Trang chủ Bài viết nổi bật Góc nhìn về người tu đi chân đất

Góc nhìn về người tu đi chân đất

Người tu hành chân chính, thành tâm hướng đến giác ngộ, niết bàn sẽ thấy sẽ biết mọi việc diễn ra nhưng không để tâm hơn thua, đố kỵ, càng không bao giờ làm tổn thương, xúc phạm, gán chân người khác, dù đó là người bất như ý với mình.

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Người tu hành chân chính, thành tâm hướng đến giác ngộ, niết bàn sẽ thấy sẽ biết mọi việc diễn ra nhưng không để tâm hơn thua, đố kỵ, càng không bao giờ làm tổn thương, xúc phạm, gán chân người khác, dù đó là người bất như ý với mình.

Tác giả: An Tường Anh

Trong những ngày vừa qua, câu chuyện về một vị sư mang tên T.M.T lan truyền trên mạng xã hội với hình ảnh một vị đầu trần, chân đất đi khất thực, ngủ trong nghĩa trang và mặc khoác chiếc áo “cà sa” bằng những mảnh vải vụn may ghép lại, vị sư không nhận tiền cúng dường của đàn na tín chủ, chỉ nhận lương thực vừa đủ ăn với chiếc bình bát từ nồi cơm điện cũ, đi qua nhiều nơi.

Trước câu chuyện này, có người tôn kính vì hình ảnh vị sư mang lại cho người ta cảm giác buông bỏ mọi tham đắm tục trần, giúp lòng người an lắng khi vị sư chọn cuộc đời khổ hạnh để gieo duyên.

Hình ảnh của vị sư đã lan tỏa thiện tâm cho nhiều người, để họ có thể đặt xuống những tranh chấp hơn thua, có thể chọn đời sống kham nhẫn, giản đơn, không mưu cầu chiếm hữu quá nhiều thứ cho mình, có thể buông bỏ những hư danh, phù phiếm, từ đó hiểu được sinh tử vô thường để hướng đến con đường thanh tịnh và giác ngộ.

Tuy nhiên bên cạnh đó, cũng có không ít những luồng ý kiến cho rằng vị sư này làm mất hình ảnh nhà Phật vì bộ dạng lôi thôi lếch thếch, vì Phật giáo Việt Nam không chủ trương đi khất thực. Việc tu khổ hạnh, đó là phẩm hạnh cá nhân, ở góc độ tôn giáo sẽ không hoằng dương chính pháp được cho nhiều người, vì không ở trong Chùa nên không có tổ chức nào công nhận người đó là Sư.

Sau đó là công cuộc vạch trần khái niệm họ Thích mà vị Sư này đang mang, để xem họ Thích đó có đúng “quy trình” không, có được tổ chức nào nào tấn phong ban tặng hay chỉ là tự mang họ Thích?

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Nguoi tu hanh di chan dat 1

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn: St

Trước câu chuyện này, tôi xin được phép chia sẻ một số ý kiến như sau:

1. Người tu vốn đã được xem là người thiểu dục tri túc, có thể buông bỏ cái tham, có thể hướng đến đời sống độc cư, có thể chọn cho mình pháp môn nào đó để tự mình thức tỉnh, người tu thì bản chất là không dính mắc, không lệ thuộc vào hình tướng, sắc thái bên ngoài, không còn bị ràng buộc bởi danh lợi, tiền bạc, tham cầu, không mong muốn ăn ngon mặc đẹp…

Là có thể hóa giải được những vướng mắc bên trong, tự tại vô ngại trước ngũ dục và ngũ trần, là thực hành Thánh đạo tám ngành gồm: Chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tấn, chính niệm, chính định; là tu tập Tam vô lậu học Giới – Định – Tuệ để tự mình giác ngộ đi đến niết bàn.

2. Nếu cho rằng chỉ có người qua trường lớp đào tạo trong Tôn giáo mới được xem là người tu sĩ Phật giáo, phải nắm biết, thấu rõ Kinh điển giáo lý nhà Phật, phải thông lào Kinh kệ, phải được một nơi nào đó công nhận mới gọi là tu sĩ, mới đúng bản chất người xuất gia và mới được gọi là Sư…

Những điều này đúng nhưng chưa là đủ, đúng bởi nó sẽ là phương tiện để người tu tập hiện nay có thể danh chính ngôn thuận hoằng dương chính pháp trước đám đông, có thể mang giáo lý Phật pháp sâu rộng đến cho người có nhu cầu tìm hiểu kỹ, có thể đại diện cho cơ sở tôn giáo thực thi nhiệm vụ trong đời sống tín ngưỡng gắn kết với xã hội.

Tuy nhiên, giáo lý nhà Phật dù có mênh mông như đại hải thủy, kho tàng Tam tạng Kinh điển nhà Phật dù bao la vô tận thì cũng gói gọn lại cho con người những điều cốt lõi nhất trong “Tứ diệu đế” và học phải đi đôi với hành. Khi con người đã nắm, đã hiểu, đã thực hành được triết lý này là xem như đã giải thoát và chạm đến con đường giác ngộ. Nghe thì dễ nhưng không phải dễ, bởi mấy ai mà biết ngọn nguồn đau khổ từ đâu, mấy ai tìm được hướng để thoát khổ, mấy ai diệt sạch được thống khổ trong đời sống hiện tiền?

Những cái vui, cái buồn, cái được mất, hiềm tỵ, hơn thua làm cho con người bất an, thấy người tu chân đất mình còn ghét bỏ thì làm sao mình hết khổ. Những điều bất như ý như ngọn sóng trùng trùng gây cho con người hàng trăm hàng nghìn mối khổ mà không thể nào kết dứt, thế nên người nào thực hiện được triết lý này xem như người đó đã là một vị Phật giữa đời thường, một người đáng để cho chúng ta đảnh lễ, không phân biệt vị đó là ai.

Chúng ta nên khách quan mà công nhận rằng khi còn dính mắc vào hình tướng, sắc thái bên ngoài thì người ta chưa thể nào thoát khổ, còn dính mắc, còn lệ thuộc là chưa xả bỏ ly dục, vẫn còn trôi trong hữu vật hỗn thành là tâm vẫn chưa hoàn toàn rỗng lặng nên những hình tướng bên ngoài không phải là cái giúp người ta giác ngộ.

Ngày xưa Phật từ bỏ cung vàng điện ngọc, Phật tu tập trong rừng, những điều Người khai mở đều trong sâu thẳm chân tâm, vị nào theo dấu chân Phật, biết quay đầu sám hối từ bỏ nghiệp ác, tạo việc lành, biết giúp chúng sinh thoát khổ thì đều là đệ tử Phật, có thể đắc quả A La Hán bởi “giác ngộ”, “từ bi”, “trí tuệ” hiện hữu trong từng sát na tâm thức, từ trong sinh thể một con người mà không ai có thể làm thay, có thể chuyển hóa tốt hơn chính bản thân người đó.

3. Một số ý kiến cho rằng tu sĩ là phải ở trong Chùa, có bằng cấp chứng nhận, được tấn phong giáo phẩm mới là người tu hành thực thụ, mới có khả năng truyền bá giá trị phật pháp đến với chúng sinh, thế nhưng chúng ta quên rằng trong đời sống hằng ngày, có không ít người mang tấm bằng cử nhân khá giỏi nhưng ra đời lại không có kỹ năng, kỹ thuật xử lý công việc bằng những người thợ bậc 3/7, có lẽ họ cũng chưa từng thấy những nghệ nhân không có bằng cấp nào nhưng có thể đứng giảng dạy cho nhiều người mang trên mình đầy bằng cấp…

Và có lẽ họ cũng vô tình bỏ qua câu chuyện nhiều người có bằng cấp, có học hàm học vị rất cao nhưng làm không hiệu quả việc gì, thậm chí có người còn gây xáo trộn, bất an cho xã hội.

Đó là nói về sự công nhận từ những ngành nghề bên ngoài, riêng với Phật giáo, sự cảm thụ của con người càng không bị lệ thuộc vào những quy định, văn bằng, danh xưng hơn nữa bởi triết lý nhà Phật đã vượt qua khỏi phạm vi của khoa học và tôn giáo, chỉ những người tu tập đắc đạo, uyên thâm mới có thể cảm thụ được con đường giác ngộ đi đến niết bàn.

Việc ai đó lấy những hình tướng bên ngoài mà quy định, áp đặt cho người tu hành từ bên trong là một quan điểm chưa đầy đủ khi nhìn về các phép tu, đặc biệt là của Phật Giáo.

4. Truyền cảm hứng, giúp con người chuyển hóa không bắt buộc phải ngồi dưới đạo tràng mà nó có thể đến từ những hành động, việc làm thiết thực hằng ngày, không phải bằng bề nổi mà đôi khi đến từ những giao cảm bên trong. Khi một hình ảnh, một cử chỉ, một việc làm của ai đó có thể lay động trái tim, đánh thức nhân sinh thì đó là người truyền cảm hứng, là người có thể lan tỏa thông điệp thiện lành, giúp chúng ta thức tỉnh không phải chỉ trên sách vở hay bằng lời nói.

5. Trong câu chuyện của vị sư M.T, chúng ta thấy một số người tự lập ra rào chắn và sự phân biệt giữa người tu hành trong tự viện với người tu hành tự phát trong khi họ chưa làm gì nguy hại cho xã hội, rồi từ đó vẽ ra con đường phán xét như một tội đồ.

Chúng ta nên nhìn nhận rằng người tu hành thật sự sẽ không bao giờ chấp nhất với những điều xung quanh họ, ngay cả điều xấu, điều bất lợi với mình, vì người tu sẽ có cách hóa giải, chuyển hóa để thân tâm an lạc, không chất chứa bộn bề hiềm tỵ xung quanh, như vậy người tu càng không lên án những điều lương thiện, nhất là khi ai đó phát tâm hướng Phật.

Người tu hành chân chính sẽ không phân biệt người sang trọng hay người lang thang cơ nhỡ, người khỏe mạnh hay người ốm đau, người giàu có hay người khổ nghèo rách rưới, chỉ cần có tâm cùng hướng về Phật, biết trân quý Tam Bảo, thì người tu hành đều rộng lòng hoan hỷ. Trí tuệ, từ bi của con người không phân biệt là người trong lớp hay người ngoài lớp.

Người tu hành chân chính, thành tâm hướng đến giác ngộ, niết bàn sẽ thấy sẽ biết mọi việc diễn ra nhưng không để tâm hơn thua, đố kỵ, càng không bao giờ làm tổn thương, xúc phạm, gán chân người khác, dù đó là người bất như ý với mình.

Người tu hành chân thật sẽ hiểu được cốt lõi của đạo Phật là gì để không phải sa vào hình tướng mà chấp nhặt, bắt lỗi, khinh khi ai chỉ vì người đó không từ một tổ chức, một trường lớp đường hoàng chính thống, bởi họ hiểu rằng tu là thay đổi bên trong.

Người tu và người Phật tử càng phải là người có cái nhìn thấu cảm và rộng mở để hiểu sâu xa con đường mình đang đi, không bám chấp vào chiếc áo mình đang mặc, đạo tràng mình đang theo để rồi mình đả kích, miệt thị, xem thường người khác bởi “chiếc áo vốn không làm nên thầy tu”, huống gì một xã hội với nhiều tầng lớp, họ sẽ nhận ra cái gì thật, cái gì giả, cái gì mang lại tốt đẹp, lương thiện cho đời, cái gì chỉ là hư danh, ngụy tạo.

6. Với những quan điểm và góc nhìn trên không có nghĩa là chúng ta bài xích và phủ nhận vị trí, giáo luật và tính chính thống của một tổ chức tôn giáo bởi tôn giáo ngoài việc hoằng dương chính pháp cho tha nhân còn làm nhiều việc cho cộng đồng xã hội, đòi hỏi tính pháp lý, thống nhất và hòa hợp, điều đó thể hiện qua việc hoằng pháp, xây dựng, phát triển và quản lý cơ sở chùa chiền tự viện, hoạt động từ thiện, thực hiện công trình phúc lợi…

Nên việc tu sĩ được đào tạo bài bản, thành viên trong tổ chức phải là người được công nhận trên nhiều phương diện yếu tố là hoàn toàn cần thiết và hợp lý, đúng về quy định tôn giáo tín ngưỡng.

Tuy nhiên đó là với trường hợp người tu sĩ, phật tử có những hoạt động đa dạng liên quan đến cộng đồng xã hội còn đối với người phát tâm tu học cá nhân thì thiết nghĩ không cần áp đặt họ quá nhiều và càng không nên đem danh xưng, hình tướng nào đó ra để chất vấn rằng họ có phải tu sĩ Phật giáo hay không bởi đã là người tu thì ai cũng phát tâm theo Phật, người tu cũng giống như một bông hoa, có đẹp hay không người ta nhìn vào sẽ biết.

Thế nên việc so sánh, phỉ báng, xúc phạm người phát tâm tu hành khổ hạnh với các vị sư trong tổ chức tôn giáo từ một nhóm người nào đó là một việc làm không nên có vì nó có thể gây ra những quan điểm bất đồng, làm cho dư luận có cái nhìn không tốt về những người tu chân chính và vô tình làm cho người ta nghĩ rằng người tu trong Chùa chiền Tự viện có hành vi hơn thua, trù dập, phản đối người tu hành tự túc mặc dù điều đó là hoàn toàn không có mà nó chỉ xuất phát từ một nhóm người nào đó mà thôi.

7. Nguồn gốc để một người tu sĩ mang họ Thích, ở bài viết này không đi sâu tìm hiểu về họ Thích của vị sư M.T là do ai và tự viện nào đã đặt, bài viết chỉ nêu nguồn gốc về họ Thích và tinh thần thực hành tâm đạo của một người tu sĩ. Sở dĩ các vị tu sĩ Phật giáo có mang họ Thích là vì người xuất gia theo họ của Phật, tức là họ Thích, từ đó trở thành luật lệ cố định, các Sa môn bắt đầu lấy họ Thích.

Tuy nhiên đó không phải là một quy luật áp đặt cho tất cả mọi người tu sĩ bởi có những người tu sĩ nhưng không mang họ Thích. Nhiều vị kể từ khi xuất gia cho đến khi viên tịch, các Ngài không lấy chữ Thích trước pháp danh hay pháp hiệu, chẳng hạn như Thiền sư Vạn Hạnh, Pháp sư Tịnh Không.

Như vậy cho thấy rằng chữ Thích ý chỉ là người tu sĩ tu học theo đạo Phật, người con Phật, thực hành theo đúng những lời Phật dạy nên mang họ Phật, điều này xuất phát từ quy định được con người đặt ra và áp dụng trong những tổ chức Tôn giáo, nhưng không có nghĩa là bắt buộc và gắn kết rằng chỉ những ai mang họ Thích mới được xem là nhà Sư, là người tu sĩ Phật giáo.

Từ những ý niệm trên, chúng ta có thể nhận thấy rằng người tu hành là người luôn biết mở lòng để khuyến khích những ai nhất tâm hướng Phật, người tu sẽ luôn hoan hỷ khi thấy người khác có đủ chân tâm mà đi trên con đường đến với niết bàn, nhất là những người chọn con đường khổ hạnh để đi, họ đã chọn con đường đó thì hãy hoan hỷ và gieo duyên cho họ đến được với con đường giác ngộ, đừng mang lòng hiềm tỵ vì cái riêng mà gán chân họ làm gì.

Khi chúng ta xúc phạm, mắng nhiếc người phát tâm tu hành hướng thiện cũng là gây một điều bất thiện cho mình, nếu người ta làm gì sai, pháp luật sẽ xử lý họ, còn nếu họ chưa làm gì ảnh hưởng đến ai và người tu đó cũng không kêu gọi tiền từ bá tánh, không xây dựng chùa chiền tự viện, không thu phục tín đồ, không ảnh hưởng đến trật tự xã hội và cũng không xâm hại đến tổ chức tín ngưỡng tôn giáo thì việc lên án, chỉ trích, cấm đoán người ta là điều không nên có.

“Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành” và câu “Thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu Chùa”, cho thấy rằng con đường đến với Phật, trở thành một người tu sĩ không chỉ của riêng ai, cũng không bắt buộc phải ở Chùa mới là tu thành Phật.

Dù là ai, nhưng một khi con người biết nhất tâm tu tập để buông bỏ đời sống tham dục, trở thành người bình tâm, rỗng lặng, thênh thang trên con đường đạo hạnh tìm lại chính mình thì chúng ta hãy mở lòng từ bi và tôn kính họ, hãy nhìn họ bằng cái nhìn của người đồng đạo, hãy khuyến khích chúng sinh đến với con đường thoát khổ. Có như vậy thì chúng ta mới thực hành được điều Phật dạy mà không cần phải lệ thuộc vào danh xưng hay phải bám chấp vào một hình tướng bên ngoài nào khác.

Tác giả: An Tường Anh

Ghi chú: Bài viết thể hiện góc nhìn, cách hành văn và lập luận riêng của tác giả.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

6 bình luận

Cảm ơn bài viết và tạp chí truyền thông

Cô Hương 23/04/2024 - 00:25

Hôm nay nghe đuợc bài viết trên kênh Du Ca,. Cảm ơn người viết bài và tạp chí với các bạn đăng tải đã truyền một niềm tin về đạo Phật đến cho người khác. Tôi tin thầy M Tuệ và những thầy sư tu phẩm hạnh tôi cũng tin tôn trọng. Lòng tin vào Phật pháp phải được đoàn kết mới vững mạnh. Chúc các bạn nhiều mạnh khoẻ!!

Trả lời

Nên ghi nhận những ý kiến khách quan

Trọng Hiếu 21/04/2024 - 15:28

Bài viết có góc nhìn khách quan , tán thán vì không phân biệt hình thức tu sĩ bề ngoài nhưng chắc sẽ làm một số thành phần khó chịu . Mỗi góc nhìn phản chiếu một hệ tư tưởng đạo đức người đó , cần khuyến khích tính công minh và bạch hóa trong các bài viết để có góc nhìn đa chiều . Cảm ơn.

Trả lời

Không sâu sắc.

Hành giả 20/04/2024 - 13:13

Bài viết này chỉ là một góc nhìn cá nhân, có thể làm cho hiểu nhầm về các bậc tu hành tại chùa càng thêm nắm lấy cơ hội để bài xích. Ý kiến cá nhân còn quá đậm

Trả lời

Đồng tình với quan điểm của bài viết

Bạn đọc 21/04/2024 - 13:27

Có lẽ bạn đang cố tình đánh lận câu từ để quy chụp cho người viết vì tôi thấy chỉ có một số người nào đó đang tấn công vào những người tu như sư Mình Tuệ và họ mới là người làm cho người ta có cái nhìn không đúng về chùa chiền người tự, họ làm sai nhưng cố tình đẩy cái sai về cho người khác. Tôi đồng ý với quan điểm bài viết của tác giả này.

Trả lời

Phản hồi bình luận của hành giả

LTuyen 22/04/2024 - 08:49

Chào bạn hành giả, bạn cho rằng đọc bài viết sẽ làm cho người ta hiểu lầm về bậc tu hành ở chùa là bạn đang thể hiện quan điểm cá nhân và đánh giá thấp nhận thức nhiều người khác rồi. Nếu k làm sai thì k ai bài xích và cũng k có gì phải ‘sợ hiểu nhầm’. Bình luận của bạn mang tính ích kỷ cá nhân. Đoc bình luận của bạn tôi có thể đoán được bạn đến từ đâu. Vài dòng gửi bạn. Chúc bạn tiến tu.

Trả lời

Bài viết hay

HẢI PHÚ 15/04/2024 - 14:55

Bài viết công tâm và giá trị. Mô Bụt !

Trả lời

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường