Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Góc nhìn Phật giáo về “đứa trẻ” trong tiểu thuyết triết học của F.Nietzsche

Góc nhìn Phật giáo về “đứa trẻ” trong tiểu thuyết triết học của F.Nietzsche

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Thích Nữ Nghiêm Liên
Học viên lớp Cao học khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/2022

Tóm tắt: Đứa trẻ là hình ảnh được triết gia người Đức Friedrich Wilhelm Nietzsche (F.Nietzsche) xây dựng trong tiểu thuyết triết học Zarathustra đã nói như thế (Thus spoke Zarathustra). Tác phẩm được xuất bản bằng tiếng Đức đầu tiên từ 1883 – 1885, tác phẩm nhanh chóng được đón nhận và nghiên cứu. Trong đó, đứa trẻ là một trong những hình ảnh được phân tích từ nhiều góc độ: tôn giáo, triết học, tâm lý … Nội dung bài viết chỉ ra ý nghĩa đứa trẻ theo góc nhìn của Phật giáo.
Từ khóa: Đứa trẻ, F. Nietzsche, Zarathustra đã nói như thế

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 9.2022 Goc nhin Phat giao ve Dua Tre 1

Trong Zarathustra đã nói như thế, F.Nietzsche đã chuyển tải khá nhiều tư tưởng và khái niệm đặc trưng trong mối tương quan với tâm hồn con người, nhưlàsiêunhân(superhuman), ý chí cường lực (the will to power), quy hồi vĩnh cửu (eternal recurrence) … Theo F.Nietzsche, tâm hồn mỗi người không ngừng vận động và chưa bao giờ ngơi nghỉ. F.Nietzsche đã mô tả sự biến đổi liên tục của tâm hồn người thông qua ba hình ảnh: con lạc đà (a camel), con sư tử (a lion) và đứa trẻ (a child). Trong đó, đứa trẻ vừa là sự khởi đầu, cũng vừa là sự kết thúc một quy trình suy tư trong tâm hồn con người.

F.Nietzsche khởi động chu kỳ suy nghĩ của con người bằng việc sánh ví tâm hồn người như một đứa trẻ. Theo F.Nietzsche: “Trẻ thơ là sự ngây thơ và quên lãng, là sự tái khởi miên viễn, là trò chơi, là bánh xe quay vòng quanh mình, là sự vận chuyển đầu tiên, và là tiếng “vâng” linh thánh”. (The child is innocence and forgetting, a new beginning, a game, a wheel rolling out of itself, a first movement, a sacred yes- saying).(1) Trong Phật giáo, tâm hồn trẻ thơ chính là Phật tâm, là tâm hồn trong trắng, ngây thơ, thuần khiết và chưa bị nhiễm ô. Tâm hồn con người, theo Phật giáo, vốn dĩ thanh tịnh như tâm hồn một đứa trẻ.

Tuy nhiên, theo năm tháng, cùng với những va chạm của cuộc sống, đứa trẻ không còn giữ được sự hồn nhiên vốn có. Khi “mọi người đàn ông xứng với tên gọi đều có ẩn giấu trong hắn một đứa bé muốn chơi đùa. Nào, đàn bà các người, hãy cố khám phá ra đứa trẻ nơi người đàn ông” (In the real man a child is concealed: it wants to play. Up now, you women, go discover the child in the man(2), đứa trẻ đã bị những trăn trở của cuộc đời khuấy động và những tạp nhiễm cũng bắt đầu len lỏi vào tâm hồn con người từ đây. F.Nietzsche đã sánh ví tâm hồn của đứa trẻ trong giai đoạn này chuyển động mạnh mẽ: “Những đứa trẻ chơi đùa trên bãi biển, và làn sóng ập vào, mang theo những đồ chơi của chúng vùi sâu xuống lòng biển cả. Bọn chúng đang đứng khóc lóc thảm thương. Nhưng cùng một làn sóng đó sẽ mang đến cho chúng những món đồ chơi mới, sẽ đổ ào ra trước mắt chúng những vỏ sò mới muôn màu sặc sỡ”. (They played by the sea – then the wave came and tore their toys into the deep: now they weep. But the same wave shall bring them new toys and lavish new colorful shells before them).(3) Phật giáo gọi đấy là giai đoạn những hạt giống thiện/ác được huân tập trong tâm thức của đứa trẻ vận hành, tương tác. Tâm hồn của đứa trẻ không còn thuần tịnh, mà đã tự gồng gánh những nỗi buồn, vui, như hình ảnh con lạc đà mang vác những món đồ nặng nề trên lưng được F.Nietzsche miêu tả: “Tinh thần dũng mãnh nhận lãnh tất cả những gánh nặng đó: như con lạc đà vừa được chất hàng xong, vội vã lên đường về sa mạc, tinh thần dũng mãnh cũng vội vã về với sa mạc của đời mình như thế” (All of these heaviest things the carrying spirit takes upon itself, like a loaded camel that hurries into the desert, thus it hurries into its desert).(4)

