1. Khát quát quá trình du nhập Phật giáo vào vùng đất Tây Nam Bộ
Ngày nay, hầu hết những nhà nghiên cứu sử học đều cho rằng quá trình du nhập Phật giáo vào miền Tây Nam bộ rất sớm từ thế kỷ XVI với sự phân chia Phật giáo Đàng Trong và Đàng ngoài lấy sông Gianh làm ranh giới, thời kỳ này còn được gọi là Trịnh – Nguyễn phân tranh. Do đó, đạo Phật dần mất đi tác dụng mạnh mẽ trên vùng đất Đàng Trong, tuy nhiên lợi thế về địa hình, giao thông mở rộng tiếp thu và trao đổi tiếp nhận các giá trị văn hóa từ nhiều nước du nhập, để tạo nên tiền đề cho Phật giáo tại vùng Tây Nam bộ có được các giá trị tinh hoa đặc trưng góp phần hình thành và phát triển sau này.
Phật giáo truyền vào vùng đất này bằng bốn hướng chính yếu tạo dấu ấn quan trọng trong tiến trình lịch sử và vùng đất Mỹ Tho được tiếp cận Phật giáo hướng thứ hai, “theo đường thủy, từ Trung Quốc, Phật giáo được nhà sư theo chân đoàn người Bài Thanh, Phục Minh đến thẳng vùng đất Đồng Nai, Gia Định, Mỹ Tho truyền đạo. Những ngôi chùa cổ ở Mỹ Tho, Cai Lậy và các Phật đường xuất phát từ các nhà sư Trung Quốc” [ 3, tr.10].
Từ thế kỷ XVIII vùng đất này đã hội nhiều phái Phật giáo, giai đoạn vua Nguyễn Ánh lên ngôi quân Tây Sơn đã tàn phá nhiều chùa đã được trùng tu trước đó. Trong sự loạn lạc quân Tây Sơn đánh đuổi vị vua này đã có sự ẩn mình dưới nhiều ngôi già lam trên vùng đất Tây Nam Bộ, lịch sử ghi lại Hòa thượng Dung trụ trì chùa sắc tứ Linh Thứu đã lật đại hồng chung để giấu vua vào trong. Từ sự kiện này vương triều Nguyễn cũng như các vua thời đại này tiếp nối sắc phong nhiều ngôi chùa cổ ở Nam bộ. Đồng thời “Đến đầu thế kỷ XIX, Phật giáo phát triển khá mạnh. Bên cạnh sắc tứ cho các ngôi chùa cổ các vị này còn cho xây dựng và trùng tu các chùa lớn” [ 10, tr.183]. Theo GS Trần Thuận dẫn chứng trong “Phật giáo ở Nam bộ quá trình hình thành và phát triển” ở Tiền Giang tiêu biểu có chùa Vĩnh Tràng tọa lạc tại ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 73 km về hướng Tây Nam.
2. Giới thiệu bảng Sắc tứ chùa Vĩnh Tràng
Năm 1941 (Bảo Đại năm thứ 16), chùa Vĩnh Tràng được nhà Vua ban bức Đại tự sơn son thếp vàng bằng chữ Hán “Sắc tứ Vĩnh Tràng Tự” (勅賜寺長永) treo ở gian giữa chùa trước điện Phật. Được làm bằng gỗ chữ được khắc vào gỗ sơn son thép vàng kích thước ngang 1,6 m và cao 0,8m chạm trỗ hoa văn xung quanh hình rồng rất sinh động, Sắc tứ vua ban có nghĩa được Triều đình công nhận, xếp vào diện được quan tâm đặc ân của nhà nước Phong kiến Triều Nguyễn.
Theo tự điển Hán Nôm sắc tứ (勅 賜) như Sắc phong (敕封), sắc tặng (敕贈). Trong Phật học Tinh Uyển sắc tứ (敕賜) nghĩa là: Hoàng Đế hạ lệnh ban cho. Như trong Đại Đường Thanh Long Tự Tam Triều Cúng Phụng Đại Đức Hành Trạng (大唐青龍寺三朝供奉大德行狀, Taishō Vol. 50, No. 2057) có đoạn: “Sắc tứ đao nhất khẩu, ư Thanh Long Đại Phật Điện tiền, thọ sắc dữ Hòa Thượng nhị đồng tử thế đầu, tứ Ca Sa y bát các lưỡng phó (敕賜刀一口、於青龍大佛殿前、授敕與和上二童子剃頭、賜袈裟衣缽各兩副, nhà vua sắc ban cho đao một lưỡi, tại trước Chính Điện của Chùa Thanh Long, sắc ban cho HT. Huệ Quả hai đồng tử xuống tóc, ban y Ca Sa và bình bát, mỗi thứ hai bộ).”
Vĩnh Tràng Tự (寺長永): còn được gọi là Vĩnh Trường Tự chữ (長) theo tự điển Hán Nôm ở đây có hai âm là Tràng và Trường khi làm tính từ hay còn gọi là hình dung từ (形容词) sẽ mang ý nghĩa là sự lâu dài. Vĩnh (永) ở vị trí (形容词) biểu thị sự vĩnh viễn, mãi mãi và làm phó từ (副词) cũng có ý nghĩa mãi mãi. Đứng trên phương diện không gian Vĩnh (永) là bất biến. Tràng (Trường) (長) đứng về phương diện thời gian biểu thị sự lâu dài. Tuy nhiên, khi mới thành lập chùa mang tên là chùa Ông Huyện, sau đó HT.Huệ Đăng được thỉnh về xây dựng trùng tu và đặt tên lại chùa là Vĩnh Trường với ngụ ý qua hai câu đối sau, nhưng do người dân nơi đây gọi trại thành Vĩnh Tràng từ đó tên gọi này thông dụng đến ngày nay:
“永乆對山河 長存齊天地
Phiên âm:
Vĩnh cửu đối sơn hà Trường tồn tề thiên địa” [ 5, tr.15] Dịch nghĩa:
Vĩnh cửu với núi sông Trường tồn ngang trời đất.
Hoành phi sắc tứ chùa Vĩnh Tràng từ ngoài nhìn vào bên tay phải bức hoành có ghi dòng chữ Hán: “保大十六年二月初八日 ” được phiên âm: “Bảo Đại thập lục niên nhị nguyệt sơ bát nhật” mang ý nghĩa về thời gian ngôi cổ tự được phong sắc tứ vào “Ngày 08 tháng 02 Bảo Đại năm thứ 16”. Tay trái là dòng chữ: “Lễ Công Bộ đại thần tôn bảo quảng cung điện” ghi bằng chữ Hán là “禮工部大宸尊宝 廣恭殿”.Dữ liệu này cho ta biết được ý nghĩa: “Bộ Lễ và Bộ Công ghi sắc phong tôn kính cho ngôi chính điện”.
Chữ cung “恭” trong câu này được dùng ở dạng chữ viết tự hình ( ) với ý nghĩa thể hiện sự cung kính hay tôn kính.
Sách sử ghi lại dưới thời nhà Nguyễn theo chế độ nhà Lê gồm có 6 bộ và hai bộ ở đây là Lễ Bộ (禮部): “Coi việc triều hộ, khánh hạ, tế tự, tôn phong, cùng là cách thức học hành thi cử, tinh biểu cho người sống lâu, người có tiết nghĩa, phong thụy cho các thần nhân...” [ 2, tr.371]. Thứ hai là Công Bộ (工部): “Coi việc làm cung điện, dinh thự, xây thành, đào hào, tu tạo tàu bè, đặt làm kiểu mẫu, thuê thợ thuyền, mua vật liệu...” [ 2, tr.371].
Nội dung và cách thức chạm khắc chữ Hán cho thấy sự ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa truyền vào qua cách viết từ phải sang trái của chữ Hán, đồng thời cũng mang đậm dấu ấn đặc trưng của dân tộc Việt qua hình tượng rồng uốn lượn được viền quanh tấm hoành phi. Rồng chính là biểu tượng phổ biến trong mỹ thuật Việt Nam thể hiện những khát vọng và lý tưởng qua từng thời kỳ lịch sử. Trên tấm hoành phi rồng với hình tượng “phi long tại thiên” (rồng bay giữa trời) với khí thế hiên ngang, ung dung tự tại giữa mây lành, thân rồng lẫn vào mây. Bởi lẽ, “bản thân con rồng đã được cấu tạo bởi những thành phần luôn uốn lượn sinh động từ to đến nhỏ, nó lại tung hoành giữa những đám mây cũng lượn sóng nhẹ nhàng như thế” [ 9, tr.265].
Rồng Nguyễn ở thế kỷ XIX hình tượng con Rồng còn giữ những nét đẹp do kế thừa tinh hoa truyền thống, có độ uốn lượn đều đặn, trau chuốt, phần lớn là thanh mảnh và tinh tế. Đặc điểm chỏm đầu thường bẹt, nổi vừa phải. Mắt là hai u tròn, mũi gồ, miệng hé mở lộ răng nanh nhọn. Sừng hai chạc cong ra phía sau. Tóc nhiều chẽ xoè kiểu nan quạt và hơi lượn sóng. Đây chính là sự giao thoa với đời sống tín ngưỡng giản dị không cầu kì vốn có của người Nam bộ cho thấy “ở đây cái cao xa và dường như không thật có là con rồng được hòa quyện với hình ảnh thật trong cuộc sống làm cho người xem đi đến nhận thức sánh với niềm tin và tín ngưỡng Phật giáo” [ 4, tr.136].
3. Sắc phong “Sắc tứ” chùa Vĩnh Tràng
Thư tịch về lịch sử để nói lên vì sao chùa Vĩnh Tràng được sắc phong rất hiếm và hầu như không tìm được cứ liệu gì về điều này. Tuy nhiên, dựa trên thực tế lịch sử dưới thời nhà Nguyễn và giá trị của ngôi cổ tự được hình thành gần hai thế kỷ có thể đưa ra các điều lý giải quan trọng với tiến trình lịch sử. Điều đầu tiên khi vua Gia Long bị quân Tây Sơn đuổi đánh ông đã trốn vào các chùa ở miền Nam trong đó có vùng đất Tiền Giang, do đây các vua nhà Nguyễn đã chú trọng đặc biệt quan tâm phong sắc tứ cũng như tu sửa chùa chiềng.
Thứ hai dưới thời Nguyễn có hai vị hoàng hậu là bà Từ Dụ hoàng thái hậu (慈裕皇太后) hay còn gọi Nghi Thiên Thái hoàng thái hậu (儀天太皇太后) là quý phi của vua Thiệu Trị và vợ vua Bảo Đại chính là Nam Phương Hoàng Hậu (南芳皇后) đều được sinh ra ở đất Gò Công tỉnh Tiền Giang, do đó các vua nhà Nguyễn rất quan tâm đến tôn giáo và văn hóa nơi vùng đất này.
Hơn thế nữa, căn cứ vào “Chùa Vĩnh Tràng ban đầu là một am tranh do ông bà Bùi Công Đạt lập nên. Quan tri huyện Bùi Công Đạt làm quan ở thành Gia Định dưới triều vua Minh Mạng (1820-1840). Sau khi về hưu, ông mua lại mảnh vườn của người bạn đồng liêu là ông Tri huyện Tuyết, ở làng Mỹ Phong, tổng Thạnh Phong, tỉnh Định Tường để xây cất am tranh tu hành” [ 5, tr.6], vì đây là vị quan dưới thời nhà Nguyễn nên đã được triều đình lưu tâm đến giá trị lịch sử của một ngôi chùa do vị quan thành lập.
Trải qua thời gian ngôi cổ tự này vẫn mang một lối kiến trúc độc đáo, tính đa dạng của kiến trúc do sự ảnh hưởng bởi nền mỹ thuật của Ấn Độ, Trung Quốc và cả phương Tây, theo sự du nhập đây là lối kiến trúc “Art nouveau” nhưng vẫn có ảnh hưởng nhiều đến kiến trúc Nam Bộ, “Chính điện nâng cao lê theo kiểu Tứ trụ Stupa với truyền thống Phật giáo Nam Bộ, kết hợp với những ngọn tháp hai bên hình dáng giống như năm tháp Angkor” [ 1, tr.430]. Ngoài ra trong ngôi chính điện “trên bàn thờ có nhiều tượng Phật như A Di Đà, Thích Ca, Di Lặc và các Bồ Tát” [ 6, tr.470], bộ tượng cổ nhất đó chính là “bộ Tam Tôn cao 93 cm bằng đồng, tiếc rằng tượng Quan Âm bị thất lạc, Tượng Ngọc Hoàng hầu hai bên là Khuyến Thiện và Trừng Ác” [ 7, tr.282] chùa giữ lại hơn 60 pho tượng quý được làm bằng đồng, đất, gỗ có giá trị lịch sử lâu đời.
Với những cứ liệu đó có thể đưa ra kết luận vua ban đại “Sắc phong” cho chùa Vĩnh Tràng ghi nhận sự tôn kính đối với ngôi tự viện cổ kính, lâu đời nơi lưu giữ rất nhiều cổ vật có giá trị cho Phật giáo trong tỉnh Tiền Giang nói riêng cũng như Phật giáo cả nước. Mãnh đất tâm linh này còn gắn liền các giai thoại và các sự kiện lịch sử quan trọng đối với triều đại nhà Nguyễn qua đó đã xây dựng nên dấu ấn tâm linh vững chắc đến với con người trên vùng đất mới này.
Thích Nữ Chơn Ngọc - Học viên Cao học khóa III Học viện PGVN tại Tp.HCM Chùa Dược Sư, số 464 Lê Quang Định, Quận Bình Thạnh, Tp.HCM
-------------------------------
THƯ MỤC THAM KHẢO 1. Trần Lâm Biền (1996), Chùa Việt, Nxb văn hóa – thông tin. 2. Trần Trọng Kim (2011), Việt Nam sử lược, Nxb Văn học, Hà Nội. 3. Trần Hồng Liên (1995), Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam bộ-Việt Nam từ thế kỷ XVII đến năm 1975, Nxb Khoa học xã hội. 4. Trần Hồng Liên (2000), Chùa Giác Lâm di tích lịch sử -văn hóa, Nxb Khoa Học Xã Hội, Tái bản lần 1, Hà Nội. 5. Thích Huệ Phát (2017), Chùa Vĩnh Tràng một ngôi chùa nhiều mỹ hiệu, Nxb Tôn giáo, Hà Nội. 6. Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long viết, Hồ Hải Thy dịch ra tiếng Anh (1993), Chùa Việt Nam, Nxb Khoa Học Xã Hội, TP.HCM. 7. Thích Huệ Thông (2002), Phật giáo Tiền Giang lược sử và những ngôi chùa, Nxb Thành Phố, HCM. 8. Trần Thuận (2019), Phật giáo Việt Nam góc nhìn lịch sử và văn hóa, Nxb Tổng hợp, TP. Hồ Chí Minh. 9. Chu Quang Trứ (2012), Mỹ thuật Lý-Trần mỹ thuật Phật giáo, Nxb Mỹ Thuật, Hà Nội. 10. Thích Nhật Từ chủ biên (2021), Phật giáo vùng Nam Bộ sự hình thành và phát triển, Nxb Hồng Đức, Hà Nội. 11. Tự điển Hán Nôm: https://hvdic.thivien.net/hv/s%E1%BA%AFc%20t%E1%BB%A9, truy cập ngày 21/06/2021. 12. Phật học Tinh Uyển: http://phatam.org/dictionary/detail/phat-hoc-tinh-tuyen/3/all/7662/sac-tu/1?key=s%E1%BA%AFc%20t%E1%BB%A9 truy cập ngày 21/06/2021. 13. TS. Phan Thanh Hải (2018), “Rồng, Phượng trọng nghệ thuật thời Nguyễn”: http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3096/68844/rong-phuong-trong-nghe-thuat-thoi-nguyen.html, truy cập ngày 21/06/2021. 14. “Họa tiết con rồng trong mỹ thuật cổ Việt Nam”: https://mythuatms.com/hoc-ve-hoa-tiet-con-rong-trong-my-thuat-co-viet-nam-d1161.html, truy cập ngày 21/06/2021. 15. https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%AB_D%E1%BB%A5, truy cập ngày 21/06/2021.
Bình luận (0)