Trang chủ Quốc tế Phật giáo Thái Lan dưới thời vua Ramkhamheang (1279-1298)

Phật giáo Thái Lan dưới thời vua Ramkhamheang (1279-1298)

Phật giáo Thái Lan dưới thời vua Ramkhamheang - Là một vị vua anh minh, lỗi lạc bậc nhất lịch sử đất nước Thái Lan, Ramkhamheang đã xây dựng một vương quốc bình an và hạnh phúc dưới thời ông, bằng những chính sách tinh mẫn và tối ưu; đồng thời sử dụng tôn giáo một cách rất tinh tế, phù hợp để an dân.

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Phật giáo Thái Lan dưới thời vua Ramkhamheang – ông là một vị vua anh minh, lỗi lạc bậc nhất lịch sử đất nước Thái Lan, Ramkhamheang đã xây dựng một vương quốc bình an và hạnh phúc bằng những chính sách tinh mẫn và tối ưu; đồng thời sử dụng tôn giáo một cách rất tinh tế, phù hợp để an dân.

Tác giả: Thích nữ Hiền Bảo
Học viên Cao học, Khoa Sử Phật giáo-Khóa III, Học viện PGVN tại Huế

Thái Lan là một đất nước trẻ, với lịch sử chưa đến 800 năm, nhưng những thành tựu mà họ đạt được thì không thua kém gì những quốc gia có lịch sử lâu đời; ngược lại, so với một số nước trong khu vực còn có phần nổi trội hơn. Bằng sự khôn khéo trong các chính sách ngoại giao và kinh tế chính trị, Thái Lan đã tạo được chỗ đứng và sức ảnh hưởng nhất định ở khu vực cũng như trong phạm vi châu Á.

Phật giáo được áp dụng – ứng dụng vào mọi lĩnh vực của đời sống, trở thành nét văn hóa đặc trưng của quốc gia; xuyên suốt hành trình lịch sử dân tộc Thái luôn có dấu ấn Phật giáo, điều này đã góp phần xây dựng nên vị thế khó mà thay thế của “đất nước chùa vàng” trong quá khứ đã vậy mà còn tiếp tục phát huy ở hiện tại và trong tương lai.

Có được những điều đó, là sự tài tình trong lãnh đạo bởi các đời vua anh minh, đây chính là yếu tố rất quan trọng tạo nên địa vị của đất nước Thái Lan trên trường quốc tế.

Đặc biệt trong đó phải nói đến Ramkhamheang, người đầu tiên tạo nên chữ viết của Thái Lan, cũng là một phật tử thuần thành, rất am hiểu phật pháp và gia tâm hộ đạo. Ông đã xây dựng nên hệ thống tổ chức Tăng đoàn tương đồng với hệ thống Sakdina về thiết lập nhà nước. Chẳng vậy mà Ramkhamheang được tôn vinh là vị Đại đế đầu tiên của lịch sử đất nước này, cũng là một trong bảy vị vua được quan tâm bậc nhất trong lịch sử Thái Lan.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Phat giao Thai Lan duoi thoi Vua Ramkhamheang 1279 1298 2

Tượng vua Ramkhamheang trong công viên Sukhothai, tỉnh Sukhothai, Thái Lan.

1. Vài nét về vua Ramkhamheang và những đóng góp cho vương triều Sukhothai

Vào thế kỉ XIII, khi Khun Bang Klang Tao thủ lĩnh ở vùng Banyang và Khun Pa Muang thủ lĩnh ở Lato đồng lòng đứng lên tiêu diệt thế lực của Khmer, dẫn đến sự rút lui của người Khmer trên lãnh thổ mới chiếm đóng của người Thái lúc bấy giờ. Ngay sau đó vào năm 1238, Khun Bang Klang lên ngôi lập nên vương quốc Sukhothai; một vùng đất khiêm tốn gần sông Yom và vùng Jalieng.

Đây là sự kiện đánh dấu sự lập quốc đầu tiên trong lịch sử Thái Lan, mở ra một trang sử mới cho đất nước này. Trong suốt gần 200 năm tồn tại của vương triều Pra Ruang, vị quốc vương tiêu biểu nhất, để lại nhièu thành tựu có ý nghĩa lịch sử nhất là Ramkhamheang, “Ông được đánh giá là một trong những vị vua vĩ đại của Thái Lan”[1].

Ramkhamheang, gọi đầy đủ là Pho Khun Ramkhamhaeng hay Pho Khun Ramarat, sinh vào khoảng  năm 1237-1247, mất năm 1298; là vị vua thứ ba của vương triều Phra Ruang, vương quốc Sukhothai, là con trai của Sri Intratit – người lập nên vương triều này. Sau khi anh trai là Bang Muang qua đời vào năm 1279, Ramkhamheang lên nối ngôi, ông trị vì từ đó cho đến khi băng hà.

Vị quốc vương này là một trong những chiến thần vĩ đại nhất của Thái Lan, dưới thời gian trị vì của mình, nhờ vào tầm nhìn chiến lược và sự khéo léo, vua đã khiến cho lãnh thổ Sukhothai từ một nước có diện tích khiêm tốn ban đầu được mở rộng rất nhiều, lớn hơn cả diện tích của Thái Lan hiện tại.

Ramkhamheang được nhận định “là một ông vua can đảm, nhìn xa, thấy rộng, ngoại giao lỗi lạc, là vị vua đã có công mở mang lãnh thổ và thế lực Sukhothai đến miền bắc giáp ranh giới nước Lannatai tại Lampang, gồm Phrae, Nan và Luang Prabang vùng đông bắc, Wiengchan phía đông, đến tận bán đảo Mã Lai phía nam, qua Tennesserim, Tavoy, Martaban và Pegu phía tây cho đến vịnh Bengal”.[2]

Về phương diện ngoại giao, ông cũng luôn thể hiện dược sự mưu lược tuyệt vời của mình. Ban đầu nhà vua thực hiện chính sách thân hữu, muốn xác lập sự liên minh với các nước lân bang như Lannatai và Payao để có thể chống lại thế lực cường bạo bên ngoài.

Nhưng khi nhìn thấy mâu thuẫn giữa hai bên còn lại, Ramkhamheang liền trực tiếp thiết lập quan hệ ngoại giao với đất nước phương bắc hùng cường dưới thời nhà Nguyên; bằng việc cử người sang triều cống, trở thành nhà nước đầu tiên của Thái Lan thực hiện hành động quy phục Trung Hoa, nhờ đó mà tránh cho Thái Lan sự xâm lược từ quân Mông Nguyên uy lực. Ông cũng thực hiện chính sách mở cửa giao lưu với các nền văn hóa bên ngoài, đặc biệt là Sri Lanka, từ đó tạo điều kiện cho Phật giáo phát triển.

Một trong những đóng góp lớn lao của ông cho người Thái phải nhắc đến là sáng tạo nên chữ viết. Với nguyện vọng không muốn bị ảnh hưởng bởi người Khmer trong lĩnh vực này, ông ý thức được rằng đây là nền móng để xây dựng nên nét văn hóa riêng của dân tộc, từ đó đã hình thành động lực thúc đẩy nhà vua tạo một ngôn ngữ mới dựa trên tiếng Môn, chữ Phạn và Pali;

Đây là hệ thống chữ viết đầu tiên của Thái Lan, đánh dấu một trang sử mới cho văn hóa dân tộc này, sự kiện này được đánh giá là “Công tích lớn nhất của Ram Kamheang được lịch sử ghi nhận”[3].

Không những vậy, nhờ sự liên minh với Trung Hoa, dưới thời trị vì của Ramkhamhaeng, người Thái đã học được các kỹ thuật làm gốm sứ có nguồn gốc từ người Hoa và tạo nên nét đặc sắc của dân tộc họ, tiêu biểu là gốm Sawankhalok, đây là dòng gốm rất có giá trị lịch sử và rất được giới chuyên môn quan tâm.

Đồng thời trong suốt thời gian tại vị, ông đã xây dựng nên một nền nông nghiệp trù phú cho vương quốc mình, cùng với hệ thống tiền tệ rất phát triển; từ đó thúc đẩy nền kinh tế trong nước trở nên hưng thịnh, tạo nên một đời sống sung túc và hạnh phúc hơn cho thần dân của Sukhothai dưới thời ông. Không chỉ đóng góp về mặt chính trị, văn hóa, kinh tế, mà Ramkhamheang còn nổi tiếng với sự hộ pháp của mình , và tạo ra những giá trị lớn cho Phật giáo Thái Lan.

Với những thành công như vậy, Ramkhamheang thật sự xứng đáng với danh xưng Đại đế, một con người có tầm nhìn, có mưu lại có trí, mà hơn hết là có một tấm lòng lương thiện, được xem “…là ông vua nhân từ, công chính, xem mọi sắc dân trong quốc độ ngang nhau, tiếp nhận lời kêu nài bất cứ từ đâu đến…”[4], chính những điều này đã khiến ông trở thành một trong những vị vua được tôn kính bậc nhất lịch sử nước Thái.

Ngày nay, Đại học Ramkhamhaeng là trường danh dự được mang tên ông, trở thành một trong những trường đại học uy tín hàng đầu tại Thái Lan; điều này là minh chứng cho sự tôn kính của người dân Thái ngày nay về những gì mà ông đã làm cho cho vương quốc Sukhothai năm nào, và cho lịch sử của đất nước này.

2. Phật giáo thời vua Ramkhamheang

Là một vị vua anh minh, lỗi lạc bậc nhất lịch sử đất nước Thái Lan, Ramkhamheang đã xây dựng một vương quốc bình an và hạnh phúc dưới thời ông, bằng những chính sách tinh mẫn và tối ưu; đồng thời sử dụng tôn giáo một cách rất tinh tế, phù hợp để an dân. Mà chính ông cũng là một người thật sự tôn kính Phật giáo, mà đặc biệt là phái Theravada; vì vậy mà trong suốt những năm trị vì của mình Ramkhamheang đã ra sức ủng hộ Phật giáo, góp công lớn trong sự nghiệp xây dựng một trung tâm Phật giáo khu vực.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Phat giao Thai Lan duoi thoi Vua Ramkhamheang 1279 1298 3

Tương Phật tại cố đô Sukhothai ở Thái Lan. Nguồn: St

Lúc bấy giờ vua đã khéo léo sử dụng Thượng Tọa Bộ để ổn định lòng dân, củng cố lại Phật giáo tồn tại trước đó, cùng những tín ngưỡng bản địa đã có từ lâu ở vương quốc Sukhothai. Trong đế chế của vị vua thứ ba vương triều Phra Ruang này, Phật giáo Theravada có nguồn gốc từ Sri Lanka chính thức được công nhận trở thành quốc giáo, và truyền thống này vẫn được duy trì cho đến nay.

Các triều đại sau này của người Thái đã tiếp nối dòng chảy Phật giáo thời Sukhothai, phát triển Phật giáo Theravada, tạo ra sức ảnh hưởng nhất định đến các nước lân cận.

Điều đặc biệt là chính Tăng đoàn Thái Lan sau này đã thể theo lời thỉnh từ hoàng gia Sri Lanka, sang đảo quốc này truyền pháp, nhất là về phương diện giới luật đã có phần mai một; về sau tông phái phật giáo từ Thái truyền sang trở thành phái lớn nhất Tích Lan, với số lượng sư tăng đông nhất ở đây; trong khi trước đó từ thời Ramkhamheang đã cho thỉnh các vị sư từ Sri Lanka sang Sukhothai để thuyết pháp.

Rõ ràng ta có thể thấy, Phật giáo đã đồng hành cùng lịch sử Thái Lan từ ngày đầu lập quốc, hay nói cách khác Phật giáo đã gắn liền với lịch sử dân tộc Thái, khiến họ có vị thế đặc biệt trong khu vực, một phần chính là nhờ các chính sách ngoại giao khôn khéo và mở cửa của Ramkhamheang trong thời gian ông trị vì, từ đó xây dựng nền móng để có những bước tiến vững chãi sau đó.

Một trong những đóng góp rất có ý nghĩa của Ramkhamheang cho Phật giáo Thái Lan là việc lập ra cơ cấu tổ chức Tăng đoàn, tạo nên sự thống nhất tổ chức Phật giáo cho vương quốc. Dựa trên mô hình giáo hội ở Tích Lan, ông đã hệ thống lại tổ chức Tăng già, đặt ra những danh xưng tôn kính; bao gồm Tăng vương (Phra Sanghara), Tăng già tôn trưởng (Lesser Phra Sanghara), nhà sư đứng đầu tỉnh (Phra Khru), tự viện trưởng và các nhà sư; tương đồng với Sakdina-hệ thống tổ chức của vương triều.

Bởi sự phân chia rõ ràng, mỗi cấp bậc tự có trách nhiệm và bổn phận tương ứng, từ đó góp phần tạo nên sự nhịp nhàng và thành công của Phật giáo Sukhothai, đặc biệt là trong thời gian cầm quyền của ông.

Không những vậy, Pho Khun Ramarat Đại đế cũng mở rộng sự bảo trợ của hoàng gia đối với tăng sĩ bằng cách áp dụng một số biện pháp để tổ chức và quản lí giáo hội tốt hơn; đây chính là phương tiện để ông hộ pháp hiệu quả. Hơn nữa, vua cũng hết lòng học tập giáo pháp, áp dụng phật pháp để cai trị đất nước; dùng Giới luật Phật giáo khuyên dạy dân chúng, khuyến khích mọi người nghe pháp, bố thí, cúng dường và làm các điều thiện.

Trong giai đoạn trị vì của Ramkhamheang tuy rằng chưa đạt đến đỉnh cao của kiến trúc nghệ thuật Sukhothai, nhưng ông cũng góp phần xây dựng các công trình kiến trúc Phật giáo, tiêu biểu nhất là việc cho xây dựng đài Manangkasila, là địa điểm chư Tăng sẽ Bố-tát và thuyết pháp, ngoài những ngày ấy thì quốc vương sẽ ở đây để xem xét việc nước; đài ấy hiện nay cũng là một nơi được quan tâm và bảo trì tại chùa Yod, thuộc khuôn viên chùa Ngọc.

Dù các nguồn sử liệu còn hạn chế, nhưng khi nhìn lại những đóng góp của Ramkhamheang cho Phật giáo Thái Lan trong những năm đầu lập quốc là vô cùng lớn lao. Với sự hiểu đạo và hộ đạo tích cực của ông, đã tạo ra một môi trường tu tập có phẩm chất cho chư Tăng lúc bấy giờ, đồng thời cũng tạo nên không gian để Phật giáo Thái Lan phát triển và thiết lập vị thế trên trường quốc tế.

3. Một vài nhận xét

Trong suốt chiều dài lịch sử của Thái Lan, Phật giáo đã trở thành tư tưởng tiêu biểu và chủ đạo, là một sợi chỉ đỏ liên kết mọi tầng lớp, tạo nên nhiều giá trị tích cực trên mọi phương diện trong đời sống người dân Thái. Hình thành sự kết nối bền vững giữa đất nước và Phật giáo, người Thái nhận thức rằng sự thịnh vượng của Phật giáo chính là sự thịnh vượng của đất nước và ngược lại.

Những điều này được đặt nền móng từ những ngày đầu thành lập vương quốc Sukhothai, nhất là trong giai thời gian Ramkhamheang tại vị, đã đánh dấu bước chuyển mình của Phật giáo Thái Lan.

Gọi là bước chuyển mình vì đã hệ thống lại tổ chức Tăng đoàn, chuyển từ Mahayana sang hệ phái Theravada; Phật giáo chính thức được công nhận là quốc giáo từ đó đến nay; và việc tạo ra chữ viết cũng tạo tiền đề cho sự nghiệp dịch thuật Tam Tạng Kinh điển sang tiếng Thái sau này.

Nhìn lại cuộc hành trình của vị Đại đế đầu tiên trong lịch sử “Đất nước chùa vàng”, chỉ với 20 năm trị vì, nhưng đã để lại cho quốc gia này những thành tựu to lớn về chính trị, kinh tế, và đặc biệt là văn hóa tôn giáo.

Với tâm tôn kính Phật pháp, sự am hiểu và mẫn tuệ của mình, Ramkhamheang đã xây dựng nền tảng xã hội trên ba trụ cột là quốc gia, tôn giáo, và chế độ quân chủ chuyên chế, mô hình được xem như là kiềng ba chân, giúp cho vương quốc dưới thời ông vững mạnh và mở rộng; trở thành một trong những trung tâm Phật giáo lúc bấy giờ.

Xuyên suốt hành trình lịch sử, dù thuận theo sự biến thiên của quy luật tự nhiên, Phật giáo Thái Lan cũng bị ảnh hưởng ít nhiều, nhưng họ vẫn tạo được vị thế của mình, trở thành một trung tâm Phật giáo khu vực và hướng đến tầm quốc tế, sử dụng Phật giáo như một điểm nhấn tiêu biểu để truyền bá văn hóa của đất nước, cái tên “đất nước chùa vàng” là một minh chứng cho điều này.

Tác giả: Thích nữ Hiền Bảo
Học viên Cao học, Khoa Sử Phật giáo-Khóa III, Học viện PGVN tại Huế

***

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Phat giao Thai Lan duoi thoi Vua Ramkhamheang 1279 1298 1

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

1 bình luận

Giá trị tầm nguyên

Diu Trinh 14/04/2024 - 21:52

Cảm ơn tác giả đã gửi đến cho những người tìm hiểu lịch sử Phật giáo Thái Lan những thông tin vô cùng bổ ích.

Trả lời

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường