Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gửi lời chia buồn trước tin Đức Giáo hoàng Francis viên tịch vào thứ Hai vừa qua tại Vatican. Lời tưởng niệm của Ngài là một trong nhiều sự chia sẻ từ cộng đồng Phật giáo toàn cầu, nơi Đức Giáo hoàng được ghi nhận vì những nỗ lực không ngừng trong việc thúc đẩy đối thoại liên tôn.

Nguồn: youtube.com
Nguồn: youtube.com

Trong những tháng cuối đời, Đức Giáo hoàng đã gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Trước tin buồn này, nhiều vị giáo phẩm, tăng sĩ và tín đồ các tôn giáo, trong đó có Phật giáo, đã cầu nguyện cho Ngài sớm hồi phục.

Khi viên tịch, Đức Giáo hoàng Francis hưởng thọ 88 tuổi.

Trong thư gửi Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli - Sứ thần Tòa Thánh tại Ấn Độ, Đức Đạt Lai Lạt Ma bày tỏ sự tiếc thương khi hay tin Đức Giáo hoàng viên tịch.

Ngài viết rằng đã dâng lời cầu nguyện và chia buồn đến các bậc huynh đệ tâm linh của Đức Giáo hoàng cùng toàn thể tín hữu trên thế giới.

“Đức Thánh Cha Francis đã tận hiến cuộc đời cho sự phục vụ tha nhân”, Đức Đạt Lai Lạt Ma chia sẻ. “Ngài đã sống một cuộc đời giản dị nhưng đầy ý nghĩa và qua từng hành động, Ngài đã chỉ cho chúng ta thấy cách sống như thế nào để lan tỏa yêu thương. Sự tưởng niệm sâu sắc nhất mà chúng ta có thể dâng lên Ngài là sống với trái tim ấm áp, biết phụng sự người khác bất kể nơi đâu hay bằng bất kỳ cách nào”. - Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14

Bức thư kết thúc bằng lời nguyện lành: “Cầu nguyện của tôi luôn hướng về Ngài”.

Tại Dharamsala, cộng đồng người Tây Tạng đã tổ chức lễ tưởng niệm Đức Giáo hoàng tại Tsuglagkhang, ngôi chùa Trung tâm của Phật giáo Tây Tạng.

Từ Hàn Quốc, Hòa thượng Jinwoo, Chủ tịch Tông phái Tào Khê, tông phái Phật giáo lớn nhất tại xứ sở Kim Chi, gọi Đức Giáo hoàng là “bậc đạo sư của nhân loại, người đã góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các tôn giáo”. Ngài nhấn mạnh: “Đức Giáo hoàng đã dạy chúng ta giá trị của hòa bình và tình đoàn kết” (The Korea Herald).

Ni sư Tịnh Quang, một vị thiền sư trong truyền thống Thiền sư Thích Nhất Hạnh đang hành đạo tại Canada, đặc biệt cảm kích Thông điệp “Laudato Si’” năm 2015 của Đức Giáo hoàng, một văn kiện mạnh mẽ kêu gọi bảo vệ trái đất và hài hòa giữa các tôn giáo.

Là vị Giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên và cũng là người Mỹ Latinh đầu tiên đảm nhiệm cương vị Giáo hoàng, Đức Francis đã đặt tinh thần hòa hợp liên tôn làm trung tâm trong triều đại của mình. Ngài nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại, sự tôn trọng lẫn nhau và hợp tác giữa các truyền thống tín ngưỡng trên thế giới.

Năm 2015, chỉ hai năm sau khi đăng quang, Đức Giáo hoàng đã mời 46 vị lãnh đạo Phật giáo từ Hoa Kỳ đến Vatican để cùng tham dự đối thoại, hướng tới việc chung tay giải quyết các vấn đề xã hội.

Nỗ lực đối thoại tôn giáo của Ngài tiếp tục lan tỏa qua nhiều sự kiện trọng đại với cộng đồng Phật giáo. Năm 2019, Đức Giáo hoàng đã đến Thái Lan và hội kiến với Tăng thống cùng chư tôn đức tăng ni tại Bangkok. Đây được xem là một dấu mốc lớn trong quan hệ Công giáo - Phật giáo, nhất là tại một quốc gia mà hơn 93% dân số theo Phật giáo Theravāda.

Đáp lại, vào năm 2022, Đức Giáo hoàng đã tiếp đón phái đoàn chư Tăng từ chùa Wat Phra Chetuphon (Wat Pho) - một danh lam cổ tự nổi tiếng của Thái Lan. Ngài bày tỏ lòng cảm kích trước “tình bằng hữu bền vững” và khích lệ tiếp tục hợp tác giữa hai truyền thống tôn giáo, nhấn mạnh rằng những cuộc gặp gỡ như thế sẽ “mang lại ánh sáng hy vọng cho nhân loại đang bị tổn thương”. (UCA News)

Nguồn: usatoday.com
Nguồn: usatoday.com

Trong chuyến thăm Mông Cổ năm 2023, Đức Giáo hoàng đã chủ trì một buổi gặp gỡ liên tôn có sự tham dự của đại diện các truyền thống: Phật giáo, Shaman giáo, Chính Thống giáo Nga và Thần đạo. Tại đây, Ngài khẳng định: “Đối thoại liên tôn không hề đối lập với việc truyền giảng đức tin”, mà trái lại, các truyền thống tâm linh có thể đóng góp vào sự thịnh vượng chung của xã hội. (UCA News)

Ngoài các chuyến công du, Đức Giáo hoàng cũng để lại nhiều văn kiện quan trọng về tình huynh đệ và hòa bình. Thông điệp Fratelli Tutti (2020) kêu gọi đoàn kết toàn cầu và thúc đẩy đối thoại giữa các tôn giáo. Ngài cho rằng xây dựng hòa bình đòi hỏi sự hợp tác giữa các truyền thống, thay vì chia cách hay biệt lập.

Năm 2018, Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại Liên tôn đã triệu tập một phái đoàn gồm các vị lãnh đạo Phật giáo, Ấn Độ giáo, Kỳ Na giáo và Sikh giáo tại Vatican. Tại đây, Đức Giáo hoàng nói: “Đối thoại và hợp tác là điều cấp thiết trong thời đại chúng ta”, đặc biệt khi thế giới đang đối diện với bất ổn và bạo lực leo thang. (UCA News)

Dù có những ý kiến trái chiều trong và ngoài Công giáo về hệ quả thần học của các hoạt động liên tôn sâu rộng, nhưng Đức Giáo hoàng Francis vẫn luôn giữ vững quan điểm: các giá trị đạo đức phổ quát như từ bi, khiêm nhường và công chính có thể là nền tảng cho sự hợp tác, mà không làm lu mờ bản sắc tôn giáo.

Triều đại của Đức Giáo hoàng Francis đã góp phần kiến tạo văn hóa đối thoại và cảm thông giữa các tôn giáo. Di sản của Ngài là sự cởi mở, khiêm cung và một niềm tin sâu sắc vào việc nối nhịp cầu giữa các truyền thống tâm linh.

Tác giả: Justin Whitaker/Chuyển ngữ và biên tập: Thường Nguyên/Nguồn: buddhistdoor.net