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 9.2022 Goc nhin Phat giao ve Dua Tre 2

Rõ ràng, tâm hồn đứa trẻ biến thành tâm hồn lạc đà chính là do tự thân đứa trẻ đã phản ứng lại với hoàn cảnh xung quanh. Phật giáo luôn khẳng định rằng:

“Tự mình, làm điều ác, tự mình làm nhiễm ô,
Tự mình không làm ác, tự mình làm thanh tịnh.
Tịnh, không tịnh tự mình, không ai thanh tịnh ai!” (Pháp cú 165)(5)

Tinh thần Phật giáo này được F.Nietzsche khẳng định quyết đoán: “Thực vậy, gánh nặng của ta sẽ không vì thế mà nặng thêm. Hỡi con người thời đại, nỗi mệt nhọc vĩ đại của ta không phát sinh từ các ngươi” (Indeed, it will not become any heavier for that! And not from you, you people of the present, shall my great weariness come)6). Rõ ràng, gánh nặng trên vai lạc đà, sự mệt nhọc của lạc đà không phát sinh từ bên ngoài, không do bên ngoài đem đến.

Lạc đà, khi đã mang vác quá nhiều thứ trên lưng đã trở nên mệt mỏi, kiệt sức. Lạc đà, không thể quay trở lại đất liền vì nó đã tiến quá sâu vào sa mạc. Cũng như thế, tâm hồn lạc đà không thể quay lại tâm hồn của trẻ thơ. Càng đi sâu vào sa mạc, lạc đà càng bị nắng nóng, cát gió của sa mạc, của cuộc đời vùi lấp và xóa nhòa dấu vết quá khứ. Đứa trẻ thơ, càng phản ứng với hoàn cảnh, càng huân tập nhiều chủng tử thiện/ác, càng mất đi sự thuần khiết, thanh tịnh vốn có. Đứa trẻ không thể tìm lại được bản tâm thanh tịnh của chính mình. F.Nietzsche đã chia sẻ trạng thái này, như sau:

Hỡi ôi! Giờ đây đâu là nơi ta sẽ leo lên nữa với cõi lòng khát vọng miên man? Từ trên đỉnh cao của mọi ngọn núi, ta đưa mắt dõi tìm những tổ quốc, những vùng đất quê hương, những vùng Quê Cha và những vùng Đất Mẹ. Nhưng ta không tìm thấy quê hương ở bất cứ nơi nào: ta lang thang phiêu bạt qua mọi đô thị; ta là một khởi hành trước mọi cánh cổng; những con người thời đại mà vừa mới đây lòng ta hướng đến, bây giờ đối với ta lại là những kẻ lạ làm ta phì cười; ta đã bị trục xuất khỏi mọi vùng quê cha và đất mẹ, ta đã bị đuổi khỏi mọi quê hương. (Alas, where shall I climb now with my longing! From all mountains I look out for father and motherlands. But nowhere did I find home; I am unsettled in every settlement, and a departure at every gate. Foreign to me and a mockery are these people of the present to whom my heart recently drove me; and I am driven out of father and motherlands).(7)

Một người, giữa bát phong (tám ngọn gió thổi vào cuộc đời mỗi người, bao gồm: lợi dưỡng – suy hao, hủy báng – tán thán, tôn kính – chê bai, đau khổ – hạnh phúc), giữa biển ngũ dục (ham muốn hưởng thụ của cải, thế lực, tiền tài; sắc đẹp; danh tiếng; ăn ngon mặc đẹp; ngủ nghỉ ấm êm), giữa sóng nghiệp, khi không có phước duyên tiếp nhận và thực hành phật pháp, vị đó không có cơ hội để thay đổi và chuyển hóa cuộc đời. Do vậy, lạc đà không thể tìm lại được chân tâm của trẻ thơ đã mất giữa biển sa mạc. Tâm hồn lạc đà mất phương hướng, một mặt không thể quay về quê hương xưa cũ, tức tâm hồn thuần khiết của trẻ thơ khi xưa, một mặt lạc đà tiếp tục lang thang vô định không điểm đến, ví như tâm hồn của những người không có sự nương tựa của pháp thực hành, nên không rõ biết cuộc đời sẽ đi đâu, về đâu, như kẻ đã bị “đuổi khỏi mọi quê hương”.

Thế nhưng, giữa lòng sa mạc hoang liêu cô độc nhất (the loneliest desert), tâm hồn lạc đà biến thành tâm hồn của sư tử (the spirit becomes lion). Theo F.Nietzsche, đó là “tinh thần muốn chinh phục tự do và làm chủ sa mạc riêng của mình. Ở đây tinh thần tìm kiếm người chủ cuối cùng của nó: tinh thần muốn làm kẻ thù của người chủ ấy, và làm kẻ thù của vị Thượng đế cuối cùng của mình; để đạt chiến thắng vinh quang, tinh thần muốn chiến đấu với con đại khủng long” (it wants to hunt down its freedom and be master in its own desert. Here it seeks its last master, and wants to fight him and its last god. For victory it wants to battle the great dragon).(8) Có thể hiểu, dù con người đang vào thế cùng đường cuối đất, nhưng bản ngã bên trong của con người vẫn không cho phép họ chấp nhận thất bại. Bản ngã vẫn vùng lên mạnh mẽ để bảo vệ những gì mà nó đã tự xây dựng và mang vác như con lạc đà đã từng mang vác. Bản ngã không cho phép lạc đà ngã quỵ dù sức cùng lực kiệt. Phật giáo giải thích đó chính là vì con người yêu bản ngã của họ hơn tất cả mọi thứ trên đời và một người bình thường như “lạc đà” không bao giờ chiến thắng được bản ngã của họ, như đức Phật đã từng chỉ dạy: “Chiến thắng được hàng ngàn quân địch thì cũng không bằng tự mình chiến thắng được chính mình. Tự thắng là chiến công oanh liệt nhất”.(9)

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 9.2022 Goc nhin Phat giao ve Dua Tre 3

Như vậy, tâm hồn đứa trẻ giờ đã thành tinh thần của con sư tử. Theo F.Nietzsche, sư tử luôn thể hiện bản năng chúa tể sơn lâm của nó, và tinh thần của nó là thứ tinh thần của bản ngã cao ngạo nhất, tinh thần của “ta muốn”. Trong khả năng của mình, F.Nietzsche thấu hiểu được rằng: “Sáng tạo nên những giá trị mới – đó là điều mà ngay cả con mãnh sư cũng chưa làm được; nhưng tự giải phóng mình để tiến đến những sáng tạo mới mẻ – đấy là điều mà sức mạnh của con mãnh sư có thể làm được” (To create new values – not even the lion is capable of that: but to create freedom for itself for new creation – that is within the power of the lion).(10)

Vậy thì, bằng cách nào sư tử có thể tự giải phóng được cho nó? F.Nietzsche cho rằng, “Sá gì lý trí ta! Lý trí ấy có khát khao hiểu biết, như con sư tử khát khao lương thực không? Lý trí chỉ là sự nghèo nàn, nhơ bẩn và sự tự mãn đáng thương!” (What matters my reason? Does it crave knowledge like the lion its food? It is poverty and fi and a pitiful contentment)(11). F.Nietzsche đã thấu hiểu sâu sắc khi lý trí không đủ hiểu biết, thiếu trí tuệ thì lý trí đó chỉ khiến tâm hồn người “nghèo nàn, nhơ bẩn và tự mãn đáng thương”. Cũng như thế, sự cao ngạo của con sư tử không giúp nó tự giải phóng được tinh thần cho nó. Điều này được Phật giáo giải thích khi một người ngã mạn đã xây dựng và bảo vệ bản ngã thì người đó sẽ bị chính ngã mạn giết chết như hình ảnh sau: chất rỉ sét do chính cây sắt sinh ra, nhưng cũng chính chất rỉ sét đó ăn mòn, phá hủy hoàn toàn cây sắt.(12)

Tất yếu, con sư tử không những không thể giải phóng được cho nó, mà còn bị chính sự tự mãn giết chết. Theo Phật giáo, sự tự mãn là thứ trang sức mà con người không thể mang được đi xa. Nếu con người muốn đi được xa, đi lên cao, tự mãn là thứ cần phải tận diệt. Đấy là lý do F.Nietzsche đã xây dựng tinh thần con sư tử phải trở lại tinh thần đứa trẻ. F.Nietzsche tin chắc rằng: “Cố nhiên, nếu không trở thành như những đứa trẻ, thời các ngươi sẽ không thể bước được vào thiên đàng kia.” (To be sure, unless you become as little children, you shall not enter that kingdom of heaven).(13) Quả thật, chỉ khi sống với tâm hồn trẻ thơ, tức anh nhi hạnh, bồ đề tâm sẽ tăng trưởng, phật tính sáng soi, viên mãn.

Thích Nữ Nghiêm Liên
Học viên lớp Cao học khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/2022

***

CHÚ THÍCH:
(1) Nietzsche, Thus spoke Zarathustra, Adrian del Caro (trans), Cambridge University Press, 2006, pp. 63.
(2) Nietzsche, Thus spoke Zarathustra, Adrian del Caro (trans), Cambridge University Press, 2006, pp. 95.
(3) Nietzsche, Thus spoke Zarathustra, Adrian del Caro (trans), Cambridge University Press, 2006, pp. 120.
(4) Nietzsche, Thus spoke Zarathustra, Adrian del Caro (trans), Cambridge University Press, 2006, pp. 62.
(5) Bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu từ nguyên tác Pāli: “Attanā hi katam pāpam, attanā samkilissati; Attanā akatam pāpam, attanāva visujjhati; Suddhī asuddhi paccattam, nāñño aññam visodhaye”. Bản dịch tiếng Anh của Hòa thượng Narada: “By oneself indeed is evil done and by oneself is one defiled; by oneself is evil not done and by oneself is one purified. Purity and impurity depend entirely on oneself; no one can purify another”.
(6) Nietzsche, Thus spoke Zarathustra, Adrian del Caro (trans), Cambridge University Press, 2006, pp. 95.
(7) Nietzsche, Thus spoke Zarathustra, Adrian del Caro (trans), Cambridge University Press, 2006, pp. 95.
(8) Nietzsche, Thus spoke Zarathustra, Adrian del Caro (trans), Cambridge University Press, 2006, pp. 16.
(9) Phần dịch nghĩa của Hòa thượng Thích Nhất Hạnh từ nguyên tác Hán ngữ: 千 千 為 敵, 一 夫 勝 之, 未 若 自 勝, 為 戰 中 上. Phần dịch âm của Hòa thượng Thích Nhất Hạnh: Thiên thiên vi địch, Nhất phu thắng chi, Vị nhược tự thắng,
Vi chiến trung thượng.
(10) Nietzsche, Thus spoke Zarathustra, Adrian del Caro (trans), Cambridge University Press, 2006, pp. 63.
(11) Nietzsche, Thus spoke Zarathustra, Adrian del Caro (trans), Cambridge University Press, 2006, p. 7.
(12) Rút ý nghĩa từ kệ Pháp cú 240 có nội dung như sau: “Như sét từ sắt sinh, Sắt sinh lại ăn sắt, Cũng vậy, quá lợi dưỡng. Tự nghiệp dẫn cõi ác”.
(13) ) Nietzsche, Thus spoke Zarathustra, Adrian del Caro (trans), Cambridge University Press, 2006, pp. 303.

TÀI LIỆU THAM KHẢO::
Thích Minh Châu (dịch), Kinh Pháp cú, Nxb. Tổng hợp TP. HCM, 2014. Thích Nhất Hạnh (dịch), Kết một tràng hoa, Nxb. Phương Đông, 2014. Trần Xuân Kiêm (dịch), Zarathustra đã nói như thế, Nxb. Dân Trí, 2021.
Narada Thera, The Dhammapada, The Corporate Body of the Buddha Educational Foundation, 1993. Nietzsche, Thus spoke Zarathustra, Adrian del Caro (trans), Cambridge University Press, 2006.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường