Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Giải pháp cấp thiết của hoằng pháp Phật giáo dành cho thanh thiếu niên phạm pháp

Giải pháp cấp thiết của hoằng pháp Phật giáo dành cho thanh thiếu niên phạm pháp

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Hơn 2.000 năm tồn tại ở Việt Nam, Phật giáo đã góp phần hình thành những giá trị, chuẩn mực trong lối sống của người Việt Nam. Đó là kết quả hoằng pháp của mỗi người con Phật qua từng giai đoạn lịch sử thịnh suy của đất nước, đã và đang tác động sâu sắc tới tâm lý, đạo đức của người dân Việt và ảnh hưởng khá đậm nét trong cách thức giao tiếp, ứng xử, trong phong tục, tập quán của người Việt Nam.

Đạo Phật là con đường đưa tới sự tỉnh thức, an lạc. Giáo lý của đạo Phật có nhiều cánh cửa (Pháp môn) mở ra con đường đưa tới sự tỉnh thức, an lạc cho tất cả mọi người ở tất cả căn cơ, trình độ, lứa tuổi khác nhau.

Trước sự hỗn loạn của thời thế, sự quay cuồng của cuộc sống, sự đổ vỡ tâm hồn của con người ngày nay mà thanh thiếu niên đang phải sống với nó; và một phần lớn là nạn nhân của nó, thanh thiếu niên lại càng có sự tỉnh thức và khát vọng hơn bao giờ hết.

Ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, tình trạng thanh thiếu niên phạm tội ngày càng tăng là một vấn đề nóng bỏng, nhức nhối của các nhà lãnh đạo đất nước và là một trong những vấn đề đang được xã hội quan tâm hàng đầu.

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 3.2016 Giai phap cap thiet cua Hoang phap Phat giao 1

I. Thực trạng phạm pháp ở thanh thiếu niên Việt Nam:

Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2014, Việt Nam đã bước vào giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” với tỷ lệ thanh thiếu niên cao nhất trong lịch sử Việt Nam. Thanh thiếu niên từ 10-29 chiếm khoảng 1/3 tổng số dân. (1)

Theo thống kê của Bộ Công an(2), tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên những năm gần đây luôn chiếm tỷ lệ từ 65-70% số vụ phạm pháp hình sự trên cả nước. Cụ thể, trong vòng hơn 6 năm, toàn quốc có gần 95.000 trẻ vị thành niên phạm tội. Giật mình hơn nữa, trẻ vị thành niên phạm tội ở hầu hết các lĩnh vực, từ giết người, hiếp dâm, cố ý gây thương tích… và nhiều nhất là trộm cắp tài sản. Với mỗi vụ án, hầu hết những tội phạm vị thành niên đều phạm cùng một lúc nhiều tội danh.

Theo số liệu của Ban chỉ đạo Đề án IV “Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên”, từ năm 2007 – 6/2013, toàn quốc phát hiện gần 63.600 vụ, gồm hơn 94.300 em vi phạm pháp luật hình sự. Số vụ phạm pháp tăng gần 4.300 vụ, bằng 6,72% so với 6,5 năm trước đó. So với tổng số vụ phạm pháp hình sự trong toàn quốc thì số vụ án do người chưa thành niên gây ra chiếm gần 20%.

Tội phạm do người chưa thành niên gây ra chủ yếu là các tội: Trộm cắp tài sản (21.812 vụ/33.010 đối tượng, chiếm 34,30%); Cố ý gây thương tích (5.692 vụ/9.588 đối tượng, chiếm 8,95%); Gây rối trật tự nơi công cộng (4.870 vụ/8.768 đối tượng, chiếm 7,65%); Cướp giật tài sản (3,76%); Cướp tài sản (1,43%); Đánh bạc; Hiếp dâm, cưỡng dâm; Cưỡng đoạt tài sản; Giết người và một số tội danh khác.

Hầu hết người chưa thành niên phạm tội đều là nam giới, chiếm đến 96,87% tổng số người vi phạm. Độ tuổi phạm tội ngày càng trẻ hóa, trong đó dưới 14 tuổi chiếm 13%; từ 14 – 16 tuổi chiếm 34,7%, từ 16 – 18 tuổi chiếm 52%. Điều đặc biệt, gần một nửa số đối tượng phạm tội đều đã bỏ học (chiếm 45%), có học lực yếu, kém (chiếm 60,7%).

II. Nguyên nhân phạm pháp ở thanh thiếu niên:

Một số nguyên nhân chính (3) dẫn đến việc phạm tội ở thanh thiếu niên:

1. Việc giáo dục hiện nay (của cả gia đình, nhà trường và xã hội) chưa đạt được mục đích là giáo dục hướng thiện đối với con người.

2. Sự buông lỏng của gia đình.

3. Thái độ thờ ơ, vô cảm của con người trong giao tiếp, với các sự việc xảy ra xung quanh mình

4. Sự phân hóa giàu nghèo mạnh mẽ hiện nay.

5. Sự phát triển của các kênh truyền hình mang văn hóa bạo lực và thực dụng du nhập từ bên ngoài, của Internet, của mạng xã hội.

6. Do sự phát triển của các tệ nạn xã hội như: ma túy, cờ bạc…

7. Tiếp xúc với các thành phần xã hội xấu như: trộm cắp, buôn lậu,…

8. Nguyên nhân khác …

III. Giải pháp cấp thiết của Phật giáo:

Với dân tộc Việt Nam, không thể phủ nhận rằng, Phật giáo là một trong những thành tố quan trọng góp phần làm nên bản sắc văn hoá dân tộc, là một phần không thể thiếu trong nền văn hoá Việt. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, đạo Phật đồng hành cùng dân tộc Việt Nam, đóng vai trò quan trọng đối với đạo đức, văn hóa, chính trị tư tưởng của xã hội Việt Nam. Vì vậy, trước nỗi đau chung của xã hội Việt Nam hiện nay về tỷ lệ phạm pháp của thanh thiếu niên, Phật giáo chúng ta cần nỗ lực hơn nữa với trách nhiệm nặng nề này.

1. Định hướng:

Theo Kinh Kalama (4), lúc bấy giờ, có một thanh niên đến hỏi Phật về con đường nào nên theo, giáo pháp nào nên tin khi các tu sĩ Bà-la- môn đến giảng đạo với họ và nói rằng chỉ có con đường của mình, giáo phái của mình là mới, là đúng. Đức Phật đã khuyên người thanh niên rằng, đừng tin bất cứ điều gì dù đó là truyền thống, là điều được nhiều người tin theo, dù đó là điều do kẻ uy quyền nói ra, mà hãy tin và sống theo những gì mà lý trí, sự phán đoán và thực nghiệm cho thấy những gì có mang lại an vui và hạnh phúc đích thực cho mình và mọi người. Ngay phương pháp giáo dục của đức Phật cũng là một phương pháp có tính cách thực nghiệm. Phương pháp giáo huấn ở đây của đức Phật chứng tỏ rằng Ngài nhắc nhở chúng ta, cụ thể, tầng lớp thanh thiếu niên không nên tin tưởng một cách mù quáng. Đức Phật đã chỉ rõ cho các thanh thiếu niên phải đến để thấy, biết, áp dụng, hành trì trước khi tin theo. Đức Phật đã định hướng cho thanh thiếu niên một NHÂN CÁCH SỐNG, bước đầu tỉnh thức để đạt được an lạc, hạnh phúc thật sự; đó là NIỀM TIN CHÍNH MÌNH QUA THỰC NGHIỆM.

2. Kế hoạch:

Song song những giải pháp của Nhà nước đã đưa ra công tác tuyên truyền, phổ biến về pháp luật được triển khai rộng rãi đối với thanh thiếu niên từ cấp độ gia đình cho đến các ban ngành giáo dục liên quan đều có những phương án hành động giúp trẻ nhận thức và chấp hành pháp luật thì Phật giáo càng nêu cao trách nhiệm và có giải pháp cấp thiết, đúng đắn theo Hiến chương của Giáo hội và Pháp luật của Nhà nước. Muốn giúp thanh thiếu niên khẳng định NIỀM TIN CHÍNH MÌNH QUA THỰC NGHIỆM, công tác hoằng pháp của các cấp Giáo hội Phật giáo cần:

– Áp dụng Tam Tuệ Học: Có nhiều lớp học Phật Pháp mở rộng cho thanh thiếu niên thường xuyên, thực chất, có kế hoạch, có mục đích, phải xác định kết quả rõ ràng mục tiêu giảng dạy cho các em hiểu rõ chính bản thân mình đang cần gì (VĂN Tuệ), đang bị chi phối điều gì (TƯ Tuệ) để có một khoảnh khắc nào đó, các em ngồi nhìn lại bản thân, thấy rõ được nỗi đau khổ tự thân (TU Tuệ).

– Thực thi Tam Vô Lậu Học: Có những Trung Tâm Huân Tu với mô hình câu lạc bộ tuổi trẻ với Phật giáo, áp dụng phương pháp thực hành Tam Vô Lậu Học của Phật giáo, chính là Giới-Định- Tuệ, nền tảng giáo dục, chuyển hóa triệt để tuổi trẻ trong thời hội nhập, biết khép mình theo những nguyên tắc, đạo đức (GIỚI), biết quan sát, thực nghiệm, thấy rõ bản chất thiện – ác của sự việc (ĐỊNH), và tự rút ra cho mình một hướng đi mới tỉnh táo, sáng suốt (TUỆ).

3. Hành động:

Để phát huy tốt vai trò và vị thế của Phật giáo Việt Nam trước thực trạng phạm pháp ở tuổi trẻ, thanh thiếu niên trong bối cảnh hiện nay, trước những xáo trộn và khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử nhân loại của thời kỳ hội nhập và phát triển, xu hướng đổi mới, Phật giáo Việt Nam không thể không đặt ra vấn đề truyền thống và hiện đại lẫn việc tu học và hành đạo trong việc hoằng dương Phật pháp…; kính xin chư vị lãnh đạo các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam lưu tâm thêm nữa:

– Đào tạo đội ngũ hoằng pháp tăng ni

– Nâng cao các hoạt động hoằng pháp trong lĩnh vực Gia đình Phật tử, làm sao đảm bảo về chất và lượng, tạo môi trường tốt để gia đình cha mẹ của các thanh thiếu niên có niềm tin gửi con em đến chùa sinh hoạt.

– Đẩy mạnh công tác kiến nghị đến các cấp lãnh đạo Nhà nước, xin mở các Chương trình THIỀN CHUYỂN HÓA, hoặc các lớp học Phật Pháp về Nhân Quả Thiện – Ác, Vô Thường, Từ Bi, Hỷ Xả… vào các chương trình giảng dạy chính thức tại các Trường học từ cấp Tiểu học, Trung học, hoặc vào các buổi huấn luyện về sinh lý, tâm lý ở các bệnh viện, trại giam dành cho thanh thiếu niên…

– Trực tiếp tham gia, kết hợp công tác Dân vận cùng với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ cấp xã, phường nhằm đưa ánh sáng Phật Pháp đi sâu vào từng nhà dân, hộ gia đình để ngăn chặn kịp thời mầm mống phạm pháp từ cấp độ cơ sở.

– Triển khai, tuyên truyền các chương trình Phật Pháp vào các kênh truyền thanh, truyền hình với tầm vóc mở rộng, phổ biến hằng ngày để làm nền tảng nuôi dưỡng tính CHÂN – THIỆN – MỸ trong quần chúng nhân dân.

– Quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất và điều kiện bảo đảm triển khai công tác phổ biến, giáo dục Luật pháp và Phật pháp cho thanh thiếu niên.

Tóm lại, trước thực trạng phạm pháp ở thanh thiếu niên hiện nay hay trước sự đe dọa của lối sống suy thoái đạo đức và mất mát niềm tin của một bộ phận tuổi trẻ; hôm nay, hòa cùng niềm vui và trách nhiệm chung với Hội thảo Hoằng pháp Toàn quốc năm 2015: “Sứ mệnh Hoằng pháp – Hội nhập và Phát triển” vì mục đích cao đẹp: “Vì hạnh phúc cho chúng sinh, vì an lạc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì an lạc cho chư thiên và nhân loại” (5), Phật giáo cần tiên quyết áp dụng giải pháp hoằng pháp cấp thiết này và hành động thực tiễn ở mỗi mỗi thanh thiếu niên, phật tử, tăng ni trẻ; đó chính là NIỀM TIN CHÍNH MÌNH QUA THỰC NGHIỆM CON ĐƯỜNG: GIỚI – ĐỊNH – TUỆ.

Tác giả: Tỳ kheo ni Tiến sĩ Thích Nữ Tuệ Đăng
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 3/2016

——————

GHI CHÚ:
(1) Theo http://doanthanhnien.vn/newsdetail/Xung_kich_dong_ hanh/27171/phat-dong-de-xuat-sang-kien-thuc-day-tiep-can-dich- vu-thong-tin-ve-cham-soc-skss-cho-thanh-nien.htm
(2) Trích “Những con số giật mình về tội phạm vị thành niên” theo http://dantri.com.vn/phap-luat/nhung-con-so-giat-minh-ve-toi-pham-vi-thanh-nien-837119.htm
(3) Trích “Thực trạng ngày càng gia tăng các vụ án hình sự hiện nay ở lứa tuổi vị thành niên” theo http://www.dhluathn.com/2014/07/ thuc-trang-ngay-cang-gia-tang-cac-vu.html
(4) Tăng Chi Bộ, tập I.
(5) Trung Bộ I, kinh số 4.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường