Trang chủ Bạn đọc Học “lễ” là học “đạo”

Học “lễ” là học “đạo”

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Nhà Nghiên cứu văn hóa Hoàng Đoan Trang

“Tiên học lễ, hậu học văn” – câu hiệu không xa lạ với người Việt, từ trẻ nhỏ cho tới người già, ai ai cũng đã từng nghe. Gần đây, có ý kiến là nên bỏ khẩu hiệu này trong nhà trường để rèn luyện cho học sinh tư duy phản biện?.

Có hai luồng dư luận, một bên cổ xuý cho “tư duy phản biện” (critical thinking), rằng trẻ nhỏ cần phải đặt câu hỏi về mọi thứ, đặc biệt là quy tắc. Chúng cần phải học cách chủ động thách thức những gì được coi là khuôn phép mực thước, để được phát triển khả năng lập luận, biện chứng, và sáng tạo. Bên kia, là những diễn ngôn văn hoá về cái gì được coi là “lễ”, mà phần lớn, ở việc kính trên nhường dưới, đi thưa về chào. Rốt cuộc, cũng chỉ là câu chuyện “ông nói gà, bà nói vịt”, mà chưa có những ý kiến đi sâu về giá trị của “lễ”.

Muốn nói về “lễ” cho trọn vẹn, thì buộc phải hiểu nguồn gốc chữ “lễ”. Khổng tử từng nói: Bất học lễ, vô dĩ lập 不學禮 無以立 – không học Lễ, không có gì để dựng nên. Hậu nhân không hiểu, có nơi dịch thành: “không học Lễ, thì không biết đi đứng”, nên có người hiểu lễ giản đơn là “đi thưa, về chào”.

Lễ kinh là một trong năm bộ kinh quan trọng nhất của Nho gia, mà lễ ở đây không phải chỉ nói đến cái trước sau, trên dưới như từ “lễ phép”. Lễ kinh trước để dạy thiên tử, thời Đông Hán có Trịnh Huyền chú giải kỹ càng, nói về cái đạo lý của “trước sau, trên dưới” chân chính. Đời Nam Tống, Chu Hy biên soạn lại phần chính văn, tự thêm chú giải, chủ trương để dạy Lễ cho nam tử, bất kể xuất thân, chức vị. Phàm là người học, muốn nên chính nhân quân tử, buộc phải học qua Lễ.

“Lễ ký” này giải thích những đạo lý cơ bản của con người, mà trong đó, bao gồm cả tư duy phản biện: “trí tri tại cách vật 致知在格物” – muốn hiểu sự đến, thì xét cho cùng cái nơi mà nó đến, “khiết củ chi đạo 絜矩之道” – cái đạo lý thẩm độ, mỗi người, mỗi vị trí, mỗi trách nhiệm phải đảm đương, lại có cách để đối xử khác nhau, mà chẳng nằm ngoài lòng nhân từ, hiếu đễ.

Đấy chẳng phải là tư duy phản biện sao?

Then chốt của câu khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn ấy”, không nằm ở chỗ có nên bỏ hay không, mà ở chỗ có thể dạy cho người ta hiểu cái đạo lý của “lễ” hay không. Nếu chỉ là cái khoanh tay, cúi rạp trước người lớn, hay câu mời cơm ráo hoảnh, thì giữ hay không, cũng không thể hiện được chữ “lễ” đã phần nào định hình văn hoá Việt.

Trong phạm vi bài viết, chúng tôi dẫn chú giải của Trịnh Huyền trong thiên “Lễ ký chú sớ” để độc giả tiếp cận một góc nhìn về cách hiểu chữ “lễ” của người xưa được đủ đầy hơn. Qua đó, chắt lọc những tinh hoa của học thuyết Nho giáo để hiểu “lễ”, ứng xử đúng “lễ” và xây dựng tư duy phản biện, tư duy văn hóa cho học sinh trong nền tảng giáo dục trong xã hội ngày nay.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tien hoc le hau hoc van 1

Thiên “Thái học” – Trịnh Huyền chú giải.

大學之道。在明明德。在親民。在止於至善。知止而後有定。定而後能靜。靜而後能安。安而後能慮。慮而後能得。物有本末。事有終始。知所先後。則近道矣。「明明德」。謂顯明其至德也。止。猶自處也。得。謂得事之宜也。

Con đường của thái học, ở việc làm tỏ đức sáng, ở việc thương yêu dân, ở việc hướng đến cái chí thiện. Đạt đến sự hiểu biết ấy rồi mới có lòng ổn định, ổn định rồi mới có sự yên tĩnh, yên tĩnh rồi mới có sự an, an rồi mới có thể suy gẫm, suy gẫm rồi mới có thể thành công. Mọi vật đều có gốc có ngọn, mọi sự đều có khởi đầu có kết thúc, hiểu được những điều trước sau ấy, ắt đã tiến gần đến đạo lý vậy.

Trịnh Huyền chú giải: Chữ “minh minh đức” ý nói làm sáng tỏ cái đức tột cùng của mình vậy. Chữ “chỉ”, giống như việc chấp nhận bổn phận của mình vậy. Chữ “đắc” tức là đạt được sự hoà hợp của mọi sự vậy.

古之欲明明德於天下者。先治其國。欲治其國者。先齊其家。欲齊其家者。先脩其身。欲脩其身者。先正其心。欲正其心者。先誠其意。欲誠其意者。先致其知。知。謂知善惡吉凶之所終始也。致知在格物。格。來也。物。猶事也。其知於善深則來善物。其知於惡深則來惡物。言事緣人所好來也。此「致」或為「至」。

Người xưa muốn chiếu đức sáng của mình xuống khắp thiên hạ, thì trước hết phải trị được quốc gia. Muốn trị quốc gia, trước phải sửa nhà mình. Muốn sửa nhà mình, trước phải tu thân mình. Muốn tu thân mình, trước phải khiến lòng mình ngay thẳng. Muốn lòng ngay thẳng, trước phải khiến cho ý nghĩ của mình thành thật. Muốn ý thành thật, trước phải suy xét cả những gì mình đã biết.

Trịnh Huyền chú giải: Chữ “tri”, tức là hiểu được cái khởi nguồn, kết cục của thiện ác, cát hung vậy.

Hiểu biết về cái thiện mà thâm sâu thì ắt sẽ vời việc thiện đến với mình, hiểu biết về cái ác mà thâm sâu thì ắt sẽ vời việc ác đến với mình, cho nên mới nói duyên cớ của mọi sự đều dựa vào chí hướng của con người rất nhân quả, nhân bản.

物格而後知至。知至而後意誠。意誠而後心正。心正而後身脩。身脩而後家齊。家齊而後國治。國治而後天下平。自天子以至於庶人。壹是皆以脩身為本。其本亂而末治者否矣。其所厚者薄。而其所薄者厚。未之有也。此謂知本。此謂知之至也。壹是。專行是也。

Sự đến mà sau ta lại hiểu được nó đến từ đâu. Biết nó đến từ đâu mà sau ý nghĩ của ta sẽ thành thật. Khiến cho ý nghĩ thành thật mà sau làm ngay thẳng lòng mình. Lòng ngay thẳng mà sau tu sửa thân. Tu sửa thân mà sau sửa trị nhà. Sửa trị nhà mà sau trị được nước. Nước trị được mà sau thiên hạ yên. Từ bậc thiên tử cho đến nơi dân thường, thì tất cả những việc ấy đều lấy cái gốc ở việc tu thân. Cái gốc loạn mà trên ngọn muốn trị được thì chẳng bao giờ có. Nơi phải hậu đãi thì lại bạc bẽo, nơi mình bạc bẽo lại mong được hậu đãi, thì chưa từng có như vậy. Ấy gọi là biết tận gốc. Ấy gọi là khởi nguồn của sự hiểu biết vậy.

Trịnh Huyền chú giải: Hai chữ “nhất thị” hiểu là chuyên tâm làm việc ấy.

所謂誠其意者。毋自欺也。如惡惡臭。如好好色。此之謂自謙。故君子必慎其獨也。小人閒居為不善。無所不至。見君子而後厭然。揜其不善。而著其善。人之視己。如見其肺肝。然則何益矣。此謂誠於中形於外。故君子必慎其獨也。謙。讀為慊。慊之言厭也。厭。讀為黶。黶。閉藏貌也。

Cái gọi là khiến ý mình thành thật ấy, có nghĩa là không tự dối lừa chính mình vậy. Như việc ghét mùi hôi thối, như việc thích điều xinh đẹp, là tự thoả mãn, chấp nhận mình vậy, cho nên quân tử ắt phải thận trọng nơi riêng mình. Kẻ tiểu nhân khi nhàn cư thì không thiện, không có điều gì không làm đến. Khi thấy quân tử thì quay đi, che giấu cái không thiện mà cố tỏ được phần thiện trong mình. Việc soi xét của người nơi ta, như thấy được cả tâm can, thì làm vậy có ích gì? Ấy gọi là bên trong thực như thế nào thì bên ngoài thể hiện như vậy. Cho nên quân tử ắt phải thận trọng nơi riêng mình.

Trịnh Huyền chú giải: Chữ “khiêm” đọc như chữ “khiểm”, mà chữ “khiểm” ấy ý nói đến chữ “yếm” (tự thoả mãn) vậy. Chữ “yếm” đọc như chữ “yểm.” “Yếm” nghĩa là vẻ che đậy vậy.

曾子曰:「十目所視。十手所指。其嚴乎。」富潤屋。德潤身。心廣體胖。故君子必誠其意。嚴乎。言可畏敬也。胖。猶大也。三者。言有實於內。顯見於外。

Tăng tử nói: “Thập mục sở thị, thập thủ sở chỉ, kỳ nghiêm hồ” (Mười mắt thấy, mười tay chỉ trỏ, chính là cái khắt khe khó chối cãi vậy.) Giàu làm đẹp nhà, đức làm đẹp thân, tấm lòng rộng rãi mà con người thì khoan thai đại lượng. Cho nên quân tử ắt phải khiến cho ý mình thành thật.

Trịnh Huyền chú giải: Hai chữ “nghiêm hồ” ý nói người ta phải nể sợ vậy. Chữ “bàn” giống chữ “đại”, nghĩa là lớn vậy. Ba điều ấy ý nói nếu bên trong có thực như thế nào thì sẽ hiển hiện ở bên ngoài như vậy.

《詩》云:「瞻彼淇澳。菉竹猗猗。有斐君子。如切如磋。如琢如磨。瑟兮僩兮。赫兮喧兮。有斐君子。終不可諠兮。」「如切如磋」者。道學也。「如琢如磨」者。自脩也。「瑟兮僩兮」者。恂慄也。「赫兮喧兮」者。威儀也。「有斐君子。終不可諠兮」者。道盛德至善。民之不能忘也。此「心廣體胖」之詩也。澳。隈崖也。「菉竹猗猗」。喻美盛。斐。有文章貌也。諠。忘也。道猶言也。恂。字或作「峻」。讀如嚴峻之「峻」。言其容貌嚴栗也。民不能忘。以其意誠而德著也。

Thi kinh có câu: “Chiêm bỉ Kỳ úc, lục trúc y y. Hữu phỉ quân tử, như thiết như tha, như trác như ma, sắt hề hản hề, hách hề huyên hề. Hữu phỉ quân tử, chung bất khả huyên hề.” (Ngóng trông khúc sông Kỳ, trúc xanh tươi tốt. Có chàng quân tử sáng láng, như được đẽo gọt, như được mài giũa, rực rỡ oai phong, lẫy lừng hiển hách. Có chàng quân tử sáng láng, chết không thể quên vậy). Câu “như thiết như tha” nói về sự học vậy. Câu “như trác như ma” nói về sự tự tu dưỡng mình vậy. Câu “sắt hề hản hề” nghĩa là kính sợ vậy. Câu “hách hề huyên hề” nghĩa là sự uy nghi vậy. Câu “hữu phỉ quân tử, chung bất khả huyên hề” nói rằng đức lớn và lòng chí thiện là điều mà dân không thể quên vậy.

Trịnh Huyền chú giải: Ấy là ý “tâm quảng thể bàn” trong Thi kinh vậy. “Úc” nghĩa là bờ sông vậy. “Lục trúc y y” ẩn dụ cho vẻ đẹp tràn đầy. “Phỉ” vẻ sáng láng vậy. Chữ “huyên” nghĩa là quên vậy. Chữ “đạo” giống chữ “ngôn” nghĩa là nói về cái gì. Chữ “tuân”, có thể chép là chữ “tuấn”, đọc như chữ “tuấn” trong nghiêm tuấn”, ý nói có dung mạo nghiêm chỉnh, kính cẩn vậy. Dân không quên được, bởi ý của người ấy thành thực và cái đức của người đó sáng tỏ vậy.

《詩》云:「於戲前王不忘。」君子賢其賢而親。其親小人樂其樂而利。其利此以沒世不忘也。聖人既有親賢之德。其政又有樂利於民。君子小人。各有以思之。

Thi kinh có câu: “Ô hô tiền vương bất vong.” (Than ôi vua đời trước không quên). Quân tử mến trọng người hiền của tiền vương, yêu thương người thân của tiền vương, tiểu nhân thì được hưởng cái vui sướng của tiền vương, được làm lợi từ cái lợi của tiền vương. Vì vậy tiền vương đã chết rồi mà đời không quên vậy.

Trịnh Huyền chú giải: Bậc thánh nhân đã có cái đức của việc yêu thương mến trọng, mà sách lược của họ lại có lợi lạc cho dân. Quân tử hay tiểu nhân, mỗi người lại có lý do riêng để kính nhớ tiền vương.

《康誥》曰「克明德」。《大甲》曰「顧諟天之明命」。《帝典》曰「克明峻德」。皆自明也。皆自明明德也。克。能也。顧。念也。諟。猶正也。《帝典》。《堯典》。亦《尚書》篇名也。峻。大也。諟。或為「題」。

Trong “Khang Cáo” chép: “Khắc minh đức” (có thể làm sáng tỏ cái đức), “Thái Giáp” chép: “Cố thị thiên chi minh mệnh” (xem xét cái mệnh phải mà trời cho mình), “Đế Điển” chép: “Khắc minh tuấn đức” (có thể làm sáng tỏ đức lớn), thì đều từ việc làm sáng tỏ vậy.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tien hoc le hau hoc van 2

Hình minh họa đạo thầy trò xưa (nguồn intenet)

Trịnh Huyền chú giải: Đều từ việc làm sáng tỏ cái đức sáng của mình vậy. “Khắc” nghĩa là có thể vậy. “Cố” nghĩa là nghĩ ngợi vậy. “Thị” nghĩa là phải, đúng với vậy. “Đế Điển”, “Nghiêu Điển” đều là tên trong thiên “Thượng thư” vậy. “Tuấn” nghĩa là to lớn vậy. Chữ “thị” cũng có thể hiểu như chữ “đề”, nghĩa là bình xét, suy xét vậy.

湯之《盤銘》曰:「苟日新。日日新。又日新。」《康誥》曰:「作新民。」《詩》曰:「周雖舊邦。其命惟新。」是故君子無所不用其極。盤銘。刻戒於盤也。極。猶盡也。君子日新其德。常盡心力不有餘也。

Bài thơ “Bàn minh” của vua Thang chép: “Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân” (Muốn mỗi ngày lại mới, thì ngày nào cũng phải làm mới, thêm một ngày lại làm mới). Trong “Khang Cáo” chép: “Tác tân dân” (làm mới dân). Trong Thi kinh chép: “Chu tuy cựu bang, kỳ mệnh duy tân, thị cố quân tử vô sở bất dụng kỳ cực.” (Nhà Chu tuy chỉ còn là nước cũ, nhưng lại có mệnh mới, cho nên quân tử không có việc không được dùng hết khả năng của mình).

Trịnh Huyền chú giải: “Bàn minh” là bài thơ nhắc nhở khắc trên chậu tắm vậy. Chữ “cực” nghĩa là hết, tận vậy. Quân tử mỗi ngày làm mới cái đức của mình thì sẽ làm việc tận tâm, tận lực, không có chỗ dư ra vậy.

《詩》云:「邦畿千里。惟民所止。」《詩》云:「緡蠻黃鳥。止於丘隅。」子曰:「於止。知其所止。可以人而不如鳥乎。」於止。於鳥之所止也。就而觀之。知其所止。知鳥擇岑蔚安閒而止處之耳。言人亦當擇禮義樂土而自止處也。《論語》曰:「里仁為美。擇不處仁。焉得知。」

Thi kinh có câu: “Bang kỳ thiên lý, duy dân sở chỉ” (Bờ cõi ngàn dặm, là nơi ở của dân). Thi kinh lại có câu: “Mân man hoàng điểu, chỉ ư khâu ngung” (Đàn chim hoàng điểu quay về tựa vào vách núi). Khổng tử nói: “Ư chỉ, tri kỳ sở chỉ, khả dĩ nhân nhi bất như điểu hồ?” (Việc quay về, là biết nơi mình tựa vào, [con chim biết đậu], mà còn người lại có thể không được như con chim chăng?).

Trịnh Huyền chú giải: “Ư chỉ”, nơi tựa vào của con chim vậy. Gộp những điều đó vào mà nhìn nhận, thì “tri kỳ sở chỉ” là việc hiểu được con chim chọn nơi an nhàn, rậm rạp mà quay về trú đấy thôi. Ý nói con người cũng nên chọn nơi lễ, nghĩa, nhạc mà tựa vào vậy. Luận ngữ chép: “Lý nhân vi mỹ. Trạch bất xử nhân, yên đắc tri?” (Chọn nơi nhân đức làm đẹp mà ở. Chọn nơi ở mà không có nhân đức, thì có thể hiểu biết được chăng?)

《詩》云:「穆穆文王。於緝熙敬止。」為人君止於仁。為人臣止於敬。為人子止於孝。為人父止於慈。與國人交止於信。緝熙。光明也。此美文王之德光明。敬其所以自止處。

Thi kinh có câu: “Mục mục Văn vương, ư tập hy kính chỉ.” (Văn vương uy nghi ở chỗ có thể sáng soi). Làm vua, thì dựa vào lòng nhân ái. Làm thần, thì dựa vào lòng kính. Làm con, thì dựa vào lòng hiếu. Làm cha, thì dựa vào lòng nhân từ. Giao thiệp với người làm việc cho quốc gia, thì dựa vào chữ tín.

Trịnh Huyền: Chữ “tập hy” hiểu là chiếu sáng vậy. Đoạn ấy ca ngợi cái đức sáng rõ của Văn vương, biết kinh trọng nơi cần dựa vào để mà làm theo.

子曰:「聽訟。吾猶人也。必也使無訟乎。」無情者不得盡其辭。大畏民志。此謂知本。 情。猶實也。無實者多虛誕之辭。聖人之聽訟。與人同耳。必使民無實者不敢盡其辭。大畏其心志。使誠其意不敢訟。此謂知本。本。謂「誠其意」也。

Khổng tử nói: “Thính tụng, ngô do nhân dã. Tất dã sử vô tụng hồ?” (Khi nghe lời biện tụng, ta cũng như người, ắt phải khiến cho không còn lời biện tụng nữa). Kẻ không thành thì không được nói hết lời mình, bởi ta khiến lòng dân phải kính sợ.

Trịnh Huyền chú giải: “Tình” cũng giống như chưa “thật”, nghĩa là thành thật vậy. Kẻ không thật thì lắm lời hư hão. Việc thánh nhân nghe lời biện tụng, cũng như dân nghe lời biệt tụng. Cho nên ắt phải khiến cho kẻ không thành thật không dám nói hết lời mình, khiến cho tâm chí hắn phải kính sợ, khiến cho ý của hắn thành thật trở lại mà không dám kiện tụng nữa.

Ấy chính là biết được cái gốc.

Trịnh Huyền chú giải: “Bổn”, cái gốc, tức là việc “thành kỳ ý”, khiến cho lòng ngay thẳng vậy.

所謂脩身在正其心者。身有所忿懥。則不得其正。有所恐懼。則不得其正。有所好樂。則不得其正。有所憂患。則不得其正。心不在焉。視而不見。聽而不聞。食而不知其味。此謂脩身在正其心。懥。怒貌也。或作懫。或為疐。

Cái gọi là tu thân ở việc khiến lòng mình ngay thẳng ấy, bản thân mà có điều phẫn chí, tức giận, thì ắt không thể đạt được sự ngay thẳng; có điều sợ hãi, ắt không thể đạt được sự ngay thẳng; có điều ưa thích hưởng thụ, ắt không thể đạt được sự ngay thẳng; có điều lo buồn, ắt không thể đạt được sự ngay thẳng. Tâm không đặt tại nơi ấy, thì nhìn cũng không thấy, nghe cũng không hiểu, ăn cũng không biết vị. Ấy gọi là tu thân ở việc khiến lòng mình ngay thẳng.

Trịnh Huyền chú giải: Chữ “chí” nghĩa là vẻ phẫn nộ vậy, có thể viết chữ “chí ” hoặc chữ “chí

所謂齊其家在脩其身者。人之其所親愛而辟焉。之其所賤惡而辟焉。之其所畏敬而辟焉。之其所哀矜而辟焉。之其所敖惰而辟焉。故好而知其惡。惡而知其美者。天下鮮矣。故諺有之曰:「人莫知其子之惡。莫知其苗之碩。」此謂身不脩。不可以齊其家。之。適也。譬。猶喻也。言適彼而以心度之。曰:吾何以親愛此人。非以其有德美與。吾何以敖惰此人。非以其志行薄與。反以喻己。則身脩與否可自知也。鮮。罕也。人莫知其子之惡。猶愛而不察。碩。大也。

Cái gọi là tề gia ở việc tu thân ấy, con người khi đến với người thân yêu thì thiên lệch, khi đến với người mình ghét thì thiên lệch, khi đến với người mình kính sợ thì thiên lệch, khi đến với người mình thương xót thì thiên lệch, khi đến với người mình khinh nhờn thì thiên lệch. Cho nên thích gì mà biết mặt xấu của nó, ghét gì mà biết mặt tốt của nó, trong thiên hạ có rất ít. Bởi vậy mà ngạn ngữ có câu rằng: “Nhân mạc tri kỳ tử chi ác, mạc tri kỳ miêu chi thạc.” (Con người chẳng có ai biết con mình xấu, chẳng có ai biết lúa nhà mình cao lớn). Ấy gọi là thân không tu thì không có gì để tề gia.

Trịnh Huyền chú giải: Chữ “chi” nghĩa là đi đến, đến với vậy. Chữ “thí” nghĩa là nói cho rõ vậy, ý nói khi đến với một kẻ kia, thì trong lòng cũng tự đo lường rằng: “Ta cớ sao phải thương yêu người ấy, không phải vì người ấy có cái đức đẹp ư? Ta cớ sao phải khinh miệt người ấy, không phải vì cái đức hạnh của người ấy bạc bẽo ư? Rồi soi xét ngược lại mình, ắt có thể tự biết thân mình đã tu được hay chưa vậy. Chữ “tiển” nghĩa là hiếm vậy. Con người chẳng ai biết con mình ác, bởi vì yêu thương nên không biết tề, nắn chỉnh con cái. Chữ “thạc” nghĩa là to, lớn vậy.

所謂治國必先齊其家者。其家不可教。而能教人者無之。故君子不出家而成教於國。孝者。所以事君也。弟者。所以事長也。慈者。所以使眾也。《康誥》曰:「如保赤子。」心誠求之。雖不中不遠矣。未有學養子而後嫁者也。養子者。推心為之而中於赤子之嗜欲也。

Cái gọi là trị quốc trước hết phải tề gia ấy, nhà mình không thể dạy dỗ được mà lại dạy dỗ được người thì không có chuyện như thế. Cho nên quân tử không phải rời nhà mà vẫn có thể đạt được việc giáo dục quốc gia. Lòng hiếu là cái để phụng sự vua vậy. Lòng đễ là cái để phục vụ bề trên vậy. Lòng nhân từ là để sai khiến chúng dân vậy. Trong “Khang Cáo” nói: như việc nuôi con đỏ, lòng đứa con thật sự muốn điều gì, mình đoán không trúng thì cũng không quá xa mong muốn ấy, chứ chưa từng có chuyện học cách nuôi con rồi mới gả chồng vậy.

Trịnh Huyền chú giải: Việc nuôi con ấy, suy từ lòng mình thế nào mà nghĩ là điều trong lòng đứa con muốn vậy.

一家仁本文互而相通也。一國興仁。一家讓。一國興讓。一人貪戾。一國作亂。其機如此。此謂一言僨事。一人定國。「一家」。「一人」。謂人君也。戾之言利也。機。發動所由也。僨。猶覆敗也。《春秋傳》曰:「登戾之。」又曰:「鄭伯之車僨於濟。」戾。或為吝。僨。或為奔。

Một nhà yêu thương nhau cũng tương đồng với cái gốc của lễ tiết vậy, thì một nước sẽ giàu lòng nhân; một nhà nhường nhịn, thì một nước giàu sự nhường nhịn; một người tham ác, thì một nước sẽ làm loạn. Nền tảng của quốc gia là như vậy. Ấy gọi là một lời cũng làm hỏng việc, một người cũng có thể ổn định quốc gia.

Trịnh Huyền chú giải: “Nhất gia” (một nhà), “nhất nhân” (một người), là nói đến vua vậy. Chữ “cơ” nghĩa là nơi khởi nguồn của sự phát triển vậy. Chữ “phẫn” giống như nói huỷ hoại vậy. “Xuân Thu truyện” có câu: “Đăng lệ chi.” (Lên xe ngựa mạnh bạo.) Lại rằng “Trịnh Bá chi xa phẫn ư Tế” (Xe ngựa của Trịnh Bá bị lật ở sông Tế). Chữ “lệ” có thể là chữ “lận”, nghĩa là tham luyến. Chữ “phẫn” cũng có thể là chữ “bôn”, nghĩa là trốn chạy, thua chạy.

堯舜率天下以仁而民從之。桀紂率天下以暴而民從之。其所令反其所好而民不從。言民化君行也。君若好貨而禁民淫於財利。不能正也。

Vua Nghiêu, vua Thuấn dẫn dắt thiên hạ bằng lòng nhân, mà dân noi theo. Vua Kiệt, vua Trụ dẫn dắt thiên hạ bằng lòng bạo, mà dân cũng học theo. Mệnh lệnh của vua mà trái ngược với điều ham muốn của vua, thì dân không nghe theo.

Trịnh Huyền chú giải: Ý nói về việc giáo hoá dân bằng đức hạnh của vua vậy. Vua thích của cải mà lại chặn đường tài lợi của dân, thì không thể chính trực vậy.

是故君子有諸已而後求諸人。無諸己而後非諸人。所藏乎身不恕而能喻諸人者。未之有也。故治國在齊其家。「有於己」。謂有仁讓也。「無於己」。謂無貪戾也。

Cho nên quân tử có những điều nhân nhượng nơi mình trước rồi mới đi cầu nơi người, không có điều tham lệ thì mới có thể chỉ trích nơi người. Kẻ cố tình phớt lờ việc không nên làm với người điều mình không muốn, mà lại có thể chỉ bảo người khác, chưa từng có vậy. Cho nên trị quốc ở việc tề gia.

Trịnh Huyền chú giải: “Hữu ư kỷ” (có nơi mình) là nói về việc có lòng nhân nhượng vậy. “Vô ư kỷ” (không có nơi mình) là nói về việc tham lệ vậy.

《詩》云:「桃之夭夭。其葉蓁蓁。之子于歸。宜其家人。」「宜其家人」。而後可以教國人。《詩》云:「宜兄宜弟。」「宜兄宜弟」。而後可以教國人。《詩》云:「其儀不忒。正是四國。」其為父子。兄弟足法。而後民法之也。此謂治國在齊其家。「夭夭」。「蓁蓁」。美盛貌。「之子」者。是子也。

Thi kinh có câu: “Đào chi yêu yêu, kỳ diệp trăn trăn. Chi tử vu quy, nghi kỳ gia nhân.” (Cây đào xinh đẹp, lá cây tươi tốt. Cô gái về nhà chồng, hoà thuận với người nhà ấy). “Nghi kỳ gia nhân”, hoà hợp với người nhà ấy rồi mới có thể dạy người trong nước. Thi kinh lại có câu: “Nghi huynh nghi đệ.” (Hoà hợp với anh em). “Nghi huynh nghi đệ”, hoà hợp với anh em, rồi mới có thể dạy dỗ người trong nước. Thi kinh có câu: “Kỳ nghi bất thắc, chánh thị tứ quốc.” (Uy nghi không sai lệch, thì sẽ làm mẫu mực cho bốn phương). Việc làm cha con, anh em đủ để làm quy chuẩn, thì sau dân mới noi theo vậy. Ấy gọi là trị quốc ở việc tề gia.

Trịnh Huyền chú giải: “Yêu yêu”, “trăn trăn” chỉ vẻ xinh đẹp. Hai chữ “chi tử” hiểu như “thị tử”, tức là con gái vậy.

所謂平天下在治其國者。上老老而民興孝。上長長而民興弟。上恤孤而民不倍。是以君子有絜矩之道也。老老。長長。謂尊老敬長也。恤。憂也。「民不倍」。不相倍棄也。絜。猶結也。挈也。矩。法也。君子有挈法之道。謂當執而行之。動作不失之。倍。或作偝。矩。或作巨。

Cái gọi là bình thiên hạ ở việc trị quốc ấy, là bề trên biết kính người già thì nơi dân hưng thịnh lòng hiếu, vua thương xót kẻ mồ côi thì nơi dân hưng thịnh lòng đễ, đề cao lòng thương xót kẻ mồ côi thì nơi dân không làm phản. Ấy là bởi quân tử có đạo thẩm độ vậy.

Trịnh Huyền chú giải: “Lão lão”, “trưởng trưởng”, tức là đề cao người gì, kính trọng bề trên vậy. Chữ “tuất” nghĩa là lo buồn, thương cảm. “Dân bất bội”, nghĩa là dân không bỏ mình, bội bạc vậy. Chữ “khiết” giống như chữ “kết” (kết lại), chữ “khiết” (nêu lên) vậy. Chữ “củ” nghĩa là phép tắc vậy. Quân tử có đạo để đề ra khuôn phép, tức là tuỳ theo việc mình đảm đương mà làm, hành động việc làm đều không có sai sót gì vậy. Chữ “bội” có nơi chép là “bội.” Chữ “củ” có nơi chép là “cự.”

所惡於上。毋以使下。所惡於下。毋以事上。所惡於前。毋以先後。所惡於後。毋以從前。所惡於右。毋以交於左。所惡於左。毋以交於右。此之謂「絜矩之道」。「絜矩之道」。善持其所有。以恕於人耳。治國之要盡於此。

Ghét gì nơi trên, thì không sai khiến nơi dưới như vậy. Ghét gì nơi dưới, thì không phụng sự nơi trên như vậy. Ghét gì phía trước, thì không lấy để dẫn dắt phía sau. Ghét gì phía sau, thì không lấy để hầu hạ phía trước. Ghét gì ở bên phải, thì không đem sang bên trái. Ghét gì ở bên trái, thì không đem sang bên phải. Ấy tức là đạo thẩm độ.

Trịnh Huyền chú giải: “Khiết củ chi đạo” (đạo thẩm độ) tức là khéo giữ gìn những gì mình có, lấy nó mà suy ra nơi người vậy thôi. Điều cốt yếu nhất của việc trị quốc nằm ở điều này.

《詩》云:「樂只君子。民之父母。」民之所好好之。民之所惡惡之。此之謂「民之父母」。言治民之道無他。取於己而已。

Thi Kinh có câu: “Lạc chỉ quân tử, dân chi phụ mẫu.” (Mừng thay bậc quân tử, là cha mẹ của dân). Điều gì dân ưa thích thì mình cũng ưa thích, điều gì dân căm ghét thì mình cũng căm ghét, ấy tức là “dân chi phụ mẫu” (cha mẹ của dân).

Trịnh Huyền chú giải: Ý nói đạo lý của việc trị dân không nằm ngoài những gì mình giữ nơi mình mà thôi.

《詩》云:「節彼南山。維石巖巖。赫赫師尹。民具爾瞻。」有國者不可以不慎。辟則為天下僇矣。巖巖。喻師尹之高嚴也。師尹。天子之大臣。為政者也。言民皆視其所行而則之。可不慎其德乎。邪辟失道。則有大刑。

Thi kinh có câu: “Tiết bỉ Nam san, duy thạch nham nham, hách hách Sư Duẫn, dân cụ nhĩ chiêm.” (Đức hạnh như như núi Nam, kỷ cương cao như đá, ngài Sư Duẫn hiển hách, dân đều ngưỡng vọng ngài). Người có quốc gia trong tay thì không thể giữ bằng sự bất thận trọng, sai lệch đi thì ắt bị thiên hạ bãi bỏ vậy.

Trịnh Huyền chú giải: “Nham nham” ẩn dụ cho sự nghiêm cẩn của Sư Duẫn vậy. “Sư Duẫn” là đại thần của vua, là người đặt ra chánh trị vậy. Ý nói dân đều nhìn vào việc quan làm mà noi theo, sao có thể không thận trọng được? Thiên lệch sai ác, để mất đi đạo lý, thì ắt sẽ chịu hình phạt lớn.

《詩》云:「殷之未喪師。克配上帝。儀監於殷。峻命不易。」道得眾則得國。失眾則失國。是故君子先慎乎德。有德此有人。有人此有土。有土此有財。有財此有用。德者本也。財者末也。外本內末。爭民施奪。是故財聚則民散。財散則民聚。是故言悖而出者。亦悖而入。貨悖而入者。亦悖而出。師。眾也。克。能也。峻。大也。言殷王帝乙以上。未失其民之時。德亦有能配天者。謂天享其祭祀也。及紂為惡。而民怨神怒。以失天下。監視殷時之事。天之大命。得之誠不易也。道。猶言也。用。謂國用也。施奪。施其劫奪之情也。悖。猶逆也。言君有逆命。則民有逆辭也。上貪於利。則下人侵畔。《老子》曰:「多藏必厚亡。」

Thi kinh có câu: “Ân chi vị tang sư, khắc phối thượng đế. Nghi giám ư Ân, tuấn mệnh bất dị.” (Nhà Ân khi chưa mất, việc làm hợp ý trời. Nhìn vào mẫu vực của nhà Ân, thì hiểu việc giữ mệnh trời không dễ). Đạo mà đến được nơi chúng dân thì ắt có được quốc gia, mất đi nơi chúng dân thì ắt cũng mất quốc gia, cho nên quân tử trước hết phải thận trọng với cái đức của mình. Có đức ấy thì có người, có người ấy thì có đất, có đất ấy thì có của cải, có của cái ấy thì có việc dùng. Đức ấy chính là cái gốc vậy, còn tiền tài ấy chính là cái ngọn vậy. Đặt cái gốc ở ngoài, cái ngọn ở trong, cướp đoạt của dân, tiền tài tích tụ được thì dân tan, tiền tài biết tán ra thì dân hợp lại. Cho nên lời bội nghịch phát ra thì cũng thu về bội nghịch, của cải do bội nghịch để thu về thì cũng vì bội nghịch mà tiêu tan mất.

Trịnh Huyền chú giải: Chữ “sư” nghĩa là chúng dân vậy. Chữ “khắc” nghĩa là có thể vậy. Ý nói vua Ất của nhà Ân theo ý bề trên, chưa từng sai với dân thời ấy, đức lại hợp với trời, tức là trời đã nhận vật cúng tế của vua vậy. Còn vua Trụ thì ác, mà dân oán thật giận, cho nên mới mất thiên hạ. Xem xét việc nhà Ân, [mới hiểu rằng] mệnh lớn của trời muốn đạt thành không dễ vậy. Chữ “đạo” giống chữ “ngôn”, nghĩa là ý nói điều gì. Chữ “dụng” tức là “quốc dụng” vậy. “Thi đoạt” tức là thực thi ý niệm cướp đoạt vậy. Chữ “bội” giống chữ “nghịch”, nghĩa là phản lại vậy. Ý nói nơi vua có chuyện làm trái mệnh trời, thì nơi dân ắt có chuyện làm trái lệnh vua. Trên tham lợi lộc, ắt người dưới làm phản. Lão tử nói: “Đa tàng tất hậu vong” (Tích trữ nhiều thì ắt sẽ mất nhiều).

《康誥》曰:「惟命不于常。」道善則得之。不善則失之矣。于。於也。天命不於常。言不專祐一家也。

Trong “Khang Cáo” chép: “Duy mệnh bất vu thường” (mệnh không bất biến), ý nói thiện thì ắt đạt được mệnh ấy, mà không thiện thì sẽ mất nó vậy.

Trịnh Huyền chú giải: Chữ “vu” nghĩa “ư” là ở nơi nào. “Thiên mệnh bất ư thường” (mệnh trời không bất biến), ý nói sẽ không đặt riêng ở một nhà nào.

《楚書》曰:「楚國無以為寶。惟善以為寶。」《楚書》。楚昭王時書也。言以善人為寶。時謂觀射父。昭奚恤也。

Trong “Sở thư” chép: “Sở quốc vô dĩ vi bảo, duy thiện dĩ vi bảo” (Nước Sở không có gì là bảo vật, chỉ có lòng thiện là bảo vật).

Trịnh Huyền chú giải: “Sở thư” là sách thời Sở Chiêu Vương vậy. Ý nói lấy người thiện làm bảo vật. Bấy giờ đang nói về hai người Quan Xạ Phụ và Chiêu Hề Tuất vậy.

舅犯曰:「亡人無以為寶。仁親以為寶。」舅犯。晉文公之舅狐偃也。亡人。謂文公也。時辟驪姬之讒。亡在翟。而獻公薨。秦穆公使子顯吊。因勸之復國。舅犯為之對此辭也。仁親。猶言親愛仁道也。明不因喪規利也。

Cữu Phạm nói: “Vong nhân vô dĩ vi bảo, nhân thân vi bảo” (Kẻ lưu vong không có gì làm bảo vật, lòng thương yêu chính là bảo vật).

Trịnh Huyền chú giải: Cữu Phạm là Hồ Yển, chú của Tấn Văn Công. “Vong nhân” là nói Văn Công vậy, bấy giờ nói lời gièm chê Li Cơ phải đi lưu vong ở nước Địch. Hiến Công mất đi, Tần Mục Công sai Tử Hiển đến viếng, nhân đó khuyên ngài phục quốc, Cữu Phạm vì thế mà đáp lời vậy. “Nhân thân” giống như nói thân ái, nhân đạo vậy. Làm rõ việc không lợi dụng đám tang mà mưu tính lợi ích vậy.

《秦誓》曰:「若有一介臣。斷斷兮。無他技。其心休休焉。其如有容焉。人之有技。若己有之。人之彥聖。其心好之。不啻若自其口出。寔能容之。以能保我子孫黎民。尚亦有利哉。人之有技。媢嫉以惡之。人之彥聖。而違之。俾不通。寔不能容。以不能保我子孫黎民。亦曰殆哉。」《秦誓》。《尚書》篇名也。秦穆公伐鄭。為晉所敗於殽。還誓其群臣。而作此篇也。斷斷。誠一之貌也。他技。異端之技也。有技。才藝之技也。「若己有之」。「不啻若自其口出」。皆樂人有善之甚也。美士為「彥」。黎,眾也。尚。庶幾也。媢。妒也。違。猶戾也。俾。使也。佛戾賢人所為。使功不通於君也。殆。危也。彥。或作「盤」。

Trong “Tần thệ” nói rằng: nếu có một bậc thần tiết tháo, không hề có tài nghệ gì khác, mà tâm người ấy tốt đẹp, thì bằng như có lòng khoan đãi. Người khác có tài, cũng như mình cũng có tài. Tài nghệ như thánh của người, nếu lòng người ấy yêu mến, thì không thể nói hết bằng lời. Nếu thật có thể dung nạp người kia, thì có thể che chở cho con cháu, bách tính của ta, bề trên cũng có lợi thay! Còn với người có tài, đố kị mà ghen ghét người ta. Với người tài năng như bậc thánh, mà chia rẽ, khiến họ không được nhìn thấu [cái tài], thì không thể dung nạp được, bởi không thể bảo vệ con cháu, bách tính của ta, cũng là nguy hiểm thay!

Trịnh Huyền chú giải: “Tần thệ” là tên một thiên trong “Thượng thư.” Tần Mục Công đem quân đi đánh nước Trịnh, bại dưới Tấn Sở ở núi Hào, quay về thệ với quần thần, mà viết ra thiên ấy. Hai chữ “đoán đoán” nghĩa là nhất nhất vậy. “Tha kỹ” hiểu là tài nghệ khác lạ vậy. Trong “hữu kỹ” thì “kỹ” nghĩa là tài nghệ vậy. “Nhược kỉ hữu chi, bất thí nhược tự kì khẩu xuất”, đều có ý ca người người có lòng thiện sâu sắc vậy. Người sĩ đẹp đẽ là nghĩa chữ “ngạn” trong câu. Chữ “lê” giống chữ “chúng,” nghĩa là dân chúng vậy. Chữ “thượng”, giống chữ “thứ ki”, nghĩa là phải chăng vậy. Chữ “mạo” giống chữ “đố”, nghĩa là ghen ghét vậy. Chữ “vi” giống chữ “lệ”, nghĩa là chia rẽ, chia lìa vậy. Chữ “tỉ”, giống chữ “sử”, nghĩa là khiến cho vậy. Làm ngược lại điều mà hiền nhân làm, khiến cho công lao của hiền nhân không được vua biết đến vâỵ. Chữ “đãi” giống chữ “nguy”, nghĩa như nguy hiểm vậy. Chữ “ngạn” có nơi chép là chữ “bàn.”

唯仁人放流之。迸諸四夷。不與同中國。此謂唯仁人。為能愛人。能惡人。放去惡人媢嫉之類者。獨仁人能之。如舜放四罪而天下咸服。

Chỉ có người nhân ái thì mới biết đem đày họ đi, chạy tới tứ phương, man di, không cùng ở Trung quốc. Ấy tức là chỉ có người nhân thì mới có thể yêu người, ghét người.

Trịnh Huyền chú giải: Việc lưu đày những loại người ác độc, đố kỵ, chỉ có người nhân mới làm được, như vua Thuấn đày những kẻ tứ tội đi mà cả thiên hạ hàm phục.

見賢而不能舉。舉而不能先。命也。見不善而不能退。退而不能遠。過也。命。讀為「慢」。聲之誤也。舉賢而不能使君以先己。是輕慢於舉人也。

Thấy người hiền mà không tiến cử, tiến cử mà không đặt người ấy trước mình, thì ấy là vô phép vậy. Thấy việc không thiện mà không ngần ngại, ngần ngại mà không tránh xa, cũng là sai lầm vậy.

Trịnh Huyền chú giải: Chữ “mệnh” phải đọc là “mạn”, âm đọc bị lẫn lộn. Tiến cử người hiền mà không thể khiến vua đặt họ trước mình, thì là khinh rẻ người mình tiến cử vậy.

好人之所惡。惡人之所好。是謂拂人之性。菑必逮夫身。拂。猶佹也。逮。及也。

Thích điều mà người ghét, ghét điều mà người thích, tức là làm trái lại bản tính con người, thì tai hoạ ắt đến nơi mình.

Trịnh Huyền chú giải: Chữ “phất” giống chữ “quỷ”, nghĩa là trái lạ vậy. Chữ “đãi” nghĩa là đến với vậy.

是故君子有大道。必忠信以得之。驕泰以失之。道行所由。生財有大道。生之者眾。食之者寡。為之者疾。用之者舒。則財恆足矣。是不務祿不肖。而勉民以農也。

Cho nên quân tử có đại đạo thì ắt phải từ trung tín mà nên, kiêu ngạo tự mãn thì sẽ mất.

Trịnh Huyền chú giải: Ý nói về phương pháp thực hành đại đạo.
Việc sinh ra của cải cũng có đạo đạo. Kẻ sinh ra thì nhiều, kẻ ăn xài thì ít, kẻ làm ra thì nhanh, kẻ dùng đến thì chậm, ắt tiền tài mãi đủ vậy.

Trịnh Huyền chú giải: Tức là không chuyên tâm vào vơ vét lộc thì không hết, nên khuyến khích dân làm nông vậy.

仁者以財發身。不仁者以身發財。發。起也。言仁人有財。則務於施與。以起身成其令名。不仁之人。有身貪於聚斂。以起財務成富。

Người nhân thì dùng tiền tài để phát triển mình, kẻ bất nhân thì dùng thân để sinh tiền tài.

Trịnh Huyền chú giải: Chữ “phát” có nghĩa là khởi lên vậy. Ý nói người nhân mà có tiền tài, ắt sẽ chuyên tâm vào việc bố thí phân phát, để khởi được danh tiếng tốt đẹp. Kẻ bất nhân mà có tiền tài thì chuyên tâm thu góp, khởi tiền tài chỉ để giàu có hơn.

未有上好仁而下不好義者也。未有好義其事不終者也。未有府庫財非其財者也。言君行仁道。則其臣必義。以義舉事無不成者。其為誠然。如己府庫之時為己有也。

Chưa từng có chuyện bề trên ưa lòng nhân và bên dưới không hiếu, không nghãi vậy. Chưa từng có chuyện biết hiếu nghĩa mà việc lại không thành vậy. Chưa từng có phủ khố nào không phải tiền tài của vua vậy.

Trịnh Huyền chú giải: Ý nói quân tử thực hành đạo lý của lòng nhân, ắt quần thần phải nghĩa. Lấy nghĩa để làm việc thì không có việc gì không thành thật. Người quan ấy thành thật, thì trong phủ khố có gì cũng là vua có vậy.

孟獻子曰:「畜馬乘。不察於雞豚。伐冰之家。不畜牛羊。百乘之家。不畜聚斂之臣。與其有聚斂之臣。寧有盜臣。」此謂國不以利為利。以義為利也。孟獻子。魯大夫仲孫蔑也。「畜馬乘」。謂以士初試為大夫也。「伐冰之家」。卿大夫以上。喪祭用冰。「百乘之家」。有采地者也。雞豚。牛羊。民之所畜養以為財利者也。國家利義不利財。盜臣損財耳。聚斂之臣乃損義。《論語》曰:「季氏富於周公。而求也為之聚斂。非吾徒也。小子鳴鼓而攻之可也。」

Mạnh Hiến Tử nói rằng: đã cưỡi xe ngựa, thì không quan tâm đến gà lợn. Nhà có băng đá để dùng, thì không chứa trâu dê. Nhà có trăm mẫu đất, thì không nuôi kẻ thu thuế. So với việc nuôi quan thu thế, thì thà nuôi kẻ trộm. Ấy gọi là quốc gia không lấy lợi làm lợi, mà lấy nghĩa làm lợi.

Trịnh Huyền chú giải: “Phạt bằng chi gia” chỉ vị quan lớn khi làm lễ tang tế thì dùng băng đá. “Bách thừa chi gia” chỉ người có cả thái ấp vậy. “Kê đồn” (gà lợn), “ngưu dương” (trâu dê) là những con vật mà dân nuôi để kiếm lợi vậy. Quốc gia mà lợi từ nghĩa chứ không lợi từ tiền tài, thì chỉ có kẻ trộm cắp là mất tiền tài mà thôi, còn quan tham thu góp thì tổn nghĩa. Trong “Luận ngữ” chép [lời Khổng Tử]: Họ Quý giàu hơn Chu công, mà Cầu lại làm quan thu góp cho họ. Hắn không phải là đệ tử của ta, các con hãy gióng trống mà đòi trách phạt vậy.

長國家而務財用者。必自小人矣。言務聚財為己用者。必忘義。是小人所為也。

Kẻ đứng đầu quốc gia mà chỉ chăm chú dùng tiền tài, ắt từ tiểu nhân mà ra.

Trịnh Huyền chú giải: Ý nói kẻ mà chỉ biết vơ vét tiền tài vào của riêng, ắt sẽ mất đi nghĩa, ấy là bản tính của kẻ tiểu nhân vậy.

彼為善之。小人之使為國家。菑害並至。雖有善者。亦無如之何矣。彼,君也。君將欲以仁義善其政。而使小人治其國家之事。患難猥至。雖云有善。不能救之。以其惡之已著也。

Người ấy lại yêu thích kẻ tiểu nhân, dùng kẻ tiểu nhân để làm việc của quốc gia, thì tai với hại sẽ cùng đến, dẫu có người thiện đấy, cũng có thể làm gì được nữa?

Trịnh Huyền chú giải: Chữ “bỉ” nói đến vua vậy. Vua muốn lấy nhân nghĩa thiện làm sách lược, mà lại dùng tiểu nhân để làm việc quốc gia, thì hoạn nạn sẽ đến một lượt, tuy nói rằng có người thiện, cũng không thể cứu được, bởi vì việc ác đã hiển lộ rồi.

此謂國不以利為利。以義為利也。

Ấy gọi là quốc gia không lấy lợi làm lợi, mà lấy nghĩa làm lợi vậy.

Tác giả: Nhà Nghiên cứu văn hóa Hoàng Đoan Trang

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường