Trong phạm vi bài viết này, người viết chỉ đề cập tới vai trò của ông đối với sự phát triển của Phật giáo ở Sri Lanka trên một số phương diện. Phật giáo không chỉ là nhịp cầu kết nối tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước Ấn Độ - Sri Lanka mà còn là nhịp cầu kết nối giữa mọi người dân yêu chuộng hòa bình trên phạm vi toàn thế giới.

TS.Hà Thị Đan Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2023

Trong suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, Ấn Độ và Sri Lanka có nhiều mối liên hệ, không chỉ về mặt địa chính trị mà còn cả văn hóa - nghệ thuật và tôn giáo. Sri Lanka là một quốc đảo kế cận với lục địa Ấn Ðộ, đương nhiên, nhân dân hai nước từ lâu đã có sự giao lưu, trao đổi thường xuyên.

Thời điểm huy hoàng trong quan hệ giữa hai quốc gia này đã có từ những năm trước công nguyên (TCN), người đặt nền móng không ai khác chính là Hoàng đế Asoka (vua A Dục) và Quốc vương Devanampiyah (Thiên Ái Đế Tu).

1. Về Hoàng đế Asoka

Địa linh Ấn Độ suốt chiều dài 5.000 năm từng sản sinh ra nhiều nhân kiệt trên hầu hết các lĩnh vực từ triết học, tôn giáo đến văn học, nghệ thuật, chính trị; trong đó, không thể không nhắc tới Hoàng đế Asoka (273 - 232 TCN) của vương triều Môria(1). Sinh thời, lãnh tụ Nehru từng chuyển dẫn một nhận xét rất xác đáng của nhà sử học H. G Well rằng: “Trong hàng chục ngàn tên tuổi các vua chúa tụ tập quanh các cột trụ của lịch sử, sự tôn nghiêm cùng sự độ lượng của họ, sự trầm lặng thanh thản cùng sự cao quý vương giả của họ, tên tuổi của Asoka tỏa ánh hào quang mà hầu như một mình tỏa ánh hào quang. Từ Volga đến Nhật Bản, tên tuổi của ông vẫn còn được trọng vọng, Trung Hoa, Tây Tạng và ngay cả Ấn Độ - tuy đã từ bỏ học thuyết của ông, vẫn giữ gìn truyền thống về sự vĩ đại của ông. Ngày nay, những người đang sống nâng niu kỷ niệm về ông nhiều hơn những tên tuổi đã từng nổi tiếng”(2).

Thực tế lịch sử đã chứng minh, có nhiều giá trị văn hóa khởi nguồn từ Ấn Độ song lại khởi sắc ở nhiều vùng đất khác, trong đó có Phật giáo. Trong lịch sử tôn giáo Ấn Độ, có lúc tưởng như Phật giáo đã bị “mờ nhạt” bởi Bà la môn giáo. Từ lúc Thích Ca Mâu Ni qua đời đến thời Asoka - chỉ hơn 200 năm sau, Phật giáo “tái sinh” và trở thành quốc giáo. Hoàng đế Asoka đã có nhiều đóng góp cho sự chấn hưng và phát triển đạo Phật. Có thể ghi nhận điều này qua nhiều chỉ dụ thấm đẫm tinh thần Phật giáo trên cột đá mà trước đây, giới nghiên cứu thường gọi là “Cột Asoka” với 31 văn khắc được viết bằng phương ngữ Prakit và chữ Brahmin(3). Những chỉ dụ ấy cho biết nhà vua đã hoàn toàn tin lời dạy của đạo Phật và gắng áp dụng nó vào việc trị nước. Theo sự ghi chép của cố thủ tướng Nehru, “Asoka… sẽ không bao giờ cho phép giết chóc và bắt bớ nữa dù chỉ là một phần trăm hay một phần nghìn số người bị giết tại Kalinga. Asoka còn nói thêm rằng cuộc chinh phục thực sự phải là cuộc chinh phục trái tim con người bằng luật lệ, nghĩa vụ và mộ đạo, và những chiến thắng thực sự như vậy đã được ngài giành được không những chỉ trong lãnh thổ của ngài mà cả ở các vương quốc xa xôi”(4).

Để tỏ ra mình là một phật tử đắc đạo, trong suốt thời gian trị vì, Asoka hăng say và tích cực “làm việc cho tôn giáo mới, tự xưng là giáo chủ, tặng Tăng hội vô số tiền, cho xây cất 84.000 ngôi chùa và dựng ở khắp nơi trong nước nhiều dưỡng đường cho bệnh nhân, cả loài vật nữa”(5). Dưới thời của ông, đạo Phật được truyền bá khắp nội địa cũng như nhiều quốc gia khác như Sri Lanka, Ai Cập, Hy Lạp, Tây Tạng, Trung Hoa, Mông Cổ, Nhật Bản... Hội đồng Phật giáo được triệu tập 3 lần và đến lần thứ 3, dưới sự bảo trợ của Asoka, rất nhiều phái đoàn đi đến các nước để ngoại giao và truyền bá giáo pháp Phật giáo do ông chủ xướng. Sự kiện người con trai Mahinda và con gái Sangmitta của Asoka đã sang Tích Lan truyền đạo cũng như cây bồ đề hiện còn ở Sri Lanka là một trong những minh chứng về sự truyền bá Phật giáo lúc bấy giờ.

Nhờ công lao truyền bá của Hoàng đế Asoka, ngày nay, Phật giáo là tôn giáo lớn của thế giới(6). Và Sri Lanka chính là một trong những miền đất khởi đầu cho sự truyền bá ấy.

2. Phật giáo Sri Lanka

Người ta cho rằng Phật giáo đến Sri Lanka khoảng năm 250 TCN, do Mahinda (Ma- hi-đà) và Sanghamitta (Tăng- già-mật-đa), hai người con của hoàng đế Asoka (A Dục) truyền từ Ấn Độ(7). Nhà vua Sri Lanka (Tích Lan) hồi đó là Devānampiya tissa (Thiên Ái Đế Tu) trở thành Phật tử và thành lập Đại tự (Mahāvihāra) nổi tiếng. Nơi đó, ông trồng một nhánh Bồ đề có nguồn từ nơi Phật thành đạo, Bồ đề đạo trường. Đại tự trở thành trung tâm của Thượng tọa bộ. Từ đây, Phật giáo liên tục được củng cố và phát triển. Không chỉ vua và nhân dân, các tầng lớp quan lại cũng rất chuộng Phật giáo vì nó hợp với tâm tư, tình cảm của mọi người. Ngoại trừ tính triết lý và kinh viện thì Phật giáo thật sự đã đem đến sự an lạc cho người dân Sri Lanka. Lịch sử Sri Lanka (chủ yếu là cuốn sử lớn Mahavamsa) còn ghi chép khá rõ giai đoạn đầu khi Phật giáo mới du nhập và vai trò to lớn của vua Thiên Ái Đế Tu - người đã nhiệt thành thúc đẩy Phật giáo phát triển thông qua việc xây dựng hệ thống tu viện và Phật học đường để giảng dạy kinh sách cho tăng lữ, cư sĩ. Điều này chứng tỏ Phật giáo đã đạt được tầm quan trọng trên bình diện quốc gia: được cả nhà sư lẫn các vị vua sùng mộ. Vua trọng vọng các nhà sư và dùng họ như những cố vấn đắc lực; ngược lại, thế lực của các nhà sư cũng luôn ủng hộ vua(8).

Sau bước khởi đầu đó, Phật giáo cũng có lúc thăng lúc trầm tại quốc đảo này và luôn gặp phải sự cạnh tranh của một số tôn giáo khác như Bà la môn giáo, Hồi giáo. Tuy nhiên, người ta không thể phủ nhận một thực tế: Sri Lanka là một nước Phật giáo liên tục lâu đời nhất. Có rất nhiều quốc gia bị ảnh hưởng sâu đậm bởi Phật giáo nhưng không đâu như ở đây, Phật giáo được coi là bộ mặt dân tộc. Đặc biệt, sau khi Sri Lanka giành độc lập từ tay người Anh (1948), đạo Phật đã đóng vai trò quan trọng trong tín ngưỡng cả nước và ảnh hưởng lên mọi mặt đời sống văn hoá xã hội của xứ sở này. Nói như tác giả Dhammavihari Thera thì “Phật giáo đã tạo nên một đất nước Sri Lanka”(9). Không phải “vô tình” mà quốc kỳ, quốc huy, quốc ca của Sri Lanka đều phảng phất dấu ấn Phật giáo(10).

Chưa hết, Phật giáo còn phủ bóng lên nhiều lĩnh vực khác như nghệ thuật, giáo dục, văn hóa - xã hội của đảo quốc này. Về nghệ thuật: Những kiến trúc đẹp nhất Sri Lanka là kiến trúc Phật giáo, trong đó không thể không nhắc đến thành cổ Anuradhapura - trung tâm Phật giáo cách thủ đô Colombo 210km. Anuradhapura từng là thủ phủ đầu tiên của Sri Lanka. Ngày nay, nó vẫn được mệnh danh là thành phố của thánh thần và tín ngưỡng, được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1982(11). Anuradhapura biểu trưng cho sức mạnh của Sri Lanka, có cây bồ đề 2.600 năm tuổi và nhiều chùa thờ Phật. Jetavaramaya là tháp Phật lớn nhất thế giới xây từ thế kỷ thứ 5, là một tuyệt tác của chạm khắc, kiến trúc độc đáo ở Sri Lanka. Bên cạnh đó, còn có tháp Thuparama Dagaba thờ xá lị của Phật, được người dân Sri Lanka trân trọng thành kính.

Kandy - thành phố lớn thứ 2, cố đô cuối cùng của Sri Lanka - có nhiều di sản Phật giáo. Đền Embekka Devalaya thờ Mahasena, vị vua lừng lẫy nhất Sri Lanka, sống ở thế kỷ thứ III TCN. Nơi đây, tương truyền còn giữ một chiếc răng của Phật và cuộc sống cả ngàn năm nay không có sự xáo trộn nào đáng kể.

Về giáo dục: Ngay từ thời vua Devanampiyatissa (Thiên Ái Đế Tu, thế kỷ II - III TCN), theo tôn chỉ của Trưởng lão Mahinda, trung tâm giáo dục Mahavihara được thành lập. Về sau, Mahavihara trở thành trung tâm giáo dục Phật giáo quốc tế quan trọng và gây sự chú ý đặc biệt đối với các bậc thông tuệ như Buddhadatta, Buddhaghosa, Buddhappiya - những bậc đại danh tăng tiền bối của Phật giáo Srilanka, đã biên soạn nhiều công trình chú giải, phụ chú giải kinh luật công phu với nhiều luận giải hoặc phụ lục giá trị cho kho tàng văn học Phật giáo Sri Lanka. Điều này chứng tỏ sự nghiệp giáo dục của Phật giáo Sri Lanka đã gặt hái được những thành quả ban đầu đáng quý và đặt nền móng cho sự phát triển trong giai đoạn kế tiếp. “Đến hiện đại từ truyền thống” nên ngày nay, giáo dục Sri Lanka vẫn mang đậm dấu ấn Phật giáo. Việc giảng dạy Phật pháp cho học sinh trở thành môn học bắt buộc. Đặc biệt, từ năm 1995, chính phủ Sri Lanka đã quyết định chọn ngày 3 tháng 8 hàng năm làm ngày lễ kỷ niệm của Trường học Phật pháp, bởi “Sự thù ghét hay ghen tỵ không nên dấy lên trong tâm trí non dại của trẻ em vì những sự kiện đã qua. Làm như thế chẳng được gì cả mà chỉ mang đến sự bất bình và ghét bỏ lẫn nhau mà thôi. Là người lớn, chúng ta phải có trách nhiệm xây dựng mối liên hệ mật thiết giữa các sắc tộc tôn giáo khác nhau"(12).

Phật giáo đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống và văn hóa Sri Lanka, được coi là con đường để Sri Lanka phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện tại. Trong ngày lễ trăng tròn Vesak lần thứ 2600 đánh dấu sự thành đạo của đức Thích Ca Mâu Ni, tổng thống Mahinda Rajap đã tham dự cùng thông điệp: “Trong suốt 2600 năm, những lời dạy của đức Phật đã chỉ ra con đường đúng đắn cho loài người. Lợi ích và hạnh phúc mà con người có được là không thể đo đếm. Hôm nay, quê hương chúng ta tôn vinh cả thế giới trong việc bảo tồn những bài giảng của Ngài trong suốt hai thiên niên kỷ qua.

Để đạt được nền hoà bình lâu dài, vĩnh cửu và nhận ra mục tiêu phát triển của đất nước, chúng ta phải thực hành theo những lời dạy của đức Phật. Đức Phật đã chỉ cho chúng ta con đường giải thoát chính mình khỏi bốn ác nghiệp là sợ hãi, thù ghét, lo sợ và vô minh. Theo đó, chính sách của chính phủ chúng ta phù hợp với giáo pháp của đức Phật”(13).

Về giao lưu, hội nhập quốc tế: Sri Lanka là nơi mà nền học thuật Phật giáo phát triển mạnh nên nơi đây còn là “cầu nối” để giao lưu, hội nhập quốc tế về các vấn đề liên quan đến Phật giáo. Nhiều hội thảo về Phật học, về ngôn ngữ Pāli, Sanskrit được diễn ra nhằm quy tụ các học giả và nhà nghiên cứu trên thế giới đến để trình bày những khám phá mới cũng như giới thiệu các nét đặc sắc về tư tưởng, văn hoá và triết lý của đạo Phật đến với giới học thuật năm châu. Có thể kể ra một số hội nghị, hội thảo tiêu biểu diễn ra ở Sri Lanka trong khoảng một thập niên trở lại đây như sau:

Thứ nhất là “Hội nghị thượng đỉnh Tăng già Phật giáo thế giới” diễn ra từ ngày mùng 7 đến 10/5/2012 tại nhà hát Pokuna Nelum Mahinda Rajapaksa với sự tham gia đặc biệt của Tổng thống Sri Lanka - Mahinda Rajapaksa. Hội nghị có sự tham gia của khoảng 800 tăng sĩ “bản xứ” và gần 500 tu sĩ đến từ 31 quốc gia: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Anh Quốc, Việt Nam… Được biết, Hội nghị tương tự đã được tổ chức lần đầu tiên tại Colombo (Sri Lanka) vào tháng 5 năm 1966. Chính vào năm đó, Hội nghị đã thành lập Hiệp hội Tăng già Phật giáo Thế giới, nói gọn là "Tăng già Phật giáo Thế giới". Và cho đến nay, đó vẫn là một tổ chức Tăng già Phật giáo duy nhất có tính thế giới(14).

Tiếp theo đó, từ ngày 02 đến 07-11, năm 2017, cũng tại thủ đô Colombo (Sri Lanka) tiếp tục diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo thế giới lần 7 với chủ đề: “Phật giáo vì Hòa bình”. Theo Ban tổ chức hội nghị kỳ này thu hút khoảng 1.000 thành viên đến từ 47 quốc gia và vùng lãnh khác nhau trên thế giới(15).

Năm 2018, (trước khi đại dịch Covid xảy ra), nhiều hội thảo lớn về Phật giáo đã tổ chức ở đây, cụ thể là:

Ngày 02/05/2018, đã diễn ra phiên khai mạc đặc biệt của Hội thảo Phật giáo Quốc tế của Trung tâm Phật giáo Quốc tế Rajagiriya Sadaham Sewana. Hội thảo kéo dài bốn ngày lần này sẽ là nơi hội ngộ của các nhà tu hành Phật giáo đến từ nhiều quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Myanmar, Việt Nam, Nepal và nhiều lãnh đạo cấp cao Phật giáo cùng nhiều người đứng đầu các tổ chức Phật giáo trên khắp thế giới. Mục đích của Hội thảo là tổ chức một cuộc đối thoại với sự tham gia của nhiều trung tâm Phật giáo quốc tế để thảo luận về nhiều vấn đề liên quan đến tôn giáo, xã hội, kinh tế, sức khỏe cùng các vấn đề khác ảnh hưởng đến nhân loại(16).

Cùng năm đó, Đại học Sri Jayewardenepura (một trong 05 trường Đại học lớn nhất tại Sri Lanka) đã tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc tế lần thứ 14 (19/12/2018) về chuyên ngành Phật học và Pāli với các chủ đề lớn như: Triết học Phật giáo, Thiền, Văn Học và Ngôn Ngữ Pāli, Tâm lý học Phật Giáo và Trị liệu v.v…(17)

Ngày 11/03/2019, Sri Lanka phối hợp với Pakistan (từng là cái nôi của nghệ thuật và văn hóa Phật giáo tổ chức HỘI THẢO PHẬT GIÁO QUỐC TẾ với chủ đề “Nền văn minh Phật giáo và Gandhara: Mối quan hệ giữa Pakistan và Sri Lanka”(18). Nhiều học giả nổi tiếng đến từ Trung Quốc, Đức, Pakistan và Sri Lanka sẽ tham gia hội thảo quốc tế lần này để trình bày các kiến thức và quan điểm của họ.

Kết luận

Về mối quan hệ giữa Ấn Độ và Sri Lanka mà khởi đầu là sự truyền bá Phật giáo được sử sách Sri Lanka đề cập đến rất nhiều và chủ yếu là ca ngợi công đức của hoàng đế Asoka. Sự kiện này ghi một dấu mốc rất quan trọng đối với cả 2 nước:

- Đối với Ấn Độ: Dưới thời Asoka, do sự lan tỏa sâu rộng của Phật giáo, Ấn Độ đã trở thành một trung tâm quốc tế quan trọng. Nhờ các cuộc tiếp xúc với bên ngoài mà trao đổi thương mại giữa Ấn Độ và các nước khác cũng phát triển.

- Đối với Sri Lanka: Chuyến đi của Thượng tọa Mahinda đến Sri Lanka (theo lệnh của vua cha) đã mang đến Sri Lanka không chỉ một tôn giáo mới mà cả một nền văn minh ở thời cực thịnh. Ông đem theo nghệ thuật, kiến trúc Phật giáo đến Sri Lanka. Cùng với Sangharamas và Cetiyas, ông được xem như tổ sư của nền văn học Sinhalese. Chuyến đi này góp phần hoàn thành một loạt quan hệ xã hội, văn hóa, ngoại giao giữa Ấn Độ và Sri Lanka. Đến hôm nay, các quan hệ đó vẫn được nối dài và tiếp tục.

Như vậy, Hoàng đế Asoka không chỉ là danh nhân vĩ đại trong lịch sử Ấn Độ mà ông còn có nhiều đóng góp quan trọng đối với sự phát triển đạo Phật ra bên ngoài. Trong phạm vi bài viết này, người viết chỉ đề cập tới vai trò của ông đối với sự phát triển của Phật giáo ở Sri Lanka trên một số phương diện. Phật giáo không chỉ là nhịp cầu kết nối tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước Ấn Độ - Sri Lanka mà còn là nhịp cầu kết nối giữa mọi người dân yêu chuộng hòa bình trên phạm vi toàn thế giới.

TS.Hà Thị Đan Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2023 ***

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Dhammavihari Thera (2012), Nghiên cứu phê bình Lịch sử Phật giáo Sri Lanka thời kỳ đầu (Người dịch : Thích Huệ Pháp), Nxb Phương Đông, 2. Nguyễn Thừa Hỷ (2021), Đại cương lịch sử và văn hóa Ấn Độ, Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội. 3. Thích Thanh Kiểm (2017), Lược sử Phật giáo Ấn Độ, Nxb Tôn giáo, Hà Nội. 4. Vũ Dương Ninh (chủ biên, 2001), Một số chuyên đề lịch sử thế giới, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội 5. Thánh Nghiêm - Tịnh Hải - Nguyễn Đức Sâm (2008), Lịch sử Phật giáo thế giới, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. 6. Cao Xuân Phổ - Ngô Văn Doanh, Trần Thị Lý (1997), Ấn Độ xưa và nay, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. 7. Trần Quang Thuận, (2008), Phật giáo Nam tông tại Đông Nam Á, Nxb Tôn giáo, Hà Nội .

CHÚ THÍCH: (1) Will Durant (2006), (người dịch: Nguyễn Hiến Lê), Lịch sử văn minh Ấn Độ, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr. 118 - 124. (2) Jawaharlal Nehru (1990), Phát hiện Ấn Độ - tập 1 (người dịch: Phạm Thủy Ba, Lê Ngọc Hoàng Túy, Nguyên Tâm), Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 216 (3) Lương Ninh (2006), Phật giáo từ Siddharta đến Asoka, Kỷ yếu hội thảo “Văn hóa phương Đông - Truyền thống và hội nhập”, Nxb ĐHQGHN, tr. 149 (4) Jawaharlal Nehru (1990), Phát hiện Ấn Độ -tập 1 (Sđd), Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 214 (5) Will Durant (2006), Lịch sử văn minh Ấn Độ Sdd, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr. 122 (6) Hoàng Tâm Xuyên (1999), Mười tôn giáo lớn trên thế giới, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.285 - 404 (7) H. Perera (1988), Buddhism in Srilanka: A short history, Budddhist Publication Society Kandy, Sri Lanka tại trang http://www. buddhanet.net/pdf_file/bud-srilanka.pdf (8) Ananda W. P. Guruge (2005), Mahavamsa- The Great Chronicle of Sri Lanka, S. Godage & Brothers Colombo, Sri Lanka. (9) Dhammavihari Thera (2011) (Người dịch: Thích Huệ Pháp), Nghiên cứu Phê bình Lịch sử Sri Lanka thời kỳ đầu, Nxb Phương Đông, trang https://thuvienhoasen.org/ (10) Quốc kỳ của Srilanka có có hình con sư tử vàng cầm chặt thanh kiếm chiến đấu ở giữa và bốn lá bồ đề xung quanh biểu trưng cho tín ngưỡng Phật giáo. Ở trung tâm quốc huy Sri Lanka cũng là con sư tử màu vàng, xung quanh có 16 cánh hoa sen. Hình trên quốc huy Sri Lanka là một bánh xe Phật pháp chuyển động vĩnh hằng tượng trưng cho tín ngưỡng Phật giáo. Quốc ca Sri Lanka với những ca từ cũng mang hơi thở Phật giáo(Xin xem thêm Nguồn gốc tên gọi các nước trên thế giới của nhóm tác giả: Nguyễn Hồng Trang - Nguyễn Kim Dân - Nguyễn Thuận Ánh - Vũ Hải, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, tr. 74-76.) (11) Hồng Ngọc, Tam giác văn hóa Phật giáo ở Sri Lanka, https://hanoimoi.vn/tam-giac-van-hoa-phat-giao-o-sri-lanka-474867. html, cập nhật ngày 29/09/2023. (12) Xin xem bài viết Sri Lanka: Phật giáo là con đường phát triển đất nước tại trang: https://www.daophatngaynay.com/vn (13) Xin xem bài viết Sri Lanka: Phật giáo là con đường phát triển đất nước tại trang: https://www.daophatngaynay.com/vn (14) Xin xem bài, “Hội nghị thượng đỉnh Tăng già Phật giáo thế giới” trên trang https://giacngo.vn/hoi-nghi-thuong-dinh-tang-gia- phat-giao-the-gioi-post17961.html, cập nhật ngày 10/10/2023 (15) Ngọc Hằng (dịch), Hội Nghị Thượng Đỉnh Phật Giáo Thế Giới Lần Thứ 7 Ở Sri Lanka, trang https://linhsonphatgiao. com/8/11/2017 (16) Vân Tuyền, Sri Lanka: Khai mạc Hội thảo Phật giáo Quốc tế, https://phatgiao.org.vn/sri-lanka-khai-mac-hoi-thao-phat-giao- quoc-te-d30695.html, cập nhật ngày 29/09/2023 (17) Nhuận Lưu, Giới Thiệu Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam ở Hội Thảo Khoa Học Quốc Tế lần thứ 14 tại ĐH Sri Jayewardenepura, Sri Lanka, trang https://www.daophatngaynay.com/vn/tin-tuc/trong-nuoc, cập nhật ngày 10/10/2023 (18) Vân Tuyền, Cộng Hòa Hồi giáo Pakistan nhấn mạnh tiềm năng thúc đẩy Phật giáo hòa bình, https://phatgiao.org.vn/cong-hoa- hoi-giao-pakistan-nhan-manh-tiem-nang-phat-giao-thuc-day-hoa-binh-d34252.html, cập nhật ngày 06/10/2023