Trang chủ Chuyên đề Hành trạng Tổ Như Trừng Lân Giác

Hành trạng Tổ Như Trừng Lân Giác

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tỳ kheo Ni Chơn Phương Tuệ

Tóm tắt: Hành trạng Tổ sư ngày xưa nói chung, Tổ sư Như Trừng nói riêng, đã để lại cho hàng hậu học rất nhiều những công hạnh tu hành, cũng đã chứng minh được đạo Phật là cao quý, có rất nhiều giá trị thiết yếu trong đời sống con người và xã hội ở thời hiện đại phát triển. Cuộc đời của Tổ sư Như Trừng không dài, nhưng công hạnh tu hành của Tổ để lại dù ít hay nhiều đều có ích lợi cho hàng hậu thế. Sau khi được thầy truyền tâm pháp, Tổ về trụ trì tại ngôi chùa đã cải gia vi tự, lập thành một phái Liên Tông, giáo hóa đồ chúng, về sau còn xây dựng thêm chùa chiền. Công hạnh tu hành và sự cống hiến vì đạo pháp của Tổ đã được Phật giáo Việt Nam công nhận trong lịch sử. Hành trạng của chư Tổ là những bài học cô đọng, súc tích được đặt trên nền tảng công phu tu tập rất có giá trị. Qua bài viết chúng ta có thể hiểu biết thêm về hành trạng của Tổ sư Như Trừng, sẽ giúp cho chúng ta có thêm kiến thức trên bước đường tu hành, nối bước theo chân Tổ thì việc tu hành sẽ có lợi lạc cho bản thân, tiếp nối mạng mạch Phật pháp và giúp ích được cho tha nhân.

Từ khóa: Hành trạng; Tổ sư Như Trừng; Công hạnh tu hành,…

1. Dẫn nhập

Theo Việt Nam Phật giáo Sử luận, nước Việt Nam chúng ta có không ít hành trạng các thiền sư tu hành đạt đạo. Vào khoảng thế kỷ thứ VII và thứ VIII, nhân dân ở nước ta phải chịu dưới sự cai trị của nhà Đường rất khắc nghiệt, ở triều đại này luôn tìm cách khống chế sự phát triển văn hóa ở nước ta. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều tăng sĩ đã tạo được phương tiện, điều kiện để theo đuổi việc tu học, du phương hành đạo để thu thập và mở rộng thêm kiến thức. Là những vị tăng học rộng hiểu sâu thông suốt kinh điển Phạn ngữ lẫn Hán ngữ và tu hành trở thành các bậc thiền sư nổi tiếng trong các thế kỷ này.

Theo tư liệu lịch sử, đạo Phật đã du nhập vào Việt Nam rất sớm, thời điểm đó còn sơ khai, học thuật văn hóa Việt Nam còn yếu chưa phát triển, đất nước lại gặp chiến tranh, nhân dân bị đô hộ không có quyền tự do dân chủ. Tuy tăng sĩ tu hành trở thành những bậc thiền sư đạt đạo ở Việt Nam rất đông, nhưng tài liệu của chư vị để lại sơ sài và rất ít. Từ thời Lý, thời Trần,… dần đến thế kỷ thứ XIII, thế kỷ thứ XVIII, thiền phái Trúc Lâm Yên Tử truyền cho đến Thiền sư Hương Hải mà vẫn thấy vài vị và rất ít tài liệu, có thể là vì trong chiến tranh sách sử bị thất lạc. Cho nên về sau hàng hậu học rất thiệt thòi, ít ai biết được Thiền học đã từng có mặt ở Việt Nam từ rất lâu. (Thiền Sư Việt Nam)

Tuy nhiên, qua bài viết này chúng ta có thể tìm hiểu về hành trạng tu hành của Tổ sư Như Trừng Lân Giác trụ trì ở chùa Liên Tông vào cuối thế kỷ thứ XVII đầu thế kỷ thứ XVIII. Mặc dù thời gian ngài trụ thế rất ngắn, giáo hóa không dài nhưng chúng ta có thể chứng minh được công hạnh tu hành, và việc giáo hoá của ngài cũng đã cống hiến cho đạo pháp không ít.

To Nhu Trung Lan Giac Son Mon Lien Phai

2. Tiểu sử Tổ sư Như Trừng Lân Giác

Tổ sư Như Trừng Lân Giác (1696 – 1733),  con của Phổ Quang Vương, thế danh là Trịnh Thập sinh ngày mùng 5 tháng 5 năm Bính Tý, niên hiệu Chính Hòa thứ 17, vào thời vua Lê Hy Tông. Tổ là con trai thứ 11 của Quang Vương, thuộc dòng dõi quý tộc. Trán ngài vuông góc như hình chữ nhật (日).

Lớn lên ngài học rộng hiểu sâu có tài đức, nên vua Lê Hy Tông gả công chúa thứ tư cho ngài. Tổ sống trong cảnh lầu son gác tía mà tâm thường hướng về cửa thiền. Tư dinh của ngài là khu đất vườn ao sáu mẫu tại huyện Thọ Xương, phường Bạch Mai, Hà Nội. Phía sau có vườn gò đất cao khoảng bảy tám thước.

Tương truyền một hôm nọ, tổ bảo gia nhân đào gò đất cao đó cho thật sâu làm thành ao thả cá vàng. Trong khi gia nhân đang đào bỗng thấy một cọng sen lớn đem đến trình tổ. Ngài cho rằng đó là điềm lành xuất gia. Nhân điềm lành này ngài liền chuyển đổi tư dinh thành chùa để tu hành và đặt tên là Liên Tông, viện tên là Ly Cấu (là chùa Liên Phái hiện nay). Từ đây ngài chuyên tâm tham thiền. (Thích Thanh Từ, 2008, tr 475)

Tổ sư Như Trừng Lân Giác sinh thời vào niên hiệu Chính Hòa thời vua Lê Hy Tông (1681 – 1705), kế đến là niên hiệu Vĩnh Thịnh và Thái Bảo vua Lê Dụ Tông (1705 – 1729). Vào hai thời vua này tương đối là thời cuộc thịnh trị, dù rằng đất nước bị chia đôi và đang trong thời gian đình chiến giữa cuộc chiến Trịnh Nguyễn phân tranh[1]. Xuất thân từ dòng dõi quý tộc mà ngài dốc chí nguyện tu hành, do việc cọng sen lạ khi gia nhân đào gò đất cho là điềm ứng ngài muốn xuất gia, và đổi nhà lập chùa để tu hành. Đây là một sự thị hiện cho hậu thế. Nhân duyên này cũng tương tự như đức Phật, và cũng tựa hồ chư tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Đức Phật khi còn là thái tử cuộc sống trong cung điện vàng son, nhung lụa gấm vóc, hưởng thụ đầy đủ nhưng ngài không tham luyến. Ngài nhìn thấy cảnh sanh, già, bệnh, chết khi dạo chơi bốn cửa thành rồi quyết định đi tu. Vua Trần Nhân Tông mười sáu tuổi đang ở ngôi vị Thái tử mà ngài đã có ý muốn tu hành, giàu sang vinh hoa phú quý chẳng bận tâm. Ngài chiêm bao mộng thấy hoa sen mọc từ rún và cho đó là điềm Phật báu nên phát nguyện ăn chay.

Hành trạng Tổ sư đặc điểm chung của chư vị thị hiện cõi Ta-bà này để tu hành, là trí tuệ chư vị khác hẳn người bình thường, học sâu hiểu rộng, giới hạnh khác với người thế tục, luôn hướng tâm đến việc tu hành, nghiên cứu thông suốt kinh điển, công phu thấu suốt bản tánh không màng đến những thú vui ở thế gian. Nhân duyên thù thắng như vậy không phải là chỉ huân tập một đời một kiếp, mà là đã được hình thành nhiều đời mới có được chủng duyên thù thắng như thế. Hành trạng của Tổ đã nhắc nhở với hàng đệ tử, tu tập không phải là chuyện dễ dàng mà cần phải bền chí, khắc kỷ huân tu. Cũng để cho hậu thế thấy được đạo Phật cao quý ra sao nên chư vị mới tham vấn cần cầu để tu học, trước là lợi ích cho bản thân sau đó để xiễn dương giáo pháp đến nhân loại.

Năm ngài hai mươi tuổi (1715) lúc này Tổ Như Trừng được chúa Trịnh tín nhiệm, phong chức Phó tướng tước Thân quận công nắm giữ binh quyền phò trợ triều đình. Một hôm, ngài dâng sớ xin thoát tục xuất gia tu Phật và được chúa Trịnh đồng ý. Sau đó, ngài hướng thẳng về huyện Đông Triều, chùa Long Động núi Yên Tử đảnh lễ thiền sư Chân Nguyên Chánh Giác xin xuất gia. Lần đầu thầy trò gặp nhau, thiền sư Chân Nguyên nhìn thấy Tổ đã biết là bậc pháp khí trong Phật pháp. [2]

Hành trạng Tổ sư Như Trừng rất đặc biệt, thị hiện trong dòng dõi quý tộc, sống trong hoàn cảnh chức cao quyền trọng mà luôn hướng tâm đến việc tu hành, sự thị hiện đó để thức tỉnh chúng ta thấy rằng đạo rất cao quý, tiền tài danh vọng ở thế gian luôn là vị mật ngọt cám dỗ, là chướng ngại đáng sợ trên con đường tu hành, không bền vững và không sao giữ được.

Thời điểm Tổ Như Trừng xuất gia, ngài Chân Nguyên  đã tuổi 80. Một hôm, ngài y áo oai nghi tề chỉnh lên xin phép Thiền sư Chân Nguyên thọ Cụ túc giới, ngài Chân Nguyên đồng ý. Sau khi thọ giới và được truyền tâm pháp, ngài trở về trụ trì chùa Liên Tông. Ở đây ngài hoằng dương giáo pháp rất thịnh hành, đồ chúng đến tham học rất đông, cho nên mới lập thành một phái lấy hiệu là Liên Tông.

Sinh thời ngài lập chùa Hộ Quốc, phường An Xá tại bản huyện. Về sau chọn Giác Sơn ở Quế Dương tỉnh Bắc Ninh, xây dựng ngôi đại già lam chùa hiệu Hàm Long, sau này đệ tử của ngài là Tính Ngạn làm trụ trì, đệ tử Tính Dược trụ trì chùa Liên Tông. (Thích Thanh Từ, 2008, tr 476)

Mục đích của Phật Tổ nói chung và Tổ sư Như Trừng nói riêng là chuyển mê khai ngộ cho chúng sinh, hướng cho chúng ta biết con đường nào để trở về với nguồn gốc của chính mình, phần còn lại là chính bản thân mỗi người phải tự trải nghiệm. Cho nên, tùy vào nguyện lực độ sinh của Tổ mà thời gian đến đi có dài có ngắn, ngắn hay dài thì cũng chỉ có một mục đích là khơi dậy nguồn tâm trong sáng của mỗi người chúng ta mà thôi.

Năm 37 tuổi ngài bảo đại chúng: Giờ quy tịch ta sắp đến, thân tứ đại khổ này đâu thể giữ được lâu. Lúc sắp tịch Tổ nói: Ngài đã được pháp nơi Hòa thượng Chân Nguyên, giờ đây trao lại cho đệ tử và nói kệ:

Vốn từ  không gốc

Từ không mà đến

Lại từ không mà đi

Ta vốn không đến đi

Tử sanh làm gì lụy.

(Bản tùng vô bản

Tùng vô vi lai

Hoàn tùng vô vi khứ

Ngã bản vô lai khứ

Tử sanh hà tằng lụy.)

Nói xong ngài an nhiên thị tịch. Nhằm niên hiệu thứ hai Long Đức (1733). Đồ chúng xây tháp thờ ngài ở ba nơi. (Thích Thanh Từ, 2008, tr 477).

Người thời xưa, ở thế gian để rạng mặt nở mày cho tổ tiên, ý chí lớn nhất của họ là dồi mài kinh sử để đến ngày lên kinh ứng thí, thi đậu Trạng Nguyên trống đánh về làng, vinh quy bái tổ đem vinh hiển về cho tổ tông dòng họ. Người thời nay cũng không khác người xưa, muốn thành tựu sự nghiệp để có được địa vị tương đối trong xã hội, cũng phải trao dồi học vấn, đèn sách ngày đêm, ra công nỗ lực mới có được kết quả mỹ mãn, đó là ý chí và động lực của người thế gian.

Cũng vậy, sự nghiệp và mục tiêu lớn nhất để nhắm đến của người tu là trở về nguồn gốc của chính mình. Cho nên đối với người tu ý chí, nghị lực hãy mạnh mẽ như Tổ sư,  thông kinh suốt điển, nắm rõ yếu chỉ và thông qua sự hành trì thân, khẩu, ý để hàng phục được mọi chướng ngại; sáu căn tiếp xúc với sáu trần làm thế nào đừng để sanh khởi sáu thức. Mục đích cao cả nhắm đến của hành giả là giác ngộ giải thoát, làm chủ được sinh tử đó là việc trọng đại và là bản lĩnh của người tu.

Là một hành giả bước đi trên con đường đạo, việc học kinh điển không thể không học. Việc học là tấm bản đồ chỉ đường cho chúng ta đó là những kiến thức cần phải có; có kiến thức rồi cần có công phu hành trì thực tiễn ở nội tâm. Muốn trở về nguồn cội thì cần phải thực hành quán tâm soi tánh, muốn quán tâm soi tánh cần phải quay vào bên trong chính mình, không phải bên ngoài mà có thể được.

Ngày xưa khi đức Phật còn tại thế chưa kết tập kinh điển, đệ tử của ngài là các bậc hảo tâm xuất gia. Chư vị chỉ nghe Phật dạy và tin chắc vào lời Phật không nghi, giữ vững một tâm ý trong sáng như thế, các ngài vào ở những nơi rừng sâu vắng vẻ tịch tĩnh rồi phản quan lại chính mình, chuyên tâm nhất ý tu hành thiền tọa.

Sau khi Phật nhập Niết bàn, chư vị Tổ sư lần lần kết tập kinh điển để lại lợi ích cho hàng hậu học về sau. Chư Tổ về sau nối bước những hình thức tu hành này thông qua phương tiện tam tạng kinh điển được để lại. Chư vị cứ lần lần tiếp nối học thâm hiểu thấu rồi áp dụng tu hành thực tiễn, quay vào nội tâm chính mình để quán chiếu. Hạnh nguyện của người xuất gia ai ai cũng đều khắc ghi Tứ Hoằng Thệ Nguyện: “Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ. Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn. Pháp môn vô lượng thệ nguyện học. Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”. Hành giả nào tu theo Phật cũng luôn ghi nhớ đến bốn nguyện lớn này. Cho nên Tổ sư Như Trừng sau khi được thọ giới và được truyền tâm pháp, ngài về lại nơi cải gia vi tự lập thành một phái Liên Tông, giáo hóa đồ chúng về sau còn xây thêm chùa chiền, đồ chúng đến tham học mỗi ngày một đông đảo.

3. Hành Trạng Thiền sư Như Trừng Lân Giác

Tổ sư Như Trừng ngài thị hiện trên thế gian này tu hành và giáo hóa chúng sanh khoảng mười mấy năm. Chỉ mới ba mươi bảy tuổi mà ngài đã nhận lại bản lai diện mục của chính mình, biết trước ngày giờ ra đi. Bài kệ để lại trước khi ngài tịch nói lên Tổ đã làm chủ được sinh tử, chứng minh được rằng công phu tu hành và giáo hóa của ngài không phải tầm thường. Thời gian Tổ trụ ở thế gian giáo hóa dù ngắn hay dài, thì cũng chỉ có một mục đích là làm sống lại nguồn trí tuệ, khơi dậy lòng từ bi trong nhân loại mà thôi. Hành trạng tu hành và giáo hóa của Tổ, đã khơi lại lịch sử của ngài Nghĩa Huyền vị Tổ sáng lập tông Lâm Tế người Trung Hoa.

Thiền sư Nghĩa Huyền Lâm Tế ở trong hội ngài Hoàng Bá ba năm, ngài rất oai nghi tề chỉnh đức hạnh vẹn toàn. Thủ tọa Trần Tôn Túc trong hội ngài Hoàng Bá khen sư: “Cùng là hậu sinh nhưng với chúng không giống”. Trần Thủ tọa bảo ngài Nghĩa Huyền nên đến thưa hỏi Phật pháp với Hòa thượng Hoàng Bá. Ngài Nghĩa Huyền đến thưa hỏi, ngài Hoàng Bá không trả lời mà lại đánh, ba lần hỏi là ba lần bị đòn. Ngài Nghĩa Huyền buồn bã nghĩ rằng, mình do nghiệp chướng che đậy nên không lãnh hội được yếu chỉ Phật pháp và xin phép ra đi. Ngài Hoàng Bá bảo: “ông nên đến Cao An chỗ thiền sư Đại Ngu, ông ta sẽ vì ông mà nói”. Khi ngài Nghĩa Huyền đến Cao An và thưa với Đại Ngu: “Con ba lần hỏi Đại ý Phật pháp là ba lần bị đòn, con không biết có lỗi gì hay không?”. Ngài Đại Ngu nói: “Bà già Hoàng Bá là tâm lão bà tha thiết vì ngươi chỉ nơi tận cùng, lại còn ở trong đó hỏi có lỗi hay không?. Ngay câu nói này của ngài Đại Ngu, ngài Nghĩa Huyền đại ngộ, thưa: “Vậy thì, xưa nay Phật pháp của Hoàng Bá rất ít”. (Thích Thanh Từ, 2008, tr 68).

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Son Mon Lien Phai To Nhu Trung Lan Giac Thap Tich Quang Chua Quynh Lam

Tháp Tịch Quang tại chùa Quỳnh Lâm, Quảng Ninh thờ thiền sư Chân Nguyên. Ảnh: Minh Minh

Tổ sư Như Trừng xuất gia tu học với thiền sư Chân Nguyên không bao lâu, thì ngài Chân Nguyên quy tịch. (Thích Thanh Từ, 1998,tr 5). Thời gian của Tổ tu học với thầy không dài mà Tổ đã rõ được sinh tử qua bài kệ ngài để lại trước khi tịch. Việc đạt ngộ của mỗi hành giả tu hành trong Phật giáo không ai giống ai, cũng không thể luận được thời gian tu hành, cần phải là bao nhiêu lâu mới giác ngộ và làm chủ được sinh tử. Đó là tùy thuộc vào chủng duyên sâu cạn của mỗi hành giả, qua sự tích lũy công phu đến lúc chín muồi thì bỗng nhiên đạt ngộ. Một minh chứng nữa là thiền sư Chân Nguyên thầy của Tổ sư Như Trừng.

Thiền sư Chân Nguyên khi còn trẻ, sau khi xuất gia đã đến chùa Vĩnh Phúc ở núi Côn Cương tham vấn thiền sư Minh Lương, đệ tử của thiền sư Chuyết Chuyết hỏi một câu: “Ngọc chứa bao nhiêu năm trong đãy, nay tận mặt thấy thì thế nào, là sao?”. Thiền sư Minh Lương không trả lời mà đưa mắt nhìn thẳng vào ngài Chân Nguyên, ngài Chân Nguyên nhìn lại bỗng nhiên đạt ngộ và đảnh lễ thiền sư Minh Lương. Thiền sư Minh Lương nói: “ông sẽ kế thừa dòng thiền Lâm Tế làm hưng thịnh Phật pháp”. (Thích Thanh Từ, 1998, tr 8) Đệ tử thưa hỏi, thầy không cần nói lời nào chỉ bốn mắt nhìn nhau mà đệ tử thâm nhập yếu chỉ. Đây là “tứ mục tương cố”.

Phật pháp thật sự rất đơn giản, chúng ta thấy nhiều là do vọng tưởng chấp trước, thường bị rơi vào cái bẫy của kinh văn hoặc lời giảng dạy của thầy Tổ. Tam tạng kinh điển biết là bao nhiêu chữ, nhưng mỗi mỗi đều là tùy căn cơ chúng sanh không đồng, nên Phật Tổ mới tùy duyên mà lập phương tiện, nếu thâu tóm lại tất cả chỉ có một chữ “Tâm”. Tuy nhiên, một chữ tâm này phải tu hành rất cẩn mật, dày công đến khi nhân duyên chín muồi mới có thể sinh khởi trí tuệ được. Phật pháp thì không có gì cần nói nhiều, nhưng tu cần phải phát tâm dũng mãnh, kiên trì thực hành thâm sâu mới có lợi ích được.

Toàn bài văn Quy Sơn Cảnh Sách, Tổ Quy Sơn sách tấn hàng đệ tử rất nhiều điều, nhưng cuối cùng Tổ chỉ cô đọng lại trọn bài văn bằng tám chữ “Nhất tâm bất sanh, vạn pháp câu tức”, nghĩa là một niệm không sanh muôn pháp đều dứt. Như vậy, có phải muôn pháp đều quay về tâm?. Vậy thì, chư vị Tổ sư đâu có gì cần giáo hóa nhiều!. Dạy đi dạy lại, nói tới nói lui, nói xuôi nói ngược, nói phải nói trái,… cũng chỉ một chữ “tâm”. Một chữ tâm này mà Phật Tổ phải tùy duyên lập ra tám muôn bốn ngàn pháp môn, để đối trị lại tám muôn bốn ngàn phiền não của chúng sanh, vì vậy nên Phật pháp rất nhiều. Tổ sư Như Trừng thời gian tu hành và giáo hóa không dài, vì ngài đã đạt được đến chỗ của ngài Quy Sơn Linh Hựu nói.

Vì Phật pháp không có gì để giáo hóa nhiều, nên thiền sư Minh Lương chỉ đưa mắt nhìn khi ngài Chân Nguyên hỏi “viên ngọc chứa bao nhiêu năm trong đãy là thế nào?”. Ngài Hoàng Bá chỉ cần đánh khi nghe ngài Nghĩa Huyền thắc mắc “đại ý Phật pháp”. Thế  nhưng sau khi Ngài Lâm Tế Nghĩa Huyền nghe một câu của thiền sư Đại Ngu thì mới đại ngộ và nói: “Xưa nay Phật pháp của Hoàng Bá rất ít”, vì khi đủ duyên đạt ngộ, ngài nhận ra rằng Phật pháp không có gì để ngài Hoàng Bá dạy ngoài tâm, nhưng vì lúc thưa hỏi Hoàng Bá là nhân duyên của ngài Nghĩa Huyền chưa chín muồi, nên phải nhờ đến thiền sư Đại Ngu nhắc nhẹ thêm một câu, lúc đó ngài Nghĩa Huyền mới thật sự đạt ngộ.

Phật pháp, đứng về mặt pháp tướng mà nói thì rất nhiều, vì chúng sanh căn tánh không đồng, nên Phật mới phương tiện diễn bày nhiều lẽ. Có chủng duyên bậc thượng, bậc trung, bậc hạ mà thượng, trung, hạ mỗi bậc lại có thấp cao khác nhau không ai giống ai. Vì vậy cho nên, lời Phật dạy trong kinh có lời chỉ rõ chân lý gọi là kinh liễu nghĩa; có lời chưa nói rõ chân lý gọi là kinh bất liễu nghĩa. Kinh liễu nghĩa hàng thượng căn nghe qua liền rõ, nhảy thẳng vào đất Như Lai. Do phương tiện để phù hợp theo căn cơ thấp của chúng ta mà Phật giảng dạy kinh chưa rõ nghĩa; nhưng từ kinh bất liễu nghĩa sẽ tiến dần dần đến kinh liễu nghĩa. Để đi đến chân lý mà Phật hay Tổ dạy cũng đều từ các ví dụ, để làm phương tiện cho người sơ cơ nương vào đó mới hiểu được yếu chỉ tu hành.

Đứng về mặt pháp hành mà nói thì Phật pháp rất ít, vì tất cả các kinh Phật dạy đều xoay quay thân, khẩu, ý. Từ ý phóng ra sáu căn tiếp xúc với sáu trần rồi sanh ra sáu thức. Nếu kiềm thúc ý đừng để cho nó vọng tưởng lung tung rồi điều hành khẩu nói bậy, thân làm càng thì đó là chúng ta giữ giới; khi có giới thì có định, khi có định thì tuệ liền phát sinh. Giới càng mạnh thì định tuệ sẽ vững vàng tự nhiên chẳng có lung lay bởi ngoại duyên. Pháp hành ít hơn nữa, là chỉ cần buông niệm như Tổ Quy Sơn đã dạy. Khi nói Phật pháp rất ít là người mắt sáng nói, vì chư vị đã nhận biết được đại ý Phật pháp trong chớp nhoáng, không qua ý thức phân biệt, và biết được con đường thực hành từ đâu, nói ít mà cái nói đó vẫn còn trên công phu tu tập.

Đứng về mặt pháp tánh mà nói thì Phật pháp là Phật pháp. Đơn giản!. Ngôn từ rất nhiều, có thể dùng ngôn ngữ để giảng giải, lập luận, thuyết trình mọi điều về Phật pháp, nhưng không có từ ngữ nào có thể giải thích chính xác đến chỗ đơn giản của Phật pháp. Vì vậy cho nên Phật mới dùng nhiều phương tiện để chỉ bày. Để đi đến chỗ đơn giản của Phật pháp thì thật không giản đơn, và chỉ có mỗi hành giả phải chính mình trải nghiệm.

Học hiểu kinh điển thấm nhuần, nắm rõ được yếu chỉ để hành trì, tuy nhiên, đối với hàng căn tánh thấp như chúng ta không phải dễ dàng nhanh chóng. Tổ sư Như Trừng đã hình thành nhân duyên Phật pháp từ lâu. Phật nói: Chúng ta ai ai cũng đều có viên ngọc quý trong cái thân năm uẩn. Tổ nói: Ở Thánh không dư ở phàm không thiếu. (Thích Thanh Từ, 1998, tr 22). Đây là Phật Tổ muốn chỉ cái tâm trong sáng của mỗi người đều sẵn đủ.

Thiền sư Như Trừng Lân Giác nối pháp đời thứ 37, dòng tông Lâm Tế. Ngài thị hiện thế gian để đi tiếp đoạn đường tu hành của mình, và giáo hóa chúng sanh. Bài kệ trước khi tịch để lại của ngài, đã chứng minh ngài đạt đến chỗ mà Phật đã nói. Hành trạng tu hành và giáo hóa của ngài chỉ có mười mấy năm, thời gian trụ thế không dài nhưng ngài để lại bài kệ trước khi tịch, đã đầy đủ làm lợi lạc cho hàng hậu học nghiên cứu tu hành.

Tổ sư Như Trừng nói: “Vốn từ không gốc, từ không mà đến, lại từ không mà đi, ta vốn không đến đi, tử sanh làm gì lụy”. Đây là chỗ mà ngài Lục tổ Huệ Năng nói: “Bồ đề vốn không cây” (Bồ đề bổn vô thọ).

Tổ sư Như Trừng đã thấy rõ bản lai diện mục của mình không có gốc. Thị hiện thế gian này từ cái không mà đến, nếu có chăng là do nguyện lực mà ngài mới thị hiện; vì mục đích chính của hành giả tu hành theo Phật giáo, là giác ngộ giải thoát rồi dụng lòng từ bi lân mẫn hoá độ chúng sanh. Vì ngài đã giác ngộ thật sự, nên lòng từ bi tự nhiên nó tuôn trào cho nên ngài mới thị hiện đến. Ngài đến vào thời điểm tuy là đất nước chia hai, nhưng có hai vị vua anh minh nên cuộc sống nhân dân tương đối cường thịnh, dù rằng vẫn còn đang trong cuộc đình chiến của chiến tranh Trịnh Nguyễn. Tổ đến là để thị hiện cho chúng ta thấy được tấm gương tu hành, để nói lên cho nhân loại biết rằng, đạo Phật có thể hóa giải tất cả mọi thù hận bằng trí tuệ thấu suốt bản tánh; có thể xoa dịu nỗi đau bằng tình yêu thương bình đẳng, bằng tâm từ bi lân mẫn. Chiến tranh là hiểm hoạ gieo rắc đau thương tang tóc cho nhân loại.

Khi ra đi ngài tự tại mà đi, ngài thấy không có gì cần phải giáo hóa nhiều, và cũng không thấy có ai để mình hoá độ, mọi việc giáo hóa đã có đệ tử của ngài thừa kế tiếp nối. Ngài thấy rõ rằng đến đi chỉ là cái tướng hóa thân đến và đi, chứ thật sự bản lai diện mục của ngài không có đến đi, việc sanh tử không thể nào làm khó được ngài.

Phật pháp là Phật pháp. Rất đơn giản!. Cái đơn giản này phải chính mỗi hành giả thực hành mới trải nghiệm được như thế nào, học trong sách vở sẽ không thấy được, nhưng chúng ta phải học vì Tổ đã từng học rộng hiểu sâu; trong kinh điển cũng không có nói hay chỉ cho chúng ta thấy chỗ đơn giản này, nên xem kinh cũng không có, nhưng chúng ta phải xem kinh vì Tổ đã từng thông suốt tam tạng kinh điển. Kinh điển, sách vở là tấm bản đồ vẽ đường để chúng ta cất bước, nhưng đạt đến chỗ cứu cánh thì không ai có thể vẽ được, chỉ có tự thân mỗi một hành giả thực sự trải nghiệm mới biết được mà thôi.

4. Kết luận

Lời Phật ý Tổ dạy không phải là cao siêu, mà là một phương pháp giáo dục thực tế, không phải trừu tượng hay mơ hồ; là một triết lý nhân văn sâu sắc đích thực. Khi chư vị Tổ sư dù chư vị đến trước hay đến sau, nếu tu hành đạt đạo thì lời nói của chư vị cùng Phật nói không hai, hạnh giải đều tương ưng. Mỗi một hành động, mỗi một cử chỉ, dù im lặng hay một ánh mắt thể hiện nhìn nhau của chư vị cũng đều là thuyết pháp, không phải chỉ có lời nói mới là thuyết pháp, hay trụ thế lâu mới làm lợi ích cho chúng sanh, vì Phật pháp vốn dĩ rất đơn giản. Hành trạng của tổ sư Như Trừng tùy vào nguyện lực của ngài mà thời gian đến đi có dài có ngắn, và để giáo hóa phù hợp với từng căn cơ của chúng sanh mà phương tiện được lập ra cũng có sự khác biệt, nhưng Phật pháp cũng chỉ vậy không khác.

Hành trạng của chư vị thiền sư bất cứ ai cũng đều có khả năng tìm hiểu nghiên cứu, nhất là nghiên cứu thâm sâu về việc làm chủ sinh tử của chư vị. Đó cũng là nguồn cội của chính mỗi con người chúng ta, vì đây là nguồn gốc để biết con người vì sao có mặt ở thế gian, vì sao chúng ta phải luân hồi sinh tử, và để nghiên cứu thấu triệt hơn về vấn đề này thì nhất định phải là một hành giả đích thực.

Tỳ kheo Ni Chơn Phương Tuệ

***

Tài liệu tham khảo:

1. https://thoxuan.thanhhoa.gov.vn/web/trang-chu/du-lich-di-tich-lich-su/du-lich-tho-xuan/di-tich-danh-thang/trieu-dai-hau-le-le-trung-hung-1533-1789.html
2. http://www.phatgiaohue.vn/news.aspx. Truy cập ngày 03/27/2013
3. Thích Thanh Từ (2008), Thiền sư Việt Nam, N Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh
4. Thích Thanh Từ (2008), Thiền sư Trung Hoa, tập 2, N Tôn giáo, Hà Nội
5. Thích Thanh Từ (1998), Thiền tông bản hạnh, N TP. Hổ Chí Minh

[1] https://thoxuan.thanhhoa.gov.vn/web/trang-chu/du-lich-di-tich-lich-su/du-lich-tho-xuan/di-tich-danh-thang/trieu-dai-hau-le-le-trung-hung-1533-1789.html. Truy cập ngày 06/10/2021
[2] http://www.phatgiaohue.vn/news.aspx?KenhID=0&ChuDeID=0&TinTucID=34. Truy cập ngày 03/27/2013

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường