3. Về phương diện tu tập và sinh hoạt

Nhìn chung, các hoạt động chỉnh lí quy chế sinh hoạt đối với ni giới Nam Bộ trong giai đoạn này chưa thực sự rõ ràng. Phần lớn chư ni nếu tham gia vào các đoàn thể Phật giáo thì sẽ sinh hoạt dựa theo các điều khoản đã được quy định trong bản điều lệ và quy tắc của các tổ chức. Ni giới Nam bộ nói riêng và ni giới Việt Nam nói chung trong giai đoạn này đã đạt được một thành tựu có ý nghĩa rất to lớn là đã xóa bỏ được tình trạng phân biệt nam nữ để tiến đến xác lập một tâm thế sinh hoạt, tu tập bình đẳng. Phật giáo vốn dĩ không phân biệt địa vị nam nữ, mà chính do những nỗ lực tu tập của từng cá nhân mới tạo nên hình ảnh và nhân cách của mỗi con người(1). Nếu giữa nam và nữ có sự khác biệt đó là do sự chuyên chế của phong tục mà ra. Cũng chính vì những tư tưởng hẹp hòi của Nho giáo mà phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay luôn bị ràng buộc trong tồn tại dai dẳng quan niệm trọng nam khinh nữ đã làm cho nữ giới có rất ít cơ hội để thể hiện tài năng với đời. Ở thế tục còn như thế, chốn thiền môn còn khắt khe hơn. Các đệ tử nữ xuất gia đầu tiên phải làm công quả cho nhà chùa, mặc nhiên lãnh phần chuyên lo cơm nước cho đại chúng. Từ sáng đến trưa rồi lại chiều, công việc cứ thế nối tiếp liền mạch, chư ni gần như không có đủ thời gian học thuộc hai thời công phu để đi thọ trì cùng các huynh đệ. Rất nhiều tăng sĩ và các chư ni vì nhận thấy được tình trạng bất bình đẳng này nên đã lên tiếng để bảo vệ các quyền lợi chính đáng cho ni giới.

Hòa thượng Liên Tôn trong quá trình tìm hiểu ý nghĩa của giáo lí Phật giáo đại thừa đối với nữ giới đã cho rằng: “Lạ thay, cái thiên tính thông minh, nam nữ vẫn cùng bình đẳng, chứ không bên nào hơn kém bên nào. Mà chẳng biết vì sao xã hội ta từ xưa đến nay lại cứ tuân theo cổ lệ của nước Tàu rồi sùng bái cái thuyết “Phò dương ức âm, trọng nam khinh nữ”, làm cho phần đông phường nữ lưu ở xứ ta ngậm đắng nuốt cay mà cam chịu với cảnh ngộ khải đản một cách bất bình đẳng ở trên pháp luật. Chẳng những đối với phương diện kinh tế đã không có quyền tự chủ và ở trên xã hội cũng không có cái địa vị tương đương mà thôi; lại còn trong gia đình thì đứng về vị trí phụ thuộc, việc gì cũng thưa, dạ, vâng... Ngày nay thế vận đã thay đổi, pháp luật đã cải biến, giáo dục đã phổ biến rộng khắp rồi mà cái địa vị của nữ lưu cũng đã khác hẳn với ngày trước đó. Vậy thì bao nhiêu những cổ lệ trọng nam khinh nữ ấy, ta còn truy cứu làm gì nữa”(2).

Chư ni có nên cam chịu số phận như vậy nữa hay không? Đó là một câu hỏi rất thực tế, rất sâu sắc mà Ni sư Như Ý đã nêu ra cho nhiều ni giới. Theo Ni sư: “Tôi chắc chị em đã quen với cái hủ tục trọng nam khinh nữ bên Tàu. Cái hủ tục ấy truyền sang nước ta từ hồi nội thuộc, nó đã giam hãm phụ nữ nước ta không biết bao nhiêu thời đại, mà ngày nay nó còn tác động đến chị em thật là đau đớn. Thế mà chị em không truy cứu nguyên do, lại xem đó là công lệ bắt buộc và cái bổn phận riêng của phụ nữ là phải vậy”(3) . Bởi trọng nam nên chư tăng mới được tự do, bởi khinh nữ nên chư ni phải chịu quyền áp chế. Chư ni hãy nhìn rộng ra bên ngoài mà xem, đã có rất nhiều nữ giới tham gia đảm trách các công việc lớn lao trong xã hội và cả trong Đạo pháp. Như ở Mĩ, bà Miriam Salanave đã sáng lập ra Hội Phụ nữ Phật tử; ở Pháp, bà G. Constant Lounsbery giữ chức Hội trưởng Hội Phật hữu. Ở trong nước, Ni trưởng Diệu Không đã sáng lập ra Nữ công học Hội ở Huế, hay như tại vùng đất Gia Định này, Ni trưởng Diệu Tịnh đã thành lập được ni viện Hải Ấn... Cũng là thân phận nữ nhi mà tại sao họ lại được tự do tới chỗ này, chỗ kia để đăng đàn thuyết pháp, tại sao họ lại có được những danh vọng lẫy lừng đến như vậy.

Tác giả Thích Nữ thì lại “than phiền” rằng: Phật giáo là một tôn giáo vô thượng mà người học đạo lại có nhiều hành vi không chính đáng. Như vậy thì có khác nào sữa Tô lạc có vị rất ngon mà lại bị côn trùng rơi vào nên hóa ra thành thuốc độc hay không(4). Một trong những điều chưa phù hợp theo tác giả là còn tồn tại tư tưởng “nam tôn nữ ti” (trọng nam khinh nữ) trong cửa Phật. Chính điều này đã làm cho ni giới ngày càng trở nên suy yếu. Đồng thuận với quan điểm này, Ni trưởng Diệu Tịnh cũng cho rằng, lâu nay, đại đa số phụ nữ chỉ đem cái đời xuất gia của mình mà phụng vụ các công việc như đun nước, nấu cơm, khâu y, vá áo và thành thử phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Ấy cũng là một bằng chứng cho thấy tư tưởng trọng nam khinh nữ đã tác động đến Phật giáo rất mạnh mẽ.

Để xóa bỏ được quan điểm trọng nam khinh nữ điều quan trọng nhất là chư ni phải tự mình thay đổi. Chư ni phải thể hiện được năng lực, trách nhiệm của mình; phải có chí tiến thủ, phải kiên trì, nhẫn nại để tham gia giúp ích cho đời, cho đạo. Nếu chư ni không làm được những điều ấy, tất nhiên sẽ bị người đời khinh khi, cho là những thành phần tầm thường, chỉ biết ẩn danh, nương nhờ nơi cửa Phật(5). Ni trưởng Diệu Tịnh nhấn mạnh thêm rằng: Phàm đã là một người Phật tử thì chư ni không thể ngồi yên trước tình trạng khốn khổ của nhân dân mà ngược lại cần phải tham gia gánh vác trách nhiệm cho xã hội. Trong đó, chư ni cần phải chú trọng đến việc phát huy hạnh bố thí của đức Phật. Bố thí có ba lợi ích, một là để dứt trừ lòng tham, sân si của mình, hai là để cứu giúp những người cùng khổ và ba là để làm gương cho người đời noi theo. Bên cạnh đó, chư ni cũng cần phải vận động thêm những người cùng chí hướng để chăm lo gây dựng các giá trị đạo đức, nhân văn trong xã hội. Phải mở các lớp học tình thương để cứu vớt mê tâm, lập nhà dưỡng lão để chăm sóc những người già yếu, lập viện dục anh để nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, xây dựng phòng khám để cấp phát thuốc và chữa bệnh miễn phí cho những người nghèo khó. Làm được như vậy thì chư ni mới xứng đáng với danh dự của một người Phật tử(6). Không chỉ minh chứng bằng những hành động mà sự thay đổi về tư duy, quan điểm và cả lối sống của ni giới cũng có vai trò rất quan trọng. Bởi khi bước vào giai đoạn hiện tại, ni giới đã và đang có một địa vị rất quan trọng, không một hoạt động nào của Phật giáo có thể loại bỏ vai trò của người phụ nữ ra ngoài. Ni giới cũng cần phải hiểu rằng, mình luôn có những quyền lợi giống như nam giới, nhất là quyền tự do học hỏi để theo kịp trào lưu tiến hóa của nhân loại và quyền tham gia vào các hoạt động phật sự(7).

4. Về công tác hoằng pháp

Các nỗ lực của ni giới Nam Bộ về phương diện này cũng rất đáng ghi nhận. Nhiều ni sư đã tham gia đăng đàn thuyết pháp, đến tận các địa phương để tổ chức các buổi lễ quy y thọ giới. Các ni sư còn tích cực xuất hiện trong các chương trình từ thiện, cứu giúp dân nghèo do các tổ chức Phật giáo phát động. Hình ảnh của các ni sư cũng do vậy mà trở nên thân thuộc, gần gũi và gắn bó hơn đối với nhiều người. Thành công về phương diện hoằng pháp còn được thể hiện qua các bài viết đăng tải trên báo chí trong giai đoạn này. Sẽ khó mà thống kê một cách đầy đủ, song phải nói rằng ni giới đã có rất nhiều bài viết thể hiện quan điểm, lập trường của mình. Ngoài việc kêu gọi ni giới ủng hộ công cuộc chấn hưng Phật giáo thì các bài viết cũng đã đi thẳng vào những hạn chế yếu kém mà ni giới đang gặp phải... Các bài viết này đã tạo ra được những hiệu ứng tích cực, góp phần làm thay đổi nhận thức và quan điểm cho các ni sư. Trong giai đoạn này, ý tưởng về việc xuất bản một tờ tạp chí để làm cơ quan ngôn luận cho ni giới đã xuất hiện. Hãy thử đọc qua ý kiến của Ni sư Như Ý để hiểu rõ hơn vấn đề này: Hiện tại nữ giới Việt Nam đã có rất nhiều tờ báo như: Phụ nữ Tân văn, Đàn bà mới, Nữ giới chung, Phụ nữ tân tiến, Phụ nữ thời đàm... Các tờ báo này không chỉ cung cấp cho nữ giới các nguồn tri thức mới mà nó còn phát huy vai trò, vị thế của người phụ nữ vào trong xã hội. Trong khi đó, chư ni lại là những người am hiểu Phật lí, có kiến thức, thì tại sao lại không đem tâm nguyện từ bi, cứu thế ra để phát huy. Nếu như chư ni không chịu hòa mình với thời cuộc, không có một tờ báo riêng để làm cơ quan ngôn luận thì sẽ không bao giờ phát huy hết được năng lực, sở trường của mình. Mà đã không phát huy hết năng lực, sở trường thì cái hay, cái giỏi của chư ni cũng trở nên vô ích và các ni sư cũng không thể giúp cho Phật giáo phát huy hết được các giá trị cao quý của mình(8). Dù không đạt được ý nguyện nhưng đây vẫn là một yêu cầu chính đáng mà các ni sư cần có được. Những hiệu quả mà báo chí đã mang lại cho ni giới ở vào giai đoạn sau này có lẽ sẽ minh định và làm sáng tỏ hơn luận điểm mà chúng tôi nêu ra.

Cũng cần phải đề cập thêm các nỗ lực dịch thuật và Việt hóa kinh sách của chư ni trong giai đoạn này. Rất nhiều kinh sách đã được chư ni trước tác, dịch thuật. Trong đó, có thể kể đến hai nhân vật tham gia nhiều nhất là Ni trưởng Diệu Tịnh và Sư trưởng Như Thanh. Ni trưởng Diệu Tịnh đã tham gia dịch thuật các tác phẩm như: Kinh Vu lan, Kinh Phổ môn, Kinh Pháp bảo đàn, Kinh Phát Bồ Đề tâm, Nghi thức tụng niệm... Còn đối với Sư trưởng Như Thanh, các công trình trước tác, dịch thuật của sư khá nhiều. Từ kinh, luật, luận cho đến các công trình nghiên cứu, thơ ca, bài viết đều được Sư trưởng thực hiện một cách đều đặn...

Như vậy, có thể thấy rằng, phong trào chấn hưng Phật giáo miền Nam đã thu hút được sự tham gia rất tích cực của nhiều ni giới. Thành công đó, trước tiên phải kể đến sự đổi mới về mặt tư duy của Hội Nam kì Nghiên cứu Phật học, Hội Lưỡng Xuyên Phật học, Tịnh độ Cư sĩ Phật Hội và Hội Phật học Nam Việt qua sự hình thành các chuyên mục dành riêng cho ni giới trên các tờ báo nhưTừ Bi Âm, Duy Tâm Phật học, Pháp Âm Phật học, Từ Quang. Chính sự đổi mới quan trọng này đã tạo ra các diễn đàn cho nữ giới tham gia tranh biện và thể hiện chính kiến của mình. Có thể kể đến các gương mặt ni giới tiêu biểu trong giai đoạn này như Hồng Nga, Như Ý, Diệu Tịnh, Diệu Tâm, Diệu Ninh, Diệu Hường, Như Thanh... Sự tham gia tích cực của các ni sư vừa góp phần hỗ trợ đắc lực cho công cuộc chấn hưng Phật giáo, nhưng quan trọng hơn là nâng cao vị thế cho ni giới, xóa bỏ tình trạng nam tôn nữ ti vốn đã ăn sâu vào trong định chế xã hội; đồng thời, tạo ra những sự khai phòng về mặt tư duy, quan điểm, lối sống và cả cách thức hành đạo. Thành quả to lớn đó không chỉ có ý nghĩa với thời điểm hiện tại mà nó vẫn còn nguyên vẹn giá trị cho đến hôm nay.

Kỳ II, tiếp theo Tạp chí NCPH số 168

Dương Thanh Mừng - Khoa Dân tộc và Tôn giáo, Học viện Chính trị khu vực III, Đà Nẵng Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 7/2021

-------------------

CHÚ THÍCH:

(1) Quảng Chiếu (1953), “Đâu là nền tảng tiến bộ của phụ nữ”, Từ Quang Phật học, số 17, tr.31-34. (2) Liên Tôn (1934), “Bàn về ý nghĩa Đại thừa Phật giáo đối với nữ tánh”, Từ Bi Âm, số 68, tr.14-19. (3) Như Ý (1938), “Cái quan niệm đối với chị em ni nữ trong Phật giáo đồ”, Từ Bi Âm, số 149, tr.26-30. (4) Thích Nữ (1933), “Lời than phiền của một cô vãi”,... Tlđd, tr.18-23. (5) Diệu Tánh (1939), “Đạo Phật ngày nay phải có sự cải cách triệt để”, Duy Tâm Phật học, số 36, tr.527-531. (6) Diệu Tịnh (1937), “Bài giảng tại chùa Linh Sơn hôm nhóm ngày đại hội”, Từ Bi Âm, số 126, tr.35-42. (7) Hương Sơn (1952), “Phật giáo với tư tưởng hiện tại”, Từ Quang Phật học, số 13, tr.5-8. (8) Như Ý (1938), “Cái quan niệm đối với chị em ni nữ trong Phật giáo đồ”,... Tlđd, tr.26-30.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Quảng Chiếu (1953), “Đâu là nền tảng tiến bộ của phụ nữ”, Từ Quang Phật học, số 17, tr.31-34. 2. Thích nữ Diệu Hương (1938), “Ý kiến của ni lưu”, Duy Tâm Phật học, số 29, tr.243-245. 3. Thích nữ Diệu Hương (1938), “Ý kiến của ni lưu”, Duy Tâm Phật học, số 30, tr.274-276. 4. Trần Nguyên (1935), “Cái bi cảm đối với ni lưu kim thời”, Từ Bi Âm, số 82, tr.28-36. 5. Thích Nữ (1933), “Lời than phiền của một cô vãi”, Từ Bi Âm, số 27, tr.18-23. 6. N.V (1935), “Ni lưu cần có chùa riêng chăng”, Phụ trương Phật học, số 3, tr.45-47. 7. Hương Sơn (1952), “Phật giáo với tư tưởng hiện tại”, Từ Quang Phật học, số 13, tr.5-8. 8. Diệu Tánh (1939), “Đạo Phật ngày nay phải có sự cải cách triệt để”, Duy Tâm Phật học, số 36, tr.527-531. 9. Diệu Tịnh (1935), “Bài diễn văn hôm đại hội của Hội Nam Kì Nghiên cứu Phật học”, Từ Bi Âm, số 79, tr.37-43. 10. Diệu Tịnh (1936), “Bài Diễn văn đọc bữa rằm tháng bảy tại chùa Hải Ấn”, Từ Bi Âm, số 114, tr.41-45. 11. Diệu Tịnh (1937), “Bài giảng tại chùa Linh Sơn hôm nhóm ngày đại hội”, Từ Bi Âm, số 126, tr.35-42. 12. Liên Tôn (1934), “Bàn về ý nghĩa Đại thừa Phật giáo đối với nữ tánh”, Từ Bi Âm, số 68, tr.14-19. 13. Như Ý (1938), “Cái quan niệm đối với chị em ni nữ trong Phật giáo đồ”, Từ Bi Âm, số 149, tr.26-30.