Các vị Bồ tát trên lộ trình tu chứng Phật quả, thực hành Bồ tát hạnh lợi mình và hóa độ chúng sinh, như Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Đại Thế Chí, Bồ tát Địa Tạng, Bồ tát Phổ Hiền,… trong đó cũng có Bồ tát Thường Bất Khinh. Trong kinh Pháp Hoa, hình tượng Bồ tát Thường Bất Khinh đi lễ kính các vị Tỳ kheo “ta chẳng dám khinh quý Ngài, quý Ngài đều sẽ làm Phật”, dù cho bị đánh đập hay mạ nhục nhưng Bồ tát vẫn cúi đầu lễ kính. Chính nhờ lòng từ bi, sức kiên nhẫn và hạnh nguyện lợi tha, Bồ tát Thường Bất Khinh đã thành tựu việc hóa độ hàng xuất gia nói riêng và tất cả chúng sinh nói chung “khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến”.

1. Các bản kinh Pháp Hoa

Theo Phật học phổ thông của HT.Thích Thiện Hoa: năm thời thuyết pháp của đức Phật được Tổ Thiên Thai Trí Khải tóm tắt như sau:

Trước nói Hoa Nghiêm hăm mốt ngày, A-hàm mười hai, Phương Đẳng tám. Hai mươi hai năm nói Bát Nhã, Pháp Hoa Niết Bàn cộng tám năm(1).

Sau khi đức Phật diệt độ khoảng 800 năm, Tổ Long Thọ (Nagarjuna) trước tác bộ Đại Trí Độ luận đề chú thích Đại Phẩm Bát Nhã, trong đó có nhiều dẫn chứng kinh Pháp Hoa. Bên cạnh đó, Ngài có trước tác Pháp Hoa Thích Luận. Sau Phật diệt độ khoảng 900 năm, có Ngài Thế Thân (Vasubhandu) lược dịch Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Ưu Ba Đề Xá và Pháp Hoa Luận. Đây là những bộ luận tối cổ của Ấn Độ hiện còn tồn tại. Tình hình nghiên cứu kinh Pháp Hoa ở Ấn Độ lan tới các quốc gia khác, trong đó có Trung Hoa. Bài kệ số 18 (phẩm 24) của Trung luận do Tổ Long Thọ trước tác như sau:

Những gì khởi lên do các duyên Ta gọi chúng tức thị không Và cũng chính là giả danh Và cũng là ý nghĩa Trung đạo(2).

Tư tưởng “không - giả - trung” trở thành nền tảng triết lý hình thành tông Thiên Thai. Thể nhập tư tưởng Phật tính trong kinh Pháp Hoa từ những lời Phật dạy và những bản luận giải của Bồ tát Long Thọ, Tổ Trí Khả đã chọn kinh Pháp Hoa là bản kinh tu học của tông Thiên Thai. Cư sĩ Chi Khiêm (nước Ngô), thời đại Tam Quốc từ khoảng năm Hoàng Võ thứ 2 đời Tôn Quyền đến năm Kiến Phong thứ 2 đời Tôn Lượng (225 – 253) dịch riêng phẩm Thí dụ, gọi là Phật Dĩ Tam Xa Hoán Kinh, 1 quyển. Sau đó, các nhà dịch thuật tiếp theo dịch toàn bộ gồm có sáu lần dịch thành sáu bản dịch khác nhau. Sáu bản này thì có 3 bản đã bị thất lạc, chỉ còn 3 bản hiện lưu hành, gọi là “lục dịch tam tồn”(3). Sáu bản đó là:

1. “Pháp Hoa Tam Muội kinh”, 6 quyển, do ngài Cương Lương Tiếp (Kalasivi) dịch năm Ngũ Phương thứ 2 (255 TL), đời Tôn Lượng.

2. “Tát Vân Phần Đà Lị kinh”, 6 quyển, do ngài Pháp Hộ (Dharmaraksa) dịch lần đầu, ở năm đầu Tần Thủy (265 TL), đời Tây Tấn.

3. Theo Xuất Tam tạng ký tập và Đại đường nội điển lục: “Chính Pháp Hoa kinh” (gọi tắt là “Chính Pháp Hoa”), 27 phẩm, 10 quyển, cũng do ngài Pháp Hộ dịch lần cuối năm thứ 7, niên hiệu Thái Khang (286 TL), tại Trường An vào đời Tây Tấn. Theo Lịch Đại tam bảo ký cho rằng “Chính Pháp Hoa Kinh” do ngài Trương Sĩ Minh, Trương Trọng Chánh, Pháp Hiển, Đàm Thuyên dịch 10 quyển vào đời Thái Đường năm thứ 7.

4. “Phương Đẳng Pháp Hoa kinh”, 5 quyển, do ngài Chi Đạo Căn dịch, năm đầu Hàm Hanh (335 TL), đời Đông Tấn.

5. “Diệu Pháp Liên Hoa kinh” (gọi tắt là “Diệu Pháp Hoa”), 7 quyển, 27 phẩm, do ngài Cưu Ma La Thập (Kumarajiva)(4) dịch vào năm Hoằng Thủy thứ 8 (406 TL), đời Diêu Tần. Về sau, Pháp Hiển, tìm kiếm một phẩm nữa (phẩm thứ 28) nên du hành sang Ấn Độ vào năm 475. Khi đến Khotan, ông tìm thấy phẩm Đề Bà Đạt Đa(5). Ngài trở về thỉnh Pháp Ý (người Ấn) phiên dịch phẩm này và phụ thêm vào bản kinh của Ngài La Thập, nên kinh Pháp Hoa hiện thời có 28 phẩm(6).

6. “Thiêm Phẩm Diệu Pháp Liên Hoa kinh” (gọi tắt là “Thiêm Phẩm Diệu Pháp Hoa”), 7 quyển, ngài Xà La Hốt Đa (Jnànagupta) và Đạt Ma Cấp Đa (Dharmagupta) cùng dịch ở năm đầu Nhân Thọ (601 TL), đời Tùy.

Hiện chỉ còn lưu truyền ba bản dịch là Chính Pháp Hoa Kinh, Diệu Pháp Liên Hoa Kinh và Thiêm Phẩm Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Tên gọi của ba bản dịch này khác nhau, nhưng nguyên danh kinh Pháp Hoa đều có tên là “Tát Đạt Ma Phần Đà Lị Ca Tu Đà La” (Sadharmapundarika – Sutra). Chữ “Tát” (Sad) vì có nhiều nghĩa nên ngài Pháp Hộ dịch chữ Tát là “Chính”, còn Ngài La Thập và Xà La Hốt Đa dịch là “Diệu”. Còn Thiêm Phẩm, có nghĩa là phẩm thêm vào, bản dịch của ngài La Thập thiếu nửa phẩn đầu của phẩm “Dược thảo dụ”, thiếu phần đầu của phẩm "Pháp sư”, thiếu phẩm “Đề Bà Đạt Đa” và thiếu phần kệ tụng của phẩm “Phổ môn” nhưng sau lại y cứ vào bản Bối diệp do ngài Xà La Hốt Đa mang tới dịch bổ khuyết thêm vào cho đủ(7).

Năm 601, Xà Na Quật Đa và Cấp Đa dịch bản Thiêm phẩm Diệu Pháp Liên Hoa Kinh (7 quyển). Nguyên bản văn phạm của Thiêm phẩm Diệu Pháp Liên Hoa Kinh được phát hiện ở các nước Tây Vực, nơi PG lưu hành, thêm các bản dịch của các Khâu Tư (Kucha), Vu Điền, Tây Tạng, cũng có chỗ dư, chỗ thiếu rất là phức tạp. Ngoài ra, lại có các bản ngữ dịch của Mông Cổ, Mãn Châu, Cao Ly, Nhật Bản và Việt Nam. Như vậy, sự nghiệp phiên dịch và truyền bá kinh Pháp Hoa thật là thịnh hành(8).

Vào khoảng đầu thế kỷ XIX, công sứ người Anh là Hamilton tìm thấy ở Nepal một bộ kinh Pháp Hoa bằng chữ Phạn viết trên lá bối, thờ trong một động đá (Pháp Hoa Nepal). Sau đó, có 19 chép tay bằng Phạn ngữ được phái đoàn người Nhật, Anh, Pháp, Đức tìm thấy. Không dừng lại ở 20 bản kinh tìm thấy, người Nhật phát động phong trào thám hiểm truy nguyên dấu tích kinh và người Anh bảo trợ cho hội nghiên cứu kinh Pháp Hoa. Kết quả là bốn phái đoàn thám hiểm Nhật, Anh, Đức và Nga đi sang vùng Trung Á, tìm thêm ở vùng Kotan sáu bộ kinh Pháp Hoa bằng Phạn ngữ và một bộ kinh ở Kucha (quê của ngài Cưu Ma La Thập). Năm 1852, học giả Phạn ngữ Burnouf đã phiên dịch kinh Pháp Hoa từ chữ Phạn ra tiếng Pháp, gọi là “Le Lotus de la Bonne Loi”. Tiếp theo năm 1884, nhà thạc học nước Hà Lan (Holland) là Kern dịch kinh Pháp Hoa từ chữ Phạn ra tiếng Anh, gọi là The Lotus of the True Law.

Kinh Pháp Hoa được dịch từ chữ Phạn sang tiếng Nhật do bác sĩ Nanjio Fumio và Izumi. Vào năm 1913, hai vị này nương theo Phạm bản kinh Pháp Hoa của Nepal cùng dịch, gọi là Phạm Hán Đối Chiếu Tân Dịch Pháp Hoa kinh (kinh Pháp Hoa mới dịch đối chiếu chữ Hán và chữ Phạn).

Tại Việt Nam, quyển Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Tông Chỉ Đề Cương (gọi tắt là Pháp Hoa Đề cương), bằng Hán văn do Thanh Đàm Tỳ kheo, Giác Đạo Tuân Minh Chánh thiền sư soạn vào năm Gia Long thứ 18 (1891), triều đại nhà Nguyễn, lưu trong tập Việt Nam Phật Điển Tùng San, do Tổng Hội PG Bắc Kỳ phát hành năm 1943 tại Hà Nội. Bên cạnh đó, HT. Trí Tịnh nương theo bản Hán dịch của ngài Cưu Ma La Thập, dịch từ chữ Hán sang tiếng Việt, gọi là kinh Diệu Pháp Liên Hoa Âm Nghĩa do Giáo Hội Tăng Già Việt Nam tái bản lần thứ ba (năm 1963). Về sau, Trung Quốc và các nước khác như Cao Ly, Nhật Bản, Việt Nam,… đều tụng trì và nghiên cứu bản kinh Diệu Pháp Liên Hoa của ngài Cưu Ma La Thập dịch.

2. Ba điều kiện tu tập trong kinh Pháp Hoa

Đức Phật bảo Dược Vương Bồ tát rằng: “Nếu có người Thiện nam, người Thiện nữ nào, sau khi Như Lai diệt độ, muốn vì hàng bốn chúng mà nói kinh Pháp Hoa này, thời phải nói cách thế nào? Người thiện nam, thiện nữ đó phải vào nhà Như Lai, mặc y Như Lai, ngồi tòa Như Lai, rồi mới nên vì bốn chúng mà rộng nói kinh này. Nhà Như Lai chính là tâm từ bi lớn đối với tất cả chúng sinh; y Như Lai chính là lòng nhu hòa nhẫn nhục; tòa Như Lai chính là nhất thiết pháp không. An trụ trong đây, sau rồi dùng tâm không biếng trễ vì các Bồ tát và bốn chúng rộng nói kinh Pháp Hoa này”(9).

Về phương diện từ bi, Thiền sư Thanh Đàm – Minh Chính dạy rằng:

Vạn pháp tuy nhiều không đếm xiết, Chung quy cũng chỉ thức căn trần. Huyễn duyên hư ảnh dù không thực, Chân trí chính kiến vẫn bao dung. Gặp thầy chỉ dạy đường mê ngộ, Thấy Phật tìm ra lẽ sắc không. Nếu muốn lên mau bờ bến giác, Con đường trước mắt chờ lần khân(10).

