Trang chủ Lịch sử - Triết học Giai đoạn đầu trong quá trình định hình và ổn định Phật giáo Lâm Đồng

Giai đoạn đầu trong quá trình định hình và ổn định Phật giáo Lâm Đồng

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Thích nữ Tuệ Uyển
Học viên cao học khoá III, Học viện PGVN tại Tp.HCM

DẪN NHẬP

Trên một vùng đất khi sự có mặt những vị tu sĩ và những ngôi chùa thì cũng đồng nghĩa với việc hệ thống tông phái và truyền thừa tông phái cũng bắt đầu xuất hiện. Vùng đất Lâm Đồng cũng không ngoại lệ, sau khi có sự xuất hiện của những vị tu sĩ cũng là lúc hệ thống dòng phái cũng bắt đầu được hình thành và dần đi vào ổn định. Đây chính là hệ thống được xem là nền tảng vững chắc cho những hệ thống cơ sở tiếp theo được hình thành và phát triển, dần tạo nên một Phật giáo Lâm Đồng ngày càng ổn định hơn trong những giai đoạn còn khó khăn của đất nước nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng.

1. Các dòng phái

Vào thế kỷ thứ XVI – XVII với sự sùng thượng đối với Phật giáo của các chúa Nguyễn mà Phật giáo đã bắt đầu theo sự mở mang bờ cõi phát triển vào phía Nam, trong quá trình Nam tiến đó, bên cạnh những vị sư Việt Nam, các chúa Nguyễn đã thỉnh các vị cao tăng Trung Hoa đến đây để hoằng hóa.

Sự có mặt đầu tiên của các vị thiền sư Trung Hoa và cụ thể hơn là sự có mặt của 2 thiền phái duy nhất trong năm thiền phái Trung Hoa được truyền vào đàng trong là thiền phái Tào Động và thiền phái Lâm Tế, gắn với hình bóng của hai vị thiền sư là Thạch Liêm và thiền sư Nguyên Thiều.

Song hành trên con đường Nam tiến là sự phát triển và truyền thừa lớn mạnh của thiền phái Lâm Tế. Khi có mặt trên đất nước Việt Nam, với hệ thống truyền thừa của Phật giáo Việt Nam, thiền phái này được chia thành sáu chi phái như Lâm Tế Chánh tông, Lâm Tế Gia Phổ, Lâm Tế Liễu Quán, Lâm Tế Thiên Thai, Lâm Tế Chúc Thánh và Lâm Tế Giáo Quán.

Từ dải đất miền Trung, theo bước dân du hoá của những vị tu sĩ mà Phật giáo có mặt trên vùng đất Lâm Đồng, cùng với sự phát triển mạnh và truyền bá sâu rộng của tông Lâm Tế mà Phật giáo nơi đây đã xuất hiện những chi phái của tông Lâm Tế.

Bia Tap chi Nghien cuu Phat hoc dang bai Online thien su Lieu Quan 2

1.1. Lâm Tế Liễu Quán:

Dòng phái Lâm Tế Liễu Quán hình thành là nhờ vào công ơn của tổ sư Liễu Quán, một vị tăng người Việt Nam xuất thân từ tỉnh Phú Yên, xuất gia cầu học với thiền sư Tế Viên tại chùa Hội Tôn và trở thành vị tăng sĩ Việt Nam đầu tiên nối truyền tông Lâm Tế chánh tông, đời thứ 35.

Từ đó về sau, Ngài trở thành vị Tổ đầu tiên khai sáng chi phái Lâm Tế mới (Lâm Tế Liễu Quán) trên đất nước Việt Nam, một chi phái thiền không còn mang đậm nét văn hoá Trung Quốc mà đã dung hoà với nền văn hóa của người dân đất Việt.

Đây là dòng phái đầu tiên du nhập vào vùng đất Lâm Đồng theo gót chân hoằng hoá của vị tổ khai sơn Phật giáo Lâm Đồng là Hoà thượng Nhơn Thứ, được truyền thừa theo bài kệ truyền pháp của dòng Lâm Tế Liễu Quán với pháp danh Tâm Trung, nối pháp đời thứ 43.

Dòng phái này được truyền vào vùng đất Lâm Đồng từ hướng miền Trung, cụ thể là từ tỉnh Khánh Hoà và ngôi chùa đầu tiên tiếp nhận dòng phái này là chùa Linh Quang cũng chính là ngôi chùa đầu tiên đánh dấu sự có mặt của Phật giáo trên vùng đất này.

Hệ thống truyền thừa

Năm 1941 Hoà thượng Nhơn Thứ  viên tịch, tuy nhiên Hoà thượng không có đệ tử nối pháp. Người kế thế trú trì chùa Linh Quang lúc này là Hoà thượng Quảng Nhuận, cũng thuộc dòng Lâm Tế Liễu Quán đời thứ 43 [7, tr.197]. Trong thời gian trú trì tại đây, Hoà thượng đã tham gia rất nhiều những hoạt động, trùng tu chùa Linh Quang ngày một khang trang hơn và đưa Phật giáo nơi đây phát triển vững mạnh. Tuy nhiên hành trạng của ngài không được ghi chép lại, chỉ biết năm 1950 ngài là người tiên phong cho phong trào báo chí của Phật giáo trên vùng đất này, ngài làm chủ nhiệm và cho xuất bản tạp chí Hướng Thiện, giúp cho giáo lý của đức Phật và những tôn chỉ mà hội Việt Nam Phật học đã đề ra đến gần hơn với phật tử, giúp họ hiểu và thực hành đúng chính pháp. Năm 1951 ngài trở về thăm chùa cũ (Tổ đình Từ Quang – Huế) và đã viên tịch tại đây.

Người kế thừa trú trì đời thứ 3 chùa Linh Quang là Hòa thượng Minh Cảnh, nối pháp đời thứ 44 tông Lâm Tế, pháp phái Liễu Quán, thế danh Trần Bình An, sinh năm 1906 tại Phong Điền – Huế. Ngài cùng gia đình sinh sống trên vùng đất Lâm Đồng, thuở nhỏ ngài đã được quy y với Hoà thượng Nhơn Thứ, đến năm 1938 thì chính thức xuất gia với Hoà thượng Quảng Nhuận tại chùa Linh Quang.

Năm 1951, sau khi bổn sư viên tịch, Ngài đảm nhiệm chức vụ trú trì chùa Linh Quang. Trong thời gian đương nhiệm trú trì, ngài đã cùng chư tôn đức nơi đây chăm lo Phật sự của chùa và của tỉnh hội:

Năm 1952, ngài giữ chức Chánh Trị sự tỉnh hội Đồng Nai Thượng

Năm 1956, ngài mở một trường Trung tiểu học Bồ đề lấy tên Tuệ Quang.

Năm 1957, khi có duyên sự vào miền Nam, ngài đã đặt đá khai sơn chùa Nguyên Thuỷ – Long An

Năm 1958, ngài tiến hành trùng tu lại chùa Linh Quang

Năm 1963, ngài cùng chư tôn đức trên vùng đất này tham gia lãnh đạo phong trào đấu tranh chính quyền Ngô Đình Diệm.

Trong cuộc tổng tiến công năm 1968, chùa Linh Quang bị tàn phá nặng nề, sau đó ngài đã tiếp tục trùng tu lại, làm cho chùa ngày càng khang trang hơn [8, tr. 85 – 86].

Năm 1975, sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, Ngài đã cùng tăng chúng nơi đây tiếp tục hoằng truyền đạo pháp, đóng góp rất nhiều trong công cuộc khôi phục và phát triển Phật giáo trên vùng đất Lâm Đồng cho đến ngày viên tịch.

1.2. Lâm Tế Chúc Thánh:

Dòng Lâm Tế Chúc Thánh do Ngài Minh Hải – Đắc Trí – Pháp Bảo một vị tăng người Phúc Kiến Trung Quốc qua Việt Nam hành truyền đạo pháp. Ngài khai sơn chùa Chúc Thánh trên đất Quảng Nam, tiếp tăng độ chúng sau đó biệt xuất một bài kệ truyền pháp, từ đó một dòng phái mới đã được hình thành, đó là dòng Lâm Tế Chúc Thánh. Dòng phái này về sau được những hàng đệ tử của Tổ Minh Hải – Đắc Trí – Pháp Bảo truyền bá rộng rãi và phát triển rất rộng trên khắp dải đất miền Trung, ngoài bài kệ truyền pháp đầu tiên được sơ tổ xuất tại Quảng Nam thì vào năm 1967 thầy Thích Đổng Quán đã tìm được thêm một bài kệ truyền thừa khác, là bản chép tay trong gia phả dòng họ của Tổ Nguyên Thiều [6, tr.121]. Phật giáo du nhập và phát triển rộng trên vùng đất Lâm Đồng phần nhiều là do các vị tăng ở các tỉnh miền Trung đến đây hoằng hóa như Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Khánh Hoà… Ngôi chùa tiếp nhận dòng phái Lâm Tế Chúc Thánh đầu tiên trên vùng đất Lâm Đồng là chùa Linh Phước, cùng với sự có mặt đầu tiên của Hòa thượng Thích Minh Đức (1920 – 1985) vào năm 1960, khi Hoà thượng được Tổng hội Phật giáo Trung phần bổ nhiệm trụ trì chùa Linh Phước thuộc chi hội Phật giáo Trại Mát – Đà Lạt.

Hòa thượng Minh Đức, thế danh Nguyễn Khắc Dần, sinh năm 1902 tại Quảng Ngãi. Năm 17 tuổi ngài xuất gia với Hòa thượng Ấn Kim – Hoằng Tịnh tại tổ đình Sắc tứ Phước Quang – Quảng Ngãi với pháp danh Chơn Trung, tự Đạo Thứ, nối pháp đời 40 tông Lâm Tế và là thế hệ thứ 7 của pháp phái Chúc Thánh. Năm 1934, ngài thọ giới cụ túc với pháp hiệu Minh Đức, tại giới đàn chùa Thạch Sơn, Hoà thượng đàn đầu là Ngài Hoằng Thạc [6, tr.504].

Hệ thống truyền thừa

Năm 1927, khi sở trà Cầu Đất được thành lập, việc này dẫn đến sự di cư của những gia đình các tỉnh miền Trung vào đây rất nhiều. Họ tìm đến vùng đất mới này để làm công nhân trong các đồn điền, sở trà… và còn tranh thủ khai hoang lập nghiệp. Sau khi cuộc sống ổn định, họ bắt đầu mong muốn có một nơi để sinh hoạt tôn giáo và chùa Linh Phước đã được tạo dựng trong sự mong mỏi đó. Năm 1949, tại Trại Mát – Đà Lạt, Tổng hội Phật giáo Trung phần và phật tử nơi đây đã khởi công xây dựng một ngôi chùa trên khu đất rộng 3800m2 tại khóm Tự Phước, lấy tên hiệu Linh Phước, chùa được xây dựng đến 1951 thì hoàn thành [5, tr.176].

Chùa trải qua những đời trú trì như: Hòa thượng Minh Thể, Hòa thượng An Hòa, Hòa thượng Quảng Phát, và thứ 4 là Hòa thượng Minh Đức, người đã có công rất lớn trong việc phát triển chùa Linh Phước và truyền thừa pháp phái. Trong thời gian hoằng đạo của mình, Hòa thượng đã trùng tu và khai sơn một số ngôi chùa tại Đà Lạt như: Chùa Pháp Hoa – khuôn Sào Nam, chùa Tịnh Quang – khóm Tự Phước, Chùa Linh Thứu – khóm Chi Lăng, chùa Quan Âm – Khe Sanh.

Ngoài những ngôi chùa này còn có chùa Linh Sơn và hai ngôi chùa được sự truyền thừa của chư ni trên vùng đất này là chùa Tuệ Quang, chùa Từ Thuyền và sau này sự truyền thừa của chư tăng và chư ni nơi đây đã mở rộng ra trên khắp vùng đất Lâm Đồng.

Vùng đất Lâm Đồng do được tiếp nhận sự truyền bá từ rất nhiều nơi trên các tỉnh duyên hải miền Trung nên ở nơi đây chư tăng và chư ni chủ yếu truyền thừa theo tông Lâm Tế, riêng dòng phái Lâm Tế Chúc Thánh được truyền thừa theo cả hai dòng kệ của tổ Minh Hải – Đắc Trí – Pháp Bảo (Quảng Nam) và của tổ Nguyên Thiều (Bình Định).

Ngoài hai chi phái của tông Lâm Tế có mặt sớm nhất từ buổi đầu Phật giáo hình thành và trở thành hai dòng phái phát triển lớn mạnh, rộng khắp trên vùng đất Lâm Đồng thì Phật giáo nơi đây còn tiếp nhận một số dòng phái khác như tông Hoa Nghiêm hiện hữu năm 1958 ngôi chùa tiếp nhận Tông phái này là chùa Thiên Vương Cổ Sát – Đà Lạt. Đây là ngôi chùa được một vị tăng người Trung Quốc là Hòa thượng Thọ Dã (về hành trạng của Ngài đến nay vẫn chưa rõ) khai sơn. Ngoài tên chính của chùa thì người dân nơi đây thường gọi chùa bằng cái tên gần gũi là chùa Tàu, vì đây không chỉ là ngôi chùa đại diện cho sự có mặt của Tông Hoa Nghiêm và còn là ngôi chùa đầu tiên được người Hoa xây dựng trên vùng đất này. Cũng trong năm 1958, hệ phái Khất sĩ cũng đã có mặt nơi đây, người đầu tiên có công đem đạo Phật Khất sĩ Việt Nam đến với vùng đất này là sư trưởng Huỳnh Liên và ngôi tịnh xá khơi nguồn cho hệ phái Khất sĩ trên vùng đất này là tịnh xá Ngọc Cảnh – Đà Lạt.

2. Giai đoạn định hình và ổn định

Buổi đầu khi Phật giáo đến với vùng đất này, những vị Hòa thượng đã cùng nhau xây dựng lên những ngôi chùa khang trang trong hoàn cảnh rất khó khăn của một vùng đất mới, để những người Phật tử tha hương có nơi sinh hoạt, như một sự cổ vũ tinh thần cho họ.

Khi Phật giáo bắt đầu định hình, ổn định trên vùng đất này, hình ảnh hay tư liệu ghi chép về những hoạt động cụ thể của Phật giáo nơi đây chưa được tìm thấy nhiều, chỉ được thể hiện qua sự hình thành của những ngôi chùa và sự có mặt của những vị tu sĩ từ miền Trung đến đây hoằng hoá rất đông, điều này thể hiện qua sự có mặt của họ tại những thảo am và sau đó là những ngôi chùa khang trang được xây dựng.

2.1. Hệ thống chùa

Năm 1921, chùa Linh Quang là ngôi chùa đánh dấu chính thức cho sự hiện hữu của Phật giáo trên vùng đất Lâm Đồng, đến năm 1923, một ngôi chùa mang tên Giác Nguyên bắt đầu xuất hiện và người sáng lập là một Phật tử mộ đạo tên Huỳnh Thị Lan, pháp danh Hồng Tiến. Cho đến nay vẫn chưa xác định được chính xác tên chùa có từ thời gian nào và ai là người đã đặt tên.

Sau một thời gian dài chùa không có người trú trì, mãi đến năm 1938([1]), Hoà thượng Từ Nhãn từ tổ đình Bát Nhã – Phú Yên được cung thỉnh về đây đảm nhiệm cương vị trú trì, nơi đây đã trở thành trụ sở chính của Hội An Nam Phật học đầu tiên được thành lập trên vùng đất Lâm Đồng. Đến năm Bảo Đại thứ 14 (1939), chùa Giác Nguyên được ban Sắc tứ, tuy nhiên chưa tìm thấy nguồn tài liệu nào nói rõ lý do chùa được Sắc tứ [5, tr.203].

12Chùa Linh Quang, Đà Lạt. Ảnh: St

Cũng trong năm 1939, Hoà thượng Từ Nhãn đã khai sơn một ngôi chùa mới gần chùa Giác Nguyên, đặt tên là chùa Giác Hoàng. Năm 1940, do một vài trở ngại nên chi hội Phật học Dran đã được chuyển trụ sở về chùa Giác Hoàng, chùa lúc này còn có tên gọi khác là chùa Phật học Dran.

Năm 1944, Hòa thượng Từ Nhãn trở về Bát Nhã – Phú Yên, giao chùa Giác Nguyên và Giác Hoàng cho Hoà thượng Khế Tín. Năm 1945, Pháp tái chiếm Việt Nam, chùa Giác Nguyên đã trở thành cơ sở Cách mạng nhưng sau đó bị lộ, Hoà thượng Khế Tín cùng một số người nữa bị bắt và bị bắn vào chiều ngày 18 tháng 12 năm Ất Dậu, tức ngày 20 tháng 1 năm 1946([2]). Từ đây chùa thiếu vắng người trú trì trong một thời gian dài.

Năm 1933, tiền thân của chùa Linh Thắng là một niệm Phật đường được phật tử địa phương chung tay xây dựng, sau đó thầy Thích Chánh Thiện ở chùa Tam Bảo – Phan Thiết được thỉnh về đây hoằng pháp. Năm 1940, nhờ công lao của ông Võ Đình Dung mà nơi đây đã chính thức trở thành trụ sở của Hội An Nam Phật học thứ ba của tỉnh Đồng Nai Thượng giai đoạn này. Đến năm 1943, chùa được sự hưởng ứng của rất nhiều Hội viên đóng góp và trùng tu thành một ngôi chùa tường gạch, mái ngói khang trang.

Năm 1936, trên mảnh đất B’lao (Bảo Lộc), khi số lượng người Kinh từ các nơi đến đây làm thuê cho những đồn điền trà và cà phê đã tương đối đông, nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của họ cũng hình thành, họ đã tập hợp lại và dựng lên một niệm Phật đường, cùng nhau lễ Phật và sinh hoạt trong những ngày lễ vọng [5, tr.432]. Đây chính là tiền thân của chùa Phước Huệ, ngôi chùa sau này trở thành chùa tỉnh hội tỉnh Lâm Đồng, là nơi diễn ra rất nhiều những hoạt động của Phật giáo nơi đây.

Năm 1938, Hội Phật học Trung phần đã cùng phật tử địa phương chung sức xây dựng chùa Linh Sơn trong Thị xã Đà Lạt theo đề nghị của đức Từ Cung Đoan Huy Hoàng Thái Hậu. Người giữ chức trú trì đầu tiên là Hoà thượng Trí Thủ (1940-1941) và tiếp đó là Hoà thượng Diệu Hoằng (1941-1945). Năm 1941 tỉnh Lâm Viên được tái lập, chùa Linh Sơn đã trở thành chùa tỉnh hội của Phật giáo tỉnh Lâm Viên, cũng là nơi diễn ra mọi hoạt động quan trọng của Phật giáo, không chỉ riêng tỉnh Lâm Viên mà cho cả tỉnh Lâm Đồng, trở thành cơ sở đầu não cho toàn bộ hệ thống Phật giáo trên vùng đất Lâm Đồng.

Dựa trên nền tảng được xây dựng trong giai đoạn này, đã có rất nhiều chùa được thành lập để có thể đáp ứng được nhu cầu của người dân trên vùng đất này, ngoài những ngôi chùa được tỉnh hội Trung phần xây dựng còn có rất nhiều chùa được chính người dân địa phương tạo dựng lên, sau đó cung thỉnh những vị tu sĩ về trú trì, hướng dẫn họ trên con đường tu tập. Một số ngôi chùa khác do Phật tử địa phương thành lập trong giai đoạn này: Chùa Viên Giác (1927), chùa Phú Hội (1939), chùa Giác Hải (1940), chùa Bửu Sơn (1940), chùa Giác Hạnh (1943).

Trên vùng đất Lâm Đồng giai đoạn này hệ thống chùa đang dần được hình thành và phát triển, tuy nhiên những hình ảnh về hoạt động của chư tăng đối với đời sống người dân nơi đây lại không được ghi chép lại cụ thể. Nhưng có thể nói rằng, đây là khoảng thời gian mà nhu cầu về tín ngưỡng tôn giáo đối với người dân nơi đây rất cần thiết, điều đó thể hiện qua việc họ đã tự chung tay tạo dựng lên những ngôi chùa và thỉnh mời chư tăng về đây để hướng dẫn. Vậy nên cho dù hình ảnh cụ thể về những hoạt động của tăng đoàn nơi đây giai đoạn này không được biểu hiện rõ nét, nhưng chắc chắn đời sống sinh hoạt của Phật giáo với đời sống của người dân là hai bộ phận không thể tách rời.

Từ năm 1938 trở đi, khi công cuộc chấn hưng Phật giáo diễn ra, Hội An Nam Phật học dần phát triển đến hết các tỉnh miền Trung, cũng là lúc mọi hoạt động của chư tăng nơi đây bắt đầu rõ nét, hệ thống hội Phật học đã bắt đầu hình thành trên vùng đất này.

2.2. Hệ thống Hội Phật học

Hội Phật học đầu tiên được thành lập trên vùng đất Lâm Đồng này là nhờ công ơn rất lớn của Hoà thượng Từ Nhãn. Trong thời gian hành đạo tại đây, với mong muốn nơi mảnh đất còn nhiều hoang vắng và khó khăn này sẽ có được một Hội Phật học để làm nền tảng cho sự phát triển của Phật giáo, sau khi dự lễ giỗ tổ tại tổ đình Bát Nhã – Phú Yên, Hoà thượng Từ Nhãn đã cùng đạo hữu Vương Văn Dậu pháp danh Nguyên Đoài ra Huế, gặp Ban Trị sự Trung ương xin tài liệu và học cách thức tổ chức của hội An Nam Phật học nơi này. Trở về Dran, đạo hữu Vương Văn Dậu và đạo hữu Trần Ban Kinh pháp danh Nguyên Điền đã làm thủ tục xin phép thành lập Hội An Nam Phật học trên xứ Dran, tỉnh Đồng Nai Thượng và đã được Tổng Trị sự cho phép thành lập ngày 1 tháng 8 năm 1938. Sự việc này đã được ghi chép lại trong tạp chí Viên Âm:

Phật tử ở Dran: – Ai ngờ, trong chốn sơn-lâm cùng cốc, như xóm Càng-rang, mà giống Bồ – đề, nhờ đại-bi-tâm của thầy Bác-Nhả đem gieo bấy lâu, ngày nay đã nảy nở, đâm hoa trổ cành tươi tốt. Ở Dran, hiện nay đã có trên 30 hội-viên Phật-học, thảy đều phát-tâm qui-y Tam-bảo, nguyện giốc chí tu trì và tấn-thành phật-sự. Bản san chúc anh em ở Dran chóng đạt thành chí nguyện [1, tr.63].

Cũng trong năm này, tại tỉnh Đồng Nai Thượng, nhờ đạo tâm của vị hội viên dân biểu ở Đà Lạt là ông Chánh hội trưởng Võ Đình Dung mà công tác chuẩn bị để thành lập tỉnh hội Phật giáo nơi đây đã diễn ra một cách thuận lợi [1, tr.65].

Ngay sau đó, năm 1939, tỉnh hội Haut-Donnai (Đồng Nai Thượng) đã chính thức thành lập và một cuộc nhóm họp Đại hội đồng đã được diễn ra vào ngày 4 tháng 2 tại chùa Linh Quang Đà Lạt. Trong cuộc họp này, tỉnh hội đã bầu ra Ban chứng minh và Ban Trị sự của năm 1939 như sau: Hòa thượng chứng minh là Ngài Thích Nhơn Thứ (trụ trì chùa Linh Quang), ông Võ Đình Dung giữ chức Chính hội trưởng, ông Tôn Thất Hạng là phó hội trưởng, cố vấn là ông Ưng Thuần, giữ chức Chính thư ký là ông Lê Dung, phó thư ký là ông Lâm Phước Đức, Chính thủ quỹ là ông Tôn Thất Hạng, ông Huỳnh Ngọc Suyền là phó thủ quỹ; về phía kiểm soát nam gồm có những ông: Nguyễn Văn Tiếng, Phạm Văn Bình, Võ Văn Dung, Nguyễn Hữu Mân, Đỗ Phú Ninh; về phần nữ kiểm soát gồm có: Bà Mes Grimaldi, bà Võ Đình Dung, bà Nguyễn Hữu Vịnh và bà Nguyễn Quang Chi. Tiếp đó Đại hội đồng còn cử ra Ban tịnh độ, các phường trưởng và một số việc khác [2, tr.27 – 28].

Ngày 1 tháng 2 năm 1940, tỉnh hội Đồng Nai Thượng đã làm lễ khánh thành chi hội Phật học Djiring (Di Linh) trong sự khuyến khích và ủng hộ của ông Võ Đình Dung, ngôi niệm Phật đường do phật tử địa phương thành lập đã được chọn làm trụ sở của Hội An Nam Phật học: “Tỉnh-hội Haut-Donnai. – Ngày 1 er Fevrier 1940 làm lễ khánh thành cho Chi-hội Djiring và làm lễ cầu-chúc Đại Pháp thắng trận có quan Công-sứ và quan Quản-đạo dự lễ” [3, tr.28].

Ngày 8 tháng 12 năm 1940, tại Đà Lạt khi Chính phủ lâm thời bắt đầu có dự định thành lập lại tỉnh Lâm Viên vào ngày 08 tháng 01 năm 1941, hội Phật giáo lấy tên tỉnh Lâm Viên được thành lập và nhóm họp tại chùa Linh Quang, bầu ra Ban Trị sự tỉnh năm 1941. Cuộc họp bầu cử cho kết quả như sau: Ông Võ Đình Dung giữ chức Chánh hội trưởng, ông Nguyễn Minh Trì làm Phó hội trưởng, ông Ưng Thuần giữ chức Cố vấn Trị sự, Cố vấn đạo đức là ông Nguyễn Hữu Vịnh, Chánh thư ký là ông Đỗ Tuyển, Phó thư ký là ông Lâm Phước Đức, ông Tôn Thất Chí là Chánh thủ quỹ, Phó thủ quỹ là ông Huỳnh Ngọc Suyền; về phía kiểm soát nam gồm những thành viên như: Ông Nguyễn Văn Tiếng, Đỗ Phú Ninh, Nguyễn Phương Toàn, Phan Tấn Cự, Phan Phú Huệ, Hồ Quang Thuỳ, Hồ Viết Thuỵ; nữ kiểm soát bao gồm: Bà Phạm Khắc Hoè, Grimaldi, Võ Đình Dung, Nguyễn Hữu Vịnh, Nguyễn Xuân Cán, Nguyễn Hữu Má, Phan Thị Thê [4, tr.30 – 31].

Sau khi giáo hội Phật giáo tỉnh Lâm Viên được thành lập cũng là lúc đất nước bắt đầu bước sang giai đoạn lịch sử đầy biến động, Phật giáo cũng không thể tách rời khỏi tình hình chung đó.

KẾT LUẬN

Phật giáo Lâm Đồng trong giai đoạn đầu tuy không được ghi chép lại nhiều, nhưng qua những gì hiện hữu chúng ta có thể thấy được Phật giáo nơi đây cũng  đang từng bước ổn định để kiện toàn hệ thống tăng đoàn. Trước là góp phần củng cố Phật giáo Việt Nam thêm lớn mạnh, sau là củng cố hệ thống tổ chức của Phật giáo tỉnh nhà ngày một phát triển hơn. Tiếp đó thực hiện truyền thống của Phật giáo Việt Nam đó là hoằng pháp lợi sinh và đồng hành cùng nhân sinh nơi đây nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung trên con đường tranh đấu giành tự do tôn giáo và giành tự do, độc lập cho cả dân tộc.

Tác giả: Thích nữ Tuệ Uyển
Học viên cao học khoá III, Học viện PGVN tại Tp.HCM

***
Chú thích:
[1] Trong cuốn “Lược sử những ngôi chùa tỉnh Lâm Đồng” cho biết Hoà thượng Từ Nhãn về trú trì chùa Giác Nguyên vào năm 1939, tuy nhiên theo nhận định của người viết, thời gian Hoà thượng về đây là năm 1938 thì chính xác hơn. Năm 1938 là năm Hội An Nam Phật học triển khai thành lập chi nhánh của Hội ở những tỉnh miền Trung, đến năm 1940 thì chi nhánh của Hội đã bao phủ tất cả các tỉnh miền Trung. Tại tỉnh Đồng Nai Thượng, Hội An Nam Phật học được thành lập vào năm 1938 và đặt trụ sở tại chùa Giác Nguyên và người có công thành lập Hội là Hoà thượng Từ Nhãn, vậy nên mốc thời gian Hoà thượng Từ Nhãn về đây trú trì là 1938 là khả quan hơn.
[2] Theo ghi chép của đạo hữu Vương Văn Dậu, pháp danh Nguyên Đoài.

THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Tạp chí Viên Âm số 32.
2. Tạp chí Viên Âm, số 36.
3. Tạp chí Viên Âm, số 37.
4. Tạp chí Viên Âm, số 46.
5. Thích Không Trú chủ biên (2008), Lược sử những ngôi chùa tỉnh Lâm Đồng, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
6. Thích Như Tịnh (2009), Lịch Sử Truyền Thừa Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh, Nxb Phương Đông, Tp. Hồ Chí Minh.
7. Thích Trung Hậu – Thích Hải Ấn (2011), Chư tôn thiện đức & Cư sĩ hữu công Phật giáo Thuận Hóa, Tập 2, Nxb. Tổng Hợp, Tp. Hồ Chí Minh.
8. Tưởng niệm Hoà thượng Thích Nhơn Thứ khai sơn tổ đình Sắc tứ Linh Quang, tài liệu nội bộ.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường