Trang chủ Giáo lý - Lịch sử - Triết học Góc nhìn về “Hạnh sa môn chân chính” qua Kinh Sa Môn Quả

Góc nhìn về “Hạnh sa môn chân chính” qua Kinh Sa Môn Quả

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Tuệ Đăng
Khoa đào tạo từ xa khóa 7 – Học viện PGVN tại TP.HCM

Kinh Sa môn Qủa đức Phật dạy về sự sai lầm trên lộ trình tu học của sáu lục sư Ngoại đạo Bà-la-môn giáo: về các luận điểm tà kiến, đoạn diệt luận, thường luận, kiến luận, phi nhân phi quả. Tư tưởng ấy sai lầm và đi đến các tư tưởng không tin nhân quả, không tin việc thiện đem đến kết quả lành. Và họ dạy các đệ tử đi đến cón đường lầm lạc như mình. Qua đây, người viết xin trình bày các lời dạy của đức Phật dạy về những sự chân thật trên lộ trình tu học chân chính, và đầy đủ hạnh đức của vị Sa môn chân chính. Lộ trình ấy, chính là tu tập tứ thánh đế, và bát chính đạo, đi đến sự giải thoát giác ngộ chân thực.

Kinh Sa Môn Quả [1]thuộc tạng Trường A-hàm, do ngài Thích Tuệ Sỹ trước tác qua sự truyền thừa của hai Ngài Phật-đà Da-xá và Trúc Phật Niệm dịch vào Hoằng Thỉ thứ 15 đời Vua Dao Tần (413). Bài kinh được xếp số thứ tự 27, là một sự sắp xếp có chủ đích của chư vị Thánh đệ tử trong kì kết tập Kinh Điển. Kinh này tương ưng Kinh Sa Môn Qủa số 2 trong Trường Bộ Kinh.

Người viết xin trình bày qua tác Phẩm này về lộ trình sai lầm của Vua A-xà-thế và cuộc trò chuyện của Vua với 6 vị lục sư Ngoại đạo về những quan điểm sai lầm. Và sự sám hối lỗi lầm của Vua A xà thế với vua cha, cùng người mẹ thân sinh ra mình. Và lòng tin vào Tam Bảo sau cuộc gặp gỡ đức Phật. Lộ trình Vua học đạo với các vị này đã cho vua nhận ra các quan kiến sai lầm và đến khi gặp bậc giác Ngộ Vua đã tăng trưởng tín tâm. Sau đó, Vua A-xà-thế phát tâm hộ trì Tam Bảo suốt đời. Vì giáo Pháp đức Phật: “Tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, tăng thượng tuệ học.”[2]Sa Môn Hạnh chính là hạnh đức tuyệt vời chỉ cho con đường và đức hạnh của vị Tỳ kheo trên lộ trình đi đến chuyển hóa đạo đức, tâm linh, tín tâm vào đức Phật mà chư vị sáng suốt, sâu sắc hơn qua chính sự tu học của mình.

Qua Bài Kinh Sa môn Quả, có thể chúng ta hiểu sâu hơn về sự thật về đường lối tu học của các vị Sa môn, Bà-la-môn ngoại đạo vì nhân gì, duyên gì mà họ rơi vào các cực đoan và không thể nào tự mình đi đến sự chứng ngộ, cùng học hỏi các vị thầy sáng, bạn lành để mở tâm, rõ trí hơn. Dựa vào một trong những chủ thuyết của Lục sư ngoại đạo được học trong kinh Sa Môn Quả. Qua đó trình bày quan điểm giáo pháp của đức Phật đã thể hiện tính thiết thực, nhân bản, khẳng định chính pháp đưa đến dứt khổ, được vui trong hiện tại và tương lai bằng niềm tin chân chính và tự thân con người.

Vì họ có chủ thuyết sai lầm: “Thuyết phi nghiệp, đoạn diệt luận, thuyết luân hồi tịnh hóa, ngụy biện luận, hoài nghi, Phòng hộ”. Những chủ thuyết này không đem đến đạo lộ an tĩnh và giải thoát, tự tại mà đem đến cho họ cái khổ đau, không những đời này mà nhiều đời sau. Vì vậy, đức Phật đã chỉ ra những quan điểm sai lầm đó và khuyên vua và chúng tăng thực hành con đường an bình tâm, không rơi vào hai cực đoan về hưởng thụ và khổ hạnh ép xác quá mức để cơ thể trở nên quân bình và an hòa.

Chính sự hướng dẫn này của đức Phật giúp chúng ta hiểu hơn về cách tu tập của các vị Sa Môn chân chính xa rời những tư tưởng sai lầm, đem đến tâm Vô thượng an ổn, thoát ra khỏi khổ ách. Hướng tâm đến 4 hạnh Sa môn: Sa môn bất động, sen trắng, sen hồng, tinh luyện. Chính những đức hạnh này đem đến lợi ích chân thực của con đường xuất gia, đem đến những ích lợi ngay hiện tại cuộc đời này, mà không trở thành vô dụng, không trở nên hèn yếu khi gặp khó khăn.

Duyên Khởi

Vào đêm trăng Rằm, trăng sáng đẹp, vua A-xà-thế trước đây có những lỗi lầm khi theo vị Tỳ kheo Đề-bà-đạt-đa đã giết chết vua cha, người thân sinh ra mình, để thõa mãn dục vọng ngôi vua. Sau đó, vua hối hận vì việc làm của mình và lòng bất an. Sau đó, vua đi hỏi thăm phu nhân, thái tử, đến các quan cận thần: Dũng kiện, Vũ xá, Bất-lan-ca-diệp, Tu Ni Đà, và 6 lục sư ngoại đạo qua sự giới thiệu của các quan này, tất cả đưa ra quan điểm khác, vua không đồng ý. Nhưng đến khi gặp ông Thọ Mạng đồng tử, ông này khuyên vua hãy đến gặp đức Phật thì vua đồng ý, rồi cho quần thần thắng kiện voi, rồi cùng đi đến vườn xoài. Nhưng bậc vua chúa như ông phải rùng mình khi đến Tịnh xá, sự yên tĩnh, làm cho vua khiếp đảm, run sợ trước hư không tịnh yên này. Vua sinh tâm phẫn với vị y sĩ này: “Ngươi nay gạt ta, hãm hại ta, dẫn ta và đại chúng đến cho kẻ thù.”[3] Nhưng vị y sĩ này này không hề nói dối, lại khuyên vua bình tâm đi vào Tịnh xá, với sự trấn an, tiếp tục mà đừng sợ hãi, vì chúng tăng cung đức Phật đang thiền định, nên rất yên tịnh, không hề có tiếng nói chuyện, đàm luận, hay đức Phật thuyết Pháp. Vua gặp được đức Phật và trình bày câu chuyện gặp gỡ các luận sư ngoại đạo.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Ung dung doi song thieu duc tri tuc 2

PHÂN TÍCH NỘI DUNG KINH

1. Khái niệm về Sa môn hạnh

Sa môn là một danh xưng chung chỉ cho hàng xuất gia thánh đệ tử thời đức Phật. Đồng thời, cũng nói đến các vị Sa môn đang trên lộ trình chuyển hóa thân và tâm đi đến sự giải thoát thân và tâm.

Trong Kinh Mi Tiên vấn Đáp đã giải thích thế nào là Sa môn như vậy: “Thứ nhất là không còn sầu khổ khi một ngũ uẩn sinh, hay gọi là “khổ sinh”.

Thứ hai, không còn sầu khổ khi ngũ uẩn héo mòn , tiều tụy, hay gọi là “khổ già”.

Thứ ba, không còn sầu khổ khi ngũ uẩn đau đớn, nhức nhối, khó chịu, hay gọi là “khổ bệnh”. Thứ tư, không còn sầu khổ khi ngũ uẩn tàn hoại, diệt mất, hay gọi là “khổ chết”.”[4] Ngài Na Tiên muốn nói đến sự xuất gia chính trên sự thấy rõ sự thật của cuộc đời mà xuất gia, tránh các phiền não của gia đình, vợ con, tài sản, danh lợi mang lại. Tất cả các yếu tố này chỉ mang đến khổ đau, phiền muộn mà không có hạnh phúc chân thực, chỉ có sự xuất gia mới đem đến sự hoàn hảo và an lạc thân, tâm.

Sa môn hạnh tức những đức hạnh của người thực hành qua 37 phẩm trợ đạo, thấy rõ sự thật của khổ qua Tứ thánh đế: “Ðây là Khổ”, biết như thật: “Ðây là Nguyên nhân của khổ”, biết như thật: “Ðây là sự Khổ diệt”, biết như thật: “Ðây là Con đường đưa đến khổ diệt”, biết như thật: “Ðây là những lậu hoặc”.[5] Và con đường thực hành về Bát Chính Đạo: “Chính Kiến, Chính tư duy, …, Chính định.” Sa môn hạnh tức đức hạnh của vị đầy đủ đạo và quả, tức là bốn đôi tám vị, từ chứng đắc Tu đà hoàn đến A la hán đạo và Tu đà hoàn quả đến A la hán quả. Cứu cánh Sa môn hạnh đi đến con đường chân chính diệt tận các phiền não ngũ ngầm trong tâm, không bị ái dục, sân hận, phẫn nộ, chi phối, mới xứng danh là vị Sa môn hạnh.

Những yếu tố mà Tỳ kheo phải thực hành những pháp môn tu học chính đem đến an lạc: chính yếu là thiền định và thiền quán (Thiền Minh sát), trên nền tảng chính yếu của Giới – Định – Tuệ. Cùng với sự Tiết độ trong ăn uống, chính niệm tỉnh giác, tri túc thiểu dục, sự phòng hộ, sống hòa hợp như nước với sữa, như lý giác sát, đoạn trừ các lậu hoặc, kham nhẫn, tu tập 7 giác chi … đây chính Thánh hạnh chân thực của vị sa môn. Con đường tu tập của vị sa môn là lộ trình dài, qua năm tháng huấn luyện, trui rèn cả thân và tâm để xứng đáng là bậc sa môn.

Sau cuộc trò chuyện với Vua, thì trong kinh Sa môn quả đưa ra 2 ví dụ: Một là vị nô bộc và những thần dân dưới sự cai trị của vua đều đi xuất gia học đạo, thì vua sẽ xem họ là thần dân, là nô bộc nữa hay không. Mục đích đức Phật muốn khẳng định với Vua A-xà-thế lợi ích của sự tu học qua hạnh đức tuyệt vời của vị Sa môn rời bỏ thế gian, rời bỏ tục lụy để sống cuộc đời Phạm hạnh, chính đó là kết quả thiết thực hiện tại của Sa-môn hạnh.

2. Chủ trương sai lầm của 6 Lục Sư Ngoại đạo

2.1 Pùrana Kassapa Bất-lan Ca-diệp: ông này chủ trương phi nghiệp, vô tác. Và đã trả lời rằng: “Đại vương nếu tự mình làm. Hay sai bảo người khác làm. Chặt, bửa, tàn hại, nấu, nướng, cắt, xẻ, não loạn chúng sinh, khiến cho sầu ưu, than khóc… cùng sự không tin vào giới đức như: “Sát sinh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, trèo tường cướp bóc, phóng lửa thiêu đốt, chận đường làm các chuyện ác.” Cùng sự không tin vào việc làm ác, quả báo ác, không có tội báo dù làm ác ý. Cho đến, “Ở bờ Nam sông Hằng, lóc thịt chúng sinh, cũng không có ác báo. Ở phía Bắc sông Hằng, thiết hội bố thí lớn, bố thí tất cả chúng sinh, lợi cho tất cả mọi người, cũng không có quả báo của tội phước”.[6] Đồng nghĩa vị Bà-la-môn này không tin nhân quả, họa phước, thiện hay ác, mà cho rằng tất cả là ngẫu nhiên. Ông này với chủ trương phi nghiệp, vô tác, tức dù làm gì cũng không mang lại kết quả Nghiệp và nhân quả thiện lành, tội hay phước qua những hành động của thân, khẩu, ý gì cả, sau đó ông này hướng dẫn các đệ tử mình tu tập với chủ trương khác biệt lời Phật dạy.

Đức Phật quan niệm sâu sắc trên hành động của Tam nghiệp đem đến kết quả hiện tại, hướng đến tương lai vị ấy nơi hành động, lời nói, cử chỉ, suy nghĩ thiện sinh cõi thiên và ngược lại, việc làm ác ở thân, ở suy nghĩ, hay lời nói đem đến khổ đau ở hiện tại, và tương lai chắc chắn đau khổ, khi chết thác sinh cõi đọa xứ, địa ngục.

Kinh Ví dụ tấm vải số 7, đức Phật lấy ví dụ tấm vải trắng sạch, trắng tinh được nhiều người ưa mến như người thiện lành vì tấm vải ấy không bị nhuộm màu, như tâm vị ấy không bị các cấu uế, tham dục, sân hận, ngã mạn, …, nên tấm vải ấy tốt đẹp, như tâm vị ấy thanh tịnh, nhu nhuyến, thuần tịnh, cõi lành đang chờ người ấy: “Này các Tỷ-kheo, vì tấm vải được trong sạch. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cõi thiện chờ đợi một tâm không cấu uế.” [7] Còn tấm vải không tốt không thể nhuộm màu như ý về vàng, đỏ, xanh, và dính thuốc nhuộm ví như người tu tập mà có tâm cấu uế: xan tham, tham dục, sân, …, làm uế nhiễm tâm, tâm đầy phiền não nên ô nhiễm, khó sử dụng, thì người khác không thích, xa lìa, rời bỏ, cõi khổ chờ đợi người ấy: “Này các Tỷ-kheo, vì tấm vải không được trong sạch. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cõi ác chờ đợi một tâm cấu uế.”[8] Như vua A-xà-thế: vẫn luôn tàm quý, sợ hãi về việc làm hại vua cha, hối hận… tất cả các hạnh đức của mình trên sự thực hành sáng tỏ ngay trong cuộc sống. Người tinh tấn tu tập, nhìn rõ 16 cấu uế mà đức Phật trình bày qua kinh văn, thấy rõ sự nguy hại của nó và quyết trạch tâm, nỗ lực thiền quán, quán xét nó với tâm như thực tuệ tri các pháp đi đến đạo lộ an tĩnh thân và tâm.

Cũng vậy, Kinh Giáo giới Rahula đức Phật dạy tôn giả Rahula: “Hãy phản tỉnh về thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp như: thân người này của ta có thể đưa đến tự hại, nhiều lần, con hãy hoan hỷ, siêng năng khi làm việc, tu tập thiện pháp liên tục không nên nói chơi đùa dù đó chỉ là không có ác ý, thì nghiệp ấy vẫn đem đến sự bất an: “”Thân nghiệp, Khẩu nghiệp, Ý nghiệp này ta đang làm. Thân nghiệp này của ta không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc”.”[9] Đức Phật khuyên tôn giả hãy làm thiện với thiện tâm liên tục, không nên dừng nghỉ, để tránh nhân quả việc làm ác của thân, khẩu, ý hại người, tự hại mình và đau khổ cho ta, cho người thì những việc đó không nên làm, vì sẽ đem đến quả báo đau khổ, bất thiện. Hãy làm, học tập, nỗ lực với các thiện pháp, vì nó sẽ nuôi dưỡng thân, tâm ta đến sự an lạc, an tĩnh và thuần thiện. Mỗi ý pháp có liên quan đến cuộc sống và nghiệp lực xấu ác qua thân, khẩu ý của mình hằng ngày. Chủ trương của vị Bà la môn Bất-lan sai lầm, hướng dẫn người khác không tin về nhân quả, cùng nghiệp, chính ông làm cho mình đau khổ và người theo ông tu tập cũng chịu những đau khổ do tâm hạ liệt, đen xấu.

Ví như chiếc thau dơ bị người ta rửa chân, nước ấy chỉ có thể bỏ đi không thể nào sử dụng lại được. Kinh Pháp cú phẩm Hoa đức Phật ví Ông như kẻ hái hoa, với tâm tham nhiễm, ô uế, bị thần chết chờ đợi đưa vào cảnh giới xấu ác vì tâm dục, oán hận, không tin việc thiện mình làm đem đến sự an lạc về thân và tâm, không tin việc ác đem đến kết quả khổ đau nhiều đời:

“Người nhặt các loại hoa,

Ý đắm say tham nhiễm,

Bị thần chết mang đi

Như lụt trôi làng ngủ.”[10]

Kinh Mi tiên vấn đáp, Tỳ kheo Na tiên nói về nghiệp của chúng sinh tùy vào hành động của ta đem đến kết quả ác, xấu qua thân, khẩu, ý: “Tất cả chúng sinh đời trước làm những việc thiện, ác, tốt, xấu. Những việc làm thiện, ác, tốt, xấu ấy huân tập thành nghiệp nhân; tạo nên sức mạnh đưa chúng sinh đầu thai vào hiện tại này để thọ nhận nghiệp quả của thiện, ác, tốt, xấu. Như vậy là do nghiệp sinh chứ không phải Thượng đế sinh hay tự nhiên sinh!”[11]. Do đó, chúng ta tạo nghiệp gì qua thân, khẩu, ý thì những nghiệp ấy như bóng theo hình, không thể nào chúng ta thoát khỏi nó, họa phúc do ta làm. Nó là hành trang theo ta, việc làm thiện hay ác đã làm thì nó sẽ theo ta suốt ba cõi, sáu đường không thể nào tách rời được những nghiệp đó.

2.2. Mạt-già-lê Câu-xá-lê: vị này chủ trương thuyết Tự nhiên. Thế giới và chúng sinh đều sinh ra theo luật tự nhiên, không có đời sau, không có linh hồn các thứ. Các khổ, vui và vận mạng con người đều do những quy luật vận hành tự nhiên. Con người không thể cưỡng lại được, tốt hơn hết là thuận theo như vậy. Chủ trương của vị Bà la môn này khác biệt với quan điểm lời dạy của đức Phật.

Vì đức Phật dạy, nhũng điều này không đến an lạc, giải thoát ngài không khuyên các đệ tử tu tập, mà khuyên các đệ tử thực hành giới, nỗ lực thiền định, tuệ quán về thân và tâm để hiểu rõ các cấu uế, nghiệp của chính mình hơn việc quán sát thế giới quan, hay linh hồn có tồn tại sau khi chết, hay không tồn tại. Đức Phật chỉ dạy chúng ta quán xét về hành động của mình qua thân, khẩu, ý tránh xa các tâm lười biếng, giải đãi, không tinh tấn.

Quan điểm của vị Bà la môn với chủ trương không có đời này, đời sau, các pháp theo thuyết tự nhiên, hay: “Đại vương, không có bố thí, không có sự cho, không có pháp tế tự. Cũng không có thiện ác; không có quả báo của thiện ác. Không có đời này, không có đời sau. Không có cha, không có mẹ, không có Chư Thiên, không có sự hóa sinh, không có chúng sinh, cùng với không có Vị Sa môn, Bà la môn tu tập đem đến chứng đắc, và ông cho rằng tất cả là hư dối, ngoa ngụy.”[12]Tiểu Kinh Sakuludayi đức Phật khẳng định không chỉ ở có nhân duyên về thế giới mà phải sống và tu học theo sự hướng dẫn của Ngài: “Này Udayi, không phải chỉ vì nhân duyên chứng đắc thế giới nhứt hướng lạc mà các Tỷ-kheo sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Ta.”[13] Vị Sa môn cần sống tri túc, tinh tấn, thực hành Pháp, tuân thủ giới, Tín, bố thí, đa văn, Tuệ, và tin sâu vào nghiệp lực chính mình tu tập. Chính vì vậy, Sa môn chính là đạo quả hay tên gọi xứng đáng để cúng dường, đáng cung kính vì hạnh đức đầy uy tín, hạnh viên mãn. Và vị Sa môn ấy thực hành sự xa gia đình, xa triweefn phược, “Vị ấy xuất gia như vậy, hành trì các học giới và hạnh sống các Tỷ-kheo, từ bỏ sát sinh, tránh xa sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, tránh xa lấy của không cho, chỉ mong những vật đã cho, tự sống thanh tịnh, không có trộm cướp, từ bỏ đời sống không Phạm hạnh, sống theo Phạm hạnh, sống đời sống viễn ly, tránh xa dâm dục hạ liệt, ừ bỏ nói láo, nói những lời chân thật, chắc chắn, đáng tin cậy, không nói hai lưỡi, không nói lời ly gián, không nói lời độc ác, đúng pháp.”[14] Đây là đạo lộ của vị sa môn chân chánh và đang hành trì, đem đến an lạc cho người và lợi ích cho đời, cùng vô số điều kiện nhân duyên, không do đấng nào ban tặng mà các Sa môn thực hành theo lời Phật dạy.

Cũng vậy, qua kinh Trung A Hàm, đức Phật dạy: “Tất cả chúng sinh đều mang theo nghiệp của chính mình như một di sản, như vật di truyền, như người chí thân, như chỗ nương tựa. Chính vì nghiệp riêng của mỗi người mỗi khác nên mới có cảnh dị đồng giữa các chúng sinh”. [15] Tức đức Phật dạy mỗi vị Sa môn đều có nghiệp riêng, như di sản, như di truyền, biệt nghiệp riêng, hay có thể mỗi vị có nghiệp cộng chung với nhau nên phát tâm xuất gia sống chung một đạo tràng và tu học, chia sẻ tất cả sở học với nhau.

2.3. A-kì-đa Sí-xá-khâm-bà-la: vị này với chủ trương đoạn diệt luận và khoái lạc: Phái này chủ trương việc bố thí cúng dường, nghiệp báo, đời này, đời sau, loài hóa sinh, kẻ xấu người tốt…, tất cả những cái đó đều không có, khi con người chết đi rồi sẽ không còn gì nữa, chết là hết, tức người chết chung cuộc vĩnh viễn cho một con người, sau đó lại nói thêm về bốn yếu tố: Tứ đại tạo nên con người. Đây là quan niệm vô cùng khác biệt, sai lầm và không thể nào đem đến sự an tâm, hoàn hảo cho người nghe của vị Bà la môn.

Quan điểm đức Phật thì khuyến khích chư đệ tử thấy rõ giáo lý nghiệp, quả báo, quá khứ, vị lai, và cần nhất là sự tinh tấn tu hành thiện pháp, quán xét nhân duyên, thấy rõ nhân quả chi phối con người, chúng sinh. Tức các việc làm của thân, khẩu, ý chi phối quả báo, hạnh nghiệp của chúng ta. Thế nên, Kinh Phân biệt cúng dường, trong Trung Bộ Kinh đức Phật dạy: “Này Ananda, có bốn sự thanh tịnh của các loại cúng dường. Thế nào là bốn? Này Ananda, có loại cúng dường được thanh tịnh bởi người cho, nhưng không bởi người nhận; cúng dường được thanh tịnh bởi người nhận, nhưng không bởi người cho; cúng dường không được thanh tịnh bởi người cho và cũng bởi người nhận; cúng dường được thanh tịnh bởi người cho và cũng bởi người nhận.”[16] Và quả báo tùy theo sự cúng dường có tâm thanh tịnh hay không, vị phát tâm cúng dường thanh tịnh như pháp thì đem đến sự an lạc và lợi ích, còn không thanh tịnh bởi người cho hay người nhận bởi họ theo ác giới, theo ác pháp thì trở thành phi pháp, không có lợi ích cho người cho và người nhận.

2.4. Bà-phù-đà Già-chiên-na:

Vị Bà la môn này chủ trương: tư tưởng Thường-kiến-ngoại-đạo. Phái này đưa ra luận điểm về bảy thực thể: đất, nước, gió, lửa, sự an lạc, đau khổ và sinh mạng đều không do hành động tạo nên, chúng là những chủ thể bất hoại vĩnh hằng, bất động, vô ảnh hưởng, bất tác động, không có nghiệp báo gì cả. Quan điểm này khác biệt lời dạy của đức Phật, vì vị Bà la môn này tu tập theo tà kiến, đưa ra những luận thuyết sai lầm, tự hại mình và không đem đến an lạc cho những người tu tập theo ông. Vị Gia phù đà tin rằng: “Không có lực, không có tinh tấn, con người không sức mạnh, không có tinh cần.  Không nhân, không duyên cho sự nhiễm trước của chúng sinh. Không nhân, không duyên cho sự thanh tịnh của chúng sinh. Hết thảy chúng sinh, những loài có mạng, thảy đều không sức mạnh, không được tự tại, không có cái gì được gọi là oán là thù, ở trong sáu sinh loại mà thọ các khổ hay lạc.”[17] Chính tư tưởng này, vị Bà la môn đã đi đến tư tưởng thường kiến, kiến chấp sai lầm, xa rời giáo pháp an lạc về thân và tâm. Ông Bà phù đà không tin vào khả năng tinh tấn tu học, sức mạnh của nhân duyên, sức mạnh của an trú tâm đem đến an lạc và đoạn trừ ác pháp qua sự tu học Giới, Định, Tuệ. Sau cùng, sự tu học tinh tấn, quán chiếu sự thật về vô thường, ngã sở, khổ đau do nhân gì, duyên gì, quả báo của các hành động trên thân, khẩu, ý có thể thấy rõ sự khổ của 6 loài đều có khổ và lạc. Vị Sa môn với tâm chuyên thực hành lời Phật dạy sẽ thành tựu các Pháp như: đầy đủ giới đức, hộ trì các căn như chế ngự sắc, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; biết tiết độ an uống, chú tâm cảnh giác, từ bỏ các tầm cầu về dục, hữu tầm cầu, thiền định để tâm khinh an, quán sát thân và tâm để rõ về tứ đại: Đất, nước, lửa, gió trên sự duyên sinh, hỗ trợ sự hình thành vũ trụ quan và con người, cùng muôn loài; đạt đến chánh tri kiến tức biết rõ các pháp sinh, diệt vô thường, liên tục mà không bị ảnh hưởng vì Bát phong ở đời.

Trong Kinh Tăng Chi chương 4 Pháp, đức Phật dạy thêm về: “sự thực hành và quán chiếu về bốn tưởng không điên đảo: Vô thường là vô thường, vô ngã là vô ngã, khổ là khổ, không thanh tịnh là không thanh tịnh.”[18] Theo đó, qua Kinh Kanna Katthala đức Phật liên hệ đến nhân duyên thù thắng trong tu học đạt đến quả lớn, lợi ích lớn qua thiện pháp, tu học tinh tấn, đạt đến trí tuệ chơn chánh, đoạn hết khổ đau. Sau đó, đức Phật liên hệ đến sự thành tựu 5 chi phần tinh cần, tinh tấn, điều phục, ít bệnh tật và sự giải thoát là đạo lộ của người tu học chân chính.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Thieu duc tri tuc 2

Trì bình khất thực. Ảnh: St

2.5 Tán-nhã-di Tì-la-lê-phất:

Ông theo xu hướng hoài nghi, ngụy biện luận, trả lời vấn đề uốn lượn như lươn trườn. Nghĩa là khi có ai đặt vấn đề để hỏi thì giáo phái này trả lời quanh co tránh né, hoặc trườn uốn như lươn: “Không phải như vậy, cũng chẳng phải thế kia; đúng cũng không phải, sai cũng không phải, vừa đúng vừa sai càng không phải…” Tức vị Bà la môn này chủ trương trên sự tư duy, quán sát các pháp là hoài nghi để xử lý mọi vấn đề. Quan điểm của ông vô cùng khác biệt lời Phật dạy, vì Ngài chủ trương hoài nghi là một trong 5 triền cái: “Tham dục, sân hận, trạo cử, hôn trầm, nghi ngờ. Năm món này được xem những pháp mê mờ, ngăn che sự tu học các thiện pháp và không thể chứng đắc thiền định, thiền quán.

Trong Kinh Tăng Chi chương 6 Pháp, đức Phật khuyên nên tu tập: “Thực hành thí, tín, tàm, quý, tấn, tuệ, xả, từ bỏ 5 triền cái đi đến đoạn diệt các hí luận như con lươn, nói thật, đạt đến chơn chánh tâm giải thoát, tuệ giải thoát, đạt đến an ổn.”[19] Vị sa môn chân chánh thực hành pháp thí, tránh nghèo khổ, bỏ qua được nghèo khổ trong pháp và luật. Còn chủ trương hoài ngi chỉ đem đến khổ cho mình, cho người, không những sầu khổ đời này, mà nhiều đời sau.

2.6. Ni Kiền Thân Tử (Nigaṇṭha-Nāta-putta)

Ông này không đưa ra chủ trương thuyết Dị Luận, và câu trả lời của ông khẳng định quan điểm của mình. Kia trả lời tôi rằng: “Đại vương, tôi là bậc Nhất thiết trí, là người thấy tất cả, biết thấu suốt không sót. Hoặc đi, hoặc đứng, hoặc nằm, hoặc ngồi, hoặc ngủ, hoặc thức, bất cứ lúc nào, trí thường hiện tiền.” Quan điểm của vị Bà la môn này khác biệt với đức Phật, ông tự xưng mình đồng đẳng về trí tuệ, tâm từ bi, đức từ ái, và luôn an lạc. Nhưng ông lại trả lời câu hỏi của vua sai lệch về ý nghĩa, không thuận theo ý người cầu pháp, đó là sai lầm, trên quan kiến, suy nghĩ và tư duy, biện bác trong tưởng tượng, mà không đúng pháp. Vị Bà la môn Ni Kiền Thân dựa vào Phật giáo, nhưng lại chấp nhận có một cái ngã trong con đường cứu cánh Niết-bàn, và còn thêm trong Phái Ni-kiền-tử chuyên sâu về đường lối tu tập sai lầm như khổ hạnh để lìa dục, ép xác đến thân xác tiều tụy. Mà đức Phật sau khi giác ngộ, thấy rõ hai pháp này không đưa đến an tịnh, không đem đến giải thoát thực sự, Ngài khuyên chư đệ tử từ bỏ hai cực đoan sai lầm này để tu tập theo con đường trung đạo, đi đến sự thanh tịnh, giải thoát chân chính.

Trong Tiểu Kinh Xóm Ngựa[20] nói: Này các Tỳ kheo, các Ông đã được danh xưng như vậy, đã tự nhận là như vậy, thì này các Tỷ-kheo, các Ông phải tự tu tập như sau: “Những pháp môn xứng đáng bậc Sa-môn, chúng ta sẽ tu tập pháp môn ấy. Như vậy danh xưng này của chúng ta mới chân chính và sự tự nhận này của chúng ta mới như thật. Và những thứ cúng dường mà chúng ta thọ hưởng như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh mới có được kết quả lớn, lợi ích lớn cho chúng ta. Và chúng ta xuất gia không thành vô dụng, có kết quả, có thành tích”.

Ngoài ra đức Phật còn khẳng định, con đường tu học mà các vị Sa môn tự mình còn cấu uế, ham muốn thì chỉ có khổ, không đem đến an lạc,hạnh phúc cho mình và cho người. Nên không thể đoạn dứt các pháp sai lầm: “Này các Tỳ kheo, thế nào là Tỳ kheo không thực hành các pháp môn xứng đáng bậc Sa-môn? Này các Tỳ kheo, đối với Tỳ kheo có tâm tham dục, có tâm sân hận và lòng sân hận, có tâm phẫn nộ và lòng phẫn nộ; có tâm thù hận và lòng thù hận; có tâm giả dối và lòng giả dối; có tâm não hại và lòng não hại; có tâm tật đố và lòng tật đố; có tâm xan lẩn và lòng xan lẩn; có tâm man trá và lòng man trá; có tâm xảo trá và lòng xảo trá;có tâm ái dục, có tà kiến và tà kiến không được đoạn diệt.”

Đoạn tiếp theo, đức Phật nhắc răng quan điểm sai lầm của các vị Tỳ kheo, nói chuyện như Bà la môn Ni-kiền Thân về sự thực hành các loại khổ hạnh không đem đến đoạn trừ các ô nhiễm trong tâm, nên vị ấy phải rơi vào 12 ác pháp trong tâm: “Này các Tỳ kheo, Ta nói rằng, nếu vị ấy không thực hành các pháp môn xứng đáng bậc Sa-môn, thì không thể đoạn diệt được những cấu uế cho Sa-môn, những tỳ vết cho Sa-môn, những lỗi lầm cho Sa-môn, sự đọa sinh vào đọa xứ, sự thọ lãnh các ác thú.” Tức vị ấy tự mình hướng tâm đến tự ngã, nội tâm ô nhiễm nên đọa lạc, sầu khổ cho mình và làm cho người cũng sầu khổ, bức bách, ô nhiễm. Vì ông này dính mắc trong quan điểm, lập luận tà kiến, thiếu kiến giải và thông tuệ, không siêng năng trong sự học, nghiên cứu, tu tập các thiện pháp; cùng với thiếu sự tinh tấn, chánh niệm tỉnh thức vị ấy không thể có tri kiến như thật trong các pháp và bị biến đổi hình thù như con nai con, nhưng không thể có đặc điểm như con nai mẹ. Qua Kinh Tăng Chi chương 6 Pháp, Phẩm Lớn, đức Phật dạy về con đường tu tập của chư Thánh tăng có xu hướng tăng tịnh về “viễn ly, xuất ly, vô sân, vô thủ, vô ái, vô si, tâm vị ấy tịnh chỉ, không bị các sắc, thinh, hương, vị, xúc làm thay đổi.”[21]

3. Bốn hạnh đức của vị Sa-môn

Nhân duyên sau khi Vua gặp đức Phật, sự hoan hỷ sinh khởi tròn đầy, tâm tịnh tín bắt đầu sinh. Vua A Xà Thế bạch với đức Phật trước đây đã từng đặt câuhỏi này với Lục Sư, nhưng không được hài lòng, bất mãn, đầy nóng nãy với các câu trả lời ấy. Rồi lần lượt thuật lại những lần hội kiến ấy, với chi tiết đầy đủ về lập trường chủ trương của Lục sư ngoại đạo. Sau đó, Vua A Xà Thế bèn hỏi đức Phật: Mỗi người theo chức nghiệp mưu sinh khác nhau, thảy đều có quả báo trong hiện tại. Vậy Sa-môn tu đạo, hiện tại có được quả báo gì? Đức Phật với trí tuệ biện bác, lấy ví dụ và hỏi lại vua nhân gì, duyên gì về 2 sự việc:

Thế nào, Đại Vương, có đồng bộc của Ngài, sai sử, làm các công việc trong và ngoài, đều thấy Ngài vào đêm trăng rằm, trăng tròn, tắm gội sạch sẽ và thụ hưởng ngũ dục cùng các thể nữ. Thì ngay đây đức Phật khẳng định với Vua nó không phải là Sa môn hạnh. Sau đó, Ngài đưa sự việc: Người của vua là nô bộc, và thần dân đi cạo tóc xuất gia, bận y pháp, mang y bát, tu hành chân chánh. Vậy thì Đại vương nghĩ thế nào? nên xem họ là nô bộc hay không? Vua khẳng khái, kính lễ tôn trọng họ, nghinh tiếp họ, vì họ đã là Sa môn chân chánh, rời bỏ thế tục, chọn con đường phạm hạnh. Đức Phật vì lòng bi mẫn đã dạy cho Vua đó, những vị ấy chính là đức hạnh và quả báo của Sa môn hạnh. Nhưng Hòa Thượng Tuệ Sỹ cho đó là kết quả của quả báo dung tục, còn có kết quả vi diệu hơn nữa. Nên trong Kinh Sa môn Qủa thuộc Trường Bộ Kinh đức Phật dạy: “Vị ấy biết như thật: “Ðây là khổ”, biết như thật “đây là nguyên nhân của khổ”, biết như thật “đây là khổ diệt”, biết như thật “đây là con đường đưa đến khổ diệt”, biết như thật “đây là những lậu hoặc”, biết như thật “đây là nguyên nhân của lậu hoặc”, biết như thật “đây là sự diệt trừ các lậu hoặc”, biết như thật “đây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc”.[22]Cũng vậy, Kinh Tăng Chi chương 4 Pháp đức Phật dạy hạnh đức của vị Sa môn chân chánh: “Tỷ-kheo ưa thích tu tập, vui thích tu tập, ưa thích đoạn tận, vui thích đoạn tận; nhưng không vì vậy mà khen mình chê người. Ai ở đây khôn khéo, không có thụ động, tỉnh giác, chính niệm, đấy gọi là Tỷ-kheo đứng trên truyền thống bậc Thánh, kỳ cựu, được nhận biết là tối sơ.”[23]Và trong Luật Thiện Kiến quyển 4, có nói đến đạo hạnh của vị Sa-môn luôn tôn trọng giới, hạnh cụ túc và: “Nếu người nào hảo tâm xuất gia thì tạng luật là cha mẹ, … đầy đủ giáo học oai nghi, nếu nương theo tạng luật tự thân trì giới thì đoạn dứt nghi cho người khác, khi vào trong Tăng không có gì sợ hãi, ai có phạm tội thì dựa vào luật xử đoán làm cho Phật Pháp được trụ lâu.”[24]

Để hình thành đức hạnh cho vị Sa-môn thì lộ trình tu học của một vị Tỳ kheo phải trải qua một thời gian, huấn luyện cả thân và tâm. Con đường ấy vị Tỳ kheo phải trải qua 7 nguyên tắc căn bản để trở thành vị Sa-môn như sau: “Biết tàm quý, thân hành, khẩu hành, ý hành thanh tịnh, mạng sống thanh tịnh, hộ trì các căn, chú tâm cảnh giác.” Do đó, mỗi một hạnh đều mang ý nghĩa quan trọng trong sự tu học và huấn luyện thân, tâm của vị hành giả để có những thiện pháp, ví như hạnh Tàm quý sẽ là đức hạnh của sự hổ thẹn, nếu không có tàm quý thì sẽ mất hết công đức. Vì thế, đức Phật khẳng định: “Có hổ thẹn là có thiện pháp, không hổ thẹn thì không khác chi cầm thú.” Sự thành tựu phạm hạnh Sa-môn thì vị ấy phải đoạn trừ các ác pháp, cùng sự quán chiếu chân thực về các pháp nội hay ngoại với tâm tinh tấn, chánh niệm và sự tỉnh giác qua: “Sáu nội xứ, sáu ngoại xứ: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; các tâm hỷ tham: tức tham dục, không hoan hỷ với tâm tham, tâm si, tâm sân; tâm ngã mạn; không liên hệ các cư sĩ, chung vui hay buồn; ước nguyện với chư thiên: như khổ hạnh, các cấm giới, phạm hạnh này để trở thành vị tiên nhân hay loài chư thiên; và sau cùng năm dục công đức.” Vì thế, nếu vị ấy không có đủ tinh tấn, nỗ lực tu hành và quán chiếu thì sẽ dính mắc, chấp thủ, ví như người bị mắc vào dòng nước xoáy, hay bị phi nhân nhặt lấy, bị mê đắm, bị tham dục, sân nhuế, si mê các pháp hữu vi làm chìm đắm. Ngoài các Pháp đã nói trên, các vị Sa môn chân chánh còn phải hiểu rõ về các tâm: “Tâm tham dục, sân hận, phẫn nộ, thù hận, giả dối, não hại, tật đố, xan lẫn, man trá, xảo trá, ái dục, tà kiến”, nếu không tinh tấn, nỗ lực, tu tập, thì không thể gọi là Sa môn.

Nếu vị Sa-môn không dính mắc các pháp, không có chấp thủ, chấp ngã, có ta, sở hữu này là ta, không bị các pháp bên ngoài chi phối tâm thì dễ dàng bước chân đến đạo quả và thể nhập Niết-bàn, như nước các dòng suối, kênh, rạch, sông ngòi, ao hồ đều xuôi về biển, thể nhập về biển. Tức sự rõ biết con đường, các pháp đưa đến ly tham, ly sân, ly si để nắm giữ các pháp đem đến tâm bất nhiễm, bất động và chứng đắc Niết-bàn khi còn ở thế gian, chứ không phải đợi đến khi bỏ xác thân mới thể nhập và vào Niết-bàn.

3.1 Hạnh Sa-môn bất động

Hạnh Sa-môn này, có tâm hướng thượng, thực hiện và tu học trên đạo lộ đưa đến trước nhất là hạnh phúc cho mình, sau đó hướng dẫn cho số đông đều an lạc tức vị ấy hướng tâm đến Thánh hạnh, thánh lý, và thực hành pháp tánh hiền thiện, tức là bậc Đại Tuệ. Tức vị ấy tôn trọng Diệu pháp, sau đó làm tăng trưởng các Diệu pháp, làm lớn mạnh trong Phật Pháp. Sa môn bất động tức vị ấy hướng tâm đến các học pháp, gìn giữ giới một cách trong sạch, không có tâm khinh người vì sự tu học, vì lợi ích chung.

Trong Tiểu Kinh thí dụ lõi cây, đức Phật dạy: “Vị ấy không vì thành tựu giới đức này, khen mình, chê người. Và vị ấy phát khởi lòng ao ước và cố gắng tinh tấn để chứng được các pháp khác cao thượng hơn, thù thắng hơn giới đức.”[25]  và Tâm hướng đến Thiền định, thành tựu con đường Thiền định.

Trên lộ trình tu học, vị ấy cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm, hướng về vô thượng và thoát khỏi các khổ ách như 5 triền cái, các tà kiến, các cấu uế: xan tham, mạn, kiêu, …, dục lậu, hữu lậu và đi trên con đường hữu học tức còn chút ít về các kiết sử, triền phược chưa đoạn được hoàn toàn. Nhưng vị ấy đầy đủ chánh tri kiến, thuần thục với các thiền định, tuệ quán minh sát tâm, lìa bỏ các ham muốn trần tục, sống biết đủ, thực hành hạnh đầu đà, đi khất thực, ăn ngọ thời, tinh tấn trong học pháp và hướng dẫn người khác đến được với an lạc, hạnh phúc tại thế gian. Do đó, vị Sa-môn này chứng ngộ quả vị Dự Lưu, với tâm chắc chắn không thể bị các pháp thế gian làm ô nhiễm, và vị ấy sẽ hướng tâm đến giác ngộ, giải thoát.

3.2 Hạnh Sa-môn sen trắng

Hạnh Sa-môn với thiện chí, tâm như sen trắng, không ô nhiễm, luôn đem sự tươi mát cho đời, cho chúng sinh với lời nói, hành động, suy nghĩ đầy thiện pháp. Vì thế, đức Phật dạy: “Tỷ-kheo do đoạn diệt các lậu hoặc, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú Vô lậu tâm giải thoát, Tuệ giải thoát, nhưng chưa an trú với thân cảm giác được Tám giải thoát.” [26] Vị Sa-môn này có đầy đủ thiền định và sự chứng đắc thuộc về Tăng thượng tâm, hiện tại an lạc, chứng đắc các thiền do không bị vô minh, các cấu uế che lấp, tâm vị ấy thành tựu dễ dàng, không có khó khăn. Và vị ấy, có lòng tin vào 7 gia tài do đức Phật dạy: Tín, tàm, quý, đa văn, thí, xả, Tuệ một cách chân thực. Với sự tinh tấn tu học, tôn trọng lời Phật dạy và đầy đủ đức hạnh nên vị ấy xứng danh Trưởng lão, hay Sa-môn sen Trắng. Vị này, chứng đắc đạo quả Nhất lai, phải trở lui thế gian này một lần để học và tu với chánh Pháp. Từ đó, vị ấy mới có thể dứt sạch các phiền não, nhiễm ô, các cấu nhiễm trong tâm để đạt đến đạo quả Nhất Lai, chỉ trở lại thế gian đầy các pháp hỗ trợ cho sự hành đạo và tu học. Sau cuối, vị ấy sẽ đủ duyên lành để giác ngộ các pháp và chứng đắc quả vị Niết-bàn.

3.3. Hạnh Sa-môn sen hồng

Đạo hạnh của vị Sa-môn với phẩm chất thù diệu và chứng đạt đạo quả với Chánh tri kiến … đến Chánh giải thoát nên vị ấy đoạn diệt các kiết sử phiền não như Tham dục, sân hận, nghi hối, trạo cử, hôn trầm. Do thành tựu này, vị ấy an trú được tám giải thoát và quả vị Sa-môn Bất Lai, và không tái sinh lại thế gian này để tu học trong các học pháp. Đức Phật dạy, vị này xứng đáng được cung kính, tôn trọng vì đã lãnh thọ và hiểu rõ giáo Pháp ngài dạy với tâm: “Tỷ-kheo do đoạn diệt các lậu hoặc, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú Tâm giải thoát, Tuệ giải thoát, và an trú với thân cảm giác được Tám giải thoát.”[27] Vi ấy xứng đáng có danh hiệu nên có mặt ở đời vì các vị ấy đem đến niềm tin, sự hoan hỷ, sự an lạc cho số đông, như đem ánh sáng soi vào chỗ tối, như người giàu được của báu. Hạnh đức của các Sa-môn Sen hồng này lưu lại thế gian với thân, khẩu, ý đầy sự thiện lành, thiện cảm, dễ đem đến niềm ước vọng tu tập chân chính cho số đông. Và chính những hạnh đức này soi sáng thế gian, làm cho Phật Pháp thêm vững mạnh. Sau cùng, vị này đoạn diệt 5 hạ phần kiết sử, và chứng đắc và an trú với tâm, tuệ, xứng danh là vị Bất lai, không còn trở lại thế gian này nữa.

3.4. Hạnh Sa-môn tinh luyện

Trong các hạnh Sa-môn, thì hạnh này có sự đặc biệt, vì chính sự tu học, hành pháp, tâm đày từ bi, hỉ xả hướng tâm đến các vị đồng phạm hạnh và sự chứng đắc đạo quả A-la-hán Vô sinh. Hạnh Sa-môn này có tâm nhiệt huyết, hòa hợp, tri túc, quán sát và hiểu ý những người bạn cộng trú một Tịnh xá, khu rừng hay cốc tu. Những vị này có sự quán nhân duyên, ít nói, hay chia sẻ cả vật thực đi khất thực nếu các vị ở chung ăn không no.

Trong Tiểu Kinh Khu rừng Sừng Bò số 31, có ba vị Thánh tăng ở chung khu rừng, ít trao đổi nhưng lại hiểu ý nhau như Tôn giả: Kim-bi-la, Nandiya, Anuruddha, ba vị sống và tu học với thân, khẩu, ý nghiệp từ ái dù trước mặt hay sau lưng. Và các vị này có đạo hạnh chuẩn mực cả cách sống và sự chứng đắc các thiền định cũng có sự chia sẻ: “Ta hãy từ bỏ tâm của ta và sống thuận theo tâm của những Tôn giả này”.[28] Đặc biệt các vị này khi sống chung và sự thọ dụng vật thực trên tinh thần tri túc: “Tỷ-kheo nhiều lần được yêu cầu nhận tứ vật dụng, ít khi không được yêu cầu. Vị ấy sống với những vị đồng Phạm hạnh nào, các vị này đối với vị ấy, xử sự với nhiều tam nghiệp khả ái, với ít tam nghiệp không khả ái; với nhiều giúp đỡ khả ái, với ít giúp đỡ không khả ái.”[29] Trong Kinh Mi Tiên vấn đáp, thì ngài Na Tiên dạy cho vua lí do vì sao cẩn thận các giặc phiền não, vì nó che lấp đi các thiện pháp và làm cho phạm hạnh các vị Sa-môn sống chung đi đến chỗ sai lầm, nên Ngài nhắc nhở: “Các sa môn Thích tử tu hành tinh tấn, phòng hộ các căn, giữ gìn thu thúc thân khẩu ý, giới luật nghiêm cẩn là để phòng thủ thành trì như thế đó, tâu đại vương!”[30] Đồng nghĩa vị ấy có đầy đủ giới thanh tịnh, thân, khẩu, ý thanh tịnh, luôn hộ trì các căn, sau đó sống và tu học trong các học giới không hề lỗi lầm. Hạnh nguyện các vị này đầy đủ tâm đức như đức Phật về giới, định, tuệ với tâm Tăng thượng và các uy nghi chánh hạnh, suy tư pháp chân chánh, luôn hướng tâm đến các vị còn sai lầm để hướng dẫn, cùng từ bỏ các tư tưởng xấu ác, phi chơn. Đó là đại hạnh của vị Sa-môn chánh trực, ưa thích giúp người đầy đủ các thiện pháp và làm cho tâm vị ấy cũng thành tựu đạo quả như mình.

Tất cả các Hạnh này chỉ cho giá trị nhân văn sâu sắc qua hạnh nghiệp Chân chánh và thánh tâm, lẫn sự thánh đức trong tuệ trí. Các vị này, mang tầm ảnh hưởng sâu sắc đến các giá trị và bài học cho hành giả đang nghiên cứu và hướng tâm đến con đường viễn ly sinh tử. Bốn hạnh này, chỉ thẳng tâm chánh tinh tấn và tâm tịnh chỉ. Đạo lộ các vị ấy bước qua từ Bất động, đến hạnh Sa-môn tinh luyện, tức sự đoạn diệt sạch khổ đau. Bản chất của pháp tu tập là sự giác ngộ Lý Tứ Đế, duyên khởi, 12 nhân duyên, nhân quả, và đoạn trừ các cấu uế trong tâm, nên chư vị đều thành tựu đạo quả giải thoát. Đó là bốn đôi, 8 vị chỉ cho các quả vị các hạnh Sa môn này đã chứng đắc không khó khăn, không mệt nhọc, vì các vị biết rõ các sắc, thọ, …, tế nhị, vi tế, hay sự cuồng nhiệt của tâm qua cảm thọ, xúc, ái. Các vị Sa môn này đều có tuệ quán về sắc pháp, tâm pháp, thấu rõ các pháp chân đế rất rõ, và dứt trừ tham ái, khổ đau, do vậy các vị Sa môn này đạt đến chấm dứt sinh tử không còn sầu muộn những gì ở thế gian này nữa. Chính con đường thanh tịnh thân, tâm, cứu cánh các ngài đều đạt đến và có sự thành tựu chân chánh, không thể bị đọa lạc bởi các phiền não nhiễm ô, trần tục như chúng ta. Như vậy, mới xứng đáng danh hiệu Sa môn Thích tử, Bậc chân nhân. Tức các vị ấy thành tựu đến Tam minh-lục thông, hiểu rõ việc sinh tử là chuyện lớn cần thoát ly, và nhập vào dòng thánh, chứng đắc những gì cần chứng đắc và thành tựu những gì cần đạt được.

4. Trách nhiệm của vị Sa Môn

Hàng hậu học chúng ta, cần làm rất nhiều trong việc tu hành và nghiên cứu nền tảng giới, định, tuệ để chuyển hóa ba nghiệp: “Thân, khẩu, ý” của chính mình. Vốn dĩ, chúng ta còn vô số tâm cấu uế như: tham, sân, mạn, nghi, ác kiến hạnh, nó làm chúng ta chậm lụt về trí tuệ, và luôn mê mờ với các thiện pháp. Một vị sa môn có giới đức, hòa hợp và thanh tịnh thì cần nhận thức rõ lộ trình chuyển hóa, tu học của bản thân, biết sám hối và sửa đổi lỗi lầm chính mình, giữ gìn tâm tàm quý, hộ trì sáu căn và nỗ lực giữ gìn giới đức cho thanh tịnh thì mới xứng danh là vị Tỳ kheo.

Lộ trình của vị Sa môn cần nhất chính là đoạn tận các cấu uế, các ô nhiễm do pháp dục, do ác tham, ác sân, ác si… Từ đó, chúng ta mới đủ nhân duyên và sự cách tiếp cận giáo pháp của đức Phật. Chính khi ấy, ta cần sống với nếp sống, hơi thở mới, nếp sống nhà đạo, nếp sống của vị Tỳ kheo với giới hạnh, thiền định và các tuệ quán chân chính trong sự thực hành hằng ngày của bản thân. Để hướng đến giá trị của vị Sa môn Thích tử thì chúng ta cầm làm sao ta có đời sống trong sạch, an ổn, phù hợp, hoàn hảo về sự tu học và cả trong đạo lực, mới có thể đem ánh sáng của đạo Phật đi khắp thế gian, soi rọi vào bóng tối vô minh. Sau đó, với nhiệt huyết dòng máu con Phật, ta đem giáo pháp ta hiểu và thực hành hướng dẫn bá tánh tham cầu tu học.

Chính đức Phật khi xưa là vị Thái tử có đủ tài sản ở đời như vương quyền, danh lợi, tiền tài, … và vô số điều kiện thuận lợi về danh phận lẫn địa vị tốt đẹp như vậy ngài cũng chọn từ bỏ, để sống đời Phạm hạnh cao viễn, thanh bạch như vỏ ốc. Vua Trần Nhân Tông, Sơ Tổ Trúc Lâm xem tất cả danh vọng, địa vị, tiền tài như đôi dép củ. Tâm chúng ta do thiếu tinh tấn, thiếu chánh niệm, quên việc trân trọng giới luật vì thế trở nên điên đảo, mù mờ các học Pháp, lẫn sự hành pháp. Vậy nên, chúng ta hàng hậu học cần xác định rõ con đường tu học của mình, chậm cũng được nhưng phải đúng Pháp, đúng luật, mới xứng là hạnh sa môn.

Xưa Vua A xà thế vì dục vọng, danh vị mà có tâm ác hạnh giết cha, hại me, nhưng khi đến gặp đức Phật, nghe pháp với sự hướng dẫn đầy bi mẫn, sự giáo hóa của Ngài đã làm cho vua có chánh kiến như thật về đức hạnh của vị Sa-môn qua kinh văn, bản thân vua nhận ra lỗi lầm của chính mình và xin Quy y làm vị phật tử hộ trì phật pháp.

Trước tiên, vị Vua A-xà-thế bị xúi dục bởi tâm ác hạnh của vị Tỳ kheo Devadatta mê đắm dục vọng, danh lợi, quên mình là người xuất gia phạm hạnh. Vì tâm hạnh của Devvaddatta thiếu sự tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, nên chạy theo suy tưởng của tâm mình dẫn đến muốn làm quyền cai quản giáo hội. Tỳ Kheo Devadatta phạm vô số tội như hại đức Phật, chia rẽ tăng đoàn, không nghe lời chỉ bảo của đức Phật và nội quy của tăng đoàn.

Đã là vị Tỳ kheo, lại không lo tu học, chỉ vì có chút sở đắc, sở chứng ngũ thông trong thiền định, chưa đoạn dứt các lậu hoặc, phiền não ngũ ngầm mà cho mình tài giỏi, tự bản thân vị ấy đã hại mình, sáu đó hại người. Không hướng dẫn thiện pháp và sự tu tập cho người, mà còn có tâm hạnh xấu ác, nên chính tự thân Devadatta quên đi việc hoằng dương chính pháp mới quan trọng. Nhưng trước đó, chính ông có đưa ra 5 quan điểm chân chánh về đời sống của hạnh Sa-môn: “ngụ ở trong rừng, đi bát mà ăn, mặc y phấn tảo, ngồi dưới cội cây, không dùng thịt cá, thế mà Ngài không chấp nhận lời ta”[31], tinh thần ấy bây giờ chư tăng đang thực hành. Vì thế, tâm của ông không có hướng đến sự lợi người, lợi mình, không khích lệ ai tu học chân chánh mà lại hướng về tham dục, tham quyền lợi, vì nghiệp lực hại đức Phật và Phá hòa hợp tăng, nên ông chịu cảnh khổ những ngày cuối đời và đọa cảnh khổ. Nhưng do sự tinh tấn ở những năm đầu với tâm thanh tịnh, Devadatta sẽ trở vị Phật độc giác.

Lẽ nào, chúng ta là vị Tỳ kheo khi chọn con đường tu tập, lại không sống phạm hạnh, làm cho đời này có nhiều an lạc. Kinh Tứ Thập Nhị chương, chính đức Phật khuyên chúng ta làm vị Sa môn cần: “Người xuất gia làm Sa môn, cắt bỏ ái dục, nhận biết nguồn tâm của mình. Rõ biết bản tính, ngộ pháp Vô vi”.[32]

Giáo sư Walpola đã nhận định về Phật Giáo như sau: “Chính Đạo Phật là thiết thực, nhìn vào cuộc sống và thế giới. Đạo Phật nhìn sự vật một cách như thật. Đạo Phật không lừa dối, ru ngủ bạn vào cuộc sống thiên đường.”[33] Mà phải tự thân thực chứng và trải nghiệm trên lộ trình tu học mới thấm được vị giải thoát của đạo. Nguyên nhân chính đem đến đau khổ cho mình và cho người là ái, mà Ái có nghĩa sự luyến ái về ngũ dục, lục trần, ai cũng có vô số tham, dục, sân. Do dục làm nhân làm nhân, làm duyên… ta không thắng được nó thì ta thua cuộc. Ta sử dụng tứ vật dụng như thế nào, vốn nó là nhu cầu, là phương tiện để tạm mượn tu học, không nên tham đắm, vì nó ái nhiễm quên đi cái hạnh ban đầu xin xuất gia. Sa môn chính là một trong những danh xưng khác của người con Khất sĩ, chính vị khất sĩ này chọn đời sống thanh bần, y bá nạp và luôn tu học trong tinh thần: xin vật chất để nuôi thân giả tạm, xin học các pháp để đền ơn Chư Phật và mỗi bước chân vạch lối cánh sen cho người hiểu về giáo pháp chơn như. Và chính vì lòng bi mẫn, có đi như vậy mới học được các pháp cao thượng, cho người mở rộng tấm lòng ban ơn, thí vật.

Vì thế, Chơn lý khất Sĩ Tổ Sư đã dạy: “Khất sĩ đi xin ăn mà chẳng than van, không có gì hết mà chẳng than nghèo, đầu trần chân không, đội trời đạp đất, sương màn cỏ chiếu, mà chẳng bao giờ chán nản …, vạch hàng chữ đạo nơi cửa ngõ đường đi, khoe sự tốt đẹp của giới hạnh, nhắc nhở sự yên úy đến cho người.”[34] Cũng vậy, với lộ trình tu tập như vậy vị Sa môn đem đến đức tin chân chánh và phương pháp đúng nhất cho bá tánh với các hạnh: “Diệu hạnh, Trực hạnh, Ứng lý hạnh, Như lý hạnh”. Chính những công hạnh này, đem đến cho chúng Tăng thành tựu năm công đức: “Cung kính, đáng tôn trọng, đáng cúng dường, đáng chắp tay và phước điền vô thượng ở đời.”

Hằng ngày, chính tâm ta nên kiểm soát, nói ra những lời ích lợi cho đời, nên cần ngăn ngừa lời nói ác xấu, thêu dệt, ác khẩu, nói dối:

“Miệng ta là cánh hoa sen,

Một khi hé nở một phen thơm lừng,

Tiếng ta là gió mùa xuân,

Một cơn thổi nhẹ muôn dân mát lòng.” [35](chơn lí- bài kệ khẩu)

Trách nhiệm của vị Sa môn với sự thọ nhận đủ 4 món vật dụng như: Y phục, dược phẩm, thức ăn, chỗ ở cần có sự khiêm hạ, biết đủ trên tinh thần của vị khất sĩ sống và hành đạo với tam y nhất bát. Và Theo luật nhà Phật thì vị Sa môn chân chánh không kinh doanh, về sự thọ nhận vật thực có xem như phương tiện giữ sức khỏe để tu học, không làm trang sức, không để vui đùa, hư triêm tín thí, và đặc biệt không bàn chuyện chính trị, quân sự. Cần biết mình là ai, vì lý do gì cạo đầu, xuất gia, chọn đời sống phạm hạnh, và chuyên nghiên cứu Kinh sách, Luật, Luận để hướng dẫn hàng hậu học tu tập. Tránh xa việc xem coi bói tướng số, sống với tâm hành tà mạng, chính mình không có lợi ích còn đem sự lo âu cho bá tánh tham cầu học pháp.

KẾT LUẬN

Thế Tôn truyền bá giáo Pháp cho chúng đệ tử, phần nhiều ngài dựa vào sự thật của cuộc sống, của người học Pháp, đến thưa thỉnh, hay do các đệ tử trình thưa. Từ đó, Ngài dẫn dụ các ví dụ chân thực, thiết thực ngay hiện tại, đem đến cho người nghe tầm hiểu biết chân chánh, không sai lầm. Và qua cách thuyết pháp của đức Phật, chúng ta học thêm các giá trị về tinh thần từ bi, hỷ xả đầy giác ngộ của Ngài. Tất cả các bài pháp ngài nói ra mang một ảnh hưởng vô cùng to lớn đến đạo lộ tu học và sự chuyển hóa ba nghiệp cho tăng chúng, và các hàng cư sĩ. Ngài không có sự phân biệt giàu nghèo, sang hèn, thấp kém, địa vị nào đến với ngài, Phật đều hoan hỷ, bi mẫn đón nhận và hướng dẫn con đường tu tập chân chính.

Qua Kinh Sa môn quả chúng ta cảm nhận được những quan điểm rõ ràng về hạnh Sa môn của đức Phật đưa ra rõ ràng và chân thực, ai chân chính thực hành pháp đều rời xa các quan niệm sai lầm, các chủ kiến, tư tưởng ác hạnh và hành động xấu ác. Và chúng ta có bài học về con đường tu học, tin sâu nhân quả, lý duyên sinh, nghiệp báo, bố thí, lòng tin vào giáo pháp, tin vào Tam Bảo. Chính sự lòng tin chân chính về giáo pháp đưa đến cho người thực hành xa rời các khổ đau, tham ái, sân nhuế, si mê, dứt trừ các cấu uế trong nội tâm, phiền não, đạt đến sự an vui thật sự. Kết quả ấy đưa đến cho kiếp sống con người có niềm vui và ai giữ giới, thiền định, tu tập tinh tấn, chính niệm, tỉnh thức đều đạt được lợi ích trên thân, tâm.

Tác giả: Tuệ Đăng
Khoa đào tạo từ xa khóa 7 – Học viện PGVN tại TP.HCM

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thích Tuệ Sĩ, Kinh Trường A Hàm, Kinh Sa Môn Qủa số 27, NXB. Phương Đông, 2021, Tr. 347.
2. Thích Minh Châu, Kinh Trung Bộ, Kinh KoSamBi số 48, NXB. HVPGVN Ấn Hành, 1992, Tr. 1249.
3. Thích Tuệ Sĩ, Kinh Trường A Hàm, Kinh Sa Môn Qủa số 27, NXB. Phương Đông, 2021, Tr. 349.
4. https://www.budsas.org/uni/u-kinh-mitien/mitien-01.htm, Truy cập ngày 17/3/2023.
5. Thích Minh Châu, Kinh Trung Bộ, Kinh KoSamBi số 48, NXB. HVPGVN Ấn Hành, 1992, Tr. 728-29.
6. Thích Nữ Nguyện Liên, Giáo trình kinh Trường A Hàm HVPGVN, Giảng lần I, 2023.
7. Thích Minh Châu, Kinh Trung Bộ, Kinh Ví Dụ tấm vải số 7, NXB. HVPGVN Ấn Hành, 1992, Tr. 159-160.
8. Thích Minh Châu, Kinh Trung Bộ, Kinh Ví Dụ tấm vải số 7, NXB. HVPGVN Ấn Hành, 1992, Tr. 159.
9. Thích Minh Châu, Kinh Trung Bộ, Kinh Giáo giới La-hầu-la ở rừng Ambala số 61, NXB. HVPGVN Ấn Hành, 1992, Tr. 159.
10. Thích Thiện Siêu, Thích Minh Châu, Kinh Pháp Cú, Phẩm Hoa, NXB. Tổng Hợp TP. HCM, 2014, Tr. 67.
11. https://www.budsas.org/uni/u-kinh-mitien/mitien-02.htm, Truy cập ngày: 17/04/2023.
12. Sđđ, Tập II, Tr. 350.
13. Sđđ, Tập II, Tiểu Kinh Sakuludayi số 79, Tr. 331.
14. Sđđ, Tập II, Tiểu Kinh Sakuludayi số 79, Tr. 331-33.
15. Sđđ, Tr. 16.
16. Sđđ, Tập III, Kinh Phân biệt cúng dường, Tr. 418.
17. Sđđ, Tr. 351.
18. Thích Nữ Thủy Liên, Kinh Tăng Chi, Chương 4 Pháp, Giáo trình HVPGVN, 2023, Tr. 14.
19. Sđđ, Chương 6 Pháp, Tr. 16
20. Sđđ, Tập I, Tr. 1074-77.
21. Sđđ, Chương 6 Pháp, Tr. 18.
22. https://theravada.vn/2-kinh-sa-mon-qua-kinh-truong-bo/, Truy cập ngày: 18/04/2023.
23. Sđđ, Chương 4 Pháp, Tr. 68.
24. http://phapmontinhdo.vn/luat-thien-kien-ty-ba-sa-phan-bon-603469–1, Truy cập ngày: 18/04/2023.
25. Sđđ, Tập I, Tr. 786.
26. Sđđ, Chương 4 Pháp, Tr. 68.
27. Sđđ, Chương 4 Pháp, Tr. 68.
28. Sđđ, Tập I, Tr. 803.
29. Sđđ, Tr. 68.
30. https://www.budsas.org/uni/u-kinh-mitien/mitien-03.htm, Truy cập ngày: 18/04/2023.
31. https://theravada.vn/chu-giai-kinh-phap-cu-quyen-i-pham-song-doi-tich-devadatta/, Truy cập ngày: 19/04/2023.
32. https://kinhnghiemhocphat.com/2021/04/kinh-tu-thap-nhi-chuong.html, Truy cập ngày: 19/04/2023.
33. Sđđ, tr. 17.
34. Minh Đăng Quang, Chơn Lý, Chơn Lý Khất Sĩ Số 11, NXB. Tổng Hợp. TP. HCM, 2016, Tr. 149-50.
35. Minh Đăng Quang, Luật Nghi Khất Sĩ, Kệ Khẩu, NXB. Tôn Giáo, 2013, Tr. 21.

Chú thích:
[1] Thích Tuệ Sĩ, Kinh Trường A Hàm, Kinh Sa Môn Qủa số 27, NXB. Phương Đông, 2021, Tr. 347.
[2] Thích Minh Châu, Kinh Trung Bộ, Kinh KoSamBi số 48, NXB. HVPGVN Ấn Hành, 1992, Tr. 1249.
[3] Thích Tuệ Sĩ, Kinh Trường A Hàm, Kinh Sa Môn Qủa số 27, NXB. Phương Đông, 2021, Tr. 349.
[4] https://www.budsas.org/uni/u-kinh-mitien/mitien-01.htm, Truy cập ngày 17/3/2023.
[5] Thích Minh Châu, Kinh Trung Bộ, Kinh KoSamBi số 48, NXB. HVPGVN Ấn Hành, 1992, Tr. 728-29.
[6] Thích Nữ Nguyện Liên, Giáo trình kinh Trường A Hàm HVPGVN, Giảng lần I, 2023.
[7] Thích Minh Châu, Kinh Trung Bộ, Kinh Ví Dụ tấm vải số 7, NXB. HVPGVN Ấn Hành, 1992, Tr. 159-160.
[8] Thích Minh Châu, Kinh Trung Bộ, Kinh Ví Dụ tấm vải số 7, NXB. HVPGVN Ấn Hành, 1992, Tr. 159.
[9] Thích Minh Châu, Kinh Trung Bộ, Kinh Giáo giới La-hầu-la ở rừng Ambala số 61, NXB. HVPGVN Ấn Hành, 1992, Tr. 159.
[10] Thích Thiện Siêu, Thích Minh Châu, Kinh Pháp Cú, Phẩm Hoa, NXB. Tổng Hợp TP. HCM, 2014, Tr. 67.
[11] https://www.budsas.org/uni/u-kinh-mitien/mitien-02.htm, Truy cập ngày: 17/04/2023.
[12] Sđđ, Tập II, Tr. 350.
[13] Sđđ, Tập II, Tiểu Kinh Sakuludayi số 79, Tr. 331.
[14] Sđđ, Tập II, Tiểu Kinh Sakuludayi số 79, Tr. 331-33.
[15] Sđđ, Tr.16.
[16] Sđđ, Tập III, Kinh Phân biệt cúng dường, Tr. 418.
[17] Sđđ, Tr. 351.
[18] Thích Nữ Thủy Liên, Kinh Tăng Chi, Chương 4 Pháp, Giáo trình HVPGVN, 2023, Tr. 14.
[19] Sđđ, Chương 6 Pháp, Tr. 15.
[20] Sđđ, Tập I, Tr. 1074-77.
[21] Sđđ, Chương 6 Pháp, Tr. 18.
[22] https://theravada.vn/2-kinh-sa-mon-qua-kinh-truong-bo/, Truy cập ngày: 18/04/2023.
[23] Sđđ, Chương 4 Pháp, Tr. 68.
[24] http://phapmontinhdo.vn/luat-thien-kien-ty-ba-sa-phan-bon-603469–1, Truy cập ngày: 18/04/2023.
[25] Sđđ, Tập I, Tr. 786.
[26] Sđđ, Chương 4 Pháp, Tr. 68.
[27] Sđđ, Chương 4 Pháp, Tr. 68.
[28] Sđđ, Tập I, Tr. 803.
[29] Sđđ, Tr. 68.
[30] https://www.budsas.org/uni/u-kinh-mitien/mitien-03.htm, Truy cập ngày: 18/04/2023.
[31] https://theravada.vn/chu-giai-kinh-phap-cu-quyen-i-pham-song-doi-tich-devadatta/, Truy cập ngày: 19/04/2023.
[32] https://kinhnghiemhocphat.com/2021/04/kinh-tu-thap-nhi-chuong.html, Truy cập ngày: 19/04/2023.
[33] Sđđ, tr. 17.
[34] Minh Đăng Quang, Chơn Lý, Chơn Lý Khất Sĩ Số 11, NXB. Tổng Hợp. TP. HCM, 2016, Tr. 149-50.
[35] Minh Đăng Quang, Luật Nghi Khất Sĩ, Kệ Khẩu, NXB. Tôn Giáo, 2013, Tr. 21.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường