Tác giả: Thích nữ Thiện Tánh Học viên Ths Khóa V, Học viện PGVN tại TP.HCM

A. DẪN NHẬP

Trong tiến trình phát triển của lịch sử văn hóa nhân loại, báo chí là một hiện tượng xã hội. Báo chí ra đời do nhu cầu thông tin, giao tiếp, giải trí và nhận thức của con người. Một khi xã hội phát triển, đời sống con người được nâng cao, trình độ dân trí ngày càng tăng, thì báo chí cũng bước lên những tầm cao mới. Đặc điểm xã hội, con người ảnh hưởng sâu sắc đến báo chí. Vì thế, sự ra đời và phát triển của báo chí khác nhau ở những nơi khác nhau, mỗi quốc gia, mỗi khu vực, mỗi châu lục đều có những đặc điểm phát triển báo chí của riêng mình, do sự khác nhau về môi trường kinh tế, môi trường dân tộc, môi trường chính trị.

Khi Việt Nam trở thành thuộc địa, thực dân Pháp chia Việt Nam thành ba kỳ: Nam kỳ, Bắc kỳ, Trung kỳ, với mục đích quản lý và dễ bề cai trị. Pháp đô hộ Việt Nam với những luồng quản lý mới từ Phương tây đã làm đảo lộn trật tự kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục vốn có. Trước hết, thực dân Pháp loại bỏ chữ Hán, phổ biến văn hóa Pháp vào thời điểm đó đã làm ảnh hưởng đến việc tìm hiểu kinh sách Phật giáo của chư tăng Việt Nam. Vì gần như đa phần kinh sách Phật giáo đều là chữ Hán. Cũng từ đó, chư tăng và đại chúng đã bị cách ly giáo lý đạo Phật.

Đứng trước thực trạng đó, nhu cầu cấp thiết trong việc chấn hưng Phật giáo được đặt ra. Nhiều vị sư với sự uy tín của mình đã cùng đứng lên lập hội Phật giáo, chủ ý là muốn làm cho sáng cái đạo đã mờ, muốn trau chuốt cho bóng bẩy hơn trước và thích hợp với nhu yếu của người đời. Tạp chí Đuốc Tuệ ra đời đã trở thành công cụ truyền thông quan trọng trong phong trào chấn hưng Phật giáo miền Bắc thời bấy giờ.

B. NỘI DUNG

1. Bối cảnh ra đời của Tạp chí

Tạp chí Đuốc Tuệ ra đời ngày 10 tháng 12 năm 1935 thay cho Tập kỷ yếu do Hội Phật giáo lập ra. Việc này cũng nằm trong dự định của hội. Trong Lời nói đầu của Tập kỷ yếu số đầu tiên, hội đã trình bày rõ “Sau này tùy theo sự mở mang, cách xếp đặt và tình thế của hội, Tập kỷ yếu này sẽ đổi thành tạp chí” [1, tr. 5].

Đến ngày 30 tháng 9 năm 1935, ông Nguyễn Năng Quốc, Chánh Hội trưởng Hội Phật giáo đã đệ đơn lên Thống sứ Bắc kỳ xin phép xuất bản tạp chí Phật học lấy tên Đuốc Tuệ. Căn cứ theo lá đơn này, tạp chí sẽ xuất bản vào các ngày mùng 1, mùng 8, 15 và 23 hàng tháng tính theo Âm lịch. Chính Hội Phật giáo sẽ đảm trách định hướng phát triển của tạp chí, do ông Chánh Hội trưởng làm đại diện. Ông Cung Đình Bính được giao cho việc quản lý, chánh chủ bút là sư ông Phan Trung Thứ, phó chủ bút là sư ông Dương Văn Hiển. Trụ sở được đặt tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Tap Chi Duoc Tue 1

2. Quá trình phát triển tạp chí Đuốc Tuệ

2.1. Các giai đoạn chính

Trong hai năm đầu, báo ra hàng tuần, giai đoạn này khá thuận lợi đối với Tạp chí Đuốc Tuệ, tổng cộng có 52 số, mỗi số 32 trang, trong đó số 9 là số đặc biệt dành riêng cho sự kiện suy tôn sư tổ Vĩnh Nghiêm lên ngôi “thuyền gia pháp chủ”. Tuy nhiên, theo TS. Ninh Thị Sinh về mặt thông tin trên trang bìa như: “Số báo - ngày xuất bản, tên hội bằng chữ quốc ngữ và chữ Pháp, tên báo được in to đậm, báo quán, Ban trị sự, huy hiệu hình tròn giữa có hoa sen, xung quanh viền là dòng chữ Hán, giá báo, địa chỉ liên hệ để mua báo. Nhìn chung trang bìa nhiều chữ, nhìn rối mắt” [13, tr. 304].

Ba năm tiếp theo từ 1937-1939, Tạp chí xuất bản mỗi tháng hai kỳ, số lượng in giảm hơn so với hai năm đầu. Trong giai đoạn này, xuất bản được 71 số, trong đó có một số ghép. Hai năm đầu về phần thẩm mỹ chưa được hoàn thiện thì đến đây đã được trình bày đẹp mắt với hình ảnh biểu tượng trang bìa có hình đức Phật và in bằng giấy màu. Vì vậy sẽ thu hút hơn cho đọc giả và đây chính là giai đoạn tạp chí có được sự phát triển với những thuận lợi nhất định.

Hai năm tiếp theo sau đó từ 1940-1941, mặc dù ghi tới số 170, nhưng lại chỉ xuất bản được 38 số. Giai đoạn này Tạp chí Đuốc Tuệ bắt đầu có nhiều biến động. Số trang không ổn định, mỗi tháng chỉ ra có 1 số. Cho đến ba năm cuối từ 1942 đến 1945, đây là giai đoạn khó khăn nhất của Tạp chí Đuốc Tuệ, giá vật liệu tăng cao vì điều kiện chiến tranh “Giá báo cả năm từ 2 đồng Đông Dương tăng lên 3 đồng rồi 5 đồng, giá nửa năm từ 1 đồng 20 xu đến 2 đồng, 3 đồng, giá một số 4 lần thay đổi, 10 xu-20 xu, 30 xu-50 xu” [13, tr. 304], số lượng trang giảm, số bản in không ổn định, chất lượng giấy xấu, bản in mờ, khổ báo nhỏ hơn. Hai số cuối cùng có sự thay đổi trên trang bìa. Điều khác biệt nhất đó chính là ở hai số báo cuối tên hội có sự thay đổi “Tên hội chuyển thành Hội Phật giáo Việt Nam bằng chữ Hán và chữ quốc ngữ” [13, tr. 305].

Nhìn chung, trong 5 năm đầu là giai đoạn thuận lợi nhất của Tạp chí Đuốc Tuệ, 3 năm cuối có nhiều biến động và khó khăn hơn so với 5 năm đầu.

Như vậy đến ngày 5/8/1945 tạp chí đã bị đình bản, không những chỉ có Tạp chí Đuốc Tuệ mà một vài tạp chí ở các miền cũng phải chịu chung số phận, vì chiến tranh đang bùng nổ. Mặc dù vậy, các bài tạp chí vẫn là một món ăn tinh thần quan trọng không thể thiếu trong đời sống người dân.

Tuy nhiên, trong biên bản trình họp của Phó Hội Trưởng Nguyễn Thiện Căn đã có báo cáo đối với việc Ban phát hành báo Đuốc Tuệ như sau: “Từ ngày 1/6/1941 đến 31/7/1942 đã thu được 1613$86, chi hết 1573$26, dư 40$60 còn số tiền thu ở đọc giả từ 1940 đến nay là 1820$00. Nếu thu được sòng phẳng thì báo còn dư được một số tiền lớn. Đang lúc giấy cao, nhân công đắt, tiền tem gửi báo lại mới tăng cao mà báo Đuốc Tuệ được nền tài chính vững vàng như thế là nhờ nhà in giúp đỡ, vì BQT Trung Ương họp ngày 20/2/1941 đã quyết định sáp nhập báo Đuốc Tuệ với Nhà in” [9, tr. 188], tạp chí có thể duy trì được là phần nào hậu thuẫn vững chắc từ nhà in. Ngoài ra cũng đã in được bộ từ điển Hán Việt, đây chính là bộ sách rất có giá trị về mặt học thuật, đã được lưu hành khắp nơi trong thời gian này, góp phần cho các nhà nghiên cứu của các tầng lớp tu sĩ cũng như cư sĩ thuận tiện tìm hiểu về Phật pháp.

2.2. Nội dung tạp chí Đuốc Tuệ

Ngoài những nội dung chính, mỗi số của Tạp chí Đuốc Tuệ cung cấp nhiều thông tin, được in trên 4 trang bìa: mục lục, các thông tin liên quan đến Tạp chí Đuốc Tuệ và độc giả của Tạp chí, địa chỉ trả tiền báo, hội viên quá cố, thỉnh thoảng có những tin quảng cáo hoặc thông báo về chương trình các ngày lễ Phật. Trang bìa cũng được sử dụng để ghi tên những người đóng tiền vào quỹ xây chùa, đóng tiền ủng hộ nhà in, quỹ của trường Phật học, hay là ủng hộ các nạn dân (lũ lụt, hỏa hoạn) [13, tr. 305].

Nội dung chính của tạp chí thường bắt đầu từ trang 3. Mỗi số thường bao gồm các bài diễn giảng, các bài khảo cứu liên quan đến Phật giáo Việt Nam, các truyện Phật giáo, các thông tin về hoạt động của hội, cũng như tin tức trong nước và thế giới. Khác với Tạp chí Từ bi âm và Tạp chí Viên Âm, Tạp chí Đuốc Tuệ không có các mục cố định. Riêng phần mục lục Tạp chí Đuốc Tuệ số 2 cho người đọc thêm ý tưởng về nội dung của Tạp chí.

Mục Công việc tiến hành của Hội Phật giáo duy trì chỉ trong vài số đầu tiên, với mục đích thông báo về việc thành lập các chi hội địa phương. Nhưng về sau muốn truyền tải các tin tức liên quan đến hoạt động của hội, Tạp chí Đuốc Tuệ sử dụng các bài viết theo thể loại phóng sự hoặc du ký.

Tạp chí Đuốc Tuệ từ mục số 2 đến số 7 có mục Phật học danh từ, mục đích giải nghĩa các danh từ Phật học. Sang số 8 chuyển thành Phật học từ điển tập yếu khoảng 2-3 trang. Mục này xuất hiện đều đặn đến số 50, càng về sau thỉnh thoảng mới xuất hiện.

Tạp chí Đuốc Tuệ dành 2-3 trang để thông báo các sự kiện trong đời sống chính trị, xã hội trong nước và thế giới. Lúc đầu lấy tên là Việc thế giới; việc trong nước, đến số 54 đổi tên thành Thời sự. Trong số 90 và 91 đã nêu lên một số vấn đề đánh dấu chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa, đã có từ rất lâu qua sự trích dẫn sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, được ghi lại như sau: “Từ Hậu Lê, chúa Nguyễn đệ niên cho đội lính làng An Bình, Quãng Ngãi ra quần đảo Hoàng Sa lấy hải vật, có cả đoạn công văn chúa Nguyễn sai quan phúc đáp quan huyện bên Tàu hộ tống hai tên lính đội Hoàng Sa bị bão dạt sang bên ấy về nước ta. Việc ấy vào năm 1755” [2, tr. 41]. Điều này cho thấy vấn đề về chủ quyền của đất nước cũng được khẳng định từ rất lâu, không phải là vấn đề đến ngày hôm nay mới được quan tâm mà bàn luận.

Ngoài ra còn mở ra chuyên mục Phật học vấn đáp từ số 54 tuy nhiên có đôi lúc bị gián đoạn. Văn uyển cũng là một trong những chủ đề được xuất hiện từ số 57 được các tác giả gồm tăng sĩ và cư sĩ duy trì đều đặn. Hơn thế nữa Tạp chí Đuốc Tuệ 99 đã cho ra đời Phật học ngụ ngôn, với nội dung “khảo cứu về các chuyện ngụ ngôn trong nhà Phật” [3, tr. 28]. Tạp chí cũng đã tạo điều kiện cho những học Tăng “luyện văn chương, làm cái tài liệu hoằng pháp lợi sinh sau này” [4, tr. 28-29] qua “Trang học Tăng”. Ngày nay điều này được duy trì qua các trang báo Nguyệt san Giác Ngộ, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, Đặc san Hoa Đàm giúp cho các tăng, ni phát huy vốn học tập của mình trên những bài viết có giá trị học thuật.

Với các bài văn, bài thơ chữ quốc ngữ, ngôn từ mộc mạc, giản dị nhưng lại hàm chứa những ý nghĩa rất sâu xa. Đến số 107, Tạp chí Đuốc Tuệ mở ra một mục mới lấy tiêu đề là Luật thế gian để các độc giả có thêm kiến thức về pháp luật.

Các bài phiên dịch từ chữ Hán là mục xuất hiện khá đều đặn, chủ yếu phiên dịch các bài trên tạp chí Hải Triều Âm, bài giảng của Thái Hư, lãnh đạo phong trào chấn hưng Phật giáo Trung Quốc rất đa dạng và phong phú.

2.3. Đội ngũ biên soạn

Bộ Đuốc Tuệ gồm 258 số, xuyên suốt quá trình hoạt động trong giai đoạn đầu đề cập đến đời sống xã hội với các bài viết nhiều thể loại đa dạng, chất lượng, nhằm truyền tải những ý nghĩa, thông điệp nhân văn đến độc giả với các thể loại như: thơ, tiểu thuyết, truyện cổ Phật giáo, du ký,…đều có sự góp mặt của chư tăng lẫn cư sĩ tham gia viết bài. Về chư tăng có Hòa thượng Thích Trí Hải, Hòa thượng Tố Liên, Hòa thượng Thích Thái Hòa; về trí thức có Dịch giả Trần Trọng Kim, Dương Bá Trạc, Trần Văn Giáp, Trần Thúc Cáp, Trần Duy Vôn, Đinh Chí Nghiêm, Bùi Kỷ,… về quan lại có Trần Văn Đại, Nguyễn Thiện Chính, Nguyễn Huy Xương, Nguyễn Thượng Cần [13, tr. 311].

Nhìn vào đội ngũ biên soạn của tạp chí cho thấy rằng đây là đội ngũ nhân sĩ tri thức. Bên cạnh đó họ am tường về Phật pháp và cùng chung hoài bão trong việc chấn hưng Phật giáo. Như ông Nguyễn Năng Quốc được biết với vai trò là “tổng đốc hưu trí, Thái Hà ấp Hà Đông” [13, tr. 101]. Ngoài ra còn có Dịch giả Trần Trọng Kim là một nhân vật rất uyên thâm về hai lĩnh vực văn học và sử học trước khi ông quy hướng đến Phật giáo. Với trình độ Phật học uyên bác từ đó ông đã cho ra đời một số bài diễn thuyết, nội dung về “Phật giáo đối với cuộc nhân sinh”, “Thập nhị nhân duyên” và còn một số bài viết có giá trị khác. Trong tác phẩm “Phật giáo đối với cuộc nhân sinh” quan điểm của ông như sau: “chúng tôi rủ nhau lập nên hội Phật giáo này, chủ ý là làm cho sáng cái đạo đã mờ, muốn trau chuốt cho đẹp đẽ hơn trước và lại thích hợp hơn với sự nhu yếu của người đời” [11, tr. 12]. Ngoài ra, còn có Nguyễn Trọng Thuật đã dùng ngòi bút của mình đóng góp vào những áng văn chương, để phục vụ cho phong trào chấn hưng. Có thể nói rằng: “Ông vốn là một tay cự phách, trong phái học cũ, lại sở trường về quốc văn” [12, tr. 26].

Bước sang giai đoạn thứ hai đa phần là các bài dịch từ chữ Hán, kinh điển Phật học. Tuy nhiên, ở giai đoạn này số lượng bài ít hơn, phần lớn tác giả các bài viết là tu sĩ. Nhưng “tác giả quan trọng nhất của giai đoạn này là Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha” [13, tr. 311].

3. Giá trị của tạp chí Đuốc Tuệ

3.1. Giá trị văn học

Với tinh thần cởi mở, bao dung, mang đậm sắc thái hiếu sinh, dung hòa và giải thoát, đạo Phật truyền vào quốc gia nào cũng được quần chúng nhân dân ở quốc gia đó đặt niềm tin và tận tâm thực hành theo giáo pháp. Có lẽ từ đó mà đạo Phật đã cuốn hút nhiều học giả đến với đạo để nghiên cứu, học hỏi nguồn giáo lý vô thượng và cùng góp sức chuyển tải giáo pháp bằng những tác phẩm văn học giàu triết lý nhân sinh và giá trị nhân văn.

So với các tạp chí Phật học cùng thời như Từ Bi Âm, Viên Âm thì Tạp chí Đuốc Tuệ có điểm khác biệt hơn đó là sử dụng linh hoạt nhiều thể loại văn học để giới thiệu về đạo Phật và giải thích giáo lý một cách dễ hiểu đến độc giả bình dân. Đây là một hình thức hoàn toàn mới trong Phật giáo [13, tr. 309]. Trước tiên là thể loại tiểu thuyết, các tác phẩm quan trọng chủ yếu thuộc về Nguyễn Trọng Thuật, ông được xem là cây bút chủ lực của tạp chí, hay Nhân quả tiểu thuyết của Nguyễn Thiện Chính. Một thể loại khác là du ký, rất được độc giả yêu thích, có khoảng hơn 10 bài của cư sĩ lẫn tu sĩ trong tạp chí Đuốc Tuệ. Trong đó, tác phẩm Nhật ký đi Trung Quốc du học là tác phẩm du ký dài nhất được đăng trên Tạp chí Đuốc Tuệ số 63, 67, 68. Thể loại thơ, phú được dùng nhiều nhằm giới thiệu và cổ động cho Đuốc Tuệ cũng như cho chấn hưng Phật giáo. Thơ còn được dùng để giảng giải về giáo lý, cũng như tuyên truyền đạo đức tốt đẹp của đức Phật. Điển hình như Kinh lễ sáu phương đã chỉ ra những lời Phật dạy về luân lý cá nhân và xã hội. “Cuốn kinh này, từ đầu chí cuối chỉ dạy người ta những điều thiết thực, khuyên người ta làm những điều từ bi bác ái, siêng năng cần mẫn và điều độ tiết kiệm” [5, tr. 3].

Bàn về những vấn đề trong cuộc sống như: con người đang xô đẩy nhau vào trong nghiệp chướng cuồng loạn khổ đau, để rồi phiêu lưu giữa cuộc luân hồi phiền não vô tận. Vì vậy, cần nên gắng tu hành, trau dồi tâm tính, Lương Duyên Tuệ với bài Lời khuyên tu đạo Phật trên Tạp chí Đuốc tuệ số 70, đã nhấn mạnh việc tu hành không phải dành riêng cho người xuất gia, hay đợi khi xuất gia mới tu được, mà bất cứ ai cũng có thể ứng dụng giáo pháp chân chính để tu tập và tránh xa điều tà đạo.

Hay nói đến tình yêu quê hương, đất nước, với những cảnh vật quen thuộc luôn là đề tài gợi nhiều cảm xúc đối với các nhà văn, nhà thơ mọi thời đại. Nguyễn Thiện Chính với bài Vịnh chùa Kiến Sơ được đăng trên Tạp chí Đuốc tuệ số 13 đã nói lên đầy đủ giá trị và ý nghĩa cao cả về sự hiện hữu của một ngôi chùa giữa quê hương:

“Đem đạo từ bi để gọi hồn Đổi cong làm thẳng, dại làm khôn Sử Nam tự tích xưa chưa có Đất Bắc sơn môn bấy hãy còn Chùa lập cùng làng Ngài Đổng Thánh Phật truyền vào nước Tổ Vô Ngôn Tín đồ con cháu rồng tiên cả Bồ tát công duyên rạng nước non” [8, tr. 28].

Dù được viết dưới dạng thơ hay văn xuôi cũng đều mang đậm tính chất nhân đạo và tinh thần yêu quê hương đất nước, có lẽ ai cũng hiểu quê hương là tiếng gọi tha thiết nhất cất lên từ trái tim của mỗi con người.

Các tác phẩm văn xuôi trên báo chí Phật giáo thể hiện sâu sắc những tư tưởng, triết lý Phật giáo, có tác dụng giáo dục rất lớn. Thông qua những câu chuyện kể, triết lý đạo Phật được cụ thể hóa một cách sinh động và thân thuộc, tạo lòng tin cho người đọc rằng: Đạo Phật có thể an định xã hội, tịnh hóa lòng người, khiến cho người ta có đầy đủ tín tâm để sống an vui trong hiện tại và còn mang đến kết quả tốt đẹp ở tương lai, giúp cho con người có được nếp sinh hoạt hợp với đạo lý. Tạp chí Đuốc tuệ thỉnh thoảng cũng đăng những truyện ngắn mang triết lý nhân quả thiết thực ở đời. Những truyện tiêu biểu có Ma Đăng già đăng ở số 2, Cô con gái Phật hái dâu đăng ở số 39-40, Quả báo triền triền đăng ở số 123-125…

Tạp chí Đuốc Tuệ đã khéo chọn lựa những bài viết, tác phẩm có ý nghĩa hiện thực để chuyển tải đến mọi tầng lớp nhân dân và ai cũng có thể đọc hiểu một cách dễ dàng. Khi đọc những bài thơ được các tác giả diễn tả chúng ta thấy trong đó cả một bầu trời trong sáng về triết lý sống lương thiện, hướng con người sống đời thánh thiện, dứt bỏ mọi xấu xa, trở về sống trong tình yêu thương bao la, chân thật, góp phần xây dựng một xã hội an vui, một đất nước giàu mạnh và không ngừng phát triển. Trên Tạp chí Đuốc tuệ, chúng ta cũng thấy được sự đồng cảm này của những nhà thơ có tâm hồn học Phật. Các nhà thơ đã chỉ rõ mọi khổ đau ràng buộc trong đời và khuyên nhắc mọi người tĩnh tâm trau dồi giáo pháp. Những ý tưởng giản dị thể hiện qua từng truyện ngắn, tùy bút, tiểu thuyết hay những bài xã luận đã chuyển tải đầy đủ ý nghĩa cuộc sống, lại mang tính giáo dục về đạo làm người, về nhân cách sống cũng như tinh thần yêu quê hương, đất nước. Những bài thơ, những tác phẩm văn xuôi đều chứa đựng giá trị Phật học. Có những đoạn trong truyện ngắn, tiểu thuyết, tác giả đã để cho nhân vật thuyết giảng về Phật pháp, điều này càng chứng tỏ trong văn học vẫn mang ý nghĩa Phật học sâu xa.

Cho nên, “Việc sử dụng đa dạng, linh hoạt các thể loại văn học là một thành tố giải thích sức ảnh hưởng và thành công của Đuốc Tuệ đối với độc giả” [13, tr. 311].

3.2. Giá trị Phật học

Theo học thuyết Duyên khởi của Phật giáo, vạn pháp do duyên sinh và cũng do duyên diệt, nên không có một thực thể cố định thì hẳn nhiên niềm tin vào một vị thần sáng tạo luôn luôn bị phản bác. Tư tưởng phủ nhận về một đấng toàn năng và vĩnh cửu đã được thể hiện rất nhiều trong kinh tạng Phật giáo. Vấn đề này, xuyên qua nhiều thế kỷ, triết học Phật giáo đã trình bày chi tiết các lập luận bác bỏ học thuyết về một vị thần sáng thế. Nó đã được quan tâm để so sánh những việc này với cách mà các triết gia phương Tây đã bác bỏ các thông tin chứng minh thần học về sự tồn tại của đấng sáng tạo.

Tạp chí Đuốc tuệ, ở số 72, Nguyễn Trọng Thuật cho rằng đạo Phật là một tôn giáo không công nhận có thượng đế sáng tạo.

Bàn về vấn đề linh hồn, vì do quan niệm linh hồn theo nhiều cách khác nhau, nên con người vẫn bàn cãi về vấn đề có hay không có linh hồn. Phật giáo không quan niệm có linh hồn bất tử, như giáo lý “vô ngã”, “vô tạo giả” đề cập, không hề có một bản ngã hay cái ngã linh hồn nào trường tồn bất diệt, mà chỉ có dòng nghiệp thức của các chúng hữu tình luôn hiện hành. Nếu có một cái ngã linh hồn bất tử, thì con vật không thể sau khi phát triển thiện nghiệp qua nhiều đời, có thể chuyển sinh sang làm kiếp con người; hoặc là con người không thể chuyển sinh thành một vị Bồ tát hay một vị Phật. Bởi theo cái nhìn của Phật giáo, loài vật ngoài hoạt động theo bản năng, chúng còn có tính thiện, tức có tính giác, cũng biết nhận thức, phân biệt. Tùy theo nghiệp nhân đã tạo mà thọ sinh ở đời sau.

Hay nói về cõi Cực lạc, Tạp chí Đuốc tuệ số đầu tiên ra ngày 10.12.1935, đã có sự đóng góp của Nguyễn Trọng Thuật. Ông cũng khẳng định tư tưởng cho rằng có cảnh giới Cực lạc của Phật A Di Đà. Tiếp đến số 129 của Đuốc tuệ, ra tháng 4 năm 1940 còn có bài viết tả cảnh Tây phương Cực lạc chi tiết và giống như thật. Trong đó nói rằng chúng sinh sống lâu vô cùng, muốn gì có nấy,… Chúng sinh ở đó không ai lấy của ai, không ai dâm dục, giận dữ, ngu si, kiêu mạn, khổ não; không ai đói khát, tiếng nói của mọi người đều thanh nhã. Về cây cảnh thì luôn đầy hoa quả, gió thổi vào là phát ra âm nhạc, chúng sinh hòa hợp, bàn giảng chính pháp. Mặt đất bằng phẳng như tâm của chúng sinh phẳng lặng. Muốn qua nước Tịnh độ, muốn về xứ Tây phương Cực lạc thì dễ lắm, chỉ cần lúc nào cũng đọc sáu chữ: Nam mô A Di Đà Phật! Như vậy, theo tư tưởng Phật giáo vẫn cho rằng có cảnh giới địa ngục và Cực lạc, nhưng phải hiểu trên lập trường vạn pháp hết thảy đều do nhân duyên sinh, ngoài nhân duyên ra không có một vật gì tồn tại.

Đạo Phật hiện hữu ở đời với mục đích nhằm chỉ ra cái khổ cho con người hiểu và tìm cách giải thoát những khổ đau trong đời. Phật giáo dạy con người dám nhìn thẳng sự thật của khổ đau để chuyển hóa chúng. Từ đó cho thấy, khi trong mê muội thì thân phận con người thật là bi đát, nhưng khi nhận thức được mình mê muội thì con người có thể hoán cải được hoàn cảnh và cuộc sống của mình. Để làm được điều đó, Tạp chí Đuốc Tuệ lúc bấy giờ quan tâm nhiều đến việc truyền bá những tư tưởng đạo đức như từ bi, hiếu đạo, lợi tha, nhẫn nhục, tinh tiến,…Trong Tạp chí Đuốc Tuệ, số 152, ra ngày 15.3.1941, Nguyễn Quang Hùng đã nhấn mạnh con người sống trong đời nếu không biết luật nhân quả thì dễ bị rơi vào tình trạng bực tức, lo buồn hay một sự thay đổi nào đó. Người học Phật đã rõ lý nhân quả, không sợ may rủi, mà tâm được an ổn và làm việc lành. Như thế đời người được vui vẻ và an lạc trong hiện tại lẫn tương lai [10, tr. 5]. Nếu làm lành thì theo nghiệp tốt, nếu làm ác thì phải chịu quả xấu. Như vậy, từ triết lý nhân quả - nghiệp báo của đạo Phật đã chuyển tải đến con người thông điệp trong cuộc sống đó chính là “khuyến thiện”. Tức là khuyên con người làm chủ ý từ đó phát khởi ra những hành động thiện lành như trong kinh Pháp Cú, đức Phật đã dạy rằng:

“Không làm mọi điều ác Thành tựu mọi hạnh lành Giữ tâm ý trong sạch Chính lời chư Phật dạy” [6, tr. 68].

Bằng cách khơi dậy và đưa ra những tư tưởng cho lối sống đạo đức, hướng con người thực hành những nhân cách đạo đức hoàn thiện của một con người, trên Đuốc tuệ số 33, ra ngày 28.7.1936, Nguyễn Trọng Thuật đã đưa ra những nhân cách đạo đức căn bản mà con người cần thực hiện để thoát khổ, đó là dũng mãnh, tinh tiến: “Dũng mãnh và tinh tiến là hai hai đức tính rất quý trong đạo Phật và là hai đức tính rất cần thiết của hết thảy mọi người ở đời. Nhất là những người có chí lớn, muốn làm việc...” [14, tr. 3]. Ngoài những đức tính ấy, con người còn phải thể hiện lòng kiên nhẫn trước mọi hoàn cảnh. Có thể nói, tính cách này rất quan trọng cho một con người có nhân phẩm.

Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha cho rằng: “bác ái là thương yêu tất cả mọi loài, bình đẳng là coi ta với mọi loài là một, không phân biệt giai cấp, đảng phái, không nên phân biệt cái gì của ta, cái gì của người khác” [7, tr. 6]. Hay tinh thần lợi tha thể hiện qua sự bình đẳng, biết tôn trọng lẫn nhau đó còn được Nguyễn Trọng Thuật đề cập đầy đủ qua bài luận giải Nghĩa bình đẳng của đạo Phật. Bài viết được đăng trên Tạp chí Đuốc tuệ số 66 năm 1937. Ông nhấn mạnh đạo Phật cho rằng: “Phật với loài người, loài người với loài vật, tất cả đều có chung Phật tính, tức là cái tính chân như thiêng liêng, sáng suốt […] cho nên Phật với loài người, loài người với loài vật đều có cái gốc bình đẳng như nhau cả. Cũng vì thế mà nhất thiết chúng sinh (cả người và vật) đều thành Phật một cách bình đẳng như nhau cả” [15, tr. 11].

Chính những cách thức truyền bá Phật học cơ bản, phù hợp với căn cơ, trình độ của quần chúng nhân dân như vậy đã tạo cơ hội tốt để đưa Phật giáo đến gần với con người hơn.

Tạp chí Đuốc Tuệ đã cho chúng ta thấy sự gắn bó giữa Phật giáo với dân tộc và với đại chúng qua lối truyền bá phổ thông, gần gũi. Những giá trị Phật học lúc bấy giờ vừa mang ý nghĩa giáo dục, vừa hun đúc tinh thần văn hóa dân tộc, yêu quê hương đất nước. Cho nên có thể nói Tạp chí Đuốc Tuệ lúc bấy giờ đã đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu, học hỏi Phật pháp cho mọi tầng lớp độc giả. Ngay trong cuộc sống hiện tại, con người có thể ứng dụng giáo lý Phật giáo nhằm xây dựng đời sống văn hóa, kinh tế, chính trị... ngày càng tốt đẹp hơn. Tạp chí Đuốc Tuệ đã chỉ cho quần chúng sự hiểu biết căn bản về đạo lý sống theo giáo lý Phật giáo, chuyển hóa được tầm nhìn của tín đồ từ mê tín thành chính tín. Vì vậy, Phật học giai đoạn này đã góp phần ổn định xã hội và đấu tranh vì hòa bình độc lập của cả dân tộc.

C. KẾT LUẬN

Nhìn chung, phong trào chấn hưng Phật giáo đã để lại nhiều thành tựu to lớn cho Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Bắc kỳ nói riêng. Tạp chí Từ Bi Âm đã làm ngòi pháo châm ngòi cho tạp chí ở Nam kỳ và Bắc kỳ tiếp nối. Phật giáo Việt Nam bị ảnh hưởng bởi chính sách cai trị của thực dân Pháp rất nhiều nhưng với tinh thần vì đạo, các tạp chí ra đời trong đó có tạp chí Đuốc Tuệ theo thời gian đã giúp cho Phật giáo ở miền Bắc thay đổi diện mạo mới qua các bài báo kêu gọi cùng nhau chấn hưng, cùng nhau chỉnh đốn tăng già, sửa chữa mê lầm trong nhân gian, lan tỏa lối sống đạo đức Phật giáo đến quần chúng nhân dân thời bấy giờ. Trải qua 10 năm, đã tạo nên một bộ tạp chí Đuốc Tuệ với tổng cộng 258 số. Bản thân Tạp chí Đuốc Tuệ đã làm tròn vai trò, cũng như đóng góp rất nhiều trong phong trào chấn hưng Phật giáo Bắc kỳ từ lúc hình thành cho đến khi kết thúc. Điều đó đã chứng tỏ rằng tạp chí Đuốc Tuệ phổ biến trong nhân dân, làm thức tỉnh mọi sự mê lầm của con người từ tu sĩ cho đến tín đồ Phật giáo. Tạp chí Đuốc Tuệ được xem như là công cụ đắc lực để tuyên truyền, thuyết giảng giáo lý, hướng con người đến với một lối sống đạo đức, tốt đời đẹp đạo và Tạp chí Đuốc Tuệ đã làm tốt vai trò là cầu nối giữa Phật giáo với quần chúng nhân dân và Phật tử, hướng con người đến đời sống an lạc, hạnh phúc. Cũng chính những thành tựu và giá trị mà tạp chí Đuốc Tuệ để lại đã chứng minh được rằng tạp chí có vai trò rất quan trọng trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc.

Tác giả: Thích nữ Thiện Tánh Học viên Ths Khóa V, Học viện PGVN tại TP.HCM *** TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] “Lời nói đầu”, Tập kỷ yếu Hội Phật giáo, số 1, 5/1935. [2] “Thời sự tin trong nước”, Đuốc Tuệ, số 91, 15/8/1938. [3] “Phật học ngụ ngôn”, Đuốc Tuệ, số 99, 15/12/1938. [4]. “Trang học Tăng”, Đuốc Tuệ, số 101, 15/1/1939. [5] Phật giáo hội, Thiện Sinh Kinh, nhà in Đông Kinh ấn quán, Hà Nội, 1935. [6] Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ 1, Pháp Cú, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam,TP. Hồ Chí Minh, 1999. [7] Thiều Chửu, Phật giáo với nhân gian, Nhà in Đuốc Tuệ, Hà Nội, 1936. [8] Nguyễn Thiện Chính, “Vịnh chùa Kiến Sơ”, Đuốc Tuệ, số 13, 10/3/1936. [9] Nguyễn Đại Đồng, Biên niên sử Phật giáo miền Bắc 1920-1953, Hà Nội: Nxb Tôn giáo, 2008. [10] Nguyễn Quang Hùng, “Tin nhân quả tội phúc”, Đuốc Tuệ, số 152, 15.3.1941. [11] Trần Trọng Kim, Phật giáo với cuộc nhân sinh, Hà Nội, Nhà in Bắc tân văn, 1935. [12] Bùi Kỷ, “Bài điếu từ đọc thay mặt Hội Phật giáo Bắc Kỳ kính viếng ông Nguyễn Trọng Thuật”, Đuốc Tuệ, số 125, 1/2/1940. [13] Ninh Thị Sinh, Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ – trường hợp hội Phật giáo (1934-1945) , Hà Nội, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2020. [14] Nguyễn Trọng Thuật, “Dũng mãnh, tinh tiến”, Đuốc Tuệ, số 33, 28/7/1936. [15] Nguyễn Trọng Thuật, “Nghĩa bình đẳng của đạo Phật”, Đuốc Tuệ, số 66, 1/8/1937.