Hội Phật học Kiêm Tế thể hiện tinh thần tích cực giúp đời, sẵn sàng hy sinh để đem lại lợi ích cho xã hội. Hội Phật học Kiêm Tế tích cực hoạt động kêu gọi tinh thần chấn hưng Phật học, phổ biến tinh thần chính pháp, hoạt động từ thiện giúp đỡ bà con khó khăn. Hội kêu gọi tăng, ni tích cực hơn nữa trong cuộc cải cách xã hội giải phóng nước nhà khỏi sự đàn áp của chế độ thực dân Pháp, đóng góp những việc làm thiết thực cho phong trào chấn hưng Phật giáo nước nhà.
Tác giả: Thích Minh Nghĩa Nghiên cứu sinh Tiến sĩ, tại Học viện PGVN tại Hà Nội
1. Dẫn nhập
Từ cuối thế kỷ XIX, tinh thần đạo Phật ngày một suy vi, giáo lý ít người nghiên cứu tìm hiểu, sức sống tầm ảnh hường của Phật giáo ngày bị mai một.
Do những yếu tố nội - ngoại tại tác động như sự xâm lược của thực dân Pháp, chính sách bất bình đẳng tôn giáo, sự phát triển của tôn giáo mới.
Đặc biệt, sự suy thoái trong đời sống Tăng già, tình trạng thất học của tăng sĩ, cư sĩ gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến niềm tin của quần chúng đối với Phật giáo.
Trước tình hình đó vào những năm đầu thế kỷ XX, các bậc Tôn túc đứng ra vận động tinh thần phục hưng đạo Phật. Các bậc tôn đức, cư sĩ trí thức đã chấn chỉnh sinh hoạt ở các tự viện để thích ứng với những biến đổi chung của đất nước.
Với lòng nhiệt huyết của chư tăng và Phật tử ở Nam kỳ đã đứng ra vận động chấn hưng Phật giáo, chỉ mong đem lại hơi thở mới cho Phật giáo Việt Nam và được mọi người đồng tình ủng hộ để cùng nhau tiến tới thành lập Phật giáo Tổng hội trong toàn quốc.
Từ năm 1931 đến năm 1937 tại Nam kỳ đã có nhiều tổ chức Hội Phật giáo ra đời. Mỗi hội Phật giáo đều có những hoạt động nhất định đóng góp cho phong trào chấn hưng Phật giáo.
Các hội đã dần khắc phục những yếu kém trong nội bộ Phật giáo và tạo tiền điều kiện cho Phật giáo phát triển cho đến ngày nay. Các hội Phật giáo còn nêu cao tinh thần dân tộc trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tham gia vào công cuộc đấu tranh giành độc lập đất nước.
Trong bài nghiên cứu này, chúng tôi xin trình bày sơ lược về hội Phật học Kiêm Tế với phong trào chấn hưng Phật giáo.
2. Nội dung
2.1. Đặc điểm tình hình
Phật giáo Việt Nam trong những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX cũng bị tác bởi cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp.
Năm 1858 thực dân Pháp nổ súng vào Đà Nẵng, mở đầu thời kỳ xâm lược Việt Nam, qua bản hoà ước 1884 (cũng gọi Hòa ước Patenôtre) Pháp đã hoàn tất việc xâm lăng ở Việt Nam, “Nam kỳ trở thành thuộc địa, Bắc kỳ là đất bị bảo hộ và Trung kỳ là nơi Pháp lập chế độ trú sứ, nhưng trên thực tế cả ba miền đều là thuộc địa của Pháp, nhà Nguyễn ở Huế không có quyền hành gì cả”.(1)
Thực dân Pháp bắt đầu có nhiều chính sách bốc lột và đàn áp nhân dân Việt Nam, trong đó có Phật giáo. Phật giáo Việt Nam trong những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX cũng bị tác bởi cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp làm cho đời sống xã hội rối ren, không những thế thực dân Pháp còn thực hiện xóa bỏ văn hóa bản địa thay thế bằng văn hóa chính chủ.
Họ đã đồng hóa văn hóa người Việt bằng văn hóa phương Tây, trong đó có văn hóa Phật giáo vốn là tín ngưỡng truyền thống lâu đời của dân tộc Việt.
Trong lĩnh vực tôn giáo Thiên chúa giáo được xem là tín ngưỡng chính của thực dân Pháp nên sau khi xâm chiếm Việt Nam. Thiên chúa giáo được chính quyền bảo hộ truyền bá như cho phép xây nhà thờ ở khắp nơi, khuyến khích kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người theo đạo, do hoàn cảnh bắt buộc nhiều người đã cải đạo sang thờ Chúa.
Đầu thế kỷ XX phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam khởi đầu ở miền Nam rồi lan dần ra khắp miền Trung, miền Bắc.
Từ nhiều nguyên nhân ngoại tại và nội tại cũng như ảnh hưởng từ nhiều phong trào chấn hưng Phật giáo trên thế giới như Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Hoa.
Thành quả ở miền Nam năm 1930 Hội nghiên cứu Phật học Nam Kỳ ra đời, xuất bản tạp chí Từ Bi Âm năm 1932. Năm 1934, Hội Phật học Lưỡng Xuyên ra đời, xuất bản tạp chí Duy Tân Phật học.
Tại miền Trung là Hội An Nam Phật học cũng ra mắt tại chùa Từ Đàm vào năm 1932 và cho xuất bản tạp chí Viên Âm năm 1934.
Ở miền Bắc thành lập Hội Phật giáo Bắc Kỳ năm 1934, xuất bản tạp chí Đuốc Tuệ năm 1935. Và ở Kiên Giang với diễn biến Hội Phật học Kiêm Tế góp phần không nhỏ vào hoạt động chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam.
2.2. Hoạt động chấn hưng của Hội Phật học Kiêm Tế
Ngày 23/3/1937, Hội Phật học Kiêm Tế do Thích Trí Thiền và sư Thiện Chiếu sáng lập tại Rạch Giá. Hòa thượng Trí Thiền tức Nguyễn Văn Đồng làm Chánh tổng lý của hội. Hai chức vụ Phó tổng lý là Hòa thượng Nguyễn Văn Ngọ và Hòa thượng Ngô Thành Nghĩa đảm nhiệm. Hội Phật học Kiêm Tế đặt trụ sở tại chùa Săc tứ Tam Bảo (Rạch Giá), điều lệ của hội được phê chuẩn vào ngày 23/03/1937. Mục đích của hội là “cốt để tuyên truyền Phật pháp và bố thí cơm áo, sách vở, thuốc thang cho trẻ cô bần”.(2)
Cơ quan ngôn luận của hội là tạp chí Tiến Hòa ra đời đầu năm 1938 do thiền sư Pháp Linh (Phan Thanh Hà) làm chủ bút, cư sĩ Đỗ Kiết Triệu làm chủ nhiệm. Tạp chí Tiến Hóa tuyên bố không những “tuyên truyền” cho Phật học mà còn “tuyên truyền cho bất cứ học thuyết nào có đủ phương pháp làm chúng sinh khỏi khổ được vui”.
Không những thế, những học thuyết nào có tính cách từ bi bác ái đều được Tiến Hóa công nhận là Phật pháp. Một nhân vật rất quan trọng của tạp chí Tiến Hóa nhưng không giữ chức vụ nào là sư Thiện Chiếu. Tuy vậy, sư Thiện Chiếu và Hòa thượng Trí Thiền được xem là hạt nhân chính điều hành hoạt động của Hội và tạp chí Tiến Hóa.
Chủ trương của hội Kiêm Tế Phật học được công khai trên tạp chí Tiến Hóa, gồm những điểm:
Thứ nhất người Phật tử cần phải có kiến thức khoa học để không tin mù quáng, phải hiểu rằng sự khổ vui trong cuộc đời là do kinh tế đói kém, chính trị đàn áp chứ không phải thần linh thưởng phạt: “Người Phật tử phải học khoa học để biết rằng không có cõi Cực lạc ở phương Tây. Phải học kinh tế học để biết rằng quan niệm giàu nghèo tại mạng là sai, rằng những đau khổ của con người là do những chế độ chính trị đè nén và những cuộc khủng hoảng kinh tế, chứ không phải do một vị thần linh ban phúc giáng họa”.(3)
Thứ hai, Phật không riêng ở sự giác ngộ của cá nhân mà là sự hiểu biết tổng thể các ngành khoa học, Tiến Hóa cho rằng có khoa học mới đem đến sự thành công, bình an nơi mỗi người, dù là người giác ngộ nhưng cũng cần tri thức khoa học mới có thể tiếp cận với xã hội hiện đại “Bấy giờ cái biết của nhân loại đã trở thành rộng lớn, phải nắm hết tất cả những cái biết về khoa học ngày nay thì mới gọi là Phật”.(4)
Thứ ba, muốn cứu độ chúng sinh, ngoài cải tạo Tâm còn phải chú trọng cải tạo Cảnh. “Phải tổ chức trường học, phải cung cấp cơ hội cho người dốt nát nghèo khổ. Phải ngăn cấm không cho một thiểu số nắm giữ lũng đoạn guồng máy kinh tế. Phải thủ tiêu chế độ tư hữu đừng chia riêng của người này với người khác, nước nọ với nước kia”.(5)
Hội Phật học Kiêm Tế thể hiện ý tưởng, mong muốn của những người sáng lập là: “Đây không chỉ là một cái hội chỉ để học Phật mà còn để thực hành kinh bang tế thế nữa”.(6)
Hội mong muốn giới Tăng sĩ, ngoài việc lo tụng niệm, hoằng pháp ở trong chùa còn phải nhập thế dấn thân vào đời, gánh vác những vấn đề xã hội, tế thế độ sinh. Sư Thiện Chiếu thậm chí còn không chú trọng hình thức đầu tròn áo vuông, dù hình thức nào, học thuyết nào đem lại lợi lạc cho quần sinh thì Thiện Chiếu cho đó là Phật pháp “những học thuyết nào có tính cách từ bi bác ái thì đều được Tiến Hóa công nhận là Phật pháp cả".(7)
Chúng ta thấy rằng trong những nhà chấn hưng Phật giáo bấy giờ, sư Thiện Chiếu là người có ý tưởng cải cách khá mạnh mẽ. Sư đã khảng khái trả lời khi thực dân Pháp chất vấn, ai xui thầy chùa đi biểu tình rằng: “Thuyết từ bi cứu khổ của nhà Phật xui phật tử tham gia những cuộc yêu nước thương dân chứ không ái xui cả”.(8)
Từ quan điểm này nhiều nhà sư đã cởi cà sa khoác chiến bào theo tiếng gọi của tổ quốc ra mặt trận. Nhiều thanh niên Phật tử tích cực tham gia vào các phong trào xóa mù chữ, phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Nhiều cuộc vận động phong trào chống thực dân được các Phật tử yêu nước phát động được nhân dân ủng hộ.
Tư tưởng yêu nước của dân tộc được duy trì mạnh mẽ một phần cũng nhờ các nhà sư lãnh đạo. Bên cạnh Tăng ni, Phật tử nhiều ngôi chùa phủ mát bóng Từ bi của nhà Phật góp phần không nhỏ trong việc liên lạc, cất giữ, in ấn truyền đơn, nuôi giấu chiến sĩ cách mạng.
Một điểm chúng ta ghi nhận nữa là Hội Phật Học Kiêm Tế thể hiện tinh thần tích cực giúp đời, sẵn sàn hy sinh để đem lại lợi ích cho xã hội.
Cụ thể, ngay khi thành lập hội, một viện Mồ Côi được thành lập tại chùa Tam Bảo Rạch Giá. Theo tác phẩm Việt Nam Phật giáo sử luận có ghi: “Tạp chí Tiến Hóa số ra mắt đã đăng hình cô nhi viện này, một cô nhi viện có thể gọi là cô nhi viện Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam tổ chức theo kiểu Tây phương. Tiến Hóa số 01 cũng đăng hình hội Phật Học Kiêm Tế cứu trợ nạn nhân bão lụt tại Rạch Giá và cho biết rằng hội đã nuôi ăn từ 200 đến 300 nạn nhân bảo lụt tại trụ sở của hội trong thời gian hai tháng”.(9)
Từ khi được thành lập Hội Phật học Kiêm Tế tích cực hoạt động kêu gọi tinh thần chấn hưng Phật học, phổ biến tinh thần chính pháp, hoạt động từ thiện giúp đỡ bà con khó khăn. Hội còn kêu gọi Tăng ni tích cực hơn nữa trong cuộc cuộc cải cách xã hội giải phóng nước nhà khỏi sự đàn áp của chế độ thực dân Pháp.
Nhiều nhân vật trụ cột của hội như Hòa thượng Thích Trí Thiền, sư Thiện Chiếu, sư Thiện Ân, sư Pháp Linh... đóng góp những việc làm thiết thực cho phong trào chấn hưng Phật giáo nước nhà, tên tuổi của quý Ngài đã làm nên trang sử vẻ vang cho Phật giáo. Ngoài hoạt động chấn hưng Phật giáo các Ngài còn là những nhà hoạt động yêu nước hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc.
2.3. Những trụ cột của Hội Phật học Kiêm Tế
Sư Thiện Chiếu (1898 - 1974)
Sư Thiện Chiếu là một tu sĩ Phật giáo, là nhà văn, nhà cải cách Phật giáo, một danh sư, tri thức cách mạng.
Thiện Chiếu thế danh là Nguyễn Văn Tài, còn có tên là Nguyễn Văn Sáng, bút hiệu Xích Liên, pháp danh Thiện Chiếu. Ngài sinh năm 1898 tại làng Long Hựu, tỉnh Gò Công (nay là huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang).
Từ nhỏ Ngài đã theo hầu sư ông là HT. Huệ Tịnh. Với tư chất thông minh, năm 16 tuổi Thiện Chiếu có thể đọc được Hán ngữ, Pháp ngữ, Bạch thoại.
Năm 1923 Thiện Chiếu lên Sài Gòn làm trụ trì chùa Linh Sơn gần chợ Cầu Muối. Mặc dù còn trẻ tuổi, nhưng khẩu khí hào sảng của Ngài được thể hiện qua câu đối trước cửa chính chùa Linh Sơn “Đạo Phật là đạo nhập thế chứ không phải yếm thế. Từ bi có lúc phải sát sinh để cứu độ chúng sinh”.(10)
Năm 1927, sư Thiện Chiếu được HT. Khánh Hòa cử ra Bắc để kết nối các sơn môn thành lập Tổng hội Phật giáo toàn quốc nhưng không thành công.
Năm 1928, Ngài đã cộng tác với các HT. Khánh Hòa, Từ Nhẫn, Chơn Huệ và Thiện Niệm thành lập Thích học đường và Phật học Thư xã tại chùa Linh Sơn. Năm 1929 Ngài hợp lực với Hòa thượng Khánh Hòa vận động Phật tử hữu tâm ở Trà Vinh gởi mua cho thư xã một bộ Tục Tạng kinh gồm 750 tập để tôn trí tại chùa Linh Sơn.(11)
Sư Thiện Chiếu cũng đóng góp công sức rất lớn cho sự ra đời của Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học năm 1931 và xuất bản tạp chí Từ Bi Âm năm 1932. Trong thời gian này, sư Thiện Chiếu cũng chính thức gia nhập vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Đông Dương.
Sau thời gian cộng tác với HT. Khánh Hòa, sư Thiện Chiếu “Nhận thấy các Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học, Hội Lưỡng Xuyên Phật học, các báo Từ Bi Âm, Duy Tâm, Bát Nhã Âm đều không đáp ứng chủ trương và tư tưởng của mình, Ngài ra đi tìm hướng khác. Nhưng đi tới đâu, Ngài cũng gặp những va chạm. Trở về uất chí, lại bị mật thám Pháp theo dõi, nên Ngài rời chùa Hưng Long trở về đời sống thường và hoạt động cho Cách mạng ở vùng Gò Vấp, Phú Nhuận. Đó là thời gian 1934 - 1935”.(12)
Năm 1936, sư Thiện Chiếu về Rạch Giá kết hợp với HT. Trí Thiền thành lập hội Phật Học Kiêm Tế và xuất bản tạp chí Tiến Hóa. Trụ sở của Hội là chùa Tam Bảo - Rạch Giá cũng trở thành địa chỉ liên lạc của Xứ ủy Nam kỳ.
Năm 1941, hoạt động cách mạng của Hội bị bại lộ, nhiều đồng chí bị chính quyền Pháp bắt giữ và hy sinh. Thiện Chiếu may mắn trốn thoát được, trở về Sài Gòn tiếp tục hoạt động.
Năm 1942, Thiện Chiếu bị quân Pháp bắt và đày ra Côn Đảo, rồi bị tra tấn đến bại xuội. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông được đón về đất liền, nhận chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Gò Công.
Sau Hiệp định Genève, ông tập kết ra Bắc, công tác tại ban Văn - Sử - Địa (nay là Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam). Năm 1956, ông làm chuyên viên Văn hóa cho Đại sứ quán nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Trung Quốc cho đến năm 1961. Khi trở về ông làm việc ở Viện Triết học, thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
Từ 1965 trở đi, ông nghĩ hưu. Ngày 06 - 07 - 1974 Thiện Chiếu từ trần tại Hà Nội, được an táng tại nghĩa trang Văn Điển.
Năm 1993, quý Hòa thượng và Phật tử chùa Pháp Hoa, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh ra Bắc bốc mộ rồi hỏa thiêu di cốt đem về phụng thờ tại chùa.
Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình sư Thiện Chiếu đã biên dịch, trước tác rất nhiều tác phẩm, thuộc nhiều thể loại khác nhau, mỗi tác phẩm đều có những giá trị sâu sắc, trong đó Nguyệt san Phật hóa Tân thanh niên là tờ báo Phật giáo thứ hai bằng chữ Quốc ngữ mà Sư đã dày công biên tập và ấn hành.
Hòa thượng Trí Thiền (1882 - 1943)
Hòa thượng Thích Trí Thiền thế danh Nguyễn Văn Đồng, pháp hiệu Hồng Nguyện sinh năm Nhâm Ngọ (1882) sinh trưởng trong một gia đình nông dân tại làng Vĩnh Thanh Vân, huyện Châu Thành, tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang).
Hòa thượng là con út trong gia đình có tất cả sáu anh em. Thời gian trôi qua Ngài trải nghiệm cuộc sống thế sự, cảm nhận được những ưu bi của kiếp nhân sinh nên muốn phát tâm xuất gia quay về cửa Phật.
Năm Nhâm Tý (1912) lúc 30 tuổi ở tuổi tráng niên chưa bị gia duyên ràng buộc, Nguyễn Văn Đồng xin xuất gia theo học đạo với Hòa thượng Vĩnh Thùy (thế danh Nguyễn Văn Tiền) ở chùa Sắc tứ Thập Phương, với pháp danh là Hồng Nguyện, tự Trí Thiền.
Lúc bấy giờ chùa Sắc tứ Thập Phương là một ngôi đại tự trung tâm sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân Rạch Giá. Sau khi xuất gia Hòa thượng trí Thiền được Bổn sư lần lượt cho thọ giới Sa di và Tỳ kheo.
Năm 1913, Hòa thượng Trí Thiền được Phật tử địa phương cung thỉnh về trụ trì chùa Tam Bảo.
Phật giáo Việt Nam trong những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX bị tác bởi cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp làm cho đời sống xã hội rối ren, không những thế thực dân Pháp còn thực hiện xóa bỏ văn hóa bản địa thay thế bằng văn hóa chính chủ.
Họ đã đồng hóa văn hóa người Việt bằng văn hóa phương Tây, trong đó có văn hóa Phật giáo vốn là tín ngưỡng truyền thống lâu đời của dân tộc Việt. Trong lĩnh vực tôn giáo Công giáo được chính quyền bảo hộ truyền bá như cho phép xây nhà thờ ở khắp nơi, khuyến khích kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người theo đạo, do hoàn cảnh bắt buộc nhiều người đã cải đạo sang thờ Chúa.
Từ nhiều nguyên nhân ngoại tại và nội tại cũng như ảnh hưởng từ nhiều phong trào chấn hưng Phật giáo trên thế giới, đầu thế kỷ XX phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam khởi đầu ở miền Nam rồi lan dần ra khắp miền Trung, miền Bắc.
Ở miền Nam dưới sự lãnh đạo của HT. Khánh Hòa, HT. Huệ Quang, HT. Từ Phong, HT. Tâm Lai… thành lập Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học ở chùa Linh Sơn – Sài Gòn vào năm 1931, đến năm 1932 xuất bản tạp chí Từ Bi Âm làm cơ quan ngôn luận của Hội. Hòa thượng Trí Thiền là thành viên sáng lập và từng giữ chức Phó Hội trưởng của Hội.
Hòa thượng Trí Thiền đã sát cánh cùng với Chư Tôn đức lãnh đạo Hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học thực hiện nhiều Phật sự quan trọng cải cách Phật giáo Việt Nam như chỉnh đốn Tăng già, thành lập Phật học đường, dịch và xuất bản các loại kinh sách Việt ngữ.
Hòa thượng cũng là một vị giảng sư có kiến giải uyên thâm được quần chúng Phật tử mến mộ.
Năm 1936, Hòa thượng Trí Thiền, sư Thiện Chiếu, sư Pháp Linh, Đốc phủ xứ hồi hưu Đổ Kiết Triệu, Đốc phủ xứ hàm Tôn Quang Huy cùng các pháp hữu thành lập Hội Phật học Kiêm Tế ở Rạch Giá và Hòa thượng xin hiến cúng toàn bộ tài sản của chùa Tam Bảo cho Hội có điều kiện hoạt động.
Với sự lãnh đạo của Hòa thượng Trí Thiền và các thành viên trong Hội, Hội Phật học Kiêm Tế ngày càng phát triển về số lượng và sức ảnh hưởng của nó lan tỏa khắp các tỉnh thành Nam kỳ, tạo được những dấu ấn nhất định trong hoạt động của mình.
Hòa thượng Trí Thiền là người có tinh thần yêu nước trung kiên, sớm ủng hộ phong trào cách mạng giải phóng quê hương khỏi ách thống trị của thực dân Pháp. Với sự lãnh đạo của Ngài chùa Tam Bảo được xem là sợi chỉ đỏ kết nối hoạt động yêu nước của Tăng ni, Phật tử ở Rạch Giá, chùa Tam Bảo nơi Ngài trụ trì trở thành địa điểm liên lạc của vùng Rạch Giá - Hậu Giang.
Thế rồi, tháng 6 năm 1939 do bị chỉ điểm mật thám Pháp ập vào khám xét chùa Tam Bảo, Hòa thượng Trí Thiền, sư Thiện Ân và một số người khác liên quan bị bắt. Tại chùa, mật thám Pháp thu được một số tài liệu in ấn và bom tự tạo. Nửa tháng sau khi bị bắt, một phiên tòa tại Sài Gòn được thành lập xét xử Hòa thượng Trí Thiền cùng các nhà chí sĩ yêu nước.
Hòa thượng bị tòa đại hình kết án 5 năm biệt xứ lưu đày Côn Đảo. Tại nhà tù Côn Đảo, Ngài bị giam trong phòng cấm cố, nhiều lần thực hiện tuyệt thực đến kiệt sức để phản đối chế độ lao tù hà khắc.
Ngày 26 tháng 6 năm 1943, trong một lần biểu tình tuyệt thực Hòa thượng đã viên tịch, trụ thế 61 năm, hạ lạp 30 năm, để lại nhiều thương tiếc trong lòng Tăng ni, Phật tử. Năm 1996, Hòa thượng Trí Thiền được Nhà nước Việt Nam truy nhận liệt sĩ vì đã hy sinh xương máu của mình cho nền hòa bình độc lập dân tộc.
3. Kết luận
Chấn hưng Phật giáo Việt Nam là phong trào nhằm tìm lại những giá trị truyền thống và phát triển sự nghiệp hoằng dương Phật giáo nhằm mang lại lợi ích cho chúng sinh Phật giáo ở Việt Nam, diễn ra từ đầu thế kỷ XX. Công việc này đã làm thay đổi rất nhiều nội dung và hình thức sinh hoạt Phật giáo ở Việt Nam.
Góp phần quan trọng trong cuộc vận động chấn hưng Phật giáo này tại Rạch Giá, với các hoạt động của hội Phật học Kiêm Tế, gắn liền hình ảnh ngôi chùa Sắc Tứ Tam Bảo, Hòa thượng Thích Trí Thiền và nhà sư Thiện Chiếu.
Những dấu ấn của hội Phật học Kiêm Tế là dấu son chói lọi không thể phai mờ theo thời gian. Phật giáo Việt Nam ngày nay đã kế thừa những truyền thống quý báo đó, tiếp tục phát huy những thế mạnh vốn có trong công tác tăng sự và xây dựng Đạo pháp – Dân tộc ngày thêm vững mạnh.
Tác giả: Thích Minh Nghĩa Nghiên cứu sinh Tiến sĩ, tại Học viện PGVN tại Hà Nội
Bình luận (0)