Trang chủ Quốc tế Thái Lan: Hòa thượng Samana Bhodirak người sáng lập cộng đồng Santi Asoke viên tịch

Thái Lan: Hòa thượng Samana Bhodirak người sáng lập cộng đồng Santi Asoke viên tịch

Trưởng lão Hoà thượng Samana Bhodirak người Sáng lập cộng đồng Santi Asoke, cộng đồng Phật giáo tự cung tự cấp ở Thái Lan vừa Viên tịch vào lúc 6 giờ 40 phút sáng hôm thứ Năm ngày 11 tháng 4 năm 2024 (3/3/Giáp Thìn), trụ thế 90 xuân.

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Trưởng lão Hoà thượng Samana Bhodirak người Sáng lập cộng đồng Santi Asoke, cộng đồng Phật giáo tự cung tự cấp ở Thái Lan viên tịch vào lúc 6 giờ 40 phút sáng hôm thứ Năm ngày 11 tháng 4 năm 2024 (3/3/Giáp Thìn), trụ thế 90 xuân.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Hoa thuong Samana Bhodirak Thai Lan vien tich 4

Tiểu sử Trưởng lão Hoà thượng Samana Bhodirak
(Biography of Samana Bhodirak)
(1934-2024)

Trưởng lão Hoà thượng Samana Bhodirak (Mongkol Rakphongs) sinh vào hôm thứ Ba, ngày 5 tháng 6 năm 1934 (24/4/Giáp Tuất) tại tỉnh Srisaket, đông bắc Thái Lan.

Ngài mồ côi cha từ bé. Hiền mẫu của Ngài di cư đến Ubonratchathani, một tỉnh thuộc vùng Isan của Thái Lan, quê hương của bà và để bắt đầu công việc kinh doanh nhỏ lẻ, sau đó bà tái hôn. Bà thành công trong công việc kinh doanh thương mại và trở nên thịnh vượng, nhưng sau đó bà gặp phải những giao dịch lừa đảo từ những kẻ bất nhân thất đức và bà đã ngã bệnh. Tình hình kinh tế gia đình bà ngày càng sa sút, nhưng bà đã nhận được sự giúp đỡ tài chính từ người chú là một bác sĩ y khoa.

Thuở ấu thơ Ngài là cậu bé rất ngoan hiền, chăm chỉ trong học tập và rèn luyện nhân cách, Ngài đã giúp đỡ hiền mẫu mình trong công việc kinh doanh thương mại của gia đình.

Sau khi tốt nghiệp trung học ở Bangkok, Ngài đã thi đổ vào trường Cao đẳng Nghệ thuật Poh Chang thuộc Khoa Mỹ thuật và đổi tên thành Rak Rakphongs khi theo học tại trường này.

Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Nghệ thuật Poh Chang thuộc Khoa Mỹ thuật, năm 1958, Ngài bắt đầu làm việc tại Công ty TNHH Truyền hình Thái Lan, sản xuất các chương trình dành cho trẻ em, cũng như các chương trình giáo dục và học thuật, và trở nên nổi tiếng bởi những chương trình đặc sắc này. Ngài làm việc bán thời gian để giảng dạy các lớp Văn hoá nghệ thuật ở nhiều trường khác nhau.

Vào thời điểm bấy giờ, Ngài có được mức lương hàng tháng 20.000 baht (trong khi lương hàng tháng của thủ tướng Thái Lan là 12.000 baht). Khi hiền mẫu của Ngài tạ thế, từ giã trần gian, Ngài nhận trách nhiệm tài trợ việc học hành của những đứa trẻ mà Ngài đã cưu mang đạt đến trình độ mà mỗi em trong số họ mong muốn theo đuổi.

Thuở ấy, Ngài là một nhà văn, nhà thơ và là nhã sĩ tài năng. Ngài sáng tác truyện ngắn, báo tài liệu, thơ và sáng tác nhạc khi còn đang theo học tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Poh Chang. Một trong những bài hát do Ngài sáng tác trong những năm còn là sinh viên, đồng thời làm thêm công việc giao báo là Phoo Phae (The Loser), những bài hát do Ngài sáng tác đã trở thành bản hit lớn nhất trên bảng xếp hạng trong suốt những thập niên 1994 và 1995.

Những bài hát khác do Ngài sáng tác cho phim ‘Giọng’ (lối diễn đạt trong khi nói) như phim “Fah Tam Phaendin Soong” (Low Sky, High Land), Chuen Rak (So in Love) và Kratai Phue (the Rabbit who yearns for the Moon) cũng đã nổi tiếng.

Trong một thời gian sau đó, Ngài đã tham gia vào việc thực hiện các hoạt động huyền bí và điều này khiến Ngài tập trung chú ý đáng kể, nhờ đó Ngài đã trở nên nổi tiếng. Nhưng sau đó, Ngài bắt đầu chuyên sâu nghiên cứu Phật học một cách nghiêm túc và rất được truyền cảm hứng từ những kim ngôn khẩu ngọc lời dạy quý báu của đức Phật.

Ngài dốc hết tâm lực trong việc chuyên sâu nghiên cứu và từng bước ứng dụng thực tiễn Diệu pháp Như Lai bằng cách ăn thuần chay (vegetarian), lánh xa lục chủng (6 loại) thói hư tật xấu dẫn đến đời sống thấp hèn*, không bị các pháp thế gian ràng buộc**, rời xa sự thỏa mãn có được qua năm giác quan (kamaguna – cái thấy, cái nghe, đến mùi hương, đến vị và sự xúc chạm, là thật sự có mặt) và mỗi ngày chỉ ăn vào buổi trưa mà thôi, khi còn là cư sĩ Phật tử tại gia mà Ngài đã có nếp sống thanh cao như thế.

Duyên Bồ đề vun đắp nhiều đời, vườn Bát nhã đơm hoa toả ngát hương thiền, vào ngày 7 tháng 11 năm 1970, Ngài đến ngôi già lam cổ tự Wat Asokaram (วัดอโศการาม) ở tỉnh Samut Prakan, miền trung Thái Lan, đảnh lễ Trưởng lão Hoà thượng Phra Rajaworakhun cầu xin thế phát xuất gia tu học Phật pháp, và được ban đạo hiệu Bhodirakkhito, từ đây Ngài đã gia nhập vào hàng tăng sĩ của Dhammayuttika Nikaya (còn được gọi là Dhammayut Order), một phái tu sĩ Phật giáo Theravada ở Thái Lan.

Sau khi đã là thành viên của Đoàn thể tăng già Phật giáo thanh tịnh hoà hợp, Ngài tiếp tục tinh tấn trong ứng dụng thực tiễn phật pháp, nghiêm trì giới luật và thanh tịnh hoá tam nghiệp, ý nghĩ, lời nói và hành vi, đến mức Ngài đã nhận được nhiều sự tôn kính từ các cư sĩ Phật tử tại gia cũng như các vị tăng thân từ cả hai tông phái Phật giáo Maha Nikaya và Dharmayutika Nikaya.

Tuy nhiên, Sau đó Trưởng lão Phra Rajaworakhun Hoà thượng bản sư của Ngài, đã từ chối cho phép các nhà sư từ từ hệ phái Phật giáo Maha Nikaya đến và học cùng với các nhà sư tại bản tự của Trưởng lão Hoà thượng Phra Rajaworakhun.

Chính vì thế, vào ngày 2 tháng 5 năm 1973, Ngài phải chuyển sang tu học với hệ phái Phật giáo Maha Nikaya tại Nong Krathum ở Nakhon Pathom mà vẫn giữ là thành viên của hệ phái Phật giáo Dharmayutika Nikaya. Lý do Ngài cầu y chỉ cầu học với hệ phái Phật giáo Maha Nikaya, bởi Ngài ít quan tâm đến truyền thống hệ phái khác nhau mà chỉ tập trung chú ý đến cốt tuỷ của Phật pháp.

Vì thế, các tu sĩ từ cả hai đoàn thể Phật giáo thanh tịnh hoà hợp đồng đến học và ứng dụng thực tiễn Phật pháp với Ngài, bởi họ tập trung vào nghiên cứu chính pháp Phật đà, Kinh tạng, Luật tạng. Tuy nhiên, điều này đã khiến cho người lãnh đạo điều hành hệ phái Phật giáo Dhammyuttikka Nikaya không hài lòng.

Vào ngày 25 tháng 5 năm 1973, Ngài đã hoàn trả giấy Chứng nhận Tu sĩ thuộc hệ phái Phật giáo Dharmayutika Nikaya. Ngài chỉ giữ lại giấy Chứng nhận Tu sĩ thuộc hệ phái Phật giáo Maha Nikaya. Ngài theo đuổi mục tiêu, thực hiện nghĩa vụ hệ phái Phật giáo Maha Nikaya vì lợi ích chung cho nhân loại, nghiêm trì Luật tạng, Ngài tiếp tục đón nhận các vị tu sĩ từ hai dòng Dharmayutika Nikaya và Maha Nikaya đến học và ứng dụng thực tiễn Phật pháp do Ngài hướng dẫn.

Cách tu tập nghiêm khắc mà Ngài và các môn đồ áp dụng như mỗi ngày chỉ ăn một bữa thuần chay theo truyền thống Phật giáo Bắc tông, tài chính đều tập trung giao cho ban thư ký, thủ quỹ bởi hàng cư sĩ tại gia quản lý, mặc ca sa vải thô, sống giản dị, không đi hành khất, không nhận của cúng dường. . . không sinh hoạt thuần tuý tín ngưỡng dân gian.

Những thực hành này khác với những thực hành chính thống của tăng đoàn Phật giáo Thái Lan, những người có cuộc sống thoải mái và sung túc. Vì lý do như thế, Ngài thường bị chỉ trích vì đi lệch hướng bởi những giáo lý nguyên thuỷ của đức Phật.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Hoa thuong Samana Bhodirak Thai Lan vien tich 5

Trong quá trình tuyên dương diệu pháp Như Lai, truyền bá chính pháp Phật đà, liên tục gặp phải nhiều trở ngại khác nhau, cuối cùng vào ngày 6 tháng 8 năm 1975, Ngài đã xin rời tổ chức Phật giáo truyền thống, khỏi sự điều hành của Hội đồng Trưởng lão Phật giáo Thái Lan (Maha TheraSamagama). Hành động này được gọi là Nana Sangwasa và người chọn làm như thế có quyền được bảo vệ bởi điều 25 của Hiến pháp Vương quốc Thái Lan.

Tuy nhiên, Ngài và chúng đệ tử xuất gia, đã nhận được phán quyết của toà án là phạm tội vì phạm Luật Tăng đoàn Phật giáo Thái Lan và không thể được gọi là Phra nữa. Vì thế mà Ngài tự gọi mình và các các nam đệ tử xuất gia là“Samana” và tiếp tục thực hành phật pháp một cách nghiêm túc như trước.

Mọi chuyện đã diễn ra như thế này, không phải là chủ ý của Ngài để chia rẽ, mà mọi thứ diễn ra theo cách tự nhiên của chúng, Ngài vẫn giữ vững tôn chỉ tất cả vì lợi ích chung cho nhân loại cho đến cuối đời.

Năm 1975, Ngài sáng lập Cộng đồng Santi Asoke, cộng đồng này có tính “bình quân chủ nghĩa và dân chủ”.

Phong trào và cộng đồng Santi Asoke, cộng đồng Phật giáo tự cung tự cấp ở Thái Lan, cộng đồng vận hành nhiều dự án an sinh xã hội nhỏ cùng với một số cơ sở tự viện Phật giáo tại Vương quốc Thái Lan; gồm các cửa hàng bán đồ đã qua sử dụng, chợ phiên của nông dân và một nhà hàng Ấn Độ cung cấp suất ăn miễn phí cho người có nhu cầu cùng nhiều hoạt động khác.

Sứ mệnh và nhiệm vụ của cộng đồng này là làm sống lại đời sống đơn giản và ít nhu cầu của truyền thống tu học trong rừng của các vị tu sĩ Phật giáo Thái Lan.

Đến năm 1985, Cộng đồng Santi Asoke này lâm vào cảnh khó khăn khi chính quyền Bangkok mới bầu cử bắt đầu các chính sách chống tham nhũng.

Hoạt động của cộng đồng Santi Asoke phổ biến trở lại sau khủng hoảng kinh tế châu Á vào năm 1997, bắt đầu ở Thái Lan khi đồng tiền của nước này mất đi hơn nửa giá trị.

Năm 1998, để đối phó với tình hình khủng hoảng, Đức Quốc vương, phật tử Bhumibol Adulyadej, vị Vua Thái Lan (Rama IX, (1927-2016)) khuyên người dân Thái nên theo hình thức tự cung tự cấp. Mô hình này phản ánh lối sống của các thành viên cộng đồng Santi Asoke từ những năm trước đó.

Ngày nay, cửa hàng bán hàng đã qua sử dụng của cộng đồng Santi Asoke nằm ở các vùng ngoại ô đông bắc Bangkok, có rất nhiều món hàng được đóng góp bởi các thành viên cộng đồng.

Hiện nay, cộng đồng Santi Asoke, cộng đồng Phật giáo tự cung tự cấp ở Thái Lan có khoảng hàng vạn thành viên, con số khiêm tốn trong tổng số 69 triệu dân Thái Lan.

Với cộng đồng xã hội Vương quốc Phật giáo Thái Lan, với tư cách là người lãnh đạo của Cộng đồng Santi Asoke, theo triết lý đạo Phật tin rằng Chính kiến (sammaditthi) sự hiểu biết đúng đắn về nghiệp và quả của nghiệp, là bản chất quan trọng của con người và xã hội, Ngài đã thành lập “Cộng đồng Boonniyom” (The Boonniyom Community).

“Cộng đồng Boonniyom” (The Boonniyom Community) đã rất thành công trong việc chủ trương triết lý sống đơn giản, tự lực, tự cường, sáng tạo, năng suất, chăm chỉ, bền vững, tôn trọng sự tự do bình đẳng, và cống hiến hết mình để phục vụ tha nhân, được gọi là “PhorPhiang Community” hay Community of Contented People”.

Nghiên cứu vai trò và hiệu quả truyền thông tư tưởng chính trị trong xã hội của Cộng đồng Santi Asoke. Phân tích hệ tư tưởng chính trị trong trong xã hội của Cộng đồng Santi Asoke. Sự truyền đạt tư tưởng của Cộng đồng Santi Asoke có một hệ tư tưởng như kế hoạch tổng thể, hoặc cấu trúc của hệ tư tưởng, đó là “Tư tưởng Boonniyom”.

Trong hệ tư tưởng của Boonniyom có tôn giáo Boonniyom, chính trị Boonniyom, Giáo dục Boonniyom, Xã hội Boonniyom và Văn hóa Boonniyom. Hệ tư tưởng của Cộng đồng Santi Asoke được đặc trưng bởi việc tạo ra xã hội lý tưởng, với một số thành viên có tư tưởng, làm cơ chế thúc đẩy các công việc khác nhau.

Cộng đồng Santi Asoke với sự lãnh đạo điều hành của Trưởng lão Hoà thượng Samana Bhodirak, như một cơ chế quan trọng, nhằm truyền đạt tư tưởng chính trị của Cộng đồng Santi Asoke, thông qua nhiều kênh truyền thông khác nhau, như sách, tạp chí, ấn phẩm, website, đài phát thanh, truyền hình và các kênh truyền thông trực tuyến. Vai trò và hiệu quả truyền thông tư tưởng chính trị trong xã hội của Cộng đồng Santi Asoke.

Hệ tư tưởng chính trị của Cộng đồng Santi Asoke chia thành 5 thời đại tiến hoá: Thời đại hình thành tư tưởng, Thời đại sản xuất truyền thông để mở rộng tư tưởng, Thời đại chứng minh tư tưởng bằng cách đóng vai trò trong hoạt động chính trị, Thời đại xét lại hậu hệ tư tưởng, và thời đại đầy thách thức về tư tưởng với xã hội số***.

Thời kỳ tư tưởng chính trị của Cộng đồng Santi Asoke được phát triển mạnh mẽ nhất là thời kỳ của Cộng đồng Santi Asoke, đóng vai trò chính trị kể từ khi nhà hoạt động và cựu chính trị gia người Thái Lan, Thiếu tướng Chamlong Srimuang trở thành thanh viên của Cộng đồng Santi Asoke.

Các thành viên trong Cộng đồng Santi Asoke cần điều chỉnh lại hình thức và cơ chế thúc đẩy tư tưởng chính trị. Để có kế hoạch truyền đạt tư tưởng cho các thế hệ thành viên tiếp theo ít nhất là sáu cách:

1. Tăng cường vai trò thực hiện công tác truyền thông đại chúng cho các thế hệ thanh thiếu niên Phật tử trong xã hội Cộng đồng Santi Asoke;

2. Sản xuất ngành Truyền thông đa phương tiện (Multimedia Communication), đa dạng hoá để người dân mọi lứa tuổi có thể tiếp cận;

3. Tăng cường các kênh truyền thông hiện đại và phù hợp với thế giới kỹ thuật số;

4. Giáo dục bồi dưỡng các thành viên lớn tuổi của Cộng đồng Santi Asoke không có khả năng sử dụng công nghệ khoa học;

5. Khuyến khích thanh thiếu niên trên toàn quốc sống trong Cộng đồng Santi Asoke, hiểu được chính trị hệ tư tưởng của Cộng đồng Santi Asoke, và có không gian để thể hiện chính trị;

6. Cơ cấu tổ chức sản xuất và lập chương trình truyền thông rõ ràng, phải cho phép thế hệ trẻ thanh thiếu niên trong xã hội đóng vai trò nào đó trong tổ chức Cộng đồng Santi Asoke.

Trong suốt cuộc đời của Trưởng lão Hoà thượng Samana Bhodirak, từ khi chào đời, trưởng thành, sự nghiệp thế gian và xuất gia tu hành, Ngài đã cống hiến hết mình vì lợi ích chung cho đạo pháp dân tộc Vương quốc Thái Lan, Ngài luôn thể hiện một công dân tiêu biểu, một vị tu sĩ Phật giáo xuất sắc, góp phần canh tân cải cách xã hội Thái Lan ngày thêm tươi đẹp.

Đặc biệt, Ngài tiếp tục phát huy triết lý phát triển bền vững trên nền tảng ứng dụng “Triết lý kinh tế vừa đủ” (SEP) của cố Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej (Vua Rama IX) và “Phát triển nền kinh tế vừa đủ” trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước Thái Lan.

Sự ảnh hưởng của Trưởng lão Hoà thượng Samana Bhodirak không chỉ giới hạn ở lĩnh vực tâm linh. Ngài là một chính trị gia hoạt động nhiệt thành, góp phần thành lập Đảng Palang Dharma Party (Palang Dharma Party, PDP). Giọng nói hùng hồn và kiên định của Ngài đã vang vọng qua sự kiện“Tháng Năm Đen tối” (the tumultuous Black May) năm 1992 đầy biến động, tiếp tục sôi động trong các cuộc biểu tình này, phản đối sự cai trị của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Sự hùng biện của Ngài không chỉ tuyên dương Diệu pháp Như Lai, chia sẻ Pháp thoại nơi công cộng; mà là sự thể hiện hành động, linh hoạt, truyền cảm hứng trong những biến động không ngừng của thời cuộc.

Sự viên tịch, xả báo thân, từ giã trần gian của Trưởng lão Hoà thượng Samana Bhodirak đã để lại một khoảng trống vắng không thể xoá nhoà trong tâm trí của Cộng đồng Santi Asoke và hơn thế nữa. Tuy nhiên, đúng như ngôn phong sâu sắc nhất và tri hành hợp nhất của Ngài, cuộc đời của Ngài đã đóng vai trò như một chiếc la bàn, như ngọn hải đăng tiếp tục dẫn bước soi đường, hướng dẫn thông qua sự thể hiện vô ngã vị tha, tất cả vì lợi ích chung cho nhân loại, đạo đức thanh cao và trí tuệ rạng ngời của Ngài.

Với chủ nghĩa khổ hạnh, hoạt động chính trị và thách thức tâm linh, cuộc đời, sự nghiệp của Trưởng lão Hoà thượng Samana Bhodirak đã minh chứng cho tam đức Bi – Trí – Dũng, tinh thần bất khuất của con người về giá trị giác ngộ giải thoát, suối nguồn từ bi tâm luôn trào tươi mát, mặt trời trí tuệ mãi toả sáng ấm áp tình người. Khi bình minh lá dạng rạng ngời, và thế giới tiến về phía trước, di sản của Trưởng lão Hoà thượng Samana Bhodirak vẫn còn đó, bất tử và luôn truyền cảm hứng.

Việt dịch: Thích Vân Phong
Nguồn: bangkokpost.com

***

Chú thích:

*Thứ nhất: Ngủ cho đến lúc mặt trời lên. Thứ hai: Thường xuyên để bản thân trong tình trạng lười biếng, không lao động. Thứ ba: Hành động độc ác, nhẫn tâm. Thứ tư: Sa đà, nghiện ngập rượu chè, cờ bạc, khiến cho bản thân say sưa tối ngày, trở thành kẻ sống bê tha, tạm bợ, vô trách nhiệm với người khác. Thứ năm: Đi lang thang ngoài đường phố vào ban đêm. Thứ sáu: Tà dâm.

**Tám pháp thế gian (Lokadhamma): 1. Lābho: được lợi. 2. Alābho: mất lợi. 3. Yaso: được quyền chức. 4. Ayaso: mất quyền chức. 5. Pasamsā: được khen. 6. Nindā: bị chê. 7. Sukha: được an vui. 8. Dukha: bị khổ.

*** Xã hội số: là một xã hội mà ở đó, công nghệ được tích hợp mặc định vào mọi khía cạnh của đời sống, người dân được kết nối, tương tác và thành thạo các kỹ năng về kỹ thuật số để sử dụng hiệu quả các dịch vụ số, hình thành mối quan hệ mới trong môi trường số, thói quen số và văn hóa số

https://www.youtube.com/watch?v=XmBWRIpL6sc&t=58s

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường