Trang chủ Giáo lý - Kinh sách Tóm lược Tổng quan những nét đẹp của Kinh Duy Ma Cật

Tóm lược Tổng quan những nét đẹp của Kinh Duy Ma Cật

Kinh Duy Ma Cật được xem như một trong những bằng chứng rõ nét nhất phác hoạ lại công cuộc vận động đưa Phật giáo tới với đời sống của người dân cư sĩ, hay nói cách khác là người tu không phân biệt giữa người xuất gia và người tại gia.

Đăng bởi: Phạm Tuấn Minh
ISSN: 2734-9195

Mục lục bài viết

Kinh Duy Ma Cật được xem như một trong những bằng chứng rõ nét nhất phác hoạ lại công cuộc vận động đưa Phật giáo tới với đời sống của người dân cư sĩ, hay nói cách khác là người tu không phân biệt giữa người xuất   gia và người tại gia.

  Tác giả: Cư sĩ Phúc Quang

PHẦN I. Tổng quan kinh Duy Ma Cật

1. Dòng chảy lịch sử, bối cảnh xã hội trước kinh Duy Ma Cật

Xét tại thời điểm Đức Phật còn tại thế, Phật giáo là một khối thống nhất, hay tạm hiểu tất cả các vị đệ tử đều hành pháp theo luật, sự chỉ dạy của Đức Phật. Sau khi Đức Phật nhập Niết bàn, chúng ta đều biết rằng Phật giáo xuất hiện nhiều hình thức trường phái hơn, cụ thể ở đây là sự chia tách thành Phật giáo Tiểu thừa và Phật giáo Đại thừa; tuy nhiên, không một ai rõ hoàn toàn về mốc thời gian chính xác mà Phật giáo Đại thừa hình thành.

Nhiều học giả nghiên cứu tin rằng Phật giáo đại thừa xuất hiện sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn khoảng 100 năm, tuy nhiên, cũng nhiều học giả tin rằng tư tưởng Phật giáo Đại thừa thực chất được nhen nhóm từ lâu, và khi Đức Phật nhập Niết bàn, thì tư tưởng đó lớn hơn theo thời gian.

Đến khi các vị A-la-hán, đại đệ tử của Đức Phật dần dần viên tịch, thì tư tưởng này bộc lộ ngày một rõ, và mốc thời gian sau 100 năm Đức Phật nhập Niết bàn chỉ là mốc thời gian nói về sự công khai về tư tưởng mới, tư tưởng nhập thế mà thôi.

Xét về góc độ tư tưởng lúc bấy giờ, các vị Phật giáo Tiểu thừa bảo vệ quan điểm Đức Phật tại thế tu thế nào, dạy thế nào, truyền lại Kinh dạy những điều gì, cần phải giữ trọn vẹn, không bớt và cũng không viết thêm, các đệ tử về sau phải tu y như thế; các vị theo trường phái Đại thừa mang theo một tư tưởng khác.

Tư tưởng mới được hình thành là do bối cảnh hiện trạng xã hội và dòng chảy lịch sử tác động. Ở đây chúng ta không bàn về sự khác nhau giữa 2 trường phái Tiểu thừa và Đại thừa; chúng ta sẽ chỉ phân tích về lịch sử để cảm nhận rõ hiện trạng xã hội tác động tới sự hình thành của kinh “Duy Ma Cật” và mục đích của bản Kinh truyền tải.

  • Lý do tư tưởng:

Tư tưởng khác nhau, sự thay đổi của suy nghĩ dẫn tới khác biệt trong cách vận hành Đạo Phật khi không còn Đức Phật. Nhiều học giả tin rằng, Phật giáo Đại thừa ra đời là do tư tưởng muốn nhập thế, Phật giáo hoà vào xã hội, thích ứng với đời sống của con người trên nhiều vùng lãnh thổ, giữ lại những giá trị mang tính căn bản của Đạo Phật ví như: giáo lý (“Tứ Diệu Đế”, “Bát Chính Đạo”, “Giới”,…),…

Ngoài ra, có những thay đổi để phù hợp thời đại, ví như: y phục, cách ăn uống,… và theo kịp phát triển xã hội để giảng dạy phù hợp từng vùng địa lý hơn, cũng như sự di cư, lan truyền giáo pháp rộng rãi tới nhiều quốc gia, dẫn tới xuất hiện “Kinh Đại thừa”.

  • Lý do lịch sử:

Theo lịch sử, Pushyamitra Shunga đã lật triều đại Maurya, giành lấy ngai vàng của vương quốc Magadha (Ma – Kiệt – Đà); sau đó dựng lên triều đại Shunga và trở thành triều đại thứ 7 của Magadha. Theo ghi chép, vương triều Shunga trị vì từ khoảng năm 185 – 73 TCN (Khoảng 112 năm). Vương triều Shunga đã kiểm soát hầu hết phía Bắc của tiểu lục Ấn Độ. Triều đại Shunga là triều đại theo Đạo Bà-la-môn; triều đại này đã nhiều lần khủng bố các nhà sư Phật giáo, cũng như yêu cầu các phật tử phải rời Đạo Phật để theo Đạo Bà-la-môn hoặc tới vùng lãnh thổ khác.

Sau khi triều đại này sụp độ khoảng 20 năm, có một sự phục hồi mạnh mẽ tới từ Phật giáo, được khởi xướng bởi các vị phật tử từ các vùng khác tới, và đặc biệt, là các vị cư sĩ, chính sự hoà trộn này đã đem tới những lý tưởng xây dựng nên một Đạo Phật không chỉ còn là của các vị xuất gia, mà còn dành cho cả các vị tại gia.

Một bộ phận giữ vững lập trường về phương tiện của Đạo Phật là phải xuất gia, muốn nếm vị ngọt của quả giải thoát cần xuất gia, tuy nhiên, với phong trào Phật giáo sau thời triều đại Shunga cho rằng Phật giáo là không của riêng ai, mọi đối tượng đều có thể tu, cụ thể ở đây là cư sĩ “Duy Ma Cật” với đời sống tại gia như bao người, vẫn chứng vị Bồ tát và hiện thân độ hoá chúng sinh.

2. Sự ra đời của Kinh Duy Ma Cật

Ảnh vẽ cư sĩ Duy Ma Cật Bản kinh gốc bằng tiếng Phạn của kinh Duy Ma Cật hiện đã thất lạc, không một ghi chép nào nắm rõ chính xác thời điểm ra đời của kinh Duy Ma Cật, tất cả chỉ có thể dựa vào bối cảnh lịch sử để phỏng đoán thời gian ra đời của kinh. Theo Cố Thiền Sư Thích Nhất Hạnh thì kinh được ra đời ở khu vực miền Trung Ấn Độ vào khoảng năm 150 – năm 200, tức là khoảng thế kỷ thứ II Tây lịch. Kinh Duy Ma Cật có tên tiếng Phạn là “Vimalakīrti Nirdeśa Sūtra”.

Kinh Duy Ma Cật được xem như một trong những bằng chứng rõ nét nhất phác hoạ lại công cuộc vận động đưa Phật giáo tới với đời sống của người dân cư sĩ. Trước đó, như đã nói ở trên Đạo Phật được xem như Đạo dành cho những bậc xuất thế như một “chủ nghĩa xuất thế gian”, những người tại gia, không xuất thế, chỉ có thể làm những phận sự hỗ trợ, cung cấp lương y, thuốc men, toạ cụ, chỗ ở.

Khi phong trào Phật giáo Đại thừa phát triển lớn mạnh tại Ấn Độ, kéo theo đó là những bản kinh ra đời, cụ thể như kinh Duy Ma Cật đại diện tượng trưng dòng chảy không ngừng của thời gian, con người phát triển, nhiều hình thức tiếp cận tu hành khác nhau.

Giải nghĩa tên tiếng Phạn: “Vimala”: Là trong trắng, trong sạch, có khi dịch là tịnh, hay bạch tịnh (tịnh là sạch, trong).
“Kīrti”: Là “danh”, là cái tên. Vimalakīrti ghép lại có nghĩa là cái tên không bị hoen ố, danh tiếng không bị hoen ố. Kinh Hán Việt dịch là “Tịnh Danh”, và gọi cư sĩ Duy Ma Cật là cư sĩ Tịnh Danh.
“Nirdeśa”: Là sở thuyết, tức là giáo lý, những lời giảng dạy của ông Tịnh Danh.

Kinh Duy Ma Cật mang trong mình ý nghĩa thể hiện về hình ảnh Phật Pháp là viễn ly, là sự thanh tịnh hoàn toàn, nhưng đó là viễn ly với uế nhiễm, chứ không phải viễn ly với đời sống con người. Khi Phật Giáo xuất hiện vào dòng đời, cũng không thoát khỏi quy luật thay đổi về mặt hình thức.

Trong kinh Duy Ma Cật, thể hiện khá rõ nét hình ảnh con người không thể tách mình khỏi dòng chảy của thời đại, nơi mà chúng ta sống và hành đạo trong đó. Những cuộc luận, chia sẻ giữa vị cư sĩ tại gia Duy Ma Cật với các hàng thanh văn đệ tử của Đức Phật đã giới thiệu tới người đọc hình ảnh Phật Pháp trên cùng 1 nền tảng giáo lý, nhưng dưới 2 phương diện hình thức khác nhau: Xuất thế và Tại thế.

3. Hình thức Kinh Duy Ma Cật

Tại thời điểm kinh Duy Ma Cật ra đời, đất nước Ấn Độ có một phong trào văn học – kịch rất phát triển và được người dân ưa chuộng. Người dân thích đón nhận các tác phẩm từ văn học, tới kinh điển dưới hình thức kịch, có kịch bản, có tuyến nhân vật, có nội dung, có xung đột tâm lý,… con người cảm nhận rằng dưới hình thức này mình dễ tiếp thu hơn, cách kể chuyện cuốn hút hơn. Và kinh Duy Ma Cật cũng không nằm ngoài trào lưu văn học đó, kinh cũng được xây dựng dưới hình thức là một kịch bản

Nhân vật Duy Ma Cật thực chất là một vị Bồ Tát, thị hiện dưới hình ảnh của một cư sĩ tại gia, tuy không xuất gia, nhưng lại thông suốt kinh điển, giáo lý thâm sâu, cứu độ được vô số chúng sinh, vẫn có gia đình, vẫn sống đời sống của một người tại gia, và chính ông, là đại diện cho sự hoà nhập của văn hóa đại thừa.

Theo các nhà nghiên cứu, nhân vật Duy Ma Cật được tin là nhân vật được xây dựng nên, không có thật, chỉ là hình mẫu lý tưởng về một vị cư sĩ tu đạo của con người lúc bấy giờ. Niềm tin là như vậy, bên cạnh đó, các cuộc khảo cổ, nghiên cứu văn kiện để xác thực cư sĩ Duy Ma Cật có phải là nhân vật lịch sử thật hay không vẫn đang còn phải được tiếp tục nghiên cứu.

Tuyến nhân vật thứ hai, là các bậc đệ tử của Đức Thế Tôn, ví như ngài Xá Lợi Phất, tôn giả Mục Kiền Liên, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ Tát Di Lặc,… Các tuyến nhân vật này được xây dựng với những lần gặp gỡ, đàm đạo cùng cư sĩ Duy Ma Cật.

Điều đặc biệt trong hình thức kinh này, chính là sự xây dựng tuyến xung đột tâm lý nằm ở khía cạnh các vị đại đệ tử của đức Phật đều đã từng bị cư sĩ Duy Ma Cật cật vấn, những vấn đáp đặc trưng giữa cư sĩ Duy Ma Cật cùng với tôn giá Xá-Lợi-Phất. Dù được mệnh danh là vị có trí tuệ bậc nhất trong hàng ngũ đệ tử của đức Phật, tuy nhiên Ngài Xá-Lợi-Phất cũng phải chào thua trước trí tuệ của Duy Ma Cật.

Đã có nhiều cuộc tranh cãi xảy ra xung quanh hình thức này, tuy nhiên, để lãnh hội trọn vẹn cái hay của kinh, chúng ta không nên đọc với trạng thái tiêu cực, thay vào đó là tâm thế đọc một cách cởi mở chỉ như tham khảo một cuốn sách nhân văn để dễ dàng đón nhận những giá trị tinh thần đến từ bản Kinh.

Phần II. Góc nhìn cư sĩ về những “hình ảnh” đẹp, tiêu biểu qua lăng kính Duy Ma Cật

a164c3436182c3dc9a93

1. Ý niệm đạo Phật nhập thế một cách sâu sắc của kinh Duy Ma Cật

Kinh đem tới ý niệm khi cho rằng một vị Bồ Tát trên hành trình tu thành Phật quả, phải lấy lợi ích chúng sinh, vì cõi đời của mình mà tu, vì sự thành tựu của chúng sinh để giảng dạy.

Muốn xây cung điện, nhà cửa thì phải xây từ mặt đất mới thành công, không thể xây từ hư không mà thành. Muốn trồng hoa sen, phải trồng trong bùn lấy, chẳng thế tránh bùn mà muốn có hoa sen. Kinh thể hiện góc độ mạnh mẽ về khái niệm “Thanh Tịnh”. Trong một buổi đàm đạo, Ngài Xá Lợi Phất nghĩ rằng tại sao Đức Phật thanh tịnh như thế mà cõi đời của Người lại ô uế. Khi Đức Phật biết được suy nghĩ này, Người hỏi:

  • “Này thầy Xá Lợi Phất, thầy nghĩ sao, mặt trời mặt trăng có ánh sáng, vậy tại sao người mù không trông thấy?
  • Thầy Xá Lợi Phất thưa: “Bạch Thế Tôn, đó là tại người mù chứ đâu có phải tại mặt trời, mặt trăng!”
  • “Cũng vậy, cõi đời này thanh tịnh lắm! Tại thầy còn nhiều ô trược, tại tâm của thầy chưa thanh tịnh, nên thầy thấy chung quanh toàn là năm thứ ác trược.”

Kinh cho rằng những chất liệu để tạo dựng nên một quốc độ thanh tịnh bao gồm:

  • Trực tâm là tâm thẳng thắn,
  • Thâm tâm là tâm sâu sắc,
  • Bồ đề tâm là chí nguyện đưa mọi người tới giải thoát cứu cánh.
  • Bố thí là ý nguyện dâng niềm vui cho người,
  • Trì giới là ý nguyện bảo vệ cho mình và cho người.
  • Nhẫn nhục là ý nguyện đem lại sự hòa bình cho mình và cho người,
  • Tinh tiến là sự siêng năng,
  • Thiền định là sự nhiếp tâm, sự tĩnh lặng,
  • Trí tuệ là sự hiểu biết,
  • Tứ vô lượng tâm (Brahmavihāra) là từ (Maitrī), bi (Karuṇā), hỷ (Muditā), và xả (Upekṣā),
  • Tứ nhiếp pháp là bố thí, ái ngữ, lợi hành, và đồng sự,
  • Phương tiện là những phương pháp khéo léo để độ người,
  • Ba mươi bảy phẩm trợ đạo trong đó có Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần, Bát thánh đạo phần
  • Hồi hướng tâm là tâm hồi hướng những công đức cho hạnh phúc chung.

Tự mình giữ giới hạnh, không chê chỗ kém sút của người khác, thực tập mười điều lành, đó là những chất liệu làm cho cõi Tịnh độ của mình càng ngày càng thanh tịnh, càng có hạnh phúc.

2. Hình ảnh “Ngồi thiền” của kinh Duy Ma Cật

Chỉ cần ngồi trong ba cõi này tức là dục giới, sắc giới và vô sắc giới, mà mình không bị lay động thì mới gọi là ngồi thiền. Không phải ngồi để vượt khỏi tam giới, để đi vào diệt tận định thì mới gọi là ngồi thiền cao.

Ngồi ngay giữa nơi thị tứ mà thân tâm không động thì mới gọi là ngồi thiền cao. Không khởi diệt tận định mà hiện các oai nghi, không vào diệt tận định mà những đi đứng, nằm ngồi của mình biểu lộ rằng mình trú trong thiền định thì mới đúng là ngồi thiền. Trong khi vẫn làm những công việc của đời mà tâm mình vẫn an trú trong đạo pháp thì mới là ngồi thiền. Tâm mình không là nội hướng, cũng không phải là ngoại hướng mới gọi là ngồi thiền. Đừng nghĩ rằng phải nhiếp tâm về nội hướng mới là ngồi thiền

3. Hình ảnh “Thuyết pháp” của kinh Duy Ma Cật

Cư sĩ Duy Ma Cật cho rằng bản chất của tướng pháp là “không diễn thuyết được”, người thuyết thì không nói mà người nhận thì không nghe, không đắc do pháp là ly ngôn từ, là thực tại tuyệt đối, ta không thể dùng khái niệm và ngôn từ để “miêu tả”. Pháp tính ly ngôn thuyết, ly văn tự, có nghĩa là bản tính của Pháp là không thể chứa đựng, không thể miêu tả bằng ngôn từ. Còn dùng những khái niệm, những danh từ, do đó Pháp mà Tôn giả Mục-Kiền-Liên thuyết là không đúng Pháp.

Pháp không có chúng sinh, nên lìa khỏi cấu trược của chúng sinh. Pháp không có ta, nên lìa khỏi cấu trược của ta. Pháp không có thọ mạng, nên lìa khỏi sinh tử. Pháp không có người, nên dứt hết khoản trước và khoản sau. Pháp thường yên lặng, nên dứt hết các tướng. Pháp lìa khỏi tướng, nên không có chỗ duyên leo.

Pháp không có danh tự, nên đứt hết ngôn ngữ. Pháp không có thuyết diễn, nên lìa khỏi giác quan. Pháp không có hình tướng, nên giống như hư không. Pháp không có hí luận, nên tất cánh là không. Pháp không có vật của ta, nên lìa vật của ta. Pháp không có phân biệt, nên lìa khỏi các thức. Pháp không có chỗ so sánh, nên không có sự đối đãi.

Pháp chẳng do nơi nhân, nên chẳng ở tại duyên. Pháp đồng tánh với nhau, nên thiệp nhập với các pháp. Pháp tùy theo lẽ như như, nên không tùy theo đâu cả. Pháp trụ ở thực tế, nên các bên đều chẳng khởi động. Pháp không có lay động, nên chẳng đeo theo sáu trần: hình sắc, âm thanh, mùi ngửi, vị nếm, xúc cảm, các pháp.

Pháp không có đi, không có lại, nên thường chẳng trụ. Pháp thuận với không, tùy theo vô tướng, ứng với vô tác. Pháp lìa khỏi tốt và xấu. Pháp không có thêm và bớt. Pháp không có sinh và diệt. Pháp không có chỗ về. Pháp vượt khỏi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm. Pháp không có cao và thấp. Pháp thường trụ chẳng động. Pháp lìa khỏi tất cả mọi sự quán sát và hành đạo.

Trong đoạn phân tích thuyết pháp này, thật ra ông Duy Ma Cật chỉ muốn giãi bày một sự  thật rằng đối với “thuyết pháp” thì không thể “miêu tả”, pháp không thể tả như một đồ vật mà chỉ có thể nương vào “pháp” để trực nhận “pháp” mà thôi. Nếu đã không thể miêu tả, chỉ có thể trực nhận, thì người thuyết cần sự khéo léo, quán căn cơ người tiếp nhận, khả năng tiếp nhận của họ tới đâu, vì chân lý là ly ngôn từ, nếu thuyết pháp không khéo sẽ dễ khiến cho người nghe mắc kẹt vào từ ngữ, chấp vào từ ngữ và đi sai khỏi giáo lý.

4. Hình ảnh “Pháp bình đẳng” của kinh Duy Ma Cật

Hình ảnh “pháp bình đẳng” được thể hiện dưới vỏ bọc của hành động khất thực. Trong kinh diễn tả bối cảnh là Tôn giả Ca Diếp khất thực tại các xóm nghèo vì lòng từ bi muốn giúp những người nghèo khổ có cơ hội gieo duyên, cơ hội làm phước báu và cơ hội được nghe pháp. Điều này hoàn toàn đúng, thể hiện lòng thương cảm sâu sắc.

Thế nhưng, cư sĩ Duy Ma Cật đã thể hiện một lăng kính khiến người đọc hoàn toàn bất ngờ. Chính nhờ việc khất thực đó mà ông Duy Ma Cật thể hiện được ý niệm “bình đẳng”. Cư sĩ Duy Ma Cật cho rằng đã là khất thực, bắt buộc phải có thứ lớp, không nên phân biệt bất kì nhà nào, nhà nào cũng xin, vì đã là xin ăn thì không được lựa chọn dù rằng đó là vì “sự lựa chọn có chủ đích tốt bụng”.

Trong vấn đề nhận cơm, cần vượt thoát ý niệm về nhận, về người nhận – người cho, và về đối tượng của sự cúng dường. Ba ý niệm đó biến mất, tức là không còn kẹt vào ý niệm nhận, cho và của nhận, của cho nữa.

Vì bỏ tướng hòa hiệp, mới nên bốc lấy thức ăn. Vì chẳng thọ nhận, mới nên thọ nhận đồ ăn ấy. Vì xem làng xóm như nơi không dân cư, nên mới đi vào xóm làng. Chỗ thấy hình sắc với chỗ không nhìn thấy của kẻ mù đều như nhau. Âm thanh nghe được với tiếng dội lại đều như nhau. Mùi ngửi với gió đều như nhau. Những món mà mình ăn, mình chẳng phân biệt mùi vị. Thọ cảm sự đụng cọ, dường như trí chứng. Hiểu biết các pháp như tướng ảo hóa: không có tánh của mình, không có tánh của vật • khác; xưa vốn chẳng cháy, nay cũng không tắt.

Đoạn kinh này làm bật lên khái niệm bình đẳng cực kì mạnh mẽ, không phân biệt dù chỉ là thứ nhỏ nhất. Một người tu hành luôn luôn phải trụ vững nơi pháp bình đẳng.

Ngoài ra, cư sĩ Duy Ma Cật cũng thể hiện ý niệm về sự bình đẳng còn phải nằm ở tư tưởng lìa mọi tướng trạng, sự giải thoát không nằm riêng ở dứt bỏ tham, sân, si, mà ngay ở sự tham, sân, si cũng phải thấy được sự giải thoát. Sự bình đẳng là chẳng đắc quả, cũng chẳng phải chẳng đắc quả. Chẳng phải phàm phu, chẳng phải lìa pháp phàm phu; chẳng phải thánh nhân, chẳng phải lìa pháp thánh nhân; thành tựu mọi pháp, nhưng cũng phải lìa mọi tướng pháp.

5. Hình ảnh “Sinh, diệt” của kinh Duy Ma Cật

Theo nghĩa đơn giản nhất, thì vô thường tức là sinh diệt trong mỗi sát na. Ở góc độ Duy Ma Cật, vị cư sĩ này khẳng định tư tưởng đã là thật tướng pháp, thì không thể đem tâm sinh diệt mà trình bày. Đối với Duy Ma Cật thì các pháp chưa bao giờ từng sinh, cũng như chưa bao giờ từng diệt. Sinh diệt là hiện tướng bề ngoài, còn bản chất của các pháp là không sinh, không diệt. Cũng như sóng và nước. Đứng về phương diện sóng thì thấy như có lên, có xuống, có sinh, có diệt. Nhưng đứng về phương diện nước thì không lên, không xuống, không sinh, không diệt.

Phải thấy được ngã và vô ngã là hai mặt của một thực tại, ngã chính thực là vô ngã, vô ngã chính thực là ngã, thì lúc đó mới thực sự hiểu được thế nào là vô ngã. Khi thấy được rằng cái có chính là cái không, và cái không chính là cái có, nghĩa là Diệu Hữu là Chân Không và Chân Không chính là Diệu Hữu, thì lúc đó mới hiểu được chữ Không của Phật nói.

Duy Ma Cật cho rằng “ngã” và “vô ngã” vốn chẳng hai, pháp xưa này thì vốn chẳng mất, các pháp đã nằm trong tự tính Niết bàn của chúng rồi. Niết bàn không nằm trong tương lai, Niết bàn đang nằm trong hiện tại, vì tất cả các pháp đang an trú trong Niết bàn, các pháp đã có Niết bàn tính, mọi pháp đều mang trong tự thân của nó tính chất của Niết bàn.

6. Hình ảnh “Xuất gia” của kinh Duy Ma Cật

Xuất gia theo quan niệm của chúng sinh, là một hành động mang giá trị ý nghĩa lớn, lợi ích, công đức không thể nghĩ bàn. Thế nhưng, đối với vị cư sĩ Duy Ma Cật mà nói thì xuất gia là xuất gia thôi, không cần lợi lạc, không cần công đức!

Ở ngoài đời những pháp hữu vi người ta nói có lợi, có công đức, nhưng xuất gia là một pháp vô vi, đã buông bỏ hết, nên đừng nói chuyện lợi hay không lợi ở đây. Khi xuất gia thật sự thì không thấy sự phân biệt giữa tại gia và xuất gia nữa.

Khi mình xa lìa được sáu mươi hai kiến chấp của ngoại đạo, mình an trú trong Niết bàn, mình hàng phục được các phiền não và ma oán, khi mình nhiếp thọ được tâm ý và sáu căn của mình thì mình mới thật sự xuất gia. Không nhất thiết cứ phải xuất gia, chỉ cần phát tâm Vô thượng Bồ đề là đủ, tại vì đó là xuất gia chân chính.

7. Hình ảnh “Thực tại” của kinh Duy Ma Cật

Thực tại vượt ra khỏi ý niệm về quá khứ, về hiện tại, và về tương lai. Tại vì quá khứ đã qua rồi, còn tương lai chưa đến, và hiện tại thì mình đâu có nắm bắt được? Vừa thấy nó thì nó đã trở thành quá khứ rồi.

Ông Duy Ma Cật nói thêm rằng: “Thực tại trong bản chất của nó vốn là Niết bàn, vốn là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh rồi.”  Đứng về phương diện bản môn, chân như và bản thể thì không có quá khứ, hiện tại, vị lai, không có chuyện đã chứng đạt, chưa chứng hay sẽ chứng. Cũng như khi chúng ta nói về sóng và nước. Đứng về phương diện nước thì ta thấy không lên không xuống, không cao không thấp. Đứng về phương diện sóng thì ta nói có cao, có thấp, có lên, có xuống.

8. Hình ảnh “Đạo tràng” của kinh Duy Ma Cật

Khái niệm đạo tràng theo lăng kính của Duy Ma Cật:

  • Trực tâm là Đạo tràng. Trực tâm tức là tâm chính trực, tâm ngay thẳng, không hư dối.
  • Phát hạnh là đạo tràng. Phát hạnh là làm xong được tất cả những việc mình muốn làm.
  • Thâm tâm là đạo tràng. Vì thâm tâm có thể thực hiện được nhiều công đức.
  • Bồ đề tâm là đạo tràng. Vì Bồ đề tâm không có những sự sai lầm.
  • Bố thí là đạo tràng. Vì không mong có phước báu khi bố thí.
  • Trì giới là đạo tràng, nhẫn nhục là đạo tràng, tinh tấn là đạo tràng, thiền định là đạo tràng, trí tuệ là đạo tràng, từ là đạo tràng, bi là đạo tràng, hỷ là đạo tràng, xả là đạo tràng, tứ nhiếp pháp là đạo tràng, đa văn là đạo tràng, chánh quán phục tâm là đạo tràng, ba mươi bảy phẩm trợ đạo là đạo tràng, tứ diệu đế là đạo tràng, đạo lý duyên khởi là đạo tràng.
  • Phiền não là đạo tràng. Điều này có nghĩa là tôi thực tập ngay trong thế gian có phiền não, tôi không chạy trốn phiền não. Chính nhờ có phiền não trong tâm và chung quanh tôi cho nên tôi mới thực tập chánh niệm để chuyển hóa chúng được.
  • Tất cả các pháp là đạo tràng. Ta không chạy trốn, ta không sợ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Ta ở ngay trong thế giới đó mà thực tập.
  • Tam giới là đạo tràng, hàng ma là đạo tràng. Ma tôi cũng không sợ, ba cõi tôi cũng không sợ.
  • Sư tử hống là đạo tràng, thập lực, vô úy, bất cọng pháp là đạo tràng.

9. Hình ảnh “Pháp lạc” của kinh Duy Ma Cật

Theo ông Duy Ma Cật, Pháp lạc là:
“Tin ở Phật là một niềm vui, đi nghe pháp thoại là một niềm vui, được cúng dường Tam Bảo, nấu cơm cho họ ăn sau khi họ nghe pháp thoại là một niềm vui.

Buông bỏ năm đối tượng dục lạc là một niềm vui, thấy được sự nguy hiểm của năm uẩn của mình là một niềm vui, làm cho chúng sinh được lợi ích là một niềm vui, nghe theo và cúng dường các bậc sư trưởng là một niềm vui, vun trồng các cội lành là một niềm vui, thực tập chánh niệm, thiền định là một niềm vui, đoạn trừ phiền não là một niềm vui, v.v…”

10. Hình ảnh “Hoá độ – Truyền bá giáo lý Phật giáo” của kinh Duy Ma Cật

Kinh thể hiện góc nhìn hóa độ rất đặc sắc và rất “riêng”. Bối cảnh được xây dựng vào một hôm Bồ Tát Trì Thế đang ngồi thiền, thì ma Ba-tuần mang tới hàng ngàn thiên nữ xinh đẹp để dụ dỗ Bồ Tát. Với sự tu tập của mình, Bồ Tát đã từ chối mọi sự mời gọi của ma vương.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây chính là sự xuất hiện của cư sĩ Duy Ma Cật. Ông Duy Ma Cật đã thị hiện ngay sau đó, và xin thu nhận hàng ngàn thiên nữ hộ Bồ Tát Trì Thế. Từ đoạn này, lăng kính hoá độ của kinh được thể hiện rất đẹp, ông Duy Ma Cật khuyên các nàng thiên nữ hay phát tâm A-nậu-đa-la, Tam miệu Tam Bồ Đề, hãy từ bỏ lạc của ngũ dục, thay vào đó tìm tới lạc của “Pháp”, và sự truyền bá giáo lý được ông chỉ dạy dưới hình ảnh pháp môn mang tên “Đèn không dứt”

Này các cô, có một phép tu gọi làĐèn không dứt. Các cô nên học phép tu ấy. Đèn không dứt có nghĩa là, như từ một ngọn đèn, mồi sáng ra trăm ngàn ngọn đèn liên tiếp. Những chỗ tối đều trở nên sáng, mà ánh sáng không hề dứt.

Cũng vậy, một vị Bồ Tát mở đạo cho trăm ngàn chúng sinh, khiến cho tất cả đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Mà cái đạo ý ấy cũng không bao giờ đứt. Tùy theo chỗ thuyết pháp, tự mình tăng trưởng tất cả pháp lành. Đó gọi là Đèn không dứt. Các cô tuy ở nơi cung ma, hãy dùng phép tuĐèn không dứt này mà làm cho vô số thiên tử và thiên nữ đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Đó là báo đáp ơn Phật, cũng là làm lợi ích lớn cho tất cả chúng sinh?

Đèn không dứt, hay nói một cách khác thì ông Duy Ma Cật coi mình như ngọn đèn, truyền lửa sang cho ngọn đèn khác, với hi vọng những ngọn đèn tiếp theo sẽ truyền tiếp không ngừng. Ngọn đèn trước có thể đã tắt, nhưng ngọn đèn tiếp nối sẽ vẫn tiếp tục truyền lửa, và ánh sáng sẽ không dứt.

  • Quan điểm “Hội pháp thí” của ông Duy Ma Cật: “Pháp thí là hiến tặng cho tất cả chúng sinh, và hiến tặng cùng một lúc chứ không phải kẻ trước người sau. Pháp thí thì cứu trợ được tất cả chúng sinh, và cứu trợ đồng một lượt, không bỏ rơi ai hế Cách cứu trợ mà tôi nói ở đây được làm bằng chất liệu từ, bi, hỷ, xả; bằng sáu phép Ba la mật; Ba cánh cửa giải thoát Không, Vô tướng, Vô tác; Tứ nhiếp pháp: Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành, và Đồng sự. Khi thực tập bố thí Pháp bằng sự thực hành của chúng ta, và thực hành trong môi trường của tất cả chúng sinh, thì đúng là ta đang thực tập bố thí, thực tập chia sẻ theo nghĩa tuyệt đối của nó. Chúng ta làm lợi cho tất cả chúng sinh cùng một lượt, và không loại bỏ một chúng sinh nào ra khỏi vùng Đại Bi Tâm của chúng ta.”

11. Hình ảnh “Bệnh” của Bồ Tát trong kinh Duy Ma Cật

Bệnh của cư sĩ Duy Ma Cật được ông diễn ta nguyên nhân là do từ nơi si mê mà có ái nhiễm cho nên bệnh sinh. Căn bệnh của chúng sinh là từ sự si mê. Si mê nên mới có ái. Ái ở đây có nghĩa là bám víu vào, níu chặt lấy, khao khát những cái không đáng khao khát. Vì vậy mà những đau khổ phát sinh. Đó là bệnh. Trong mười hai nhân duyên, ái là nhân duyên đưa tới thủ, tức là sự kẹt vào. Ái thủ là bệnh chung của chúng sinh.

Một trong những câu nói nổi tiếng của Duy Ma Cật chính là: “Vì tất cả chúng sinh bệnh nên tôi bệnh”. Sống trong một xã hội toàn đề cao vật chất, tham danh hư ảo, sân si đố kỵ, cũng như hít thở trong bầu không khí độc hại, thì tất cả những gì mình nghe, mình thấy, mình cảm và hít thở đều có thể là những đường dây truyền bệnh cho mình. Sớm muộn gì mình cũng sẽ bị lây bệnh tham đắm của xã hội

Vị Bồ tát tuyên bố rằng thân này là vô thường, nhưng vẫn không nhàm chán, ghét bỏ thân này. Tuy tuyên bố rằng thân này có khổ, nhưng vẫn không có ý định buông bỏ thân này để đi vào Niết bàn tịch diệt.

Tuy nói rằng thân này là vô ngã nhưng vẫn đem thân đó đi sâu vào trong môi trường khổ đau của chúng sinh để độ thoát họ. Như vậy Bồ tát chấp nhận sự thật vô thường, nhưng không từ bỏ vô thường, chấp nhận sự thật khổ nhưng không trốn chạy khổ, chấp nhận sự thật vô ngã nhưng vẫn dùng bản thân mình để đi vào độ thoát chúng sinh, tức là vẫn sử dụng ngã (có người độ và có người được độ).

Chứ không nói rằng không có ngã, cho nên không có người nào cần được độ! Vô ngã như vậy là vô ngã lý thuyết, không đích thực là vô ngã. Nói rằng thân này là không tịch (không tịch ở đây nghĩa là lìa các tướng), nhưng không nói rằng tôi phải bỏ cuộc đời để đi tìm cái tĩnh lặng ở trong Niết bàn. Nói rằng phải sám hối những tội, những lỗi lầm ngày xưa, nhưng không bị kẹt vào ý niệm về quá khứ.

Phải lấy bệnh mình mà thương bệnh người, nghĩa là nếu không có bệnh, mình sẽ không thấy được, không hiểu được những đau khổ của những cơn bệnh. Nếu không biết cách để xử lý những đau khổ của chính mình thì không thể nào thấy được cái đau khổ của người, không thể nào thương được người, và giúp được người.

Hình ảnh kinh điển của phân đoạn này chính là nguyên nhân dẫn tới bệnh Bồ tát chính là do chúng sinh “mắc bệnh”. Khi được hỏi lý do Bồ tát vì đâu mà bệnh, cư sĩ Duy Ma Cật nói rằng do lòng khởi phát từ bi, để làm rõ điều này, ông đã so sánh điều đó giống như bố mẹ đau lòng, phiền muộn khi thấy con mình đau ốm vậy.

Bệnh của Bồ Tát là do các phiền não vọng tưởng điên đảo đời trước mà ra, không có thân thật, nhưng tứ đại hoà hợp đã thành thì phải thọ nhận bệnh. Khi Bồ Tát đã biết gốc bệnh thì chẳng còn chấp trước, quyết lìa mọi tướng. Gốc bệnh là do có sự “phan duyên”. Phan duyên với cảnh của ba cõi: Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới. Cư sĩ Duy Ma Cật nêu quan điểm muốn dứt trừ gốc bệnh cần những điều sau:

  • Nên dùng lẽ không có chỗ chứng đắc, không thấy mình được quả vị nào cả, vì nếu đã thấy như thế, tức là không còn chỗ phan duyên. Không chỗ chứng đắc, tức không phân biệt mình và chúng sinh, mà nếu đã không còn phân biệt, thì thấy mọi thứ đều là giả tạm, đã không thật thì không sinh bệnh, có chăng chỉ do vọng tưởng mà thôi.
  • Dầu sinh ra ở chốn nào, không để cái thấy ngăn che, sinh sống không bị trói buộc, thuyết pháp cởi mở không phân biệt.

12. Hình ảnh “Không” của kinh Duy Ma Cật

“Không” làm bằng chất liệu gì? Cư sĩ Duy Ma cho rằng: “Không” làm bằng chất liệu không. Nếu bản chất của nó là không thì tại sao mình phải làm ra cái “Không” nữa? Bản chất của nó là không phân biệt, cho nên nó mới là “Không”. Nghĩa là bản chất của “Không”, vì không thể phân biệt được cho nên nó mới đích thực là “Không”. Nói rõ hơn là ta không thể dùng trí phân biệt để thấu đạt được bản chất của “Không”. Trí phân biệt của ta là một pháp, vì vậy mà bản tính của nó cũng là “Không”.

13. Hình ảnh “Hạnh Bồ Tát” của kinh Duy Ma Cật

Đối với Duy Ma Cật, ông cho rằng hạnh của một vị Bồ Tát bao gồm những điều sau:

“Ở tại sinh tử, chẳng làm việc ô trược, trụ nơi Niết bàn, chẳng diệt độ mãi mãi. Đó là hạnh Bồ Tát.

Chẳng phải hạnh phàm phu, chẳng phải hạnh hiển thánh. Đó là hạnh Bồ Tát.

Chẳng phải hạnh cấu uế, chẳng phải thanh tịnh. Đó là hạnh Bồ Tát.

Tuy vượt khỏi hạnh của ma, nhưng thị hiện hàng phục chúng ma. Đó là hạnh Bồ Tát.

Cầu cái trí biết tất cả, mà chẳng cầu không đúng lúc.Đó là hạnh B Tát.

Tuy quán các pháp chẳng sinh, nhưng chẳng vào chánh vị, Niết bàn của Tiểu thừa. Đó là hạnh Bồ Tát.

Tuy quán mười hai duyên khởi, nhưng cũng vào các tà kiến. Đó là hạnh Bồ Tát.

Tuy nhiếp phục tất cả chúng sinh, nhưng chẳng luyến ái chấp trước. Đó là hạnh Bồ Tát.

Tuy ưa mến cuộc xa lìa, nhưng chẳng nương theo lẽ thân tâm dứt hết, Đó là hạnh Bồ Tát.

Tuy hành lẽ ba cõi, nhưng chẳng bỏ tánh pháp. Đó là hạnh Bồ Tát.

Tuy hành lẽ không, nhưng trồng các cội lành. Đó là hạnh Bồ Tát.

Tuy hành lẽ vô thường, nhưng độ các chúng sinh. Đó là hạnh Bồ Tát.

Tuy hành lẽ vô tác, nhưng thị hiện thọ lấy thân là hạnh Bồ Tát.

Tuy hành lẽ vô khởi, nhưng khởi tất cả nết lành. Đó là hạnh Bồ Tát.

Tuy hành sáu ba-la-mật, nhưng mở rộng ra các pháp về tâm, tâm số của chúng sinh. Đó là hạnh Bồ Tát.

Tuy hành sáu thần thông, nhưng chẳng dứt hết phiền não. Đó là hạnh Bồ Tát.

Tuy hành bốn tâm vô lượng: đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, nhưng chẳng ham muốn sinh nơi cõi Phạm thiên. Đó là hạnh Bồ Tát.

Tuy hành Thiền định giải thoát Tam-muội nhưng chẳng nương theo thiền định mà sinh nơi cõi trời. Đó là hạnh Bồ Tát.

Tuy hành bốn niệm xứ, nhưng chẳng rốt ráo lìa khỏi bốn chỗ: thân, thọ, tâm, pháp. Đó là hạnh Bồ Tát.

Tuy hành bốn chánh cần, nhưng không bỏ sức tinh tấn của thân tâm. Đó là hạnh Bồ Tát.

Tuy hành bốn như ý túc, nhưng tự mình được các phép thần thông tự tại. Đó là hạnh Bồ Tát.

Tuy hành năm pháp căn bản, nhưng phân biệt được các căn tánh chậm lụt hoặc lanh lợi của chúng sinh. Đó là hạnh Bồ Tát.

Tuy hành năm sức, nhưng vui cầu mười lực của Phật.Đó là hạnh Bồ Tát.

Tuy hành bảy phần giác, nhưng phân biệt được trí huệ của Phật. Đó là hạnh Bồ Tát.

Tuy hành Tám chính đạo, nhưng ưa hành Phật đạo vô lượng. Đó là hạnh Bồ Tát.

Tuy hành pháp chỉ quán trợ đạo, nhưng cuối cùng chẳng rơi vào nơi tịch diệt. Đó là hạnh Bồ Tát.

Tuy hành lẽ các pháp chẳng sinh chẳng diệt, nhưng dùng những tướng chánh và những tướng phụ mà trang nghiêm thân mình. Đó là hạnh Bồ Tát.

Tuy hiện oai nghi của Thanh văn, Bích chi Phật, nhưng chẳng bỏ Phật Pháp. Đó là hạnh Bồ Tát.

Tuy nương theo tướng cứu cánh thanh tịnh của các pháp, nhưng cũng nương theo chỗ ứng hợp mà thị hiện thân mình. Đó là hạnh Bồ Tát.

Tuy quán các cõi Phật yên lặng vĩnh viễn như cõi không, nhưng cũng hiện ra các cõi thanh tịnh của Phật. Đó là hạnh Bô Tát.

Tuy đắc Phật đạo, quay bánh xe pháp vào Niết-bàn, nhưng chẳng bỏ đạo của Bồ Tát. Đó là hạnh Bồ Tát.”

14. Hình ảnh “Từ, bi, hỷ, xả” của kinh Duy Ma Cật

Từ bi hỷ xả phải được thực tập với thái độ vô tướng, hoan hỷ, và không cố chấp. Xả tức là sự buông bỏ, làm mà không cần ai biết, làm ơn mà không cần sự đền ơn, không cần ghi vào sổ công đức. Niềm vui thực tập tràn ngập trái tim của mình và trái tim của chúng sinh, làm tan biến tất cả những hối hận, những mặc cảm tội lỗi trong quá khứ. Đó gọi là hỷ. Từ bi là những thực tập để đem lại sự bớt khổ và thêm vui cho chúng sinh, cũng phải được thực tập trong tinh thần hỷ và xả ấy.

Bồ Tát hành động phải trụ nơi chí nguyện độ thoát tất cả chúng sinh, tức là tất cả hành động của mình phải được căn cứ trên một ý niệm duy nhất, đó là cứu độ chúng sinh. Có chí nguyện đó thì mình mới không là hạt giống hư thối. Không có chí nguyện đó thì dù mình có làm gì đi nữa, cũng có thể trở thành một hạt giống thối. Đó gọi là Bồ đề tâm.

15. Hình ảnh “Tham dục” của kinh Duy Ma Cật

-Tham dục lấy gì làm gốc?
Tham dục lấy hư vọng phân biệt làm gốc. Hư vọng là vô minh, là những tri giác sai lầm của mình. Chúng là gốc của tham dục; vì không thấy rõ nên mình mới đam mê chạy theo những thứ đó.

-Hư vọng phân biệt lấy gì làm gốc?
Tưởng điên đảo là gốc. Tưởng điên đảo tức là sự sai lầm của tri giác, dịch từ chữ Hán đảo tưởng. Điên đảo có nghĩa là lộn ngược đầu.

-Tưởng điên đảo lấy gì làm gốc?
Không trụ là gốc. Không trụ tiếng Hán là vô trú.

-Không trụ lấy gì làm gốc?
Không trụ thì không gốc.

16. Hình ảnh “Hạt giống Như Lai” của kinh Duy Ma Cật

Những hạt giống nào có thể đem tới hoa trái của Như Lai?

“Bồ tát Văn Thù trả lời: Sự kiện mình có thân thể của mình hiện giờ là hạt giống của Như lai.
Thân của mình, có khi mình gọi là nguồn gốc của tội lỗi. Tuy nhiên, nếu không có thân thể này thì làm sao tu tập và hành đạo độ đời được?

-Ngài Văn Thù nói thêm:
“Vô minh ái thủ là hạt giống. Nếu không có vô minh, không có ái, không có thủ, thì mình không thể nào đạt được trí tuệ, dứt trừ tham ái và giải thoát được. Trí tuệ là do sự chuyển hóa của vô minh mà có.

Tham, sân, si là hạt giống Như Lai. Nếu không có những rác rưởi đó thì mình không làm sao tạo được bông hoa giác ngộ. Tóm lại, sáu mươi hai thứ tà kiến và tất cả phiền não đều là hạt giống của Như Lai. Sáu mươi hai kiến chấp, sáu mươi hai tà thuyết mà chúng ta đã được nghe từ kinh Phạm Võng, và tất cả những phiền não như tham, sân, si, mạn, nghi, kiến, v.v… đều là hạt giống của Như Lai.

Giác ngộ làm bằng chất liệu của phiền não. Nếu không có phiền não thì không có giác ngộ, không có phân rác thì sẽ không có hoa. Vì vậy chúng ta thường nghe nói phiền não tức là Bồ đề. Cũng như nói tay phải là tay trái, vì nếu không có tay phải thì không thể nào có tay trái.”

-Cư sĩ Duy Ma Cật hỏi:
“Tại sao như vậy?”

-Bồ tát Văn Thù giải thích:
“Người nào thấy thân này là bất tịnh, là nguồn gốc của tội lỗi, thấy cuộc đời này đầy rẫy những ác trược mà chán bỏ, muốn đi tìm sự giải thoát, muốn trốn tránh thân này, xã hội này, cuộc đời này, thì người đó dù có đi vào Niết bàn, thì Niết bàn đó cũng không phải là giải thoát. Niết bàn đó chỉ là một nơi để trốn tránh tạm bợ.

Nơi đó hạt giống Như Lai, hạt giống của từ bi bị hư thối. Vì vậy thái độ trốn tránh bản thân mình, trốn tránh xã hội, trốn tránh thế giới đầy ác trược, đầy mưu toan, đầy đau khổ, không phải là thái độ của đạo Phật, mà là những thái độ làm hư thối hạt giống của Như Lai.

Hạt giống của Như Lai là hạt giống của tình thương, của trí tuệ. Tình thương và trí tuệ phải được thực tập ngay trong cuộc sống đau khổ này.”

-Kế đến, Ngài Văn Thù nói:
“Nếu không đi vào trong biển lớn thì chúng ta sẽ không tìm được những bảo châu vô giá, nếu không đi vào trong biển phiền não thì chúng ta không đạt được sự giác ngộ gọi là Nhất Thiết Trí. Vì vậy cuộc đời đầy những phiền não, thân thể đầy những tội lỗi, nhưng nếu không vào đó thì ta không thể nào đạt được trí tuệ giác ngộ cao tột.”

17. Hình ảnh pháp môn “Không hai” của kinh Duy Ma Cật

Pháp môn không hai là hình ảnh kinh điển của kinh Duy Ma Cật. Không “hai”, tức nói một là sai, mà bảo hai cũng là không đúng. Không phải một, mà chẳng phải hai; hay không có cái này thì chẳng thể có cái kia, từ cái này dẫn tới cái kia; chính vì lẽ nương nhau mà có đó, cho nên không thể gọi là “một” hay là “hai”.

Ví như hạt giống xoài, nảy mầm thành cây xoài, gọi 2 thứ này là “một” chắc chắn là sai, nhưng nếu gọi đó là “hai” thứ riêng biệt, thì lại chưa hoàn toàn chính xác, thoả đáng; bởi vì, phải có hạt xoài, mới dẫn tới có cây xoài. Từ góc độ của kinh, kinh đã chia sẻ một loạt các ý niệm về Pháp môn Không hai như sau:

  • Sinh với diệt chẳng phải một, nhưng phải có sinh thì mới có diệt
  • Ta”, với “vật của ta” chẳng phải một, nhưng nếu không có cái “ta” hay sự sở hữu “của ta” thì lại chẳng còn vật của ta.
  • Phiền não với không phiền não là hai. Nếu đạt đến chỗ các pháp đều bình đẳng, ắt chẳng sinh khởi những tư tưởng có phiền não hay không có phiền não. Chẳng chấp trước tướng, cũng chẳng trụ nơi không tướng.
  • Hữu vi với vô vi là hai. Nếu lìa khỏi tất cả tính đếm thì tâm như hư không. Nhờ trí huệ thanh tịnh, nên không có chi trở ngại.
  • Thế gian với xuất thế gian là hai. Tánh của thế gian là không, như vậy là xuất thế gian. Trong đó chẳng có vào, chẳng có ra, chẳng có sự đầy tràn, chẳng có sự lìa tan.
  • Ngã với vô ngã là hai. Cái ngã còn không thể nắm bắt, làm sao có thể nắm bắt cái vô ngã? Nếu thấy được tánh thật của ngã thì chẳng còn phát khởi cái tư tưởng phân hai
  • Sáng suốt với mê lầm là hai. Tánh thật của mê lầm chính là sáng suốt. Cái sáng suốt cũng không thể nắm giữ, lìa khỏi sự tính đếm. Đối với lẽ ấy, lòng bình đẳng chẳng phân hai.

Nguyên lý bất nhị (Không hai): Những tư tưởng như dâm, như nộ, như si, tức là tham ái, dục lạc, giận dữ và si mê, mà mình không có tâm chán ghét và trốn chạy chúng, cũng không đồng nhất mình với chúng. Mình không nghĩ rằng si ái và giải thoát là hai cái hoàn toàn khác biệt nhau. Mình lại thấy được rằng trong năm tội ngỗ nghịch có chất liệu của sự giải thoát; trong cái trói có cái mở, trong cái mở có cái trói; trong Tứ đế có những yếu tố không phải là Tứ đế mà có những chất liệu phàm phu” .

Chúng ta cần lĩnh hội được giáo lý rằng có bùn mới có hoa sen, nhìn vào thanh tịnh phải thấy được cả ô uế, nhìn vào phiền não, phải nhận được cả Niết Bàn. Nhìn một vật nào đó cũng đều phải thấy được những thứ làm ra nó mà không hiện hữu ở đây, không phải là nó; ví như nhìn vào quả xoài, phải nhận thấy những thứ không phải quả xoài như đất, nước, ánh sáng,… nhưng những thứ ấy lại góp phần tạo ra quả xoài.

18. Hình ảnh “Tâm phân biệt” của kinh Duy Ma Cật

Phẩm thứ mười của Kinh, chia sẻ thẳng thắn tới sự phân biệt trong tâm, dù không thừa nhận nhưng chúng sinh không thể chối cãi những phân biệt vi tế sâu trong lòng mình. Đôi khi là sự phân biệt của các phật tử giữa chùa này với chùa khác, giữa vị này với vị khác mà quên đi mất điều cốt yếu quan trọng là giáo lý, ý nghĩa bài học mình cần học.

19. Hình ảnh cõi “Tịnh độ” của kinh Duy Ma Cật

Cư sĩ Duy Ma Cật nêu lên góc độ quan điểm phải thành tựu tám pháp sau đây mới sinh được về cõi Tịnh Độ:

19.1. Làm lợi ích cho chúng sinh mà không mong đền đáp.

19.2. Gánh chịu mọi điều khổ thế cho chúng sinh.

19.3. Hồi hướng cho chúng sinh những công đức mình làm được.

19.4. Có tâm bình đẳng với chúng sinh, không có tâm phân biệt.

19.5. Đối với Kinh chưa nghe, nghe mà không nghi ngại.

19.6. Không chống trái với hàng Thanh Văn.

19.7. Không ganh tị, tật đố với người được cúng dường, không khoe lợi lạc của mình.

19.8. Thường xét lỗi mình, không xét lỗi người.

20. Hình ảnh Phật A Súc với cõi “Tịnh độ” ở phương Đông của kinh Duy Ma Cật

Kinh Duy Ma Cật thể hiện lăng kính về cõi “Tịnh độ” một cách rất khác lạ, và đặc biệt. Kinh cho rằng có nhiều cõi “Tịnh độ”, cõi chúng sinh nghe nhiều nhất là cõi “Tây phương cực lạc” hay còn được biết tới cái tên là “Tịnh độ” ở phương Tây, do Phật A Di Đà là giáo chủ; ngoài ra, Kinh giới thiệu thêm về cõi “Tịnh độ” ở phương Đông, được gọi là cõi “Diệu Hỷ” của Phật A Súc (Hay còn gọi là Phật Bất Động).

21. Hình ảnh cúng dường “Pháp” (Pháp thí) của kinh Duy Ma Cật

Pháp thí hay còn gọi là bố thí pháp, được Kinh Duy Ma Cật nêu lênvì  kinh thâm diệu của chư Phật nói ra, tất cả trong đời khó tin khó nhận, nhiệm mẫu khó thấy, thanh tịnh không nhiễm, không phải lấy suy nghĩ phân biệt mà biết được. Nếu người nghe những kinh như vậy mà tin hiểu, thọ trì, đọc tụng, dùng sức phương tiện phân biệt giải nói, chỉ bày rành rẽ cho chúng sinh, giữ gìn chánh pháp, v.v… đó gọi là pháp cúng dường.

Trong pháp cúng dường, điều quan trọng nhất là “Hạnh cúng dường”, tức là thực hành được giáo pháp do Phật trao truyền. Ví như: Tùy thuận mười hai nhân duyên, lìa tà kiến, lìa các ngã sở, y theo nghĩa không y theo lời, y theo trí không y theo thức, y theo kinh liễu nghĩa không y theo kinh không liễu nghĩa, y theo pháp không y theo người, v.v…, đó gọi là pháp cúng dường cao tột.

  • Phần kết

Trong tác phẩm “Bồ tát tại gia, Bồ tát xuất gia”, cố Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết một đoạn phân tích, chia sẻ như sau về Kinh Duy Ma Cật:

Trong Kinh Duy Ma ta thấy quan điểm về Tịnh độ và quan điểm về thế giới được trình bày một cách rất rõ rệt. Cõi Tịnh độ đẹp đễ hay khổ đau; những hoàn cảnh đó, những y báo đó, đều do nhân cách của con người định đoạt. Tâm của mình như thế nào thì thế giới của mình như thế đó. Vì vậy mình không cần trốn chạy, mình chỉ cần thay đổi tâm của mình, chỉnh lý tâm của mình, gạn lọc tâm của mình thì thế giới nào cũng là Tịnh độ cả.

Trong kinh Duy Ma, sự sống hiện thực của chúng ta là căn bản. Kinh Duy Ma dạy chúng ta phải an trú tại đây, nghĩa là hai chân phải chấm đất ở cõi đời này, đừng tìm sự trốn chạy dù là trốn chạy đến một cõi Tịnh độ. Tịnh độ là do tâm mà ra và Duy Ma chú trọng đến cuộc sống hiện thực chứ không nhắm tới sự trốn tránh khổ đau ở trong một cõi Niết bàn nào khác.

Tất cả là tùy thuộc vào cách sống của mình trong ngày hôm nay. Nó là Tịnh độ, nó là Ta bà, nó là an lạc, nó là khổ đau, nó là giải thoát, nó là phiền trược, tất cả tùy thuộc vào thái độ và nhân cách của mình, tùy thuộc ở nhận thức của mình, và ở cách sống hàng ngày của mình trong hiện tại.

Tư tưởng về giải thoát bất tư nghị cũng vậy. Tư tưởng này dạy rằng chúng ta không nên xa lánh xã hội, phải sống ngay trong xã hội này, phải lấy những ao bùn để trồng hoa sen. Chính trong những ao bùn mà những bông sen đẹp nhất có thể nở được. Chính trong thế giới phiền não chúng ta mới đạt tới giải thoát và Niết bàn. Vì vậy những ngã chấp và ngã dục mà ta thấy là xấu xa dơ bẩn, nếu biết sử dụng thì chúng là những thứ phân bón để tạo nên bông hoa của Phật tính và của Bồ đề Tâm

(Trích tác phẩm: Bồ tát tại gia, Bồ tát xuất gia: Phần kết – Trang 233,234)

Tác giả: Cư sĩ Phúc Quang


TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Huyền thoại Duy – Ma – Cật, dịch bởi Tuệ Sỹ, NXB Phương Đông, 2007
  2. Duy – Ma – Cật Sở Thuyết (Vimalakirtinirdesa – Sutra), dịch bởi Tuệ Sỹ, NXB Phương Đông, 2008
  3. Kinh Duy Ma Cật, hán dịch: Dao Tần Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập Phụng Chiếu, biên dịch và chú giải: Đoàn Trung Còn & Nguyễn Minh Tiến, NXB Tôn Giáo, 2020
  4. Bồ tát tại gia, Bồ tát xuất gia (Kinh Duy Ma Cật giảng luận), tác giả: Cố Thiền sư Thích Nhất Hạnh, NXB Phuongnambook, NXB Thế Giới
  5. ttps://tapchinghiencuuphathoc.vn/moi-quan-he-bien-chung-va-y-nghia-phuong-phap-luan-cua-tinh-va-tuong-trong-kinh-duy-ma-cat.html#penci-3-Ket-luan

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 8585 2222 – 0914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

Thượng tọa Thích Đạo Thịnh

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 8585 2222 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường