Tôn giáo có sự đồng hành lâu dài với con người trong lịch sử, nên có thể xem nó như một phần tài sản văn hóa của nhân loại. Trong quá trình phát triển, lan truyền trên bình diện thế giới, tôn giáo không chỉ đơn thuần chuyển tải niềm tin của con người, mà còn có vai trò chuyển tải, hoà nhập văn hóa và văn minh, góp phải duy trì đạo đức xã hội nơi trần thế.
Tác giả: Thích Đồng Niệm
ĐẶT VẤN ĐỀ
Tôn giáo hướng con người đến những giá trị nhân bản, góp phần tích cực vào việc hoàn thiện đạo đức cá nhân. Bất kỳ tôn giáo nào cũng đề cập đến tình yêu. Tinh thần “từ bi” trong Phật giáo không chỉ hướng đến con người, mà còn đến cả muôn vật, cỏ cây. Phật giáo kêu gọi lòng nhân đạo, yêu thương và bảo vệ sự sống. Đặc biệt, trong quan hệ giữa con người với con người, Phật giáo muốn tình yêu thương ấy phải biến thành hành động “bố thí”, cứu giúp những người đau khổ hoặc “nhẫn nhục” để giữ gìn đoàn kết.
Muốn giải thoát khỏi đau khổ, con người phải tự hoàn thiện đạo đức cá nhân, diệt trừ tham, sân, si, xoá bỏ vô minh, chặt đứt cây “nghiệp” để vượt qua biển khổ luân hồi. Tuy nhiên, tình yêu, lòng từ bi mà tôn giáo đề cập đến còn chung chung, trừu tượng. Các tôn giáo đều muốn san bằng mọi bất công, mâu thuẫn trong xã hội bằng đạo đức, ý tưởng đó dù đẹp, nhưng khó có thể hiện thực hóa trong cuộc sống trần thế. Song, có thể nói, việc hoàn thiện đạo đức cá nhân mà đạo đức tôn giáo đề ra nhằm hướng đến mục đích siêu nhiên, hướng đến chốn Thiên đường của Chúa hay cõi Niết bàn của Phật, dẫu sao vẫn có những tác động tích cực đến đạo đức cá nhân và xã hội.
1. Tôn giáo là nhịp cầu giao lưu văn hóa giữa các quốc gia
Trước hết, tôn giáo là văn hóa và là một bộ phận cấu thành của văn hóa mỗi quốc gia nên tôn giáo có đóng góp đầu tiên là về văn hóa. Tôn giáo khi du nhập vào mỗi quốc gia, nó đã đi trước vấn đề của toàn cầu hóa ngày nay là tạo ra sự giao lưu văn hóa giữa các nước với nhau. Chính nó góp phần làm phong phú văn hóa nước sở tại bằng những gì văn minh tiến bộ mà tôn giáo ấy mang theo từ bên ngoài vào đồng thời cũng giới thiệu được đất nước, con người, văn hóa của nước chủ nhà ra thế giới bên ngoài. Chẳng hạn Việt Nam khi du nhập các tôn giáo như Phật giáo, Khổng, Lão thì mang theo những giá trị văn hóa của Trung Hoa vào nước ta. Còn khi đạo Công giáo vào từ châu Âu, nó cũng mang theo cả những tiến bộ, văn minh của phương Tây lúc đó đến Việt Nam. Các tác giả cuốn “Ảnh hưởng của các tư tưởng tôn giáo đối với con người Việt Nam hôm nay” đã có nhận xét rất chính xác rằng: “Nói đến những ảnh hưởng của văn hóa, tư tưởng phương Tây ở Việt Nam thì chắc chắn đạo Thiên Chúa là nhân tố đầu tiên trong sự ảnh hưởng này. Và như vậy, trong lịch sử, tôn giáo luôn đóng vai trò những sứ giả đi đầu trong những cuộc viếng thăm, tiếp xúc giao lưu văn hóa giữa các dân tộc”. [1]
Những nhà truyền giáo phương Tây khi đến Việt Nam hồi thế kỷ XVII-XVIII, trong đó có nhiều người học hành bài bản ở các đại học thời danh lúc đó nên khi đến nước ta, họ cũng mang theo những kiến thức khoa học, kỹ thuật của văn minh châu Âu vào Việt Nam. GS Phan Huy Lê nhận định:
“Trong hàng ngũ giáo sĩ, có những người chỉ hoạt động vì đức tin và cũng góp phần truyền bá một số thành tựu văn minh phương Tây vào Việt Nam. Nhà toán học và thiên văn học Jean Baptisle Sanna (Ý), Sbatien Pices (Bồ), Francoi de Lima (Bồ), Joseph Neugebeaur (Đức), nhà y học Jean Sibert (Tiệp), Chales Salemenski (Hung), Jean Koffler (Tiệp), Jean de Loureiro (Bồ)…là những giáo sĩ đã giúp chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Alexandre de Rhodes cùng các giáo sĩ Fracesco de Pina, Christoforo Borri, Gaspar de Amaral, Antoine de Babosa…đã đưa hệ thống chữ cái latinh vào Việt Nam, góp phần sáng tạo ra chữ quốc ngữ, la tinh hóa chữ Việt”.[2]
Ngày nay ở Việt Nam, chiêm ngắm các chùa, miếu, nhà thờ mà trong số đó có hàng ngàn đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia - đấy là những giá trị văn hóa vật thể, còn những giá trị văn hóa phi vật thể như các lễ hội, nghi lễ, kịch, tuồng cũng là những giá trị không hề nhỏ.
Tại Việt Nam, sản phẩm chữ quốc ngữ cũng là thành quả giao lưu giữa đạo Công giáo và văn hóa Việt. Điều đáng ghi nhận là ở nhiều nước như Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Quốc, các giáo sĩ đều có nỗ lực la tinh hóa chữ bản xứ nhưng không đâu thành công. Chữ quốc ngữ đó là thành tựu kết hợp sự hội nhập văn hóa cả các nhà truyền giáo và sự đóng góp, tiếp nhận của người Việt. Chính tôn giáo đã làm cầu nối giao lưu văn hóa giữa các quốc gia. Ngày nay, tôn giáo càng đóng vai trò giao lưu quan trọng. Khi những chùa Một Cột được xây dựng ở nhiều nước như Thái Lan, Nga, nó không chỉ nhắc nhớ Việt kiều nhớ về quê hương mà còn làm cho thế giới biết đến Việt Nam qua tôn giáo.
2. Tôn giáo góp phần phát triển kinh tế bền vững
Những năm gần đây, các nhà nghiên cứu kinh tế và tôn giáo thường đặt ra câu hỏi, cộng đồng các tôn giáo có khả năng tác động tích cực hay cản trở sự tăng trưởng kinh tế? Nếu như, năm 2004 Robert Barro mới đưa ra nhận định rằng, tương tác giữa tôn giáo và một loạt các yếu tố chính trị xã hội tuy có khác nhau nhưng chắc chắn “tôn giáo ngày càng có vai trò quan trọng với thực hành kinh tế thông qua các tác động của đức tin đến những đặc điểm hoạt động kinh tế, như: đạo đức làm việc, tính trung thực,… và những điều này có thể tạo nên khuynh hướng khuyến khích năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế”[3], thì những nghiên cứu vĩ mô mới đây của Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) và Quỹ Tự do Tôn giáo và Kinh doanh của B. Grim, đã có câu trả lời, khẳng định rằng giữa đức tin tôn giáo và tăng trưởng kinh tế (Reliogious Faith and Economic Growth) có mối quan hệ đặc biệt. Nghiên cứu trên cho thấy, những biến chuyển của Trung Quốc và Ấn Độ thuộc số nước “tôn giáo gốc” hoặc “thức tỉnh tôn giáo”. Theo một nghiên cứu đã công bố năm 2015, cùng với sự “hồi sinh” của tôn giáo thế giới nói chung (số người gắn kết với một tôn giáo được ước tính tăng tới 2,3 tỷ người, nghĩa là từ 5,8 tỷ năm 2010 lên 8,1 tỷ năm 2050), người ta đặt câu hỏi, sự tăng của dân số tôn giáo có liên quan gì với nền kinh tế của thế giới hiện nay? nhưng đến năm 2050, chỉ một trong năm nền kinh tế hàng đầu được dự đoán có dân số Ki tô giáo chiếm đa số đó là Hoa Kỳ. Các nước thuộc loại "siêu kinh tế" khác vào năm 2050 được thấy bao gồm: một nước với đa số Ấn Độ giáo (Ấn Độ), một nước đa số Hồi giáo (Indonesia) và hai nước với các mức độ đa dạng tôn giáo cực kỳ cao (Trung Quốc và Nhật Bản).
Không chỉ nghiên cứu vĩ mô, có nhiều thí dụ cụ thể trong mỗi quốc gia mỗi tôn giáo, cũng cho thấy, tôn giáo ngày nay quả thực có ảnh hưởng không nhỏ đến sự tăng trưởng kinh tế. Một nghiên cứu mới khác của Trung tâm HamkiKhalfaoui (2015) thuộc Đại học Tunis El Manar (Tunisia), thông qua việc nghiên cứu thực nghiệm dữ liệu tôn giáo và kinh tế của 20 nước Hồi giáo (1990-2014) đã chỉ ra rằng, phần lớn các nước Hồi giáo không khuyến khích tăng trưởng kinh tế, nhưng ông rút ra một số nhận định cụ thể và khá giá trị, đó là: a) Các nước Hồi giáo nếu có tỷ lệ cư dân là người Hồi giáo càng cao thì mức phát triển kinh tế càng thấp; b) Điều kiện xã hội luôn là quan trọng. Tác động tiêu cực của Hồi giáo lên tăng trưởng kinh tế sẽ càng tăng nếu các nước Hồi giáo ấy chịu tác động mạnh của nạn mù chữ, thất nghiệp…
Thực ra ý tưởng về nền kinh tế tôn giáo đã xuất hiện từ những thập kỷ 40 - 50 của thế kỷ XX với ít nhất là nhà Kinh tế học Anh, gốc Đức Schumacher trong tác phẩm: Small and Beautiful, A Study of Economics, As If People Mattered (Blond and Briggs, London, 1977). Xuất phát từ luận điểm: “Tiến bộ kinh tế chỉ có thể có được khi bản năng tham lam của con người được kích thích và đó là điều phần lớn các tôn giáo đều muốn chống lại”. Mặt khác, kinh tế chỉ để ý đến giá trên thị trường (Market Value) chứ không chú ý đến giá thực. Giải quyết mâu thuẫn này ông đã đề xuất khái niệm “Kinh tế Phật giáo” (Buddhist Econmics) để giải quyết xung đột ấy, bởi theo ông “Phật giáo không khuyến khích lòng ham muốn, gia tăng nhu cầu hưởng thụ. Phật giáo khác với mácxít, không xem tư hữu là xấu xa vì nó không ít thì nhiều có liên hệ đến nghiệp quả của từng cá nhân miễn là lợi tức này làm ra bằng các phương tiện chính đáng và hợp pháp… Có hai yếu tính của nền kinh tế Phật giáo là tính giản dị và không bạo động…”[4]
Vậy điều kiện nào để tôn giáo có khả năng tham gia phát triển kinh tế? Đối với xã hội, khả năng kích thích kinh tế, xã hội của tôn giáo còn ở chỗ nhiều tôn giáo có khả năng cung ứng những dịch vụ tâm linh, giá trị đạo đức và an ninh sinh tồn cho những cộng đồng ngoài tôn giáo của nó, khi mà thế kỷ XXI được coi là "Thế kỷ của tâm linh" (Malreaux)
Không phải mọi tôn giáo đều có khả năng kích thích tăng trưởng kinh tế, xã hội. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào việc chủ thể tôn giáo và nhà nước có khả năng khuyến khích những mặt tích cực, khắc phục những mặt hạn chế của chúng. Ở đây có vai trò quyết định của môi trường luật pháp, khả năng gắn kết cộng đồng, chính sách kinh tế xã hội và đặc biệt chính sách tôn giáo.
Một nguyên nhân là cho kinh tế phát triển không bền vững là do nạn tham ô, làm ăn gian dối, ăn trộm, ăn cắp vật tư, thiết bị… làm cho nhiều công trình mau hỏng, xuống cấp, hàng hóa kém chất lượng. Mà những nguyên nhân trên lại do con người mất đạo đức, tha hóa. Mà cái này, tôn giáo có thể góp phần xây dựng được. Nhiều tôn giáo đều khuyên tín đồ “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều gì mình không muốn, đừng làm cho người). Mình muốn ăn rau sạch sao lại trồng ra bẩn bán cho khách hàng?
Một vấn đề liên quan đến vai trò của tôn giáo đó là làm thay đổi tư duy trong đó có tư duy kinh tế của nhiều nhà cải cách Việt Nam ở thế kỷ XIX như sĩ phu Đinh Văn Điền, nhất là nhà cải cách Nguyễn Trường Tộ khi mà ý thức hệ Nho giáo đang trói buộc con người.
Ngày nay việc du lịch tâm linh là loại hình rất được ưa chuộng. Những chùa Hương Sơn, Yên Tử, Bái Đính, nhà thờ Phát Diệm, Đà Lạt, nhà thờ Đức Bà Sài Gòn… chẳng những thu hút khách du lịch mà còn tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người nữa.
3. Vai trò kiến tạo và củng cố hòa bình
Chiến tranh và hòa bình đi đôi với nhau và luôn là đề tài muôn thuở của con người. Hàng ngày nghe đài, báo người ta chứng kiến vô số cuộc xung đột gây chết nhiều nhân mạng. Trong đó có rất nhiều cuộc chiến đẫm máu liên quan đến tôn giáo. Nào là người Tin lành với Công giáo ở Bắc Airland, người Công giáo với Ấn giáo ở Ấn Độ, người Công giáo với Hồi giáo ở Philippine, thậm chí người Hồi giáo theo dòng Sunnit với người Hồi giáo dòng Shiite ở Iraq. Nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao các tôn giáo đều cổ vũ yêu thương, bác ái thương người mà lại sinh ra những nhóm cực đoan để chém giết lẫn nhau? Tìm hiểu các nguyên nhân xung đột ngày nay trên thế giới, tổ chức CCFD đã đưa ra báo cáo cho rằng nguyên nhân tôn giáo chiếm tỷ lệ đứng đầu tới 27,4%, vượt xa nguyên nhân chủng tộc 22,6%, kinh tế 18,8% [5]. Nếu tôn giáo là một nguyên nhân của các cuộc xung đột thì chính tôn giáo phải góp phần kiến tạo hòa bình.
Bởi vì, giáo lý nguyên thuỷ của các tôn giáo đều hướng thiện, răn dạy con người tránh điều ác, làm điều lành, nhằm mục đích giảm thiểu khổ đau, góp phần tạo dựng bầu không khí hoà bình và mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại. Tuy nhiên, đôi khi tinh thần tôn giáo và sự vận động hoà bình của nó lại bị những giá trị vật chất cuốn hút hoặc bị các thế lực "phần đời" làm cho chệch hướng. Một số ít tín đồ, thậm chí còn có cả một số giáo sĩ, ít quan tâm đến những lời giáo huấn tốt đẹp, nhân bản của tôn giáo, chỉ mải mê tạo dựng danh tiếng và mưu cầu lợi ích vật chất cho cá nhân mình. Sự lạm dụng này đã gây nên sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các nhóm tôn giáo khác nhau cũng như trong cùng một cộng đồng tôn giáo.
Khoan dung và kính trọng là hai đức tính cần có và phải được giữ gìn trong một xã hội đa tôn giáo. Chính vì vậy, cùng với việc thuyết giảng về khoan dung, cần phải cố gắng thực hành khoan dung nhằm tạo dựng bầu không khí hoà bình và hoà hợp trong đời sống xã hội.
Thiếu sự khoan dung sẽ rất khó chấp nhận việc có nhiều tôn giáo cùng tồn tại và thường dẫn đến sự kỳ thị, đến cách nhìn nhận không đúng về tôn giáo. Thống nhất trong đa dạng đang trở thành một trong những khuôn mẫu mới trong các mối quan hệ xã hội và quốc tế. Tất cả các chức sắc cũng như tín đồ các tôn giáo cần tạo dựng sự đoàn kết với tinh thần huynh đệ, với sự kính trọng lẫn nhau giữa tôn giáo này với tôn giáo khác để đấu tranh cho sự hoà hợp và nêu cao tinh thần phục vụ phúc lợi chung; phụng sự công lý và tạo bầu không khí hoà bình cho cả cộng đồng nhân loại.
Nói về tự do tôn giáo có nghĩa là nói về việc bảo đảm quyền tự do tôn giáo cho mọi người dân, trong đó có cả việc đề cao tư tưởng khoan dung tôn giáo. Tự do tôn giáo đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn Nhân quyền. Khoan dung tôn giáo chính là cái giúp cho tự do tôn giáo trở nên đích thực hơn, phù hợp với hoàn cảnh thực tế hơn và do vậy, hy vọng nó sẽ làm lu mờ dần những hành vi bất khoan dung tôn giáo một cách vô lý mà hiện đang còn tồn tại.
Trên thực tế, chúng ta có thể phân chia sự khoan dung và bất khoan dung theo 4 cấp độ: cá nhân, nhóm, nhà nước, quốc tế.
Trong lịch sử nhân loại, khoan dung và bất khoan dung giữa các nguyên tắc tôn giáo đã làm xuất hiện nhiều nhóm xã hội đối lập nhau. Sự đối lập đó hoàn toàn hoặc một phần là do sự khác biệt về tôn giáo. Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Hà Lan đều đã từng chứng kiến các xung đột tôn giáo. Tại Mỹ, cũng đã có thời kỳ mà trước đây, những người Tin lành đấu tranh và trục xuất những người Moócmông, tấn công những người Công giáo. Những ví dụ gần đây hơn là sự xung đột giữa người Công giáo và Tin lành ở Bắc Ailen, người Ấn giáo và Hồi giáo ở Cátxmia, thanh lọc sắc tộc mang sắc thái xung đột tôn giáo ở Bosnia và Kosovo trong thập niên 1990. [6].
Gần đây đã xuất hiện nhiều cuộc đối thoại về tôn giáo, về nhân quyền, giao lưu văn hoá Đông - Tây dưới hình thức song phương hoặc đa phương, khu vực hoặc quốc tế, với các tên gọi khác nhau, song chủ đề chính là “sự hoà hợp tôn giáo”, “xây dựng chiếc cầu nối”, “thống nhất trong đa dạng”,... nhằm mục đích giao lưu, trao đổi để tìm ra những biện pháp hữu hiệu đưa tinh thần tốt đẹp, nhân ái, hướng thiện của các tôn giáo vào cuộc sống, góp phần xây dựng một xã hội ổn định, không có khủng bố, ngăn ngừa những tệ nạn xã hội.
Các cuộc đối thoại, hội nghị giữa các tôn giáo đã thu hút rất nhiều đại diện các tôn giáo khác nhau và tại đây, cũng đã có những bài tham luận đề cập đến nhiều vấn đề xã hội đang đòi hỏi phải được giải quyết. Bức tranh chức sắc các tôn giáo khác nhau ngồi cùng nhau để bàn luận, tìm ra lời giải chung cho vấn nạn xã hội, như khủng bố hoặc tôn giáo này kỳ thị tôn giáo kia là điều trước đây khó có thể có được. Không chỉ có các chức sắc tôn giáo ngồi với nhau, mà các nhà nghiên cứu, đại diện chính phủ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ cũng tham gia một cách tích cực vào lĩnh vực này. Điều này giúp các nhà xây dựng pháp luật suy nghĩ ngày một nhiều hơn và sâu sắc hơn tới việc điều chỉnh pháp luật để ngày càng bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của người dân - biểu hiện của sự gắn bó, tôn trọng lẫn nhau giữa tôn giáo và chính quyền cũng như đánh giá cao những tiếng nói chung của các tôn giáo như một biểu hiện sinh động giữa họ về lòng khoan dung tôn giáo.
Như vậy, có thể nói, bản chất của lòng khoan dung chính là tình đoàn kết cộng đồng giữa các tôn giáo cũng như các tín đồ trong cùng một tôn giáo. Từ “giáo hữu” hoặc “tín hữu” mà ở Việt Nam vẫn quen dùng để chỉ tín đồ tôn giáo, như một lẽ tự nhiên, đã phần nào chứa đựng nội dung khoan dung đó. Xây dựng tình tương thân tương ái, luôn thấm nhuần cách nghĩ “cái mà mình được cũng không làm mất đi cái mà người khác cũng được hưởng”, không ghen tỵ, đố kỵ với những ai hơn mình. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có được thiện chí với các ý kiến bất đồng cũng như với sự khác biệt vì chính sự khác biệt, sự không đồng nhất và qua đó, làm cho cuộc sống trở nên phong phú mà không làm mất đi tính đa dạng của nó. Đối với niềm tin tôn giáo cũng như vậy. Đương nhiên, sự không đồng nhất, sự khác biệt ấy không tạo nên hận thù và cần đạt được sự hài hoà, sự chấp nhận thông qua đối thoại bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Quan hệ đồng đạo, quan hệ giáo hội - nhà nước, quan hệ giữa các tôn giáo với nhau,... sẽ không thể có được nếu thiếu sự khoan dung. Không chỉ thế, thiếu sự khoan dung, các cuộc xung đột giữa các tôn giáo sẽ không thể dập tắt, lòng thù hận tiếp tục được nuôi dưỡng và rất có thể sẽ để lại những hệ luỵ tiêu cực, ảnh hưởng tới quan hệ đối nội cũng như đối ngoại giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tóm lại, tôn giáo có vai trò giữ mối liên hệ đoàn kết xã hội là cơ sở để kiến tạo một nền hoà bình và giữ vững ổn định xã hội ở mọi quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
KẾT LUẬN
Tôn giáo có sự đồng hành lâu dài với con người trong lịch sử, nên có thể xem nó như một phần tài sản văn hóa của nhân loại. Trong quá trình phát triển, lan truyền trên bình điện thế giới, tôn giáo không chỉ đơn thuần chuyển tải niềm tin của con người, mà còn có vai trò chuyển tải, hoà nhập văn hóa và văn minh, góp phải duy trì đạo đức xã hội nơi trần thế. Nó có ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống tinh thần của con người. Với tư cách một bộ phận của ý thức hệ, tôn giáo đã đem lại cho cộng đồng xã hội, cho mỗi khu vực, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc những biểu hiện độc đáo thể hiện trong cách ứng xử, lối sống, phong tục, tập quán, trong các yếu tố văn hóa vật chất cũng như tinh thần.
Điều dễ nhận thấy là, những hệ thống đạo đức của tôn giáo rất khác nhau về niềm tin, rất xa nhau về địa lý vẫn có một mẫu số chung là nội dung khuyên thiện. Điểm mạnh trong truyền thụ đạo đức tôn giáo là, ngoài những điều phù hợp với tình cảm đạo đức của nhân dân, nó được thực hiện thông qua tình cảm tín ngưỡng, niềm tin vào giáo lý. Do đó, tình cảm đạo đức tôn giáo được tín đồ tiếp thu, tạo thành đức tin thiêng liêng bên trong và chi phối hành vi ứng xử của họ trong các quan hệ cộng đồng.
Tác giả: Thích Đồng Niệm (Tiếp theo bài “Vai trò của tôn giáo trong đời sống xã hội”) ***Tài liệu tham khảo: 1. Fernand Braudel (2004), Tìm hiểu các nền văn minh trên thế giới, Trần Hương Liên & Hoàng Việt dịch, Nxb. Khoa Học Xã Hội. 2. Phạm Khắc Chương- Phạm Văn Hùng- Nguyễn Quang Lập(2001), Lịch sử triết học, Nxb. Giáo Dục. 3. Thích Nguyên Hạnh(2007), Tôn giáo khái niệm và lịch sử, Thành Hội Phật Giáo Tp. HCM. 4. Đỗ Minh Hợp (2000), Đại cương lịch sử triết học phương Tây,Nxb. Tổng Hợp. 5. Đỗ Minh Hợp- Nguyễn Anh Tuấn- Nguyễn Thanh- Lê Hải Thanh (2005), Tôn giáo lý luận xưa và nay, Nxb. Tổng Hợp Tp.HCM. 6. Cao Xuân Huy (1998), Tư tưởng Phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu, Nxb. Văn hoá thông tin. 7. Samuel Enoch Stumpf & Donald C. Abel(2004), Nhập Môn triết học Tây phương, Lưu Văn Hy dịch, Nxb. TP. Hồ Chí Minh. 8. Nguyễn Hiến Lê (1997), Lịch sử thế giới, Nxb. Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội. 9. Thích Thánh Nghiêm(1995), Tôn giáo học so sánh, Nxb. Tôn Giáo. 10. Thích Tâm Quang (2004), Những tôn giáo lớn trong đời sống nhân loại, Nxb. Tôn Giáo. 11. Nguyễn Tài Thư (chủ biên)(1986), Mấy vấn đề về Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam. Viện Triết học xuất bản, Hà Nội, 1986. 12. Nguyễn Tài Thư (chủ biên)(1997), Ảnh hưởng của các tư tưởng tôn giáo đối với con người Việt Nam hôm nay, Nxb. CTQG . 13. Trần Tuý (2005), Lịch sử triết học là một khoa học, Nxb. Y Học . 14. Đào Duy Thanh(1994), Triết học, Nxb.Phân Liệu Đại Học Luật Tp. HCM. 15. Kỷ yếu Hội thảo của Ban Tôn giáo chính phủ và Ủy ban KHXH (1988), Một số vấn đề lịch sử đạo Thiên chúa trong lịch sử dân tộc Việt Nam
Chú thích: [1]. PGS.TS Nguyễn Tài Thư (chủ biên)(1997), Ảnh hưởng của các tư tưởng tôn giáo đối với con người Việt Nam hôm nay, Nxb CTQG , tr.59 [2]. Kỷ yếu Hội thảo của Ban Tôn giáo chính phủ và Ủy ban KHXH (1988), Một số vấn đề lịch sử đạo Thiên chúa trong lịch sử dân tộc Việt Nam, tr.19 [3]. R. Barro, R.M. McCleary (2006), Religion and Economy, Journal of Econocic Perspectives, Volume 20, Number 2 - Spring 2006 - Page 49 - 72. [4]. Xem Quán Như (1996), Kinh tế Phật giáo, trong cuốn Phật giáo trong thế kỷ mới, tập I, Giao điểm, Hoa Kỳ, tr. 239 - 243. [5]. Điều tra của CCFD tháng 10-1990, Báo Công giáo và dân tộc số Phục sinh 1991 [6]. Đa dạng tôn giáo và phân tích sự khoan dung (Bài giảng của Giáo sư Howard L.Biddhulph tại các trường đại học ở Canada và Đại học Brigham Young University.
Bình luận (0)