Chư Phật và Bồ tát dùng mắt yêu thương nhìn chúng sinh, cứu độ chúng sinh khỏi trầm luân nẻo khổ: “Đại từ đại bi mẫn chúng sinh. Đại hỷ đại xả tế hàm thức. Tướng hảo quang minh dĩ từ nghiêm. Chúng đẳng chí tâm quy mạng lễ”(11). Các Ngài đem tình thương chan rải khắp muôn nơi như trưởng giả cứu các con đang mắc kẹt trong ngôi nhà lửa (phẩm Thí dụ thứ ba), vị đạo sư hóa thành cho chúng nhơn mệt mỏi giữa đường (phẩm thứ bảy - Hóa thành dụ), người bạn thân đem châu báu để trong chéo áo (phẩm thứ tám - Ngũ bá đệ tử thọ ký), dập tắt được lòng sân, tâm từ còn diệt được các mầm tư tưởng bất thiện. Bồ tát Thường Bất Khinh cũng đã thức tỉnh hàng Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Cận sự nam, Cận sự nữ hướng tâm tu tập quay về Phật pháp, tỏ ngộ tri kiến Phật.

Trong kinh Trung bộ, kinh A-na-luật, đức Phật dạy rằng: “… Và này cư sĩ, thế nào là vô lượng tâm giải thoát? Ở đây, này cư sĩ, Tỳ kheo an trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Ở đây, này cư sĩ, Tỳ kheo an trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với bi ... .tâm hỷ… tâm xả cũng như vậy. Như vậy, này cư sĩ, đó được gọi là vô lượng tâm giải thoát”(12).

Về phương diện nhẫn nhục, đức Phật đã trải qua nhiều kiếp quá khứ hành Bồ tát đạo lợi ích chúng sinh: có khi làm chim Oanh Vũ, có khi làm voi Matuposaka hiếu dưỡng voi mẹ(13), Bồ tát Thường Bất Khinh,… Các Bồ tát thực hành Bồ tát hạnh, dù cho chúng sinh cang cường, bực tức, đánh hại,... mà không chút sân giận, buồn phiền. Thiết nghĩ, sân giận sẽ là nguồn tai họa mình, hại người mà trong kinh Pháp cú, phẩm Song yếu, kệ số 5 khuyên rằng: “Với hận diệt hận thù. Đời này không có được. Không hận diệt hận thù. Là định luật ngàn thu(14). Như Bồ tát Bất Khinh nhẫn nhục lễ kính Tăng tục, trải tâm từ bi vô lượng đến khắp tất cả chúng sinh, không một chút sân giận, thực hành hạnh tu nhẫn nhục ba la mật một cách viên mãn.

Về phương diện trí tuệ, trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phương tiện, đức Phật bảo với Xá Lợi Phất rằng: “Các pháp từ bổn lai. Tướng thường tự vắng lặng. Phật tử hành đạo rồi. Đời sau đặng thành Phật”(15). Nhờ quán chiếu thật tướng của vạn pháp “tướng thường tự vắng lặng”, cho nên đệ tử Phật phải nỗ lực tu tập Kinh Pháp Hoa thì trí tuệ khai mở, giác ngộ Phật tính, chứng thành Phật quả. Đức Phật cũng khẳng định với A Dật Đa rằng: “Nếu sau khi Ta diệt độ, các thiện nam tử, thiện nữ nhân thọ trì, đọc tụng Kinh điển này lại có các công đức như thế, phải biết người đó đã dến đạo tràng gần Vô thượng Chính đẳng chính giác ngồi dưới cội đạo thọ”(16).

3. Hạnh tu Bồ tát Thường Bất Khinh trong kinh Pháp Hoa

Theo Sơ đẳng Phật học giáo khoa thư của HT. Hành Trụ: Bồ tát (Bồ đề Tát đỏa), Hán dịch là “Giác hữu tình”. Giác là giác ngộ; Hữu tình là chúng sinh. Nghĩa là Bồ tát đem Phật pháp dạy người và có năng lực khiến cho chúng sinh được tỏ ngộ và ra khỏi biển khổ . Hàng Bồ tát nỗ lực tu tập tự thân và hóa độ chúng sinh, trải qua 52 địa vị Bồ tát, đoạn trừ hẳn vô minh mà chứng ngộ quả vị Phật.

Tiêu biểu như trong kinh Pháp Hoa, có rất nhiều vị Bồ tát như Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ tát Di Lặc, Bồ tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến, Bồ tát Dược Vương, Bồ tát Dược Thượng,… trong đó có cả Bồ tát Thường Bất Khinh. Vào thời đức Phật Oai Âm Vương cuối cùng diệt độ, có tỳ kheo Bồ tát Thường Bất Khinh xuất hiện. Nhưng theo bản kinh Pháp Hoa do ngài Trúc Pháp Hộ dịch thì gọi là Thường Bị Khinh(18).

Theo kinh Pháp Hoa, Ni sư Thích Nữ Trí Hải cho rằng: Thường Bất Khinh có hai nghĩa: Một là, Bồ tát Thường Bất Khinh không hay đọc tụng thọ trì kinh điển, vậy mà một khi trì một câu tán thán khen ngợi, khuyến khích người khác, đã được sáu căn thanh tịnh. Hai là, pháp tu tán thán khen ngợi này là đốn ngộ tự tâm, nghĩa là hành giả chỉ cần một niệm không sinh là Phật hiện tiền, Phật tính là như vậy. Mỗi chúng sinh vốn đủ tính ấy, tán thán khen ngợi quyết chắc thành Phật, không dám khinh mạn là hạnh khiêm kính của Bồ tát.

Và với kẻ trong tâm nắm vững, Hạnh bồ đề thề chẳng thối lui. Mong sao cứu vớt muôn loài, Chúng sinh thoát khỏi cảnh đời trầm luân(19).

Hình ảnh Bồ tát Thường Bất Khinh là một tấm gương hoằng pháp tinh tấn, kiên định và tận tụy suốt đời. Thường Bất Khinh có bốn đức tính mà chúng ta cần học hỏi đó là đức tin, lòng chân thật, sự nhẫn nhục và hạnh bất khinh.

Về đức tin, Bồ tát Thường Bất Khinh hành trì một pháp môn rất vi diệu, không hề dạy mọi người đọc tụng kinh Pháp Hoa, nhưng việc làm của Ngài hoàn toàn đúng với bản nguyện của chư Phật. Đây là một sự kiện phi thường, một lối trì kinh đặc biệt. Ngài đã tu tập và đạt được niềm tin mãnh liệt nơi mình có tri kiến Phật và chúng sinh ai cũng bình đẳng như mình, đều có tri kiến Phật như nhau nên Ngài tha thiết muốn đem sở đắc của mình chỉ dạy cho mọi người. Chính vì thế, Ngài đã đi lễ lạy mọi người và nói họ sẽ trở thành Phật có hai ý nghĩa: “Ngài nhắc nhở để mọi người nhớ và quay về tri kiến Phật nơi chính mình, nhưng đồng thời Ngài tự tu tri kiến Phật, tự thân huân tập và nhắc nhở chính mình sống với tri kiến Phật”(20).

Tất cả chúng sinh ai ai cũng có sẵn tính giác, nhưng vì vô minh che phủ nên quên mất không chịu nhận. Vì vậy, Bồ tát Thường Bất Khinh lễ kính và nói với tứ chúng rằng: “Tôi chẳng dám khinh quý Ngài, quý Ngài đều sẽ thành Phật”. Và cũng nhờ có niềm tin nơi đức Phật, nơi Chính pháp, nơi Tăng già, và mình cũng có khả năng tu hành giác ngộ như đức Phật. Một khi có niềm tin nơi Tam bảo “niềm tin là mẹ sinh ra các công đức”, Dù người ta đánh giá mình như thế nào đi nữa, Bồ tát vẫn luôn tin tưởng vào sự dấn thân hoằng pháp của mình, vào việc làm lợi ích cho chúng sinh.

Về lòng chân thật, dân gian hay nói rằng: “thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”. Bồ tát Thường Bất Khinh mang tâm niệm tốt, khuyến tấn hàng xuất gia và tại gia đừng sống buông lung mà bị ngũ dục lôi kéo, hành trì công phu chứng ngộ Phật quả “Ta chẳng dám khinh quý Ngài, quý Ngài sẽ thành Phật”. Dù bị đánh đập, chửi mắng, khinh chê, Bồ tát vẫn không oán hận, không nản lòng và thối chí, vẫn vui vẻ đi khắp nơi gieo rắc niềm tin, thức tỉnh mọi người còn đang mê mệt và mơ hồ về tri kiến Phật của mình.

Trong Lược giải kinh Pháp Hoa của HT. Trí Quảng nhận định rằng: “việc làm của Bồ tát Thường Bất Khinh diễn tả trong phẩm 20 này nhằm minh chứng công đức của pháp sư thọ trì kinh Pháp Hoa ở phẩm trước không phải là ảo tưởng. Đó là thành quả mà đức Phật đã đạt được khi còn tu hạnh Bồ tát ở kiếp quá khứ”(21). Đức Phật lấy kinh nghiệm trong quá khứ tu hành của Ngài – hình ảnh Bồ tát Thường Bất Khinh dạy lại chúng sinh. Bồ tát Thường Bất Khinh tuy xuất gia làm Tỳ kheo vẫn nuôi ý chí cứu đời, tuy “ngộ được tri kiến Phật nhưng chưa thực sự trọn vẹn trong tri kiến Phật”(22) . Ngài đã hạ quyết tâm tu nên có lời nói chân thật đúng đắn, có một đời sống đức hạnh, đương nhiên tạo thành thế đối lập với cuộc sống đạo đức giả dối của các Tỳ kheo khác.

Về sự nhẫn nhục, HT.Thiện Hoa định nghĩa rằng: “Nhẫn là nhịn, chịu đựng những cảnh trái mắt nghịch lòng. Nhục là điều sỉ nhục, điều xấu hổ, làm tổn thương đến lòng tự ái của mình”(23). Bồ tát Thường Bất Khinh đã thực hành nhẫn nhục đến chỗ cùng tột (nhẫn nhục ba la mật): dù bị đánh đập (thân nhẫn); bị người khác mắng chửi mà miệng không hề chửi lại hơn thua với họ, mà vẫn cứ nói rằng “Ta chẳng dám khinh quý ngài, quý ngài đều sẽ thành Phật” (khẩu nhẫn); nhẫn nhục bằng cả lòng từ bi và hỷ xả, không chút căm hờn, không oán giận, không chấp tướng, không trả thù (ý nhẫn). Sự nhẫn nhục ba la mật đó đạt được những lợi ích thiết thực mà trong kinh Đại Bảo Tích có ghi rằng:

1. Không chấp ngã và ngã sở. 2. Không phân biệt chủng tộc và giai cấp. 3. Phá trừ tâm kiêu mạn. 4. Bị hại vẫn không trả thù. 5. Quán tâm vô thường. 6. Tu tập từ bi. 7. Tâm không buông lung. 8. Không màng đến những việc đói khát, khổ vui. 9. Đoạn trừ sân hận. 10. Tu tập trí tuệ(24).

Bằng lòng từ bi và trí tuệ, Bồ tát Thường Bất Khinh thực hành pháp nhẫn nhục, vô ngã, và vô tướng. Dù bị đánh chửi, khinh chê,… Ngài đều không oán hận, nhẫn nhục không yếu hèn hay thua cuộc. Bởi vì, Ngài nhìn thấy ai cũng có nhân thành Phật, tức là tri kiến Phật hay Phật tính, tức là ai cũng có thể thành Phật. Bằng năng lượng từ bi, quán chiếu sự sống sâu sắc về mọi mặt, Bồ tát đã mở toan cánh cửa từ bi, đem chất liệu tình thương xây dựng phẩm hạnh người tu bằng sự nhẫn nhịn hóa độ. Bồ tát thực

Về hạnh bất khinh, Ngài chỉ thực hành hạnh lễ bái. Nhờ vào sức tu tập kiên định và nhẫn nhịn, mỗi khi lễ bái tứ chúng, Ngài đều nói rằng: “Ngã thâm kính nhữ đẳng, bất cảm khinh mạn. Sở dĩ giả hà? Nhữ đẳng giai hành Bồ tát đạo, đương đắc tác Phật”. (dịch là: Tôi kính mến các Ngài, chẳng dám khinh mạn. Bởi vì lẽ gì? Các Ngài đều làm đạo Bồ tát, sẽ được thành Phật)(25). Trong hai mươi bốn chữ này đã bao hàm tam nhân Phật tính: Chính nhân Phật tính, Liễu nhân Phật tính, Duyên nhân Phật tính.

Về hạnh nhẫn nhục, dân gian hay nói nhau rằng “thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”, Bồ tát Thường Bất Khinh mang tâm niệm tốt, khuyến tấn hàng xuất gia và tại gia đừng sống buông lung mà bị ngũ dục lôi kéo, hãy dốc lòng hạ thủ công phu chứng ngộ Phật quả. Dù bị đánh đập, chửi mắng, khinh chê, Bồ tát vẫn không oán hận, không nản lòng và thối chí, vẫn vui vẻ đi khắp nơi gieo rắc niềm tin, thức tỉnh mọi người còn đang mê mệt và mơ hồ về tri kiến Phật của mình. Mặc dù, chúng ta thấy Ngài không hề dạy mọi người hai chữ Pháp Hoa, nhưng Ngài vẫn thấm nhuần liễu triệt kinh Pháp Hoa và truyền đạt cho mọi người hết sức vi diệu, không thể nghĩ bàn. Ngài thực hành một cách chân thật, không sai ý chỉ của Phật đã dạy, sở dĩ Ngài nói vậy vì mỗi chúng sinh đều có tính giác.

Bồ tát Thường Bất Khinh nung nấu ý chí mạnh mẽ, bằng lòng từ bi và trí tuệ, Bồ tát Thường Bất Khinh thực hành pháp nhẫn nhục, vô ngã, và vô tướng. Dù bị đánh chửi, khinh chê,… Ngài đều không oán hận, nhẫn nhục không yếu hèn hay thua cuộc. Bởi vì, Ngài nhìn thấy ai cũng có nhân thành Phật, tức là tri kiến Phật hay Phật tính, tức là ai cũng có thể thành Phật. Bằng năng lượng từ bi, quán chiếu sự sống sâu sắc về mọi mặt, Bồ tát đã mở toan cánh cửa từ bi, đem chất liệu tình thương xây dựng phẩm hạnh người tu bằng sự nhẫn nhịn hóa độ. Dù cho nhiều người sinh sân giận, khởi tâm mắng nhiếc và đánh đập ngài nhưng ngài vẫn hô to. Mọi người hoặc lấy gậy, cây, ngói, đá mà đánh ném, ngài lánh chạy ở nơi xa, vẫn cất tiếng lớn xướng rằng: “Tôi chẳng dám khinh các ngài, vì các ngài đều sẽ làm Phật”. Đây cũng là bức thông điệp của niềm tin tột cùng, là tấm gương sáng cho việc hoằng pháp thức tỉnh mọi người tu tập giác ngộ.

Thích Thiện Mãn - Học viên Thạc sĩ khóa III - Học viện PGVN tại Tp.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 5/2021 -------------------

CHÚ THÍCH: (1) Thích Thiện Hoa (2015), Phật học phổ thông (3q, q. 1), Nxb Tôn giáo, HN, tr. 47. (2) 眾 因 緣 生 法. 我 說 即 是 無. 亦 為 是 假. 名 亦 是 中 道 義. (Chúng nhân duyên sinh pháp. Ngã thuyết tức thị vô. Diệc vi thị giả danh. Diệc thị trung đạo nghĩa). Trích lại trong quyển Tinh hoa triết học Phật giáo (The Essentials of Buddhist philosophy) do Tuệ Sỹ dịch (2007), Nxb phương Đông, tr. 195. (3) Thích Thanh Kiểm (1990), Đại ý kinh Pháp Hoa (Giáo án trường Cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở II), Thành hội Phật giáo Tp.HCM ấn hành, tr. 9. (4) Ngài Cưu Ma La Thập: dịch kinh lưu loát, trác tuyệt, mỹ lệ. Giúp sức cho việc phiên dịch, trong trường phiên dịch có hơn 2000 học sĩ tài năng. Lại có các đệ tử trứ danh của ngài như Tăng Triệu, Tăng Duệ,… đều là các vị thánh tăng giảng nghĩa, tán dương kinh Pháp Hoa. Tiếp sau, có các ngài Quang Trạch, Gia Tường,… là các bậc triết gia nghiên cứu và chú thích. (5) Đề Bà Đạt Đa (Devadatta): là anh họ của thái tử Tất Đạt Đa, cũng là người phá hoại đức Phật. (6) Tuệ Sỹ dịch (2007), Tinh hoa triết học Phật giáo (The Essentials of Buddhist philosophy), Nxb phương Đông, tr. 192. (7) Thích Thanh Kiểm (1990), Đại ý kinh Pháp Hoa (Giáo án trường Cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở II), Thành hội Phật giáo Tp.HCM ấn hành, tr. 10. (8) Thích Thanh Kiểm (1990), Đại ý kinh Pháp Hoa (Giáo án trường Cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở II), Thành hội Phật giáo Tp.HCM ấn hành, tr. 11. (9) Thích Trí Tịnh (2017), Kinh Diệu pháp liên hoa (tái bản lần thứ mười bảy), phẩm Pháp sư, Nxb Tôn giáo, HN, tr. 336. (10) Thích Thiện Siêu (1999), Kinh Pháp Hoa giữa các kinh điển Đại thừa, Nxb Tp. HCM, tr. 147. (11) Thích Minh Thời biên soạn (2014), Kinh Nhật tụng, Nxb Tôn giáo, HN, tr. 113. (12) Thích Minh Châu dịch (2017), Đại tạng kinh Việt Nam Nam truyền (13q), Kinh Trung bộ (2 tập, tập II), kinh A-na-luật, Nxb Tôn giáo, HN, tr. 478. (13) Thích Minh Châu Việt dịch (2018), Đại tạng kinh Việt Nam Nam truyền (q.12, 13q), Kinh Tiểu bộ (6 quyển, quyển V), Chuyện tiền thân, Nxb Tôn giáo, HN, tr. 111. (14) Thích Minh Châu Việt dịch (2018), Đại tạng kinh Việt Nam Nam truyền (13q), Kinh Tiểu bộ (5 tập, tập I), kinh Pháp cú, Nxb Tôn giáo, HN, tr. 41. (15) Thích Trí Tịnh (2017), Kinh Diệu pháp liên hoa (tái bản lần thứ mười bảy), phẩm Phương tiện, Nxb Tôn giáo, HN, tr. 76-77. (16) Thích Trí Tịnh (2017), Kinh Diệu pháp liên hoa (tái bản lần thứ mười bảy), phẩm Thường Bất Khinh Bồ tát, Nxb Tôn giáo, HN, tr. 431. (17) Thích Hành Trụ dịch (2006), Sơ đẳng Phật học giáo khoa thư, Nxb Tôn giáo, HN, tr. 12. (18) Thường Bị Khinh: sự khó khăn của người tu hành Bồ tát Thường Bất Khinh thường gặp phải sự khinh chê, đánh đập, mắng chửi. (Nguồn: Thích Trí Quảng (1991), Lược giải kinh Pháp Hoa, Thành hội PG Tp.HCM ấn hành, tr. 258) (19) Thích Nữ Trí Hải Việt dịch (2003), Nhập Bồ tát hạnh của ngài Tịch Thiên, trích nguồn website: https://thuvienhoasen.org/a7109/nhap-bo-tat-hanh (ngày 13/11/2010) (20) Thích Huệ Đăng (2010), Luận giảng Diệu pháp Liên hoa kinh toàn tập, Nxb Tôn giáo, HN, tr. 397. (21) Thích Trí Quảng (1991), Lược giải kinh Pháp Hoa, Thành hội PG Tp. HCM ấn hành,tr. 258. (22) Thích Huệ Đăng (2010), Luận giảng Diệu pháp Liên hoa kinh toàn tập, Nxb Tôn giáo, HN, tr. 399. (23) Thích Thiện Hoa (2015), Phật học phổ thông (3q, q.1), Nxb Tôn giáo, HN, tr. 596. (24) Thích Nguyên Chơn chủ biên (2018), Hương hoa vườn giáo pháp (Pháp uyển châu lâm) (5 tập, tập V), Nxb Hồng Đức, tr. 100. (25) Thích Thanh Kiểm (1990), Đại ý kinh Pháp Hoa, Thành hội PG Tp. HCM ấn hành, tr. 170.