Trang chủ Chuyên đề Đọc Di chúc của vua Lý Nhân Tông

Đọc Di chúc của vua Lý Nhân Tông

Di chúc của người cầm quyền tối cao đất nước bao giờ cũng nói tới vấn đề người kế vị của mình. Lý Nhân Tông không có con trai nối dõi nên ông chọn Lý Dương Hoán, con trai Sùng Hiển Hầu (em trai Ngài) làm Thái tử kế vị. Vì Hoán mới 12 tuổi nên nhà vua muốn đại thần Lê Bá Ngọc giúp Thái tử trong việc trị quốc.

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Di chúc của người cầm quyền tối cao đất nước bao giờ cũng nói tới vấn đề người kế vị của mình. Lý Nhân Tông không có con trai nối dõi nên ông chọn Lý Dương Hoán, con trai Sùng Hiển Hầu (em trai Ngài) làm Thái tử kế vị. Vì Hoán mới 12 tuổi nên nhà vua muốn đại thần Lê Bá Ngọc giúp Thái tử trong việc trị quốc.

Tác giả: Nguyễn Hải Hoành
Phật học Từ Quang (tập 44)

Lý Nhân Tông tên thật là Lý Càn Đức, là con trưởng của vua Lý Thánh Tông và bà Nguyên phi Ỷ Lan (Lê Thị Khiết).

Ngài sinh năm 1066, mất năm 1128, trị vì 55 năm, hưởng thọ 61 tuổi, là vị vua có tuổi thọ vào hàng cao trong tất cả các vị vua Việt Nam. Trước khi băng hà, nhà vua có viết một Di chúc để lại cho đời sau.

Di chúc của vua Lý Nhân Tông viết dưới cái tên “Lâm chung di chiếu 臨終遺詔” dịch ra tiếng Việt là “Chiếu để lại lúc sắp mất”, được chép trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – bộ chính sử Việt Nam xưa nhất (biên soạn xong năm 1479, in lần đầu 1697). Di chúc này được coi là một áng văn chính luận nổi tiếng, là bản di chúc cảm động nhất trong lịch sử nước ta.

Như hầu hết thư tịch cổ Việt Nam, Lâm chung di chiếu viết bằng chữ Nho – vốn là chữ Hán của người Trung Quốc được tổ tiên ta cách đây hơn 2.000 năm mượn dùng làm chữ viết cho dân tộc mình. Chữ Nho dùng nguyên xi mặt chữ, nghĩa chữ và cách hành văn của bộ chữ Hán, nhưng đọc chữ bằng tiếng Việt mà không đọc bằng tiếng Hán, cho nên còn gọi là chữ Hán-Việt. Trong hàng nghìn năm, tổ tiên ta chỉ dùng chữ Nho để viết tất cả mọi văn bản.

Người Việt Nam không giỏi chữ Nho thì không đọc hiểu các thư tịch cổ đời trước để lại. Bản Lâm chung di chiếu này chúng ta đọc theo bản Quốc ngữ “Chiếu để lại lúc sắp mất” do Nguyễn Đức Vân dịch, vẫn dùng khá nhiều từ Hán-Việt.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Phat Hoc Tu Quang Doc Di Chuc Cua Vua Ly Nhan Tong 1

Bởi thế trước hết cần hiểu qua một số từ Hán-Việt trong bài. Lâm chung 臨終 là sắp chết. Chiếu 詔, nói đủ là chiếu thư, tức văn bản có tính chất mệnh lệnh của bậc đế vương. Di chiếu 遺詔là chiếu thư để lại. Lâm chung di chiếu là chiếu thư để lại lúc người viết chiếu thư sắp qua đời.

Từ điển Tiếng Việt định nghĩa Chiếu là “Điều vua thời phong kiến công bố cho dân biết bằng văn bản về một vấn đề chung của nhà nước”. Nhìn chung, Chiếu là văn bản hành chính của nhà vua công bố cho dân chúng biết các mệnh lệnh của triều đình hoặc những vấn đề lớn có liên quan tới đất nước, dân tộc, xã hội hoặc triều đình.

Ngày xưa, vua được gọi là Thiên Tử, tức Con Trời, thay Trời cai quản thần dân. Vua có địa vị vô cùng cao quý, thiêng liêng như thần thánh, vua không bao giờ xuống gặp dân, dân nếu có gặp cũng không được nhìn mặt vua. Chiếu là văn bản giao tiếp duy nhất giữa nhà vua với thần dân của mình. Chiếu thể hiện trình độ hiểu biết về chính trị, tư tưởng, lịch sử, văn hóa, văn học, tầm nhìn chiến lược và tâm tư của người viết. Bởi vậy Chiếu được viết hết sức thận trọng.

Nói chung, các vua Việt Nam rất ít viết Chiếu. Đời nhà Lý với 9 vị vua trị vì trong 216 năm (1009-1225) tổng cộng chỉ ban hành 24 bản Chiếu. Trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, Chiếu đầu tiên là Thiên Đô Chiếu (Chiếu dời đô năm 1010 của vua Lý Thái Tổ), Chiếu sau cùng là Chiếu Thoái vị (của vua Bảo Đại, tháng 8 năm 1945, viết bằng chữ Quốc ngữ).

Chiếu là một hình thức văn học nghị luận quan trọng, viết theo thể văn quy ước của Hán ngữ cổ gọi là “văn Văn ngôn”, viết liền một dòng từ đầu đến cuối, không có dấu ngắt câu, không có xuống dòng, cũng không viết hoa các danh từ riêng. Thể cổ văn này phải dịch ra “Văn Bạch thoại”, tức theo kiểu ngôn ngữ nói thì người bình thường mới hiểu được. Lời văn Chiếu phải vừa uyên bác lại vừa hợp thực tế dân tình, lý lẽ xác đáng, diễn tả ngắn gọn, đúng là lời lẽ của bậc quân vương trị vì trăm họ. Một số vị vua anh minh nước ta từng viết những Chiếu thư thể hiện được các tư tưởng lớn, tâm hồn cao cả sáng ngời của họ, được hậu thế truyền tụng. Lâm chung di chiếu của vua Lý Nhân Tông là một Chiếu thư như vậy.

Mở đầu Lâm chung di chiếu, Lý Nhân Tông vào đề một cách rất tự nhiên, nói lên ý nghĩ của mình về cái chết. Ngài tỏ ra rất bình thản tiếp nhận cái chết như một lẽ đương nhiên của tạo hóa: có sinh thì có tử. “Trẫm nghe nói: các loài sinh vật không loài nào không chết. Chết là số lớn của trời đất, là lẽ đương nhiên của muôn loài”. Lý Nhân Tông giỏi văn thơ không thể không biết câu thơ của Lý Bạch: Người sống là khách qua đường. Kẻ chết là người trở về (生者為過客,死者為歸人 Sinh giả vi quá khách, tử giả vi quy nhân). Con người sinh ra từ cát bụi, sống cuộc đời trên thế gian tựa như kẻ bộ hành đi hết quãng đường đời rồi lại trở về với cát bụi. Trời đất như cái quán trọ, người sống chỉ là khách qua đường trú tạm trong quán đó, chỉ đến khi chết mới rời khỏi quán trọ ấy trở về cõi vĩnh hằng, về với nơi ở vĩnh viễn không bao giờ còn phải gánh chịu nỗi vất vả đắng cay của khách bộ hành. Vì thế, cuộc đời con người còn gọi là cõi tạm, cõi trần tục.

Chấp nhận chân lý muôn thủa ấy, Lý Nhân Tông chủ trương lễ tang cho người chết, dù là cho chính Ngài, không nên làm linh đình, tốn kém công quỹ, khiến dân chúng vất vả mệt mỏi. Ngài dạy: “Lễ tang linh đình sẽ làm bại hoại cơ nghiệp, coi trọng việc tang sẽ làm hao tổn tính mạng, Trẫm rất không ưa. Ta vốn đã ít đức, chưa làm gì cho trăm họ được sống yên lành, đến khi ta chết lại bắt thần dân mặc xô gai, sớm tối khóc than, giảm ăn uống, bỏ cúng tế tổ tiên, làm nặng thêm lỗi lầm của Trẫm, thì thiên hạ sẽ bảo ta là người thế nào đây?”, “Việc tang của ta sau ba ngày nên bỏ áo trở, thôi khóc than. Việc chôn cất nên làm theo cách kiệm ước của Hán Văn Đế, không cần xây lăng tẩm riêng, hãy để ta được hầu bên cạnh Tiên đế”.

Nước ta thời xưa khi cha mẹ chết, con cái phải để đại tang 3 năm, trong thời gian đó phải mặc áo tang, không được lấy vợ lấy chồng, không tham gia hội hè vui chơi… Thế mà đức vua Lý Nhân Tông trước khi sắp nhắm mắt xuôi tay lại dặn các bề tôi cùng thần dân chỉ để tang mình có 3 ngày thì thật quá khiêm nhường, thể hiện Ngài vô cùng thương dân, không muốn cái chết của mình gây ra sự phiền hà cho dân. Lý Nhân Tông dặn nên chôn cất Ngài theo gương của Hán Văn Đế (203-157 TCN, tại vị 23 năm) là vị vua Trung Hoa đầu tiên sinh thời đã viết di chúc yêu cầu “bạc táng” cho mình, tức mai táng một cách đơn giản, tiết kiệm (“bạc” là ít ỏi, sơ sài, trái với “hậu”). Nhưng hầu hết Hoàng đế Trung Hoa đều “hậu táng”, tức làm lễ tang rất trọng thể, tốn kém, có chôn theo (“bồi táng”) cực hậu hĩ các thứ như trang phục, đồ dùng quý cùng vàng bạc châu báu, ngoài ra còn xây lăng tẩm sang trọng đồ sộ. “Hậu táng” còn có nghĩa là đào sâu chôn chặt, xây mộ thật to cao hùng vĩ. Thậm chí có nhà vua cho xây lăng mộ sẵn từ lâu trước khi chết. Tần Thủy Hoàng vừa lên ngôi đã sai xây khu lăng mộ rộng 250 nghìn mét vuông, công trình này kéo dài 39 năm, sử dụng hơn 700 nghìn lượt thợ. Một số vua còn được “ hưởng” tục “tuẫn táng” (be buried alive with the dead), tức chôn người sống theo để người chết dưới cõi âm vẫn có kẻ hầu hạ. Chu Doãn Văn người kế vị Minh Thái Tổ tuân theo di chiếu của Thái Tổ đã chôn sống theo nhà vua toàn bộ cung phi chưa có con với vua.

So với họ, Lý Nhân Tông rõ ràng là bậc vĩ nhân có đạo đức vô cùng cao cả ít ai sánh kịp.

Trong Di chiếu, Ngài nhắc lại quá trình cai trị đất nước của mình với lời lẽ hết sức khiêm nhường: “Trẫm xót phận tuổi nhỏ đã phải nối ngôi báu, cao trên các vương hầu, lúc nào cũng nghiêm kính e sợ, đến nay đã năm mươi sáu năm. Nhờ anh linh của tổ tiên và Hoàng thiên phù hộ nên bốn biển yên lành, biên thùy ít loạn, đến khi chết mà được xếp sau các bậc Tiên đế là may lắm rồi, việc gì còn phải khóc thương!”.

Lý Nhân Tông lên ngôi khi mới 6 tuổi, tại vị tới 56 năm, lâu nhất trong lịch sử Việt Nam. Được các triều thần giỏi như danh tướng Lý Thường Kiệt, đại thần Lý Đạo Thành, trạng nguyên Mạc Hiển Tích… phò tá, Lý Nhân Tông đã tạo dựng được cuộc thịnh trị cho đất nước. Đối nội, Ngài chú trọng dẹp loạn và phát triển nông nghiệp, nhờ thế dân chúng được sống yên lành, đối ngoại Ngài giữ yên được bờ cõi, đánh tan quân Tống xâm lược. Năm 1075, triều đình mở khoa thi đầu tiên để chọn người tài làm quan. Năm 1076, lại lập Quốc Tử Giám là ngôi trường đầu tiên đào tạo nhân tài cho đất nước.

Theo lẽ thường, Di chúc của người cầm quyền tối cao đất nước bao giờ cũng nói tới vấn đề người kế vị của mình. Lý Nhân Tông không có con trai nối dõi nên ông chọn Lý Dương Hoán, con trai Sùng Hiển Hầu (em trai Ngài) làm Thái tử kế vị. Vì Hoán mới 12 tuổi nên nhà vua muốn đại thần Lê Bá Ngọc giúp Thái tử trong việc trị quốc.

Lâm chung di chiếu viết:

“Trẫm từ khi đi xem dân gặt hái tới nay bỗng thấy trong mình không khỏe, bây giờ bệnh đã nặng, sợ không căn dặn đầy đủ nên hãy thận trọng mà nói việc kế tự thôi ! Thái tử Dương Hoán tuổi đã tròn mười hai, có độ lượng, thông minh, thành thật, trung hậu, ôn hòa nghiêm kính, có thể theo phép cũ của Trẫm, lên ngôi Hoàng đế. Này đứa trẻ thơ, con hãy vâng nhận mệnh ta, nối dõi thể thống, giữ gìn cơ nghiệp, làm rộng lớn thêm công đức của tiền nhân. Trẫm mong thần dân hết lòng phụ tá. Hỡi Bá Ngọc, ngươi thật có phong độ quân tử. Hãy sửa sang giáo mác để dự phòng những việc bất trắc, chớ làm sai mệnh. Trẫm dù nhắm mắt cũng không ân hận gì”.

Sự lựa chọn của Lý Nhân Tông không nhầm. Dương Hoán lên ngôi lấy hiệu là Lý Thần Tông, tiếp tục giữ cho triều đại nhà Lý được hưng thịnh.

Những lời cuối cùng của Di chiếu thật thống thiết:

“Than ôi! Mặt trời đã xế, tấc bóng khôn dừng, trăng trối mấy lời, nghìn năm vĩnh quyết! Các ngươi nên thực lòng kính nghe lời Trẫm, tỏ bày với các bậc vương công và bá cáo cho mọi người cùng biết”.

Giờ đây khi đọc lại bản Lâm chung di chiếu viết cách nay gần 10 thế kỷ, chúng ta càng thấy sở dĩ dưới triều Lý Nhân Tông nước ta được hưởng thái bình thịnh trị là nhờ người lãnh đạo luôn đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết, kiên quyết với kẻ địch, tôn trọng và biết dùng người tài, có tâm hồn nhân hậu, bao dung, cho đến phút lâm chung vẫn một lòng thương yêu dân, lo cho dân được sống yên bình hạnh phúc.

Lâm chung di chiếu tuy ngắn gọn nhưng đã thể hiện được những phẩm chất cao quý của một vị minh quân được nhân dân Việt Nam muôn đời ca ngợi.

PHỤ LỤC
臨終遺詔
朕聞,生勿之動,無有不死。死者,天地之大數,物理 當然,而舉世之人莫不榮生而惡死。厚葬以棄業,重服以損 性;朕甚不取焉。予既寡德,無以安百姓,及至殂落,又使 元元衰麻在身,晨昏臨哭,減其飲食,絕其祭祀,以重予 過,天下其謂予何?
朕悼早歲而嗣膺大寶,居侯王上,嚴恭夤畏,五十有六 年。賴祖宗之靈,皇天孚佑,四海無虞,邊陲微警,死得列 于先君之後,幸矣,何其 興哀!
朕自省斂以來,忽攖弗豫,病既彌畱,恐不及警,逝言 嗣而。太子陽煥,年已周紀,多有大度,明允篤誠,忠肅恭 懿,可依朕之舊典,即皇帝位。
肆爾童孺,誕受厥命,繼體守業,多大前功。仍仰爾臣 庶,一心弼亮。
次爾伯玉,實丈人器,飾爾戈矛,預備不虞,毋替厥命。 朕之暝目,無遺恨矣。
喪則三日釋服,宜止哀傷。葬則依漢文儉約為務,無別起 墳陵,宜侍先帝之側。

嗚呼!桑榆欲逝,寸晷難停;蓋世氣辭,千年永訣! 爾宜誠意,祗聽朕言,明告王公,敷陳內外。

Bản Hán-Việt của “Lâm chung di chiếu”

Trẫm văn, sinh vật chi động, vô hữu bất tử. Tử giả, thiên địa chi đại số, vật lý đương nhiên, nhi cử thế chi nhân mạc bất vinh sinh nhi ố tử. Hậu táng dĩ khí nghiệp, trọng phục dĩ tổn tính; trẫm thậm bất thủ yên. Dư ký quả đức, vô dĩ an bách tính, cập chí tồ lạc, hựu sử nguyên nguyên thôi ma tại thân, thần hôn lâm khốc, giảm kỳ ẩm thực, tuyệt kỳ tế tự, dĩ trọng dư quá, thiên hạ kỳ vị dư hà?

Trẫm điệu tảo tuế nhi tự ưng đại bảo, cư hầu vương thượng, nghiêm cung di uý, ngũ thập hữu lục niên. Lại tổ tông chi linh, hoàng thiên phu hựu, tứ hải vô ngu, biên thuỳ vi cảnh, tử đắc liệt vu tiên quân chi hậu, hạnh hĩ, hà kỳ hưng ai!

Trẫm tự tỉnh liễm dĩ lai, hốt anh phất dự, bệnh ký di lưu, khủng bất cập cảnh, thệ ngôn tự nhi. Thái tử Dương Hoán, niên dĩ chu kỷ, đa hữu đại độ, minh doãn đốc thành, trung túc cung ý, khả y trẫm chi cựu điển, tức hoàng đế vị.

Tứ nhĩ đồng nhụ, đản thụ quyết mệnh, kế thể thủ nghiệp, đa đại tiền công. Nhưng ngưỡng nhĩ thần thứ, nhất tâm bật lượng.

Tư nhĩ Bá Ngọc, thực trượng nhân khí, sức nhĩ qua mâu, dự bị bất ngu, vô thế quyết mệnh. Trẫm chi minh mục, vô di hận hĩ.

Tang tắc tam nhật thích phục, nghi chỉ ai thương. Táng tắc y Hán văn kiệm ước vi vụ, vô biệt khởi phần lăng, nghi thị tiên đế chi trắc.

Ô hô! tang du dục thệ, thốn quỹ nan đình; cái thế khí từ, thiên niên vĩnh quyết!

Nhĩ nghi thành ý, chi thính trẫm ngôn, minh cáo vương công, phu trần nội ngoại.

Nguồn: Đại Việt sử ký toàn thư, Hoàng Việt văn tuyển.

Bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Đức Vân:

“Trẫm nghe: các giống sinh vật không giống nào không chết.

Chết là số lớn của trời đất, là lẽ đương nhiên của muôn loài. Thế mà người đời không ai không ham sống, ghét chết. [Có người] chôn cất linh đình đến huỷ hoại cả cơ nghiệp; [có người] coi trọng việc tang chế đến hao tổn cả tính mệnh, trẫm rất không ưa. Trẫm đã ít đức, không làm gì cho trăm họ được yên đến khi chết đi lại bắt dân chúng mặc xô gai, sớm tối khóc lóc, giảm ăn uống, bỏ cúng tế, để làm nặng thêm lỗi lầm của trẫm thì thiên hạ sẽ bảo trẫm là người như thế nào?

Trẫm vẫn sót vì tuổi nhỏ phải đảm đương ngôi báu lớn, ở trên các vương hầu, lúc nào cũng nghiêm kính sợ hãi, đến nay đã năm mươi sáu năm. Nhờ anh linh của tổ tông và hoàng thiên tin giúp nên bốn bể yên lành, biên thuỳ ít loạn, đến khi chết đi được dự đứng sau tiên đế là may lắm rồi, việc gì còn phải khóc thương!

Trẫm từ khi đi xem dân gặt hái đến nay, trong mình bỗng thấy không khoẻ, bây giờ bệnh đã trầm trọng, sợ không kịp căn dặn đầy đủ, nên hãy thận trọng mà nói việc kế tự thôi! Thái tử Dương Hoán tuổi đã tròn mười hai, có độ lượng, thông minh, thành thực trung hậu, ôn hoà nghiêm kính, có thể theo phép cũ của trẫm, lên ngôi hoàng đế.

Này đứa trẻ thơ, con hãy vâng nhận mệnh ta, nối dõi thể thống, giữ gìn cơ nghiệp, làm rộng lớn thêm công đức của tiền nhân. Trẫm mong thần dân hết lòng phụ tá.

Hỡi ngươi Bá Ngọc, [ngươi] thực có phong độ người quân tử. Hãy sửa sang giáo mác để dự phòng những việc bất trắc, chớ làm sai mệnh trẫm, trẫm dù nhắm mắt cũng không ân hận gì.

Việc tang thì sau ba ngày nên bỏ áo trở, thôi khóc than. Chôn cất thì nên theo cách kiệm ước của Hán Văn Đế, không cần xây lăng tẩm riêng, hãy để trẫm được hầu bên cạnh tiên đế.

Than ôi! Mặt trời đã xế, tấc bóng khôn dừng; trăng trối mấy lời, nghìn năm vĩnh quyết!

Các ngươi nên thực lòng kính nghe lời trẫm, tỏ bày với các bậc vương công và bá cáo cho mọi người cùng biết”.

Nguồn: Thơ văn Lý Trần (tập I), NXB Khoa học xã hội, 1977.

Tác giả: Nguyễn Hải Hoành
Phật học Từ Quang (tập 44)

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường