SC.Diệu Huệ Học viên Cao học khóa 3 thuộc Học viện Phật giáo Việt Nam TP.HCM. Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM
DẪN NHẬP
Khi Việt Nam trở thành thuộc địa Pháp, bấy giờ chúng chia Việt Nam thành ba kỳ: Nam kỳ, Bắc kỳ, Trung kỳ, với mục đích dễ bề cai trị. Pháp đô hộ Việt Nam làm đảo lộn từ kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục,... dẫn đến cảnh nhân dân khó khăn nghèo đói. Phật giáo cũng ảnh hưởng nặng nề với chính sách cai trị thực dân, chư tăng không còn vị trí quan trọng đối với chính quyền, mọi hoạt động chùa chiền đều bị Pháp kiểm soát chặt chẽ, các khoa thi đều bãi làm tình trạng Nho học lụi tàn.
Người Pháp đồng hóa dân tộc ta, loại bỏ chữ Hán, phổ biến văn hóa Pháp Việt. Điều này là một tổn thương với Phật giáo, khi mọi kinh điển Phật giáo đa phần đều là chữ Hán. Cũng từ đó, chư Tăng không tiếp cận giáo lý Phật, đời sống tha hóa: “Đau đớn thay! Xứ ta những hạng người xuất gia vào chùa, phần nhiều chỉ học đặng vài bộ kinh, lo luyện hơi cho hay, tập nhịp tán cho già, nay lãnh đám này, mai lãnh đám khác, cũng tràng hạt, cũng cà sa, thử lật mặt trái của họ thì có khác nào người trần tục ở trong Phật pháp”.1
Chính điều đó, đã thôi thúc các tăng sĩ trẻ Việt Nam tìm ra con đường cho Phật giáo, có nhiều nguyên nhân đưa đến chấn hưng, ngoài ảnh hưởng chấn hưng trên thế giới như: Ấn Độ, Tích Lan, Nhật Bản, Trung Quốc,... và tôn giáo mới ra đời cũng là một nguyên nhân, nhưng nguyên nhân nội tại vẫn là sự xuống cấp từ tu sĩ. Trước tình trạng trên, các vị Tôn túc lo ngại cho Phật giáo Việt Nam, đã đứng lên kêu gọi chấn hưng Phật giáo, phong trào chấn hưng từ Nam kỳ lan rộng đến Trung kỳ và Bắc kỳ.
Bước đầu, ở Nam kỳ ngài Khánh Hòa, vị tiên phong đi đầu cho phong trào chấn hưng Phật giáo. Dần dần các hoạt động từng bước được tiến hành như: lập trường học đào tạo Tăng tài, lập ra nhiều ban Phật tử hay hội từ thiện. Đặc biệt thành lập cơ quan báo chí, qua hoạt động Phật giáo Nam kỳ đã nhanh chóng lan tỏa đến Trung kỳ và Bắc kỳ. Quả thật, việc chấn hưng mang lại giá trị to lớn, đó cũng là lý do Hội cùng nhau cải cách Phật giáo phù hợp: “Bởi những lẽ ấy cho nên chúng tôi rủ nhau đứng lên lập hội Phật giáo, chủ ý là muốn làm cho sáng cái đạo đã mờ, muốn trau chuốt cho bóng bẩy hơn trước và lại thích hợp với nhu yếu của người đời”.2 Như vậy, việc chấn hưng không chỉ chú trọng hình thức bên ngoài, tinh thần cũng là yếu tố quan trọng: “Nay ta muốn chấn hưng đạo Phật mà mở rộng thêm ra thì thật là cái công đức rất to. Song ta phải biết rằng sự chấn hưng đạo Phật không phải ở chỗ làm chùa chiền thờ Phật mà thôi. Đó mới là hình thức bề ngoài, nếu không có tinh thần bề trong thì khó mà hiệu quả được. cái tinh thần cốt là phải phát minh cái đạo lý ra, để gây thành một sự tín ngưỡng rất chính đáng”.3 Tạp chí bắt đầu phát huy vai trò quan thiết với việc chấn hưng, mỗi miền đều có cơ quan ngôn luận báo chí, Từ bi âm đại diện Nam kỳ, Viên âm đại diện Trung kỳ, Đuốc Tuệ đại diện Bắc kỳ.
Với đề tài “Đóng góp Đuốc Tuệ về phong trào chấn hưng Phật giáo Bắc kỳ (1935 - 1945)”. Bộ Đuốc Tuệ chứa nhiều kiến thức bổ ích về lịch sử, văn hóa, triết lý, kinh nghiệm qua các bài du ký sang nước ngoài, các thể loại văn xuôi, thơ rất đa dạng, sự đóng góp Đuốc Tuệ là tài sản vô giá, cần bảo tồn và phát huy.
I. BỐI CẢNH RA ĐỜI TẠP CHÍ ĐUỐC TUỆ
1.1. Tập kỷ yếu Hội Phật giáo (1935)
Đại diện tiếng nói của Hội bấy giờ là Tập kỷ yếu Hội Phật giáo, tất cả chỉ bốn số, tháng 5 năm 1935 xuất bản số đầu tiên, địa điểm in tại Trung Bắc tân văn, trong khi số (2) và (3) lại gộp lại in chung chứ không có từng số riêng như số (1), và số (4).4 Để có được bốn số đăng trên Tập kỷ yếu, Hội đã dành thời gian dài chuẩn bị, năm 1934 có ghi lại: “Khoản 16: khi nào hội có sẵn tiền, sẽ ấn hành một tập kỷ yếu biên chép các công việc của hội, và các bài nghiên cứu, giảng thuyết về đạo Phật. Tập kỷ yếu tất phải có chữ của hội đồng quản trị duyệt hay là của một đại biểu của hội đồng cử ra làm việc đó”.5
1.2. Tạp chí Đuốc Tuệ (1935 - 1945)
Ngay từ đầu, Hội xác định Tập kỷ yếu chỉ tạm thời, về sau thay đổi thành tạp chí: “Sau này tùy theo sự mở mang, cách sắp xếp đặt và tình thế của hội, Tập kỷ yếu này sẽ đổi làm tạp chí”.6 Do đó, vào ngày 10 tháng 12 năm 1935 tạp chí Đuốc Tuệ chính thức ra đời, thay thế cho Tập kỷ yếu. Để tạp chí hoạt động minh bạch trong xã hội, Chánh hội trưởng Nguyễn Năng Quốc trình đơn xin phép xuất bản tạp chí Phật học, lấy tên Đuốc Tuệ ngày 30 tháng 9 năm 1935.
Trải qua các thủ tục xin phép, tạp chí chính thức hoạt động. Kế đến Hội phân công cũng như đề cử các thành viên có trách nhiệm trực tiếp trong cơ quan ngôn luận báo chí như: Chánh hội trưởng Nguyễn Năng Quốc, Chánh chủ bút Phan Trung Thứ, Phó chủ bút Dương Văn Hiển, Quản lý Cung Đình Bính, tòa soạn đặt tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.7
II. SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN TẠP CHÍ ĐUỐC TUỆ
2.1. Ban biên tập
Bộ Đuốc Tuệ gồm tất cả 258 số trong quá trình 10 năm hoạt động. Nhằm giúp người đọc dễ hình dung, nên được phân chia làm hai giai đoạn rõ ràng như sau:
Giai đoạn 1: đề cập đến đời sống xã hội (từ số 1-130)
Các bài viết với nhiều thể loại phong phú với số lượng nhiều, chất lượng tốt nhằm truyền tải thông điệp nhân văn đến độc giả gần xa như: thơ, truyện cổ Phật giáo, tiểu thuyết, du ký, v.v... các tác phẩm trên đều có cả tu sĩ lẫn cư sĩ tham gia như: “Về chư tăng có thể kể tới Trí Hải, Tố Liên, Thái Hòa; Về tri thức đó là các ông Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Dương Bá Trạc, Trần Văn Giáp, Trần Duy Vôn, Trần Thúc Cáp, Đinh Chí Nghiêm; Về quan lại có các ông Trần Văn Đại, Nguyễn Th n Chính, Nguyễn Huy Xương, Nguyễn Thượng Cần”.8
Giai đoạn 2: đa phần là các bài dịch từ chữ Hán, kinh điển Phật học (từ số 131-258)
Số lượng bài ít hơn so với giai đoạn 1, các bài viết phần lớn đều của tu sĩ, chủ yếu là các bài dịch từ giáo lý, kinh điển Phật học bằng chữ Hán. Các tác giả tham gia viết bài gồm ngài: Thái Hòa, Thanh Đặc, Tố Liên, Đỗ Trần Bảo, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, v.v... Tuy nhiên, “tác giả quan trọng nhất của giai đoạn này là Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha”.9
2.2. Nội dung tạp chí Đuốc Tuệ
Đuốc Tuệ trong 10 năm hoạt động có tất cả 258 số, các bài đăng gồm mục: Văn uyển10; Giải thích các thuật ngữ trong danh từ Phật học11; Câu chuyện cổ - sự tích Phật giáo12, Bài thơ ca ngợi các cảnh chùa, thắng tích, danh lam nổi tiếng13, v.v... Ở số đầu bài viết “Đạo Phật có quan thiết với sự sống của đời người”14 nói lên sự cần thiết của đạo Phật đối với dân tộc trong phong trào chấn hưng, đồng thời nêu lên sự bình đẳng và lòng hiếu thảo theo tinh thần Phật giáo. Thế nên, Nguyễn Lang cũng đưa ra nhận xét trong những số đầu của Đuốc Tuệ chủ trương đạo Phật vì cuộc đời mà có chứ không phải là trốn đời theo cách nghĩ tiêu cực15
Ngoài nội dung vừa đề cập, mỗi số được đăng trên Đuốc Tuệ có nhiều thông tin ở trang bìa như: Đặt mua báo, tình hình báo, địa chỉ trả tiền báo, thông vấn đề đóng quỹ từ thiện, Hội viên quá cố, v.v... Các thông tin trên nhằm giúp độc giả nắm bắt các tin tức tình hình hoạt động Đuốc Tuệ.
2.3. Sự phát triển của tạp chí Đuốc Tuệ
Trong 5 năm đầu từ số 1-52 báo ra định kỳ mỗi tuần, giai đoạn này khá thuận lợi cho Đuốc Tuệ, với số lượng trang, bài viết ổn định, thành viên Ban biên tập không thay đổi. Tuy nhiên ở trang bìa thông tin về: ngày tháng năm xuất bản, tên hiệu của Hội có cả hai ngôn ngữ Việt và Pháp, thông tin về giá báo,... đa số thông tin khá đầy đủ, nhưng cách trình bày chữ viết nhiều không được đẹp. Điểm đặc biệt cần lưu ý số 52, sự kiện lễ suy tôn sư Tổ chùa Vĩnh Nghiêm lên Pháp chủ với số lượng Tăng Ni, Phật tử tham dự đông đúc: “Trong cái lễ long trọng này có tới gần một ngàn Tăng Ni ở khắp Bắc kỳ và hàng mấy ngàn thiện nam tín nữ về dự, thật là một lễ rất trọng thể từ xưa đến nay mới có là một ở trong Phật giáo giới nước ta vậy”.16 Điều này cho thấy Phật giáo bấy giờ đã có ảnh hưởng trong đời sống xã hội.
Đến 2 năm kế tiếp từ số 53-194, báo ra một tháng hai kỳ, số lượng trang và in giảm rõ hơn, ghép 2 số 121-12217, số 144-145-14618 gộp chung với nhau. Thông tin đăng trên trang bìa từ số 53 trở về sau huy hiệu hình hoa sen thay đổi bằng hình ảnh đức Phật Thích Ca ở giữa trang bìa19, thay đổi giá báo, vị trí trình bày từ số 194 đổi xuống vị trí ở cuối trang, trình bày có phần thẩm mỹ hơn thời gian đầu. Ba năm còn lại, từ số 195-258, nhiều tòa soạn đều bị ảnh hưởng do giá vật liệu tăng bởi ảnh hưởng chiến tranh. Trước tình hình trên, giá báo ba lần tăng giá, các bài in và số lượng báo giảm mạnh, chất lượng giấy in xấu, mờ, nhỏ, từ hai số ghép 255-256 và 257-258 thay đổi tên Hội thành Hội Phật giáo Việt Nam.20 Nhìn chung, trong 5 năm đầu Đuốc Tuệ có nhiều thuận lợi hơn về điều kiện vật chất, đa phần các bài viết có số trang ổn định, về sau báo xuất bản không ổn định và chất lượng hơn trước do ảnh hưởng chiến tranh. Nếu so sánh giữa 5 năm đầu và 3 năm cuối, ta thấy Đuốc Tuệ không mấy khả quan so với 5 năm đầu. Tuy nhiên, nhìn về mặt tổng thể, Đuốc Tuệ đã đóng góp rất nhiều bài viết với nhiều thể loại đa dạng mang tính văn học cao đáp ứng nhu cầu cho quần chúng. Đây được xem là phát triển của Đuốc Tuệ từ số đầu tiên đến số cuối cùng, tạo nên cột mốc quan trọng về vai trò chủ đạo mà tạp chí Đuốc Tuệ đã đồng hành cùng Hội Phật giáo Bắc kỳ. Chính đóng góp trên tạo tiếng vang lớn góp phần thành công cho công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Bắc kỳ nói riêng.
III. NHỮNG ĐÓNG GÓP ĐUỐC TUỆ VỚI PHẬT GIÁO BẮC KỲ
3.1. Giáo dục con người qua các mục Đuốc Tuệ
Mục ngụ ngôn Phật giáo
Chủ đề “Thầy Lang nông nổi”, câu chuyện Thầy Lang có công chữa trị nhà vua khỏi bệnh, vì mong cầu không được ban thưởng khi chữa lành bệnh nên sanh trách nhầm nhà vua. Đây quả là câu chuyện đáng để mọi người suy ngẫm, ở đời làm việc thiện được quả tốt, ngược lại làm điều bất thiện gặt quả báo xấu, tuy nhiên cũng có việc làm thiện không phải có liền kết quả, đôi khi còn hội tủ nhân duyên quả, chưa gì chúng ta vội trách hoặc sanh tâm nghi ngờ. Thế nên, câu chuyện về Thầy Lang được tác giả Thiều Chửu đề cập, là câu chuyện thấm thía luật nhân quả, cuối bài viết là phần phê bình qua cốt chuyện đáng học hỏi sau: “Nếu vì chưa trông thấy kết quả ngay, mà đã cho là không kết quả. Cái kiến thức nông nổi như thế, thì có khác gì Thầy Lang kia! Chúng ta xem chuyện Thầy Lang, thì chúng ta bật cười, có biết đâu chúng ta lại còn lắm chỗ đáng cười hơn là Thầy Lang kia!”.21
Mục thuật ngữ Phật giáo
Mục này giải thích danh từ Phật giáo giúp mọi người dễ dàng tiếp cận và làm quen với từ ngữ mới lạ khi chưa biết qua giáo lý: Quán Âm, Tại gia, Tinh tiến,... Đặc biệt giải thích Phật, Pháp, Sa- môn (Tăng). Sở dĩ người viết nhấn mạnh 3 danh từ Phật học này, vì trước khi người tại gia trở thành đệ tử Phật phải thực hiện phép quy y Tam bảo, tức quay về nương tựa nơi ba ngôi báo cao quý gồm Phật, Pháp, Tăng. Đây cũng là nền tảng căn bản giúp Phật tử hiểu rõ ý nghĩa Tam bảo là gì, hướng Phật tử đến với đạo bằng chính sự hiểu biết, tự nguyện và thực hành, không đến bằng niềm tin mù quáng mê tín:
“Phật (Tiếng Phạn: Buddha): nghĩa là giác, tỉnh, thức, như đang mơ màng mà tỉnh thức hiểu thấu mọi lẽ mọi việc và dạy cho mọi kẻ khác cũng tỉnh thức hiểu thấu như mình; Pháp: Đạo pháp lý luật của Phật, ba tạng kinh chép những lời Phật tức là Pháp; Sơn tăng: sư tu ở rừng núi”22 (ngoài ra còn có ý nghĩa là chỉ cho người xuất gia thay Phật tuyên dương chánh pháp).
Mục phiên dịch
Câu chuyện “chuyện chàng Đăng Chỉ” do Thích Trí Hải dịch, giáo dục con người về nhân quả nghiệp báo, mỗi người đều gieo trồng hạt giống thiện hay ác sẽ gặt lấy hậu quả tương ứng với nhân đã tạo. Qua câu chuyện giúp con người hiểu biết hơn về luật nhân quả, vì: “Nếu không có nhân quả, thì làm sao đứa bé này sinh ra, dung mạo khác thường, ngón tay có hào quang rực rỡ, tất nhiên có phúc đức đời trước, nên nay mới được hưởng thiện quả thế này chứ. Nên Phật nói bao nhiêu sự nghiệp báo nhân quả để hoán tỉnh chúng sinh”.23
Mục về đạo làm người
Chủ đề “Phật nói kinh lễ sáu phương”, nội dung kể về chàng Thiện Sinh mỗi sáng đều lạy sáu phương, đồng thời đức Phật dạy ý nghĩa của việc lễ sáu phương như sau: lễ phương Đông là cha mẹ, lễ phương Nam là sư đệ, lễ phương Tây là chồng vợ, lễ phương Bắc là bạn bè, lễ xuống đất là tớ thầy, lễ lên trời là vâng làm hết lòng.24 Qua câu chuyện đức Phật dạy chàng Thiện Sinh cách ứng xử với mối quan hệ cha - mẹ, chồng - vợ, chủ - tớ, anh chị em, v.v... nếu sống thực hành đúng bổn phận và nghĩa vụ trên sẽ tạo nên các mối quan hệ bền vững tốt đẹp từ gia đình đến bên ngoài xã hội.
3.2. Bảo tồn và phát huy những di tích xưa
Các bài vịnh, phú tả cảnh chùa có kiến trúc, di tích lịch sử văn hóa lâu đời như: chùa Dâu, chùa Tháp, chùa Kiến Sơ, chùa Quán Thánh,... Ta thấy mỗi ngôi chùa đều gắn liền với lịch sử, văn hóa theo từng vùng, miền địa phương nơi đó. Thế nên, khi nhắc đến chùa Quán Thánh, người ta sẽ ấn tượng về lịch sử khảo cổ từ xa xưa về các khí tượng, tượng đồng, thành Thăng Long thông qua bài vịnh:
“Khảo cổ ngày nay chuyện rõ không? Ngọn chùa Quán Thánh trải bao đông? Giời Nam khí tượng riêng hồ Trúc, Trấn Bắc oai xa vững tượng đồng, Binh hỏa đã qua tay Mã Viện, Tang thương còn lại giấu Thăng Long. Lên chùa vãn cảnh lòng man mác, Bia đá rêu xanh chữ mấy giòng”.25Cũng thế, nhắc đến chùa Kiến Sơ, người ta liên tưởng hình ảnh Tổ Vô Ngôn Thông, vị sơ Tổ của dòng thiền mới tại Việt Nam, đồng thời người xây dựng nên chùa Kiến Sơ, bài thơ được mô tả:
“Đem đạo từ bi để gọi hồn, Đổi cong làm thẳng, dại làm khôn. Sử Nam tự tích xưa chưa có, Đất Bắc sơn môn bấy hãy còn, Chùa lập cùng làng ngài Đổng Thánh, Phật truyền vào nước Tổ Vô Ngôn, Tín đồ con cháu rồng tiên cả, Bồ-tát công duyên rạng nước non”.26
Tạp chí Đuốc Tuệ có nhắc đến rất nhiều bài Vịnh, chùa danh tiếng thời bấy giờ, người viết chỉ lược một số chùa tiêu biểu, qua đó cho thấy hình ảnh ngôi chùa là nơi gắn liền với di tích, lịch sử, văn hóa,... là kho tàng vô giá cho ngành khảo cổ, sử học Việt Nam nói chung và Phật giáo nói riêng nghiên cứu, tìm tòi, khám phá.
Khi nhắc đến nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc theo bài đăng trong Đuốc Tuệ diễn tả chùa Long Đọi ở Hà Nam với kiến trúc khéo léo, khá độc đáo:
“Giữa cánh đồng bằng một trái non, Ngọn chùa Long Đọi đứng chon von. Công trình kiến trúc khen ai khéo,... Phong cảnh xưa nay rạy tiếng đồn... Hai dẫy (dãy) hành lang gương thiện ác, Mấy tòa Phật tượng nét vàng son, Danh lam thắng cảnh là đây nhỉ, Trải mấy tang thương dấu chửa mòn”.27
Ngoài ra, còn có các danh lam thắng cảnh nổi tiếng khác như chùa Phật Tích, chùa Thầy, chùa Yên Tử28, chùa Hương, chùa Tử Trầm, chùa Dâu, chùa Tháp29, v.v...
Tiếng nói đại diện Hội Phật giáo Bắc kỳ đã nỗ lực từng ngày, dùng ngòi bút trí tuệ lồng ghép qua các câu chuyện Phật giáo, qua các giáo lý mang tính giáo dục con người, tác phẩm phiên dịch từ chữ Hán ra quốc ngữ, giải thích những thuật ngữ Phật học thông qua cụ Tế Cát: “Ta nên tán thành việc dịch kinh sách Phật giáo ra chữ quốc âm, và cổ động cho rõ nhiều người mua báo Đuốc Tuệ, khiến cho quốc dân chóng hiểu được những lý thuyết cao thâm của Phật giáo có thể ích lợi cuộc sinh tồn cho cá nhân cho xã hội”.30
Không chỉ dạy con người biết ứng xử nhân văn trong đời sống, tạp chí Đuốc Tuệ còn lưu giữ những danh lam, thắng cảnh, cổ tự xưa cũ, nơi ấy từng lưu dấu biết bao di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc xa xưa. Việc bảo tồn kho tàng vô giá ấy, giúp nhà khảo cổ, ngành sử học có cơ sở khai thác cũng như nghiên cứu dữ liệu còn sót lại là công trình vô cùng ý nghĩa.
Chính những đóng góp thầm lặng ấy âm thầm chuyển tải thông điệp lời hay ý đẹp, suy nghĩ lạc quan, hướng con người theo lối sống chân - thiện - mỹ. Ngòi bút kia đã tạo nên bước ngoặt cho sự nghiệp tạp chí Đuốc Tuệ đồng hành cùng Phật giáo xứ Bắc, truyền thông đến cộng đồng hiểu biết giáo lý Phật pháp, cứ thế tỉnh này nối tiếp tỉnh kia cùng nhau đứng lên chấn hưng Phật giáo phương Bắc ngày một hưng thịnh. Việc bảo tồn nền văn hóa lịch sử là một đóng góp vô cùng to lớn mà Đuốc Tuệ đã thành tựu. Thảo nào: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội, nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, khẳng định chủ trương xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.31 Do đó, một câu nói ngắn gọn, xúc tích, thấm thía: “Lịch sử Báo chí là một bộ phận của khoa học lịch sử”.32
IV. KẾT LUẬN
Nhìn tổng quan, chấn hưng Phật giáo là thành tựu to lớn đối với Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo Bắc kỳ nói riêng. Chính nhịp cầu tạp chí Từ bi âm ở Nam kỳ là ngòi pháo để tạp chí Trung kỳ và Bắc kỳ tiếp nối. Tuy nhiên, theo Nguyễn Lang nhận xét: “Đứng về phương diện văn học dân tộc, hội Bắc kỳ Phật giáo và báo Đuốc Tuệ đã đóng góp được nhiều hơn các hội khác ở Nam và Trung. Đây chính là nhờ công trình quy tụ của những thành phần nói trên dưới mái chùa Quán Sứ vậy”.33
Phật giáo từ khi bị ảnh hưởng bởi chính sách cai trị thực dân Pháp, nhưng với lòng nhiệt thành vì Phật pháp, chẳng bao lâu tạp chí đã từng ngày giúp Phật giáo phương Bắc thay da đổi thịt từng ngày qua các bài đăng kêu gọi cùng nhau chấn hưng, chỉnh đốn mê lầm nhân gian, lan tỏa đạo đức Phật giáo đến quần chúng, chấn chỉnh hàng ngũ Tăng già. Tất cả những mảnh ghép trên lặng lẽ suốt 10 năm tròn, tạo nên bộ Đuốc Tuệ với tất cả 258 số. Đã thể hiện vai trò cũng như đóng góp suốt quá trình hình thành cho đến kết thúc. Điều đó cho thấy tạp chí phổ biến thức tỉnh nhân gian cùng nhau chấn chỉnh từ tu sĩ cho đến tín đồ, quả thật: “Phật giáo không tìm cách ru người vào ảo tưởng về một thiên đường lừa bịp, cũng không làm người ta chết khiếp vì đủ thứ tội lỗi và sợ hãi tưởng tượng. Nó cho ta biết khách quan ta là gì, thế giới quanh ta là gì và chỉ con đường đưa đến tự do hoàn toàn, thanh bình, an ổn và hạnh phúc”.34
Đã tự bao giờ, báo chí được xem là phương tiện hữu ích, là cánh tay nối dài đến bạn độc xa gần. Hội Phật giáo đã sớm nhận ra vai trò của báo chí thật sự cần thiết với phong trào chấn hưng, nên khi vừa thành lập Hội, công việc kế tiếp được tiến hành là thành lập cơ quan báo chí, in ấn, xuất bản tạp chí phổ biến rộng khắp là thế. Tác giả Đặng Hoàng Lan cũng đánh giá cao về vai trò báo chí rằng: “Từ khi báo chí xuất hiện tại Việt Nam, Phật giáo đã sớm quan tâm đến các hoạt động của báo chí, coi báo chí là công cụ đắc lực để tuyên truyền, thuyết giảng đạo hướng quần chúng nhân dân sống tốt đời đẹp đạo. Báo chí Phật giáo đã làm tốt vai trò là cầu nối giữa đạo Phật với quần chúng Phật tử và bạn đọc, hướng con người đến các giá trị chân thiện mỹ”.35
SC.Diệu Huệ Học viên Cao học khóa 3 thuộc Học viện Phật giáo Việt Nam TP.HCM. Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM***
CHÚ THÍCH
1 Thanh Quang, Hiện trạng Phật giáo ở xứ ta, Đuốc Tuệ, số 178, 15/4-1/5/1942, tr. 4-5 2 Nguyễn Lang (2008), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn Học, Hà Nội, tr. 883 3 Trần Trọng Kim, Việc chấn hưng Phật học ở nước ta, Trung Bắc Tân văn, 3-5-1932, 7-5- 1932, 8-5-1932 4 Ninh Thị Sinh (2020), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ. Trường hợp Hội Phật giáo (1934-1945), Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, tr. 301 5 Ninh Thị Sinh (2020), sđd. 6 Lời nói đầu, Tập kỷ yếu hội Phật giáo, số 1, 5/1935, tr. 5. 7 Đuốc Tuệ, số 1, 1935, trang bìa thứ nhất. 8 Ninh Thị Sinh (2020), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, tr. 311 9 Ninh Thị Sinh (2020), sđd. 10 Nguyễn Cao Sơn, Văn uyển, Đuốc Tuệ, số 58, 1-4-1937, tr. 40, 11 Phật học vấn đáp, Đuốc Tuệ, số 54, 1-2-1937, tr. 10, 12 Nhiều tác giả, Truyện Ma-đăng-già, Đuốc Tuệ, số 2, 17-12-1935, tr. 18-22. 13 Phượng sơn Nguyễn Thiện Chính, Vịnh chùa Hương, Vịnh chùa Tử Trầm, Vịnh chùa Dâu, Vịnh chùa Tháp, Đuốc Tuệ, số 15, 24-3-1936, tr. 22-23. 14 Phan Đình Hòe, Đạo Phật có quan thiết với sự sống của đời người, Đuốc Tuệ, số 2, 17- 12-1935, tr. 3-12. 15 Nguyễn Lang (2008), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn Học, Hà Nội, tr. 876. 16 Lễ suy tôn sư tổ Vĩnh Nghiêm lên vị thuyền gia Pháp chủ Bắc kỳ, Đuốc Tuệ, số 52, 11- 2-1936, tr. 1-5. 17 Năm thứ sáu, số 121-122, Đuốc Tuệ, 1-15/12/1939, trang bìa thứ nhất. 18 Năm thứ sáu, số 144-145-146, Đuốc Tuệ, 15/11, 1-15/12/1940, trang bìa thứ nhất. 19 Năm thứ ba, số 53, Đuốc Tuệ, 15/1/1937, trang bìa thứ nhất. 20 Đuốc Tuệ, số 255-256, 1-15/6/1945; số 257-258, 1-15/8/1945, trang bìa thứ nhất. 21 Phật học ngụ ngôn, Đuốc Tuệ, số 99, 15-12-1938, tr. 29. 22 Phật học danh từ, Đuốc Tuệ, số 3, 24-12-1935, tr. 27. 23 Thích Trí Hải, Chàng Đăng Chỉ, Đuốc Tuệ, số 5, 7-1-1936, tr. 29. 24 Phật nói kinh lễ sáu phương, Đuốc Tuệ, số 22, 12-5-1936, tr. 17-22. 25 Phượng sơn Nguyễn Thiện Chính, Vịnh chùa Quán Thánh, Đuốc Tuệ, số 13, 10-3-1936, tr. 28. Phượng sơn Nguyễn Th n Chính, Vịnh chùa Bách Môn, Đuốc Tuệ, số 15, 24-3-1936, tr. 6. 26 Phượng sơn Nguyễn Th n Chính, Vịnh chùa Kiến Sơ, Đuốc Tuệ, số 13, 10-3-1936, tr. 28. Phượng sơn Nguyễn Thiện Chính, Vịnh chùa Bách Môn, Đuốc Tuệ, số 15, 24-3-1936, tr. 6. 27 Nguyễn Văn Hựu, Vịnh chùa Long Đọi (Hà-nam), Đuốc Tuệ, số 25, 2-6-1936, tr. 7. 28 Phượng sơn Nguyễn Thiện Chính, Vịnh chùa Phật tích, Vịnh chùa Thầy, Vịnh chùa Yên Tử, Đuốc Tuệ, số 18, 14-4-1936, tr. 21. 29 Phượng sơn Nguyễn Thiện Chính, Vịnh chùa Hương, Vịnh chùa Tử Trầm, Vịnh chùa Dâu, Vịnh chùa Tháp, Đuốc Tuệ, số 15, 24-3-1936, tr. 22-23. 30 Sư cụ Tế cát, Kính cáo chư sơn trưởng lão, Đuốc Tuệ, số 30, 7-7-1936, tr. 4. 31 Lý Tùng Hiếu (2019), Giao lưu tiếp biến văn hóa và sự biến đổi văn hóa Việt Nam, Nxb Khoa Học Xã Hội, tr. 199. 32 Dương Kiều Linh (2017), Báo chí Sài Gòn 1954- 1963, Nxb Văn hóa - văn nghệ, tr. 15. 33 Nguyễn Lang (2008), tr. 871-872. 34 Walpola Rahula (2000), Đức Phật đã dạy những gì, Thích nữ Trí Hải (dịch), Nxb Tôn Giáo, tr. 50. 35 TS. Đặng Hoàng Lan, Ảnh hưởng của báo chí Phật giáo trong đời sống xã hội đương đại, Kỷ yếu hội thảo Nữ giới Phật giáo với lĩnh vực báo chí, tr. 197.TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tạp chí Đuốc Tuệ (1935), Nhiều tác giả, Nxb Phật giáo Hội. Dương Kiều Linh (2017), Báo chí Sài Gòn 1954- 1963, Nxb Văn hóa - văn nghệ. Lời nói đầu, Tập kỷ yếu hội Phật giáo, số 1, 5-1935. Lý Tùng Hiếu (2019), Giao lưu tiếp biến văn hóa và sự biến đổi văn hóa Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội. Năm thứ ba, số 53, Đuốc Tuệ, 15-1-1937, trang bìa thứ nhất. Ninh Thị Sinh (2020), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ trường hợp Hội Phật giáo (1934-1945), Nxb Đại học quốc gia Hà Nội. Nguyễn Lang (2008), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn Học, Hà Nội. TS. Đặng Hoàng Lan, Ảnh hưởng của báo chí Phật giáo trong đời sống xã hội đương đại, Kỷ yếu hội thảo Nữ giới Phật giáo với lĩnh vực báo chí. Trần Trọng Kim, Việc chấn hưng Phật học ở nước ta, Trung Bắc tân văn, 3-5-1932, 7-5-1932, 8-5-1932. Walpola Rahula (2000), Đức Phật đã dạy những gì, Thích nữ Trí Hải (dịch), Nxb Tôn giáo. Nguyễn Tài Thư (1988), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. Thích Thiện Hoa (1970), 50 năm chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Nxb Sài Gòn. Thích Trí Hải (2004), Hồi ký thành lập hội Phật giáo Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội. Dương Thanh Mừng, Thực dân Pháp với vấn đề chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam trong nửa đầu thế kỉ XX, Tạp chí Nghiên cứu Phật học (2015), số 1(130), tr. 22-27. Nguyễn Đăng Thục (1974), Phật giáo Việt Nam, Nxb Mặt đất, Sài Gòn.
Bình luận (0)