bài kinh nói về bình đẳng giai cấp, bình đẳng nhân phẩm, bình đẳng nam nữ, và bình đẳng trong cả việc tu hành. Học thuyết bình đẳng đóng vai trò quyết định chủ đạo trong việc hình thành và ổn định một hình thái xã hội hay một hình thái tôn giáo. Trị nước trên tinh thần bình đẳng, sẽ đem lại sự kết nối khăn khít niềm tin tuyệt đối, tạo nên một sức mạnh đoàn kết giữa vua quan và dân chúng. Đó cũng là một học thuyết tiến bộ được triển khai rõ nét qua hệ thống giáo pháp của đức Phật giúp cân bằng ổn định xã hội.
KẾT BÀI
Đạo Phật xuất hiện trên cuộc đời, mang thông điệp hòa bình và tình thương yêu đến với nhân loại, đem ánh sáng Phật pháp hòa vào cuộc đời. Phật giáo và chính trị, tuy như hai cung đường song song, mỗi bên tự có lối đi riêng, nhưng vì thương yêu nhân loại, đức Phật đã hướng dẫn, cho những nhà lãnh đạo quốc gia đường hướng chính trị đúng đắn nhất có thể, đem đến hòa bình, phú cường cho đất nước. Một xã hội cường thịnh lâu dài đâu phải chỉ lo đầu tư vào các loại vũ khí hạt nhân, hay binh hùng tướng mạnh quân đội dội dào. Mà phải là một xã hội vì dân ở đó đạo đức sống của con người được đề cao, được đảm bảo về một đời sống hòa bình không chiến tranh hận thù. Phật từng dạy cách đây hơn 25 thế kỷ rằng ở đâu xuất hiện bóng dáng của đạo Phật, ở đó tình thương có mặt, chiến tranh chấm dứt, khổ đau không còn.
Tác giả: Thích nữ Hạnh Hiển Học viên Ths Khóa V - Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM *** Chú thích và tài liệu tham khảo: [1] ĐTKVN (1991), Kinh Trường bộ 1, số 5, Kinh Kutadanta, VNCPHVN ấn hành, tr.242. [2] Thích Chúc Phú (2013), Vài vấn đề về Phật giáo & nhân sinh, Nxb. Hồng Đức, tr.146. [3] Thích Trí Quảng (2002), Những Bài Giảng Về Hoằng Pháp Và Trụ Trì, Hoằng Pháp Ở Thế Kỷ 21, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.205. [4] https://thuvienhoasen.org/a25411/giai-doan-16-diem-trieu-cua-duc-vua-p-senadi. Xem ngày /01/02/2023.
Bình luận (0)