Mạng xã hội thường dễ đánh lừa người đọc, người xem bằng nhiều hình thức, bằng những thông tin chớp nhoáng, ào ạt như một kiểu trào lưu khiến cho nhiều người dễ bị trôi theo, khó lòng phân biệt.
Tác giả: An Tường Anh
Từ câu chuyện trên mạng xã hội
Vừa qua, trên mạng xã hội có lan truyền một số video clip về câu chuyện bé Tường Lam 4 tuổi có khả năng đọc các bài Chú thuộc làu, đọc bài khấn thành thục và có những lời khuyên mang tinh thần phật pháp đến cho nhiều người vẫn đang thu hút số lượng lớn người theo dõi từ cộng đồng mạng với nhiều luồng ý kiến, và câu chuyện sẽ thật sự tốt nếu chúng ta xem đây là một cô bé có thiện căn phật pháp, có tinh thần từ bi, hoặc thậm chí là có sự luân hồi từ kiếp trước của người tu tập?
Thế nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó mà ngày càng được khai thác ở góc độ xa hơn, đẩy cô bé trở thành hiện tượng “siêu việt, siêu nhiên” với những từ ngữ mang tính phóng đại và thần thánh hoá như “đấng cứu thế, người được ơn trên sai xuống để giải cứu nhân gian, giúp loài người được giác ngộ, là đệ tử Phật, đệ tử Quan Âm, Bồ Tát giáng thế…” thậm chí có người còn bảo rằng đây là “đức Phật đầu thai lại”.
Những thông tin ngày càng lan truyền nhanh chóng, rộng rãi trên những kênh Youtube về câu chuyện em bé Tường Lam và họ khai thác về em bằng những cái tít, những tựa đề như “một đấng cứu thế” thật sự.
Góc nhìn phật tử qua câu chuyện mạng xã hội
Với góc nhìn của một người phật tử, tôi xin được đưa ra một số quan điểm của mình về sự việc này như sau:
Thứ nhất: Có những người cho rằng “cô chú đã 40, 50 hoặc thậm chí có người 60, 70 tuổi nhưng đọc nhiều năm vẫn chưa thuộc được Chú Đại Bi, mà em bé Tường Lam mới 4 tuổi đã thuộc làu thì đúng là Phật tái sinh”.
Thật ra trẻ em có khả năng học thuộc lòng nhanh, đôi khi đọc như học vẹt, ngày còn nhỏ, khi đi học, tôi cũng từng thấy nhiều bạn trong lớp có khả năng học thuộc lòng rất giỏi, có bạn đọc thuộc làu cả cuốn sách lịch sử, tuy nhiên khi càng lớn tuổi thì khả năng học thuộc của con người sẽ giảm dần mà thay vào đó là khả năng phân tích và tư duy. Vì vậy việc so sánh học thuộc lòng giữa người lớn tuổi với em bé 4 tuổi là chưa chính xác.
Thứ hai: Nếu nói về khả năng siêu việt, chúng ta không chỉ nói riêng lĩnh vực Tôn giáo mà nhiều lĩnh vực khác, cũng có rất nhiều người có khả năng ghi nhớ, tính toán, học thuộc và suy đoán vô cùng tuyệt đỉnh như những bạn trong chương trình “Siêu trí tuệ Việt”.
Trường hợp ghi nhớ 1.000 mốc dữ liệu lịch sử trong vòng vài phút như bạn Phước Vinh 14 tuổi; ghi nhớ 2200 mã vạch và số điện thoại của bạn Mai Tường Vân trong vài phút, cậu bé 12 tuổi có thể thực hiện phép chia 18 con số cho 15 con số, khai căn 63 con số trong vòng 11 giây bằng cách tính nhẩm trong đầu, em bé 6 tuổi có khả năng nhận diện tất cả các quốc huy và bản đồ các quốc gia trên thế giới trong một giây.
Vậy những trường hợp này được lý giải thế nào? Và nếu so sánh những bạn có khả năng siêu việt này với em bé Tường Lam nhớ một số bài Chú (chứ không phải Kinh tạng) thì bản thân tôi nhận thấy em bé Tường Lam chưa thật sự nổi trội hơn các bạn trẻ như được ví dụ ở trên.
Về việc bé Tường Lam ăn chay từ khi còn nhỏ, chúng ta cũng đã từng thấy có nhiều đứa trẻ không ăn được cá thịt, không ăn thức ăn mặn từ nhỏ và ăn chay cũng xuất phát từ nhiều nguyên nhân, đó là ăn chay do cơ địa phù hợp với thức ăn chay, do vấn đề liên quan đến sức khoẻ, do tính từ bi tránh sát sinh, hoặc do người đó có căn tu nên ăn chay và ăn chay không chỉ đối với con người mà ở nhiều chủng thể khác cũng có hiện tượng này. Ăn chay vốn mang tính lành nhưng không có nghĩa ai ăn chay cũng là Phật tái sinh.
Vì vậy việc cộng đồng mạng đang lan truyền câu chuyện về bé Tường Lam theo cách thậm xưng, mang tính thần thánh hoá, dẫn đến việc đưa hình ảnh một em bé 4 tuổi ăn chay và đọc thuộc một số bài Chú trở thành siêu phàm, trở thành đấng cứu thế, gây hoang mang và hiếu kỳ từ nhiều người, trong đó không loại trừ một số thành phần lợi dụng hiện tượng mạng để câu view, câu like, dẫn đến việc tung hô thái quá khi chưa được kiểm chứng chuyên sâu, chưa đủ tính xác thực bởi đến nay, câu chuyện về bé Tường Lam cũng chỉ được cung cấp từ một phía gia đình.
Việc ví cô bé Tường Lam là “Phật đầu thai” vô tình làm mất đi tính tôn nghiêm, sai lệch bản chất cốt lõi nhà Phật bởi đức Phật là bậc giác ngộ tối tôn tối tuyệt, Phật đã diệt bỏ hoàn toàn hữu lậu, Phật đã thành đạo và giải thoát khỏi lục đạo luân hồi thì không thể dùng cảm tính, suy diễn về một hiện tượng nào đó mà nói rằng “Phật đầu thai” lại được.
Có nhiều người bình luận cho rằng “Bé Tường Lam nói còn hay hơn các giảng sư, bé xuất hiện là để giác ngộ cho con người, nghe bé nói chúng ta mới tỉnh ngộ…”, là một phật tử, tôi nghĩ dù chúng ta có thần thánh hay ngưỡng mộ bất kỳ ai thì cũng không nên hủy báng và bác bỏ công sức của nhiều vị giảng sư, tăng, ni với nhiều công trình nghiên cứu phật pháp đóng góp cho nhân loại, việc ca tụng một em bé 4 tuổi để hủy báng hoặc xuyên tạc công đức của các vị tu hành từ trước đến nay là điều thật sự không nên.
Chúng ta phải thừa nhận rằng, mỗi chúng sinh, không phân biệt chủng thể, không phân biệt lớn nhỏ, bất kỳ ai khi đã phát tâm hướng thiện đều là điều tốt lành, đều đáng tán dương hoan hỷ, tuy nhiên để nhận xét, đánh giá và công nhận một sự việc mang tính tâm linh, mầu nhiệm thì chúng ta cần thời gian để kiểm chứng từ nhiều góc độ khoa học và Tôn giáo, tránh việc lợi dụng tín ngưỡng, Tôn giáo để thần thánh hoá, làm biến tướng giá trị tốt đẹp của đạo Phật thành mê tín dị đoan vì mục đích cá nhân (điều này trước đây cũng đã từng xảy ra).
Câu chuyện về bé Tường Lam cho chúng ta nhìn lại những hiện tượng trẻ em “thần đồng”, “Bồ Tát hoá thân” trước đây, bởi có nhiều trẻ em có khả năng thiên bẩm khi còn nhỏ nhưng theo thời gian, khả năng đó lại dần dần mất đi, và câu chuyện xoay quanh những “thiên tài”, “Bồ Tát” đó cũng chỉ là câu chuyện còn lại trong quá khứ chứ không duy trì, phát triển được về lâu dài như người ta từng ca tụng.
Ứng xử với câu chuyện trên mạng xã hội
Ngày nay, trẻ em được tiếp cận nhiều phương tiện thông tin hiện đại nên nhiều em có khả năng đọc nói, viết ngoại ngữ như tiếng mẹ đẻ, ghi nhớ được nhiều thứ xung quanh cũng là không hiếm, nó cũng tương tự như việc bé Tường Lam học thuộc một số bài Chú trong Phật giáo mà thôi.
Đối với trường hợp bé Tường Lam, chúng ta cũng nên nhìn nhận về bé ở một mức độ và chừng mực nào đó, bởi tu hành và căn duyên với phật pháp là cả một quá trình huân tập và hành trì, mà ngày nay, mạng xã hội thường dễ đánh lừa người đọc, người xem bằng nhiều hình thức, bằng những thông tin chớp nhoáng, ào ạt như một kiểu trào lưu khiến cho nhiều người dễ bị trôi theo, khó lòng phân biệt.
Bên cạnh đó, việc thánh hoá một cô bé như Tường Lam sẽ vô tình gây ảnh hưởng đến đời sống của trẻ em, ảnh hưởng sự phát triển tự nhiên về mặt tâm lý, năng lực, nhất là đối với người tu tập càng là điều nên tránh. Việc đánh bóng có phần thái quá về hiện tượng em bé Tường Lam, thiết nghĩ chúng ta nên cân nhắc và tiết chế.
Cửa Phật luôn rộng mở để đón nhận mọi chúng sinh đến với Phật bằng tâm trong sáng, bằng sự an tịnh và thuần thành, vì vậy tín ngưỡng, nhiếp tâm phải là điều hết sức tôn nghiêm và chú trọng.
Luân hồi, tiền kiếp vốn được xem là yếu tố tâm linh, khó nhận biết và lý giải một cách chính xác nên dễ trở thành mảnh đất để nhiều người dựa vào đó mà khai thác và trục lợi, mỗi người chúng ta, đặc biệt là phật tử, khi tiếp nhận thông tin, câu chuyện gì liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo cũng cần phải lưu ý, nhìn nhận và hiểu biết bằng cái nhìn từ bi, tinh tấn và trí tuệ, không để bị dẫn dắt bởi một trào lưu hay hiện tượng tô hồng, thánh hoá nào đó.
Tác giả: An Tường Anh
Bình luận (0)