Năm 1950, cư sĩ Chánh Trí cùng các đạo hữu thuộc “Hội Lưỡng Xuyên Phật học” cũ liên lạc vận động thành lập “Hội Phật học Nam Việt” (HPHNV) tại đô thành Sài Gòn (19/9/1950). Trụ sở của Hội đặt tạm tại chùa Khánh Hưng (Hòa Hưng), sau đó chuyển về chùa Phước Hòa.
Tác giả: Nhật Cao Phật học Từ Quang (tập 44)
Từ năm 1867, thực dân Pháp đánh chiếm Việt Nam làm thuộc địa. Chính quyền mới nỗ lực phổ biến văn hóa phương Tây. Phật giáo dần suy đồi, trở thành tín ngưỡng dân gian phục vụ nhu cầu cúng tế, tang ma...
Đến thế kỷ XX, phong trào chấn hưng Phật giáo do đại sư Thái Hư lãnh đạo ở Trung Hoa đã ảnh hưởng đến Việt Nam. Năm 1923, đại sư Khánh Hòa cùng các vị tôn túc tăng-già ở miền Nam họp mặt tại chùa Long Hòa (Trà Vinh) thành lập “Hội Lục Hòa liên hiệp”, chuẩn bị tinh thần cho việc xây dựng một tổ chức Phật giáo cả nước.
Hội cử sư Thiện Chiếu đi thăm dò ý kiến giới tăng sĩ và cư sĩ miền Bắc. Năm 1928, đại sư Khánh Hòa ra giảng kinh mùa an cư tại chùa Long Khánh (Bình Định) nhằm tạo cơ hội cho việc liên lạc, đàm luận với các vị cao tăng miền Trung. Tuy nhiên, do chưa hội đủ nhân duyên nên công cuộc thống nhất chưa thể thành tựu. Đại sư Khánh Hòa quay về miền Nam ra sức vận động, thuyết phục tăng sĩ, tín đồ lo liệu việc canh tân, chấn hưng Phật giáo để theo kịp sự tiến bộ của thời đại.
Vượt qua nhiều chướng duyên, năm 1931, đại sư Khánh Hòa cùng các pháp lữ đồng chí hướng như chư vị đại sư Huệ Quang, Từ Nhãn, Chơn Huệ, v.v. cùng các cư sĩ có địa vị xã hội như Trần Nguyên Chấn, Phạm Ngọc Vinh, Huỳnh Văn Quyền, Ngô Văn Chương, v.v. thành lập “Hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học”, cung thỉnh Hòa thượng Từ Phong làm Hội trưởng, trụ sở đặt tại chùa Linh Sơn, Sài Gòn.
Phật sự tiến triển tốt đẹp theo đúng định hướng: 1) giáo dục đào tạo tăng ni (mở Thích học đường), 2) phiên dịch kinh điển chữ Hán ra Quốc văn, 3) truyền bá Phật pháp (xuất bản tạp chí Từ Bi Âm. Tiếc thay, ông Trần Nguyên Chấn (Đốc phủ sứ, giữ chức Phó nhì Hội trưởng) lại muốn lèo lái Hội đi theo hướng thân thiện chính quyền thuộc địa. Do bất đồng ý kiến, nên hai vị đại sư Khánh Hòa và Huệ Quang rời bỏ Hội quay về miền Tây cùng các Hòa thượng Pháp Hải, Khánh Anh, v.v. và các cư sĩ Trần Văn Giác, Nguyễn Văn Khỏe, Huỳnh Thái Cửu ở Trà Vinh thành lập “Hội Lưỡng Xuyên Phật học” nhằm tiếp tục nguyện vọng chấn hưng Phật giáo. Hội hoạt động đến năm 1945 thì đình chỉ.
Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền (1905-1973)
Ông Mai Thọ Truyền sinh ngày 01 tháng Tư, 1905, nguyên quán làng Phú Long (sau đổi thành Long Mỹ) tổng Bảo Thành, tỉnh Bến Tre. Thân phụ của ông là cụ Mai Thành Cần, thân mẫu là cụ bà Võ Thị Sô. Thời niên thiếu, ông theo học tại Trường Sơ học Pháp-Việt Bến Tre, Trung học Mỹ Tho, sau chuyển lên Trường Chasseloup Laubat, Sài Gòn (nay là trường PTTH Lê Quý Đôn, TP HCM). Năm 1924, ông đậu ngạch Thư ký Hành chính; năm 1931, đậu ngạch tri huyện. Trải qua nhiều chức vụ tại địa phương đến trung ương, ông luôn giữ được tư cách, đạo đức, luôn bảo vệ quyền lợi của dân chúng để lại tình cảm, danh tiếng tốt đẹp trong lòng người Nam bộ.
Thời gian làm việc ở Sa Đéc (1946-1947), Mai Thọ Truyền có duyên lành gặp gỡ đại sư Hành Trụ tại chùa Long An. Ngưỡng mộ đạo phong và trí tuệ của ngài, nên ông phát tâm quy y Tam bảo, nguyện giữ năm giới tại gia, được ban pháp danh là Chánh Trí. Năm 1948, cư sĩ Chánh Trí thuyên chuyển lên Sài Gòn làm việc cho đến năm 1960 thì nghỉ hưu, ông về an dưỡng tại căn nhà số 85 cư xá Cách Mạng 1/11, Phú Nhuận, Sài Gòn cho đến cuối đời.
Về việc phụng sự đạo pháp, kể từ khi trở thành cư sĩ Phật giáo, cư sĩ Chánh Trí đã phát nguyện tiếp nối chí hướng của Thầy, Tổ và các vị cư sĩ tiền bối ở miền Nam tiếp tục con đường chấn hưng Phật giáo.
Năm 1950, cư sĩ Chánh Trí cùng các đạo hữu thuộc “Hội Lưỡng Xuyên Phật học” cũ liên lạc vận động thành lập “Hội Phật học Nam Việt” (HPHNV) tại đô thành Sài Gòn (19/9/1950). Trụ sở của Hội đặt tạm tại chùa Khánh Hưng (Hòa Hưng), sau đó chuyển về chùa Phước Hòa. Hội trưởng lâm thời là cư sĩ bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe. Cư sĩ Chánh Trí làm Tổng thư ký. Từ năm 1951-1954, Thượng tọa Quảng Minh được cử làm Hội trưởng HPHNV. Sau khi Thượng tọa Quảng Minh sang Nhật Bản du học, bác sĩ Nguyễn Văn Thọ đảm nhận chức Hội trưởng (1954-1955). Từ năm 1955, cư sĩ Chánh Trí được suy cử giữ chức Hội trưởng HPHNV cho đến ngày mạng chung (17/4/1973, nhằm ngày Rằm tháng Ba năm Quý Sửu).
Trong suốt mười tám năm đem hết tài năng, tâm trí phục vụ đạo pháp, lãnh đạo HPHNV, cư sĩ Chánh Trí luôn giữ đúng theo đường hướng ban đầu:
- Tôn kính Tam bảo: HPHNV luôn cung thỉnh các bậc cao tăng, đại đức vào ngôi vị Chứng minh đạo sư của Hội (các ngài từ Liễu Thoàn, Hưng Long, Giác Ngộ… đến Khánh Anh, Thiện Hòa, Hành Trụ). Lập Ban hộ Tăng, cúng dường tứ sự cho tăng, ni các trường Phật học, trường hạ ở miền Nam. Hỗ trợ các tăng sĩ lỗi lạc trong nước xuất ngoại du học.- Cung thỉnh các bậc Pháp sư trong nước, ngoài nước không phân biệt hệ phái đến diễn giảng tại chùa Xá Lợi để quần chúng Phật tử có cơ hội học hỏi mở rộng kiến thức về kinh điển Nam, Bắc truyền, lịch sử phát triển của Phật giáo xưa nay. Trong đó, đặc biệt có pháp sư Diễn Bồi (TQ) và đại đức Narada Mahathera (Sri Lanka) là hai vị tôn túc có nhân duyên lâu dài với Hội.
- Ủng hộ các Phật sự chung của Giáo hội Tăng-già, Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Trong cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng tôn giáo năm 1963, HPHNV đã nhất tâm hoan hỉ cho Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo đặt văn phòng ngay tại chùa Phật Học Xá Lợi, lãnh đạo cuộc đấu tranh với chính quyền Ngô Đình Diệm cho đến ngày thành công.
- Hai mươi lăm năm hoạt động (1950-1975), HPHNV đã thành lập được hơn 40 tỉnh hội, chi hội khắp vùng đất Nam bộ. Mục đích duy nhất là phổ biến chính pháp, hướng dẫn Phật tử tu học đúng theo giáo lý của đức Phật nhằm hoàn thiện đời sống cá nhân, gia đình, xã hội, đạt hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại và tương lai. Chính tạp chí Từ Quang của HPHNV do cư sĩ Chánh Trí trực tiếp đảm trách đã hỗ trợ đắc lực cho việc hoằng pháp của hai giới tăng sĩ và cư sĩ đương thời.
Kết luận
Đúng năm mươi năm cư sĩ Chánh Trí vắng bóng, hơn bốn mươi năm HPHNV hòa nhập vào GHPGVN, đáng mừng thay, tại ngôi chùa lịch sử Xá Lợi, Hòa thượng Viện chủ Thích Hiển Tu, một bậc cao tăng đồng hương với cư sĩ Chánh Trí cùng Ban trụ trì vẫn cố gắng duy trì “môn phong” chùa Phật Học Xá Lợi. Các vị pháp sư trong và ngoài nước đủ mọi tông phái vẫn thường xuyên được cung thỉnh đến giảng đường Chánh Trí để diễn giảng giáo lý hay chỉ dạy các pháp tu cho quần chúng Phật tử. Ban Phật học được thành lập để các cư sĩ trao đổi kinh nghiệm tu tập, chuyển tải Phật pháp phù hợp đến với giới trẻ đang có nhu cầu tìm hiểu và ứng dụng vào đời sống hiện tại. Song hành với hoạt động tu học, hoạt động từ thiện cũng được Phật tử Xá Lợi quan tâm để giúp đỡ chia sẻ với đồng bào đang gặp khó khăn túng thiếu.
Con đường cư sĩ Chánh Trí vạch ra vẫn được người sau tiếp bước: Học - Tu - Hành.
Từ ngoài cổng chính bước vào sân chùa Xá Lợi, vườn cảnh bên trái có dựng bức tượng bán thân của cư sĩ Chánh Trí với thần thái an nhiên tự tại đúng với câu đối mà cư sĩ Lý Học điếu viếng cư sĩ Chánh Trí:
“Cụ trượng phu tướng, cụ phúc đức tướng, cụ từ bi tướng, tướng tướng viên mãn. Hiện cư sĩ thân, hiện tể quan thân, hiện trưởng giả thân, thân thân trang nghiêm”
Rằm tháng Ba, Quý Mão
Tác giả: Nhật Cao Phật học Từ Quang (tập 44)
Bình luận (0)