Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Kỳ 1: Thực trạng “Phật giáo nhập thế” tại Việt Nam

Kỳ 1: Thực trạng “Phật giáo nhập thế” tại Việt Nam

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Thiện Pháp Nguyễn Lê Phương
Thạc sĩ Phật học khóa III, Học viện PGVN tại TP.HCM
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2022

Trong hơn hai ngàn năm có mặt tại Việt Nam với phương châm nhập thế: “Đạo pháp bất ly thế gian pháp, Phục vụ chúng sinh là cúng dàng chư Phật, với tinh thần hộ quốc, an dân và phương châm hành đạo: đạo pháp, dân tộc”, thời nào Phật giáo Việt Nam cũng tỏ rõ là một tôn giáo yêu nước, gắn bó và đồng hành cùng dân tộc.

Thời cận đại, nhiều thế hệ tăng, ni, phật tử trở thành những tấm gương hy sinh anh dũng cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, tích cực tham gia xây dựng bảo vệ tổ quốc. Nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua, chúng ta có quyền tự hào về các thành tựu và những đóng góp to lớn cho dân tộc mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đạt được trong 41 năm qua”.

Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống tốt đẹp tại các cơ sở Phật giáo, đưa hình ảnh mái chùa trở thành biểu tượng thân thương, thấm sâu vào tiềm thức và trở thành một phần trong tâm hồn của con người Việt Nam:

“Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng,
Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung…”
“Mái chùa che chở hồn dân tộc,
Nếp sống muôn đời của tổ tông” (1)

“Ngày nay, để thực hiện được điều này, các cơ sở Phật giáo ngoài việc thanh tịnh tu học, cần thường xuyên tổ chức các hoạt động gắn liền với đời sống văn hóa dân cư, gắn kết cộng đồng, giáo dục đạo đức cho thanh thiếu niên phật tử, từ đó cùng nhân dân tham gia thực hiện chiến lược xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị”.

Cụm từ “Phật giáo nhập thế” ngày càng phổ biến, để chỉ hoạt động Phật giáo đi vào đời sống xã hội, Phật giáo ngày càng hoà quyện trong đời sống dân tộc. Về điều này Phật giáo Việt Nam là một trường hợp đặc biệt minh chứng tính nhập thế của Phật giáo như một chất keo kết dính cộng đồng.

Ở Việt Nam hoạt động nhập thế của Phật giáo diễn ra như thế nào?

Có điểm gì tương đồng và khác biệt so với Phật giáo Thế giới?

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 5.2022 Thuc trang Phat giao nhap the tai Viet Nam 1

1. Thế nào là Phật giáo nhập thế

Nhiều nghiên cứu của các học giả khác nhau đã mang đến những khái niệm về Phật giáo nhập thế theo cách riêng của mình. Năm 1966, Thiền sư Thích Nhất Hạnh xuất bản quyển The Lotus in the Sea of Fire (Hoa sen trong biển lửa), quyển sách ấy đã được giới nghiên cứu phương Tây xem như là công trình tiên phong trong giới thiệu khái niệm Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân, hoặc Phật giáo nhập thế, hay Đạo Phật đi vào cuộc đời). Trong đó có đoạn: đem đạo Phật đi vào cuộc đời có nghĩa là thể hiện những nguyên lý đạo Phật trong sự sống, thể hiện bằng những phương thức phù hợp với thực trạng của cuộc đời để biến cải cuộc đời theo chiều hướng thiện, mỹ. Chừng nào sinh lực của đạo Phật được trông thấy dào dạt trong mọi hình thức của sự sống chừng đó ta mới có thể nói được rằng đạo Phật đang thật sự hiện hữu trong cuộc đời.(2)

Qua quan niệm của Thiền sư, có thể hiểu rằng Phật giáo nhập thế là:

– Làm cho những nguyên lý của Phật giáo trở thành nguyên lý sống thường nhật, từ đó cải biến nhân sinh và xã hội theo hướng thiện, mỹ;

– Phật giáo với tổ chức, lực lượng và giáo lý của mình tham gia giải quyết những vấn đề đang tồn tại trong nhân sinh và xã hội.

Theo Allie B. King là học giả phương Tây cũng đã chỉ rõ: Phật giáo nhập thế (Engaged Buddhism) là một hình thức đương đại của Phật giáo, tham gia tích cực nhưng không bạo lực để giải quyết các vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị, môi trường. Ở trạng thái tốt nhất, sự tham gia này không tách rời khỏi tinh thần của Phật giáo, mà là một biểu hiện của nó(3).

Lời của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và nhiều vị học giả Đông – Tây thường nghiên về tinh thần nhập thế của Phật giáo Bắc tông (Đại thừa), vậy Phật giáo Nam tông (Nguyên thủy) có hay không khái niệm nhập thế? Và có khác gì chăng trong hoạt động nhập thế giữa hai hệ phái này. Một nghiên cứu của tác giả Ngô Thị Phương Lan đã nỗ lực khẳng định tính nhập thế của Phật giáo Nam tông và cũng chỉ ra những nét khác biệt trong biểu hiện nhập thế giữa hai hệ phái Nam tông và Bắc tông.

Trong đó, với việc nghiên cứu hoạt động nhập thế của Phật giáo Nam tông được lấy ví dụ tại chùa Candaransī(4), khái niệm Phật giáo nhập thế được dùng để chỉ sự dấn thân của các tăng sĩ và phật tử vào các hoạt động xã hội góp phần giải quyết những khủng hoảng, mâu thuẫn của xã hội và góp phần phát huy bản sắc tộc người Khmer(5). Đồng thời tác giả chỉ ra rằng: khác với hoạt động nhập thế của hệ phái Phật giáo Bắc tông vốn chú trọng chủ yếu đến các vấn đề nóng của xã hội, xu thế nhập thế của Phật giáo Nam tông phần nhiều vẫn chú trọng chuyển tải tính tộc người trong bối cảnh tộc người thiểu số đó đang hòa nhập ngày càng sâu rộng với cộng đồng dân tộc đa số(6).

Như vậy cho dù là Nam tông hay Bắc tông, dù có những điểm tương đồng hay khác biệt, thì Phật giáo nhập thế vẫn được hiểu là Phật giáo đi vào cuộc đời, là nhân gian Phật giáo, Phật giáo hiện hữu trong cuộc sống thường nhật của con người, giúp đỡ, hỗ trợ giải quyết những vấn đề khó khăn mà con người gặp phải trong thực tế cuộc sống, trên tinh thần tốt đời đẹp đạo.

Mục đích ra đời của đạo Phật là để khơi nguồn tuệ giác trong đời sống nhân gian, đem lại ánh sáng giác ngộ và tinh thần giải thoát cho mỗi con người. Với tư tưởng từ bi và cứu độ, tinh thần nhập thế của Phật giáo đã sớm thể hiện ở việc Phật giáo quan tâm và tham gia giải quyết các vấn đề của xã hội. Đến thời hiện đại, khuynh hướng nhập thế của Phật giáo ngày càng mang tính phổ quát. Phật giáo góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách của xã hội như giáo dục đạo đức, lối sống; bảo vệ môi trường; an sinh xã hội …

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 5.2022 Thuc trang Phat giao nhap the tai Viet Nam 2

2. Phật giáo nhập thế tại Việt Nam

Xã hội ngày nay đang phát triển về mọi mặt đã nâng cao đời sống con người ngày càng văn minh hơn. Tuy nhiên, trong quá trình vận động và phát triển đã nảy sinh những mặt trái của xã hội ngày nay. Ngoài những điểm tích cực, còn có những vấn đề tiêu cực đang nổi lên hàng ngày.

Xã hội ngày nay đang phát triển, tiến bộ về mọi mặt đã nâng cao đời sống con người, con người ngày càng văn minh hơn. Tuy nhiên, trong quá trình vận động và phát triển đã nảy sinh những mặt trái của xã hội đương đại. Ngoài những điểm tích cực, còn có những vấn đề tiêu cực đang nổi lên hàng ngày, cần sự quan tâm, chung sức giải quyết ở cấp độ quốc gia và toàn cầu, như: Vấn đề suy thoái đạo đức, con người trở nên vô cảm, bạo lực, bạo hành và thiếu niềm tin; biến đổi khí hậu, thảm hoạ thiên tai ngày một gia tăng; làm sao để phát triển kinh tế bền vững và nhiều vấn đề phức tạp khác, như: trí tuệ nhân tạo, vũ khí hủy diệt hàng loạt, chất độc sinh học… Vậy làm thế nào để đưa giáo lý Phật giáo ứng dụng vào cuộc sống của con người để giải quyết các vấn đề của xã hội ngày nay.
Đứng trước những thách thức đó, Phật giáo cần phải tiếp cận các vấn đề trên như thế nào ở góc độ tôn giáo; tinh thần nhập thế của Phật giáo đã giúp được gì cho đất nước Việt Nam; cũng như cho việc giải quyết những thách thức của nhân loại trong xã hội ngày nay.

Tuy nhiên, Phật giáo chưa bao giờ tách khỏi tế bào xã hội mà thay vào đó Phật giáo có những phương thức hữu hiệu để giúp xã hội phát triển bền vững và giải quyết những vấn đề nóng ở cấp độ toàn cầu.

Phật giáo đã có mặt trên đất nước Việt Nam khoảng 2000 năm, trải qua thời gian, Phật giáo với nền giáo dục đạo đức, hướng thượng đã sớm nhận thức được sứ mệnh truyền bá chính pháp và nhanh chóng trở thành tôn giáo có ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân Việt Nam.

3. Thực trạng Phật giáo nhập thế ở Việt Nam ngày nay

Trong một nghiên cứu về hoạt động nhập thế của Phật giáo, tác giả Ngô Thị Phương Lan đã viết: Nhập thế về xã hội của Phật giáo gắn liền với các dịch vụ xã hội qua các hoạt động từ thiện (bố thí và cúng dường). Khi đề cập đến Phật giáo nhập thế xã hội, giới nghiên cứu thường đề cập đến hoạt động nhập thế của Phật giáo Bắc tông do hệ phái này có số lượng cơ sở thờ tự cũng như số lượng phật tử nhiều hơn Phật giáo Nam tông(7).

Trong thực tiễn chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy các hoạt động nhập thế của Phật giáo Bắc tông rất đa dạng, chẳng hạn như cứu trợ lũ lụt, ủng hộ quỹ từ thiện cho người nghèo, phát quà, gạo, nhu yếu phẩm cho người khuyết tật, chăm lo cho người già neo đơn, cho trẻ em nghèo hiếu học, xây cầu nông thôn, xây nhà tình thương,… Quan trọng hơn nữa là các khoá tu Một ngày niệm Phật, Một ngày an lạc, khoá tu Búp sen hồng và các khoá tu mùa hè cho thanh thiếu niên, cho lứa tuổi học sinh sinh viên. Các khoá tu này giúp định hướng các giá trị sống, giáo dục toàn diện cho con người trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hoá. Hoặc trong lễ hội Vu lan báo hiếu theo truyền thống Phật giáo, mùa Vu lan kéo dài suốt tháng 7 Âm lịch, khắp các chùa rộn ràng lời ca tiếng hát ngợi ca công đức của đấng sinh thành.

Phật giáo khi đó tính nhập thế tăng cao, đạo và đời gắn kết, đạo giúp cho con người, cho cuộc đời thêm đẹp vì biết gìn giữ và phát huy những giá trị cao quý trong truyền thống đạo lý của dân tộc.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 5.2022 Thuc trang Phat giao nhap the tai Viet Nam 3

Cũng trong nghiên cứu về Hoạt động nhập thế của Phật giáo Nam tông của người Khmer tại Thành phố Hồ Chí Minh, tác giả Ngô Thị Phương Lan cho rằng: Có lẽ, sự nhập thế của Phật giáo Nam tông ít được đề cập đến do cách hiểu hệ phái này chịu ảnh hưởng của Phật giáo Nguyên thủy ở Ấn Độ(8).

Tuy nhiên thì chúng tôi nghĩ rằng các hoạt động nhập thế của Phật giáo Nam tông ít được nhắc đến có thể là do:

1. Số lượng chùa Khmer và số lượng tăng ít hơn bên Phật giáo Bắc tông.

2. Số người theo Phật giáo Nam tông là dân tộc Khmer, dân tộc thiểu số, ít hơn nhiều trong tương quan so sánh với người Kinh theo Phật giáo Bắc tông.

3. Các hoạt động nhập thế của Phật giáo Nam tông thường không lan tỏa rộng rãi cho đồng bào dân tộc khác quanh vùng họ sinh sống.

4. Số lượng nhà nghiên cứu, những người có học vị cao, am hiểu về vấn đề này trong dân tộc Khmer chưa nhiều nên tính lan toả, truyền thông, giới thiệu cho hoạt động của Phật giáo Nam tông còn ít nhiều hạn chế.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chung của xã hội, các hoạt động nhập thế của Phật giáo Nam tông Khmer cũng không nằm ngoài đường hướng chung này(9). Song với đặc trưng là tôn giáo – dân tộc, hoạt động nhập thế của Phật giáo Nam tông Khmer mang một màu sắc khác thể hiện mạnh mẽ văn hóa tộc người(10).

Theo các Nhà Sư Nam tông, thì việc nhập thế của Phật giáo thật ra đã xuất hiện ngay từ thời đức Phật còn tại thế, biểu hiện ngay khi đức Phật thành đạo, Ngài đã đi thuyết pháp, Phật giáo gọi đấy là công việc hoằng pháp lợi sinh, mang giáo lý của đức Phật cứu độ chúng sinh. Vậy nên hoạt động đó vẫn luôn được duy trì cho đến ngày nay.

4. Phật giáo nhập thế và sự công bằng xã hội

Này các Tỳ kheo, giữa các loài hữu tình ấy, có đao trượng kiếp khởi lên trong bảy ngày, trong thời gian ấy họ xem nhau như loài thú, dao kiếm sắc bén hiện ra trong tay họ. Với đao kiếm sắc bén ấy họ tàn hại mạng nhau, xem nhau như loài thú.(Theo bản dịch của Cố Hoà Thượng Thích Minh Châu(11))

Đoạn kinh Pali trên ở gần cuối kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống (Cakkavatti Sihanada Sutta) trong Kinh Trường Bộ(12) (Digha Nikaya). Ở đây đức Phật diễn tả một tình trạng xã hội hết sức hỗn loạn và bạo động, đã mất hết sự quí trọng mạng sống con ngưòi, và người ta sẵn sàng giết nhau mà không cảm thấy tội lỗi và hối tiếc. Khởi đầu là trộm cắp, rồi giết người, nói dối và theo sau đó là tà dâm. Tôn giáo bị hủy hoại; lòng tôn kính bậc trưởng thượng bị phá hủy; mạng sống con người không còn giá trị gì nữa. Đó là một hình ảnh kinh hoàng của sự trỗi dậy thú tính mà cho tới hôm nay vẫn còn đúng như thời đức Phật đã nói xa xưa.

Tham ái, chính là gốc rễ của sự khốn khổ của thế giới, thường thì điều này được nhìn thấy theo một cách rất cá nhân. Đạo Phật được đề cao như một lối thoát khỏi đau khổ thông qua việc rút khỏi xã hội và thông qua văn hóa tinh thần. Tầm quan trọng của việc rèn luyện tâm trí là trọng tâm trong giáo lý của đức Phật. Phật giáo giữ chìa khóa cho cái nhìn sâu sắc giải phóng có thể thay đổi cuộc sống của con người. Tuy nhiên, các yếu tố tâm lý cá nhân không phải là yếu tố duy nhất được nhấn mạnh trong các bản kinh Phật giáo. Các bản kinh nầy đưa ra hình ảnh cho bất cứ ai quan tâm đến công lý và hòa hợp trong cấu trúc xã hội.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 5.2022 Thuc trang Phat giao nhap the tai Viet Nam 4

Trong bài kinh trên, chuỗi nhân quả dẫn đến sự phát triển thú tính quy về chính quyền, nhà vua, người đã quên mất một trong những nhiệm vụ được gán cho một người cai trị công chính trong Phật giáo. Đó là điều này: Và bất cứ ai trong vương quốc của bạn đều nghèo, hãy để anh ta được giàu có. Bằng cách nhìn này, nhà vua đã từ chối cuộc sống của người nghèo và từ đó – một sự từ chối tạo ra công bằng kinh tế – dẫn đến ăn cắp, giết người, dối trá, vô đạo đức và phát triển thú tính. Điều thú vị là sự buộc tội được chỉ vào các cấu trúc quyền lực chứ không phải là phẩm chất xấu xa trong thường dân. Và thông điệp là: bạo lực và đổ vỡ xã hội là không thể tránh khỏi nếu mọi người bị từ chối phương tiện để sống với nhân phẩm.

Để sử dụng một thuật ngữ Kitô giáo(13), người nghèo trong huyền thoại bị người cai trị của họ coi như là những kẻ phạm tội chống lại. Họ là nạn nhân của sự bất công về cấu trúc xã hội và sự thôi thúc của họ để sống sót làm hỏng toàn bộ kết cấu xã hội.

Tuy nhiên, câu chuyện trong kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống (Cakkavatti Sihanada Sutta) không kết thúc với thời kỳ kiếm đao, bạo lực. Khi đạt tới độ sâu của sự tàn bạo, có một số người nhìn thấy sự tàn khốc của sự sụp đổ đó từ các giá trị nhân bản. Họ đi vào ẩn dật – vào các hang động, các khu rừng rậm và các bọng cây lớn – và bao dung đùm bọc lấy nhau, khôi phục sự hài hòa thông qua sự phục hồi của ý thức đạo đức. Một sự suy thoái từ trạng thái thoái hóa từ trên xuống được chuyển thành sức sống mới từ dưới lên, thông qua ý chí và sự phân biệt của chính người dân.

Thông điệp của bài kinh này thách thức tất cả những ai nhìn tôn giáo hoàn toàn theo thuật ngữ cá nhân. Bài kinh cho thấy sự quan tâm rất thực tế của Phật giáo đối với công bằng xã hội, cũng như sự nhấn mạnh đến những phân tích nguyên nhân gốc rễ của sự bất hòa và bạo lực. Bài kinh trình bày xã hội như một mạng lưới của những sinh vật tương tác, phụ thuộc lẫn nhau, những người được giúp đỡ hoặc cản trở cuộc sống lành mạnh bởi các lực lượng từ các cấu trúc nhà nước hoặc thế giới.

Ở Tích Lan(14) thì các yếu tố trong Phật giáo liên quan đến các vấn đề xã hội. Câu chuyện thần thoại này là một trong số đó. Phật giáo có thể là một nguồn tài nguyên cho tất cả chúng ta. Phật giáo thúc giục chúng ta nhìn vào bối cảnh xã hội một cách nghiêm túc. Phật giáo không chỉ khuyến khích con đường của văn hóa tinh thần cá nhân mà còn là kiểu thức tham gia xã hội, qua đó thừa nhận khả năng của thường dân muốn thay đổi hoàn cảnh của họ và tìm cách đấu tranh cho một thế giới công bằng hơn, nơi không ai bị từ chối tài nguyên để sống…

Thiện Pháp Nguyễn Lê Phương
Thạc sĩ Phật học khóa III, Học viện PGVN tại TP.HCM
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2022

Còn nữa tiếp theo kỳ sau

***

CHÚ THÍCH:
(1) “Bài thơ Nhớ Chùa (1949) tác giả Hòa Thượng Thích Mãn Giác (Hoà thượng Thích Mãn Giác, pháp danh Nguyên Cao, đạo hiệu Huyền Không, thế danh Võ Viết Tín, sinh năm Kỷ Tỵ 1929 tại Cố đô Huế)”.
(2) Thích Nhất Hạnh (1964), Đạo Phật đi vào cuộc đời, Nxb. Lá Bối, Sài Gòn.
(3) Allie B. King (2009), Socially Engaged Buddhism – Dimensions of Asian Spirituality, University of Hawaii press, Honolulu.
(4) Một ngôi chùa theo hệ phái Nam tông tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
(5) Ngô Thị Phương Lan (2015), Hoạt động nhập thế của Phật giáo Nam tông của người Khmer tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, Số 6 (144), Tr 66.
(6) Ngô Thị Phương Lan (2015), Hoạt động nhập thế của Phật giáo Nam tông của người Khmer tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, Số 6 (144), Tr 65.
(7) Ngô Thị Phương Lan (2015), Hoạt động nhập thế của Phật giáo Nam tông của người Khmer tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, Số 6 (144). Tr 66.
(8) Ngô Thị Phương Lan (2015), Hoạt động nhập thế của Phật giáo Nam tông của người Khmer tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, Số 6 (144). Tr 66.
(9) Nghĩa là vẫn nhập thế để hỗ trợ xã hội giải quyết nhiều vấn đề của cuộc sống con người.
(10) Ngô Thị Phương Lan (2015), Hoạt động nhập thế của Phật giáo Nam tông của người Khmer tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, Số 6 (144). Tr 67.
(11) Hòa thượng Thích Minh Châu (1918–2012) là một tu sĩ Phật giáo người Việt Nam. Sư ông là một tăng sĩ thâm niên trong hàng giáo phẩm, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất và Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
(12) Trường bộ kinh (zh. 長部經, sa. dīrghāgama, pi. dīgha-nikāya) là bộ đầu tiên của năm Bộ kinh trong Kinh tạng Phật giáo. Các bài kinh trong bộ này tương đối dài nên được gọi là Trường Bộ Kinh.
(13) Kitô giáo (thuật ngữ phiên âm) hay Cơ Đốc giáo (thuật ngữ Hán Việt) là một trong các tôn giáo khởi nguồn từ Abrahamđặt nền tảng trên giáo huấn, sự chết trên thập tự giá và sự sống lại của Giêsu Kitô như được ký thuật trong Kinh thánh Tân Ước.
(14) Sri Lanka (phiên âm tiếng Việt: Xri Lan-ca), tên chính thức Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Dân chủ Sri Lanka là một đảo quốc với đa số dân theo Phật giáo ở Nam Á, nằm cách khoảng 33 dặm ngoài khơi bờ biển bang Tamil Nadu phía nam Ấn Độ. Quốc gia này thường được gọi là Hòn ngọc Ấn Độ Dương. Dân số Sri Lanka rơi vào khoảng 20 triệu người.

THƯ MỤC THAM KHẢO:
Fongsamouth Phouvinh (2012), Phật giáo trong đời sống văn hoá các bộ tộc Lào Hiện nay, Tạp chí Khoa học xã hội, Số 11 (171), Tr 77-83.
Lão Tử, Thịnh Lê chủ biên (2001), Từ điển Nho, Phật, Đạo, Nxb. Văn học, Hà Nội.
Ngô Thị Phương Lan (2015), Hoạt động nhập thế của Phật giáo Nam tông của người Khmer tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, Số 6 (144), Tr 64-73.
Tài liệu Hội nghị thường niên HĐTS GHPGVN 2018. Tạp chí Nghiên cứu Phật học – số 6 năm 2017.
Tham khảo nguồn internet: Giá trị của đạo đức Phật giáo trong đời sống xã hội hiện nay – http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/ News/38/0/240/0/9522/Gia_tri_cua_dao_duc_Phat_giao_trong_doi_song_xa_hoi_hien_nay.
Tham khảo nguồn internet: Giá trị của Khoa học & Quan trọng của Phật giáo – http://phatgiao.org.vn/nghien-cuu/201704/Gia-tri- cua-Khoa-ho-c-Quan-trong-cua-Phat-giao-P-1-26501/
Tham khảo nguồn internet: Giáo hội Phật giáo Việt Nam hội nhập quốc tế – https://www.giacngo.vn/sukien/ nhanvatvasukien/2016/10/30/524481.
Tham khảo nguồn internet: HT.Thích Bảo Nghiêm, Tinh thần nhập thế của Phật giáo, giacngo.vn.
Tham khảo nguồn internet: HT.Thích Gia Quang, Phật giáo nhập thế và các vấn đề đương đại ở Việt Nam, thuvienhoasen.org.
Tham khảo nguồn internet: Việt Nam đang có bao nhiêu người thất nghiệp? – https://news.zing.vn/viet-nam-dang-co-bao-nhieu- nguoi-that-nghiep-post761579.html.
Thích Nguyên Thành | Văn Hóa Phật Giáo Số 326 ngày 1–28019 |Thư Viện Hoa Sen nhập lưu 30-8-2019. Thích Nhất Hạnh (1964), Đạo Phật đi vào cuộc đời, Nxb. Lá Bối, Sài Gòn.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường