Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Kỳ 2: Vai trò “Phật giáo nhập thế” tại Việt Nam

Kỳ 2: Vai trò “Phật giáo nhập thế” tại Việt Nam

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

(Tiếp theo Kỳ I Tạp chí NCPH Số tháng 5.2022)

Thiện Pháp Nguyễn Lê Phương
Thạc sĩ Phật học khóa III, Học viện PGVN tại TP.HCM
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2022

1. Phật giáo nhập thế với phương châm Đạo pháp – Dân tộc(1)

Sau đại thắng mùa xuân 1975, Việt Nam bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc tiến lên CNXH, Phật giáo Việt Nam đã hóa thân vào vận hội mới của dân tộc. Năm 1981, Hội nghị thống nhất 9 hệ phái tổ chức Phật giáo Việt Nam thành một tổ chức Phật giáo duy nhất là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đại diện cho Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước. Đây là sự kiện có ý nghĩa trọng đại đối với tăng, ni, phật tử Việt Nam.

Trước hết phải khẳng định, thực hiện phương châm Đạo pháp – Dân tộc – CNXH là sự lựa chọn đúng đắn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đó là sự kế thừa truyền thống đã được hun đúc bởi các bậc Tổ sư tiền bối trong hơn 20 thế kỷ, đồng thời Giáo hội đã phát huy tinh thần dấn thân, phụng sự của Phật giáo trong thời kỳ đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng.

Ngược dòng lịch sử, ngay từ khi đạo Phật được truyền vào nước ta đã có sự gắn bó mật thiết không thể phân ly giữa Đạo pháp với Dân tộc, Dân tộc với Đạo pháp. Triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Phật giáo được coi là thời kỳ hoàng kim, tư tưởng giáo lý của đạo Phật đã được các bậc đế vương, quân vương, đến mọi người dân đều thấm nhuần, góp phần viết nên những trang sử vàng cho dân tộc.

Đinh Bộ Lĩnh sau khi dẹp xong loạn thập nhị sứ quân, năm 968 ông lên ngôi Hoàng đế (Đinh Tiên Hoàng), lập nên nhà Đinh, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Sau khi lên ngôi, ông củng cố tăng đoàn Phật giáo, phong Ngài Ngô Chân Lưu làm Khuông Việt Thái Sư, phong Pháp sư Trương Ma Ly làm Tăng Lục Đạo Sĩ, Thiền sư Đặng Huyền Quang được phong làm Sùng Chân Uy Nghi. Từ đây, đạo Phật được vương triều công nhận như là Quốc giáo và Tăng sĩ Phật giáo chính thức tham gia cố vấn ở nơi triều chính. Thời vua Lê Đại Hành đã cung thỉnh Khuông Việt Thái sư làm cố vấn, Thiền sư Pháp Thuận được vua giao công việc phụ trách ngoại giao của triều đình. Các vị Quốc sư, Thiền sư là những người có công lớn trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước, các Ngài đã giáo hóa toàn dân, phò tá triều đình cùng nhau giữ gìn non sông gấm vóc. Nhân dân Việt Nam đã nhất tề đứng dậy đánh đuổi sự thống trị của người phương Bắc, giành lấy quyền độc lập, tự do cho quốc gia trong gần 5 thế kỷ (968-1504 kể từ đời nhà Đinh trở về sau).

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 7.2022 9 Vai tro Phat giao nhap the o Viet Nam 1

Nhà Lý kế nghiệp nhà Lê hơn hai thế kỷ, Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) vốn là một chú tiểu, học trò của Vạn Hạnh Thiền sư. Thấm nhuần tư tưởng giáo lý đạo Phật, Vua Lý Công Uẩn đã kết hợp hài hòa giữa đạo và đời, nhìn thấu đáo mọi việc để xây dựng và bảo vệ đất nước. Có thể coi triều đại nhà Lý là triều đại của Phật giáo, song Phật giáo không giữ độc quyền, độc tôn mà đạo Nho, đạo Lão vẫn được tôn trọng và phát triển. Đây là nét đặc biệt thể hiện tư tưởng tôn trọng, bình đẳng, đoàn kết của đạo Phật.

Nhà Trần kế tiếp trị vì trong gần hai thế kỷ. Vua Trần Nhân Tông lãnh đạo nhân dân đánh tan giặc Nguyên Mông. Sau khi giành thắng lợi, ông đã nhường ngôi cho con trai và lên núi Yên Tử xuất gia tu hành và trở thành vị Tổ sư đầu tiên sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, để hôm nay có một Yên Tử non thiêng và hùng tráng, một trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam trường tồn với thời gian.

Trong phong trào đấu tranh sôi động của Phật giáo chống đế quốc Mỹ xâm lược với các khẩu hiệu Nhân dân đòi cơm áo, Phật giáo đòi hòa bình… đã xuất hiện nhiều tấm gương, hy sinh anh dũng. Đó là Phật tử Quách Thị Trang, Nhất Chi Mai, điển hình là tấm gương của Tỳ kheo Thích Quảng Đức. Thời hiện đại chúng ta không thể không nói tới Thiền sư Thiện Chiếu, Hòa thượng Thích Thế Long, Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Hòa thượng Thích Thiện Hào… là những tấm gương sáng về phục vụ đạo pháp, dân tộc. Chính vì thế nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã phát biểu tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV: Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Phật giáo Việt Nam đã hàng nghìn năm gắn bó với dân tộc, hòa nhập sâu sắc

về nhiều mặt với truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của nhân dân ta. Trong các thời kỳ cách mạng và qua các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, Phật giáo Việt Nam là một lực lượng quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết đồng bào các tôn giáo; có những cống hiến rất to lớn và những hy sinh rất vẻ vang.

Lịch sử dân tộc Việt Nam đã ghi nhận những đóng góp to lớn của Phật giáo đối với dân tộc. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Phật giáo Việt Nam không ngừng phát huy truyền thống yêu nước góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất nước nhà. Ngày nay, đất nước đang trong thời kỳ đổi mới, đồng bào tôn giáo nói chung, giới tăng, ni, phật tử Phật giáo Việt Nam nói riêng, luôn ý thức được trách nhiệm của mình để góp phần cùng nhân dân cả nước xây dựng và bảo vệ đất nước ngày càng giàu mạnh, cuộc sống yên vui.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngoài công tác tu học đã và đang có những đóng góp cụ thể có ý nghĩa trong các lĩnh vực giáo dục, phát triển kinh tế, từ thiện xã hội, quan hệ quốc tế, đạo đức xã hội, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc…

Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng nhân dân cả nước tiến hành công cuộc đổi mới với tinh thần hòa hợp, đoàn kết và phương châm phụng đạo, yêu nước, Giáo hội quan tâm hướng dẫn tín đồ, phật tử sinh hoạt theo đúng chính pháp, góp phần xây dựng cuộc sống lành mạnh và có những hoạt động đáp ứng nhu cầu tâm linh của đông đảo phật tử; phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của tăng, ni, phật tử; là nguồn cổ vũ lớn lao cho tăng, ni, phật tử ở trong và ngoài nước tin tưởng vào đường hướng hành đạo của Giáo hội, góp phần làm cho Giáo hội ngày càng phát triển vững mạnh trong lòng dân tộc.

Nhiều vị chức sắc tu hành được người dân tin tưởng bầu là đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp. Sư sãi có vai trò đặc biệt trong việc vận động quần chúng phát triển kinh tế, đời sống văn hóa, xã hội ở các địa bàn dân cư. Các vị tăng, ni tiếp tục đẩy mạnh việc truyền bá đạo pháp tại vùng sâu, vùng xa, biên cương, hải đảo để tinh thần Phật giáo tiếp tục được lan tỏa nơi phên dậu của Tổ quốc.

2. Phát huy giá trị văn hóa Phật giáo, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm và đã nhanh chóng được bản địa hóa. Trong lịch sử phát triển của mình, Phật giáo để lại cho dân tộc nhiều di sản văn hóa vật chất và tinh thần có giá trị đặc sắc. Khối di sản này bao gồm hệ thống không gian, kiến trúc chùa tháp, các tác phẩm điêu khắc tượng thờ, tranh thờ Phật giáo, hoành phi, câu đối, đồ thờ cúng, nhạc khí… cùng những giá trị tư tưởng, đạo đức, văn hóa, âm nhạc và nhiều nghi lễ Phật giáo.

Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc với những đặc trưng khiêm cung, giản dị, hài hòa, cân đối, vừa phù hợp với không gian tâm linh, vừa gắn bó hữu cơ với cảnh quan chung. Từng bộ phận kiến trúc, từng pho tượng, bức tranh, đồ thờ tự… trong các ngôi chùa đều là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ. Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam luôn có những đóng góp xứng đáng vào kho tàng văn hóa phong phú và độc đáo của dân tộc. Giáo hội có chiến lược, định hướng chấn hưng Phật giáo trên nền tảng văn hoá dân tộc. Chú trọng xây dựng cơ sở vật chất, chùa chiền, tịnh xá, cơ sở thờ tự đồng đều trên khắp mọi vùng, miền đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng tâm linh.

Ngày nay, nhìn lại kho tàng di sản đó, chúng ta có thể khái quát những giá trị văn hóa Phật giáo góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thể hiện ở các nội dung:

Văn hóa Phật giáo có những đóng góp lớn vào kho tàng văn hóa dân tộc về mỹ thuật, kiến trúc. Trong đó nhiều công trình kiến trúc đẹp ghi lại quá trình lịch sử mỹ thuật, kiến trúc Phật giáo có phong cách riêng trong nền mỹ thuật, kiến trúc Việt Nam. Những công trình kiến trúc Phật giáo nổi tiếng: Tháp Báo Thiên, tượng chùa Quỳnh Lâm, đỉnh Phổ Minh, chuông Quy Điền, chùa Pháp Vân ở Bắc Ninh, chùa Một Cột ở Hà Nội, chùa Sùng Nghiêm ở Hà Nội, tượng Quán Thế Âm Bồ Tát ở chùa Bút Tháp – Bắc Ninh, Đại hồng chung chùa Cổ Lễ, Nam Định… là điểm nhấn đặc sắc về mỹ thuật, kiến trúc tôn giáo của Việt Nam.

Trong lĩnh vực văn học – nghệ thuật, Phật giáo đã góp phần lưu giữ những giá trị văn học, văn hóa của dân tộc thông qua hệ thống lưu trữ riêng ở các ngôi chùa. Nhiều tác phẩm văn học của tác giả là tu sĩ Phật giáo. Đồng thời, thông qua hệ thống giáo lý và kinh điển Phật giáo với triết lý nhân sinh sống phải tu nhân tích đức, làm điều thiện, điều lành, hướng con người tới ứng xử nhân văn, cao đẹp. Hình ảnh ông Bụt luôn xuất hiện trong những câu chuyện cổ tích dân gian, phản ánh triết lý sống nhân duyên, luật nhân quả ở hiền gặp lành. Nghiên cứu đạo đức Phật giáo để nhận thấy sự hình thành nhân cách, đạo đức con người Việt Nam trong thời đại hiện nay. Sự ảnh hưởng của Phật giáo thấm sâu vào người dân Việt Nam, không chỉ riêng dân tộc Kinh, các dân tộc thiểu số khác trong cộng đồng các dân tộc anh em cũng thấy rõ ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống văn hoá con người, nhất là trong lĩnh vực tinh thần.

Ai là công dân Việt Nam cũng đều ít nhất một lần nghe tiếng chuông chùa hoặc tiếng kinh, tiếng mõ của nhà chùa. Nhất là ở vùng đồng bằng, mỗi làng, xã ở Việt Nam đều có ngôi chùa Phật giáo. Hình ảnh mái chùa từ nhỏ đã thấm vào ký ức mỗi con người Việt Nam. Trong những dịp lễ, Tết, sân chùa là nơi tụ tập để mọi người chung vui. Chùa là nơi để thờ Phật, là chốn linh thiêng, thanh tịnh để tín đồ, phật tử mỗi tháng hai lần dâng hương, đăng, hoa, trà, quả lễ Phật. Trước kia, những sản vật dâng lên cúng Phật xong thường được đem phát chẩn cho người nghèo khó. Ngôi chùa truyền thống có ý nghĩa nhân văn rất lớn. Đó là nơi để người giàu có san sẻ với những người nghèo khó. Hiện nay, Phật giáo nước ta vẫn đang thực hiện được điều này, góp phần cùng xã hội thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh và làm tốt công việc từ thiện, nhân đạo, cứu trợ đói nghèo, để lại thiện tâm cho chúng sinh hướng đến cửa Phật.

Nước ta đang xây dựng một nền kinh tế mở, hội nhập thế giới. Chúng ta đang sống trong một thế giới hiện đại, biến chuyển nhanh chóng, sự hội nhập khu vực và thế giới với một tốc độ rất nhanh, từ đó nẩy sinh nhu cầu mở rộng giao lưu các nền văn hoá. Trong bối cảnh đó, văn hóa Phật giáo một mặt vừa được quan tâm phát huy, mặt khác Giáo hội phải lĩnh nhận sứ mệnh cao cả góp phần gìn giữ, xây dựng hệ giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam ngày càng đóng góp nhiều hơn, lớn hơn, sâu rộng hơn vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc(2).

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 7.2022 9 Vai tro Phat giao nhap the o Viet Nam 2

3. Giá trị của Phật giáo nhập thế

Phật giáo đã có mặt trên đất nước Việt Nam cách đây hơn 2000 năm, trải qua thời gian, Phật giáo với nền giáo dục đạo đức, hướng thượng đã sớm nhận thức được sứ mệnh truyền bá chính pháp và nhanh chóng trở thành tôn giáo có ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân Việt Nam.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, qua mỗi giai đoạn, Phật giáo đều có vai trò, vị trí và những đóng góp tích cực trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội. Tư tưởng nhập thế của Phật giáo đã đem lại hạnh phúc, an vui đến cho vạn loại chúng sinh, giáo lý đức Phật dạy cách đây hơn 2500 năm đến nay vẫn còn nguyên giá trị, dù chân lý đó được diễn giải theo nhiều cách khác nhau thì mục đích cuối cùng vẫn giúp con người trở về với bản tính chân – thiện – mỹ.

Khi nói đến tính nhập thế của Phật giáo đối với xã hội đương đại, là chúng ta nói đến tính ứng dụng của giáo pháp Phật giáo trong cuộc sống, mục đích ra đời của đạo Phật là để khơi nguồn tuệ giác trong đời sống nhân gian, đem lại ánh sáng giác ngộ và tinh thần giải thoát cho nhân loại.

Chính vì vậy mà ngay từ khi mới du nhập vào nước ta, thông qua nguồn tuệ giác, tâm từ bi, vị tha, vô ngã và nhất là hạnh nguyện độ sinh của các bậc chân tu thạc đức, Phật giáo đã sớm hòa hợp, dung thông với văn hóa dân tộc Việt Nam và nhờ đó mà Phật giáo đã nhập thế độ sinh, gieo mầm đạo đức, nhân quả, ban trải tâm từ bi, yêu thương, soi rọi ánh sáng Phật pháp thấm nhuần sâu rộng trong đời sống người dân Việt. Hôn nhân tan vỡ không chỉ làm ảnh hưởng đến gia đình, người thân mà còn ảnh hưởng đến xã hội. Sau những cuộc hôn nhân không thành là những đứa con vô tội phải sống trong cảnh thiếu tình thương và sự chăm sóc, nuôi dưỡng của cha mẹ. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tội phạm và các tệ nạn xã hội ngày một gia tăng.

Truyền thống nhập thế của Phật giáo Việt Nam sinh khởi từ hai nguồn cội: một là từ giáo lý của đức Phật, hai là từ bản tính của người Việt Nam. Đức tính của tinh thần nhập thế là Bi, Trí và Dũng. Từ bi để cứu giúp, Trí tuệ để liễu hội giáo lý, biết rõ điều mình làm, Dũng là tinh thần vô úy, không sợ thất bại, thương tổn, không sợ các thế lực xấu ác. Đức tính của người Việt là yêu hòa bình, yêu nước, đoàn kết, dũng cảm, kiên trì, bất khuất.

Cuối thập niên 70 thế kỷ XX, số người Việt định cư ở nước ngoài tăng lên nhiều, thống kê hiện nay cho thấy số lượng đã đạt tới hơn 4,5 triệu người và số tự viện, chi hội Phật giáo Việt Nam đã có khoảng 300 cơ sở, nhiều nhất là ở Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi, Pháp, Đức, Canada. Chư tăng, ni ở các cơ sở Phật giáo này thường xuyên tổ chức giảng pháp, lễ lạt, từ thiện, mở các quán chay…

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chính thức gửi các phái đoàn tham dự các hội nghị quốc tế về các vấn đề của thời đại mới. Chư tôn đức tăng, ni cũng đến nhiều nước có đông đảo phật tử người gốc Việt để hoằng pháp hoặc giảng pháp khi tổ chức du lịch tâm linh, chiêm bái các thánh tích Phật giáo.

Tinh thần nhập thế Phật giáo trong xã hội ngày nay đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực của đời sống và đã góp phần giải quyết một số vấn đề xã hội đương đại như đã nêu trên. Tuy nhiên, để vai trò của Phật giáo được nhân rộng và mang lại giá trị lớn cho xã hội thì Phật giáo cần phải ứng dụng giáo lý đạo Phật một cách thực tiễn hơn trong đời sống xã hội như đức Phật đã từng tuyên bố: Đức Phật xuất hiện ở đời vì sự khổ và sự diệt khổ cho chúng sinh, vì hạnh phúc và an lạc cho chư thiên và loài người.

Phật giáo cần có những chương trình hành động cụ thể. Ví dụ: nạn lũ lụt, phá rừng bừa bãi, Phật giáo nên xây dựng chuyên đề về góc nhìn của Phật giáo giải quyết vấn đề môi sinh và sự sống con người. Việt Nam bình quân mỗi năm trên 500 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế hàng tỷ USD do thiên tai gây ra. Về vấn đề tai nạn giao thông, bình quân mỗi ngày cả nước có 22 người chết và hàng trăm người bị thương. Đứng trước vấn đề đó Phật giáo cần xây dựng chuyên đề văn hóa tham gia giao thông để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do tai nạn giao thông gây ra.

Phật giáo cùng cần xây dựng các chương trình hành động, có việc làm cụ thể thông qua các số liệu, dẫn chứng thực tế để khẳng định vai trò và những ảnh hưởng về việc giải quyết các vấn nạn về môi trường, phòng chống dịch bệnh, hoặc đóng góp vào việc xây dựng nền tảng đạo đức xã hội…

Như vậy, Phật giáo cần xây dựng một số chuyên đề về công tác phật sự đi sát với thực tế, giải quyết được vấn đề thực tiễn trong đời sống đương đại, tránh lý luận, kinh điển giáo điều. Có làm được như vậy mới phát huy được tinh thần nhập thế của Phật giáo để không hổ thẹn với lịch đại Tổ sư và các bậc tiền bối đã hy sinh cả đời mình vì đạo pháp, vì dân tộc.

(Còn tiếp)

Thiện Pháp Nguyễn Lê Phương
Thạc sĩ Phật học khóa III, Học viện PGVN tại TP.HCM
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2022

***

CHÚ THÍCH:
(1) Tham luận tại Hội thảo Khoa học Quốc tế: Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại Hòa thượng Thích Gia Quang, nguổn: https://phatgiao.org.vn/phat-giao-nhap-the-va-cac-van-de-xa-hoi-duong-dai-o-viet-nam-d38168.html.
(2) Tham khảo nguồn bài viết Giáo hội Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộchttp://xaydungdang.org.vn/Home/PrintStory. aspx?distribution=13537&print=true

THƯ MỤC THAM KHẢO:
1. Fongsamouth Phouvinh (2012), Phật giáo trong đời sống văn hoá các bộ tộc Lào Hiện nay, Tạp chí Khoa học xã hội, Số 11 (171), Tr 77-83.
2. Lão Tử, Thịnh Lê chủ biên (2001), Từ điển Nho, Phật, Đạo, Nxb. Văn học, Hà Nội.
3. Thị Phương Lan (2015), Hoạt động nhập thế của Phật giáo Nam tông của người Khmer tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, Số 6 (144), Tr 64-73.
4. Tài liệu Hội nghị thường niên HĐTS GHPGVN 2018.
5. Tạp chí Nghiên cứu Phật học – số 6 năm 2017.
6. Tham khảo nguồn internet: Giá trị của đạo đức Phật giáo trong đời sống xã hội hiện nay – http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/ News/38/0/240/0/9522/Gia_tri_cua_dao_duc_Phat_giao_trong_doi_song_xa_hoi_hien_nay.
7. Tham khảo nguồn internet: Giá trị của Khoa học & Quan trọng của Phật giáo – http://phatgiao.org.vn/nghien-cuu/201704/Gia- tri-cua-Khoa-ho-c-Quan-trong-cua-Phat-giao-P-1-26501/
8. Tham khảo nguồn internet: Giáo hội Phật giáo Việt Nam hội nhập quốc tế – https://www.giacngo.vn/sukien/ nhanvatvasukien/2016/10/30/524481.
9. Tham khảo nguồn internet: HT.Thích Bảo Nghiêm, Tinh thần nhập thế của Phật giáo, giacngo.vn.
10. Tham khảo nguồn internet: HT.Thích Gia Quang, Phật giáo nhập thế và các vấn đề đương đại ở Việt Nam, thuvienhoasen.org.
11. Tham khảo nguồn internet: Việt Nam đang có bao nhiêu người thất nghiệp? – https://news.zing.vn/viet-nam-dang-co-bao- nhieu-nguoi-that-nghiep-post761579.html.
12. Thích Nguyên Thành | Văn Hóa Phật Giáo Số 326 ngày 1–28019 |Thư Viện Hoa Sen nhập lưu 30-8-2019.
13. Nhất Hạnh (1964), Đạo Phật đi vào cuộc đời, Nxb. Lá Bối, Sài Gòn.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường