Tóm tắt
Với việc áp đặt chế độ thuộc địa lên đất nước ta, thực dân Pháp cần phải có những người bản xứ giúp việc nên đã du nhập nền giáo dục Tây học sang nước ta ở cả 3 kỳ (Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ) và cho rằng "khai hóa văn minh". Đó là nền giáo dục Pháp nhưng có sự hội nhập của nền giáo dục bản xứ và cải biến cho thích hợp với điều kiện địa phương, được gọi là nền giáo dục Pháp - Việt. Về mặt khách quan, sự kiện đó đã lật sang trang mới, xóa bỏ nền giáo dục khoa cử Nho học cổ truyền và đưa nền giáo dục Việt Nam hội nhập với nền giáo dục của thế giới hiện đại, đồng thời mở ra một cuộc đời mới cho giới nữ lưu ở nước ta, đem lại cho họ một nền tảng vững chắc về bình đẳng giới và được tham gia đồng đẳng với nam giới trong sự đóng góp xây dựng đời sống xã hội. Ngay trong thời điểm buổi đầu đó đã xuất hiện nhiều nhân vật nữ lưu để lại tên tuổi cho hậu thế, mà "xứ Huế" là rất tiêu biểu trong cả nước. Điều đó đã xóa bỏ quan niệm lâu đời cho rằng người con gái Huế trên đất Thần Kinh luôn luôn ngập ngừng e lệ và khép kín bên trong những mảnh tường vôi.
Tag: Tây học, thực dân Pháp, xứ huế, đất Thần Kinh, nho học, giáo dục Pháp,…
Phụ nữ - một nửa của thế giới loài người, luôn đóng những vai trò nhất định trong xã hội. Họ có thể làm nên những điều vĩ đại như “đấng mày râu”. Song, trong thời phong kiến, họ bị gạt ra khỏi cuộc sống thênh thang của xã hội và bị dồn vào khuôn khổ chật hẹp của đời sống gia đình. Trong xã hội “trọng nam khinh nữ”, người phụ nữ không được phép đến trường để học chữ, học văn. Họ không được phép đặt chân đến cả những nơi tôn nghiêm. Cuộc đời của họ do cha mẹ sắp đặt: “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Họ như những đóa hoa mỏng manh trước gió, bị xã hội và cả những người thân là cha, chồng phân biệt đối xử. Dưới ảnh hưởng của Nho giáo, người phụ nữ phải theo “tam tòng” và “tứ đức”. Trong gia đình, con gái có khi vẫn được học rất nhiều, nhưng không được tham gia tiến thân bằng khoa cử, mà là để chuẩn bị lấy chồng. “Gái thập tam- nam thập lục”, cái tuổi 13 với vô vàn ước mơ và hy vọng cho tương lai tươi sáng bị cắt ngang để rẽ vào lối sống gia đình, lo toan đủ điều: “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Nhưng đến thời cận hiện đại, người phụ nữ đã được mở ra một tương lai và một vị trí mới. Dưới thời Pháp thuộc, người Pháp đã du nhập nền giáo dục hiện đại sang nước ta, trong đó người phụ nữ được phép đến trường, được xây đắp ước mơ và vị thế của họ được khẳng định trong đời sống xã hội, bên cạnh đời sống gia đình.
I. Giáo dục Pháp-Việt đầu thế kỷ XX và sự mở cửa giáo dục cho nữ giới ở Việt Nam.
1. Quá trình xác lập của nền giáo dục Pháp-Việt ở Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Sau ngày thực dân Pháp chiếm được toàn cõi nước ta, nền giáo dục của phương Tây, thông qua hành lang văn hóa Pháp, đã thâm nhập vào toàn cõi nước ta. Không kể về hệ thống trường do người Pháp mở ra ở Nam Kỳ trước năm 1884, thì có thể kể đến sự kiện ngày 12-3-1885, Paul Bert, Tổng Trú sứ của chính quyền đô hộ Pháp ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ đã công bố quyết định về chương trình giáo dục bậc tiểu học tại các trường thuộc chính quyền Bảo hộ. Việc giảng dạy ngôn ngữ bản xứ, tức chữ Quốc ngữ, được tiến hành bên cạnh các buổi học tiếng Pháp. Văn bản này cũng quy định về chức trách, nhiệm vụ giáo dục… Tuy nhiên, chương trình đó chưa được triển khai trên thực tế thì Paul Bert qua đời. Bên cạnh việc cho mở hệ thống trường Thông ngôn (1886).
Hậu bổ (1897) và Sư Phạm (1897) ở Hà Nội và Trường Quốc Học (1896) tại Kinh đô Huế, thì trong các trường đó có dạy cả tiếng Việt và tiếng Pháp. Chính quyền Pháp còn cho thành lập ở Việt Nam nhiều trường dạy nghề như Trường Thực Nghiệp Dạy nghề Sài Gòn (1904), Trường Kỹ Nghệ (1902), Trường Canh Nông Huế (1900) … Đây là một số biểu hiện đầu tiên của nền giáo dục Pháp tại nước ta. Năm 1905, Pháp thành lập Nha học chính Đông Dương, nhưng quy định chưa thật sự rõ ràng và phù hợp cho nên cũng chưa đáp ứng được các yêu cầu cấp thiết. Ở Nam Kỳ các tổng, xã đa số có trường tiểu học Pháp-Việt dạy chữ Pháp và chữ Quốc ngữ. Ở Bắc Kỳ, và nhất là ở Trung Kỳ, các trường dạy chữ Hán vẫn tồn tại, trong khi chữ Pháp và chữ Quốc ngữ thì rất ít. Đó là bước tiếp xúc thứ hai với nền giáo dục Pháp của nhân dân ta. Nhưng trên thực tế, 3 miền lại tồn tại 3 chế độ giáo dục khác nhau nên đã gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, chính quyền Pháp đã tiến hành các cuộc cải cách về giáo dục(1).
Cuộc cải cách giáo dục Pháp- Việt lần thứ nhất.
Báo cáo và kiến nghị của Nha Học Chính ngày 16-6-1906 đã đề nghị Toàn quyền Đông Dương đứng ra cải cách nền học chính bản xứ tại Đông Dương, gồm các việc như thành lập các trường Đại học, biên soạn giáo trình, thành lập Hội đồng hoàn thiện nền giáo dục bản xứ... Toàn quyền Đông Dương cũng tiếp tục ban hành nghị định quy định thành phần Hội đồng, hoàn thiện giáo dục tại Nam Kỳ (26-8-1906) và tổ chức Sở học chính tại Trung Kỳ (30-10-1906).
Vào năm 1906, thực dân Pháp cho ban hành chương trình cải cách giáo dục, đưa việc học chữ Pháp xuống bậc Tiểu học. Đến năm 1907, Trường Đại học Đông Dương ra đời ở Hà Nội. Tại các tỉnh lỵ và phủ huyện lớn, chính quyền thuộc địa cho mở hệ thống các trường Tiểu học Pháp - Việt. Học hết bậc học này, học sinh sẽ vào học trường Quốc Học (Huế) hay Bảo hộ (Hà Nội). Cũng từ năm 1906, hệ thống trường Pháp - Việt được tổ chức gồm 2 bậc để chuẩn bị thay thế cho nền giáo dục Nho học
Bậc Tiểu học gồm những trường có 4 lớp, gồm lớp tư, lớp ba, lớp nhì, lớp nhất. Chương trình học bằng tiếng Pháp gồm 14 môn như địa dư, lịch sử, học thuộc lòng… Về tiếng Việt, dạy 6 môn: chính tả, học thuộc lòng… Cuối kỳ, học sinh thi lấy bằng Tiểu học Pháp Việt.
Bậc Trung học, gồm 7 lớp chia làm 2 cấp là Trung học đệ nhất cấp (4 năm) và Trung học đệ nhị cấp (3 năm). Trung học đệ nhị cấp gồm hai ban là ban Văn học và ban Khoa học. Ban Văn học chủ yếu học văn học Pháp, ngoài ra có học thêm chữ Hán và tiếng Việt. Ban Khoa học chia làm 3 ngành công nghiệp, nông nghiệp và thương nghiệp đào tạo nhân viên cho các ngành kinh tế.
Bên cạnh đó, trường dạy chữ Hán được chia làm 3 bậc là Ấu học - Tiểu học - Trung học. Ấu học có 3 loại: trường 1 năm, trường 2 năm và trường 3 năm. Các loại trường này có trường bắt buộc học chữ Pháp, có trường không học chữ Pháp, nhưng học chữ Quốc ngữ và Hán Văn. Kết thúc cấp Ấu học phải thi để lấy bằng Tuyển sinh.
Bậc Tiểu học, học 2 năm, mở ở các huyện, học 3 thứ tiếng với các môn như địa lý, lịch sử, luân lý... Chữ Hán học 10 giờ/tuần, chữ Pháp gần 10 giờ/tuần và chữ Quốc ngữ 15,5 giờ/tuần. Cuối năm thi Hạch khóa để lấy bằng Khóa sinh.
Bậc Trung học, học 3 năm, trường mở ở các tỉnh lỵ, học sinh trường này được cấp học bổng, học với 3 thứ tiếng Pháp, Hán và chữ Quốc ngữ được dạy nhiều hơn. Kết thúc bậc trung học phải thi để lấy bằng, nếu đậu sẽ được miễn sưu dịch 1 năm và được thi hương. Thi hương có ba trường là trường nhất, trường nhì và trường ba. Kỳ phúc hạch chọn Cử nhân, thí sinh làm một bài luận chữ Hán, một bài chữ Quốc ngữ và một bài dịch chữ Pháp. Tùy vào số điểm cao thấp để định Cử nhân hay Tú tài. Người đỗ Cử nhân thì năm sau sẽ vào thi Hội và thi Đình để lấy học vị Tiến sĩ hay Phó Bảng.
Về sách giáo khoa, thời kỳ đầu chưa có, ở Nam Kỳ chủ yếu học tờ Gia Định báo. Về sau, trong nước có ra một số sách Ấu học luân lý của Trần Văn Thông và Đỗ Thận biên soạn, và các sách dịch từ tiếng Pháp như Ấu học bị thể, Nông học tập đọc…
Cuộc cải cách lần này tuy chưa đáp ứng được nền giáo dục thời đại, nhưng vẫn mang lại nhiều dấu ấn sâu đậm(2).
Cuộc cải cách giáo dục Pháp - Việt lần thứ hai.
Ngày 21-12-1917, Toàn quyền Albert Sarraut ký nghị định ban hành Học Chính tổng quy gồm 558 điều, 7 thiên với nhiều tiết, mục, chia giáo dục công tại Đông Dương thành giáo dục các cấp và dạy nghề.
Về giáo dục các cấp được chia làm 3 bậc:
Bậc Tiểu học chia làm 2 cấp: Cấp Sơ học: học 3 năm, dạy bằng tiếng Việt, thi tốt nghiệp lấy bằng Sơ học yếu lược. Cấp Tiểu học: học 3 năm, dạy bằng tiếng Pháp, thi tốt nghiệp lấy bằng Tiểu học.
Bậc Trung học chia làm 2 cấp:
Cấp Cao đẳng Tiểu học: học 4 năm, tiếng Pháp là ngôn ngữ chính, tiếng Việt mỗi tuần dạy một giờ, thi lấy bằng Cao đẳng Tiểu học Pháp - Việt, hay còn gọi là bằng Thành chung (hoặc Đíp-lôm).
Cấp Trung học bản xứ: học 3 năm, dựa theo chương trình Pháp có thêm Việt ngữ, Triết Trung Hoa, chữ Hán, chữ Hy Lạp và La tinh. Học xong 2 năm thi lấy bằng Tú tài I bản xứ. Sau đó, học thêm 1 năm thi lấy bằng Tú tài II bản xứ và kết thúc bậc Trung học.
Bậc Đại học: Số năm học của mỗi ngành là tùy theo từng phân khoa. Đó là các Trường Đại học Y khoa, Dược khoa, Luật khoa, Cao đẳng Sư phạm, Thương mại, Công chính, Nông lâm, Thú y, Cao đẳng Mỹ thuật, Kiến trúc, Khoa học(3).
Về giáo dục nghề, người ta mở các trường dạy nghề (bậc tiểu học) như trường tập nghề, gia chánh, canh nông, kỹ nghệ, mỹ nghệ và các lớp dạy thợ.
Ở bậc trung hoc, dạy toàn khóa, học sinh không mất tiền, ưu tiên làm việc khi ra trường, bên cạnh nghề học sinh được học về lịch sử, công nghệ, khoa học…
Hệ Cao đẳng: hệ này sinh viên được cấp học bổng, số lượng do Toàn quyền Đông Dương quyết định, dựa trên sinh viên các trường hoặc sinh viên tự do.
Về Nho học: Sau kỳ thi hương, thi hội, thi đình vào các năm 1915 (Bắc kỳ), 1918, 1919 (Trung kỳ), đến năm 1919 vua Khải Định ký Dụ bãi bỏ tất cả các trường học chữ Hán cùng hệ thống từ trung ương đến cơ sở, chỉ còn lại 2 trường là Hậu Bổ và Quốc Tử Giám, nhưng vài năm sau cũng bỏ nốt.
Như vậy, với việc ban hành những quy chế mới cùng với Dụ của triều đình, Toàn quyền Albert Sarraut đã xoá bỏ hoàn toàn nền giáo dục Nho học, chuyển sang nền giáo dục mới Tây học.
2. Sự mở cửa giáo dục cho nữ giới ở Việt Nam.
Sau khi được Pháp chấp nhận mở trường cho nữ sinh học thì tổ chức dạy học có sự phân chia giữa hai loại trường Nam và Nữ. Giáo dục nam sinh: Mỗi xã mở ít nhất một trường công bậc tiểu học. Những xã dưới 500 người đóng thuế mở trường chung cho cả xã đó. Lấy ngân sách của xã, tức địa phương để chi trả. Cơ sở vật chất của trường phải đúng với quy định.
Giáo dục nữ sinh: Học chính tổng quy định ở mỗi tỉnh phải có một trường toàn cấp cho nữ giới. Thể thức như trường nam sinh. Các tỉnh chưa có trường riêng, có thể cho nam nữ học chung trường, chung thầy nhưng riêng lớp, trừ lớp đồng ấu.
Giáo viên các trường phải có bằng tốt nghiệp Sư phạm Tiểu học, hay người có bằng Tiểu học sơ đẳng hoặc Trung học.
Riêng các trường Cao Đẳng Tiểu học (4 năm) dành riêng cho nữ sinh chỉ có ở Hà Nội (trường Trưng Vương), Huế (trường Đồng Khánh), Sài Gòn (trường Gia Long hay còn gọi là trường Áo tím). Trường Brieux khai giảng ngày 6-1-1908 tại Hà Nội có 178 nữ sinh, năm 1922-1923 số nữ sinh bậc Sơ học là 129 người. Tại trường nữ sinh Đồng Khánh - Huế, năm 1922- 1923 số nữ sinh Sơ học là 358 người, Trung học là 35 người. Trường nữ sinh Áo Tím khai giảng ngày 19-9-1915 có 42 nữ sinh, trường cũng có các lớp Đồng Ấu đến lớp Cao Đẳng. Tháng 9-1922, Trường có 226 học sinh Sơ học và thêm Nữ học đường có 24 học sinh. Năm 1930, số học sinh ở Trung kỳ là 1986 người, trong đó 47 người học lớp Sư Phạm và 494 người học lớp Cao đẳng Tiểu học. Chính sách giáo dục của Pháp tuy còn nhiều hạn chế, mang tính chất nhỏ giọt, nhưng cũng là bước ngoặt lớn đối với nữ giới, tạo nên những thay đổi sâu sắc trong đời sống gia đình và xã hội của họ. Ngoài việc được đi học, người phụ nữ còn được nói lên nguyện vọng của mình đối với gia đình, xã hội thông qua các cuộc thảo luận, các tờ báo nói về nữ giới. Số người nữ có học vấn, biết đọc, biết viết chính là nền tảng cho sự ra đời của các diễn đàn và dòng báo về phụ nữ thời bấy giờ như tờ: Nữ Giới Chung xuất bản 1918, Phụ Nữ Thời Đàm… với tôn chỉ: "Viết cho phụ nữ đọc và do phụ nữ viết". Vào những năm 1930, ở Việt Nam hình thành một tầng lớp "Tân Nữ lưu" trong xã hội, phụ nữ tích cực tham gia viết báo, làm báo, truyền bá các tư tưởng về dân chủ, về nữ quyền cũng như trách nhiệm của nữ giới với gia đình và xã hội. Họ nhận thức rằng, để có thể làm chủ vận mệnh của mình, người nữ phải có quyền bầu cử, ứng cử và quyền tham chính. Họ đấu tranh đòi những quyền lợi của bản thân như: tuyển dụng phụ nữ vào các công sở, được làm việc và lương bổng ngang bằng với nam giới, phụ nữ phổ thông đầu phiếu, mở xưởng, các nhà dạy thể dục thể thao cho chị em phụ nữ...; tham gia các phong trào đấu tranh chính trị, ủng hộ những nhà yêu nước(4)....
Nói chung, dưới ảnh hưởng của giáo dục Pháp - Việt người phụ nữ đã có những nhận thức mới và sâu sắc, đã thay đổi cách nhìn, cởi mở trong giao tiếp và không ngừng học hỏi những tiến bộ của thời đại. Vì thế, đã có những người nữ làm lãnh đạo ở các cơ quan nhà nước và cống hiến năng lực của bản thân.
II. Một số đóng góp của nữ giới Việt Nam dưới ảnh hưởng Tây học.
Giáo dục Tây học tại nước ta thực sự đã mở cánh cửa vươn ra xã hội cho nữ giới. Từ đây, những người phụ nữ có quyền ước mơ, có đủ bản lĩnh và tự tin bước chân vào các trường cao đẳng, đại học trong nước, cũng như các trường danh giá ở nước ngoài. Họ thực sự đã làm nên những kỳ tích, tiêu biểu như Đạm Phương nữ sĩ, Đào Thị Xuân Yến, Điềm Phùng Thị, Hoàng Thị Nga, Hồ Thị Hạnh (Sư bà Diệu Không), Nguyễn Khoa Bội Lan,...
1. Đạm Phương - nữ sử nổi danh đất Thần kinh
Nữ sử Đạm Phương (1881-1947) tên thật là Công Nữ Đồng Canh, sinh trưởng trong một gia đình hoàng tộc, là cháu nội vua Minh Mạng, con gái của Hoằng Hóa Quận vương Miên Triện. Nữ sử cũng chính là mẹ của nhà văn Hải Triều, bà nội của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Thời niên thiếu, nữ sử được hưởng thụ một nền giáo dục hết sức căn bản, vì vậy, bà không chỉ thạo Hán văn, giỏi Pháp văn, Quốc ngữ mà còn là một phụ nữ sớm được tiếp cận với những tư tưởng nhân văn tiến bộ, đặc biệt là tinh thần dân chủ và bình quyền. Cuộc đời Đạm Phương nữ sử rất phong phú: làm thơ, viết văn, viết báo, hoạt động xã hội… nhưng có thể nói, lĩnh vực bà quan tâm nhất là phụ nữ và giáo dục. Để khẳng định vị thế của người phụ nữ trong thời đại mới, Đạm Phương đã thực hiện hàng loạt cuộc đối thoại với những tư tưởng lạc hậu, cổ hủ về đàn bà. Đây là những cuộc đối thoại của một cây bút sắc sảo, thông thuộc Đông Tây kim cổ. Tìm thấy chìa khóa giải phóng phụ nữ trong giáo dục và thông qua giáo dục, nữ sử nhiều lần bàn đến việc học. Theo bà, học để nâng cao kiến thức, học để tự giải phóng tư tưởng và có khả năng độc lập suy nghĩ để nhận biết đúng sai, để tự tin trong gia đình và xã hội. Trong bài viết Vì sao phụ nữ cần phải có học thức rộng?, bà nêu lên ba kết luận quan trọng. Thứ nhất, nữ giới ta cần phải có học thức rộng vì chị em ta không phải là loài thú, mà cũng không muốn là loài thú. Thứ hai, nữ giới cần phải có học thức rộng, vì chị em ta muốn đánh đổ cái thói xấu nam tôn nữ ti, bước lên cái bước thành nam nữ bình quyền ấy. Thứ ba, nữ giới phải có học thức rộng, vì chị em ta muốn làm trọn cái thiên chức, là tùy theo thời thế mà cải tạo gia đình gắn liền với xã hội, để mưu cầu hạnh phúc cho nhân quần.
Trong cái nhìn của nữ sử, việc nâng cao hiểu biết cho phụ nữ cần phải đặt ra từ hai phía: gia đình và xã hội. Việc phụ nữ bị hạn chế về nhận thức, tư tưởng có liên quan đến thái độ thờ ơ của gia đình và xã hội trong giáo dục nữ giới, mà thái độ thờ ơ ấy suy cho cùng xuất phát từ quan niệm trọng nam khinh nữ.
Một nét mới trong quan điểm giáo dục liên quan đến việc nâng cao vị thế của phụ nữ là việc Đạm Phương nhiều lần chủ trương mở rộng và đẩy mạnh dạy nghề cho nữ giới, bà cho rằng việc học nữ công gia chánh là chuyện đương nhiên của phụ nữ, nhưng trong xã hội hiện đại, cái cần nhất đối với phụ nữ là phải học lấy một nghề nghiệp cụ thể để tự mình làm chủ, không còn phụ thuộc ai, kể cả chồng con. Một trong những tổ chức xã hội mà bà sáng lập đó là Nữ công Học hội ở Huế, ra đời vào ngày 15 tháng 6 năm 1926. Mục đích của hội được ghi trong điều lệ là tập luyện nữ công thực nghiệp, phụ nữ chức vụ, khai đạo trí thức nữ tử.
Bên cạnh giáo dục phụ nữ, bà cũng quan tâm đến giáo dục nhi đồng, nữ sử rất kỳ vọng vào tuổi thơ, bà cho rằng: giáo dục nhi đồng được thực hiện chu đáo là chuẩn bị cho dân tộc một thế hệ công dân tự lực, tự cường, tự chủ để gánh vác giang sơn. Trong lời nói đầu của cuốn sách Giáo dục nhi đồng, bà viết “Thiếu niên là tương lai của quốc gia, hương hoa của chủng tộc”. Từ lý thuyết và qua hoạt động thực tiễn về lĩnh vực giáo dục, Đạm Phương nữ sử được xem là người sáng lập ngành Gia đình học, Phụ nữ học và Giáo dục Mầm non ở Việt Nam.
Ngoài khía cạnh giáo dục, nữ sử còn được biết đến là nhà thơ, nhà văn. Bà có thể xem là nhà văn nữ đầu tiên của nước ta viết tiểu thuyết. Năm 1918, nữ sử bắt đầu viết báo. Sau đó, bà được mời làm biên tập, trợ bút cho nhiều tờ báo, tạp chí ở Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ như Tạp chí Nam Phong, Lục tỉnh Tân Văn, Hữu Thanh, Trung Bắc Tân văn, Thực nghiệp dân báo, Phụ nữ Tân Văn, Tiếng dân. Nữ sử chính là người sáng lập tờ báo Phụ nữ Tùng san ở Huế vào tháng 5 - 1929. Theo thống kê bước đầu của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, riêng về báo chí, bà có 181 bài.
Bà còn là nhà biên khảo Tuồng cổ. Vào những năm đầu thế kỷ XX, ở Việt Nam rất hiếm nhà sáng tác nghiên cứu về các môn nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là Tuồng cổ. Phải là người giàu kiến thức, biết thưởng thức và trân quý nghệ thuật truyền thống mới "đủ sức" phân tích, cái hay, cái khó về đặc trưng rất độc đáo của loại hình sân khấu này. Chính nhờ bài Lược khảo về Tuồng hát An Nam của bà mà nhiều nhà nghiên cứu sân khấu truyền thống ngày nay đã lấy đó làm cái mốc cho việc khảo cứu về Tuồng cổ Việt Nam bằng chữ Quốc ngữ.
Về phương diện dịch thuật, nhờ thông thạo Hán văn, Pháp văn, nắm vững ngữ pháp, có vốn từ vựng khá phong phú về Quốc ngữ, có điều kiện tiếp cận nhiều, hiểu sâu nội dung những tác phẩm đã đọc nên bà đã tự dịch sang tiếng Việt các tác phẩm: Gái trinh liệt và Gia đình giáo dục đàm của Trung Quốc, Dưỡng trẻ con và Trường trẻ con của Pháp, Nhà trẻ con của Ý, Vườn trẻ con của Đức.
Người ta còn biết đến bà là người phụ nữ tiêu biểu trong dòng chảy canh tân yêu nước. Trước năm 1930, bà là cộng sự tích cực với các chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Đào Duy Anh… Bà thay mặt cụ Phan Bội Châu đọc văn tế tại lễ truy điệu Phan Chu Trinh ở Đàn Nam Giao ( Huế-1926), viết câu đối viếng nhà yêu nước Nguyễn Bá Học… Bà còn là chỗ dựa cho phong trào bãi khóa ở Huế của học sinh Đồng Khánh, Quốc Học… nên từng bị mật thám Pháp theo dõi và bà bị bắt giam ở lao Thừa Phủ. Ra tù, bà dành tâm sức nuôi dưỡng khí chất cách mạng cho các con của mình. Sau này, bà được chính phủ Trần Trọng Kim mời cộng tác với chức vụ được giao là Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục nhưng bà từ chối. Những năm sau đó, bà sống lặng lẽ nhẹ nhàng như cuộc đời của bà, sống là cống hiến, là cho chứ không chỉ nhận riêng mình. Đạm Phương nữ sử xứng đáng là một phụ nữ xuất sắc tiêu biểu ở nửa đầu thế kỷ XX của Việt Nam(5).
2. Đào Thị Xuân Yến - nữ Hiệu trưởng trường Trung học Đồng Khánh
Đào Thị Xuân Yến (1909- 1997), quê quán ở làng Hưng Thạnh, Phủ Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Thân phụ là ông Đào Thái Hanh - Tham Biện Viện Cơ Mật - một vị quan rất nổi tiếng dưới triều Duy Tân, thân mẫu là bà Trần Thị Giáo. Năm 1923, bà theo chị gái và anh rể ra Huế học ở trường Đồng Khánh. Suốt 4 năm học, bà luôn đứng nhất hoặc nhì lớp và được nhận học bổng của trường. Đến năm 1927, vì tham gia cuộc bãi khóa của hội học sinh (đòi ân xá cụ Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Chu Trinh) nên bà bị nhà trường đuổi học với lời phê: "Đuổi học vĩnh viễn ra khỏi trường Trung học Đồng Khánh vì đã tham gia tích cực vào cuộc bãi khóa ngày 27/4/1927". Tuy bị đuổi khỏi trường nữ sinh Đồng Khánh nhưng đến năm 1933, bà vẫn tham gia thi tú tài và đỗ cao, trở thành người phụ nữ Trung kỳ đầu tiên có bằng Tú tài Tây. Sau khi chị gái mất, bà kết hôn với chồng của chị để tỏ lòng biết ơn của gia đình mình đối với anh rể là ông Nguyễn Đình Chi (1889-1940) ở Phong Điền- Thừa Thiên Huế. Từ đây, người ta thường gọi bà với cái tên thân thương là bà Đình Chi. Cách mạng Tháng Tám thành công, bà giữ chức vụ Phó chủ tịch Hội Liên Việt Thừa Thiên Huế. Năm 1952, bà được bầu làm hiệu trưởng trường nữ sinh Đồng Khánh - Huế. Sau năm 1968, bà thoát ly ra vùng giải phóng và làm Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế, rồi Uỷ viên Hội Đồng Cố vấn Chính Phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hòa miền Nam Việt Nam. Năm 1974, bà là Uỷ viên Hội đồng Hòa Bình thế giới. Sau năm 1975, bà là Uỷ Viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa VI, VII. Bà là người vừa có tài vừa có sắc. Từ thời nữ sinh Đồng Khánh đã là người đứng đầu cuộc bãi khóa chống Pháp (1927), cũng là người đầu tiên hưởng ứng phong trào dùng hàng nội (1930) và là người phụ nữ Trung kỳ đầu tiên đỗ Tú tài Tây (1933). Bà được giới trí thức Huế kính trọng, nhiều chính khách đã thăm hỏi và xin ý kiến của bà như ông Ngô Đình Diệm đã từng trao đổi với nữ Tú tài : Có nên diễn thuyết bằng giọng Huế trước đông đảo quần chúng hay không?... Bà vinh dự được gặp Bác Hồ nhiều lần, được Người quan tâm dặn dò nhiều thứ. Bà có nhiều đóng góp cho Thừa Thiên Huế nói riêng và đất nước nói chung. Tại diễn đàn Quốc hội, bà Chi đã lên tiếng đóng góp: “Cần có một tầm nhìn sâu rộng và một chiến lược quốc gia đủ tầm để giữ gìn các di tích lịch sử, văn hóa cố đô - Huế”. “Huế vẫn nguyên di tích của thời xưa! Thành trì, cung điện, miếu mạo, lăng tẩm, chùa chiền. Đó là vốn quý của văn hóa, không phải của vua chúa! Tôi xin nhấn mạnh điều này và xin nhắc lại, không phải của vua chúa".
Năm 1990, bà góp ý với Đảng nhiều vấn đề quan trọng, bà nói: “chúng ta rất xem thường chất xám, chủ nghĩa lý lịch, ưu tiên giai cấp công nông đã bỏ rơi biết bao người tài giỏi. Tiêu chuẩn về con người của chúng ta đã quá cũ, quá lạc hậu. Muốn lấy lại lòng tin, Đảng phải có một chính sách thích hợp”(6).
Ngoài việc tham gia chính sự, bà còn tham gia Nữ Công học hội của nữ sĩ Đạm Phương và bà Hồ Thị Hạnh, giúp các chị em phụ nữ Huế có công ăn việc làm, được học chữ. Bà luôn đề cao giáo dục cho nữ giới, chính vì vậy bà mới đảm nhận chức vụ hiệu trưởng trường Đồng Khánh. Đào Thị Xuân Yến thường tham gia các đại hội quốc tế về nữ giới Châu Á được tổ chức ở Phi-lip-pin cũng như các nước khác. Thú vui điền viên cũng là cốt cách con người bà, tại phường Kim Long - Huế, bà có một ngôi nhà vườn An Hiên nổi tiếng theo phong cách cổ xưa, là nơi thu hút khách tham quan khi đặt chân đến Huế. Nơi đây lưu giữ những nét đẹp của văn hóa xưa. Khi nhắc đến bà, ngườ1i ta hình dung đến một người phụ nữ đảm việc nước giỏi việc nhà, không phải sinh ra ở Huế nhưng ở bà toát lên vẻ đẹp dịu dàng, thông tuệ và tấm lòng nhân hậu của người con gái Cố đô.
3. Điềm Phùng Thị - người con gái đa tài xứ Huế
Điềm Phùng Thị người con gái đa tài, sinh ra ở Huế, nơi có dòng sông Hương thơ mộng (xã Châu Ê, Thủy Bằng- Huế). Bà tên thật là Phùng Thị Cúc, thân phụ là ông Phùng Duy Cẩn, từng làm quan triều Nguyễn. 3 tuổi đã mồ côi mẹ, 6 tuổi theo cha khắp các tỉnh Tây Nguyên. Năm 9 tuổi về Huế học, sau khi tốt nghiệp trường Nữ sinh Đồng Khánh, bà theo học ngành Y. Năm 1946, bà tốt nghiệp Đại Học Y khoa Hà Nội. Kháng chiến diễn ra, bà cùng chồng là ông Hoàng Xuân Hà (em của Hoàng Xuân Hãn) tham gia. Chồng chết, bà mắc bạo bệnh phải sang Pháp chữa trị. Tại Pháp, sau khi bệnh khỏi, bà tiếp tục theo học và lấy được bằng Tiến sĩ nha khoa. Nơi đất khách, bà kết hôn với đồng nghiệp của mình là Nguyễn Phước Bửu Điềm, cũng từ đây cái tên Điềm Phùng Thị ra đời. Song song với y khoa, bà có niềm đam mê nghệ thuật sâu sắc. Năm 30 tuổi, Điềm Phùng Thị đến với nghệ thuật điêu khắc. Năm 46 tuổi đã có cuộc triển lãm những tác phẩm của mình trên đất Pháp, được công chúng Pháp đón nhận, bà trở thành nhà điêu khắc. Kể từ đó hàng chục cuộc triển lãm của bà được tổ chức ở nhiều quốc gia như Ý, Đức, Đan Mạch… Dù xa quê hương nhưng tâm hồn luôn hướng về Tổ quốc. Những tác phẩm của Điềm Phùng Thị thường nói về chiến tranh, đất nước như Một Cuộc Đời, Người Lính Giải Phóng, Nhà Tôi Trong Chiến Tranh... Khoảng nửa cuộc đời sau, bà trở về Việt Nam cùng với những tác phẩm của mình, mở nhiều cuộc triển lãm ở Thủ đô, Hà Nội, Sài Gòn, và Huế. Đặc biệt ở Huế, tháng 2 năm 1994, bà tổ chức khánh thành nhà trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị tại ngôi biệt thự ở số 1- Phan Bội Châu. Năm 1981, Ông Amadou mahtar M'Bow, Tổng giám đốc UNESCO đã kêu gọi bảo tồn Huế. Chính bà là người thiết kế huy hiệu UNESCO để vận động cho thành phố Huế trở thành di sản thế giới. Năm 1991, bà cùng với Ziao Wouki là họa sĩ trừu tượng nổi tiếng Trung Quốc được đứng vào danh sách những tài năng lớn của nghệ thuật thế kỷ XX trong từ điển Larousse. Năm 1992, Điềm Phùng Thị được bầu làm Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học, Văn học và Nghệ thuật châu Âu.
Tác phẩm của bà đa dạng, sâu sắc, với 7 mẫu tự mà bà đã tự tìm cho mình, lấy cảm hứng từ những phế vật tại nhà xưởng, thiết kế tối giản trở thành tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng. Để rồi, nhà phê bình nghệ thuật Raymonday Cogniat gọi là 7 mẫu tự, Giáo sư Trần Văn Khê gọi là 7 nốt nhạc… Cuộc đời của bà vô cùng giản dị, không tham trước. Vào năm 2001, biết được cuộc đời của mình không còn bao lâu, bà đã hiến tặng toàn bộ tài sản nghệ thuật của mình cho Thành phố Huế để hoàn thành ước nguyện và như một sự tri ân đối với quê hương. Ngày 29-2-2002 bà ra đi. Cuộc đời người con gái tài hoa xứ Huế không còn nữa, nhưng tên tuổi và những đứa con nghệ thuật của bà vẫn sống mãi với thời gian(7).
4. Sương Nguyệt Anh - nữ chủ bút đầu tiên ở Nam Kỳ.
Sương Nguyệt Anh sinh ngày 1 tháng 2 năm 1864 - mất 20 tháng 1 năm 1921, tại An Đức - Ba Tri tỉnh Bến Tre. Bà tên thật là Nguyễn Thị Khuê, tuy nhiên trên bia mộ lại ghi là Nguyễn Ngọc Khuê, tự là Nguyệt Anh. Bà là con thứ tư của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, mẹ là Lê Thị Điền. Năm 24 tuổi bà lấy chồng, được mấy năm thì chồng mất. Người góa phụ Ngọc Khuê vốn đã cô đơn nay càng cô đơn hơn nữa, vì vậy điền thêm một chữ "Sương" trước tên hiệu "Nguyệt Anh" là thế. Cho dù bố là người theo Nho học, nhưng trước thời đại mới bà lại học chữ Quốc ngữ và làm báo Quốc ngữ. Những năm đầu thế kỷ XX, khi Phan Bội Châu phát động phong trào "Đông Du" bà nhiệt tình hưởng ứng, bán cả đất vườn lấy tiền gửi giúp du học sinh. Năm 1917, bà được một nhóm chí sĩ ái quốc mời ra làm chủ bút tờ báo Nữ Giới Chung (Tiếng Chuông Nữ Giới), tờ báo đầu tiên của Nữ giới ở Việt Nam. Ngày 1/2/1918 tờ báo ra số đầu tiên và bà chính thức trở thành Nữ chủ bút đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Nữ Giới Chung chú trọng đến việc dạy nữ công và đức hạnh cho phụ nữ giới thời đó, đồng thời chủ trương đấu tranh mạnh mẽ cho nam - nữ bình quyền, với tôn chỉ:
Vang lừng nữ giới những hồi chuông Thúc bạn quần thoa thoát cửa buồng
Suốt hơn hai chục số báo, bà dành trọn cả tâm huyết của mình để góp phần chấn hưng tinh thần đấu tranh bình đẳng giới của nữ giới nước nhà.
Bà có vai trò rất lớn trong việc làm thức tỉnh và cổ vũ các độc giả nữ trước thời thế mới, bà cũng là người tạo tiền đề cho hàng loạt báo chí về phụ nữ sau này xuất hiện như: Phụ Nữ Thời Đàm, Phụ Nữ Tân Văn... Tháng 7/1918, Nữ Giới Chung phải đình bản, bà về lại quê theo gương cha dạy học, bốc thuốc, cùng sáng tác thơ văn cho đến những ngày cuối đời(8).
5. Hoàng Thị Nga- nữ Tiến sĩ Tây học đầu tiên trên đất Hà thành
Khác với cái tên Điềm Phùng Thị được nhiều người biết đến, Hoàng Thị Nga - Tiến sĩ Tây học đầu tiên của nữ giới Việt Nam lại khá xa lạ với mọi người. Những thông tin về bà rất khiêm tốn. Người ta chỉ biết về bà bởi một tạp chí khoa học với tựa đề : Thật vẻ vang cho đàn bà nước Nam, cô Hoàng Thị Nga mới đỗ Tiến sĩ về Khoa Học Vật Lý. Trong bài báo này cũng cung cấp ít ỏi thông tin về cô. Hoàng Thị Nga sinh năm 1903, quê ở làng Đông Ngạc, tỉnh Hà Đông; thân phụ là quan tuần phủ Hoàng Huân Trung, nhà có 18 anh chị em, trong đó có nhiều người là trí thức như ông Hoàng Nhị Cơ - Cử nhân khoa Vật lý học, giáo sư trường Trung học Bảo hộ. Bà từng học Trường Sư phạm ở phố Hàng Bài. Sau khi đỗ tú tài nhất bên ta, Hoàng Thị Nga sang Pháp học tú tài phần hai và học tại Học viện Khoa học ở Paris.
Đỗ cử nhân khoa học, bà học lên Tiến sĩ và bảo vệ luận án ngày 19 - 3 - 1935. Vào thời điểm số người có bằng Đại học chỉ đếm trên đầu ngón tay thì bà đã là Tiến sĩ. Bài báo còn viết: Hội đồng, sau khi nghe bài luận thuyết của bà, đồng thanh khen ngợi và chấp nhận cho bà được lấy bằng Tiến sĩ hạng ưu. Đề tài luận án Tiến sĩ của bà là “Photovoltaic properties of organic substances” (Các tính chất quang điện của các chất hữu cơ). Theo giáo sư Đàm Thanh Sơn, đây là một đề tài hiện đại. Trước bà, nước ta chỉ có ông Nguyễn Mạnh Tường, Tiến sĩ Tây học nhưng về Luật và Văn học, còn Vật lý thì bà là người đầu tiên. với sở học đỉnh cao như thế, sau Cách mạng tháng Tám 1945, bà được cử làm hiệu trưởng đầu tiên của trường Cao đẳng Khoa Học của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa nhưng một thời gian sau thì bà sang định cư ở nước Pháp cho nên được ít người biết đến(9).
Về Hồ Thị Hạnh (Sư bà Diệu Không), chúng ta biết đến bà thông qua việc bà sinh trưởng trong một gia đình trâm anh thế phiệt ở làng An Truyền- huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên Huế. Thân phụ là Khánh Mỹ Quận Công Hồ Đắc Trung, Thượng Thư bộ Học, Đông Các Đại Học Sĩ, thân mẫu là Châu Thị Lương. Năm 1917, Bà được thân phụ cho vào học trường nữ sinh Đồng Khánh Huế. Sau khi học xong, gia đình cho phép bà đi du học ở Pháp, nhưng vì chữ hiếu nên bà từ chối. Bà là thành viên tích cực của nhiều hoạt động yêu nước và từ thiện xã hội. Xuất thân trong danh gia vọng tộc, gặp buổi giao thời giữa hai nền văn hóa mới và cũ. Từ nhỏ, bà được hấp thụ một nền giáo dục dung hòa cả hai truyền thống Đông - Tây nên có những tư tưởng tiến bộ. Bà muốn nâng cao trình độ hiểu biết cho chính mình và các chị em phụ nữ vì trong lòng luôn thao thức vấn đề phụ nữ đương thời học vấn còn thấp so với các nước phương Tây. Năm 1926, bà cùng với Đạm Phương và Đào Thị Xuân Yến thành lập “Hội Nữ Công” để dạy nghề thủ công cho phụ nữ. Bên cạnh đó, Hội còn giúp chị em phụ nữ học tập để biết thêm lịch sử nước nhà. Bà còn cho mở nhiều trường mẫu giáo, lớp dạy nghề, tạo điều kiện cho con em gia đình nghèo khó theo học(10).
Về Nguyễn Khoa Bội Lan, bà là nữ lưu nổi danh miền Hương Ngự. Bà sinh năm 1912 và mất năm 2014, là một nhà báo, nhà văn lão thành cách mạng. Bà sinh ra trong gia đình dòng họ Nguyễn Khoa có truyền thống giỏi thơ ca. Thân phụ là nhà thơ Nguyễn Khoa Vy (1881-1968), hiệu Thảo Am nổi tiếng ở Huế. Bà được gia đình cho đi học trường nữ sinh Đồng Khánh - Huế. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bà đã tham gia các phong trào đấu tranh của học sinh. Nhờ tham gia các phong trào học sinh, sinh viên, bà trở thành cán bộ Việt Minh nòng cốt ở Huế, được cấp trên giao tổ chức Hội Phụ Nữ Cứu Quốc, làm Báo Ánh Sáng và nhà xuất bản Tân Văn hóa.. Cách mạng tháng Tám thành công, bà cùng với Hải Triều, Lưu Quang Kỳ, Chế Lan Viên ra tờ báo “Xã hội mới” với cương vị chủ bút. Năm 1947, bà chuyển ra Bắc và được điều vào hoạt động ở Liên khu V. Năm 1950, bà sang Lào giúp bạn làm tờ Neo Lào Hắc Xạt. Những năm sau đó, bà hoạt động cách mạng, làm việc ở Thông tấn xã Việt Nam, Viện Văn Học, phụ trách Tiểu ban văn nghệ Việt Nam… Sau năm 1975, nước nhà thống nhất, bà mới trở về Huế cho đến ngày mất(11).
Với mục đích mở rộng thị trường và thuộc địa, Pháp đã xâm lược Việt Nam nhưng dưới chiêu bài là “khai hóa văn minh”. Trong thời gian cai trị, nước ta hứng chịu bao đau khổ, chết chóc của chiến tranh. Nói vậy để khẳng định nền giáo dục của Pháp không hoàn toàn đem lại nhiều điều tốt đẹp, nó vẫn còn quá nhiều hạn chế nằm trong mục đích của chúng. Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận những mặt khách quan trong giáo dục mà Pháp mang lại. Đó là nền giáo dục có hệ thống trong tổ chức cũng như trong giảng dạy, đã tạo điều kiện cho chúng ta theo kịp những vấn đề của thời đại, để áp dụng trong việc xây dựng đất nước. Đối với nữ lưu, nền giáo dục này đem lại cho họ nhiều cơ hội để tự hoàn thiện mình cũng như đóng góp cho xã hội. Nền giáo dục hiện đại này đã đưa lại những nữ Tiến sĩ, nữ Giáo sư hay nữ Khoa học, nữ Chính khách trong đời sống xã hội cận hiện đại của nước ta.
Thích Nữ Hiền Nguyện - Lớp Cao học Khóa I, Học viện PGVN tại Huế
--------------------------
CHÚ THÍCH: 1. Nguyễn Hoa Mai (2019), Tiếp biến văn hóa Pháp-Việt trong nền giáo dục Việt Nam giai đoạn 1884-1945, Luận án Tiến sĩ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, tr. 61, ngày truy cập 20/07/2020 https://hcma.vn/content/tintuc/lists/news/Attachments/29904/To%CC%81m%20t%C4%83%CC%81t%20lu%C3%A2%CC%A3n%20a%CC%81n_Nguy%C3%AA%CC%83n%20Hoa%20Mai.pdf 2. Nguyễn Hoa Mai (2019), Tiếp biến văn hóa Pháp-Việt trong nền giáo dục Việt Nam giai đoạn 1884-1945, Luận án Tiến sĩ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, tr. 63-64 https://hcma.vn/content/tintuc/lists/news/Attachments/29904/To%CC%81m%20t%C4%83%CC%81t%20lu%C3%A2%CC%A3n%20a%CC%81n_Nguy%C3%AA%CC%83n%20Hoa%20Mai.pdf 3. Nguyễn Hoa Mai (2019), Tiếp biến văn hóa Pháp-Việt trong nền giáo dục Việt Nam giai đoạn 1884-1945, Luận án Tiến sĩ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, tr. 66-68 https://hcma.vn/content/tintuc/lists/news/Attachments/29904/To%CC%81m%20t%C4%83%CC%81t%20lu%C3%A2%CC%A3n%20a%CC%81n_Nguy%C3%AA%CC%83n%20Hoa%20Mai.pdf 4. Đặng Thị Vân Chi (2020), Chính sách giáo dục của Pháp và người phụ nữ mới ở Việt Nam thời thuộc địa, ngày truy cập 20/08/2020, http://chuyencuachi.blogspot.com/2015/06/chinh-sach-giao-duc-cua-phap-va-nguoi.html . 5. Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên Huế - Viện Văn học Việt Nam (2011), Hội thảo khoa học Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Đạm Phương nữ sử (1881-2011), Huế. 6. Nguyễn Đắc Xuân (2010), Nhánh Tùng vườn An Hiên, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế. 7. Ngọc Bích, Điềm Phùng Thị, bác sĩ - nghệ sĩ, ngày truy cập 01/09/2020, http://khamphahue.com.vn/kham-pha/nguoi-hue/tid/Diem-Phung-Thi-bac-si-E2%80%93-nghe-si/newsid/5C84ED97-1F14-43B4-B348-840EF23BEBDB/cid/CBE88312-1114-218- AFC5-54ABC4116837 8. Nhân Hoài (2019) Sương Nguyệt Anh- Nữ chủ bút đầu tiên ở Việt Nam. Ngày truy cập 02/08/2019. https://kiemsat.vn/suong-nguyet-anh-nu-chu-but-dau-tien-o-viet-nam-52563.html 9. Hiên (2020), Cuộc đời lặng lẽ, bí ẩn của nữ tiến sĩ “Tây học” đầu tiên của Việt Nam, ngày truy cập 20/08/2020 https://tuoitre.vn/cuoc-doi-lang-le-bi-an-cua-nu-tien-si-tay-hoc-dau-tien-cua-viet-nam-20200110153611207.htm 10. Nguyễn Đắc Xuân (2007), Sư bà Diệu Không - một kỳ nữ của Cố đô Huế thế kỷ XX, ngày truy cập 19/07/2020, https://phatgiao.org.vn/su-ba-dieu-khong--mot-ky-nu-cua-co-do-hue-the-ky-xx-d25731.html 11. Nguyễn Khắc Phê (2008), Nguyễn Khoa Bội Lan: Người làm chứng gần một thế kỷ, ngày truy cập 28/08/2020, http://antgct.cand.com.vn/Nhan-vat/Nguyen-Khoa-Boi-Lan-Nguoi-lam-chung-gan-mot-the-ky-310953/ TÀI LIỆU THAM KHẢO 1.Bá, H. C. (2015). Lịch sử Việt Nam, Nhà Xuất bản Thuận Hóa, Huế. 2.Bích, N. Điềm Phùng Thị, bác sĩ - nghệ sĩ. Truy cập 01/09/2020, từ http://khamphahue.com.vn/kham-pha/nguoi-hue/tid/Diem-Phung-Thi-bac-si-E2%80%93-nghe-si/newsid/5C84ED97-1F14-43B4-B348-840EF23BEBDB/cid/CBE88312-1114-218- AFC5-54ABC4116837 3. Chi, Đ.T.V. (2020). Chính sách giáo dục của Pháp và người phụ nữ mới ở Việt Nam thời thuộc địa. Truy cập 20/08/2020, từ http://chuyencuachi.blogspot.com/2015/06/chinh-sach-giao-duc-cua-phap-va-nguoi.html 4. Hiên, Q. (2020). Cuộc đời lặng lẽ, bí ẩn của nữ tiến sĩ “Tây học” đầu tiên của Việt Nam. Truy cập 20/08/2020, từ https://tuoitre.vn/cuoc-doi-lang-le-bi-an-cua-nu-tien-si-tay-hoc-dau-tien-cua-viet-nam-20200110153611207.htm 5. Hoài, N. (2019). Sương Nguyệt Anh - Nữ chủ bút đầu tiên ở Việt Nam. Truy cập 02/08/2019, từ https://kiemsat.vn/suong-nguyet-anh-nu-chu-but-dau-tien-o-viet-nam-52563.html 6. Mai, N. H. (2019). Tiếp biến văn hóa Pháp - Việt trong nền giáo dục Việt Nam giai đoạn 1884 - 1945, Luận án Tiến sĩ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội. 7. Xuân, N. Đ. (2010). Nhánh Tùng vườn An Hiên, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế. 8. Xuân, N. Đ. (2007). Sư bà Diệu Không - một kỳ nữ của Cố đô Huế thế kỷ XX, Truy cập 19/07/2020, từ https://phatgiao.org.vn/su-ba-dieu-khong--mot-ky-nu-cua-co-do-hue-the-ky-xx-d25731.html 9. Phê, N. K. (2008). Nguyễn Khoa Bội Lan: Người làm chứng gần một thế kỷ. Truy cập 28/08/2020, từ http://antgct.cand.com.vn/Nhan-vat/Nguyen-Khoa-Boi-Lan-Nguoi-lam-chung-gan-mot-the-ky-310953/ 10. Hội Khoa học Lịch Sử Thừa Thiên Huế - Viện Văn học Việt Nam (2011). Hội thảo khoa học Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Đạm Phương nữ sử (1881-2011), Huế.
Bình luận (0)