Tứ nhiếp pháp là thiện pháp thù thắng hành trì trong đời sống để có thể giúp mình được an lạc, như người trồng hoa thơm trái ngọt dâng cho đời...
Tứ nhiếp pháp là thiện pháp thù thắng hành trì trong đời sống để có thể giúp mình được an lạc, như người trồng hoa thơm trái ngọt dâng cho đời, bởi chính hạnh phúc của người khác mới chính là hạnh phúc đích thực lâu bền cho mình. Cho đi là sẽ nhận lại, như một chân lý hiển nhiên của luật nhân quả.
Tứ nhiếp Pháp là nghệ thuật sống đẹp, đầy giá trị
đạo đức bởi trong ấy đều là những điều nên làm đem lại lợi ích thành công cho chính mình, tốt đẹp cho gia đình và xã hội thêm văn minh, tiến bộ và phát triển.
Tác giả: Phước Tuệ
Học viên Cao Học Khoa Văn học Phật giáo - K.II - Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế.
Dẫn nhập
Vì chúng sinh đau khổ trầm luân, đức Phật mới xuất hiện ra nơi đời để cứu khổ và chỉ ra con đường thoát khổ. Với mục đích đó, từ khi chứng thành Chính Đẳng Giác, Ngài đã không ngừng độ sinh, xây dựng nền móng ngôi nhà Phật pháp vững chắc và kiên cố trên đất nước Ấn Độ đa thần giáo này. Đến khi bậc Đạo sư đi vào cõi tịch tĩnh vô dư, những hành trạng và kim ngôn của Người được các bậc Thánh đệ tử kết tập; cùng trải qua bao thế kỉ chư Tiền bối, cao Tăng giữ gìn và lưu truyền. Đó là gia tài pháp bảo của đạo Phật, là mạch nước đầu nguồn trong ngần chứa đựng từ bi, trí tuệ đang tuôn chảy và luân lưu; phát triển và lớn rộng ở khắp Năm châu.
Phật giáo đã xây dựng nền tảng đạo đức kiên cố vì hạnh phúc nhân sinh nên khi trải qua những biến cố thịnh suy thăng trầm của lịch sử Phật giáo vẫn đồng hành cùng dân tộc, trên mỗi đất nước, mỗi quốc gia như hai đường ray của xe lửa, như hai cánh của con chim không thể tách rời. Với vô số phương tiện để đưa con người đến với an lạc hạnh phúc đức Phật đã để lại rất nhiều những bài học, những phương tiện thiện xảo để đệ tử Ngài thực hành và ứng dụng đạt được tự lợi và lợi tha.
Song vì cõi đời ngũ trượt ác thế với nhiều cám dỗ của ngũ dục, lục trần đức Phật luôn căn dặn hàng đệ tử cần tỉnh thức chính niệm trong ba nghiệp dù lợi ích chúng sinh nhưng không quên bồ đề tâm của mình vì “Vong thất bồ đề tâm thị danh ma nghiệp”. cho nên giữ được luân lý đạo đức là điều quan trọng tối cần để tu tập và làm bất kì điều gì đem lại lợi ích cho mọi người. Trong phạm vi tiểu luận này, tác giả chọn Đề tài Đạo đức qua Tứ Nhiếp Pháp.
Nội dung của Tứ Nhiếp Pháp liên hệ như thế nào dưới góc nhìn của đạo đức học Phật giáo?
NỘI DUNG
1. Ý nghĩa của đạo đức
Đạo đức là gì?
Theo Từ điển Tiếng Việt: “Đạo đức là những tiêu chuẩn, nguyên tắc được dư luận xã hội thừa nhận, quy định về hành vi, quan hệ giữa con người đối với nhau và đối với xã hội”; “đạo đức là phẩm chất tốt đẹp của con người do tu dưỡng theo những chuẩn mực đạo đức mà có”.
Bản chất của đạo đức: đạo đức được thành lập chủ yếu trên quan hệ giữa con người và con người. Trong Tiểu Thừa Phật giáo Tư Tưởng Luận của K.Taiken, HTh Quảng Độ dịch, xét về đạo đức phải kể đến thiện, ác phát xuất từ tâm lấy động cơ làm điều kiện tiên quyết, đối tượng để bình giá đạo đức là hành vi. Đặc điểm của đạo đức là lấy sự hy sinh tự kỷ làm tiêu chí; lấy sự quên mình vì người làm căn bản, càng ít tâm ích kỷ, giá trị đạo đức càng cao.
Đạo đức xã hội và tôn giáo lấy việc xa lìa ngã chấp, ngã dục làm điều kiện trọng yếu. Thuật ngữ đạo đức: đó là hành động tốt hoặc xấu, đúng hoặc sai, đạo đức hay phi đạo đức, phải làm không được làm, nên làm, không nên làm, bổn phận phải làm, trách nhiệm phải làm. Sáu nguyên lý của đạo đức:
1- Diễn tả những tiêu chuẩn đạo đức trong những đất nước khác nhau và thời đại khác nhau.
2- Những tiêu chuẩn đạo đức có giá trị.
3- Kiểm định giá trị của những tiêu chuẩn đạo đức bằng cách xác quyết vị trí của chúng trong toàn bộ cuộc sống con người.
4- Ứng dụng những tiêu chuẩn có giá trị trong những trường hợp đặc biệt cụ thể.
5- Những nguyên tắc có sự cải tiến hạnh kiểm như mục tiêu đã được xác định của nó.
6- Thực hành một lối sống tốt đẹp.
Từ những định nghĩa, bản chất, đặc điểm đến thuật ngữ và những nguyên lý của đạo đức một phần nào đã nói lên ý nghĩa của đạo đức đối với con người. Đạo đức là một trong những phạm trù quan trọng, thiết yếu để xây dựng nên đời sống tiêu chuẩn của một con người ở mỗi thời đại trong xã hội. Xã hội hay tổ chức nào cũng không thể thiếu đạo đức mà tồn tại được.
Đạo đức là nền tảng luân lý mà bất kỳ thời đại nào cũng cần phải xây dựng củng cố và phát triển. Con người nếu không có đạo đức thì không dùng được. Cuộc đời nếu thiếu đạo đức thì xã hội sẽ rối loạn. Luân lý đạo đức là phương châm, lối sống định hướng cho con người và xã hội sống tốt, sống thiện mang đến bình an và hạnh phúc. Đạo đức có tính cách chủ quan, mỗi cộng đồng, mỗi xã hội, mỗi tôn giáo... có thể có những chuẩn mực đạo đức riêng. Đạo đức Phật giáo được thiết lập nhằm mục đích tịnh hóa ba nghiệp, đưa đến đời sống an lạc thực sự.
Đạo đức học Phật giáo có tính nhân đạo và nhân văn luôn hướng tới ba nghiệp thân khẩu ý thiện và khai trừ ba nghiệp ác xuyên suốt ba đời quá khứ, hiện tại, tương lai. Đạo đức học Phật giáo đem lại cho con người có đầy đủ hai đức tính từ bi và trí tuệ.
Hành động đạo đức học Phật giáo luôn đem lại an lạc cho mình cho người cho cả hai “không thể sống có hạnh phúc nếu hành động của bạn toàn là gian ác, thù hận ngược lại muốn sống hạnh phúc phải có đạo đức, hành động phải có ý thức về tình người. từ bi và bất bạo động. Tư tưởng siêu việt nhất mà đức Phật nhìn kiếp sống trong cõi Ta Bà này là tham dục."
Chính tham dục thúc đẩy con người tới vô minh, vì vô minh nên cứ sống với tham, sân, si, mạn, ác,tà kiến tạo nguyên nhân gây khổ cho mình cho khắp cả chúng sinh. Đạo đức học Phật giáo chuyển đổi nguyên nhân ấy, biến tham, sân, si mạn thành từ, bi, hỷ, xã tức con đường thực hiện Bồ Tát đạo. Lấy con người làm trung tâm và giúp con người sống có đạo đức để luôn chuyển đổi các dục phi đạo đức thành ước muốn đạo đức.
Nếu đạo đức đồng nghĩa với hạnh phúc thì đạo Phật là đạo hạnh phúc vì toàn bộ giáo lý Phật giáo chính là con đường hạnh phúc, giúp con người loại trừ khổ đau và đạt được hạnh phúc trong hiện tại như đức Phật đã dạy: “Ta chỉ nói khổ và con đường diệt khổ” (Kinh Xà Dụ).
Duyên sinh vô ngã là linh hồn của triết lý Phật giáo; vạn vật không có không ngã tính, không phải tự nhiên sinh mà chỉ có thể tồn tại trên nguyên lý hòa hợp của nhân duyên giữa con người và thiên nhiên, con người với con người, và con người với tiến trình tâm, sinh, vật lý của mình. Mục đích ra đời của đức Phật “... vì lợi ích và hạnh phúc của số đông, vì an lạc cho chư thiên và loài người” (Tăng Chi Bộ).
“Lợi ích cho mình và lợi ích cho người” là đạo đức, là tiêu chí của người Phật tử. Đạo đức Phật giáo không chỉ phần lý thuyết, mà quan trọng là vấn đề thực hành trong đời sống hằng ngày. Cuộc đời đức Phật là hiện thân toàn vẹn của đạo đức Phật giáo. Vô thần, vô ngã trong đạo Phật là đỉnh cao của đạo đức, vì nó loại trừ vai trò thần linh, vai trò tha lực và nhấn mạnh đến trách nhiệm cá nhân.
Trong sự trình bày ở trên phần nào đã sáng tỏ ý nghĩa của đạo đức, vai trò và sự ảnh hưởng của nó trong mỗi cá nhân và xã hội. Và đặc biệt là quan niệm đạo đức trong Phật giáo, đây sẽ là nền tảng để người viết tìm hiểu ý nghĩa đạo đức qua Tứ Nhiếp Pháp.
2. Đạo đức qua Tứ Nhiếp Pháp
Tứ nhiếp pháp là gì? Tứ là 4; nhiếp là thu phục; pháp là phương pháp. Lợi tha là làm lợi ích cho người khác. Tứ nhiếp pháp là 4 phương pháp lợi tha để giúp tất cả chúng sinh biết quay về với Phật pháp chân chính mà sống an vui hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.
Tứ nhiếp pháp là bốn pháp quan trọng, trong cách hành xử, giao tiếp trong đời sống tập thể, số đông, nghệ thuật nhiếp phục người khác và làm cho đời sống trở nên tốt đẹp, đạo đức hơn. Đức Phật đã nhắc đến ba lần trong Tăng Chi bộ kinh
Phẩm bánh xe, đức Phật dạy: “Này các Tỷ-kheo, có bốn nhiếp pháp này. Thế nào là bốn?
Bố thí và ái ngữ,
Lợi hành và đồng sự
Hỡi các vị Tỷ-kheo,
Ðây là bốn nhiếp pháp.
Bố thí và ái ngữ,
Lợi hành và đồng sự,
Ðối với những pháp này,
Ở đời đối xử nhau,
Chỗ này và chỗ kia,
Như vậy thật tương xứng
Và bốn nhiếp pháp này,
Như đỉnh đầu trục xe,
Nếu thiếu nhiếp pháp này,
Thời cả mẹ lẫn cha
Không được các người con
Tôn trọng và cung kính
Do vậy bậc Hiền trí,
Ðồng đẳng nhìn nhiếp pháp
Nhờ vậy họ đạt được,
Sự cao lớn, tán thán."
Ở Phẩm Thắng Trí đức Phật lại dạy: “này các Tỳ- kheo, có bốn nhiếp pháp này. Thế nào là bốn? Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự. Này các Tỳ- kheo, có bốn nhiếp pháp này” . Và ở Phẩm Gia Chủ, đức Phật đã chỉ cho thấy lợi ích của bốn nhiếp pháp này qua bài kinh (24) Hatthaka, người xứ Alavi tương đương Trung A-hàm, kinh số 40, Thủ Trưởng Giả. Khi đức Thế Tôn trú ở A-la-ti Già-la thủ trưởng giả Hatthaka cùng với năm trăm nam cư sĩ đi đến Thế Tôn. Đức Phật hỏi, bằng phương pháp gì mà ông có thể duy trì sự hòa hợp của một tập thể đông đảo như vậy, ông đáp:
“Con hành theo bốn nhiếp sự mà Thế Tôn đã dạy. Đó là: bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự. Đức Thế Tôn khen ngợi thủ trưởng giả và nói rằng trong quá khứ hiện tại hay tương lai, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào bằng như pháp Nhiếp hóa đại chúng, thì tất cả những sự nhiếp hóa ấy hoàn toàn ở trong bốn sự nhiếp này."
Tứ nhiếp Pháp ở bài kinh đầu dùng để đối xử nhau, chổ này hoặc chỗ kia, nó quan trọng như đinh đầu trục xe, là pháp mà cha mẹ được tôn trọng và cung kính; Là bốn pháp được đức Phật xếp vào phẩm Thắng trí; Là pháp mà có thể quy tụ nhiếp hóa được số đông. Bốn pháp này không những đem lại lợi ích cho mình và lợi ích cho người mà còn thể hiện một tinh thần sống đẹp trong xã hội, là phương pháp thực hiện hiệu quả cho các bậc lãnh đạo ở gia đình, tổ chức trong cộng đồng được thành công, tốt đẹp. Như vậy nội dung của bốn pháp đây như thế nào?
Trong A-tì-đạt-ma Tập Dị Môn Túc Luận Hòa thượng Tuệ Sỹ dịch: “ Thế nào là bố thí nhiếp sự?- trong đây, bố thí: Các thí chủ bố thí cho sa-môn, bà-la-môn, người hành khổ bần cùng, người đi xin các thứ như: đồ ăn, thuốc men, y phục, tràng hoa, hương bột, hương thoa, ngọa cụ, nhà cửa, đèn đuốc... đây gọi là bố thí. "
Lại nữa, như Thế Tôn nói với thủ trưởng giả: “Trưởng giả nên biết, trong các sự bố thí, pháp thí là tối thắng”. đây gọi là bố thí. Nhiếp sự: do bố thí này mà thu nhiếp người khác, thi ân, hổ trợ, làm cho gần gủi nhau, cho nên gọi là bố thí nhiếp sự.”
Thế nào là ái ngữ nhiếp sự?
Lời vui tai, dịu ngọt, lời nói với vẻ mặt tươi vui và ánh mắt bình thản, lời nói không với vẻ cau có, lời với nụ cười đi trước, lời chúc mừng, lời nói đáng yêu, lời nói chào đón. Tối thắng trong các ái ngữ là thường luôn thuyết pháp, thường luôn giáo giới, thường luôn phân tích, giải nghi, khéo khuyên nhủ các hàng thiện nam tử, thiện nữ nhơn lắng tai nghe pháp.” đây gọi là ái ngữ.
Thế nào là lợi hành nhiếp sự?
Hoặc có những hữu tình lâm trọng bệnh, hoặc gặp nạn hiểm nguy, khốn khổ, không ai cứu giúp, bèn đến đó, khởi tâm từ mẫn, bằng phương tiện thân, ngữ, ý mà chăm sóc, cứu giúp. Đây gọi là lợi hành. Tối thắng trong các lợi hành là với người không tin chính pháp thì dẫn dắt, thuyết phục, xác lập, khiến cho tín được viên mãn. Với người phá giới, thì dẫn dắt thuyết phục, xác lập khiến cho giới được viên mãn. Với người xan tham, thì dẫn dắt, thuyết phục, xác lập, khiến cho thí được viên mãn. Với người ác tuệ, thì dẫn dắt, thuyết phục, xác lập, khiến cho tuệ được viên mãn. Những việc làm như vậy gọi là lợi hành.
Thế nào là đồng sự nhiếp sự?
Với người cực chán ghét đoạn sinh mạng thì khéo léo trợ giúp khiến cho người ấy từ bỏ đoạn sinh mạng. Hoặc cực chán ghét lấy của không cho; hoặc cực chán ghét dục tà hạnh; hoặc cực chán ghét nói lời hư dối; hoặc người cực chán ghét bỏ uống các thứ rượu thì khéo léo trợ giúp khiến cho người ấy từ bỏ uống các thứ rượu. Các việc làm như vậy, gọi là đồng sự. Tối thắng trong các đồng sự, là tự ta đắc quả A-la-hán, hoặc bất hoàn, Nhất Lai, Dự Lưu như vậy. Đây gọi là đồng sự.
Nhiếp sự: "do ái ngữ, lợi hành, đồng sự mà thu nhiếp người khác, thi ân, hỗ trợ, làm cho gần gũi nhau. Đồng sự như vậy mà thu nhiếp các hữu tình khác, thi ân hỗ trợ, làm cho gần gũi nhau, cho nên gọi là ái ngữ, lợi hành, đồng sự nhiếp sự”.
Qua luận giải của chư Tổ, chúng ta thấy được từ tướng đến tính, từ pháp phương tiện đi đến cứu cánh, từ vật chất đi đến tinh thần. Bố thí, ái ngữ như thế nào, lợi hành, đồng sự ra sao và đặc biệt qua những việc làm ấy chúng ta đắc được nhân tâm, thu phục được lòng người, khiến người có cảm mến và gần gủi từ đó dẫn dắt người vào chính đạo, giúp người an vui trong chính pháp.
Nhiếp sự còn là những nguyên tắc, cơ sở duy trì sự đoàn kết, sự hòa hiệp của chúng hội mà trong Du Già Sư Địa Luận HTh Tuệ Sỹ cũng đã viết trong pháp đồng sự nghĩa là đồng đẳng giữa những người trong cùng hội chúng về mục đích, phẩm chất đạo đức, về giá trị nhân cách. Như là ta giữ trọn được năm giới thì hỗ trợ người hoàn thiện năm giới cho đến chứng đắc được quả vị cao nhất Alahan hướng dẫn họ đạt được sở chứng ngang ta về trí tuệ cũng như về đạo đức mới thật đúng ý nghĩa của bố thí ba la mật, bố thí tam luân không tịch: ta- người và vật thí đều thanh tịnh.
Đức Phật Bậc Thầy dẫn đầu trong hạnh thí đến cho chúng sinh ở cả ba phương diện về tài thí, pháp thí và vô úy thí. Trong kinh Kim Quang Minh ghi lại, khi Ngài còn tu bồ tát đạo, sinh làm thái tử thứ ba tên Tát Đỏa, Ngài cùng với hai anh đi vào rừng du ngoạn thì gặp ba mẹ con cọp bị đói đã lâu ngày thân thể khô gầy, cọp mẹ muốn ăn thịt con, thấy như vậy cả ba thái tử đều động lòng thương xót, nhưng chỉ có thái tử Tát Đỏa tìm cách quay lại để hi sinh thân mình cứu sống ba mẹ con cọp. Trãi qua vô số kiếp về trước Đức Phật cũng đã bố thí không chỉ ngoại tài, bố thí cả vợ con; mà nội thí thân thể mình ở rất nhiều tiền thân khi tu Bồ tát đạo.
Bố thí là chia sớt, giúp đỡ người về tài vật, hoặc bằng ý kiến, lời khuyên, thời giờ, khả năng, tâm lực hay giáo pháp. Đức Phật dạy bố thí có ba: tài thí, pháp thí và vô úy thí. Cuộc sống vốn dĩ không ai giống ai, bởi tùy theo nghiệp cảm mà đến với cuộc đời nên có kẻ giàu, người nghèo; kẻ mạnh, người yếu; người nhiều phước đức, kẻ kém duyên may ... nên khi chúng ta có chúng ta cho đi là trao cho người niềm vui, còn cho ta niềm hạnh phúc và trong pháp bố thí ấy đã có đủ tính chất từ,bi, hỷ, xả của người hành hạnh lợi tha.
Đạo đức được thể hiện rõ qua câu dân gian: “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. và chỉ khi “Có thực mới vực được đạo” cần phải đem vật chất cung cấp để giúp người qua lúc khó khăn, thì mới giúp đến tinh thần cho người được nên pháp bố thí rất quan trọng và trước tiên trong bốn phương pháp này. Cho đi là phương pháp giúp cho lòng mình rộng mở, không ích kỷ, hẹp hòi nữa.
Muốn cho người khác được niềm vui, được đầy đủ vật chất hay giúp họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống, đủ ý chí vươn lên số phận bằng sự an ủi, bằng pháp thí hay bằng sự bố thí đem lại sự không sợ hãi đến cho người đều vô cùng ý nghĩa, thiết thực trong tinh thần “thương người như thể thương thân” đó là tinh thần vô ngã vị tha trong nhà Phật và khi thiện tâm ở trong lòng, thì tham, sân, si sẽ vắng bóng.
Bố thí có rất nhiều cách và vì thế không ai là không thể bố thí, nếu không có của cải thì cho đi sức lực đồng hành để giúp người kia hoàn thành công việc, nhường chổ ngồi cho người lớn tuổi, tùy hỷ công đức khi người thành công, trấn an khi người đang lo lắng, sợ hãi; khuyên người niệm Phật, làm lành, bố thí, phóng sinh... Tình người sẽ gần lại với nhau hơn khi ta biết cách cho đi, ta sẽ nhận lại niềm tin tưởng của người, ta sẽ cùng người đồng hành trên con đường hướng thượng hướng thiện thì sẽ đẹp biết bao.
Ái ngữ nhiếp là lời nói dịu dàng, dễ nghe; ai trong cuộc sống cũng muốn nghe những lời tôn trọng, nhẹ nhàng nên người xưa nói:
“Lời nói chẳng mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”
Bởi trong đời có lắm người cậy quyền, ỷ thế mà dùng lời thô thiển để bắt nạt người khác, hoặc có kẻ nói những lời cay ác, mắng nhiếc; lời ly gián, chia rẽ; lời làm nhụt chí người.... đem lại cho người nghe sự đau khổ, nỗi tủi nhục, buồn bả đến quyên sinh. Đó cũng là những tệ nạn xã hội dẫn người đến tội ác vô hình. Lời nói là phương tiện truyền thông, là cửa ngõ giao tiếp giữa người với người thể hiện tính lịch sự và tôn trọng nhau trong tình người. Nhưng nếu con người nói vì lợi cho mình, vì bị tham, sân chi phối thì nhất định nhân tính sẽ không làm chủ được lời nói nữa.
Tiểu bộ kinh (28) Chuyện con bò đại hỷ, kể lại tiền thân đức Phật khi làm con bò Nandivisala muốn trả ơn người bà-la-môn đã nuôi mình, nên nói với chủ thách đấu kéo trăm cỗ xe với một ngàn đồng. Khi cuộc thách đấu bắt đầu, người Bà-la-môn đưa cao gậy thúc: “Hãy kéo, đồ ranh con” với lời nói ấy bò Nandivisala đã đứng yên, không hề di động. Sau khi biết được lí do, vào lần thách đố thứ hai, Bà-la-môn đã thay đổi cách cư xử vừa xoa lưng Nandivisal vừa nói: “Hãy kéo, chú bạn hiền thiện”.
Và lần này thì ông mới chiến thắng với hai ngàn đồng. Qua câu chuyện đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, lời nói ác độc không làm ai vừa ý”. Đây là bài học rất ý nghĩa về lời ái ngữ kể cả con vật còn cảm nhận và thích lời dịu dàng vậy. Biết được tác hại của lời nói mang lại đau khổ cho người như vậy đức Phật dạy lìa lời nói vọng ngữ, ác khẩu, lưỡng thiệt và lời ỷ ngữ, thực hành lời nói ái ngữ không những không tạo nghiệp cho mình mà thâu nhiếp được lòng người, khiến người tin yêu, kính quý mình hơn. Ái ngữ không những nói năng nhẹ nhàng mà còn đúng Chính pháp lời nói ấy mới có đủ công năng nhiếp hóa người. Đức Phật dạy: “Nói đúng thời, nói đúng sự thật, nói lời nhu hòa, nói lời liên hệ đến lợi ích, nói với từ tâm”. (Tăng chi bộ II, chương 5, phẩm Bà-la-môn, phần Lời nói).
Lợi hành là dùng lời nói, hành động, ý nghĩ của mình để làm lợi cho mọi người, giúp ích cho người thăng tiến trong đời sống vật chất và tinh thần khiến họ sinh tâm hoan hỉ. Trong phẩm Quán Thế Âm Bồ tát giảng lục nói đến Trì Địa Bồ tát có một tấm lòng lợi mình và người rất tha thiết Ngài vui lòng làm những công đức từ thiện một cách vô tư lợi ích vô tư lợi ích cho thế gian và dân chúng. Ngài đẩy xe cho người lên dốc, giúp kẻ mang gánh nặng nề, đắp đường, sửa cầu cống... dụng tâm làm chẳng cần ai để ý, chẳng nhận một món thù lao nào chỉ làm mang lợi ích cho người như thế.
Bằng thân, khẩu, ý của Bồ tát làm những việc lành, đem lại lợi ích cho tất cả chúng sinh. Nhờ vậy mà chúng sinh gần gủi, thương yêu, nương tựa và thọ nhận đạo pháp, chứng được chân lý. Hình ảnh và công hạnh của Bồ tát Trì Địa thật sống động nó mang lý tưởng tinh thần cho những hoạt động tình nguyện viên, lan tỏa tình người qua những công tác thiện nguyện cho cộng đồng xã hội, thắp sáng nhân cách cho nhau qua những khó khăn, thử thách trong cuộc đời nghĩ đến lợi ích cho người mà hành động giúp đở đặc biệt hướng họ đến một nhân cách đạo đức tốt đẹp, đưa họ sống đúng chính pháp.
Đồng sự là “đồng đẳng giữa những người trong cùng hội chúng về mục đích, về phẩm chất đạo đức, về giá trị nhân cách”(Du Già Bồ Tát Giới- Tuệ Sỹ). Nếu ta tự biết mình giữ trọn năm giới thì cùng hỗ trợ người hoàn thiện năm giới. Có rất nhiều Bồ tát trong đời đi vào những quán bar, chỗ rượu chè, cờ bạc... ngồi với họ nhưng sau đó đưa họ ra được khỏi những chốn nguy hiểm, bại hoại đó.
Trong kinh Pháp Hoa phẩm Tín Giải thứ 4, dẫn câu chuyện ông Trưởng giả và người con thất lạc năm mươi năm, đứa con vì kế sinh nhai lưu lạc bôn ba sau tìm về được bổn quốc, gặp lại cha mình nhưng không nhận ra vì sự giàu sang và oai đức người Cha quá lớn, biết được nhân duyên sợ hãi của con mình ông Trưởng giả đã dùng phương tiện mật sai hai người hình sắc tiều tụy, rủ người con về chỗ ông cùng làm việc hốt phân. Rồi ngày kia, trông thấy con ốm o, phân đất bụi bặm “ông cởi chuỗi ngọc, áo tốt mịn màng cùng đồ trang sức, lại mặc áo thô rách trỉn dơ, bụi đất lấm thân, tay mặt cầm đồ hốt phân, bộ dạng đáng nể sợ”.
Trưởng giả gần gũi lại dùng lời nhẹ nhàng, khuyên bảo; cung cấp những đồ cần dùng dần dần khiến cho người con ý chí lần đã thông thái rồi sau ông đã có thể đem gia tài trao cho con. Qua đây chúng ta cũng thấy được sức ảnh hưởng mạnh mẽ của pháp đồng sự nhiếp có tác dụng lớn lao như thế nào.
Tứ nhiếp pháp không những thể hiện cái nhìn đầy trí tuệ của đức Phật đã dạy mà trong Tứ nhiếp pháp đầy đủ tâm Từ và tâm Bi của hạnh Bồ tát; Là giới luật của Bồ tát thọ trì trên con đường hành lợi tha để hướng đến quả vị giải thoát. Bốn phương pháp trên gần như hổ tương cho nhau và có mặt trong nhau bởi trong bố thí đã có ái ngữ, có lợi hành và đồng sự. Đức Phật đã dùng vô số phương tiện dẫn dắt để chúng sinh đi trên con đường thoát ra khỏi sầu khổ của kiếp luân hồi.
3. Ứng dụng Tứ nhiếp pháp trong cuộc sống
Đức Phật dạy về bốn pháp nhiếp hóa lòng người, trong bài kinh khác, đức Phật lại tán thán Thủ trưởng giả Hatthaka về sự quản lý hội chúng rất đông của Hatthaka, cho chúng ta thấy tầm quan trọng và thiết thực của pháp hành này tạo ra sự thành công đối với bản thân, ổn định, hài hòa và phát triển làm cho lớn mạnh trong gia đình, tập thể, hay cộng đồng trong xã hội. Đức Phật là Bậc chuẩn mực về những hành động cao nhất trong Tứ nhiếp pháp với sự hành trì ấy trong suốt cuộc đời hoằng Pháp của Người qua ba nghiệp trong đời sống sinh hoạt với đệ tử xuất gia cũng như tại gia với bốn Pháp bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự.
Trong kinh Trường Bộ- Kinh Tướng, đức Phật đã nói: “Này các Tỷ-kheo, trong bất kỳ đời trước nào, hiện hữu nào, trú xứ nào, Như Lai đời trước làm Người, được đầy đủ Bốn Nhiếp pháp: Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự. Với tác động, chất chứa, tích tụ và tăng thịnh của nghiệp ấy, sau khi thân hoại mạng chung được sinh cõi thiện thú, Thiên giới, hay đời này”.
Tại Ấn Độ cách đức Phật khoảng 2500 năm sau, Mahatma Gandhi - Lãnh tụ tinh thần của nhân dân Ấn Độ, là người đóng góp to lớn vào thành công cuộc đấu tranh giành độc lập cho tiểu lục địa Ấn Độ khỏi ách thống trị của thực dân Anh năm 1947. ông có một tâm hồn vĩ đại, thấm đẫm tư tưởng nhân văn, phản đối mọi hình thức bạo lực và tôn thờ tiêu chuẩn đạo đức tối cao, thực hành đấu tranh bất hại. Tagore đã nhận xét về Ông như sau:
“Ông ngừng lại ở ngưỡng cửa các căn nhà tồi tàn của hằng ngàn người cùng khốn, y phục của ông y hệt y phục của họ. Ông nói với họ bằng ngôn ngữ của họ. Đó mới thực là một chân lý sinh động chứ không phải chỉ là những lời suông trong sách vở. Vì vậy mà tiếng tôn xưng Mahatma (Thánh) mà dân Ấn tặng ông đã thành tên thực của ông. Ai là người cảm thấy như ông rằng tất cả mọi người Ấn chính là da thịt của mình, máu mủ của mình? Khi tình thương tới gõ cửa Ấn Độ thì cửa đã mở toang chờ sẵn rồi... Nghe tiếng gọi của Gandhi, Ấn Độ xông ngay tới một cảnh vinh quang cao quý mới như hồi xưa, rất xa xăm, khi Phật Tổ tuyên bố đạo từ bi, thương yêu cả mọi sinh vật”. Ông là hình ảnh tiêu biểu cho sự phụng sự vì lợi ích tha nhân.
Bất kì là ai cũng có thể áp dụng được dù giàu hay nghèo, Tứ nhiếp pháp tuy là bốn pháp nhưng hỗ trợ lẫn nhau, tương tác cùng nhau, bố thí trong sự hoan hỷ nên nói lời ái ngữ, đem lại lợi ích cho người và đồng hành cùng người trên bước đường hướng đến sự hạnh phúc, an lạc thực sự cho người.
Trong kinh Thiện Sanh, đức Phật đã dạy vai trò, bổn phận, trách nhiệm của mỗi địa vị thành viên trong gia đình như bổn phận của cha, mẹ đối với con cái có năm điều: ngăn con đừng để làm ác; chỉ bày điều ngay lành; thương yêu con hết mựt; dựng vợ, gã chồng cho con; chia tài sản cho con. Đối với con cái cũng phải có năm điều: cung phụng không để thiếu thốn; muốn làm gì thưa cha mẹ biết; không trái điều cha mẹ làm; không trái điều cha mẹ dạy; không cản chính nghiệp cha mẹ làm.
Trong mối quan hệ giữa Thầy- trò; Vợ- chồng; bạn bè; Chủ- tớ đều được đức Phật dạy rất rõ ràng trong bài kinh. Và vai trò của mỗi người đều đầy đủ tinh thần của Tứ nhiếp pháp trong ấy. Trong đại dịch Covid vừa qua, virus đã gây khủng hoảng cho toàn cầu từ tinh thần đến vật chất, một căn bệnh đáng sợ của thời đại. Hơn bao giờ hết, nó cướp đi mạng sống nhiều hơn cả chiến tranh sau những trận càn quét khi dịch bệnh lây lan, biến chủng phức tạp. Dịch bệnh khiến cho con người không được gần nhau, bởi sự lây lan qua tiếp xúc gần người bệnh. Và nó đã lây nhanh khủng khiếp trên diện rộng trong cộng đồng, khó nắm bắt, kiểm soát.
Quả thật bệnh dịch đã thử thách con người, đã đặt con người vào tình thế phải hành động trước đau khổ, nguy hiểm của bệnh nhân, dầu sự nguy hiểm ấy sẽ đến với chính mình bất cứ lúc nào nhưng các Bác sĩ, y tá, những con người với tâm Bồ tát trong chuyến đầu chống dịch đã không ngần ngại tiếp sức, gần gủi, chăm sóc, giành giựt mạng sống với tử thần cho người bệnh, đem những lời ái ngữ động viên tinh thần cho người bệnh, cung cấp thuốc thang, cơm nước và đồng hành cùng người bệnh trong suốt quá trình điều trị cho đến khi khỏi.
Đó là đạo đức của người bác sĩ, y tá, hay của người với người trong xã hội thấm câu ca người xưa để lại: “Thương người như thể thương thân”. Lời Phật dạy về Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự mới thật cần biết bao trong những lúc như thế này, nó biểu hiện sự hiểu và thương, sự cho đi, sự đồng cảm, sự tha thứ trước bao vô thường đổi thay.
Tứ nhiếp pháp là bốn phương pháp, làm phương tiện thiện xảo, là công cụ, là hành trang đi vào đời làm đẹp cho đời qua những thiện nguyện xã hội, cứu trợ bão lụt, giúp đỡ những người khó khăn, lỡ vận, v.v với chiếc áo vị tu sĩ lúc ấy đó là màu áo của từ bi, của hạnh phúc, của sự kết nối vô hình giữa người cho và người nhận.
Nếu một người nào đó đứng trước khổ đau, bệnh tật, đói rách của người khác mà vì ích kỷ của mình, lo sợ lây nhiễm cho mình cho gia đình của mình, trong khả năng và nên giúp người khác qua khó khăn, nguy hiểm mà không làm thì quả là người thiếu đạo đức. Người luôn thực hành Tứ nhiếp pháp sẽ loại trừ dần hạt giống tham, sân, si ngủ ngầm trong tâm thức, là người giữ giới hạnh trang nghiêm tròn đầy và có được năng lượng từ trường tu tập đức độ khiến ai cũng muốn gần và tu tập theo.
Kết luận
Đức Phật dạy:
" Hãy gấp làm điều lành
Ngăn tâm làm điều ác
Ai chậm làm việc lành,
Ý ưa thích việc ác". (PC: 09, phẩm ác )
Tứ nhiếp pháp là thiện pháp thù thắng hành trì trong đời sống để có thể giúp mình được an lạc, như người trồng hoa thơm trái ngọt dâng cho đời, bởi chính hạnh phúc của người khác mới chính là hạnh phúc đích thực lâu bền cho mình. Cho đi là sẽ nhận lại, như một chân lý hiển nhiên của luật nhân quả. Tứ nhiếp Pháp là nghệ thuật sống đẹp, đầy giá trị đạo đức bởi trong ấy đều là những điều nên làm đem lại lợi ích thành công cho chính mình, tốt đẹp cho gia đình và xã hội thêm văn minh, tiến bộ và phát triển.
Qua tứ Nhiếp Pháp, đức Phật dạy là pháp tu đầy đủ tự lợi và lợi tha, áp dụng bốn phương pháp này chúng ta sẽ thấy được một sự chuyển hóa lớn cho bản thân và những người xung quanh. Đây cũng là nghệ thuật ứng xử rất thành công trong lãnh đạo đem lại hạnh phúc cho chính mình và tha nhân. Một nghệ thuật đắc nhân tâm của Phật giáo, một tràng hoa anh lạc tuyệt đẹp về giá trị đạo đức thuần khiết.
“Sống đời tứ nhiếp là vui
Tự mình lợi lạc, người người lợi theo
Xót thương xấu ác,đói nghèo
Chiếc thuyền mật độ nhổ neo sang bờ”
Tác giả: Phước Tuệ
Học viên Cao Học Khoa Văn học Phật giáo - K.II - Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế.
***
Tài liệu tham khảo:
1. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Kinh Tăng Chi, (2020), Nxb Hồng Đức.
2.Kinh Kim Quang Minh, Trưởng lão Tỳ-kheo Trí Quang dịch, NXB Hồng Đức, 2017.
3.Kinh Pháp Hoa, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Dịch giả HT. Thích Trí Tịnh, NXB Tôn Giáo, 2017.
4. A-tỳ-đạt-ma Tập Dị Môn Túc Luận, dịch việt Tuệ Sỹ- Nguyên An, NXB Hồng Đức, 2020.
5.Lược Giảng Những Pháp Số Căn Bản, Hạnh Cơ, NXB Thuận Hóa, 2018.
6. Phật Học Khái Lược, tập 2, Thích Quang Nhuận, NXB Tôn Giáo, 2005.
Bình luận (0)