Đại đức Thích Không Tú
Giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM
Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 9/2024
Đạo Phật, qua hơn 2000 năm truyền thừa và phát triển, đã trở thành một thành tố không thể thiếu trong đời sống dân tộc Việt Nam. Đạo Phật không chỉ là một tôn giáo mà còn là nguồn sống phong phú, thấm nhuần trong mọi sinh hoạt hàng ngày, được ghi nhận như một nét son chói lọi trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều này chứng minh tinh thần nhập thế và sự dung hòa của đạo Phật với truyền thống tâm linh của tổ tiên, như câu nói: “Mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông”.
Đạo Phật không chỉ dừng lại ở khái niệm một tôn giáo mà còn là một triết lý sống, một phong cách sống đẹp, có giá trị và mang lại lợi ích ngay trong hiện tại. Nó hướng đến tương lai tươi sáng cho những ai mong muốn tìm kiếm hạnh phúc chân thật từ lời Phật dạy. Từ ý nghĩa đó, đạo Phật không chỉ mang lại lợi ích cho tín đồ mà còn lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân, kể cả những người chưa quy y Tam bảo.
Người chưa quy y Tam bảo được xem là những cá nhân hoặc người dân chưa có sự hiểu biết rõ ràng hoặc còn mơ hồ về Phật giáo. Họ chưa có niềm tin hoặc niềm tin còn hời hợt vào Tam bảo. Đặc điểm của đối tượng này khi tiếp xúc với tăng, ni là chưa quen thuộc với cuộc sống sinh hoạt và quy tắc ứng xử chốn thiền môn, nên còn nhiều bỡ ngỡ trong cách xưng hô, nói chuyện, trao đổi và xử sự. Điều này đòi hỏi chúng ta phải cởi mở, khéo léo, uyển chuyển và không chấp nhặt trong giao tiếp.
Bài viết “Giao tiếp ứng xử: Sợi chỉ vàng kết nối tăng, ni với người chưa quy y Tam bảo” sẽ giới thiệu đến tăng, ni những kiến thức cơ bản và bao quát nhất về các quy tắc ứng xử và kỹ năng để giao tiếp hiệu quả với các đối tượng chưa quy y Tam bảo. Từ đó, chúng ta có thể kết nối truyền thông và xây dựng cộng đồng Phật giáo ngày càng lớn mạnh.
1. NGHỆ THUẬT GIAO TIẾP ỨNG XỬ VỚI NGƯỜI CHƯA QUY Y TAM BẢO
Người chưa quy y Tam bảo giống như một “trang giấy trắng” và tương tác với họ là cả một nghệ thuật. Tăng, ni cần luôn nhớ rằng, mục đích cuối cùng của việc giao tiếp này là giúp họ dần dần hiểu và tiếp nhận Phật pháp, hướng tới cuộc sống an lạc và giác ngộ.
1.1. Các nguyên tắc cơ bản khi giao tiếp với người chưa quy y Tam bảo
- Thấu Hiểu và Tôn Trọng
Giao tiếp hiệu quả không chỉ đơn thuần là việc truyền đạt thông tin mà còn là nghệ thuật lắng nghe và thấu hiểu. Tăng, ni cần dành thời gian để lắng nghe tâm sự, chia sẻ của người chưa quy y Tam bảo với lòng từ bi và sự kiên nhẫn. Bằng cách thấu hiểu hoàn cảnh, tâm tư và những khó khăn mà họ đang gặp phải, chúng ta mới có thể đáp ứng và hỗ trợ họ một cách phù hợp.
Tôn trọng người đối diện là nguyên tắc cơ bản trong giao tiếp. Đối với người chưa quy y Tam bảo, việc tôn trọng những quan điểm, tín ngưỡng và lối sống của họ là rất quan trọng. Chúng ta không nên áp đặt quan điểm cá nhân hay phê phán niềm tin của họ. Thay vào đó, hãy tạo ra một không gian mở, nơi mà mọi người có thể tự do chia sẻ và tìm hiểu về Phật giáo một cách tự nhiên.
- Lời nói đi đôi với hành động
Người ta thường nói “hành động có giá trị hơn ngàn lời nói”. Cách sống và hành động của tăng, ni là minh chứng sống động nhất cho những giá trị của Phật giáo. Bằng cách thể hiện lòng từ bi, lòng nhân ái và sự chân thành trong mọi hành động, chúng ta có thể truyền tải những giá trị Phật giáo một cách mạnh mẽ và sâu sắc.
Hãy luôn nhớ rằng, mỗi hành động dù nhỏ nhất cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Một nụ cười chân thành, một lời động viên đúng lúc, hay một hành động giúp đỡ vô tư đều có thể chạm đến trái tim của người đối diện và giúp họ cảm nhận được sự ấm áp và tình thương từ đạo Phật.
- Gắn kết qua các hoạt động cộng đồng
Tham gia và tổ chức các hoạt động cộng đồng là một cách hiệu quả để tăng, ni tiếp xúc và gắn kết với người chưa quy y Tam bảo. Qua các hoạt động từ thiện, văn hóa, giáo dục, chúng ta không chỉ giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn mà còn giới thiệu và lan tỏa các giá trị tốt đẹp của Phật giáo. Những buổi giảng pháp, khóa tu học, hay các chương trình thiện nguyện không chỉ là cơ hội để chia sẻ kiến thức Phật pháp mà còn là dịp để xây dựng mối quan hệ gần gũi, thân thiện với cộng đồng.
- Sử dụng ngôn ngữ gần gũi và dễ hiểu
Khi giao tiếp với người chưa quy y Tam bảo, chúng ta nên sử dụng ngôn ngữ gần gũi, dễ hiểu và tránh những thuật ngữ Phật học phức tạp. Việc giải thích các khái niệm Phật giáo bằng những câu chuyện đời thường, ví dụ sinh động sẽ giúp người nghe dễ dàng tiếp thu và hiểu rõ hơn về đạo Phật.
Chúng ta cũng cần chú trọng vào cách diễn đạt, giọng điệu và thái độ khi nói chuyện. Sự nhẹ nhàng, chân thành và kiên nhẫn sẽ giúp người nghe cảm thấy thoải mái và tin tưởng hơn. Đặc biệt, khi gặp những câu hỏi khó hoặc những quan điểm khác biệt, chúng ta nên lắng nghe với lòng bao dung và trả lời một cách bình tĩnh, sáng suốt.
- Khuyến khích và động viên
Luôn khuyến khích và động viên người khác hướng tới những điều tốt đẹp, dù họ đã quy y Tam bảo hay chưa. Việc tạo ra một không gian thoải mái, tôn trọng tự do tôn giáo là rất quan trọng. Chúng ta chỉ khuyến khích chứ không nên ép buộc hay gây áp lực cho người chưa quy y Tam bảo phải theo đạo Phật. Thay vào đó, hãy để họ tự do khám phá, tìm hiểu và quyết định con đường tâm linh của mình. Sự tôn trọng và tự do sẽ giúp họ cảm nhận được giá trị thực sự của đạo Phật và có thể tự nguyện quy y Tam bảo khi đã sẵn sàng.
Những nguyên tắc trên không chỉ giúp tăng, ni giao tiếp hiệu quả với người chưa quy y Tam bảo mà còn tạo dựng được sự tôn trọng và lòng tin từ phía họ. Những nguyên tắc này không chỉ áp dụng trong tôn giáo mà còn có thể áp dụng rộng rãi trong cuộc sống hàng ngày, giúp chúng ta xây dựng mối quan hệ tốt đẹp và bền vững. Tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu về nghệ thuật giao tiếp trong từng tình huống cụ thể.
1.2. Giao tiếp khi hỗ trợ nhu cầu tinh thần
Hòa thượng Thích Minh Châu (2002, tr.64) từng dạy: “Sinh ra đời ai cũng muốn hạnh phúc không ai muốn khổ đau, mà đạo Phật chính là đạo giúp con người thoát khỏi khổ đau ngay trong đời này, bằng những phương pháp thiết thực và hiện tại mà mỗi người chúng ta đều hiểu được và làm được, không phải những chuyện xa xôi huyền bí, siêu thực”. Thông thường người chưa quy y Tam bảo chưa biết đến đạo nhiều nhưng đến khi bản thân gặp nan đề hay gia đình có hữu sự thì họ thường đến chùa để nhờ tăng, ni giúp đỡ. Đây chính là điều kiện tốt để chúng ta tiếp xúc, gần gũi và thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với họ.
Nhu cầu cần trợ giúp tinh thần thường nảy sinh khi con người rơi vào tình huống bị tổn thương tinh thần, tình cảm; những thiếu hụt, khó khăn trong đời sống vật chất hay những căng thẳng, áp lực vì bệnh tật, nghề nghiệp… Lúc này, họ sẽ tìm đến chùa để được tăng, ni hỗ trợ hay đơn giản là tìm chút yên tĩnh nhằm cân bằng cuộc sống.
Có thể nói phần lớn người dân đến chùa là vì tang sự của người thân. Sự ra đi của người thân là điều kiện đưa họ đến chùa để nhờ các tăng, ni thực hiện các nghi lễ ma chay, tụng kinh cầu siêu, mong sớm được siêu thoát. Hiểu được các đặc điểm tâm lý đó, tăng, ni nên khéo léo thể hiện sự quan tâm, lắng nghe, đồng cảm với nỗi đau mất mát, sự hụt hẫng khi phải mất đi người thân yêu. Sư Minh Niệm (2020, tr.159) chia sẻ: “Một khi đánh mất khả năng lắng nghe chân thật, ta sẽ đánh mất cơ hội thấu hiểu chân thật”. Sự lắng nghe chính là điều kiện để thấu hiểu những nỗi khổ, niềm bất an của người khác. Như vậy, thông qua các nghi lễ tụng niệm, khai thị cho người mất cũng nên chú ý giao tiếp với người sống, động viên, an ủi, chia sẻ những giáo lý căn bản nhằm cung cấp những giá trị cốt lõi của đạo để hướng dẫn họ vượt qua nỗi đau mất mát, sống tốt hơn, hướng thượng hơn.
Ngoài cầu siêu, còn có các nhu cầu tinh thần khác thường gặp như: cầu an, nuôi em bé, xem cưới gả, cất nhà, cắt duyên âm, xem sao giải hạn, khai quang điểm nhãn, cúng xe, cúng nhà, khai trương... Các vấn đề này tuy không thuộc về Phật giáo nhưng với tinh thần tu học đúng chính pháp đòi hỏi người tu sĩ phải rất khéo léo làm sao có thể giải quyết được những bất an khi người dân tìm đến với mình nhưng cũng phải hướng họ theo đúng chính tín trên nền tảng phật pháp như nhân quả, nghiệp báo, duyên khởi.
Thời đại ngày nay, nhu cầu tham vấn tâm lý đã trở nên phổ biến tại các chùa. Không còn xa lạ khi thấy tăng, ni đóng vai tham vấn viên chia sẻ, hướng dẫn các đối tượng vượt qua những khó khăn trong chuyện tình cảm, stress, thất nghiệp, thất tình, bạo lực gia đình, con cái không nghe lời, cô đơn tuổi già… Để nâng cao năng lực giải quyết các nan đề này, đòi hỏi tăng, ni phải vừa am hiểu Phật học vừa nắm rõ kiến thức chuyên môn của ngành tham vấn tâm lý như các vấn nạn đời sống hiện đại, sinh lý giới tính, tâm lý lứa tuổi để đưa ra các lời khuyên, các hướng giải quyết hợp tình hợp lý có khả năng chuyển hóa, trị liệu cao, tránh cứng nhắc, khuôn khổ, thiếu chuyên môn.
1.3. Giao tiếp khi người chưa quy y Tam bảo đến viếng chùa, lễ Phật
Trong tâm thức của người Việt, chùa chiền là chốn linh thiêng, tôn kính, nơi mà bất kỳ ai cũng có thể đến để tìm kiếm sự bình an, cầu nguyện cho bản thân và gia đình. Đa phần những ngày lễ Tết, Rằm tháng Giêng, Vu Lan, Rằm tháng Mười… không chỉ dành riêng cho giới phật tử mà kể cả những người chưa quy y Tam bảo cũng có nhu cầu đến thăm viếng chùa, lễ Phật. Khi người chưa quy y Tam bảo đến viếng chùa, lễ Phật, tăng, ni cần thực hiện giao tiếp ứng xử một cách khéo léo để tạo ấn tượng tốt và dẫn dắt họ vào con đường Phật pháp.
Khi người chưa quy y đến viếng chùa, lễ Phật, tăng, ni cần lưu ý:
- Chào hỏi niềm nở: Đón tiếp người viếng chùa với thái độ niềm nở, thân thiện, sử dụng lời chào “Nam Mô A Di Đà Phật” hoặc “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật” để tạo cảm giác thân thiện và an lạc.
- Tư vấn và hướng dẫn: Hướng dẫn họ cách thức lễ Phật, cách cúng dường, cách hành thiền, cách đọc kinh. Cung cấp thông tin về các hoạt động phật sự của chùa, các khóa tu, các buổi giảng pháp.
- Lắng nghe và chia sẻ: Lắng nghe những tâm sự, thắc mắc của họ về Phật pháp, cuộc sống và tư vấn, chia sẻ theo tinh thần từ bi, trí tuệ của Phật giáo. Giúp họ giải tỏa những nỗi lo âu, căng thẳng và tìm thấy sự an lạc trong tâm hồn. Đồng thời, tránh các câu hỏi, lời nói có thể gây khó chịu hoặc hiểu lầm.
- Tránh xa các vấn đề chính trị và tranh cãi: Tôn trọng sự khác biệt về quan điểm, tín ngưỡng. Tránh đề cập đến các vấn đề chính trị, tôn giáo khác hoặc những chủ đề có thể gây tranh cãi. Tập trung vào các giá trị đạo đức, nhân văn và sự hòa hợp, an lạc mà Phật giáo mang lại.
- Chú ý đến các yếu tố giao tiếp phi ngôn ngữ: Ấn tượng đầu tiên khi người dân nhìn thấy tăng, ni rất quan trọng, bởi trong trí của họ người tu hành là những bậc thầy tâm linh rất giản dị, mô phạm, gần gũi nhưng cũng rất siêu phàm thoát tục. Do đó, khi tiếp khách nên ăn mặc chỉnh tề, mặc áo tràng khi tiếp khách, giữ đúng oai nghi của người tu sĩ, phong cách, thần thái phải thật tự nhiên nhưng không sỗ sàng, thật thân thiện nhưng đầy chuẩn mực. Đi nhẹ như gió, ngồi vững như chuông, đứng thẳng như cây thông, nằm như cung tên.
Ngoài ra, sự quan tâm khi dùng hệ thống âm thanh, bảng chỉ dẫn, tình nguyện viên phát thông tin các hoạt động đang diễn ra đến mọi người tham dự; hay sự thân thiện, chu đáo trong cách mời gọi dùng cơm dùng nước; sự chỉnh chu trong các tiểu ban, tiểu cảnh được bố trí tại chùa… Đó chính là nghệ thuật giao tiếp không lời, thông qua đó mọi người sẽ cảm nhận được sự tinh tế, chu đáo của nhà chùa dành cho họ.
1.4. Giao tiếp khi người chưa quy y Tam bảo muốn tìm hiểu về đạo
Là những người xuất gia, mang trên mình sứ mệnh hoằng dương chính pháp, tăng, ni đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc truyền bá kiến thức Phật học đến với đại chúng. Việc giao tiếp hiệu quả với những người chưa quy y Tam bảo, đang khao khát tìm hiểu về Phật pháp, là chìa khóa then chốt để khơi gợi niềm tin, gieo mầm thiện lành và lan tỏa giá trị Phật pháp cao đẹp.
- Tôn trọng và lắng nghe: Nền tảng cho sự hiểu biết sâu sắc
Sean Covey (2022) chia sẻ trong tác phẩm Bảy thói quen của bạn trẻ thành đạt: “Người ta cần được người khác lắng nghe cũng như cần ăn uống vậy. Nếu bạn chịu bỏ thời gian lắng nghe bạn sẽ có được những tình bạn thắm thiết”. Tôn trọng và lắng nghe là nền tảng cho mọi cuộc giao tiếp hiệu quả. Khi đối diện với những người đang tìm hiểu về đạo Phật, tăng, ni cần thể hiện sự tôn trọng đối với quan điểm, niềm tin và con đường tâm linh của họ. Hãy dành trọn vẹn sự chú ý, đặt mình vào vị trí của họ để thấu hiểu những trăn trở, băn khoăn và những câu chuyện mà họ muốn chia sẻ. Tạo một môi trường an toàn, cởi mở để họ thoải mái giãi bày tâm tư, dù là những điều khó khăn hay muộn phiền. Tránh phán xét hay áp đặt quan điểm cá nhân, hãy kiên nhẫn lắng nghe và thấu cảm với những gì họ trải qua.
- Soi sáng tâm hồn: Gieo mầm thiện lành bằng lời nói
Lời nói của tăng, ni có sức mạnh to lớn, có thể gieo mầm thiện lành và khơi dậy niềm tin trong tâm hồn người nghe. Hãy dành những lời khen ngợi chân thành cho những phẩm chất tốt đẹp, những nỗ lực tích cực của họ để khích lệ tinh thần và niềm tin vào bản thân. Khi cần thiết, hãy đưa ra góp ý một cách nhẹ nhàng, tế nhị, sử dụng ngôn ngữ tích cực và hướng đến giải pháp. Thay vì chỉ ra lỗi lầm, hãy tập trung vào những điều họ có thể làm tốt hơn và chia sẻ những lời khuyên hữu ích để giúp họ tiến bộ. Hãy lan tỏa niềm vui và hy vọng bằng cách chia sẻ những câu chuyện truyền cảm hứng, những bài học đạo đức nhẹ nhàng, phù hợp với trình độ và hoàn cảnh của họ.
- Định hướng tinh tế: Hỗ trợ thay vì áp đặt
Mỗi người có quan điểm, niềm tin riêng, do đó, tăng, ni cần tôn trọng sự tự do lựa chọn của họ. Thay vì áp đặt quan điểm cá nhân hay gượng ép họ theo một con đường nhất định, hãy đóng vai trò như một người định hướng tinh tế, hỗ trợ họ trong quá trình tìm hiểu và khám phá bản thân. Giới thiệu các nguồn tài liệu Phật học phong phú, đa dạng để họ tự tìm hiểu và lựa chọn những nội dung phù hợp với sở thích và nhu cầu của bản thân. Khuyến khích họ thực hành những phương pháp tu tập đơn giản, dễ áp dụng để họ có thể trải nghiệm và cảm nhận giá trị đạo Phật một cách trực tiếp, sâu sắc hơn.
- Áp dụng “Năm loại ngôn ngữ” của đức Phật
Đức Phật đã dạy trong kinh Ví Dụ Cái Cưa về “Năm loại ngôn ngữ” mà tăng, ni cần ghi nhớ và áp dụng trong giao tiếp: “Chư tỳ kheo, có năm loại ngôn ngữ mà các ông có thể dùng khi nói với các người khác: đúng thời hay phi thời, chân thực hay không chân thực, nhu nhuyễn hay thô bạo, có lợi ích hay không lợi ích, với từ tâm hay với sân tâm” (Thích Minh Châu, 2012, tr.170).
• Đúng thời: Lựa chọn thời điểm thích hợp để chia sẻ Phật pháp, tránh gượng ép hay làm phiền người khác.
• Chân thật: Sử dụng ngôn ngữ chân thành, rõ ràng, dễ hiểu, tránh nói dối hay khoa trương, phóng đại.
• Nhu nhuyễn: Lời nói nhẹ nhàng, tế nhị, thể hiện sự tôn trọng và thiện chí.
• Có lợi ích: Mang đến những thông tin hữu ích, giá trị, giúp ích cho cuộc sống của người nghe.
• Từ tâm: Xuất phát từ lòng từ bi, mong muốn giúp đỡ người khác hướng đến điều thiện.
- Nghệ thuật “Soi sáng” từ Thiền sư Thích Nhất Hạnh:
Thiền sư Thích Nhất Hạnh (2018) đã chia sẻ nghệ thuật “Soi sáng” trong sách Gieo trồng hạnh phúc rất hữu ích trong giao tiếp:
• Khen ngợi nhiều hơn chê trách: Tạo dựng niềm tin và khích lệ tinh thần học hỏi của người nghe.
• Khen trước góp ý sau: Giúp họ tiếp thu ý kiến một cách cởi mở và hiệu quả hơn.
• Sử dụng lời ái ngữ: Lời nói nhẹ nhàng, ấm áp thể hiện sự quan tâm và trân trọng.
Hãy áp dụng nghệ thuật “Soi sáng” này để mang đến cho những người chưa quy y Tam bảo niềm tin và khích lệ trên con đường tìm hiểu Phật pháp.
1.5. Giao tiếp trong các hoạt động “tốt đời - đẹp đạo”
Sứ mệnh thiêng liêng của người tăng sĩ trong mọi thời đại là “Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sinh vi bổn hoài”. Thực hiện sứ mệnh đó, các hoạt động từ thiện, xã hội là cơ hội để tăng, ni tiếp xúc, giao tiếp với người chưa quy y Tam bảo, đồng thời lan tỏa tinh thần từ bi, san sẻ của Phật giáo.
Khi tổ chức các hoạt động này, tăng, ni cần lưu ý:
- Lời chào hỏi và giới thiệu: Khi gặp gỡ, chào hỏi người dân một cách niềm nở, thân thiện. Giới thiệu mục đích, ý nghĩa của hoạt động từ thiện một cách ngắn gọn, dễ hiểu.
- Lắng nghe và chia sẻ: Lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của người dân. Chia sẻ, động viên họ bằng những lời nói chân thành, từ bi.
- Hỗ trợ tận tình: Giúp đỡ người dân một cách tận tình, chu đáo, không phân biệt đối xử. Đảm bảo rằng mọi người đều nhận được sự hỗ trợ một cách công bằng và trân trọng.
- Tránh xa các vấn đề nhạy cảm: Tránh đề cập đến các vấn đề chính trị, tôn giáo khác hoặc những chủ đề có thể gây tranh cãi. Tập trung vào việc lan tỏa tình yêu thương, sự giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng.
Nếu biết vận dụng tốt những hoạt động tốt đời đẹp đạo này vào con đường hoằng pháp thì kết quả mang lại trước tiên là lợi đời, tức là giúp ích cho người yếu thế thể chuyển mình khỏi cảnh khổ, tiến đến ổn định cuộc sống. Thứ đến là ích đạo, tức là thông qua lời nói, việc làm của tăng, ni trong các chương trình thiện nguyện đó, người dân có cảm tình, đặt niềm tin vào Phật pháp. Và kết quả hàng năm những người dân chưa biết đến Phật pháp đã biết đến hình ảnh đức Phật; những người chưa quy y đã phát nguyện nương tựa Tam bảo, trở thành người phật tử Việt Nam.
1.6. Giao tiếp trong tình huống bị chỉ trích, hiểu lầm, xúc phạm
Luôn nhớ tu sĩ là bộ mặt Giáo hội, đoàn thể Tăng già. Để giữ gìn hình ảnh Phật giáo, tăng, ni cần giữ gìn chính niệm, bình tĩnh, kiểm soát cảm xúc và phản ứng có trí tuệ khi đối mặt với những lời chỉ trích, hiểu lầm, hay xúc phạm từ người chưa quy y Tam bảo. Dưới đây là một số nguyên tắc ứng xử một cách linh hoạt tùy theo từng tình huống cụ thể:
- Lắng nghe và kiểm soát tốt cảm xúc
Kinh Ví dụ con rắn, đức Phật dạy chúng ta nên học cách đối phó với những lời nói và hành động xúc phạm một cách bình tĩnh và tỉnh táo, không nên để sân hận chi phối tâm trí “Này các tỳ kheo, nếu có những người khác nhiếc mắng, phỉ báng, làm cho các ông tức giận, ở đây các ông chớ có sân hận, bất mãn, tâm chớ khởi phẫn nộ” (Thích Minh châu, 2012, tr.185). Thay vì phản ứng tiêu cực như tức giận, sân hận, hay cãi vã, tăng, ni cần kiểm soát tốt cảm xúc và lắng nghe cẩn thận những lời góp ý, dù cho khó nghe hay khó chấp nhận. Việc thể hiện sự tôn trọng đối với người đang nói, dù họ có thái độ ra sao, là vô cùng quan trọng.
- Thấu hiểu nguyên nhân, tránh vội vàng phán xét
Carnegie, D (2008, tr.173) chia sẻ: “Hãy tôn trọng ý kiến của người khác, ngay cả khi bạn không đồng ý với họ. Mọi người đều có quyền có ý kiến riêng của mình. Đừng bao giờ nói rằng, anh/chị đã sai rồi”. Thay vì vội vàng phán xét hay quy chụp, tăng, ni cần cố gắng thấu hiểu lý do đằng sau những lời chỉ trích. Và hiểu rằng những lời này có thể xuất phát từ thiếu hiểu biết, bức xúc cá nhân, bị dư luận dẫn dắt hay định kiến về Phật giáo.
- Giải thích nhẹ nhàng, tránh tranh cãi
Nếu cần thiết, hãy giải thích một cách nhẹ nhàng và rõ ràng về quan điểm của Phật giáo. Tuyệt đối tránh tranh cãi hay áp đặt quan điểm của bản thân lên người khác. Sử dụng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu và phù hợp với trình độ của người nghe.
- Tha thứ và buông bỏ sân hận
Nếu thấy mình bị hiểu lầm hãy tha thứ cho những lời chỉ trích và hiểu lầm là thể hiện lòng từ bi của người tu hành. Nhớ rằng mọi người đều có thể mắc sai lầm và có những quan điểm khác nhau. Buông bỏ sân hận và oán giận sẽ giúp bản thân thanh thản và an lạc.
- Nhận lỗi, hướng đến hoàn thiện
Xét thấy mình có lỗi, đừng cố biện bạch, tăng, ni lắng nghe những lời góp ý một cách cởi mở và tiếp thu những điều có giá trị. Coi đây là cơ hội để tu tập bản thân và hoàn thiện đạo hạnh. Thái độ cầu thị và tinh thần tự giác nhận lỗi sẽ giúp xoa dịu dư luận và lấy lại lòng tin của người dân. Luôn tâm niệm nỗ lực để bản thân trở thành phiên bản tốt hơn mỗi ngày.
- Nhờ sự can thiệp của chính quyền địa phương
Việc can thiệp của chính quyền địa phương chỉ nên được xem xét trong những trường hợp sau:
1) Xung đột leo thang: Khi lời chỉ trích, xúc phạm chuyển thành hành vi bạo lực, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự hoặc uy tín của tăng, ni.
2) Nếu hành vi của đối phương có dấu hiệu vi phạm pháp luật, ví dụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xâm hại tài sản, xâm hại sức khỏe...
3) Bế tắc trong giải quyết mâu thuẫn: Khi tăng, ni đã nỗ lực giải quyết mâu thuẫn bằng các biện pháp Phật giáo nhưng không thành công, sự can thiệp của chính quyền địa phương có thể đóng vai trò trung gian, hỗ trợ hai bên đối thoại và tìm kiếm giải pháp chung.
Ứng xử đúng đắn theo tinh thần Phật giáo sẽ giúp tăng, ni hóa giải mâu thuẫn, vun đắp sự hiểu biết và tin tưởng giữa bản thân và quần chúng nhân dân, đồng thời góp phần hoằng dương chính pháp.
2. NHỮNG LỖI CẦN TRÁNH KHI GIAO TIẾP ỨNG XỬ VỚI NGƯỜI CHƯA QUY Y TAM BẢO
2.1. Phê phán và đánh giá sai thời gian, địa điểm
Đức Phật dạy trong kinh Lời nói thuộc Tăng Chi Bộ, tập 2: “Nói đúng thời, nói đúng sự thật, nói lời nhu hòa, nói lời liên hệ đến lợi ích, nói với lời từ tâm” (Thích Minh Châu, 2012, tr.820). Con người ai cũng có lòng tự trọng. Chúng ta muốn bảo vệ danh dự, thể diện của mình, không lẽ nào lại làm tổn hại danh dự, thể diện của người khác. Hãy giữ thể diện cho mọi người.
Việc phê phán hay đánh giá người khác, dù có ý tốt, nhưng nếu sai thời gian và địa điểm, sẽ dễ khiến họ tổn thương, sinh tâm khó chịu, kháng cự lại, thậm chí đoạn tuyệt mối quan hệ. Do đó, cần tránh phê phán và đánh giá người khác về nhân cách, niềm tin, quan điểm, lối sống của họ một cách tùy tiện khi họ chưa thật sự sẵn sàng đón nhận lời góp ý từ tăng, ni. Và một khi họ đã sẵn sàng đón nhận lời góp ý thì cũng nên dùng lời ái ngữ phân tích phải trái, đúng sai khiến người nghe dễ chấp nhận hơn là ngôn từ thô tháo. Luôn nhớ góp ý với tâm chân thành khác với xúc phạm nhân cách hay làm mất thể diện đối phương.
2.2. Sử dụng ngôn từ tối nghĩa và khó hiểu
Tránh sử dụng thuật ngữ phức tạp hoặc ngôn ngữ quá chuyên môn khi nói về đạo Phật với người chưa quy y Tam bảo. Hãy sử dụng ngôn ngữ đơn giản và giải thích một cách rõ ràng để giúp người khác hiểu được thông điệp của mình. Đảm bảo rằng những thông tin mình cung cấp là chính xác trên cơ sở kinh điển, giáo lý. Tránh lan truyền thông tin thiếu kiểm chứng hoặc truyền miệng hay nhớ mang máng.
Ví dụ: Khi người mới đến chùa, hãy mời họ dùng cơm trưa một cách thân thiện như “Mời cô/chú dùng cơm trưa với chùa” thay vì sử dụng các thuật ngữ phức tạp như “ngọ trai” hay “thọ trai cùng Bổn tự.”
2.3. Tự cao và tự đại
Giống như các truyền thống tâm linh khác, Phật giáo coi sự khiêm tốn là một đức tính tốt. Là tu sĩ, chúng ta nên giữ thái độ khiêm tốn và không tỏ ra cao ngạo với người khác. Đừng dùng sự học cao hiểu rộng hay bằng cấp, chức vụ đã và đang đảm nhiệm làm tiêu chuẩn giao tiếp với người chưa quy y Tam bảo. Đây được xem là thể hiện bản ngã của mình, tạo khoảng cách làm cho đối phương đánh mất cảm tình nơi mình. Đặc biệt với người có tri thức, hiểu biết, họ dễ thoái tâm hơn khi cảm thấy vị tu sĩ quá kiêu hãnh hoặc bị đối xử không khiêm nhường.
2.4. Đàm luận về các vấn đề thế tục
Người tu trong mắt người thế gian là những bậc thầy mô phạm, khoác áo nâu sòng, sống trong cửa chùa, không màng thế sự. Việc tìm hiểu các vấn nạn, thời sự xã hội chỉ là phương tiện để nắm bắt tâm tư của người tìm đến đạo. Không nên lấy đó làm chủ đề bàn luận với người chưa vào đạo.
Khi chúng ta đàm luận các sự kiện chính trị, tôn giáo bạn, chuyện nam nữ dung tục, buôn bán đổi chác, các sự kiện nổi bật trên mạng như một người rất am tường, sành sỏi trước mặt người khác, họ sẽ đánh giá tu sĩ quá thế tục, từ đó tín tâm khó phát khởi dẫn đến sự giáo hóa của bản thân khó thành công.
Đức Phật cũng từng dạy trong kinh Tăng nhất A hàm, phẩm Thiện ác: “Các tỳ kheo, chớ bàn luận những việc thế tục. Vì sao như vậy? Vì những điều luận bàn ấy là vô nghĩa, vì chúng không hướng đến pháp lành, chẳng phải do những điều luận bàn này mà thành tựu được Phạm hạnh và cũng không thể đạt đến chỗ tịch diệt, Niết-bàn; cũng không được đạo bình đẳng của Sa-môn. Những điều luận bàn này là của thế tục, chẳng phải việc bàn luận hướng về điều chân chính. Các Thầy đã xa lìa thế tục, nương đạo tu hành thì không nên bàn luận hoặc tư duy về các phẩm hạnh bại hoại. Các Thầy muốn bàn luận, nên bàn luận về mười công đức” (Thích Thanh Từ, 2022, tr.680).
Không những không đàm luận thế tục, tăng, ni cũng không nên nói xấu người khác, nói xấu tăng, ni khác với người thế tục. Trong lúc thiếu kiểm soát dễ phát sinh những lời nói xấu người khác, hoặc thấy ta đúng người sai nên hay nói xấu người khác, hoặc ta muốn hạ bệ người để tranh giành quyền lực, tranh giành quần chúng nên nói xấu kẻ khác để kéo họ về phe ta. Hành động này vô tình ta đang làm tổn thương mình và người, còn khiến người chưa quy y Tam bảo mất đi tín tâm và thậm chí họ còn phỉ báng Tam bảo.
2.5. Bất nhất giữa lời nói và hành động.
Kinh pháp cú – Lời Phật dạy, kệ 51, đức Phật dạy:
“Như bông hoa tươi đẹp,
có sắc nhưng không hương.
Cũng vậy, lời khéo nói,
không làm, không kết quả” (Thích Thiện Siêu và Thích Minh Châu, 2014, tr.47).
Lời kệ này so sánh lời nói với bông hoa, nếu bông hoa chỉ có sắc mà không có hương; lời nói chỉ có sự khéo léo mà không đi đôi với hành động thì cũng không có giá trị. Điều này nhấn mạnh rằng lời nói phải đi đôi với hành động và sự chân thật mới làm nên giá trị và khiến người khác cảm phục.
Trong tu học cũng vậy, sự không thống nhất giữa lời nói và hành động là một vấn đề phổ biến dễ gây mất lòng tin của người khác. Trong giao tiếp ứng xử, đây là một lỗi không chuẩn mực, có thể tạo ra sự bất mãn và hoài nghi. Vì thế, thái độ và những biểu hiện của thái độ cần phải phù hợp với các phản ứng hành vi. Tránh bất nhất giữa lời nói và hành động.
Ví dụ: Gần đây dư luận hay chỉ trích các tu sĩ chạy theo xu hướng, thời trang, lạm dụng của tín thí, sử dụng các món đồ đắt tiền khiến dư luận dị nghị. Mặc quần áo lòe loẹt giống người đời, màu sắc sặc sỡ, mỏng manh, xuyên thấu, đeo các thứ trang sức đắt tiền như ngà voi, vàng, hột xoàng, mang giày dép cao gót, sử dụng điện thoại đắt tiền, chạy theo xu thế. Những cách thể hiện này dường như trái với tôn chỉ thiểu dục tri túc, xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo mà một tu sĩ Phật giáo thực tập nên nhận được sự phản ứng gay gắt từ dư luận quần chúng.
2.6. Thiếu tôn trọng và lắng nghe
Bất kỳ ai đến chùa cũng muốn được quan tâm, được lắng nghe và được chia sẻ. Vì thế đừng chỉ trả lời cụt ngủn: “Ừm…”, “Vâng…”. Hãy cố gắng diễn đạt thêm một vài từ phù hợp để câu nói dài hơn, khiến người đối diện cảm thấy họ không chỉ được nghe mà còn được lắng nghe, được hiểu những gì họ nói.
Tập lắng nghe tâm tư tình cảm của người khác, người tu sĩ sẽ hiểu hơn về quan điểm, suy nghĩ và tính cách của họ, từ đó biết thêm được nhiều điều… Hơn nữa, khi lắng nghe người khác tức là chúng ta đã tập cho bản thân sự kiên nhẫn, hết lòng vì mọi người. Hãy bắt đầu học cách “kiên nhẫn lắng nghe” và để dần hình thành một thói quen thuần thục trong giao tiếp, chắc chắn rằng, hầu hết mọi người, từ những người mới quen, người chưa quy y Tam bảo, gia đình, bạn bè, sẽ vui vẻ dành cho chúng ta sự quý trọng, tràn đầy thân thiện và yêu mến. Hơn nữa, khi lắng nghe, tôn trọng và thấu hiểu, tăng, ni không những có hành xử đầy tình thương mà cái thấy, cái hiểu của bản thân về cái khổ của thế gian cũng trở nên trọn vẹn hơn.
3. NHỮNG LỢI ÍCH KHI GIAO TIẾP HIỆU QUẢ VỚI NGƯỜI CHƯA QUY Y TAM BẢO
Là những tu sĩ Phật giáo, việc chuyển tải giáo lý của đạo Phật đến với quần chúng nhân dân là bản nguyện thiêng liêng, bởi lẽ “Phật pháp xương minh do tăng, ni hoằng hóa”. Để đạt được mục tiêu này, giao tiếp hiệu quả với người chưa quy y Tam bảo rất đáng được chú trọng. Việc chuyển tải giáo lý đến với Phật tử sẽ không có gì khó khăn bởi sự tín tâm, thuần thành của họ, nhưng sẽ tuyệt vời hơn nếu giáo lý ấy được lan rộng và chuyển tải đến khắp mọi người. Thành công trong giao tiếp với người chưa quy y Tam bảo thì đem lại những lợi ích sau:
- Tạo cảm giác thân thiện và dẫn dắt mọi người đến với đạo Phật
Khi giao tiếp hiệu quả, tăng, ni có thể tạo cảm giác thân thiện và gần gũi, dễ dàng dẫn dắt người chưa quy y về với ngôi nhà Phật pháp. Điều này góp phần hưng thịnh đạo pháp khắp nơi, giúp mạng mạch Phật pháp trở nên miên trường. Chúng cận sự nam, cận sự nữ - những thành viên trong tứ chúng đệ tử Phật - cũng bắt đầu từ những người chưa quy y Tam bảo.
- Thành tựu tâm nguyện hoằng pháp: Giao tiếp hiệu quả là công cụ giúp tăng, ni thực hiện tâm nguyện cao cả của mình là “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh.” Khi tăng, ni có khả năng giao tiếp tốt, họ có thể tiếp cận và chia sẻ giáo lý với nhiều thành phần khác nhau trong xã hội, từ đó mở ra cơ hội học hỏi, trải nghiệm đa dạng và làm phong phú tri thức cá nhân.
- Nâng cao uy tín và hình ảnh Giáo hội: Khi tăng, ni giao tiếp hiệu quả và đáp ứng được nhu cầu tâm linh của người chưa quy y, họ sẽ hình thành tình cảm gắn bó với đạo, tạo nên hình ảnh tốt đẹp và uy tín cho Giáo hội. Những người chưa quy y nhưng có thiện cảm và hiểu biết đúng đắn về Phật giáo sẽ trở thành những hộ pháp viên đắc lực, bảo vệ tăng, ni, hỗ trợ đời sống tu học và các phật sự của Giáo hội trong tương lai.
- Giải trừ hiểu lầm và gây dựng niềm tin: Giao tiếp hiệu quả giúp tăng, ni truyền tải những thông tin chính xác và tích cực về Phật giáo, giúp người dân hiểu rõ hơn về đạo. Điều này giúp phá tan những hiểu lầm, luận điệu xuyên tạc và tà tín về Phật giáo. Tiến xa hơn, giao tiếp hiệu quả có thể dẫn dắt người dân quy y Tam bảo, trở thành phật tử chân chính.
- Phát triển kỹ năng cá nhân và cộng đồng: Kỹ năng giao tiếp không chỉ giúp tăng, ni trong việc hoằng pháp mà còn phát triển kỹ năng cá nhân như kiên nhẫn, lắng nghe, đồng cảm và thấu hiểu. Những kỹ năng này không chỉ hữu ích trong việc giao tiếp với người chưa quy y mà còn trong mọi mối quan hệ xã hội. Sự phát triển này giúp tăng, ni trở thành những bậc thầy tâm linh mẫu mực, tạo ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng và góp phần xây dựng một xã hội an lành, hạnh phúc.
4. Kết luận
Người đệ tử Phật cần có quyết tâm dũng mãnh và tấm lòng từ bi trong việc truyền bá giáo pháp, như tấm gương Tỳ kheo Abhibhu được nêu trong Tương Ưng Bộ kinh, tập 1.
“Hãy đứng dậy, lên đường
Hãy dấn thân Phật giáo
Hãy đánh bại ma quân
Như voi phá chòi lá”
(Thích Minh Châu, 2013, tr.246).
Thao thức đem giáo pháp vào đời là tâm nguyện của bất kỳ ai dấn thân theo con đường mà đức Phật đã khai mở. Muốn thực hiện tâm nguyện đó, phải đủ tài, đủ đức và đủ duyên, và điều kiện cần là phải tương đối thành công trong kỹ năng giao tiếp. Có thể nói, kham nhẫn là một đức tính đặc thù của nhà truyền giáo, thì nhuần nhuyễn trong giao tiếp lại là một tố chất cần thiết, liên quan đến sự thành công của bất cứ một nhà hoằng pháp nào.
Giao tiếp với người chưa quy y Tam bảo về bản chất cũng là hoạt động giáo dục và hoằng pháp của tăng, ni với động cơ cứu khổ ban vui, giúp mọi người được an vui, hạnh phúc trong đời sống; tiến xa hơn là hướng họ quy y Tam bảo trở thành phật tử chân chính.
Những vấn đề cốt lõi trong nghệ thuật giao tiếp với người chưa quy y Tam bảo như đã trình bày là một nỗ lực đúc kết kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng nhằm cung cấp đến quý tăng, ni những quy chuẩn và phương pháp giao tiếp hiệu quả, làm giàu thêm hành trang trên bước đường phụng sự và hành đạo, cùng chung tay xây dựng và phát triển ngôi nhà Phật giáo Việt Nam trường tồn.
ĐĐ.TS. Thích Không Tú
Giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM
Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 9/2024
***
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Carnegie, D. (2008). Đắc nhân tâm (How to Win Friends and Influence People). Nxb Trẻ. TP.HCM.
2. Minh Niệm. (2020). Hiểu Về Trái Tim. Nxb Tổng Hợp TP. HCM.
3. Sean Covey, Vũ Thị Thu Nhi, Nguyễn Thành Nhân (dịch). (2022). 7 Thói Quen Của Bạn Trẻ Thành Đạt. Nxb Tổng Hợp TP.HCM.
4. Thích Minh Châu (dịch). (2012). Kinh Trung bộ 1, 22. Kinh Ví dụ con rắn. Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành. Nxb Tôn giáo.
5. Thích Minh Châu (dịch). (2012). Kinh Trung Bộ, tập 1. Kinh Ví Dụ Cái Cưa. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành. Nxb
Tôn giáo, Hà Nội.
6. Thích Minh Châu (dịch). (2013). Kinh Tương ưng, tập 1, chương 6, Tương ưng Phạm thiên, phẩm thứ hai, Arunavàti. Viện
Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành. Nxb Tôn giáo.
7. Thích Minh Châu (dịch). (2015). Tăng Chi Bộ, tập 1. Chương 5 pháp, phẩm Bà La Môn, kinh Lời Nói. Viện Nghiên cứu Phật học
Việt Nam ấn hành. Nxb Tôn giáo.
8. Thích Minh Châu. (2002). Đạo Đức Phật Giáo Và Hạnh Phúc Con Người. Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
9. Thích Thanh Từ (dịch). (2022). Kinh Tăng nhất A hàm, Số 40. Phẩm Thất nhật, Kinh số 6. Nxb Tổng hợp TP.HCM.
10. Thích Thiện Siêu và Thích Minh Châu (dịch). (2014). Kinh pháp cú - Lời Phật dạy. Nxb Hồng Đức.
Bình luận (0)