Trang chủ Giáo lý - Lịch sử - Triết học Hòa thượng Liễu Thiền (1885-1956) với sự phát triển Tông Thiên Thai ở Long An

Hòa thượng Liễu Thiền (1885-1956) với sự phát triển Tông Thiên Thai ở Long An

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Thích Nữ An An
Học viên lớp Cao học khóa III, chuyên ngành sử tại Học viện PGVN tại Tp.HCM

1. Mở đầu:

Đạo Phật có một quá trình lịch sử phát triển hơn 2500 năm, các tông phái đa dạng, trong đó có Tông Thiên Thai giáo quán được truyền vào Việt Nam năm 1928, đến 1936 chính thức phổ biến ở Long An do Hòa thượng Liễu Thiền đứng đầu.

Bài viết giới thiệu tiểu sử của Hòa thượng, cũng như quá trình Tông Thiên Thai có mặt tại tỉnh Long An.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc HT Lieu Thien tong Thien Thai o Long An 1

2. Nội dung:

Năm 1933, dẫn đầu là Ngài Liễu Thiền một trong bảy vị đệ tử xuất sắc của Ngài khi sang Trung Quốc thọ giới rồi trở về quê nhà ở Cần Giuộc, Long An xiển dương Tông Phái “Năm 1936 tổ Hiển Kỳ viên tịch, thiền sư Tu Trì về Việt Nam truyền bá tông Thiên Thai giáo Quán đầu tiên tại chùa Tôn Thạnh (xã Mỹ Lộc, Huyện Cần Giuộc, Long An)”[1,tr.43], vì thế mà hiện nay có rất nhiều chùa tu theo giáo phái này.

Hòa Thượng Liễu Thiền (1885-1956) hay còn được gọi là Liễu Thoàn, sinh ra ở làng Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, thế danh Nguyễn Văn Đo “Tổ sư thế danh Nguyễn Văn Do, pháp danh Tu Trì, pháp hiệu Liễu Thiền, sinh năm Ất Dậu (1985), quê ở Hạt tham biện Tân An (nay là xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An). Tổ là đệ tử nối pháp của Tổ Nhiên Công Hiển Kỳ, thuộc thế hệ thứ 21 chi phái Cao Minh Tự, đời thứ 49 Tông Thiên Thai Giáo Quán” [5, tr.28].

Gia đình vốn có truyền thống đạo đức và theo đạo Minh Sư, cho nên từ thuở nhỏ đã được theo học với các nhà nho có danh tiếng trong khu vực. Ngài thiên tính vốn thông minh xuất chúng, lại cần cù, chăm chỉ, không bao lâu đã nhuần nhuyễn hết các bộ luật của đạo Nho như Tứ Thư, Ngũ kinh, Minh Tâm. Ngài không khoa trương hay khoe khoang, ngược lại là tính lịch sự, khiêm cung, từ tốn, biết yêu thương giúp mọi người, hiếu thuận với song thân, phụ giúp cha mẹ công việc nhà. Ngài được các vị đồng học yêu mến, thán phục.

Năm Nhâm Thìn (1892), ở Nam Bộ nói chung, Long An nói riêng đang hứng chịu những trận lũ lụt, Ngài nhìn thấy nhiều xác chết trôi khắp nơi bị thối rữa, mùi hôi bao quanh, vì thế Ngài thấy được kiếp người mong manh tạm bợ, hay nói khác hơn Ngài hiểu được sự vô thường biến đổi trong chớp mắt “Một hôm vào sáng sớm tinh sương, Ngài bơi xuồng đi hái củi nấu cơm dâng cho cha mẹ như thường lệ. Bỗng Ngài chợt giật mình kinh hãi, vì từ xa một thây người chết trôi, sình chương to lớn, đang từ từ trôi về phía xuồng Ngài. Càng ghê tởm hơn, khi Ngài mục kích cảnh tượng tôm cá đang tranh nhau rúc rỉa từng miếng thịt hôi tanh của kẻ bạc mạng” [8, tr. 35-36 ].

Thảm cảnh này đã đánh thức vào tâm thức non trẻ của Ngài, chính vì lẽ đó mà Ngài hướng đến đạo giáo, biết tu nhân tích đức. Khi nhân duyên hội tụ Ngài được các người bạn dẫn đến chùa Vĩnh Nghiêm ở Chợ Trạm nên xin thọ giáo với Ông Lão Tiễn và xin lưu trú tại đây “Lần đầu tiên nhờ người bạn đồng học từ thuở nhỏ tên là Tư Nên tiến dẫn Tổ đến xuất gia theo đạo Minh Sư (đạo tiên) với ông Lão Tiễn (lão Lê ở Chợ Trạm). Từ đó, Tổ theo hầu Thầy và gắng công tu tập phép luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa thần, luyện thần hoàn hư. Dần hồi được điểm đạo và phong chức Ông Lão” [3, tr.199].

Dù xuất thân trong dòng đạo Minh Sư nhưng túc duyên đời trước thúc đẩy Ngài đến với đạo Phật, vì thế Ngài mong cầu được quy ngưỡng đạo mầu và đăng đàn thọ giới. Trước đó Tổ Hiển Kỳ cũng theo đạo Minh Sư mà tìm đến đạo Phật, vì vậy để thực hiện theo di huấn của Tổ Hiển Kỳ, Ngài cùng các vị đồng đạo Minh Sư lên đường sang Trung Hoa thọ cụ túc giới “Tại Hương Cảng, phái đoàn được Tổ tiếp nhận, tạo điều kiện cho lưu trú chùa Thanh Sơn. Ở nơi đây, trong suốt hai tuần, phái đoàn được lắng nghe Tổ Hiển Kỳ khai pháp hội, diễn bày chính pháp, nêu rõ cội nguồn yếu chỉ Phật đà, khiến mọi người tỏ ngộ. Pháp hội viên mãn, Tổ quyền phương tiện khai đại giới đàn tại Thanh Sơn Thiền Viện, làm Hòa thượng đàn đầu cho truyền giới cho chư tăng bổn viện và phái đoàn hiền sĩ Minh Sư” [5, tr.63]. Chính từ lúc đó Ngài có pháp danh Tu Trì và pháp hiệu là Liễu Thiền, nối dõi Tông Thiên Thai giáo Quán đời thứ 49.

Ngài lưu tại đây trong khoảng mười ngày rồi sớm trở lại quê nhà với trách nhiệm hoằng dương Tông Thiên Thai tại Việt Nam nói chung, Long An nói riêng. Khi vừa về đến thì Ngài hay tin Ông Lão Tiền đã mất, nhớ ơn Thầy mà Ngài đứng lo chu toàn hậu sự, làm tròn hiếu đạo với một bậc Thầy.

Hai dấng sinh thành của Ngài cũng lần lượt ra đi, nén đau thương, Ngài làm tròn bổn phận của một người con, vẹn toàn hiếu hạnh, Ngài dành hết tâm huyết tuyên truyền giáo lý của Phật đà, bằng cách lấy chùa Vĩnh Nghiêm làm nơi thờ Phật, dạy mọi người cách hành thiền niệm Phật, trở thành cơ sở hoạt động Phật giáo.

Năm Quý Dậu (1933), được Ông Cả Tiệm chính thức mời về đảm nhận chức vụ trụ trì chùa Tôn Thạnh ở ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An “Đây là một nơi đại già lam u tịch, cổ tính, do Tổ Viên Ngộ (1786-1846) khai sơn năm Đại Mẹo (1807). Hòa Thượng cho sửa sang lại tự, chỉnh đốn tông môn, theo quy luật thiền gia” [4,tr.40-41].

Năm Giáp Tuất (1954), nhân dịp mừng khánh đản đức Quan Âm Bồ tát, Ngài bắt đầu khai mở đại giới đàn đầu tiên, giúp cho hàng tăng, ni được lãnh thọ giới pháp mà tu hành, cũng như cầu cho chúng sinh sớm siêu độ, thế giới hòa bình “Cũng trong năm này, Ngài khai đại giới đàn, cung thỉnh giới sư tôn túc, truyền bá giới pháp cho hơn 300 tăng, ni, cư sĩ. Đây là một đàn giới trang nghiêm long trọng nhất ở Long An từ trước đến nay” [7, tr.63].

Ngài vì hạnh nguyện lợi tha, mong muốn Phật pháp mãi trường lưu mà theo thông lệ cứ vào ngày khánh đản đức Quan Âm là tổ chức đại giới đàn và muốn cho chư tăng, ni phước huệ nhị nghiêm mà mở hạ trường kiết giới an cư, mến mộ đạo hạnh của Ngài chư tôn đức tăng, ni và quý thiện nam, tín nữ chúng tề tựu về ngày càng đông.

Về tiến trình tu học thì Ngài luôn lấy phương ngôn của tông phong, y cứ vào tông chỉ mà thực hành nghĩa là lấy phép “nhất tâm tam quán” làm trọng tâm, hằng ngày trì tụng kinh Pháp Hoa và Kinh Kim Cang, Ngài chuyên tâm thực hiện di huấn của Sơ Tổ đem giáo nghĩa của Tông Thiên Thai lan rộng khắp nơi trên mảnh đất Long An.

Ngài tích cực tu tập theo pháp môn tịnh độ, nghiêm mật Thiền quán, dạy đồ chúng trì chú, niệm Phật cầu vãng sinh cực lạc “Tổ luôn kiệm đức, nghiêm trì giới luật “quá ngọ bất thực”; và để nuôi dưỡng hạnh từ bi, Ngài đặc biệt không dùng sữa bò cũng như thường chọn phương thức đi bộ, bởi thương chúng nhân khổ sở nhọc nhằn nên không ngồi xe ngựa, dù đường khá xa hơn chục cây số”[8, tr.65].

Ngài luôn đặt lợi ích của quần chúng lên trên cùng với sự kết hợp giữa hai phương pháp tu tập Thiền-Tịnh, nhờ sự hướng dẫn của Tổ mà rất nhiều người ngộ được chấn lí, biết trước giờ lâm chung. Trong hoàn cảnh còn thô sơ, Phật giáo còn chưa thịnh hành tại đất Long An, một hương thơm giới đức xuất hiện nơi chốn già lam đã thôi thúc đạo hữu xa gần quay về tựa nương, làm chỗ dựa tinh thần vững chắc cho hàng đệ tử.

Đệ tử của Tổ là những bóng cây cổ thụ, tài đức vẹn toàn, làm trụ cột cho ngôi nhà phật pháp dựa vào Pháp hệ Tông Thiên Thai giáo Quán, như sau:

1. HT.Thích Đạt Hương (1900-1938-1987) chùa Linh Phong, thị trấn Tân Hiệp, Cái Bè, Tiền Giang.
2. HT.Thích Đạt Pháp (1923-1952-2014) Tổ đình Bồ Đề, xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc, Long An.
3. HT.Thích Đạt Đồng (1923-1953-2015) Tổ đình Tôn Thạnh, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, Long An.
4. Ni trưởng Thích Nữ Đạt Lý (1923-1944-2012) chùa Long Nhiễu, phường Linh Tây, Thủ Đức, Hồ Chí Minh.
5. Ni trưởng Thích Nữ Đạt Thử (1924-1946-2004) chùa Pháp Đàn, xã Mỹ Yên, Bến Lức, Long An.
6. Thích Nữ Đạt Cung (1925-1945-2015) chùa Pháp Tánh, ấp Kim Điền, xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Tên các đệ tử được đặt theo bài kệ truyền thừa mà Ngài Bá Tòng Chơn giác đặt tiếp theo cho Tổ Trí Giả đại sư và sau này chư Tổ y cứ theo đó mà đặt pháp danh cho đệ tử:

“Chân truyền chính thọ
Nhứt thừa Đốn giáo
Như thị trí đức
Nhân duyên sinh pháp
Đẳng danh vi hữu
Thanh tịnh phổ biến
Qủa huệ đại dụng
Linh Nhạc Tâm Tông
Ấn định cổ kim
Bổn thể Huyền diệu
Lý sự tức không
Trung đạo Viên dung
Cảm thông ứng thường
Thật tướng vĩnh phương”

Cũng như một bài kệ 64 chữ khác dùng để đặt pháp hiệu:

“Đạo giáo diễn dịch
Lập định chỉ yếu
Công thành Đế Hiển
Vạn Tượng Hải Hiện
Sơ Môn Ngộ Nhập
Kỷ tha ích lợi
Nguyên thâm lưu viễn
Bá thiên chi thế
Tổ đạo Đức Hoàng
Năng sở Dẫn Đồng
Liễu Đạt Tắc An
Thục Phân Nhị Tam
Hóa pháp toại hành
Cứu cực chương minh
Trường diễn kỳ cương
Hằng tác châu thuyền” [6, tr.310]

Tap chi Nghien cuu Phat hoc HT Lieu Thien tong Thien Thai o Long An 2

Dù xiển dương tông phái, Ngài vẫn không quên trách nhiệm cùng với các bậc tôn túc gánh vác công việc phật sự chung của Phật giáo, khiêm cung, không so đo tính toán, không vụ lơi, không phân biệt tông phái, cho nên Ngài chiếm trọn niền tin của các bậc trưởng thượng “Chùa nào khai hương, mở hạ cũng cung thỉnh Ngài chứng minh hoặc làm Thiền chủ. Đàn giới nào cũng thỉnh Ngài ở vị Tam Sư, để truyền trao giới pháp cho đàn hậu tấn” [2,tr.64].

Năm 1930 phong trào chấn hưng Phật giáo nổ ra khắp miền Nam bắt nguồn từ sự khởi xưởng của các vị HT.Khánh Hòa, Khánh Anh và sư Tổ Tuệ Quang, từ đó mới xuất hiện các Hội Phật Học được tổ chức theo nhiều hình thức khác nhau để thuận tiện hơn trong lối đào tạo tăng tài, chung quy lại với một mục đích duy nhất là tuyên truyền giáo pháp “Các lớp Phật học liên tiếp mở ra để đào tạo tăng tài, Ngài được cung thỉnh vào các ngôi vị: Chứng minh đạo sư Phật học Lưỡng Xuyên Phật học, năm 1935; chứng minh đạo sư Liên Hải Phật học đường, năm 1946; chứng minh đạo sư Phật học đường Nam Việt, năm 1950; chứng minh đạo sư giáo Hội Phật giáo Tăng già Nam Việt, năm 1951; chứng minh đạo sư Hội Phật Học Nam Việt” [10].

Trong thời gian Tổ lưu trú tại Tổ đình Tôn Thạnh cũng là lúc Ngài dành thời gian để làm hưng thịnh chốn tòng lâm, làm nền tảng vững chắc trong ngôi nhà Phật pháp để hàng hậu thế noi theo, bên cạnh đó còn không thể quên hình bóng của hai vị hòa thượng đạo cao đức trọng là HT.Trí Quảng và HT.Thiện Hoa, từng đến đây và thiền quán, nghiên cứu kinh điển.

HT.Liễu Thiền từ khi quy ngưỡng giáo pháp của Phật đà nhưng luôn nghĩ về ơn nghĩa cao thâm, bậc Thầy đầu tiên dạy Ngài cách tu nhơn tích đức, vì lẻ đó mà hòa thượng cho trùng tu lại chùa Vĩnh Nghiêm, cung cấp thêm nhiều trang thiết bị phục vụ cho mọi sự sinh hoạt của những vị tu tại đây.

Sau khi phật sự viên thành, Ngài dành hết thời gian còn lại để phát triển tông môn, Ngài được sư bà chùa Pháp Tánh hiến tặng một mảnh đất, nên Ngài xây dựng chùa Bồ Đề “Năm 1955, Hòa thượng khởi công xây dựng chùa Bồ Đề, là tổ đình cho tông phong Thiên Thai giáo Quán, tọa lạc ở huyện Cần Giuộc, Long An” [9]. Hoàn thành tâm nguyện, Ngài dùng tâm lực của mình để giáo huấn đồ chúng, đi thăm viếng các chùa thuộc tông phong mà không từ mệt nhọc đến khi đổ bệnh, nhận thấy bệnh tình không thể chữa trị, Ngài thuận duyện thị tịch “Các đệ tử tận tâm chăm sóc chữa trị cho Ngài, nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Sau đó, Ngài bắt đầu không nhận thức uông ăn và khuyên các đệ tử đừng chạy chữa mất công. Hãy tung kinh cho Ngài nghe vì Ngài sắp về Tịnh Độ rồi!” [8, tr.37]. Hưởng thọ 71 tuổi, 23 Hạ lạp, tang lễ của Ngài được môn đồ pháp quyến tổ chức trang nghiêm, hiện tại bảo tháp của Ngài được đặt trong khuôn viên chùa Bồ Đề.

3. Kết luận

Có thể nói Tổ Thích Liễu Thiền là người có công truyền bá Tông Thiên Thai ở tỉnh Long An, Ngài dành cả một đời để cống hiến và làm tròn bổn đạo của người đệ tử chi phái Cao Minh Tự, cho dù đã chuyển đổi tông môn theo Phật giáo những vẫn nhớ ơn người Thầy đầu tiên đã hướng dẫn Ngài theo Đạo Tiên. Khi đến với Phật giáo, Ngài tập trung vào công tác phật sự, là vị Hòa thượng có nhiều cơ duyên hóa độ chúng sinh, phát triển tông Thiên Thai giáo quán mạnh mẽ ở xứ Cần Giuộc – Long An.

Tác giả: Thích Nữ An An
Học viên lớp Cao học khóa III, chuyên ngành sử tại Học viện PGVN tại Tp.HCM

***
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Hồng Liên (1996), Phật giáo Nam Bộ từ thế kỷ 17 đến 1975, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Thích Đồng Bổn (2002), Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX tập 2, Nxb Thành hội Phật giáo TP.Hồ Chí Minh.
3. Thích Tắc Phi (2002), Tông Thiên Thai Pháp Hoa Tổ Tổ Tương Truyền, Lưu hành nội bộ.
4. Thích Tắc Phi sưu tầm (2014), Tiểu sử Chư Tăng Ni Tông Thiên ThaiViệt Nam, Lưu hành nội bộ.
5. Thích Tắc Phi sưu tầm (2019), Niên Biểu Tổ Đình Tôn Thạnh, Lưu hành nội bộ.
6. Thích Nhật Từ chủ biên (2020), Phật giáo vùng Nam Bộ trong thế kỷ XX, Nxb Hồng Đức.
7. Thích Minh Thiện chủ biên (2022), Tiểu sử danh Tăng Long An từ cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XXI, Nxb Hồng Đức.
8. Kỷ yếu Đại Hội khoáng đại kỳ I /1973, Ban Tri Sự Trung Ương ấn hành.
9. Lạc Diệu Nga (2021), “Tông Thiên Thai giáo Quán tông”, https://tapchinghiencuuphathoc.vn/tong-thien-thai-giao-quan-tong.html, truy cập ngày 06/07/2022.
10. Giác ngộ (2022), “Lễ húy nhật Đại lão Hòa thượng Liễu Thiền tại chùa Thiền Tôn 2”, https://m.giacngo.vn/le-huy-nhat-dai-lao-hoa-thuong-lieu-thien-tai-chua-thien-ton-2-post62176.html.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường