Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Khảo cứu về chùa Vĩnh Tràng

Khảo cứu về chùa Vĩnh Tràng

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Dẫn luận

Chùa Vĩnh Tràng là một trong những ngôi chùa cổ đã được tồn tại gần hai thế kỷ hình thành và phát triển trên vùng đất Định Tường (xưa) và nay là Thành phố Mỹ Tho thuộc tỉnh Tiền Giang. Nơi đây đã gắn liền với các giai thoại lịch sử và những trận chiến công vang dội như cuộc chiến tranh Pháp – Việt, Quang Trung – Nguyễn Huệ đại phá quân Xiêm. Bên cạnh đó, tại vùng đất này có sự di trú của người Minh Hương trong công cuộc mở mang bờ cõi với những chính sách của chúa Nguyễn. Chính vì lẽ đó, nên các giá trị tâm linh buổi đầu đã được khơi dậy trong tâm thức của con người nhằm mang đến năng lượng an lành, tiếp thêm nguồn sức mạnh giúp cho đời sống có nơi nương tựa tinh thần vững chắc do đó giai đoạn này những ngôi chùa được lập nên trên vùng đất “Địa linh nhân kiệt” này.

1. Lịch sử hình thành và tôn tạo

Khi đến vùng đất Mỹ Tho những nhà hành trình du lịch tâm linh luôn chọn điểm dừng chân nơi ngôi cổ tự uy nghiêm có bề dày lịch sử lâu đời gần hai thế kỷ đó chính là chùa Vĩnh Tràng. Vùng đất nơi chùa tọa lạc với “…Vị trí Mỹ Tho thật tuyệt diệu. Nó chiếm một vị thế trung chuyển quan trọng vào bậc nhất cho các loại ghe chài to lớn từ miền Tây lên Chợ lớn (Sài Gòn) qua con kinh Bảo Định và con kinh Chợ Gạo. Mỹ Tho lại có con đường sắt đầu tiên của Đông Dương, con đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho và con đường thủy nối liền Sài Gòn và các tỉnh miền Tây lên tận Pnôm Penh qua bến Tàu Lục tỉnh Mỹ Tho….” [4. tr.7].

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Khao cuu ve chua Vinh Trang 1

Chùa Vĩnh Tràng nằm tại ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 73 km về hướng Tây Nam. Khi mới thành lập chùa chỉ là một ngôi thảo am và do ông bà Bùi Công Đạt (quan dưới triều Minh Mạng) mua một miếng đất dựng lập nên làm nơi tu hành lúc tuổi về hưu. Đây là một chi tiết khá quan trọng do chùa lập nên không phải do một vị tăng sĩ. Điều này chứng tỏ rằng: “Chùa ở miền Nam phần đông là chùa dân lập, là dạng cải gia vi tự” [3. tr.14]. Điểm này khác biệt so với các chùa ở miền Bắc được xây dựng do vua, chúa. Vì thế, ban đầu chùa có tên là “Chùa Ông Huyện” được thành lập vào đầu Thế kỷ XX từ những năm (1840-1849) và sau đó mới đổi tên là Vĩnh Trường tự được xây cất và mở rộng quy mô do HT.Huệ Đăng “Lúc mới xây vào đầu thế kỷ XIX, chùa rất nhỏ. Vào khoảng giữa thế kỷ XIX, hòa thượng Huệ Đăng ở chùa Giác Lâm đến tu ở đây, mới cùng các phật tử quyên góp tiền của, xây dựng mở rộng ngôi chùa” [6, tr.452] được xuất phát từ hai câu đối:

“永乆對山河
長存齊天地
Vĩnh cửu đối sơn hà
Trường tồn tề thiên địa” [ 5, tr.15]

Ngôi chùa lớn này đã hoàn thành vào năm Tự Đức thứ 2 (1849). Sau hơn nửa thế kỷ, năm 1907, hòa thượng Quảng Ân lại cho trùng tu chùa Vĩnh Tràng. Trong lần trùng tu này, các yếu tố kiến trúc châu Âu đã được kết hợp với các yếu tố truyền thống. Một hệ thống cửa vòm với nhiều cột con và lan can đã hiện lên trước mặt tiền chính điện. Trước chính điện là một sân cảnh với nhiều chậu cây xây vuông vắn. Trong chính điện, trên bàn thờ có nhiều tượng Phật như A Di Đà, Thích Ca, Di Lặc và các Bồ Tát. Các bao lam được chạm trổ rất đẹp.

2. Quá trình phát triển

Năm 1840 Tri huyện Bùi Công Đạt xây dựng am tranh vách lá, sau khi thỉnh HT.Thích Huệ Đăng về chùa vào năm 1849 đã đại trùng tu chùa mang tên Vĩnh Tràng. Đến giai đoạn 3 vào năm 1895 chính điện trùng tu lại do HT.Chánh Hậu. Vào năm 1930, khi HT.Minh Đàn đảm nhiệm trụ trì ngôi già lam đã đại trùng tu lại chính điện chùa Vĩnh Tràng, đồng thời cho xây dựng hai cổng có tên là Phương Tiện và Tịnh Độ. Đến 62 năm sau khi HT.Thích Hoằng Từ về chùa đã cho xây nhà Thiền phía sau chùa nhà thiền này đã được tháo dỡ để xây nhà ăn vào năm 2011.

Năm 2002, HT.Thích Huệ Minh đời trụ trì thứ 13 về đây đã cho tu sửa ao cá và làm lại hòn non bộ bên hông chùa trái chùa Vĩnh Tràng (từ trong nhìn ra), đồng thời xây dựng hàng rào và xây dựng lên “Giảng đường Huệ Đăng I”, nhà thiền đồng thời cổng chùa trải qua thời gian đã nghiêng nên cũng được Ngài cho sửa sang lại. Nơi đây là điểm dừng chân tâm linh nổi tiếng của du khách nói chung cũng như tín đồ tại tỉnh Tiền Giang nên Hòa thượng đã cho tôn tạo thêm “Tượng đức Phật A Di Đà, đức Di Lặc, Phật nhập Niết bàn” [ 5, tr.55] trong khoảng thời gian 7 năm tất cả đã được hoàn thành. Tiếp đến là công trình “Bảo Tháp Thất Phật” và “Xây dựng Giảng Đường Huệ Đăng II” hai hạng mục này tôn tạo từ 2015 đến 2017 hoàn thiện.

Hiện nay “chùa Vĩnh Tràng hiện nay là Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang”. Đồng thời cũng là nơi tổ chức nhiều sự kiện Phật giáo quan trọng. Hơn thế nữa, chùa để lại những dấu ấn quan trọng đối với du khách quốc tế qua các giá trị cổ vật cũng như công trình kiến trúc được kết hợp hài hòa, mang âm hưởng tâm linh sâu sắc. Giúp cho việc truyền bá chính pháp được rộng rãi không còn hạn hẹp.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Khao cuu ve chua Vinh Trang 2

3. Các thế hệ trụ trì

Đầu tiên phải nhớ đến công lao của Hòa thượng Huệ Đăng sinh năm 1794, thuộc dòng thiền Lâm Tế Chính Tông thứ 38, pháp hiệu Minh Liễu, đã khai sơn chùa Vĩnh Tràng với công lao to lớn gánh đất đắp nền tôn tạo cho ngôi cổ tự ngay từ những ngày đầu nhận chùa khi hai ông bà tri huyện qua đời. Người kế vị hòa thượng Huệ Đăng là hòa thượng Minh Đề, sư đệ của Ngài, nối tiếp công việc trùng tu ngôi chùa. Không bao lâu hòa thượng Minh Đề cũng viên tịch, thời gian này chùa không có người trông coi nên có quý Thầy: Quảng Ân, Minh Truyện nhưng chỉ trong thời gian không lâu.

Đến năm 1890, thỉnh hòa thượng Trà Chánh Hậu về trụ trì chùa Vĩnh Tràng trước đó ngài ở Sắc Tứ Linh Thứu. Ngài người gốc Minh Hương, quê ở Mỹ Tho, là đệ tử Hòa thượng Minh Phước gốc Tổ đình Bửu Lâm. Năm 1895, Hòa thượng Chánh Hậu cùng bổn đạo trùng tu toàn bộ ngôi chùa. Đến 1904, do một trận bão lớn, chùa lại bị tàn phá, vì vậy mà 3 năm sau 1907 chùa Vĩnh Tràng mới được trùng tu hoàn thành. Hòa Thượng còn cho xây dựng lại Bảo tháp Tổ Huệ Đăng và phần mộ của ông bà Bùi Công Đạt để tưởng niệm công ơn các bậc tiền bối. Ngoài ra Hòa thượng còn mua thêm 12 sào đất để làm tài sản cho chùa, giúp cho hậu thế có cơm gạo để an tâm tu học.

Hòa thượng Chánh Hậu viên tịch ngày 9 tháng 9 năm 1923, hưởng thọ 72 tuổi. Trụ trì chùa Vĩnh Tràng 33 năm (1890 -1923). Kế tục sự nghiệp của Ngài là Hòa thượng Minh Đàn, pháp danh Tâm Liễu, tự An Lạc. Ngài người làng Mỹ Phong, tổng Thạnh Phong, tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang). Ngài là đệ tử của Hòa thượng Chánh Hậu.

Năm 1930, Hòa thượng Minh Đàn đứng ra trùng tu lại chùa Vĩnh Tràng với quy mô kiểu cách hài hòa giữa văn hóa xứ chùa Tháp và lối kiến trúc phương Tây như hiện nay. Sau Hòa thượng còn có các đời trụ trì như: HT.Phật Ấn, HT.Trí Long, HT.Bửu Thông, HT.Hoằng Từ và HT.Hoằng Thông. Chùa đã trải qua 12 đời trụ trì và hiện tại là đời thứ 13 do HT.Huệ Minh đảm nhiệm chức vụ này, đã có nhiều sự trùng tu quy mô hơn và chùa hiện tại với tổng diện tích 30.000 mét vuông. Tuy nhiên theo sách sử ghi lại “Từ năm 1873 – 1890: Chùa không có thầy trụ trì – Từ năm 1943 – 1953: Chùa được ông cư sĩ Hai trông coi” [ 5, tr.53].

Điểm quan trọng và ít người biết đến do sự truyền thừa không rộng rãi chùa Vĩnh Tràng được truyền thừa với dòng kệ Trí Huệ của tổ Trí Bản được HT.Chánh Hậu khai sáng, HT.Huệ Thông dẫn chứng “chùa Vĩnh Tràng là tổ đình của dòng Lâm Tế Trí Huệ ở Tiền Giang” [9, tr.18].

4. Công trình kiến trúc và trang trí di tích chùa

Nét đặc sắc trong công trình kiến trúc chùa là ba cổng tam quan chùa Vĩnh Tràng chính là một trong những công trình đặt sắc được xây dựng vào năm 1933, với hàng rào xung quanh được xây dựng và trang trí theo kiểu Pháp, hai chiếc cổng hai bên được ví như hai toà lâu đài nguy nga sừng sững để nói lên tầm vóc uy nghiêm và tráng lệ của ngôi cổ tự. Được thợ ở Huế do hai ông Huỳnh Trí Phú và Lý Văn Quang mời vào. Hai chiếc cổng xưa và nay có sự khác nhau đối với cổng xưa có đặt tượng HT.Chánh Hậu (1852-1923), tuy nhiên hiện nay được thế vào tôn tượng đức A Di Đà.

Có thể nói chùa Nam bộ buổi đầu khi mới hình thành nên chỉ là những am tranh có sự cải biến có dạng nhà ba gian hai chái. Mái chùa có đường nóc ngắn, bốn mái rộng, đỉnh mái nhọn các đầu đao không vút cong như chùa ở miền Bắc mà vuông bằng sắc cạnh, đối với người dân thường xem đây là mái bánh ít. Với cấu trúc chùa Vĩnh Tràng được xây theo dạng chữ “Quốc” nếu như kết cấu các ngôi chùa khác thường theo kiểu chữ “Tam” cấu trúc gồm ba dãy nhà chạy song song theo chiều ngang. Giữa hai dãy nhà có sân thiên tỉnh thì Vĩnh Tràng đặt biệt hơn “Có đến 5 lớp nhà và hai sân thiên tỉnh” [những ngôi chùa, tr.15].

Tính đa dạng của kiến trúc do sự ảnh hưởng bởi nền mỹ thuật của Ấn Độ, Trung Quốc và cả phương Tây, theo sự du nhập đây là lối kiến trúc “Art nouveau” có ảnh hưởng nhiều đến kiến trúc Nam Bộ. Trường phái nghệ thuật mới với các đặc trưng cơ bản: “Phong cách: Nhấn mạnh cái đẹp đường nét, dùng sắt trang trí. Thủ pháp: Thích đường cong, giàu nhịp điệu, đen trắng rõ ràng, có sức mạnh. Hoa văn: Bắt chước thiên nhiên, hoa lá, thảm cỏ …” [12]. Nên có những cây cột được uốn rồng theo phong cách Á Đông, các mẫu chữ được viết theo chữ quốc ngữ và Hán cổ. Ngoài ra còn trang trí các loại bông sắt xuất xứ từ Ấn Độ. Khi nhìn tồn thể gian giữa sẽ thấy được “Chính điện nâng cao lê theo kiểu Tứ trụ Stupa với truyền thống Phật giáo Nam Bộ, kết hợp với những ngọn tháp hai bên hình dáng giống như năm tháp Angkor” [ 11, tr.430]

Như tổng thể các ngôi chùa khác chùa Vĩnh Tràng về trang trí nội thất nhằm hướng đến tạo ra một không gian tâm linh thiêng liêng và mang tính truyền thống đối với vùng Nam Bộ nhằm tạo ra đường nét sinh động có được dấu ấn riêng đó chính là công trình bao lam được chạm trỗ tinh xảo và công phu với 7 bao lam quan trọng chính yếu và các bao lam phụ.

Điển hình là bộ bao lam “Bát tiên kỵ thú” đặt ở gian giữa, xung quanh bộ bao lam là các hoành phi và câu đối được trạm trổ rất chi tiết, đẹp mắt. Bên cạnh đó là nét điêu khắc những đôi long trụ trên những cây cột tròn to được làm bằng gỗ quý theo kiểu “Thượng thu hạ cách”. Các bao lam nói về đề tài Phật giáo chủ yếu chạm khắc rồng, phụng, La hán cưỡi thú, bát bửu…Trong đề tài này, bao lam “Ngư long hý thủy” được nhắc tới như một tác phẩm nghệ thuật chạm khắc có giá trị nghệ thuật cao.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Khao cuu ve chua Vinh Trang 3

Hơn thế nữa, ngay giữa “Đại hùng bảo điện” đó chính là biểu tượng hình ảnh “Bát tiên kỵ thú” các Ngài cưỡi trên mình nhiều con mãnh thú khác nhau như hai bên bay lượn phần trên đó chính là phượng và rồng để chầu ngọc đây chính là biểu tượng vòng tròn ở giữa. Điểm đáng chú ý và khác biệt đó chính là hình ảnh bát tiên xuất hiện. Ngoài ra còn có các con vật được cưỡi khác như lân, ngựa đều là những biểu tượng có sức mạnh cao quý và mang những trọng trách quan trọng.

Ngoài ra còn có bao lam hình mẫu đơn là một loài hoa cao quý bên cạnh loài chim trĩ với phong cách nghệ thuật rất riêng biệt trong cách sắp xếp bố cục các mảng chạm khắc lá, cành, chim thay đổi liên tục không lặp lại, đồng thời các khoảng trống cũng không giống nhau về hình, về diện tích, các mảng thoáng dần ở phần trên. Dù chú ý từng chi tiết nhỏ như vậy song không làm phá vỡ bố cục chung, vừa vững vàng, chặt chẽ vừa thanh thoát, không gây cảm giác nặng nề hay dày đặc trong toàn bộ bao lam. Bố cục tạo cảm giác chuyển động từ dưới và từ hai phía lên, gặp nhau ở giữa rồi bung ra, như một sự mãn nguyện, thăng hoa. Nghệ nhân đã thể hiện được ý đồ của nội tâm là mong muốn một cuộc sống yên bình, hạnh phúc.

Trong ngôi chính điện “trên bàn thờ có nhiều tượng Phật như A Di Đà, Thích Ca, Di Lặc và các Bồ Tát” [6. tr.470] chùa giữ lại hơn 60 pho tượng quý được làm bằng đồng, đất, gỗ có giá trị lịch sử lâu đời. Các bộ tượng cổ nhất đó chính là “bộ Tam Tôn cao 93 cm bằng đồng, tiếc rằng tượng Quan Âm bị thất lạc, tượng Ngọc Hoàng hầu hai bên là Khuyến Thiện và Trừng Ác” [9, tr.282].

Bộ tượng 18 vị La Hán với giá trị cổ được nghệ nhân Tài Công Nguyên tạc vào những năm (1909-1910) mang một giá trị và ý nghĩa đặc trưng cho vùng Phật giáo tại Nam bộ. Đối với miền Nam trong các chùa tượng La Hán biểu hiện được “nét vui tươi, sống động và một số bộ tượng được tạc cưỡi trên các con thú với ý nghĩa tượng trưng cho công đức và giáo lý Phật giáo” [2, tr.45-46]. Mỗi tượng được tạc cao khoảng 0,08 m với bề ngang của gối là 0,38m được tôn trí hai bên điện Phật. Về pháp khí chùa còn lưu lại Pháp bảo chuông tuy không còn sử dụng được nhưng đây là giá trị cổ vật quan trọng đối với tiến trình lịch sử. Chùa còn lưu giữ 20 bức tranh sơn thủy rất có giá trị về mặt nghệ thuật tiêu biểu là công trình của Long Giang cư sĩ vào năm 1904 [13]. Và một số câu đối rất có ý nghĩa và giá trị như:

“永以大公之心能所雙忘雖是莊嚴本來何有
長守中和要旨知見非我利扵萬國放大光明

Phiên âm: Vĩnh dĩ đại công chi tâm năng sở song vong tuy thị trang nghiêm bổn lai hà hữu.
Trường thủ trung hòa yếu chỉ tri kiến phi ngã lợi ư vạn quốc phóng đại quang minh.

Dịch nghĩa: Luôn giữ tâm bình đẳng, chủ thể và đối tượng đều quên, dù luôn hiện tướng trang nghiêm nhưng vốn là giả hiện.
Mãi giữ yếu chỉ Trung đạo, thấy biết vô ngã, lợi ích muôn loài, tỏa sáng cùng khắp.

Hay:

寶殿巍峩金相莊嚴德感三清法界
天香縹緲玉容整肅慈光九府神宮

Phiên âm: Bảo điện nguy nga kim tướng trang nghiêm đức cảm tam thanh pháp giới. Thiên hương phiêu diểu ngọc dung chỉnh túc từ quang cửu phủ thần cung.

Dịch nghĩa: Điện Phật nguy nga tráng lệ, tướng vàng trang nghiêm, đức của ngai chiêu cảm làm cho ba cõi trong sạch, thanh tịnh.
Hương trời tỏa ngát, ngọc điện chỉnh chu, ánh sáng từ bi của đức Phật chiếu đến chín cung điện của chư thiên”. [5, tr.31-32]

Đây là ngôi cổ tự đã có bề dày lịch sử gần hai thế kỷ và đặc biệt, đây là một ngôi chùa có quy mô lớn nhất ở miền Tây Nam bộ. Chùa cũng là ngôi đại già lam nổi tiếng, có vai trò lớn trong giáo dục và đào tạo tăng tài, đồng thời còn lưu giữ nét độc đáo của nghệ thuật tạo tượng xưa, thể hiện trên nhiều bộ tượng bằng đồng, gỗ. Nhiều hoành phi, liễn đối ghi dấu tư tưởng Phật giáo và nghệ thuật chạm khắc đầu thế kỷ XX. Ngôi đại già lam đã được “Liệt hạng Di tích thắng cảnh của Quốc gia” [1, tr.18]. Đồng thời được xếp hạng “Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia ngày 30 tháng 08 năm 1984”. Đến năm 2007, kỷ lục Guinness Việt Nam công nhận là “Ngôi chùa đầu tiên ở Việt Nam có phong cách kiến trúc kết hợp giữa phương Đông và phương Tây”. Sau đó năm 2013, Liên Hiệp Các Hội UNESCO Việt Nam công nhận “chùa Vĩnh Tràng là Điểm du lịch văn hóa tâm linh trong Chương trình Việt Nam – Những Điểm Đến Ấn Tượng”.

Thích Nữ Chơn Ngọc
Học viên cao học khóa III – Học Viện PGVN tại Tp.HCM

———————————-

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Nguyễn Hoàng Cẩm, Nội San Đất Phật Định Tường.
2. Trang Thanh Hiền (2019), Nghệ thuật tạo tác tượng Phật trong các ngôi chùa Việt, Nxb Hà Nội, Hà Nội.
3. Trần Hồng Liên (2004), Góp phần tìm hiểu Phật giáo Nam Bộ, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội.
4. Huỳnh Minh (2001), Định Tường (Mỹ Tho) Xưa, Nxb Thanh niên, TP. HCM.
5. Thích Huệ Phát (2017), Chùa Vĩnh Tràng một ngôi chùa nhiều mỹ hiệu, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
6. Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long viết, Hồ Hải Thy dịch ra tiếng Anh ( 1993), Chùa Việt Nam, Nxb Khoa Học Xã Hội, TP.HCM.
7. Nguyễn Quảng Tuân-Huỳnh Lứa-Trần Hồng Liên (1994), Những ngôi chùa ở Nam Bộ, Nxb TP.Hồ Chí Minh.
8. Thích Nhật Từ chủ biên (2021), Phật giáo các tỉnh và thành phố tại vùng Nam Bộ, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
9. Thích Huệ Thông (2002), Phật giáo Tiền Giang lược sử và những ngôi chùa, Nxb Thành Phố, HCM.
10. Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Diệp Đình Hoa (1978), Cơ sở Khảo cổ học, Nxb Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp, TP.HCM.
11. Trần Lâm Biền (1996), Chùa Việt, Nxb văn hóa – thông tin.
12. Trần văn Khải (2000), Lịch sử kiến trúc phương Tây, Nxb. Giao Thông Vận Tải, tp. HCM.
13. Nguyễn Thị Thanh Thủy (2013), “Chùa Vĩnh Tràng (Tỉnh Tiền Giang)”:
https://hoaanhdao1973.violet.vn/entry/chua-vinh-trang-tinh-tien-giang-9600734.html, truy cập ngày 17/06/2021.
14. Ngoc Tran (2020), “Chùa Vĩnh Tràng cổ kín in đậm dấu ấn Phật giáo”: https://kenhphatphap.com/chua-vinh-trang-co-kinh-im-da-dau-an-kien-truc-doc-dao-n3KBOQqaqd.html, truy cập ngày 17/06/2021.
15. Ban TTTT Phật Giáo Tỉnh Tiền Giang, “Lịch sử chùa Vĩnh Tràng”: http://www.phatgiaotiengiang.org/tp-my-tho-lich-su-chua-vinh-trang.html, truy cập ngày 17/06/2021.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường