Trang chủ Bài viết nổi bật Ký sự “Mười lăm ngày trên nước Nhật” từ góc nhìn Phật giáo và tiểu sử Chánh Trí Mai Thọ Truyền

Ký sự “Mười lăm ngày trên nước Nhật” từ góc nhìn Phật giáo và tiểu sử Chánh Trí Mai Thọ Truyền

Thông qua ký sự 15 ngày trên nước Nhật, Mai Thọ Truyền đã thể hiện một hình tượng trí thức miền Nam trong cách cư xử và suy nghĩ của ông. Đó là một con người miền Nam sâu sắc nghĩa tình, trải nhiều thăng trầm hợp tan để có thể hiểu...

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Thông qua ký sự 15 ngày trên nước Nhật, Mai Thọ Truyền đã thể hiện một hình tượng trí thức miền Nam trong cách cư xử và suy nghĩ của ông. Đó là một con người miền Nam sâu sắc nghĩa tình, trải nhiều thăng trầm hợp tan để có thể hiểu…

TS.Nguyễn Thành Trung, TS.Đặng Ngọc Ngận, Ths.Nguyễn Phước Bảo Khôi, Ths.Phan Duy Khôi,
Khoa Ngữ văn, Đại học Sư Phạm Tp.HCM

Tóm tắt: Bài viết tìm hiểu Hải ngoại ký sự nhằm làm rõ các đặc điểm và tính chất của trí thức Phật giáo yêu nước miền Nam vào thế kỷ XX là Chánh Trí Mai Thọ Truyền. Trong quá trình ấy, đặc biệt là hành trình đến Nhật Bản, bài viết khảo sát các thành phần cơ bản của thể loại ký sự nhằm tái hiện những suy tư, tâm trạng, cảm xúc của Mai Thọ Truyền đối với đời sống, đất nước và Phật giáo.

Từ khóa: Mai Thọ Truyền, 15 ngày trên nước Nhật, trí thức Phật giáo, ký sự

Hải ngoại ký sự là tuyển tập các ghi chép, thư từ, phỏng vấn và bài phát biểu của Chánh Trí Mai Thọ Truyền trong khoảng thời gian từ năm 1958 đến 1962 xoay quanh kinh nghiệm về các chuyến du hành đến Nhật Bản, Mỹ và một số nước châu Âu để tìm hiểu về thực trạng tổ chức, giáo dục và thực hành Phật giáo.

Khác với các trước tác còn lại chủ yếu là dịch kinh và giảng luận Phật giáo như Tâm Và Tánh (1950), Ý Nghĩa Niết Bàn (1962), Một Đời Sống Vị Tha (1962), Tâm Kinh Việt Giải (1962), Pháp Hoa Huyền Nghĩa (1964), Địa Tạng Mật Nghĩa (1965)… Hải ngoại ký sự cung cấp một cái nhìn khác hơn về chính trị gia, học giả Phật giáo lỗi lạc, hội trưởng hội Phật học Nam Việt bởi những trăn trở, suy tư và những sinh hoạt đời thường trên chuyến hành trình nhằm khảo sát và tìm con đường phát triển Phật giáo nước nhà.

Theo tinh thần đó, tuyển tập này được xác định là Ký sự với ý nghĩa ghi chép sự việc, hiện tượng mà ông trực tiếp gặp được trên hành trình đến với các danh lam thắng cảnh Phật giáo hải ngoại; thông tin thu được vì thế tươi mới, sống động, và tràn ngập hơi thở cuộc sống, nhận định cá nhân.

Xét nghiêm ngặt, với tiêu chí này, thì chỉ có phần 15 ngày trên nước Nhật (1958) phù hợp, còn các mục như Mấy bức thư viết trong chuyến đi Mỹ, Bài thuyết trình Phật giáo Âu Mỹ tại chùa Xá Lợi ngày 15/01/1962,  bài phỏng vấn sau chuyến du hành nghiên cứu Phật giáo thế giới, một vài bức thư gửi về nhà… đều không đồng nhất về hình thức, thể loại và nội dung.

Tác phẩm này còn có ý nghĩa quan trọng khi bổ sung thêm một mảng phong phú của văn học miền Nam cũng như thể loại ký sự Việt Nam thời hiện đại; vì đến nay, đa phần các nghiên cứu đều tập trung vào tính chính trị của thể loại này –  “Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, thể ký thực sự là một mũi nhọn xông xáo khắp các chiến trường khói lửa, các nẻo đường mưa tuôn nắng dội, len lỏi vào những ngóc ngách tận cùng của đời sống.” (Lý Hoài Thu, 2002, 22).

Bên cạnh đó, nhìn từ trước tác, một khía cạnh khác của Mai Thọ Truyền cũng được tái hiện, bên cạnh phương diện tổ chức hoạt động Phật học, xã hội nổi bật đã được khẳng định như – “Hội Phật học Nam Việt do cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền vận động thành lập vào năm 1950”.

Vì vậy, bài viết này tập trung khảo sát Phần 15 ngày trên nước Nhật với tư cách là một ký sự thể hiện rõ văn hóa Phật giáo và hình ảnh trí thức Phật giáo miền nam yêu nước – Chánh Trí Mai Thọ Truyền.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Cu si Chanh Tri Mai Tho Truyen va tap ky su 1

Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền. Nguồn: St

1. Thể loại Ký sự và Hải ngoại Ký sự của Chánh Trí Mai Thọ Truyền

Ký sự là một loại thể văn học có lịch sử lâu dài trong truyền thống văn ngôn Trung Hoa. Ký sự là ghi người chép việc, những điển thể của nó là Lễ Ký, Sử Ký.

Thật ra, trong giai đoạn Hán Ngụy, loại thể này không mấy phát triển do quan niệm nghiêm ngặt giới hạn bình luận và ý tưởng của người ghi chép, nội dung ký chỉ quẩn quanh ở du quan danh thắng, việc đưa quan điểm tác giả vào bị xem là dấu hiệu suy đồi của ký; mãi đến đời Đường, dưới bầu không khí văn hóa phóng khoáng, ký bắt đầu phát triển trở lại, đạt nhiều thành tựu, ảnh hưởng đến các quốc gia khác trong khu vực.

Ở Việt Nam, Lê Quý Đôn đã đặt truyện ký bên cạnh hiến chương, thi văn; Phan Huy Chú phân loại truyện ký thành 31 thể (lục, thực lục, tạp lục, chí…) tuy vậy, tình hình vẫn không khác Trung Hoa là mấy khi ký Việt Nam phần lớn chỉ là văn khắc, từ bạt; cái tôi cá nhân tác giả vẫn còn khá mờ nhạt. Tình trạng này chỉ được giải quyết khi Lê Hữu Trác dùng Thượng kinh ký sự kể lại việc vào phủ chúa Trịnh trị bệnh nhưng tuyến chủ đạo quan niệm, cảm xúc, đánh giá lại quay xung quanh tác giả.

Dường như đó là lần đầu tiên người ta chứng kiến một ngòi bút tự do trước lối thuật sự, một con người đầy suy tư trước thế sự. Đây chính là tiền đề cho hàng loạt tác phẩm ký ra đời về sau, như Bắc hành tùng kí (Lê Quýnh), Vũ trung tùy bút (Phạm Đình Hổ), Hải trình chí lược (Phan Huy Chú)…

Trong tiến trình ấy, thể loại ký cũng được quan tâm nghiên cứu, đặc biệt là sau thời gian tiếp xúc và chịu ảnh hưởng của hệ thống lý luận, phân loại nghệ thuật phương Tây hiện đại mà người Pháp đưa đến. Theo Hoàng Phê (2003), trong Từ điển Tiếng Việt, ký sự ghi chép diễn biến xã hội độc lập với nhận xét chủ quan của người viết.

Trong Từ điển Thuật ngữ Văn học, nội dung Lê Bá Hán (1992) trình bày về ký sự có thể gom vào bốn điểm gồm đối tượng là người và việc có thực mà tác giả chứng kiến, cốt truyện không chặt, có nhiều phương tiện biểu đạt nghệ thuật và ít liên tưởng nghị luận.

Như vậy, ký sự cần được phân biệt với hồi ký, tản văn ở tính chất tự sự (kể việc). Khác với ký trữ tình chủ yếu bộc lộ cảm xúc, ký sự lấy đối tượng là sự kiện và nhân vật có thực, dùng chi tiết và dẫn chứng để tác động vào tư duy người đọc nhằm thông tin và thuyết phục.

Sức mạnh của ký sự nằm ở sự chính xác và cụ thể về hành trình và mục đích. Hải ngoại ký sự của Mai Thọ Truyền, vì thế, bắt đầu bằng 15 ngày trên nước Nhật, ghi chú cụ thể ngày tháng và địa điểm của chuyến đi: 25/08/1958 với mục đích – tham sự Hội nghị Lịch sử tôn giáo lần thứ 09 ở Đông Kinh.

Với nội dung này, ký sự của Mai Thọ Truyền đã vượt ra ngoài quy luật phổ biến của ký sự Việt Nam – “Những cuộc chiến tranh liên miên từ sau năm 1945 đến những năm 80 của thế kỷ XX khiến cho nền văn học nghệ thuật bước sang hướng phục vụ cách mạng.

Điều kiện phát triển du lịch vì thế chững lại, du ký theo đó cũng kém sinh sôi. [Từ thập niên cuối thế kỉ XX đến nay] Bắt đầu từ thập niên cuối thế kỉ XX sang đầu thế kỷ XXI, du ký được hồi sinh và mang theo hơi thở hiện đại. Các nội dung về học tập, tham quan nước ngoài cũng trở thành chủ đề chính trong các tác phẩm giai đoạn này” (Doãn Thúy Hoa, 2019, 13).

Bên cạnh đó, lịch sử của ký sự đã chứng minh một sự thật là tác phẩm ký thành công không thể loại bỏ vai trò của tác giả; điều này có nghĩa là ngoài chức năng cung cấp thông tin, một ký sự hay còn có khả năng thể hiện cảm xúc, quan niệm sâu sắc của tác giả trước sự việc, cuộc đời.

Để đạt được điều đó, tác giả ký sự phải có khả năng chắt lọc chi tiết tạo hình mang tính truyền cảm sâu sắc dựa trên kinh nghiệm phong phú, quan sát sắc sảo, diễn dạt chừng mực. Tuy không phải là một nhà văn chuyên nghiệp nhưng những tiêu chí trên, một cách nào đó, vẫn hội tụ ở Mai Thọ Truyền.

Chánh Trí Mai Thọ Truyền thuộc kiểu trí thức Phật giáo miền Nam thuần thành. Ông sinh ngày 01 tháng 04 năm 1905 tại làng Long Mỹ, tỉnh Bến Tre, từng làm việc tại Sài Gòn, Sa Đéc, Trà Vinh, Long Xuyên; suốt thời gian làm việc ông chủ yếu hoạt động ở khu vực miền Tây và Sài Gòn; tính cách liêm khiết, quảng giao đưa ông đến gần hơn với hình ảnh con người miền Nam phóng khoáng nghĩa tình.

Nhưng Mai Thọ Truyền lại là một trí thức miền Nam bởi ông tốt nghiệp trường Sơ học Pháp – Việt ở Bến Tre, qua Trung học Mỹ Tho, và Chasseloup Laubat Saigon, từng làm Tri huyện, quận trưởng, phó tỉnh trưởng, Chủ tịch Ủy ban Quận Bộ Việt Minh Châu Thành, Chánh văn phòng kiêm Ủy viên Tài chánh Ủy ban Nhân Dân tỉnh Long Xuyên, chánh văn phòng Thủ tướng, Chánh văn phòng Bộ Kinh Tế, Giám đốc hành chánh sự vụ Bộ Ngoại giao, Đổng lý văn phòng Bộ Nội vụ…

Ông còn làm các chức vụ như: Đổng Lý văn phòng Phủ Thủ Hiến Việt Nam, Phó Đổng lý văn phòng Phủ Thủ tướng của Chính phủ, Quốc vụ khanh kiêm Viện trưởng Giám sát viện, rồi Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa…

Đặc biệt hơn, một trí thức miền Nam Mai Thọ Truyền lại từng cầu làm đệ tử của Hòa thượng Thích Hành Trụ, giảng sư tại chùa Long An, từ đó ông chuyên tâm đem trí tuệ, tài năng hỗ trợ và phát triển Phật giáo đúng với pháp danh Chánh Trí mà thầy ban. Vừa bôn ba quan trường, vừa dạy và viết sách Phật giáo, Chánh Trí Mai Thọ Truyền có điều kiện đi nhiều nơi, biết nhiều việc, cảm nhiều sự, ghi nhiều chuyện.

Trong số đó, Hải ngoại ký sự có một ý nghĩa đặc biệt với ông bởi nó chân thật và đời nhất. Mai Thọ Truyền bắt đầu viết những ký sự này sau khi ông đã kinh qua nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền, đã chuyển qua ngạch Thanh tra Hành Chính, Tài Chính và chuẩn bị về hưu. Đây là con đường mang tính tổng hợp Nho Phật Lão truyền thống của trí thức Việt Nam, thể hiện tinh thần, văn hóa tốt đẹp của Phật giáo vào giai đoạn cuối đời.

Giai đoạn này có vẻ như ông dốc toàn tâm cho Phật giáo và là khoảng thời gian chuẩn bị cho các tác phẩm dịch kinh và khảo luận Phật giáo quan trọng sẽ lần lượt xuất hiện từ năm 1962 trở đi. Những trải nghiệm trong loạt ký sự này chắc chắn sẽ để lại dấu ấn trong các bản dịch, luận nổi tiếng của ông. Phần mình, 15 ngày trên nước Nhật, ngược lại, tiết lộ hình tượng người nhân sĩ trí thức Mai Thọ Truyền thông qua nhiều góc độ của thể loại ký sự.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Chanh Tri Mai Tho Truyen chua Xa Loi 1

2. Hình tượng nhân sĩ trí thức Mai Thọ Truyền trong ký sự 15 ngày trên nước Nhật

Do lối tiếp cận trực tiếp, nhân vật kể chuyện trong ký sự không thể trốn sau điểm nhìn gián tiếp hoặc toàn tri mà phải đứng ra xưng tôi để gắn bó với từng biến chuyển của tiến trình. Nhờ thế anh ta có thể tự do kể, suy ngẫm về sự việc hiện tượng nhưng ngược lại phải chấp nhận bộc lộ chính bản thân bất chấp ý định sắp đặt, ước muốn ngụy tạo. Từ góc độ người kể, bên cạnh dòng chủ lưu Phật giáo, Mai Thọ Truyền lại bộc lộ tính chất của một trí thức Việt Nam truyền thống thấm nhuần tư tưởng đạo đức thẩm mỹ Nho và Lão.

Thế nên khi ngồi trên máy bay, ông bình: Có lên cao mới thấy đời là bé (Mai Thọ Truyền, 12); nhìn dòng suối tẩy tịnh của Thần đạo Nhật Bản thì ông bất giác nhớ đến câu Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ rồi thêm cảm lẽ vô thường và biến dịch; thưởng thức trà đạo đẫm Thiền vị thì ông lại dựng lên không khí của Khổng Tử:

Đức Khổng há không bảo: Chiếu trải không ngay, người quân tử không ngồi? Ngoài có cái ngay, cái chánh, trong mới có cái chánh, cái ngay. Hay thật là hay! Lại nữa, pha có một bát trà mà nếu làm uyên náo lên, như lật bát bát khua, đổ nước nước thét, thì tai còn làm sao chịu nổi những tiếng ầm ỉ của những công trình vĩ đại hơn. Phải bắt chước cái “trạm tịch” trong trời đất là cái xưởng rộng lớn vô biên, trong đó núi biển được xây đào ngày đêm mà không nghe một tiếng vang. (Mai Thọ Truyền, 73-74)

Rồi kết bằng một câu rất Lão Trang: “Quả là vô vi nhi vô bất vi, tựa hồ như trời đất không làm gì hết, nhưng không gì là trời đất không làm, từ cái to như đắp núi đào sông, đến cái nhỏ như vỏ hột nguyên tử.” (Mai Thọ Truyền, 73-74). Thế mới thấy dù ý thức đời sống Mai Thọ Truyền là văn hóa Phật giáo nhưng vô thức của ông lại là Nho và Lão, đây là quy luật chung của hệ thống giá trị quan niệm người Việt: giới bình dân gần với Phật, giới trí thức gần với Nho Lão.

Nhưng điều này không phải là nhất thành bất biến vì tư tưởng tam giáo đồng nguyên cho phép người ta khi bôn ba hoạn lộ dùng Nho, lúc thất chí viện tới Lão và khi hiểu đạo, buông tay thì về với Phật. Khi tâm không ngăn ngại thì không cần phân biệt nên trong trang ký sự của Chánh Trí Mai Thọ Truyền lại có những đoạn phóng túng và phiêu dật đến mức thấy đoàn học sinh múa đón đại biểu lại ngẩn ngơ “không biết các em biến thành búp bê hay những búp bê biến thành các em” (Mai Thọ Truyền, 120).

Trong khuôn khổ một loại thể văn học, tác giả ký sự phải biết vận dụng các chi tiết để xây dựng hình tượng nhằm nâng cao sức tác động. Các hình tượng nghệ thuật ấy không phải từ cõi tiên giáng xuống hay cõi Phật hiện về mà gắn liền với đời sống. Tiêu biểu nhất là khi tả thầy Quảng Minh, Mai Thọ Truyền đã đưa ra hình ảnh phá vỡ tầm đón đợi của người đọc về một “thanh niên đầu đội mũ đen, mình mặc sơ mi trắng, dưới quần dạ đen” (Mai Thọ Truyền, 19).

Nhìn rộng ra, toàn bộ thế giới hình tượng mà Mai Thọ Truyền chọn lựa xây dựng đều xoay quanh hành trình đến với các tự viện, tiếp xúc với tăng sĩ, lại thêm quá trình tiếp xúc lâu dài với kinh điển, hệ thống hình tượng và lời văn đậm màu văn hóa Phật giáo được ông cụ thể hóa một cách đơn giản mà rõ ràng.

Ví dụ khi được yêu cầu đánh vào bụng thiền sư Thích Đại Nhạc, cảm nhận của ông như sau: “Bảo đánh trên gỗ cũng không phải, mà bảo đánh trên một bao gòn cũng không đúng. Cái bụng quái lạ của Thiền sư nửa cứng nửa mềm, như toàn bằng gân.” (Mai Thọ Truyền, 62).

Bên cạnh đó, hình tượng văn học hòa hợp cả tính khách quan và chủ quan, trong trường hợp ký sự, tính khách quan dường như khá hạn chế và tiết lộ một hình ảnh khác về chính trị gia, giảng sư, nhà Phật học Chánh Trí Mai Thọ Truyền rất riêng, rất chủ quan, rất gần gũi, rất con người bởi dường như đôi lúc ông có dấu hiệu hội chứng sợ máy bay (Pteromerhanophobia).

Ở tuổi tri thiên mệnh nhưng khi máy bay cất cánh trong tiếng nổ chát tai thì cụ viết: “Một phút, mình đã nghĩ dại…” (Mai Thọ Truyền, 12) hoặc khi đáp xuống Hương Cảng thì cụ hé lộ: “Lắm lúc mình có cảm giác như đôi cánh của máy bay sắp va vào đá núi” (Mai Thọ Truyền, 13). Thật ra đại đa số hành khách đều không thoải mái khi bị giới hạn trong không gian kín máy bay, lơ lửng trên độ cao ngàn mét và bên ngoài xuống dưới độ âm. Trong hoàn cảnh này, nỗi sợ hãi xuất hiện để đáp ứng kích thích như tiếng ồn, cảnh nguy hiểm…

Và người đọc nhận ra một cụ Mai Thọ Truyền ở tuổi 53-54 cũng có nỗi sợ hãi phổ biến, cũng chia sẻ cảm xúc chung và rất đời thường. Chỉ ký sự mới có thể xóa đi khoảng cách của người đọc với tác giả, để đâu đó về sau người ta mỉm cười nhẹ nhàng và ý nhị khi cụ Mai Thọ Truyền đi cáp treo: “Dưới chúng tôi là triền núi thăm thẳm, cây cối um tùm, trông thấy mà ghê” (Mai Thọ Truyền, 84).

Tuy nhằm ghi chép sự việc nhưng ký sự cũng có nghệ thuật kết cấu riêng, đó là cấu trúc dòng suy nghĩ, liên tưởng và cảm xúc của tác giả điều phối mạch kể, khi dày khi mỏng, lúc đậm lúc nhạt, chỗ thừa thì lượt chỗ cần thì nhấn. Thế nên có một sự thực là chuyến đi Nhật 15 ngày cụ Mai Thọ Truyền dự Hội nghị quốc tế về Lịch sử Tôn giáo không trình bày bất kỳ nội dung gì liên quan đến chuyên môn, đến hội nghị mà chỉ là những chuyến du lịch, hoặc bỏ đoàn đi tham quan.

Bởi tác giả lý giải ít có nội dung liên quan đến văn hóa Phật giáo, vả lại chính bản thân ông đặt mục tiêu thăm chùa chiền và các vị sư ở Nhật Bản ngay từ đầu. Thay cho nội dung hội thảo, ông kể tỉ mỉ phép ngồi thiền được hướng dẫn: “Phép ngồi thiền là dứt các vọng niệm, chuyên chú đến mọi hành động của thân và tâm.

Hễ thấy vọng niệm nổi lên, là phải đánh bật ngay, đúng theo ba nguyên tắc căn bản: là vô niệm, vô tưởng, vô năng.” (Mai Thọ Truyền, 61) và cả những điều lý thú đáng ghi nhận ở Nhật Bản như: “Người Nhật không nói hòa bình” (Mai Thọ Truyền, 49) mà là bình hòa hay nghệ thuật của Thiên lý giáo tiếp đãi trọng thể và tặng áo cho đại biểu, đề nghị họ mặc ngay để chụp hình lưu niệm đã biến người Âu Mỹ cũng thành người Nhật, mà còn là người Nhật của Thiên Lý giáo.

Ngôn ngữ ký sự hé lộ tác giả rõ ràng nhất thông qua cách dùng từ vựng, thủ pháp đối chiếu liên tưởng, dựng câu viết đoạn đậm tính văn hóa cá nhân. Đến với 15 ngày trên nước Nhật là đến với thế giới ngôn ngữ của Mai Thọ Truyền, nửa quen nửa lạ bởi độ lùi lịch sử và bởi cả bản thân ông.

Khoảng cách hơn nửa thế kỷ đã đưa ký sự của Mai Thọ Truyền đến với người đọc hiện đại bằng một cảm xúc thú vị xen lẫn hào hứng khi chứng kiến những cách dùng từ cổ như máy nói, châu thành (Mai Thọ Truyền, 19), bul đinh (sđd,23), phưởng phất (sđd,51), ấu trĩ viện (sđd,126)…

Hay cách diễn đạt không còn phổ biến hiện nay như: “Nhà tiếp khách, cũng như những nhà khác đều cất bằng gỗ, cao cẳng (Mai Thọ Truyền, 29), Đến món mắm, tuy hơi chua, vẫn còn đẹp miệng (Mai Thọ Truyền, 29). Thôi chúng ta về, thầy Quảng Minh dục (sđd, 55), Lạ nhất là những thửa ruộng cấy lúa mì, buội nào buội nấy hột to và no tròn (sđd, 89).

Đằng sau những lớp ngôn ngữ ấy là một tinh thần dân tộc, là bản năng cộng đồng khi luôn so sánh, đối chiếu sự vật mới mẻ với món quen quê nhà. Đây là cách ông miêu tả chùa Quán Thế Âm: “Ngay trên mặt lộ, bốn dãy “quán cóc”, theo lối quán chung quanh chợ Bến Thành, san sát nhau theo chiều sàu, chia đại lộ thành ba con đường nhỏ…” (Mai Thọ Truyền, 39). Và đây, một Mai Thọ Truyền rất Á Đông, rất lãng mạn trước cảnh hòa nên thơ:

Nhiều cội cổ thọ đã khoác chiếc áo vàng thu, xen lẫn với cái xanh man mác xếp thành từng, khi ẩn khi hiện trong những áng mây xam xám. Lắm lúc tôi quên không biết mình đang ngồi xe lăn trên mặt đường, hay đang cỡi mây tung gió, vì ngó lên cũng thấy mây, mà ngó xuống cũng thấy mây. (Mai Thọ Truyền, 78)

Bên cạnh đó, còn có cả một Mai Thọ Truyền nỗ lực miêu tả và phát triển ngôn ngữ nước nhà khi gọi một sự vật mà trong tiếng Việt thời đó chưa có – Thang dây trân:

Đây là một danh từ tự tôi đặt, vì không biết phải gọi thế nào cho đúng. Quý vị hẳn đã thấy những dây trân (courroie) ở các nhà máy chứ? Thì lối thang này cũng giống như thế, chỉ khác là thứ dây trân thang này rộng bề ngang như một cái thang đúc, chậm rãi quay chậm và khi chúng ta lên đứng trên ấy, thì một nháy mắt sau, mặt dây trên, ngay chỗ chúng ta để chân, lần lần nổi lên, bằng phẳng như một cấp thang thiệt. Đến đầu trên, cấp ấy liền hụp xuống, sát liền với mí gạch cho chúng ta dễ bước qua. (Mai Thọ Truyền, 116)

3. Đặc điểm của nhân sĩ trí thức Phật giáo miền Nam, Chánh Trí Mai Thọ Truyền

Trước hết, thông qua ký sự 15 ngày trên nước Nhật, Mai Thọ Truyền đã thể hiện một hình tượng trí thức miền Nam trong cách cư xử và suy nghĩ của ông. Đó là một con người miền Nam sâu sắc nghĩa tình, trải nhiều thăng trầm hợp tan để có thể hiểu cảnh: “Có ra đi mới cảm được cái thâm thúy của những cái vẫy tay (trên sân bay- NTT) này” (Mai Thọ Truyền, 12). Vượt lên trên tất cả, họ vẫn có thiên hướng hòa vào tự nhiên, đi vào nội tâm, vẫn ôm ấp thú chơi tao nhã với thi thư, nên ngay trong cảnh nghĩa trang:

Quanh mỗi mộ, tòng bá cong queo, dưới cội lắm khi có những chiếc ghế dài, chắc là dành cho thân nhân đi viếng cảnh. Tôi có cảm giác như lạc lối vào một hoa viên hơn là vào làng của người chết. Giá lưu lại đó được một ngày xem sách và hưởng cái thú tịch tĩnh thì sung sướng biết bao. (Mai Thọ Truyền, 59)

Với tâm hồn tinh nhạy đầy mẫn cảm nghệ thuật, cảm nhận của Mai Thọ Truyền khi thưởng thức trà đạo đạt đến độ vi tế của văn chương khi miêu tả từng cử chỉ của các cô gái pha trà. Đoạn văn này của ông không còn là kể việc mà đã đạt tới tâm thức của bậc thầy nghi lễ, nhà văn giữ gìn vẻ đẹp truyền thống Nhật Bản Kawabata Yasunari như cách mà nhà văn Nhật Bản đầu tiên đoạt giải Nobel Văn chương này miêu tả nghi lễ Trà đạo trong tiểu thuyết Ngàn cánh hạc:

Mình có cảm giác như lạc lối vào một động tiên, trong đó các nhân vật hoạt động nhẹ nhàng như cánh bướm bay hay như những hình bóng chập chờn trên thảm cỏ xanh của những cành cổ thọ, giữa một đêm trăng, trên một ngọn đồi cô tịch. (Mai Thọ Truyền, 71)

Chất lãng mạn Á Đông này của Mai Thọ Truyền hòa quyện với tính hiện đại của một trí thức Tây học, đẩy ông về cực thân phương Tây hơn là Mỹ; có lẽ cũng dễ hiểu, bởi ông được đào tạo trong hệ thống trường Pháp, ông là một trí thức kiểu Pháp chính hiệu.

Tuy sống trong hoàn cảnh ảnh hưởng của Pháp tại Việt Nam ngày càng nhạt, dấu ấn của Mỹ ngày càng đậm hơn, chính quyền Ngô Đình Diệm đạt nhiều thành tựu kinh tế, hàng viện trợ Mỹ chống toàn bộ nền kinh tế, bắt đầu xuất hiện các mâu thuẫn tôn giáo… nhưng Mai Thọ Truyền vẫn lãng mạn kiểu Pháp, gác chính trị dấn thân vào hoằng pháp.

Ngay trong ngôn ngữ đời thường ông vẫn dùng pha tiếng Pháp ở các diễn đạt như “a gối”, “đờ mi tua” (Mai Thọ Truyền, 64), cách ông thâm trầm nhận xét trong hiệu sách Nhật rằng: “Sách báo chữ Nhật chiếm phần lớn, kế đó là chữ Anh, còn chữ Pháp thì rất ít.” (Sđd, 106).

Ông tinh nhạy với trang phục của các sư thầy Việt Nam, đưa ra nhiều đánh giá xác đáng về đồng phục, lễ phục của các chùa, trường và nhánh tôn giáo ở Nhật… đó là gu thời trang Pháp, lối hướng về truyền thống và thượng tôn giáo dục, nghệ thuật vẫn luôn âm ỉ ảnh hưởng đến cách nhìn, cách cảm, cách đánh giá của ông về mọi sự vật hiện tượng trong chuyến hành trình.

Tuy vậy, thẳm sâu ông vẫn là người Việt, vẫn nặng lòng vì đất nước quê hương, thế nên trí thức ly hương thấy gì cũng nghĩ ngay đến so sánh để phát triển tổ quốc. Trong tâm thế đó, ông để tâm chú ý tất cả những điều hay điểm tốt của người Nhật, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền thống của Việt Nam: nông nghiệp:

Nhưng nhìn kỹ lại, phải lạ cho cái tài nông nghiệp của người Nhật. Với họ hình như không có vấn đề chọn đất cho mỗi thứ cây, không có ruộng lúa riêng, hoa màu riêng. Ở thấp có lúa mà ở cao cũng có lúa, rồi cạnh đám ruộng, là đám dưa, đám cải… Bấy lâu nay nghe đồn người Nhật hoàn toàn làm chủ mực nước chỗ nào thiếu thì họ cho vô, chỗ nào dư họ cho ra, thì quả đây rồi.

Thêm vào lại còn nào là phân hóa học, nào là kỹ thuật gieo trồng, thành ra ruộng nương của họ đồng đều một màu sắc tươi tốt, không có nơi đặng nơi thất. (Mai Thọ Truyền, 46)

Ông cũng đặc biệt ấn tượng với đời sống hoạt động dịch vụ của người Nhật: “Lần đầu tiên vào một hiệu ăn Nhật, phải phục cái sạch sẽ và lối trang hoàng vừa đơn giản, vừa mỹ thuật của họ” (Mai Thọ Truyền, 17) cũng như đời sống gần gũi thiên nhiên của các gia đình Nhật Bản: “Phía sau nhà, cạnh chân núi, có thửa vườn con, xinh xinh như một hòn non bộ: có cây có lá, có hoa có thảo, có suối có hồ, trong lòng nước biếc nhởn nhơ vài con cá nhỏ. Sao người Nhật thi sĩ đến thế cơ?” (Mai Thọ Truyền, 55).

Tuy nhiên, cái nhìn đa diện đa chiều của người trí thức thúc đẩy Mai Thọ Truyền không chỉ khen một chiều mà còn nhận ra những điểm chưa ổn ở đất nước Nhật Bản khi họ còn mê tín kiểu: “Ông bà lấy tay mặt xông khói hương đang nghi ngút để rồi thoa lên đầu các trẻ, miệng khấn vái lầm thầm. Thế là về phương diện này, tôi tự nghĩ, người Nhật không hơn gì chúng ta.” (Mai Thọ Truyền, 42) và mê bài bạc:

Các bạn cứ tưởng tượng một nhà to hai gian, bề thâm độ chín hay mười thước. Thế mà từ trước đến sau đen nghẹt là người, già có, trẻ có, đàn ông đàn bà đủ hạng, anh nào chị nấy đều ghì đầu vào những cái máy có nút xanh đỏ mà họ bấm rồi dòm, dòm rồi bấm; Vậy ra người Việt mình đã chịu tiếng oan là ham mê cờ bạc bậc nhất. (Mai Thọ Truyền, 106)

Tuy vậy, cái tôi trí thức yêu nước của Mai Thọ Truyền khi phản chiếu bản thân thì dường như vẫn có một mâu thuẫn, ẩn ức rất lớn. Từng làm quan, làm cách mạng, rồi giữ các chức vụ cao trong nền hành chính của Pháp, từ chức, rồi lại làm việc trong chính phủ Ngô Đình Diệm; chưa kể đến khuynh hướng xung đột tôn giáo đang diễn ra trước mắt…

Mai Thọ Truyền có lẽ cảm nhận được tính phức tạp của thời đại và khả năng hữu hạn cá nhân nên bất giác nhìn cái mõ gỗ hình con cá bỗng nhớ câu thơ Chày kình gióng tỉnh giấc Vu san, Mái tóc xem ra nửa trắng vàng của Tôn Thọ Tường, một danh sĩ bị chỉ trích vì hợp tác với Pháp, rồi tự vấn rằng đầu đã điểm sương nhưng đã tỉnh thật hay chưa.

Có lẽ đây cũng là lý do mà Mai Thọ Truyền chuyển ngạch công chức và dành phần lớn thời gian nghiên cứu, phát triển Phật giáo tại miền Nam để từ đó chất Phật, văn hóa Phật giáo thấm quyện trong toàn bộ ký sự của ông, có thể đó là lối thoát, cũng có thể đó là cơ duyên.

Thế cho nên ông không quan tâm bàn cãi của hội nghị mà xác định từ đầu: “thú nhất là được tham bái vài vị cao tăng và tiếp xúc với bốn vị thanh niên Sa môn của nước nhà, hiện đang theo các lớp đại học tại thủ đô nước Nhật.” (Mai Thọ Truyền, 9). Để rồi không chỉ tái hiện hành trình tìm chùa bái sư, ngôn ngữ trong ký sự của Mai Thọ Truyền cũng đậm chất Phật giáo với hệ thống biệt ngữ như:

Tôi bèn xin Ngài hoan hỷ ban cho Chùa Xá Lợi vài chữ để làm kỷ niệm. (Mai Thọ Truyền, 32)

Tôi thử ngồi theo lối Nhật cho được viên mãn. (Mai Thọ Truyền, 32)

Lương thảo đã cụ túc, bây giờ còn chờ gì mà chẳng tấn binh. (Mai Thọ Truyền, 81)

Mỗi khi từ trong cảnh tối om, xe vượt ra ngoài ánh sáng bình minh, tôi sung sướng tưởng chừng như đã được giải thoát vô minh. (Mai Thọ Truyền, 119)

Không chỉ bằng lời, chất Phật còn thể hiện trong ký sự của Mai Thọ Truyền qua trách nhiệm của một nhà hoạt động Phật giáo.

Đó là người có khả năng tìm thấy yên bình và hạnh phúc ngay trong cuộc sống, kiểu: “Đứng trên những chiếc cầu con bằng đá hình bán nguyệt, dưới bóng râm của những cổ thụ cong queo, nhìn xuống dòng nước ven bờ rêu phủ xanh rì, trong một cô tịch xa hẳn cuộc đời ồ ạt bên ngoài, lòng tôi thấy lâng lâng và nhẹ nhàng lạ.” (Mai Thọ Truyền, 37-38) và từ đó cùng góp phần vào việc hoằng dương Phật pháp, giải quyết những vấn đề đời sống Phật giáo:

Ở chùa Xá Lợi có gì đâu, chúng tôi chỉ giữ sạch sẽ, đúng vệ sinh, thế mà còn có người cho là cảnh Tiên. Tôi không hiểu tại sao người mình lại có cái ý muốn cho chư Tăng cứ sống mãi trong cảnh lượm thượm. Ở châu thành mà thiếu vệ sinh là chết. (Mai Thọ Truyền, 44-45)

Hình ảnh nhân sĩ trí thức yêu nước miền Nam Chánh Trí Mai Thọ Truyền gợi nhớ đến một chàng Lục Vân Tiên văn võ toàn tài nhưng lại phải đau đớn khi trên hành trình vạn dặm lại được tin mẹ mất: “Đau đớn thay! Dè đâu một chuyến đông du có mười lăm hôm đã làm cho tôi hóa thành một người mất mẹ.” (Mai Thọ Truyền, 169)

Rồi từ đó bị cuộc đời xô đẩy theo những biến đổi khôn lường để: “Không dè ngày tôi trở vể đất tổ, hai năm sau lại là ngày cáo chung của chính thể Ngô Đình Diệm” (Mai Thọ Truyền, 426) nhưng nhờ Phật pháp mà vẫn an nhiên bởi: “Thật là vô thường, lời Phật không sai!” (Mai Thọ Truyền, 169).

Tóm lại, bài viết đã khảo sát hệ thống người kể chuyện, câu chuyện, trọng tâm và ngôn ngữ phần 15 ngày trên nước Nhật trong Hải ngoại ký sự, thông qua đó làm rõ nét đẹp của văn hóa Phật giáo và đặc điểm một nhân sĩ trí thức Phật giáo yêu nước miền Nam vào thế kỷ XX – Chánh Trí Mai Thọ Truyền. Đây là một góc nhìn khác về ngọn cờ đầu của phong trào chấn hưng Phật giáo miền Nam nhằm chỉ ra những nét rất nhỏ nhưng có thể làm rõ bức tranh lớn cuộc đời, tư tưởng và trước tác giá trị của ông.

TS.Nguyễn Thành Trung, TS.Đặng Ngọc Ngận, Ths.Nguyễn Phước Bảo Khôi, Ths.Phan Duy Khôi,
Khoa Ngữ văn, Đại học Sư Phạm Tp.HCM

***

Tài liệu tham khảo
Doãn Thúy Hoa. (2019). Thể tài du ký từ “Thượng Kinh Ký Sự” của Lê Hữu Trác đến “Mười ngày ở Huế” của Phạm Quỳnh.

Luận văn thạc sĩ Văn học, Đại học KHXH NV Hà Nội.

Nguyễn Văn Quý (2021). Những khuynh hướng cơ bản của Phật giáo Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX (Principal tendencies of Buddhism in the Southern region in the late 19th century and the early 20th century.) Văn hóa nghệ thuật tôn giáo. Tr.44-55

Lý Hoài Thu. (2002). Sự vận động của các thể loại trong văn học thời kì đổi mới. VNU Journal of Science: Social Sciences and Humanities, 18(1), tr.17-27.

Chánh Trí Mai Thọ Truyền. (2012). Hải ngoại ký sự. Hà Nội: Tôn giáo

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường